Đại hội quy tụ 226 đại biểu bao gồm các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ 29 quốc gia thành viên, trong đó 6 giám mục đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự.
Sau 18 ngày nhóm họp, Đại hội FABC 50 đã bế mạc sáng 30. 10. 2022, với Thánh lễ Tạ ơn do Đức hồng y Luis Antonio Tagle, Quyền Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng, Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại FABC 50, chủ tế.
Đức giám mục Allwyn D’Silva
Trước khi kết thúc Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu, Bangkok, Thái Lan, Đức giám mục Allwyn D’Silva đã công bố Sứ điệp Đại hội FABC gửi các dân tộc Á châu. Sau đây là toàn văn Sứ điệp:
SỨ ĐIỆP ĐẠI HỘI FABC GỬI CÁC DÂN TỘC Á CHÂU
Baan Phu Waan, Bangkok, 12-30 tháng 10 năm 2022
Chúng tôi, những Mục tử của Giáo hội Công giáo Á châu, chia sẻ Sứ điệp của niềm vui, hy vọng và liên đới với anh chị em, các dân tộc ở châu Á. Chúng tôi tạ ơn vì những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho châu Á qua Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), bao gồm 17 Hội đồng Giám mục và hai Công nghị của các Giáo hội Công giáo Đông phương ở Á châu. Chủ đề của Đại hội là “Cùng nhau hành trình như các dân tộc châu Á”, trong đó chúng tôi khám phá để tái khẳng định hành trình của mình trong 50 năm qua, phục hồi đời sống của Giáo hội, và hình dung những lộ trình phục vụ mới.
Chúng tôi cảm ơn sâu sắc Chính phủ Hoàng gia Thái Lan về sự đón tiếp nồng hậu và chúng tôi rất vinh dự khi có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong lễ khai mạc Đại hội. Chúng tôi hết lòng biết ơn Hội đồng Giám mục Công giáo Thái Lan, đặc biệt là Tổng giáo phận Bangkok, vì đã đăng cai tổ chức Đại hội FABC 50. Chúng tôi rất vui mừng khi có sự tham dự của các vị đại diện Tòa Thánh, và Hội đồng Giám mục các Châu lục khác. Đây là thời điểm hữu hiệu của việc cầu nguyện, lắng nghe, phân định và khích lệ nhau. Đây cũng là thời khắc của việc chữa lành những nỗi đau do đại dịch COVID-19 gây ra.
Thông qua các cuộc thảo luận và tham vấn trong Đại hội, chúng tôi đã chạm tới tâm hồn của châu Á. Đồng thời, chúng tôi được truyền cảm hứng từ niềm hy vọng, lòng can đảm và sự quyết tâm của các Giáo hội tại châu Á để cùng nhau hành trình và làm việc với tinh thần cống hiến nhiều hơn nữa cho một châu Á tốt đẹp hơn.
Chúng tôi đã bị thách đố bởi những tiếng kêu khác nhau của lục địa đa diện này khi chúng tôi nghe thấy tiếng kêu nài xin sự cứu giúp và công lý:
- những đau khổ của người nghèo, người bị tước đoạt, và người bị gạt ra bên lề khao khát một cuộc sống xứng với nhân phẩm,
- nỗi thống khổ của người tị nạn, người di cư, người di tản, và người bản địa mưu cầu nhân phẩm và tìm kiếm những nơi ở an toàn đích thực,
- tiếng rên rỉ của thiên nhiên với những vết thương do sự khai thác, biến đổi khí hậu, và nóng lên toàn cầu, nài xin để được chăm sóc cách tương xứng hơn,
- ước mơ của giới trẻ theo đuổi những vai trò ý nghĩa hơn trong Giáo hội và xã hội,
- tiếng kêu của phụ nữ mong muốn một Giáo hội quy tụ hơn, tôn trọng phẩm giá và vị thế chính đáng của họ,
- khao khát của các gia đình tìm kiếm sự ổn định tốt hơn và được hỗ trợ nhiều hơn.
Chúng tôi cũng quan tâm sâu sắc đến:
- sự đau khổ của một số Giáo hội đang cần được nâng đỡ, đồng cảm, và liên đới;
- những hiện tượng cực đoan cần phải đối phó một cách khôn ngoan;
- sự cấp thiết trong việc cổ võ tôn trọng sự sống hơn nữa trong xã hội;
- sự leo thang bạo lực và xung đột tại Châu lục này đòi phải có đối thoại và hòa giải;
- một xã hội bị thách thức trước cuộc cách mạng kỹ thuật số, gây ra những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực.
Trong cầu nguyện và tinh thần hợp tác, chúng tôi mong muốn đáp lại những thách đố này bằng cách dựa vào sức mạnh của tình yêu, lòng trắc ẩn, công lý, và sự tha thứ. Chúng tôi tin rằng hòa bình và hòa giải là con đường duy nhất để tiến bước. Chúng tôi đã hình dung những lộ trình mới cho sứ vụ của mình dựa trên sự lắng nghe nhau và sự phân định thực sự.
Được gợi hứng từ Tin Mừng và những giáo huấn gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô:
- Chúng tôi cam kết vươn tới các vùng ngoại biên. Chúng tôi được kêu gọi để hân hoan phục vụ những người thiếu thốn nhất.
- Chúng tôi được kêu gọi thực hiện một cuộc hoán cải về mục vụ và sinh thái để đáp ứng cách tích cực “tiếng kêu của trái đất và của người nghèo”.
- Chúng tôi muốn thể hiện tinh thần hỗ tương và hòa hợp bằng việc lắng nghe người khác trong cuộc đối thoại chân thành.
- Chúng tôi tìm cách thúc đẩy nền văn hóa hòa bình và hòa hợp với sự cộng tác của các anh chị em thuộc các tôn giáo và truyền thống thân cận.
- Chúng tôi cam kết bắc những nhịp cầu không những giữa các tôn giáo và truyền thống, mà còn bằng sự tham gia có nguyên tắc với các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, và các cơ quan dân sự về những vấn đề nhân quyền, xóa bỏ nghèo đói, nạn buôn người, chăm sóc trái đất, và những quan tâm chung khác.
- Chúng tôi cần biến đổi chính mình bằng cách cổ vũ nền văn hóa “lắng nghe tương hỗ”, nơi chúng tôi lắng nghe nhau và cùng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa.
- Chúng tôi muốn cải thiện cách thức huấn luyện đức tin, đồng hành với các gia đình và cộng đoàn, nhất là những trường hợp gặp khó khăn.
Bằng việc cùng nhau bước đi trên những lộ trình này, chúng tôi sẽ phục vụ thế giới với cam kết có ý nghĩa hơn. Chúng tôi cam đoan với các dân tộc của Châu lục này rằng, Giáo hội Công giáo Á Châu sẽ luôn hành động vì một Châu Á tốt đẹp hơn và vì lợi ích của mọi dân tộc. Khi đảm bảo với anh chị em về lời cầu nguyện của chúng tôi, chúng tôi khiêm tốn xin anh chị em nhớ đến chúng tôi trong lời cầu nguyện của anh chị em. Chúng ta cùng nhau hành trình để phục vụ gia đình nhân loại và mọi thụ tạo.
Bangkok, Thái Lan, ngày 30 tháng 10 năm 2022
FABC Media
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: fabc2020.org (30. 10. 2022)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 163 | Tổng lượt truy cập: 4,170,767