Câu 39 - Để cử hành thánh lễ, người ta có thể thay thế bánh miến và rượu nho bằng các thứ khác, chẳng hạn bằng cơm và trà ở Á Châu, hoặc bằng bánh khoai mì và rượu thốt-nốt bên Phi Châu được không?

  • 21/08/2021 10:53
  • Trích từ "40 câu hỏi vê Thánh lễ" của Linh mục Giuse Vũ Thái Hòa

    Câu 39 - Để cử hành thánh lễ, người ta có thể thay thế bánh miến và rượu nho bằng các thứ khác, chẳng hạn bằng cơm và trà ở Á Châu, hoặc bằng bánh khoai mì và rượu thốt-nốt bên Phi Châu được không?

    Ngày nay, Kitô giáo được loan truyền khắp thế giới và Công Đồng Vaticanô II mong muốn mỗi dân tộc diễn tả đức tin theo truyền thống văn hóa riêng của mình. Vậy tại sao không thích nghi bữa tiệc Thánh Thể với bữa ăn truyền thống của mỗi dân tộc ?

    Bánh miến (làm bằng bột mì) và rượu nho có vẻ quá gắn bó với nền văn hoá Cận Đông và Tây Phương. Nhưng bạn đừng quên rằng Chúa Giêsu là người Do-thái, chính Người đã dùng bánh miến và rượu nho để lập phép Thánh Thể.

    Dùng bánh miến và rượu nho cũng là một cách để nhớ lại rằng Thiên Chúa đã đi vào Lịch Sử. Mạc khải Kitô giáo đã được thực hiện trong một nơi chốn rõ rệt và một thời điểm nhất định. Khi chúng ta tuân theo huấn lệnh của Chúa Giêsu “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”, chúng ta phải để ý đến những điều kiện cụ thể này của việc Người nhập thể.

    Đàng khác, bạn đừng quên biểu tượng phong phú của bánh miến và rượu nho trong Kinh Thánh, thí dụ:

    ° “Thầy là bánh hằng sống” (Gioan 6, 35.48). “Thầy là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (Gioan 6, 51). (Bánh ở đây phải hiểu là bánh miến).

    ° “Thầy là cây nho thật” (Gioan 15, 1). “Thầy là cây nho, các con là ngành nho…” (Gioan 15, 5).

    “Bánh miến” và “cây nho” là hai đề tài rất thường gặp trong Kinh Thánh.

    Do đó, hai thứ thực phẩm này, hơn hẳn mọi thứ khác, nêu bật ý nghĩa về mối giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người, được đóng ấn trong Đức Giêsu Kitô và được cử hành trong mỗi thánh lễ.

    Bài viết liên quan