Diễn từ Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho tham dự viên green&blue festival 2023

  • 08/06/2023 22:42
  • WHĐ (08.06.2023) – Trùng với Ngày Môi trường “Earth for All” 2023, Green&Blue Festival ở Ý diễn ra tại Roma vào ngày mồng 5 và tại Milano từ ngày 06 - 08.06.2023 quy tụ những người Ý và nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, hiệp nhất trong cam kết khẩn trương chống lại biến đổi khí hậu.

    Là sự kiện quốc gia quan trọng nhất về môi trường, tại Roma, Green&Blue Festival có sự tham dự của các thị trưởng Ý và những người dấn thân trong lãnh vực bảo vệ môi trường. Tại Milano, Green&Blue Festival có sự góp mặt của các nhà hoạt động, nghiên cứu, nghệ sĩ, và chuyên gia khoa học cùng trao đổi trong bầu khí hợp tác, truyền cảm hứng, và lễ hội.

    Nhân dịp này, sáng ngày mồng 05.06.2023, Đức Thánh Cha đã dành cho những người đề xướng và tổ chức Green&Blue Festival buổi tiếp kiến riêng.

    Dưới đây là nội dung diễn từ của Đức Thánh Cha:

    DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA

    DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN GREEN&BLUE FESTIVAL

    NHÂN NGÀY MÔI TRƯỜNG “EARTH FOR ALL” 2023

    Thứ Hai, 05.06.2023

    Anh chị em thân mến!

    Hơn 50 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên Đại hội Liên Hiệp Quốc về Môi trường Con người diễn ra tại Stockholm, vào ngày mồng 05.06.1972. Đại hội đã khởi xướng nhiều cuộc họp khác nhau kêu gọi cộng đồng quốc tế thảo luận về gia đình nhân loại chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta ra sao. Đây là lý do ngày mồng 5 tháng 6 được chỉ định là Ngày Môi trường Thế giới. Tôi nhớ lại, trong chuyến tông du Strasbourg, Tổng thống Hà Lan khi đó đã mời Bộ trưởng Bộ Môi trường, bà Ségolène Royal, tiếp đón tôi. Bà Ségolène nói với tôi rằng, bà nghe nói là tôi đang viết một cái gì đó về môi trường. Tôi trả lời, đúng vậy, tôi đang trao đổi với một nhóm các nhà khoa học và thần học. Và bà đã nói với tôi thế này: “Xin Đức Thánh Cha hãy ban hành tài liệu trước Hội nghị Paris”. Và điều này được thực hiện, Paris thực sự là một Hội nghị rất mang tính xây dựng, không phải vì tài liệu này của tôi, mà vì cuộc họp ở cấp cao. Tuy nhiên, sau Paris… tôi cảm thấy lo lắng.

     

    Nhiều thứ đã thay đổi trong nửa thế kỷ vừa qua. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến sự ra đời của các công nghệ mới, cũng như tác động của các hiện tượng xuyên quốc gia và toàn cầu chẳng hạn như đại dịch hoặc sự biến đổi của một xã hội ngày càng toàn cầu hóa “khiến chúng ta trở thành láng giềng, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh em[1]. Chúng ta cũng đã chứng kiến “một cảm nghiệm tăng dần đối với môi trường và nhu cầu bảo vệ thiên nhiên”, điều này đã làm nảy sinh “mối quan tâm ngày càng tăng, vừa chân thực vừa đau buồn, đối với những gì đang xảy ra với hành tinh của chúng ta” (Thông điệp Laudato Si', 19). Các chuyên gia nhấn mạnh rõ ràng rằng tác động của những lựa chọn và hành động được thực hiện trong thập niên hiện tại này sẽ có tác động như thế nào trong hàng ngàn năm[2]. Do đó, nhận thức của chúng ta đã tăng lên về tác động mà các hành động của chúng ta sẽ gây ra đối với ngôi nhà chung và đối với những người sống trong đó, cả hiện tại và trong tương lai. Điều này cũng làm tăng thêm ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng đã trao phó cho chúng ta việc chăm sóc thụ tạo; đối với những người lân cận và các thế hệ tương lai.

    Mặc dù thời kỳ hậu công nghiệp có thể được nhớ đến rõ ràng như là một trong những thời kỳ vô trách nhiệm nhất trong lịch sử, song có một lý do để hy vọng rằng nhân loại của đầu thế kỷ XXI sẽ được nhớ đến vì đã quảng đại đảm nhận những trọng trách của thời kỳ này” (sđd, 165).

    Hiện tượng biến đổi khí hậu liên tục nhắc nhở chúng ta về những trách nhiệm này, vì nó đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, vốn là những người góp phần ít nhất vào hiện tượng này. Đây trước hết là một vấn nạn về công bằng và thứ đến là về liên đới. Biến đổi khí hậu cũng kêu gọi chúng ta hành động dựa trên sự hợp tác có trách nhiệm của tất cả mọi người, vì thế giới của chúng ta hiện đang hết sức phụ thuộc lẫn nhau và không thể cho phép mình bị chia cắt thành các khối quốc gia nhằm thúc đẩy tư lợi theo cách cô lập hoặc không bền vững. “Những vết thương do đại dịch Covid-19 và hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra cho gia đình nhân loại có thể so sánh với những vết thương do xung đột toàn cầu gây ra[3], trong đó kẻ thù thực sự là hành vi vô trách nhiệm gây hậu quả sâu xa về mọi mặt của cuộc sống nhân loại hôm nay và mai sau. Cách đây vài năm, một số ngư dân từ San Benedetto del Tronto đến gặp tôi. Chỉ trong vòng một năm, họ đã có thể dọn được 12 tấn nhựa từ biển!

    Giống như hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai, “cộng đồng quốc tế nói chung cần ưu tiên thực hiện các hành động dựa trên tinh thần tập thể, liên đới và nhìn xa trông rộng[4], nhận ra “sự lớn lao, cấp bách và vẻ đẹp của thách đố mà chúng ta phải đối diện” (Laudato Si', 15). Một thách đố lớn laokhẩn thiết và tốt đẹp cần sự chung tay và chủ động ứng phó.

    Đây là một thách đố “lớn lao” và đòi hỏi khắt khe, bởi vì nó đòi hỏi phải thay đổi hướng đi, một sự thay đổi mang tính quyết định trong mô hình tiêu dùng và sản xuất hiện tại thường bám chặt vào nền văn hóa “vứt bỏ” vốn thờ ơ với cả môi trường và con người. Hôm nay, một nhóm từ Tập đoàn McDonald's đến thăm; họ nói với tôi rằng họ đã loại bỏ nhựa và chỉ sử dụng giấy có thể tái chế, cho mọi thứ... Tại Vatican, nhựa đã bị cấm và tôi biết rằng chúng tôi hiện đã không dùng nhựa tới 93%. Đây là những bước, những bước thực sự mà chúng ta phải tiếp tục. Những bước thực tế.

    Hơn nữa, nhiều chuyên gia khoa học đã chỉ ra rằng việc thay đổi mô hình này là “khẩn thiết” và không thể trì hoãn được nữa. Một nhà khoa học vĩ đại gần đây đã nói – có lẽ một số anh chị em cũng tham dự– “Hôm qua, một cháu gái của tôi đã chào đời; Tôi không muốn cháu gái của mình sống trong một thế giới không thể ở được trong 30 năm nữa”. Chúng ta phải làm gì đó. Đây là điều cấp bách và không thể trì hoãn.

    Do đó, chúng ta phải củng cố “cuộc đối thoại về cách thức chúng ta đang định hình tương lai của hành tinh” (sđd., 14), ý thức rõ rằng việc sống “ơn gọi trở thành những người bảo vệ công trình của Thiên Chúa là một phần tất yếu của một cuộc sống đạo đức; đó không phải là một khía cạnh tùy chọn hay thứ yếu" (sđd., 217) trong kinh nghiệm sống của chúng ta.

    Vậy thì, thách đố này “tốt đẹp”, thú vị và có thể đạt được: thoát khỏi văn hóa vứt bỏ để hướng tới những lối sống dựa trên văn hóa tôn trọng và quan tâm; chăm sóc thụ tạo và chăm sóc tha nhân, cho dù họ ở gần hay ở xa chúng ta về mặt không gian và thời gian. Chúng ta đang đối diện với một hành trình giáo dục nhằm biến đổi xã hội, một cuộc hoán cải vừa mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đồng (x. sđd., 219).

    Thật vậy, có rất nhiều cơ hội và sáng kiến nhằm thực hiện thách đố này một cách nghiêm túc. Tại đây, tôi chào mừng các đại diện của một số thành phố đến từ nhiều Châu lục. Sự hiện diện của anh chị em làm cho tôi nghĩ đến thách thức này phải được giải quyết như thế nào theo cách bổ trợ ở mọi cấp độ: từ những lựa chọn nhỏ hàng ngày, đến các chính sách địa phương và quốc tế. Một lần nữa, chúng ta phải nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác có trách nhiệm ở mọi cấp độ. Chúng ta cần sự đóng góp của mọi người. Tuy nhiên, chúng ta có giá phải trả. Tôi nhớ những ngư dân từ San Benedetto del Tronto đã nói với tôi: “Đối với chúng con, sự lựa chọn thoạt đầu hơi khó khăn, bởi vì việc dọn nhựa thay vì đánh cá không giúp chúng con kiếm được đồng nào”. Nhưng có một điều sâu sắc hơn: tình yêu của họ dành cho thụ tạo lớn hơn. Họ nhìn thấy cả nhựa và cá... và làm những gì họ phải làm. Nhưng họ phải trả giá!!

    Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải đẩy nhanh tiến trình thay đổi này để ủng hộ một nền văn hóa chăm sóc – giống như việc chúng ta chăm sóc trẻ em – đặt phẩm giá con người và công ích ở trung tâm. Và chính được nuôi dưỡng bởi “giao ước giữa con người với môi trường, như phản ánh tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng mà nhờ Ngài, chúng ta hiện hữu và đang tiến về Ngài[5].

    Chúng ta đừng cướp đi hy vọng của các thế hệ mới về một tương lai tốt đẹp hơn[6]. Xin cảm ơn vì tất cả những gì anh chị em đang thực hiện!

    Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

    Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/

     

    [1] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29. 06. 2009), 19.

    [2] Xem IPCC, Climate Change 2023 Synthesis Report, Summary or Policymakers, C1, p. 24.

    [3] Sứ điệp gửi chủ tịch COP26, ngày 29. 10. 2021.

    [4] Sđd.

    [5] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29. 06. 2009), 50.

    [6] Video-Message to the Climate Ambition Summit, 12. 12. 2020.

    Bài viết liên quan