Cha Mauro Gagliardi hiện đang là cố vấn của Văn phòng Cử hành Phụng vụ của Đức Thánh Cha. Ngài giải thích các kinh nguyện mà vị chủ tế đọc khi mặc phẩm phục để chuẩn bị cho nghi thức phụng vụ.
Những kinh nguyện này bắt nguồn từ truyền thống cổ xưa, tuy ngắn gọn nhưng rất phong phú từ góc độ Kinh Thánh, thần học và tâm linh.
Cha Mauro Gagliardi nói: “Thực hành phụng vụ này cần được giữ lại thay vì bị loại bỏ. Vẻ đẹp và lợi ích của các kinh nguyện đối với đời sống thiêng liêng của linh mục cần được tái khám phá.”
Bối cảnh lịch sử
Phẩm phục được các thừa tác viên có chức thánh sử dụng trong các cử hành phụng vụ có nguồn gốc từ trang phục đời thường của người Hy Lạp và La Mã cổ đại. Trong những thế kỷ đầu, trang phục của những người có địa vị xã hội (gọi là honestiores) đã được áp dụng cho phụng vụ Kitô giáo, và vẫn được duy trì trong Hội Thánh. Theo một số tác phẩm của các tác giả Kitô giáo thời xưa cho biết, các thừa tác viên được thánh hiến mặc trang phục tốt nhất, và trang phục này rất có thể được dành riêng cho việc sử dụng trong phụng vụ. [1]
Trong thời kỳ Kitô giáo cổ đại, phẩm phục phụng vụ được phân biệt với trang phục đời thường không phải bởi hình dáng đặc biệt của chúng, nhưng bởi chất liệu và sự trang nghiêm đặc biệt. Tuy nhiên, trong giai đoạn các cuộc xâm lược của người man ri, phong tục và trang phục của các sắc dân khác đã du nhập vào phương Tây, dẫn đến sự thay đổi trong trang phục đời thường. Nhưng Hội Thánh vẫn giữ nguyên phẩm phục mà giáo sĩ sử dụng trong việc thờ phượng công cộng mà không thay đổi gì đáng kể; nhờ đó, trang phục phụng vụ được phân biệt với trang phục đời thường.
Cuối cùng, trong thời kỳ Carolingian (bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 8), phẩm phục riêng cho các cấp bậc khác nhau của Bí tích Truyền chức thánh đã định hình và được duy trì cho đến ngày nay.
Chức năng và ý nghĩa
Ngoài bối cảnh lịch sử, phẩm phục thánh có một chức năng quan trọng trong các cử hành phụng vụ: Trước hết, việc chúng không được mặc trong đời sống thường nhật và mang một đặc tính “phụng vụ” giúp con người thoát khỏi những lo toan đời thường khi tham gia vào việc thờ phượng Thiên Chúa. Hơn nữa, hình dáng rộng rãi của phẩm phục, chẳng hạn như áo alba, áo dalmatica và áo lễ, làm giảm bớt tính cá nhân của thừa tác viên để nhấn mạnh vai trò phụng vụ của họ. Có thể nói rằng sự “ẩn thân” của cơ thể người chủ tế qua phẩm phục đã khử đi tính cá nhân của ngài ở một mức độ nào đó; đó là sự khử trừ cá nhân lành mạnh giúp vị chủ tế không tập trung vào chính mình, mà nhận ra chủ thể đích thực của hành động phụng vụ là Chúa Ki-tô. Do đó, hình dạng của phẩm phục nói lên rằng phụng vụ được cử hành nhân danh Chúa Ki-tô (in persona Christi) chứ không phải trong danh nghĩa riêng của linh mục. Người thực hiện một chức năng phụng vụ không cử hành với tư cách cá nhân, mà như một thừa tác viên của Hội Thánh và là một khí cụ trong tay Chúa Giê-su Ki-tô. Tính thánh thiêng của phẩm phục cũng liên quan đến việc chúng được mặc theo quy định của Lễ nghi Rô-ma.
Trong hình thức ngoại thường của Lễ nghi Rô-ma (gọi là Thánh lễ của Đức Pi-ô V), việc mặc phẩm phục phụng vụ đi kèm với các lời nguyện cho từng loại phẩm phục, những lời nguyện mà có thể vẫn còn được tìm thấy trong nhiều phòng thánh. Dù những lời nguyện này không còn là bắt buộc (nhưng cũng không bị cấm) theo Sách lễ của hình thức thông thường do Đức Phao-lô VI ban hành, việc đọc các lời nguyện này vẫn được khuyến khích, vì chúng giúp linh mục chuẩn bị và tập trung tinh thần trước khi cử hành Hy tế Thánh Thể. Như một minh chứng cho tính hữu ích của những lời nguyện này, chúng đã được đưa vào trong “Compendium Eucharisticum,” mới được công bố bởi Bộ Phụng tự và Kỷ luật Các Bí tích.[2] Hơn nữa, cũng nên nhớ rằng, với sắc lệnh ngày 14 tháng 01 năm 1940, Đức Pi-ô XII đã ban ơn đại xá 100 ngày cho từng lời nguyện riêng lẻ.
Phẩm phục và Các lời nguyện
1. Rửa tay
Khi bắt đầu mặc phẩm phục, vị chủ tế rửa tay và đọc một lời nguyện thích hợp; ngoài mục đích vệ sinh, hành động này còn mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho sự chuyển từ phàm tục sang thánh thiêng, từ thế gian tội lỗi vào thánh điện tinh tuyền của Đấng Tối Cao. Ở một khía cạnh nào đó, việc rửa tay tương đương với việc cởi bỏ giày trước bụi cây đang cháy (x. Xuất Hành 3:5).
Lời nguyện cũng gợi lên chiều kích thiêng liêng này: “Da, Domine, virtutem manibus meis ad abstergendam omnem maculam; ut sine pollutione mentis et corporis valeam tibi servire” (Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho đôi tay con để xóa sạch mọi vết nhơ; hầu con có thể phụng sự Chúa với tâm hồn và thân xác thanh sạch). [3]
Sau khi rửa tay, việc mặc phẩm phục chính thức bắt đầu.
2. Khăn vai
Linh mục bắt đầu với khăn vai (amice), là một tấm vải lanh hình chữ nhật có hai sợi dây, được đặt lên vai và quấn quanh cổ; sau đó, dây được buộc quanh thắt lưng. Khăn vai có mục đích che phủ trang phục thường ngày, ngay cả khi đó là trang phục giáo sĩ của linh mục. Theo nghĩa này, khăn vai được dùng ngay cả khi vị chủ tế mặc áo alba hiện đại, là loại áo thường không có phần cổ áo, nên trang phục thường ngày vẫn có thể nhìn thấy. Vì thế, vị chủ tế vẫn cần dùng khăn vai để che cổ áo của mình. [4]
Trong Nghi thức Rô-ma, khăn vai (amice) được quàng trước áo alba. Khi quàng khăn vai, linh mục đọc lời nguyện này: “Impone, Domine, capiti meo galeam salutis, ad expugnandos diabolicos incursus” (Lạy Chúa, xin đội cho con mũ cứu độ, để con có thể vượt qua những cuộc tấn công của ma quỷ).
Liên hệ đến thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô (6:17), khăn vai được hiểu là “mũ cứu độ,” nhằm bảo vệ người quàng khỏi những cám dỗ của ma quỷ, đặc biệt là những tư tưởng và ham muốn xấu, trong suốt cử hành phụng vụ. Biểu tượng này càng rõ ràng hơn trong phong tục được các dòng Biển Đức, Phan-xi-cô và Đa-minh đã giữ từ thời Trung cổ, trước tiên, các tu sĩ đặt khăn vai lên đầu rồi để nó rơi xuống áo lễ (chasuble) hoặc áo phó tế (dalmatic).
3. Áo alba
Đây là chiếc áo dài màu trắng mà các thừa tác viên đã được thánh hiến thường mặc, gợi nhớ đến trang phục mới và tinh khiết mà mỗi Ki-tô hữu đã nhận được qua Bí tích Rửa tội. Do đó, áo alba là biểu tượng của ân sủng thánh hóa nhận được trong Bí tích đầu tiên và cũng được coi là biểu tượng của sự thanh khiết của tâm hồn, điều cần thiết để hưởng niềm vui diện kiến Thiên Chúa mãi mãi (x. Matthêu 5:8).
Điều này được diễn tả trong lời nguyện mà linh mục đọc khi mặc áo alba. Lời nguyện này liên hệ đến sách Khải Huyền 7:14: “Dealba me, Domine, et munda cor meum; ut, in sanguine Agni dealbatus, gaudiis perfruar sempiternis” (Lạy Chúa, xin làm cho con trắng sạch, và thanh tẩy trái tim con; để, khi được làm trắng trong Máu của Chiên Thiên Chúa, con xứng đáng lãnh nhận phần thưởng vĩnh cửu).
4. Dây lưng
Bên ngoài áo alba, một dây thắt lưng hoặc dây buộc (cincture) được thắt quanh eo, đây là một sợi dây làm bằng len hoặc vật liệu phù hợp khác được sử dụng như một chiếc thắt lưng. Tất cả những ai mặc áo alba đều phải thắt dây này (ngày nay, phong tục truyền thống này thường bị lãng quên)[5].
Đối với phó tế, linh mục và giám mục, dây buộc có thể có màu sắc khác nhau tùy theo mùa phụng vụ hoặc ngày lễ. Trong biểu tượng của các phẩm phục phụng vụ, dây buộc đại diện cho đức hạnh tự chủ, mà Thánh Phao-lô cũng liệt kê là một trong những hoa trái của Thánh Thần (x. Galat 5:22).
Lời nguyện tương ứng, dựa theo thư thứ nhất của Thánh Phê-rô (1:13), nói: “Praecinge me, Domine, cingulo puritatis, et exstingue in lumbis meis humorem libidinis; ut maneat in me virtus continentiae et castitatis” (Xin thắt lưng cho con, lạy Chúa, bằng dây buộc trong sạch, và dập tắt trong lòng con ngọn lửa ham muốn; để đức hạnh tự chủ và thanh khiết được lưu lại trong con).
5. Dải Maniple
Đây là một món đồ trong trang phục phụng vụ được sử dụng trong cử hành hình thức ngoại thường của Thánh lễ theo Nghi thức Rô-ma. Nó không còn được sử dụng trong những năm cải cách sau Công đồng, mặc dù chưa bao giờ bị bãi bỏ. Maniple tương tự như khăn choàng nhưng không dài bằng: nó được cố định ở giữa bằng một cái khóa hoặc dây tương tự như của áo lễ. Trong cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường, vị chủ tế, phó tế và phụ phó tế đều đeo maniple trên cánh tay trái. Món đồ phụng vụ này có lẽ bắt nguồn từ một chiếc khăn tay, hay “mappula,” mà người La Mã buộc ở cánh tay trái. Khi “mappula” được sử dụng để lau nước mắt hoặc mồ hôi, các tác giả Ki-tô giáo thời trung cổ đã coi maniple là biểu tượng của những khó khăn trong chức linh mục.
Điều này được thể hiện trong lời nguyện được đọc khi đeo maniple: “Merear, Domine, portare manipulum fletus et doloris; ut cum exsultatione recipiam mercedem laboris” (Lạy Chúa, xin cho con xứng đáng mang maniple của nước mắt và nỗi buồn để con vui vẻ gặt hái phần thưởng của công lao).
Như chúng ta thấy, phần đầu của lời nguyện nhắc đến nước mắt và nỗi buồn đi kèm với chức vụ linh mục, nhưng ở phần thứ hai, hoa trái của công việc được nhấn mạnh. Không có gì sai khi nhắc lại một đoạn trong Thánh Vịnh có thể đã truyền cảm hứng cho biểu tượng sau này của maniple.
Kinh Thánh bản Vulgate dịch Thánh Vịnh 126:5-6 như sau: “Qui seminant in lacrimis in exultatione metent; euntes ibant et flebant portantes semina sua, venientes autem venient in exultatione portantes manipulos suos” (Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, mang theo những maniple).
6. Dây các phép (stola)
Đây là yếu tố đặc trưng trong trang phục của thừa tác viên đã được phong chức thánh, dây này luôn được đeo khi cử hành các bí tích và nghi lễ. Dây các phép là một dải vải thêu, theo quy định, với màu sắc thay đổi tùy theo mùa phụng vụ hoặc ngày lễ.
Khi đeo dây stola, linh mục đọc lời nguyện: “Redde mihi, Domine, stolam immortalitatis, quam perdidi in praevaricatione primi parentis; et, quamvis indignus accedo ad tuum sacrum mysterium, merear tamen gaudium sempiternum” (Lạy Chúa, xin phục hồi cho con chiếc khăn cổ của sự bất diệt, mà con đã mất qua sự thông đồng của nguyên tổ; và, mặc dù con không xứng đáng tiến đến những mầu nhiệm thánh của Ngài, nhưng xin cho con vẫn được hưởng niềm vui vĩnh cửu).
Dây các phép đóng vai trò vô cùng quan trọng, hơn bất kỳ phẩm phục nào khác, vì thể hiện trạng thái của chức vụ đã được phong, nên không thể không than phiền về việc lạm dụng hiện đang khá phổ biến, đó là một số linh mục ở một số nơi không đeo dây các phép khi mặc áo lễ (chasuble). [6]
7. Áo lễ
Cuối cùng là mặc áo lễ, đây là phẩm phục dành riêng cho người cử hành Thánh lễ. Trước đây, các sách phụng vụ sử dụng hai thuật ngữ tiếng Latinh “casuala” và “planeta” cùng nghĩa là áo lễ.
Thuật ngữ “planeta” được sử dụng đặc biệt ở Rô-ma và vẫn còn được dùng ở Ý (“pianeta” trong tiếng Ý), thuật ngữ “casula” bắt nguồn từ hình dạng đặc trưng của phẩm phục mà ban đầu hoàn toàn che phủ thừa tác viên đã được thánh hiến mặc nó. Từ Latinh “casula” được tìm thấy trong các ngôn ngữ khác dưới dạng đã được điều chỉnh. Do đó, ta thấy “casulla” trong tiếng Tây Ban Nha, “chasuble” trong tiếng Pháp và tiếng Anh, và “Kasel” trong tiếng Đức.
Lời nguyện khi mặc áo lễ liên hệ đến lời kêu gọi trong Thư gửi tín hữu Cô-lô-xê (3:14) — “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” — và lời Chúa trong Matthêu, 11:30: “Domine, qui dixisti: Iugum meum suave est, et onus meum leve: fac, ut istud portare sic valeam, quod consequar tuam gratiam. Amen” (Lạy Chúa, Ngài đã nói: ‘Ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.’ Xin cho con mang ách này để con xứng đáng nhận được ân sủng của Ngài).
Kết luận
Như vậy, hy vọng rằng, việc tái khám phá ý nghĩa biểu tượng của các phẩm phục phụng vụ và những lời nguyện khi mặc sẽ khuyến khích các linh mục tiếp tục thực hành cầu nguyện trong khi chuẩn bị cho phụng vụ, nhằm dọn mình cho việc cử hành với sự tĩnh tâm cần thiết.
Trong khi có thể sử dụng những lời nguyện khác nhau, hoặc chỉ đơn giản là hướng lòng trí lên Chúa, nhưng những lời nguyện khi mặc phẩm phục này đều ngắn gọn, chính xác trong ngôn ngữ, được gợi hứng từ Kinh Thánh và đã được cầu nguyện trong hàng thế kỷ bởi vô số thừa tác viên đã được thánh hiến. Vì vậy, những lời nguyện này vẫn rất đáng được khuyến khích khi chuẩn bị cho cử hành phụng vụ, ngay cả trong phụng vụ theo hình thức thông thường của Lễ nghi Rô-ma.
———–
Chú thích
[1] Cf. ví dụ, Thánh Giê-rô-ni-mô, “Adversus Pelagianos,” I, 30.
[2] (Libreria Editrice Vaticana: Città del Vaticano, 2009), tr. 385-386.
[3] Chúng tôi đang sử dụng văn bản các lời nguyện được tìm thấy trong “Missale Romanum” năm 1962 của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (Harrison, NY: Roman Catholics Books, 1996), tr. lx.
[4] “Institutio Generalis Missalis Romani” (2008) số 336 cho phép miễn khăn vai (amice) khi áo alba được may khi hoàn toàn che phủ cổ áo, che giấu trang phục thường ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, hiếm khi nào xảy ra việc cổ áo không được nhìn thấy, thậm chí chỉ một phần; do đó, khuyến khích sử dụng khăn vai trong mọi trường hợp.
[5] Số 336 của “Institutio” năm 2008 cũng cho phép miễn dây lưng (cincture) nếu áo alba được may sao cho ôm sát cơ thể mà không cần dây lưng. Mặc dù có sự nhượng bộ này, nhưng điều quan trọng là cần nhận thức: a) giá trị truyền thống và biểu tượng của dây lưng; b) thực tế là áo alba — theo kiểu truyền thống, và đặc biệt là kiểu hiện đại — chỉ ôm sát cơ thể một cách khó khăn. Mặc dù quy định đã dự kiến khả năng này, nhưng nó chỉ nên được coi là giả thuyết khi xem xét các sự thật: thực sự, dây lưng luôn là cần thiết. Ngày nay, đôi khi người ta thấy áo alba có một dây vải được may xung quanh thắt lưng của trang phục và có thể được thắt lại. Trong trường hợp này, lời nguyện có thể được đọc khi thắt dây này. Tuy nhiên, kiểu truyền thống vẫn hoàn toàn được ưa chuộng hơn.
[6] “Linh mục, khi mặc áo lễ theo quy định, không được bỏ qua khăn cổ. Tất cả các giám mục cần phải cẩn trọng để loại bỏ tất cả các thói quen trái ngược.” Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, “Redemptionis Sacramentum,” ngày 25 tháng 3 năm 2004, số 123.
Linh mục Mauro Gagliardi
Joseph Nguyễn Tro Bụi chuyển ngữ từ https://www.ewtn.com
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 159 | Tổng lượt truy cập: 4,164,098