Quan tài đá với chân dung phụ nữ có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ thứ 4
Như ba bài viết trước trong loạt bài này chứng thực, các bằng chứng từ các biểu tượng và chữ khắc trong lăng mộ về các nữ Kitô hữu thời kỳ đầu, cũng như các tác phẩm đương thời về “các giáo mẫu của Giáo hội”, cho thấy rằng các phụ nữ thực hiện quyền cai quản, phục vụ với vai trò là các góa phụ, phó tế, lãnh đạo các Giáo hội tại gia và đan viện, các nhà rao giảng Tin Mừng, giáo viên, nhà truyền giáo và ngôn sứ. Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ lãnh đạo các phụ nữ khác, mặc dù có những trường hợp ngoại lệ đáng kể, chẳng hạn như nữ phó tế Marthana ở Seleucia (Thổ Nhĩ Kỳ), đã điều hành một đan viện cả nam và nữ ở địa điểm nới Thánh Thecla tử đạo. Những nữ Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai này đã tự do làm chứng và rao giảng bất chấp sự phản đối đáng kể của các nam Kitô hữu thời đó.
Phụ nữ vượt qua sự phản đối như thế nào
Người ta có thể đặt câu hỏi một cách hợp lý rằng sức mạnh và quyền lực nội tại nào đã thúc đẩy các phụ nữ trong Giáo hội sơ khai coi thường những nỗ lực ngăn chặn tiếng nói của họ. Tôi cho rằng điều khiến phụ nữ lên tiếng thay vì im lặng chính là đức tin của họ vào Chúa Kitô phục sinh.
Chúng ta hãy xem xét một quan tài đá với những chi tiết gợi ý rằng ít nhất một nữ Kitô hữu (chúng ta sẽ gọi bà là “Junia” vì không rõ tên thật của bà) có quyền bính.
Trong một hình ảnh được khắc trên quan tài đá, tay trái của bà Junia cầm một bản Kinh Thánh cổ trong khi tay phải của thể hiện cử chỉ bà đang nói. Xếp ở hai bên là các cảnh trong Kinh Thánh bao gồm (từ trái sang phải): Chúa Cha với Cain và Abel, Chúa Kitô với Adam và Eva, cảnh chữa lành người bại liệt, chữa lành người mù, phép lạ tại Cana và phép lạ làm cho Ladarô sống lại. Vài năm trước khi bà Junia qua đời, bà hoặc gia đình bà đã đặt chiếc quan tài được điêu khắc cách độc đáo này để tưởng nhớ bà và những giá trị đã hình thành nên căn tính của bà.
Khi bà Junia qua đời, quan tài của bà được chuyển đến nhà của bà, nơi bà được quàn trong tối đa bảy ngày, để các thành viên trong gia đình, quan khách và bạn bè có thể bày tỏ lòng kính trọng và chiêm ngưỡng quan tài được chạm khắc cẩn thận của bà. Họ bước vào nơi để suy tư về cuộc đời, những giá trị, niềm tin của bà và tất nhiên là ý nghĩa của sự sống và cái chết.
Trong một bài báo xuất bản năm 2004, Tiến sĩ Janet Tulloch, một chuyên gia về các hình ảnh Kitô giáo thời sơ khai, đã nhận xét rằng nghệ thuật cổ xưa được coi là diễn ngôn xã hội nhằm “thu hút người xem với tư cách là người tham gia”. Sử dụng tiêu chí của Tulloch, thật hợp lý khi bà Junia mong muốn những người thân yêu của mình bước vào một nơi chốn và trải nghiệm quyền năng của Đức Kitô để đảo ngược tác động của sự sa ngã - chữa lành người mù và người què, cung cấp thật nhiều rượu trong triều đại mới của Thiên Chúa, và làm cho ông Ladarô (và bà Junia) sống lại từ cõi chết.
Bà Junia lấy thẩm quyền nào để làm chứng và giảng dạy về Đức Kitô? Một gợi ý được tìm thấy khi chúng ta xem xét gương mặt của bà, được điêu khắc cẩn thận gần khuôn mặt của Chúa Kitô đang nghiêng người, miệng như đang thì thầm vào tai bà. Bà Junia và gia đình mong muốn bà được nhớ đến như một người đã giảng dạy với thẩm quyền của Đức Kitô. Những người đưa tang bà không chỉ giao tiếp với bà Junia đã qua đời mà còn với Chúa Kitô, Đấng chữa lành và làm cho sống lại thông qua ý nghĩa được nghệ thuật trên quan tài của bà gợi lên và “thực hiện”. Bà Junia khuyến khích người sống hãy đón nhận Chúa Kitô, Đấng đã trao cho bà thừa tác vụ và là Đấng mà bà làm chứng sau khi qua đời.
Chi tiết về một người phụ nữ đã qua đời (ẩn danh), tay cầm một bản Kinh Thánh và có cử chỉ của một diễn giả, trong khi Chúa Kitô đến gần để nói chuyện với bà
Những người tiên phong sau này
Những người phụ nữ ở thế kỷ thứ 4 này là tiền thân của các nữ tu và tông đồ ở những thời đại sau này, những người đã tin tưởng vào quyền năng của Chúa Kitô để mang lại sự chữa lành và công lý bất chấp sự phản đối. Ví dụ, sự xuất hiện của nền giáo dục công và bệnh viện công ở phương Tây và ở miền Nam bán cầu có thể bắt nguồn từ các dòng nữ từ chối sống đời đan tu để họ được tự do phục vụ người bệnh nghèo và người thất học.
Thánh Clara thành Assisi đã viết nội quy đầu tiên về đời sống đan tu cho phụ nữ. Cộng đoàn của ngài sẽ không còn dựa vào của hồi môn từ những người giàu có nữa. Điều này có nghĩa là tất cả các nữ tu sẽ bình đẳng. Vị giám mục đã phản đối ngài trong nhiều năm chỉ chấp nhận khi thánh nữ sắp qua đời. Bất chấp những lo ngại từ Tòa án dị giáo, Thánh Têrêsa thành Avila đã vạch ra một con đường mới để sống kinh nghiệm có Thiên Chúa hiện diện ở trung tâm cuộc sống chúng ta cũng như trong các hướng dẫn và bí tích của Giáo hội. Trong tác phẩm "Cái chết Đen", Julian thành Norwich đã tuyên bố về một Thiên Chúa nhân từ, Đấng không kết án vĩnh viễn những ai chết trước khi được nhận ơn tha tội, như Giáo hội đã dạy vào thời điểm đó. Nói chung, các nữ Tiến sĩ của Giáo hội (Thánh Têrêsa thành Avila, Thánh Hildegarde thành Bingen, Thánh Têrêsa thành Lisieux và Thánh Catarina thành Siena) đã làm chứng cho một Thiên Chúa thương xót hơn là phán xét.
Những bức phù điêu được chạm khắc trên ngôi mộ của bà Junia, một nữ Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai, cho thấy rằng trải nghiệm hiệp thông với Chúa Kitô phục sinh của bà là nền tảng cho việc rao giảng và giảng dạy của bà bất chấp những lời khuyên phải giữ im lặng. Trong lịch sử lâu dài và đầy thăng trầm của Kitô giáo - và có lẽ đặc biệt là trong lịch sử các dòng nư - sự đồng hành gần gũi của Chúa Kitô đã giúp các tín hữu vượt qua những trở ngại dường như không thể vượt qua, củng cố họ để họ chấp nhận rủi ro nhân danh Thiên Chúa Cha, Đấng mà tình yêu của Người cuối cùng sẽ trị vì dưới đất cũng như trên trời.
Sơ Christine Schenk CSJ
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 35 | Tổng lượt truy cập: 3,035,653