Trọng kính quý Cha, quý Bề trên và quý Cha giáo,
Kính thưa quý Xơ giáo cùng quý Xơ Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình,
Các bạn Thỉnh sinh rất thân mến!
Hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng chín người người, nhà nhà, trường trường; đời cũng như đạo nô nức chuẩn bị cho ngày khai giảng, bước vào năm học mới - một chu kỳ mới cho chương trình đào tạo.
Đối với cái nhìn ngoài xã hội, bước vào ‘năm học mới’ người ta hy vọng sẽ thu hoạch được nhiều thành quả tốt đẹp trong việc dạy và học. Người thụ huấn thì mong học được nhiều kiến thức mới; người dạy thì mong hoàn thành nhiệm vụ, cuối năm có học trò học giỏi, đạt điểm cao trong các kỳ thi.
Tuy nhiên, theo tôi ‘năm học mới’ không hoàn toàn chỉ là khởi đầu cho việc học con chữ, kiến thức mà còn phải là khởi đầu cho việc đào tạo con tim được bắt đầu từ những gì người ta tiếp thu được qua lý trí là khối óc. Cách riêng, với những môn sinh của thầy Giêsu, những người sống đời thánh hiến thì ‘năm học mới’ nên được gọi là “thời kỳ ân sủng mới”. Tức là, người huấn sinh không chỉ được “đào tạo” trong các năm hiến định mà còn “tự đào tạo” chính mình trong suốt hành trình ơn gọi tu trì.
Vâng, “Đào tạo và tự đào tạo” là cụm từ tôi rất thích, bởi lẽ cụm từ này làm nổi bật ý hướng mục tiêu của cả người dạy và người học.
Trong quá khứ, nền giáo dục của chúng ta bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục Nho giáo nên có khuynh hướng, coi người thầy, người cô là: “Thầy dạy, ông đồ, người chứa đựng kiến thức” như là một quyển bách khoa toàn thư, một thư viện di động ban phát kiến thức cho học trò... nên xem ra người ta đề cao vai trò chủ động của người thầy.
Trong khi, người học trò ngồi dưới, mắt chữ o, miệng chữ a, chỉ biết thụ động ngồi nghe, và ghi chép không thiếu chữ nào, về nhà học thuộc lòng. Đến ngày thi viết đúng, viết đủ và viết chữ đẹp sẽ được điểm tuyệt đối.
Và rồi thực tế đã chứng minh rằng, có rất nhiều người nhờ vở sạch chữ đẹp nên lúc nào cũng được làm công việc ghi ghi chép chép, đúng công thức và cuối tháng lãnh lương chỉ đủ nuôi bản thân chứ không có để nuôi con và báo hiếu cha mẹ; một số khác tìm mọi cách, bằng mọi giá xoay sở cho bằng được những tấm bằng cho có “học hàm học vị” chứ không giúp gì cho đời, cho người.
Tôi nói điều này không có ý chê bai hay bác bỏ những người vở sạch chữ đẹp, những người học giỏi chuyên môn mà chỉ muốn nói rằng chúng ta cần phải ‘học đi đôi với hành,học nữa, học mãi’, học hơn những gì mình được thầy giáo chỉ dạy trên lớp, tránh não trạng “thầy ngồi trên giảng, trò ngồi dưới ghi, ghi và chỉ ghi”.
Vâng, “đào tạo và tự đào tạo” là gì nếu không phải giáo sư chỉ cho học trò một hướng đi, học trò phải biết tự đào tạo mình bằng việc kết hợp nhiều phương pháp học từ nhiều kênh khác nhau: học từ thầy dạy trên lớp, học từ việc tìm hiểu qua sách báo và đặc biệt là học từ chính cuộc sống hiện tại nơi cộng đoàn qua những người sống bên cạnh ta, để thấy được rằng không cần phải đi đâu xa, ở nhà ta cũng có thể học. Đơn giản như là người không ưa ta dạy cho ta kinh nghiệm sống và người yêu thương ta dạy cho ta những bài học quí giá về tình yêu và lòng bao dung của Thầy Giêsu chí thánh.
Trong Hiến Pháp của Dòng Đa Minh, số 77§1 có ghi: “Việc học hành của chúng ta phải nhằm hết sức chính yếu và mạnh mẽ vào điểm này là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân.” Trong § 2 còn thêm: “Nhờ học hành anh em nghiền ngẫm sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa và chuẩn bị phục vụ Hội thánh và mọi người về phương diện đạo lý; hơn nữa, cần phải chuyên tâm học hỏi, vì theo truyền thống của Dòng, anh em được đặc biệt kêu gọi để vun trồng khuynh hướng của con người là tìm chân lý.”
Như vậy, ta có thể thấy thánh Đa Minh đã thánh hoá việc học hành và nghiên cứu. Đến độ những quy định về học hành cũng quan trọng như những quy định về Thánh lễ Tu viện, Các Giờ Kinh Phụng Vụ, cầu nguyện và giảng thuyết. Những luật này đã làm cho việc học hành trở thành bổn phận thánh đối với người Đa Minh; một nghĩa vụ cũng bắt buộc như việc cầu nguyện. Nên nhớ rằng đối với Dòng Đa Minh chúng ta: “Học là khổ chế”.
Đến đây, đừng có ai nói là vì tôi bận cầu nguyện nên không thể học; vì việc bác ái cần hơn nên không cần học; vì bận học nên bỏ cầu nguyện… nhưng cũng đừng ai lợi dụng học mà quên bổn phận của mình đối với Chúa và với nhau.
Trong năm hiệp hành này, chúng ta hãy cùng nhau thực hành tinh thần hiệp hành ngay trong chính môi trường học đường: Thầy và trò cùng đi với nhau trong Chúa; cùng trao đổi kiến thức và chuyển trao đức tin cho nhau. Chúng ta cùng nhìn lên thánh Albertô và thánh Tôma Aquinô là những biểu tượng cho nguồn lực thánh hoá và sức sống thiêng liêng của việc học vì lòng yêu mến các linh hồn.
Kính chúc quý Bề trên, quý cha Giáo, dì Giáo đầy tràn sức khoẻ và ơn Chúa; chúc quý sơ và các bạn ngày càng thăng tiến trong đời sống thiêng liêng và tri thức qua bàn tay nâng đỡ, dìu dắt và hướng dẫn của quý Giáo sư dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Đại diện Ban Giáo sư
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Hoàng, OP.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 54 | Tổng lượt truy cập: 2,798,167