Các điều kiện để lãnh nhận ân xá

  • 25/10/2022 20:25
  • WHĐ (25.10.2022) - Chung quanh vấn đề ân xá, chúng tôi nhận được một số thắc mắc như sau: Đâu là những đòi hỏi/điều kiện để được hưởng ân xá? Có những trường hợp nào hoặc dịp đặc biệt nào và kèm theo thi hành công việc nào để có thể lãnh nhận ân xá? Phải làm gì để thỏa mãn điều kiện cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (= ĐGH)?

    CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ÂN XÁ

    Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

    WHĐ (25.10.2022) - Chung quanh vấn đề ân xá, chúng tôi nhận được một số thắc mắc như sau: Đâu là những đòi hỏi/điều kiện để được hưởng ân xá? Có những trường hợp nào hoặc dịp đặc biệt nào và kèm theo thi hành công việc nào để có thể lãnh nhận ân xá? Phải làm gì để thỏa mãn điều kiện cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (= ĐGH)? Bài viết này nhằm giải đáp những câu hỏi trên bằng cách tập trung trình bày và diễn giải các điều kiện để lãnh nhận ân xá.


    I/ CÁC ĐIỀU KIỆN

    II/ GIẢI THÍCH TỪNG ĐIỀU KIỆN

          1/ Là người đã được rửa tội

          2/ Không bị vạ tuyệt thông

          3/ Sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc công tác phải làm

          4/ Có ý định muốn lãnh nhận ân xá

          5/ Thi hành những công tác như đã ấn định

          6/ Xưng tội

          7/ Rước lễ

          8/ Cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng

          9/ Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội, dù là tội nhẹ

    III/ THAY LỜI KẾT


    I/ CÁC ĐIỀU KIỆN

    Trước hết, chúng ta cần phân biệt 2 cấp độ: ân xá nói chung (ân xá từng phần/ơn tiểu xá/ơn phần xá) và ân xá nói riêng (ơn đại xá/ơn toàn xá).[1]

    1/ Để được hưởng ân xá nói chung/ân xá từng phần/ân xá bán phần/ơn tiểu xá/ơn phần xá (indulgentia partialis), tín hữu cần đáp ứng những đòi hỏi sau: (1) phải là người đã rửa tội, (2) không bị vạ tuyệt thông, (3) sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc công tác phải làm (Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban [=SBAX], “Quy Chế” N. 17 § 1;[2] Bộ Giáo Luật [=BGL], số 996); (4) phải có ý định muốn thủ đắc ân xá; (5) thi hành những công tác vào thời gian và theo cách thức mà giáo quyền đã định (SBAX, “Quy Chế” N. 17 § 2; BGL 996).

    2/ Để được hưởng ơn đại xá/ơn toàn xá/ân xá toàn phần (indulgentia plenaria), ngoài những tiêu chuẩn nêu trên thì còn phải thêm những đòi hỏi khác nữa, đó là: (6) xưng tội; (7) rước lễ; (8) cầu nguyện theo ý ĐGH; (9) dứt bỏ lòng quyến luyến các tội, dù là tội nhẹ (SBAX, “Quy Chế” N. 20 § 1).

    II/ GIẢI THÍCH TỪNG ĐIỀU KIỆN 

    1/ Là người đã được rửa tội

    Phải là người đã được rửa tội mới có thể lãnh nhận ân xá vì Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là cửa ngõ dẫn các tín hữu đi vào đời sống thần linh và mọi Bí tích khác, giúp họ đến được với kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo [=GLCG], số 213). Thực vậy, toàn bộ đời sống siêu nhiên của người Ki-tô hữu đều bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy (GLCG 1266). Bí tích này chính là Bí tích đầu tiên trong các Bí tích nhờ đó người dự tòng được tháp nhập vào trong Giáo Hội và rồi được dự phần trong mầu nhiệm “các thánh thông công” (GLCG 1474-1477). Bởi vậy, dẫu phép lành có thể ban cho cả các dự tòng, và hơn thế, cho cả các người ngoài Công giáo (trừ khi Giáo Hội ngăn cấm), nhưng bất kỳ ai chưa chịu Phép Thánh Tẩy, họ không thể lãnh nhận ân xá (BGL 1170); họ càng không thể lãnh nhận ơn toàn xá với những đòi hỏi đi kèm vốn chỉ các tín hữu mới có thể thi hành như xưng tội (Bí tích Hòa Giải) và rước lễ (Bí tích Thánh Thể).

    2/ Không bị vạ tuyệt thông

    Tín hữu không bị vạ tuyệt thông mới có thể lãnh nhận ân xá bởi vì đây là hình phạt nặng nhất theo giáo luật trong đó những người bị vạ này bị cấm nhận lãnh các Bí tích và hành xử một số tác vụ trong Hội Thánh (GLCG 1463; BGL 1331). Thêm nữa, vạ tuyệt thông không loại trừ trường hợp người bị vạ có thể ở trong tình trạng tội trọng, ngược lại với điều kiện để tiếp nhận ân xá mà chúng ta nói ngay sau đây, đó là phải sống trong tình trạng ân sủng.

    3/ Sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc công tác phải làm

    Tiêu chuẩn này có nghĩa là tín hữu muốn lãnh nhận ân xá phải ở trong tình trạng sạch tội trọng. Tình trạng ân sủng hay đời sống ân sủng của chúng ta sẽ bị tiêu tan hoàn toàn nếu phạm tội trọng. Trước Thiên Chúa, ai dám tuyên bố mình công chính và vô tội. Vì thế, điều kiện này không đòi người ta phải sạch tội trọng luôn luôn, mà chỉ cần sống trong ơn nghĩa cùng Chúa vào lúc kết thúc công việc phải làm. Về vấn đề này, tín hữu phải tránh 2 thái cực: một là quá tự phụ hay đánh lừa mình: coi mình chắc chắn đang sống trong ơn nghĩa Chúa một cách dễ dãi; hai là “quá đỗi lo lắng” một cách không chính đáng rằng mình đang lỗi phạm nghiêm trọng đến Chúa (GLCG 2092).    

    Ba điều kiện vừa nêu trên được gọi là những yếu tố nền tảng cho việc lãnh nhận ân xá.

    4/ Có ý định muốn lãnh nhận ân xá

    Có nhiều cách thế khác nhau để diễn tả ý định muốn lãnh nhận ân xá. Chẳng hạn chúng ta có thể thưa lên cùng Chúa lớn tiếng hay thầm thĩ trong lòng về ước muốn này của mình. Thỉnh thoảng, chúng ta chỉ cần đơn giản lặp lại như thế để làm mới lại ý định muốn lãnh nhận ân xá. Ý định ở đây có thể là có ý chung chung cũng đủ, hoặc ý thường kỳ tỏ ra một lần mà không rút lại.[3] Tốt nhất, chúng ta nên bày tỏ ý định chung chung này vào giờ cầu nguyện ban sáng hầu có thể lãnh nhận tất cả mọi khả thể ân xá mỗi ngày. Ý định này là một cách thức quan trọng cho thấy chúng ta muốn hợp tác với Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ của Người. Nó cũng dẫn đưa chúng ta vào trong mối tương quan con thảo với Mẹ Hội Thánh một cách ý thức hơn.[4]

    5/ Thi hành những công tác như đã ấn định 

    Nói một cách một cách đầy đủ hơn như trong Bộ Giáo Luật (số 996): “để đương sự có năng cách được thực thụ hưởng ân xá, cần phải […] thi hành những công tác vào thời gian và theo cách thức mà giáo quyền đã định.” Những công tác và cách thức được giáo quyền ấn định nằm trong Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban có thể là đọc một kinh nào đó hay thi hành một việc đạo đức nào đó, nhưng cũng có 4 ơn tiểu xá không đòi hỏi gắn liền với công tác cụ thể nào.

    a/ Ơn tiểu xá không đòi hỏi gắn liền với công tác cụ thể nào (SBAX, “Bốn Ân Ban Nói Chung” [Quattuor Concessiones Generaliores] I, II, III, IV): 

    - Khi chu toàn bổn phận và chịu đựng những gánh nặng của cuộc đời, người tín hữu hướng tâm hồn lên Chúa với lòng tin tưởng và khiêm tốn, thầm thỉ xin Ngài giúp đỡ (Ibid., I).

    - Khi do đức tin thúc đẩy, người tín hữu hiến dâng bản thân hay tài sản để giúp đỡ những anh chị em thiếu thốn (Ibid., II).

    - Khi vì tinh thần thống hối, người tín hữu tự nguyện khước từ những điều hợp pháp và làm họ vui thích (Ibid., III).

    - Khi tự ý làm chứng đức tin trước mặt người khác, trong những hoàn cảnh đặc biệt của cuộc sống ((Ibid., IV).

    b/ Ơn tiểu xá gắn liền với công tác cụ thể (chỉ nêu một số):

    - Những kinh nguyện kèm theo ơn tiểu xá: Kinh Đền Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu “Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội...” (đọc ngoài ngày Lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa) (x. Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban, “Các Ân Ban Khác” (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones, “Aliae Concessiones”, 3); Kinh Tạ Ơn Sau Khi Rước Lễ/Kinh Rước Lễ Thiêng Liêng (Ibid., 8 § 2); Kinh Ăn Năn Tội/Kinh Cáo Mình (Ibid., 9 § 2); Kinh Mân Côi [không ở trong nhà thờ/nhà nguyện, không ở trong gia đình/Tu hội/Hội đoàn, không ở trong các nhóm hội họp cầu nguyện] (Ibid., 17 § 1); Kinh Ngợi Khen “Magnificat” (Ibid., 17 § 2); Kinh Thiên Thần Bản Mệnh/Hộ Thủ (Ibid., 18); Kinh Ông Thánh Giuse “Lạy ơn Ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng người...” (Ibid., 19); Kinh kính nhớ vị Thánh theo Lịch Phụng vụ (Ibid., 21); Các Kinh Cầu Chúa Giêsu (= Kinh Cầu Tên Rất Thánh Đức Chúa Giêsu; Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu; Kinh Cầu Máu Thánh Châu Báu Đức Chúa Giêsu Kitô)/Kinh Cầu Đức Bà/Kinh Cầu Thánh Giuse/Kinh Cầu Các Thánh (Ibid., 22 § 2); Kinh khởi đầu và kết thúc một ngày/Kinh khởi đầu và kết thúc một việc/Kinh trước và sau bữa ăn (Ibid., 26 § 2-3); Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ/Kinh Tin Kính Công Đồng Nicea-Constantinopoli/Kinh Tin, Cậy, Mến (Ibid., 28 § 2)

    - Việc làm cụ thể: Viếng Thánh Thể (dưới nửa giờ) và đọc Kinh Kính Mình Thánh Chúa [ví dụ: Tantum ergo…] (Ibid., 7); Kính cẩn dùng các vật dụng tôn giáo đã được linh mục/phó tế làm phép (Ibid., 14); Cầu nguyện thầm thĩ cách sốt sắng (Ibid., 15); Lặp lại lời hứa Phép Rửa tội của mình với bất cứ công thức nào [không vào ngày kỷ niệm Rửa Tội và không phải trong Lễ Vọng Phục Sinh] (Ibid., 28 §2, 1); Làm Dấu Thánh Giá cách trang trọng và đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen (Ibid., 28 § 2, 2), v.v...

    Lưu ý 1: Tuy là những lời kinh và công việc đơn giản, nhưng vẫn đòi hỏi chúng ta thi hành một cách đúng đắn, không qua loa cũng không nên lơ là hay xem thường.

    c/ Để được hưởng ơn toàn xá, Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban [ấn bản 1999]” liệt kê nhiều trường hợp, nhưng ở đây chỉ nêu các lời kinh và việc làm/dịp quen thuộc:

    - Kinh nguyện: Kinh Dâng Loài Người Cho Chúa Kitô Vua [cách công khai, trong ngày Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ] “Lạy Đức Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng là Đấng đã chuộc tội loài người ta... (Ibid., 2); Kinh Đền Tạ Thánh Tâm Chúa [trong ngày Lễ Trọng Kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu] “Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội…(Ibid., 3); Sốt sắng đọc Kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, trong hội dòng, gia đình, với hội đoàn tín hữu, hoặc với một nhóm tín hữu, hoặc với ĐGH qua phương tiện truyền thông phát thanh/truyền hình [Chỉ năm chục cũng được, nhưng phải đọc liên tục, không cách quãng] (Ibid., 17 § 1,1; § 2); Sốt sắng đọc hoặc hát Kinh Te Deum vào ngày cuối năm (Ibid., 26 §1,2), v.v...

    - Việc làm/dịp đặc biệt: Đón nhận Phép lành Tông Tòa với ơn toàn xá của Đức Thánh Cha (Benedictio Papalis) cho Rôma và Thế giới (Urbi et Orbi), một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua truyền hình/truyền thanh, vào những dịp trọng đại [chẳng hạn như dịp Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, nhân dịp đăng quang Giáo hoàng hay Năm Thánh…].  (Ibid., 4); Tham dự thánh lễ trong đó Đức Giám mục chính tòa ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá ba lần một năm vào các dịp lễ trọng đặc biệt mà ngài chỉ định (Ibid., 7 § 2; Sách Lễ nghi Giám mục, các số 1122-1126); Tham dự thánh lễ trong đó Tòa Ân Giải Tối Cao ra Sắc lệnh cho phép ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá kèm theo [theo thỉnh nguyện]; Chầu Mình Thánh Chúa ít nhất nửa giờ (Ibid., 7 § 1,1); Sốt sắng hát Tantum Ego (Đây Nhiệm tích ...) sau Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh [lúc cất Mình Thánh Chúa cách trọng thể] (Ibid., 7 § 1,2); Tham dự Rước Kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa [vào ngày Lễ trọng Mình và Máu Chúa Kitô] (Ibid., 7 §1,3); Ơn Toàn Xá được ban cho người rước lễ lần đầu và những ai sốt sắng tham dự Thánh lễ này ( Ibid., 8); Tham dự trọn vẹn ít nhất ba ngày tĩnh tâm  (Ibid., 10); Sốt sắng suy tôn Thánh giá trong nghi thức phụng vụ trọng thể Thứ Sáu Tuần Thánh (Ibid., 13 §1); Tự mình viếng đủ 14 Chặng Đàng Thánh giá, suy niệm và đọc thành tiếng lời nguyện ngắm có sẵn (Ibid.,  13 § 2a); Ơn toàn xá cho linh mục dâng Lễ Mở Tay và tín hữu sốt sắng tham dự Thánh Lễ ấy (Ibid., 27 § 1); O&n toàn xá cho linh mục dâng Lễ kỷ niệm 25, 50, 60, 70 năm thụ phong linh mục và tín hữu sốt sắng tham dự Thánh Lễ ấy (Ibid., 27 § 2); Tuyên lại lời hứa Phép Rửa Tội trong Lễ Vọng Phục Sinh/trong ngày kỷ niệm Rửa Tội ((Ibid., 28 § 1); Viếng đất thánh vào bất cứ ngày nào từ 1 đến 8 tháng 11 và cầu nguyện cho người qua đời ((Ibid., 29 § 1, 1); Kính viếng Nhà thờ hoặc Nhà nguyện vào ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn, đọc một Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính ((Ibid., 29 § 1, 2); Đọc Kinh Thánh ít nhất nửa giờ [với sự kính trọng Lời Chúa, như đọc sách thiêng liêng] (Ibid., 30 §1) - Nếu có lý do chính đáng không thể đọc được, thì có thể nghe người khác đọc, hoặc nghe qua máy phát thanh hay phát hình ((Ibid., 30 § 2), v.v...

    Lưu ý 2: Trong khi hầu hết các ân xá, cả ơn tiểu xá lẫn ơn toàn xá, đều được lãnh nhận qua đọc kinh hay thi hành một công tác đạo đức nào đó như phần việc của ân xá, nhưng để hưởng ơn toàn xá thì Hội Thánh đòi hỏi những lời kinh và công tác thêm vào mà thường được gọi là “những điều kiện thông thường”. Những điều kiện thông thường chính là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH: 

    6/ Xưng tội 

    Việc xưng tội ở đây được hiểu là trực tiếp đến tòa giải tội để lãnh nhận Bí tích Giao hòa (SBAX, “Quy Chế” N. 20 § 2). Dẫu rằng việc ăn năn tội cách trọn rất đáng ca ngợi, nó giúp chúng ta chống lại khuynh hướng nghiêng về đàng tội, và khi được thực hiện với lòng thành, sẽ làm tâm hồn chúng ta trở nên trong trắng,[5] nhưng hành vi này không đáp ứng yêu cầu là lãnh nhận Bí tích Hòa Giải thì mới được hưởng ơn toàn xá. Thời điểm xưng tội có thể diễn ra trước hoặc sau dịp lãnh nhận ân xá vài ngày (SBAX, “Quy Chế” N. 20 § 3).  Chính hạn từ “vài ngày” dẫn đến sự cắt nghĩa chủ quan và sai chệch của một số người về thời hạn xưng tội. Chúng ta phải dựa vào hướng dẫn của Hội Thánh: Trước đây, luật cũ định là trước hoặc sau 8 ngày (BGL [1917] 931 § 1). Còn theo chỉ dẫn của Tòa Ân Giải Tối Cao hiện nay, việc xưng tội phải diễn ra “trong vòng khoảng 20 ngày trước hoặc sau hành vi lãnh nhận ân xá”.[6] Như vậy, những ai xưng tội hằng tháng coi như đã thỏa mãn đòi hỏi này vì trước hoặc sau 20 ngày của hành vi lãnh nhận ân xá sẽ lên đến 40 ngày, tức là đủ điều kiện về xưng tội để lãnh ơn toàn xá cho mọi ngày.

    7/ Rước lễ

    Thứ nhất, rước lễ ở đây phải là rước lễ Bí tích chứ không phải rước lễ thiêng liêng. Thứ hai, không phải là rước lễ cách bất xứng/phạm thánh, nhưng là rước lễ trong tình trạng ân sủng (GLCG 1385, 1475) “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể” (BGL 916). Thứ ba, tốt nhất là việc rước lễ được thực hiện mỗi ngày/cùng ngày khi lãnh nhận ân xá.[7] Tuy nhiên, cũng như việc xưng tội, thời điểm chịu lễ có thể diễn ra trước hay sau hành vi/dịp được ơn toàn xá một số ngày, theo quyết định của Tòa Ân Giải Tối Cao hiện nay, là trong vòng khoảng 20 ngày trước hoặc sau hành vi/công việc kèm theo lãnh nhận ân xá.[8] 

    Lưu ý 3: Bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn việc xưng tội và rước lễ cho những người không thể tuân giữ được vì những lý do bất khả kháng (chẳng hạn như ở quá xa nhà thờ, hoặc đau ốm bệnh tật…). Những người này phải dốc lòng ăn năn tội, cùng có ý hướng xưng tội và rước lễ sớm nhất có thể (SBAX, “Quy Chế” N. 25).

    8/ Cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng

    Đối với điều kiện này, thứ nhất, chúng ta không cần thiết phải biết tường tận và chi tiết ý nguyện của ĐGH là gì; thứ hai, Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban hướng dẫn rõ rằng cầu nguyện theo ý ĐGH được diễn tả bằng việc đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng là đủ, nhưng vì lòng đạo đức mà đọc thêm những kinh khác cũng là điều tốt (SBAX, “Quy Chế” N. 20 § 5); thứ ba, hiện nay Hội Thánh không đòi hỏi một tư thế đặc biệt nào khi đọc kinh cầu nguyện theo ý ĐGH nữa.[9]

    Lưu ý 4: “Quy Chế” số N. 19 trong “Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban” cho biết: Việc làm để lãnh ơn toàn xá liên hệ tới nhà thờ hay nhà nguyện thì gồm hành vi kính viếng nhà thờ/nhà nguyện, đồng thời nguyện cầu một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, trừ khi có chỉ dẫn khác. Đây là việc làm được chỉ định của ơn toàn xá. Còn việc cầu nguyện theo ý ĐGH thì vẫn phải thi hành, không nên hiểu cách khác và không được tự miễn. Nhiều người nhầm lẫn việc cầu nguyện theo ý ĐGH là đọc Một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính. Trong tất cả các ấn bản của cuốn “Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy Chế Và Ân Ban” được công bố/xuất bản sau Công Đồng Vatican II (lần thứ I vào tháng 6/1968; lần thứ II vào tháng 10/1968; lần thứ III vào năm 1986 (18/05/1986) và lần thứ IV vào năm 1999 (16/07/1999), không có bản văn nào ghi rằng cầu nguyện theo ý ĐGH thì đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính cả, nhưng đều ghi là được hoàn thành bằng việc đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng.[10]

    Lưu ý 5: Ba điều kiện xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH, có thể làm trước, hoặc sau mấy ngày của ngày làm việc có ơn toàn xá. Tuy nhiên, Rước Lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH nên cùng ngày với ngày làm việc của ơn toàn xá (SBAX, “Quy Chế” N. 20 § 3). Nếu việc thực hiện ơn toàn xá thiếu hoàn hảo, hoặc nếu việc làm và ba điều kiện vừa nêu không trọn vẹn, thì chỉ còn là ơn tiểu xá/ơn phần xá (Ibid., N. 20 § 4). Chi một lần xưng tội là đủ cho việc lãnh nhận một số các ơn toàn xá, còn rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH thì phải thực hiện cho mỗi lần lãnh ơn toàn xá (Ibid., N. 20 § 2). Nhưng vì tín hữu được phép rước lễ 2 lần/ngày (BGL 917) và thời điểm rước lễ có thể diễn ra trước, hoặc sau 20 ngày của ngày làm việc có ơn toàn xá, nên mặc dù chỉ được lãnh nhận một ơn toàn xá mỗi ngày, chúng ta có thể áp dụng lần rước lễ thứ hai cho lần lãnh nhận ơn toàn xá khác.[11] 

    9/ Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội, dù là tội nhẹ

    Đây là đòi hỏi được xem là khó khăn nhất trong tất cả những điều kiện cần thiết để hưởng ơn toàn xá. Cần lưu ý rằng thoát khỏi mọi tội lỗi và dứt bỏ lòng quyến luyến các tội là hai điều rất khác nhau. Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội không phải là thoát khỏi mọi tội, mà là không có tội nào mà linh hồn không muốn xa tránh hoặc không sẵn sàng từ bỏ chúng. Người dứt bỏ lòng quyến luyến các tội vẫn có thể phạm tội,[12] điều quan trọng là tỏ ra thực sự ghét tội, thực lòng sám hối ăn năn lập tức về những yếu đuối tội lỗi của mình, kể cả những tội nhẹ nhất, tìm kiếm và đón nhận ơn tha thứ của Chúa.  Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội không chỉ dừng lại ở cam kết và tìm cách tránh xa tội lỗi, dù là tội nhẹ, vì chúng chống lại sự thiện hảo vô cùng của Thiên Chúa. Đó chỉ là bước đầu. Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội đòi hỏi phải loại trừ mọi nuông chiều hướng về tội và không tự mở đường cho tội hoành hành dưới bất cứ điều kiện nào. Tất cả hành xử này phát xuất từ lòng kính sợ Chúa, ước muốn làm đẹp lòng Chúa, khao khát phụng sự Chúa mạnh mẽ đến độ vượt lên trên sức hút của cám dỗ phạm tội, và không muốn bản thân quay về với đường xưa lỗi cũ mà làm mất lòng Chúa nữa.[13] Khi gặp cám dỗ, nếu đầy quyết tâm và nhiều kháng cự, thì với ơn Chúa giúp, cám dỗ sẽ bị trục xuất. Đó là sự thể hiện lòng không quyến luyến với tội lỗi.[14] Tóm lại, mặc dù vẫn có thể phạm tội, hoặc bị nghiêng chiều về tội lỗi thường xuyên, nhưng bao lâu tâm hồn không dính mắc vào tội lỗi hoặc không còn mong muốn phạm tội với động cơ là kính mến Chúa trên hết mọi sự, chúng ta được coi là dứt bỏ lòng quyến luyến các tội.  

    III/ THAY LỜI KẾT

    “Chính Hội Thánh ban phát ân xá. Nhờ quyền cầm buộc và tháo cởi do Ðức Ki-tô ban, Hội Thánh chuyển cầu cho người Ki-tô hữu và mở cho họ kho tàng công phúc của Ðức Ki-tô và các thánh để Chúa Cha nhân từ tha cho họ những hình phạt tạm phải chịu vì tội. Như thế, Hội Thánh chẳng những muốn nâng đỡ người tín hữu, mà còn khuyến khích họ làm những việc đạo đức, thống hối và bác ái” (GLCG 1478). Vậy chúng ta hãy cố gắng tìm cách thường xuyên lãnh nhận ân xá cho mình và cho người khác hầu vừa tiến nhanh trên đường trọn lành vừa tỏ tình bác ái với tha nhân: một trong những cách chúng ta có thể giúp những tín hữu đã qua đời là nhờ các ân xá để họ được tha các hình phạt tạm thời nơi thanh luyện (GLCG 1479).

    Nguồn tin:  https://hdgmvietnam.com/

     

    [1] Xc. Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật, Quyển 4: Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội (Rôma, 1992), 255-56.

    [2] Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones Quarta editio (Citta del Vatican: Libreria Editrice Vaticana, 1999).

    [3]  Frederick R. McManus, “The Sacrament of Penance”, trong New Commentary on the Code of Canon Law, eds. John P. Beal et als. (NY/NJ: Paulist Press, 2000), 1177.

    [4] Xc. Edward Peters, A Modern Guide to Indulgences (Chicago: HillenbrandBooks/LTP, 2008), 37.

    [5] ĐGH Phanxicô, “Bài giảng Thánh lễ hằng ngày” Thứ Sáu tuần III Mùa
    Chay” (20/03/2020).

    [6] Apostolic Penitentiary (Cardinal William Wakefield Baum), “The Gift of The Indulgence”  (29/01/2000), https://www.vatican.va/roman_curia/tribunals/apost_penit/documents/rc_trib_appen_pro_20000129_indulgence_en.html.

    [7] Xc. Edward McNamara, “Ways to Gain an Indulgence,” The ZENIT Daily Dispatch
    © Innovative Media, Inc. (20 JUNE 2017), 
    https://www.ewtn.com/catholicism/library/ways-to-gain-an-indulgence-4857; Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones, N. 20 § 3.

    [8] Apostolic Penitentiary, “The Gift of The Indulgence” (29/01/2000).

    [9] Seraphinus de Angelis, De Indulgentiis: Tractatus qoad earum naturam et usum, 2d ed. (Citta del Vatican: Libreria Editrice Vaticana, 1950), no. 94.

    [10] Enchiridion Indulgentiarum (1968), N. 29; Enchiridion Indulgentiarum (1986), N. 23; Enchiridion Indulgentiarum (1999), N. 20 § 5.

    [11] Xc. Peters, A Modern Guide to Indulgences, 40.

    [12] Xc. Cardinal Alexis Henri Marie Lepicier, Indulgences, Their Origin, Nature, And Development (Andesite Press, 2017), 343.

    [13] Xc. Apostolic Penitentiary (Cardinal James Francis Stafford), “The Gift of An Indulgence
    During The "Year of The Eucharist" (25/12/2004), 
    https://www.vatican.va/roman_curia/tribunals/apost_penit/documents/rc_trib_appen_doc_20041225_miraculorum-maximum_en.html.

    [14] Xc. Peters, A Modern Guide to Indulgences, 42-43; McNamara, “Ways to Gain an Indulgence,” The ZENIT Daily Dispatch © Innovative Media, Inc. (20 JUNE 2017), https://www.ewtn.com/catholicism/library/ways-to-gain-an-indulgence-4857;. 

    Bài viết liên quan