Di sản của Đức Bênêđictô XVI và đời sống thánh hiến

  • 02/02/2023 19:46
  • WHĐ (02.02.2023) - … Con tìm kiếm Thánh Nhan Ngài, Lạy Chúa!

    Đức Bênêđictô XVI tới dâng Thánh lễ Ngày Đời sống Thánh hiến 02.  02. 2007 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. (Hình: CNS/Reuters/Dario Pignatelli)

    Sự qua đời của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hôm 31. 12. 2022 đã khơi lên những cảm xúc chân thành và lòng biết ơn sâu sắc đối với các tín hữu. Như là những người nữ sống đời thánh hiến, chúng ta không chỉ bày tỏ lòng kính trọng đối với ngài mà còn ngạc nhiên trước đời sống đạo đức của ngài. Thật thế, một bản hợp xướng “Xin cảm ơn” đã vang lên từ trái tim của Giáo hội.

    Trong những hoàn cảnh khác nhau, Đức Bênêđictô đã nhiều lần khẳng định rằng cuộc sống không phải là một vòng tròn khép kín, nhưng là một cuộc hành trình hướng tới sự gặp gỡ, và là một đường thẳng hướng tới sự viên mãn. Chúng ta cảm tạ Chúa vì đức tin trong sáng của ngài, vì món quà tư tưởng của ngài, và vì sự đơn sơ mà ngài luôn sống, và nhờ đó, ngài đã thông truyền những mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa.

    Là những người nữ sống đời thánh hiến, chúng ta yêu mến và nâng đỡ người Thợ khiêm nhường trong vườn nho của Đức Chúa, đón nhận những trực giác ngôn sứ trong huấn quyền của ngài, và để những giáo huấn của ngài cật vấn chúng ta. Chúng ta sẽ nhớ đến ngài vì sự khiêm tốn và khôn ngoan mà ngài đã đồng hành với Giáo hội và đời sống tu trì.

    Nhìn lại những năm triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô, rõ ràng là ngài đã cố gắng đưa đời sống Thánh hiến trở lại cốt lõi nguyên thủy của nó: hình thức sống mà Chúa Kitô đã chọn. Ngài đã chia sẻ với các Bề trên Tổng quyền trong buổi tiếp kiến vào ngày 22. 5. 2006 rằng:

    “Thuộc về Chúa có nghĩa là được hun đốt bằng tình yêu cháy bỏng của Người, được biến đổi bởi vẻ đẹp huy hoàng của Người: sự bé nhỏ của chúng ta được hiến dâng cho Người như một của lễ có hương thơm ngào ngạt, để nó trở thành chứng tá về sự hiện diện cao cả của Người đối với thời đại chúng ta, một thời đại rất cần được say sưa bởi sự phong phú của ân sủng Người”.

    Trong Huấn quyền của Đức Bênêđictô, không thiếu những lời then chốt và sắc bén về đời sống thánh hiến như một chứng từ và sự biểu lộ “mạnh mẽ” việc Thiên Chúa và con người tìm kiếm nhau trong sự thu hút của Tình Yêu. Ngài nhấn mạnh:

    Chính việc thánh hiến làm cho người được thánh hiến trở thành ‘chiếc cầu’ dẫn đến với Thiên Chúa đối với tất cả những ai gặp gỡ họ, một lời nhắc nhở, một điểm tham chiếu. Tất cả những điều này là nhờ vào sự trung gian của Đức Giêsu Kitô, Đấng được Thánh Hiến của Chúa Cha. Người là nền tảng! Người đã chia sẻ những yếu đuối của chúng ta để chúng ta được thông phần vào bản tính thần linh của Người” (ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng, ngày 02. 02. 2010).

    Những lời này mạnh mẽ làm sao! Những lời mà chúng ta khắc cốt ghi tâm, khi nhận ra rằng việc xây nhà của mình trên đá, trên Chúa Kitô và với Chúa Kitô, có nghĩa là xây dựng trên một nền tảng gọi là Tình yêu Chịu Đóng đinh.

    Chúng ta nhớ đến ngài vì lời kêu gọi kiên quyết và mạnh mẽ của ngài là hãy đặt Lời Chúa ở trung tâm đời sống thiêng liêng để tái khám phá cách thức mà Kinh thánh, đặc biệt là Tin mừng, soi dọi đời sống, tâm hồn, và canh tân đời sống thánh hiến của chúng ta. “Lời Chúa là chính Đức Kitô, Đấng đang và phải ở trung tâm của Giáo hội và đời sống tu trì của Giáo hội” (ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng, ngày 02. 02. 2006). Điều đáng chú ý là chứng tá lấy Đức Kitô làm trung tâm của Đức Bênêđictô được thể hiện cả trong lời nói đơn giản và trực tiếp lẫn trong tác phẩm rõ ràng và mạch lạc của ngài. Đối với Đức Bênêđíctô, làm môn đệ Đức Giêsu Kitô là đáp lại tình yêu, là sống tình bạn cách cá vị với Người, và canh tân nội tâm ý chí quy hướng về Người, không ngừng hướng lòng mình về sự Phục sinh, nhờ đó, cuộc sống đạt được sự viên mãn.

    Khi lắng nghe giáo huấn của Đức Bênêđíctô, một cách hết sức tự nhiên chúng ta tái khám phá niềm say mê lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện, Đấng nói với chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại và uốn nắn con tim, biến cuộc sống hàng ngày của chúng ta thành một không gian thiêng liêng cho Mầu nhiệm nhập thể. Chỉ có sự đón nhận Ngôi Lời một cách vô điều kiện mới tạo ra sự mới mẻ và biến đổi. Con đường mà Đức Bênêđíctô vạch ra hệ tại việc chuyên cần lắng nghe Lời Chúa - bởi vì mọi sự khôn ngoan đều phát sinh từ Lời Chúa - và có thể suy xét Lời Chúa với tình yêu khôn ngoan. Trong sự năng động phong phú này của Thần Khí, chúng ta được dẫn đến một cuộc gặp gỡ đích thực với nhân loại, bởi vì:

    nhìn bằng con mắt của Đức Kitô, tôi có thể cho người khác nhiều hơn những nhu cầu bên ngoài của họ; Tôi có thể trao cho họ cái nhìn yêu thương mà họ khao khát” (ĐGH Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, 18).

    Đời sống thánh hiến là một cây có nhiều cành, đâm rễ trong Tin Mừng được sống hằng ngày như yếu tố mang lại vẻ đẹp và giới thiệu mỗi người với thế giới như một sự lựa chọn đáng tin cậy. Đây là điều mà xã hội ngày nay cần, đây là điều mà Giáo Hội mong đợi: trở thành một Tin Mừng sống động.

    Di sản thiêng liêng của Đức Bênêđictô là lời mời gọi thuộc về Đức Kitô và giữ cho ngọn lửa tình yêu luôn bừng cháy trong tâm hồn, được nuôi dưỡng bằng sự phong phú của đức tin, không chỉ khi điều này mang lại niềm vui nội tâm, mà cả khi nó gắn liền với những khó khăn, sự khô khan, và đau khổ.

    Là một thần học gia và một người yêu mến sự thật, Đức Bênêđictô đã mở ra một suy tư rất sâu sắc về 2 chủ đề quan trọng: Sự thật và Tình yêu, vốn không phải là những thuật ngữ mâu thuẫn với nhau, trái lại, chúng cần nhau và bổ túc cho nhau, vì “không có sự thật, đức ái biến thành sự uỷ mị. Tình yêu trở thành một cái vỏ trống rỗng, được lấp đầy một cách tùy tiện” (ĐGH Bênêđictô XVI, Caritas in Veritate).

    Ý thức rằng học thuyết của Giáo hội chỉ chạm đến trái tim con người nếu nó dẫn đến tình yêu, Đức Bênêđictô đã quan niệm và sống triều đại giáo hoàng của ngài như một sự phục vụ của tình yêu, như một ‘chức vụ của tình yêu’. Mô hình quản trị khiêm tốn và giản dị này cũng khuyến khích chúng ta nhận thức về quyền bính như một sự phục vụ rộng rãi bằng cách cố gắng “lấy tình yêu hiệp nhất làm thước đo của chúng ta; lấy tình yêu lâu bền là thử thách của chúng ta; và lấy tình yêu tự hiến là sứ mạng của chúng ta!” (x. Đức Bênêđictô XVI, Canh thức với Giới trẻ, ngày 19. 7. 2008).

    Chúng ta nhận ra rằng Đức Bênêđíctô đã thể hiện sự cảm kích của ngài đối với những người thánh hiến và lời ngài khích lệ “hãy trở thành chứng nhân cho sự hiện diện biến đổi của Thiên Chúa trong một thế giới ngày càng mất phương hướng và hoang mang” ngày nay vẫn còn vang vọng như một lời kêu gọi mang tính ngôn sứ. Ngài mời gọi chúng ta “hãy nhìn thời đại của chúng ta bằng con mắt đức tin để có thể nhìn nhân loại, thế giới và lịch sử dưới ánh sáng của Chúa Kitô chịu Đóng đinh và Phục sinh, Đấng duy nhất có thể hướng dẫn con người” (Diễn từ với Bề trên Tổng quyền các Tu hội Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ, ngày 22. 5. 2006).

    Ngài nói tiếp:

    Đời sống thánh hiến quan trọng chính bởi vì nó là dấu chỉ của lòng quảng đại và tình yêu nhưng không, và điều này càng quan trọng hơn trong một thế giới có nguy cơ bị bóp nghẹt trong cơn lốc của sự phù du và hữu dụng (x. Tông Huấn Vita Consecrata, số 105). Thay vào đó, đời sống thánh hiến làm chứng cho tình yêu dạt dào vốn là động lực làm cho người ta “liều mất” mạng sống mình để đáp lại tình yêu vô biên của Đức Chúa, Đấng trước hết đã “thí” mạng sống vì chúng ta.

    Với sự quan tâm chăm sóc, Đức Bênêđictô dành những lời đầy hy vọng và tôn trọng sâu xa đối với những người thánh hiến, nhất là những người sống trong những hoàn cảnh mong manh hơn, ngài nhắc lại rằng:

    Không ai là vô dụng, vì Chúa liên kết mỗi người với “ngai ân sủng” của Ngài. Mỗi người là một món quà quý giá cho Giáo hội và cho thế giới đang khao khát Thiên Chúa và Lời của Người” (ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng, ngày 02. 02. 2010).

    Đức Bênêđictô sau khi cử hành Kinh Chiều với các tu sĩ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô nhân Ngày Đời sống Thánh hiến 02. 02. 2011. (Hình: CNS/Paul Haring)

    Một cách hết sức rõ ràng, Đức Bênêđictô thách thức chúng ta chiến đấu chống lại nền văn hóa tục hóa đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người thánh hiến, mời gọi chúng ta vượt thắng chủ nghĩa tương đối, vốn làm nghèo nàn đức tin, cản trở việc tìm kiếm Thiên Chúa, và xúi giục chúng ta sống tầm thường.

    Đức Chúa muốn những người nam nữ tự do, không bị ràng buộc, có khả năng từ bỏ mọi sự để theo Người, và chỉ tìm thấy sự trọn vẹn của mình nơi Người. Cần phải có những lựa chọn can đảm, cả ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn, những lựa chọn mang lại một kỷ luật mới cho đời sống của những người thánh hiến và dẫn họ đến việc tái khám phá chiều kích toàn diện của việc đi theo Đức Kitô” (ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn từ, ngày 22. 5. 2006).

    Ngài khuyến khích chúng ta trở thành dấu chỉ sáng chói và đáng tin trong thế giới: trở thành ngọn lửa của Tin Mừng, và những nghịch lý của Tin Mừng, không tuân theo não trạng của thế gian, nhưng không ngừng biến đổi và canh tân cam kết của mình, để có thể phân định ý muốn của Thiên Chúa, điều gì tốt lành, điều gì đẹp lòng Ngài, và điều gì hoàn hảo (x. Rm 12, 2).

    Đức Bênêđictô luôn nhìn nhận vai trò và ảnh hưởng đặc biệt của phụ nữ trong đời sống Giáo hội:

    Phụ nữ có một vai trò quan trọng trong xã hội, họ cần phải được khuyến khích nắm bắt những cơ hội để nâng cao phẩm giá cuộc sống thông qua việc tham gia vào giáo dục và vào đời sống chính trị và công dân… Thiên tài nữ tính trong việc huy động và tổ chức mang lại cho phụ nữ những kỹ năng và động lực cần thiết để phát triển các mạng lưới ngày càng mở rộng để chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra những ý tưởng mới” (ĐGH Bênêđictô XVI, Sứ điệp gửi tham dự viên Hội nghị Quốc tế về chủ đề: “Cuộc sống, Gia đình và Phát triển: Vai trò của Phụ nữ trong việc Thúc đẩy Nhân quyền”, ngày 20. 3. 2009)

    Các Phụ nữ đã cảm nghiệm về mối dây liên kết đặc biệt với Đức Chúa, vốn là nền tảng cho đời sống thực tế của cộng đồng Kitô hữu, và điều này luôn luôn xảy ra trong mọi thời đại chứ không chỉ ở giai đoạn đầu cuộc hành trình của Giáo hội” (ĐGH Bênêđictô XVI, Kinh Truyền Tin, ngày 9. 4. 2012).

    Đức Bênêđictô thực sự cảm thấy trong thâm tâm mình cần phải nuôi dưỡng cuộc đối thoại của Giáo hội với nghệ thuật, như một thế giới của cái đẹp. Thật vậy, ngài đã cống hiến hết mình để làm nổi bật vẻ đẹp của chính đức tin, để bảo đảm rằng đức tin không chỉ được nói ra, mà trên hết, còn được cử hành. Ngài tận tụy lo sao cho Phụng vụ được hài hòa, vì Phụng vụ là cử hành sự hiện diện và công trình của Thiên Chúa hằng sống, và vì Phụng vụ nhằm dẫn chúng ta đến và đi vào mầu nhiệm thần linh.

    Với nhiều suy tư sâu sắc tạo nên một di sản khôn ngoan và đức tin vĩ đại, hành trình của Đức Bênêđictô sẽ còn mãi trong trái tim và trong lịch sử của Giáo hội. Những suy tư của ngài sẽ tiếp tục soi sáng lộ trình của tất cả những ai tìm thấy nơi ngài một tia sáng soi rọi bóng tối của thế giới. Điều chắc chắn là Huấn quyền của Đức Bênêđictô vẫn luôn tồn tại: Ba Thông điệp - Deus Caritas Est, Spe Salvi, Caritas in Veritate -, và vẻ đẹp cũng như chiều sâu của những suy tư và bài giáo lý trong những buổi Tiếp kiến ​​chung. Ngài để lại cho chúng ta tình phụ tử thiêng liêng và giáo hội tuyệt vời, một di sản đánh dấu thế kỷ XX, và những bước đầu tiên của Thiên niên kỷ mới.

    Đức Bênêđictô để lại trong lòng chúng ta một ước muốn sâu xa về cầu nguyện; cầu nguyện là hơi thở, là dưỡng chất cho linh hồn, và là bến đỗ bình an để từ đó rút ra nguồn suối nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và biến đổi cuộc sống. Ngài khơi dậy trong chúng ta nỗi hoài niệm về Thiên Chúa, khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, và gặp gỡ Thiên Chúa khi Ngài thông ban chính mình, tỏ mình ra, và đốt cháy tâm hồn chúng ta bằng Thần Khí của Ngài, khiến chúng ta nhảy lên vì vui sướng.

    Chứng tá của Đức Bênêđictô như là một người yêu mến Thiên Chúa, người tìm kiếm Đức Chúa của mình, là lời mời gọi nuôi dưỡng khao khát không ngừng tìm kiếm Thánh nhan: “Faciem tuam, Domine, requiram” (Con tìm kiếm Thánh Nhan Ngài, Lạy Chúa!) (Tv 27, 8) và hướng dẫn hành trình của chúng ta - cả trong những bước nhỏ hằng ngày cũng như trong những quyết định quan trọng hơn - hướng tới việc hoàn tất cuộc hành hương của trái tim này.

    Thưa Đức Bênêđictô kính mến, chúng con xin gửi đến ngài lòng biết ơn sâu xa và mãi mãi.

    Nt. Nadia Coppa, A.S.C.[1]

    Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

    Dòng Đa Minh Thánh Tâm

    Nguồn tin:  https://hdgmvietnam.com/

     

    [1] Nữ tu Nadia Coppa, ASC, là Bề trên Tổng Quyền Dòng Adorers of the Blood of Christ, đồng thời, là Chủ tịch của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (International Union of Superiors General -UISG).

    Bài viết liên quan