Đôi nét giới thiệu về Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp

  • 26/11/2021 12:20
  • Danh hiệu: Hội Dòng Đa Minh Việt Nam thánh Catarina Siena với tên thường gọi Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp

    1. Danh hiệu

    Danh xưng Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp được gắn với địa điểm định cư tại xã Tam Hiệp, Biên Hòa sau năm 1954, nhưng tiền thân là Hội Dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam thuộc địa phận gốc Bùi Chu, Bắc Việt (1951).

    2. Bổn mạng

    Cùng với việc tôn kính Cha Thánh Đa Minh, Hội Dòng nhận Thánh nữ Tiến sĩ Catarina Siena là bổn mạng nhất (Lễ mừng ngày 29/04) và Thánh Giuse là bổn mạng nhì (Lễ mừng ngày 19/03).

    3. Tôn chỉ

    “Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm” (Contemplare et contemplata aliis tradere).

    4. Mục đích

    Làm vinh danh Chúa, thánh hoá bản thân và dâng hiến hoàn toàn cho việc loan báo Tin Mừng với việc thực thi ba lời khấn: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục theo Hiến pháp Chị em Đa Minh Việt Nam, Nội quy Hội Dòng và tinh thần Tu luật Thánh Augustinô.

    5. Sống linh đạo Đa Minh

    Chị em đón nhận nếp sống tông đồ đã được Thánh Đa Minh thể hiện là: chung sống hoà hợp, trung thành thực thi ba lời khấn, sốt sắng cử hành phụng vụ cộng đoàn, chuyên chăm học hành, tuân giữ kỷ luật đời tu và thi hành sứ vụ.

    6. Thi hành sứ vụ

    Sinh hoạt tông đồ gồm có các hình thức sau đây:

    a. Cầu nguyện, hy sinh và chứng tá đời sống.

    b. Loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

    c. Giáo dục đức tin và văn hoá, đặc biệt cho thiếu nhi và thanh thiếu niên.

    d. Tham gia các hoạt động thăng tiến con người, nhất là quan tâm đến người nghèo khổ, bệnh nhân và những người bị áp bức.

    Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Dòng trải ra trong 4 lãnh vực chính: Giáo dục, Mục vụ, Bác ái Xã hội và Truyền giáo, với những việc làm cụ thể như:

    • Chăm sóc các cháu mầm non và lưu học xá.

    • Tham gia mục vụ tại các giáo xứ: dạy giáo lý, điều khiển ca đoàn, hướng dẫn các nhóm thiếu nhi, giới trẻ, hiền mẫu, gia trưởng, huynh đoàn Đa Minh và các nhóm ơn gọi.

    • Phục vụ các bà neo đơn không nơi nương tựa, đồng hành với các cô gái đơn thân lỡ lầm.

    • Khám, chữa bệnh, phục vụ và thăm viếng bệnh nhân trong bệnh viện và trạm y tế.

    • Thăm viếng và giúp đỡ người nghèo, di dân.

    • Giúp tĩnh tâm cho các nhóm, hội đoàn, các giới trong các xứ đạo.

    • Giảng dạy trong các trung tâm, học viện thần học và đại chủng viện.

    7. Những điểm mốc lịch sử

    Xuất thân từ các Nhà Mụ hay Nhà Phước (Beaterio) Đa Minh do các cha thừa sai Dòng Đa Minh thành lập từ hơn 300 năm nay (1715) tại địa phận Đông Đàng Ngoài, Hội Dòng Chị em Đa Minh Việt Nam thuộc địa phận gốc Bùi Chu được Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Đại diện Tông tòa Giáo phận Bùi Chu, chính thức ký sắc lệnh thiết lập Hội Dòng vào ngày 30/4/1951, sau khi được sự đồng ý của Tòa Thánh (21/3/1951). Theo làn sóng di cư vào Nam 1954 và chọn Tam Hiệp (Biên Hòa) làm điểm định cư, Hội Dòng mang danh xưng là Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp, được thừa hưởng nguyên vẹn di sản lịch sử và tính cách pháp lý như khi được thành lập tại Bùi Chu ba năm về trước.

    Năm 1961, cha Michael Browne Bề trên Tổng quyền đã ký chấp thuận cho Hội Dòng được hiệp thông với Dòng Anh em Thuyết giáo trong tinh thần, nhưng biệt lập về việc quản trị. Năm 1962, theo một Thông Tư của Thánh bộ Truyền giáo, Hội Dòng xét về mặt pháp lý không còn thuộc thẩm quyền Đức giám mục Giáo phận Bùi Chu nữa, mà thuộc thẩm quyền Đức giám mục Giáo phận Sài Gòn (từ 1962-1966) và Đức giám mục Giáo phận Xuân Lộc (từ 1966 đến nay). Ngày 10/03/1996 Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp cùng với 3 Hội Dòng Đa Minh khác chính thức thành lập Liên hiệp Nữ Đa Minh Việt Nam. Các Hội Dòng đã sử dụng chung một Hiến pháp, một tu phục và hợp tác với nhau trong các lãnh vực đào tạo, phụng vụ và sứ vụ…

    Trong 65 năm qua (1951-2016), Hội Dòng đã nhóm họp 14 Tổng hội không kể Đại hội đồng tiên khởi (1954), với 4 Mẹ Bề trên và 5 Bề trên Tổng quyền nối tiếp điều hành Hội Dòng tại trụ sở Trung ương Tam Hiệp. Đó là: Mẹ Bề trên tiên khởi Êmilia Nguyễn Thị Sê (1954-1960, 1960-1966), Mẹ Bề trên Agnès Đỗ Thị Sâm (1966-1969), Mẹ Bề trên Antônina Nguyễn Thị Phượng (1969-1975, 1983-1987), Mẹ Bề trên Anna Nguyễn Thị Ninh (1975-1983), Bề trên Tổng quyền Rosa Đinh Thị Ngọc Hương (1987-1991, 1991-1995), Bề trên Tổng quyền Isabelle Trần Thị Kim Hường (1995-1999, 1999-2003), Bề trên Tổng quyền Theresa Nguyễn Thị Mừng (2003-2007, 2007-2011), Bề trên Tổng quyền Maria Nguyễn Thị Hùy (2011-2015) và Bề trên Tổng quyền đương nhiệm Maria Đinh Thị Sáng (2015-2019).

    Theo định hướng của Tổng hội Tam Hiệp XIV (tháng 6/2015) Hội Dòng đang nỗ lực “Canh tân đời sống thánh hiến theo linh đạo Đa Minh để loan báo Tin Mừng”, xoay quanh 4 cột trụ – phụng vụ và cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, học hành và sứ vụ – phấn đấu “đi ra” các biên cương để thi hành sứ mạng phục vụ Lời cách mới mẻ theo lời mời gọi của ĐGH Phanxicô.

    Tính tới năm nay 2016, Hội Dòng có 260 nữ tu khấn trọn (không kể 85 chị em đã về nhà Cha), 108 nữ tu khấn tạm, 29 tập sinh, 28 tiền tập sinh, 114 thỉnh sinh. Các nữ tu phục vụ tại trụ sở Trung ương và 28 cộng đoàn trong 8 giáo phận khác nhau tại Việt Nam như: Xuân Lộc, TP Hồ Chí Minh, Long Xuyên, Đà Lạt, Buôn Mê Thuật, Kontum, Bà Rịa, Phú Cường và một cộng đoàn nhỏ bé tại Hoa Kỳ.

    BTTQ Maria Đinh Thị Sáng

    Nguồn tin: https://daminhtamhiep.net

     

    Bài viết liên quan