Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Học viện Giáo hoàng Urbanô

  • 26/01/2023 16:52
  • WHĐ (25.01.2023) - Hôm 21.01.2023, Đức giáo hoàng Phanxicô đã dành cho học viên thuộc các nước truyền giáo đang theo học tại Học viện Giáo hoàng Urbanô ở Roma buổi tiếp kiến riêng, nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền bá Đức tin.

    Hình: Vatican Media

     

    Dưới đây là nội dung bài Diễn từ của Đức Thánh Cha:

    Anh chị em thân mến, chào buổi sáng và chào mừng anh chị em!

    Tôi cảm ơn cha giám đốc vì những lời tốt đẹp của cha, và tôi xin chào các giảng viên cùng tất cả các học viên. Là học viên của Học viện Giáo hoàng Urbanô, anh chị em là một phần trong dòng chảy sống động của một truyền thống cổ xưa và phong phú, bắt nguồn từ năm 1627, năm mà Giáo hoàng Urbanô VIII quyết định thành lập ở Roma một chủng viện nhằm đào tạo giáo sĩ cho các lãnh thổ “truyền giáo”. Đó là một trực giác quan trọng vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, đồng thời anh chị em được kêu gọi chào đón và diễn giải một cách sáng tạo, để bản thân được thử thách trước nhiều nhu cầu và vấn nạn của thời đại chúng ta đang sống. Thật vậy, toàn thể Giáo hội hiện nay được mời gọi “hoán cải mục vụ và truyền giáo” (Tông huấn Evangelii gaudium, 25), cũng như trong việc đào tạo các linh mục tương lai[1] mà từ viễn cảnh này, anh chị em có thể là nguồn cảm hứng và trợ giúp cho nhiều người khác.

    Năm nay, kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền bá Đức tin, trên hành trình của mình, anh chị em đang suy tư chủ đề về mối tương quan sống động và cá vị với Đức Giêsu như là nguồn mạch thiêng liêng của mọi sứ vụ, được gợi hứng từ khẩu hiệu “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 14). Vì vậy, tôi muốn chia sẻ ngắn gọn với anh chị em về chính chủ đề này. Chúng ta có thể tự vấn: đâu là những đặc tính quan trọng nhất cần nuôi dưỡng và củng cố trong thời gian huấn luyện ban đầu, để thực sự trở thành những môn đệ truyền giáo gần gũi với Thiên Chúa và với anh chị em mình?

    Hình: Vatican Media

    Đặc tính thứ nhất tôi muốn nhấn mạnh là sự can đảm của tính chân thực, sự can đảm để trở nên chân thực. Thật vậy, sự gần gũi với Thiên Chúa và với anh chị em được nhận ra và củng cố đến mức chúng ta có can đảm để cởi bỏ những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo, có lẽ để tỏ ra hoàn hảo, không tì vết, và đáng kính trọng, hoặc đơn giản là có vẻ tốt hơn. Anh chị em thân mến, mặt nạ chẳng có ích lợi gì cả! Hãy thể hiện bản thân với người khác mà không cần bình phong, nhưng như chúng ta là, với những giới hạn và mâu thuẫn của mình, vượt thắng nỗi sợ bị đánh giá vì mình không tương ứng với một hình mẫu lý tưởng thường chỉ tồn tại trong tâm trí chúng ta. Hãy nuôi dưỡng “sự chân thành và khiêm nhường, điều này giúp chúng ta có cái nhìn chân thực về sự mong manh và khó nghèo nội tâm của mình” (Kinh Truyền Tin, ngày 23. 10. 2022). Hãy nhớ rằng những nhà truyền giáo đáng tin không phải vì bộ áo hoặc thái độ bên ngoài, mà là vì phong cách giản dị và chân thành. Điều này thật rõ ràng.

    Hình: Vatican Media

    Sự khả tín nơi Đức Giêsu được những người gặp gỡ Ngài công nhận (x. Mc 1, 22) đến từ sự hòa hợp giữa những gì Ngài rao giảng và những gì Ngài thực hiện. Sự hài hòa và nhất quán. Vì vậy, xin đừng ngại thể hiện con người thật của mình, như chúng ta là, nhất là với các anh chị em lớn tuổi hơn mà Giáo hội đặt bên cạnh anh chị em với tư cách là những nhà đào tạo. Đôi khi có sự cám dỗ của chủ nghĩa hình thức, hoặc sự hấp dẫn của “vai diễn” như thể nó có thể đảm bảo cho anh chị em sự thể hiện trọn vẹn. Đừng để bị đánh lừa bởi những giải pháp tiện dụng nhưng sai lầm này. Thánh John Henry Newman, một cựu sinh viên của Học viện này, khi nói về tính chân thực, đã cảnh báo chống lại thái độ của những người “muốn hành động với phẩm cách, và thay vào đó, không còn là chính mình nữa[2]. Phẩm cách phải xuất phát từ chính bản thân mỗi người. Chúng ta hãy nhớ rằng giữa người Pharisêu cầu nguyện tự mình và người thu thuế thậm chí không dám ngước nhìn lên, và rồi, chỉ có người thu thuế là “trở về nhà thì đã được nên công chính rồi” (Lc 18, 14).

    Hình: Vatican Media

    Đặc tính thứ hai mà tôi muốn nhắc anh chị em đó là khả năng ra khỏi chính mình. Đời sống đức tin là một cuộc “xuất hành” liên tục, đi ra khỏi những kế hoạch trí tuệ, khỏi sự bao vây của những nỗi sợ hãi, khỏi những điều chắc chắn nhỏ nhoi làm chúng ta yên tâm. Nếu không, chúng ta có nguy cơ tôn thờ một vị Thiên Chúa chỉ là sự phóng chiếu các nhu cầu của chúng ta, và do đó, là một “thần tượng”, và không trải qua những cuộc gặp gỡ đích thực ngay cả với người khác. Thay vào đó, chúng ta nên chấp nhận mạo hiểm đi ra khỏi chính mình, như Abraham, Môsê và những người đánh cá miền Galilê đã được mời gọi đi theo Thầy (x. Mc 1, 16-20).

    Hình: Vatican Media

    Và anh chị em có cơ hội để làm điều đó ngay bây giờ trong đời sống cộng đoàn, nhất là trong một cộng đoàn đào tạo phong phú và đa dạng như cộng đoàn của anh chị em, với nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và sự nhạy cảm. Đây là một món quà tuyệt vời mà từ đó anh chị em có thể trở nên phong phú đến mức mỗi người thành công trong việc thoát ra khỏi vòng vây của chính mình để mở lòng với người khác, với thế giới, và với nền văn hóa của họ. Vì lý do này, tôi khuyến khích anh chị em hãy can đảm sống thử thách của tình huynh đệ, ngay cả khi nó đòi hỏi những gian khổ và từ bỏ. Thế giới và cả Giáo hội của chúng ta cần những chứng nhân của tình huynh đệ: ước gì anh chị em có thể trở thành như vậy, bây giờ và sau này khi anh chị em trở về giáo phận và đất nước của mình, những nơi thường bị đánh dấu bởi sự chia rẽ và xung đột. Và cũng là những chứng nhân của niềm vui: “niềm vui Tin Mừng làm sinh động cộng đoàn các môn đệ” (Tông huấn Evangelii gaudium, 21); “niềm vui sứ vụ” “luôn có động lực để ra đi và cho đi” (sđd.): niềm vui của sự trao ban.

    Hình: Vatican Media

    Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến một đặc tính nữa của người môn đệ-thừa sai: đó là sự cởi mở đối thoại. Trước hết là đối thoại với Thiên Chúa, trong cầu nguyện, đó cũng là một cuộc xuất hành khỏi bản ngã của chúng ta để chào đón Ngài, khi Ngài nói trong chúng ta, và lắng nghe tiếng nói của chúng ta. Và tiếp đến là đối thoại huynh đệ, trong sự cởi mở triệt để với người khác. Thánh Gioan Phaolô II dạy chúng ta rằng, đối thoại phải là phong cách thích hợp của người thừa sai (Thông điệp Redemptoris missio, 55-56). Và Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy điều này bằng cách trở thành phàm nhân, đón nhận những bi kịch, những vấn đề, và những kỳ vọng của nhân loại đau khổ để tìm kiếm hòa bình. Anh chị em thân mến, thế giới cần đối thoại, cần hòa bình, và cần những người nam nữ làm chứng cho điều đó. Tôi kêu gọi anh chị em hãy đặt mình vào trường học của những “vị tử đạo đối thoại”, những người mà, ngay cả tại một số quốc gia của anh chị em, đã can đảm đi trên con đường này để trở thành những người kiến tạo hòa bình. Đừng sợ đi đến cùng, lội ngược dòng và chia sẻ Chúa Giêsu, truyền đạt đức tin mà Người đã ban cho anh chị em (x. Tông huấn Christus vivit, 176).

    Hình: Vatican Media

    Anh chị em thân mến, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mẫu Maria, và của nhiều cựu học viên là những vị Thánh và Chân phước, đồng hành với anh chị em trên hành trình này. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.

    Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

    Dòng Đa Minh Thánh Tâm

    Nguồn tin:  https://hdgmvietnam.com/

     

    [1] Bộ Giáo dục Công giáo, Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (Nguyên tắc căn bản về đào tạo linh mục), 19/03/1985, Phần dẫn nhập, Số 3.

    [2] Parochial and Plain Sermons, Vol. V, no. 3.

    Bài viết liên quan