Dưới đây là đôi nét phác hoạ về cuộc đời của 10 vị tân hiển thánh của Giáo hội:
1. Thánh César de Bus (1544-1607)
Thánh César de Bus
Sinh năm 1544 tại Pháp, thời trẻ, cậu César thích cuộc sống thoải mái với bạn bè qua các buổi tiệc tùng. Nhưng, khi đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, cậu đã được cuốn hút vào đời sống tâm linh sâu sắc hơn, và bắt đầu muốn cống hiến cuộc đời mình cho việc cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo.
Quyết tâm trở thành một linh mục, cuối cùng, thày César được thụ phong năm 1582 tại Avignon. Đảm nhận việc mục vụ, và đặc biệt là dạy giáo lý cho người dân bị quên lãng ở nông thôn, hoặc các vùng hẻo lánh, cha César đã tiên phong trong việc dùng các hình minh họa do chính ngài vẽ, những bài hát và bài thơ do ngài sáng tác để các bài giáo lý được sinh động và dễ hiểu hơn.
Thiết tha với sứ mạng giáo dục đức tin, và nhất là được ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc đời và các tác phẩm của Thánh Charles Borromeo, cha César sáng lập Dòng các Linh mục đạo lý đức tin (Fathers of Christian Doctrine), một dòng tu chuyên về giáo dục, mục vụ và dạy giáo lý.
Ngài mất năm 1607, thọ 63 tuổi, và được phong chân phước năm 1975.
Phép lạ được chấp thuận cho việc phong thánh của chân phước César de Bus là việc chữa lành một phụ nữ trẻ ở Salerno, Ý bị viêm màng não và xuất huyết não, vào năm 2016.
2. Thánh Devasahayam Pillai (1712- 1752)
Thánh Devasahayam Pillai
Trở thành giáo dân Ấn Độ đầu tiên được phong thánh, thánh Lazarus Devasahayam sinh ngày 23/4/1712 với tên gọi Neelakanda Pillai, trong một gia đình giàu có và được nuôi dưỡng theo Ấn giáo. Khi còn trẻ, Neelakanda tham gia phục vụ hoàng gia Travancore ở miền nam Ấn Độ, và cuối cùng được giao phụ trách ngân khố của triều đình.
Năm 1741, thuyền trưởng Eustachius De Lannoy, một vị chỉ huy hải quân Hà Lan, được lệnh đến đánh chiếm cảng Colachel của Travancore, nhưng ông đã thất bại và bị bắt làm tù binh. Tuy nhiên sau đó, viên thuyền trưởng đã được ân xá trở thành vị chỉ huy đáng tin cậy của Travancore. Chính trong bối cảnh này, De Lannoy đã trở thành bạn thân và đưa Neelakanda đến với Đức tin công giáo.
Vào năm 1745, ông Neelakanda chính thức lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, lấy tên thánh rửa tội là Lazarus, và trong tiếng địa phương, Devasahayam có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”. Cả vợ và các thành viên khác trong gia đình ông cũng gia nhập Giáo hội.
Là Kitô hữu, ông Devasahayam từ chối thờ các vị thần trong cung điện cũng như không tham dự các lễ hội tôn giáo truyền thống của Ấn giáo. Ngoài ra, ông còn phủ nhận chế độ phân biệt đẳng cấp vốn có và nhiệt tâm rao giảng về “quyền bình đẳng của tất cả mọi người”. Chính điều này đã khiến các quan chức và triều đình tức giận, nên họ đã đưa ra cáo buộc Devasahayam phạm tội phản quốc và gián điệp. Vì sự cáo buộc này, năm 1749 ông bị tống ngục, sau đó, bị kết án tử hình và bị đày đến khu rừng Aralvaimozhy, một vùng biên giới hẻo lánh của bang Travancore. Sau 3 năm, phải chịu nhiều hình thức tra tấn rất khắc nghiệt, cuối cùng ngài bị bị binh lính bắn chết vào ngày 14.01.1752, khi 40 tuổi, và 7 năm sau khi trở thành Kitô hữu.
Vào ngày 28.6.2012, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã ủy quyền cho Bộ Phong thánh ban hành sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của ông Devasahayam. Sau đó, vào ngày 02.12.2012, Đức Hồng y Angelo Amato, nguyên Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đại diện Đức Giáo Hoàng, chủ sự Thánh lễ phong Chân phước cho thánh nhân, tại khuôn viên trường Carmel ở Nagercoil, Giáo phận Kottar.
Phép lạ của chân phước Devasahayam Pillai liên quan đến sự hồi sinh của một thai nhi mới được 20 tuần của một phụ nữ người Ấn Độ. Sau khi thẩm tra, vào ngày 28.02.2019, Hội đồng y khoa đã tuyên bố rằng việc được chữa lành trong trường hợp này không thể giải thích được bằng kiến thức y học hiện tại.
3. Thánh Anne-Marie Rivier (1768-1838)
Thánh Anne-Marie Rivier
Thánh Anne-Marie Rivier sinh năm 1768 trong một gia đình công giáo ở Ardèche, Pháp. Do hậu quả bị ngã khỏi giường khi mới chập chững biết đi và bị thương nặng ở hông, đã làm suy giảm sự phát triển, các khớp bị sưng tấy, tay chân bị co rút khiến Marie Rivier hầu như không thể đứng vững nếu không có nạng. Dù thế, với chiều cao chỉ 1m3, thánh Marie Rivier vẫn là một nhà truyền giáo tài ba, được Đức Giáo Hoàng Piô IX gọi là “Nữ tông đồ”.
Sau khi bị từ chối gia nhập dòng Nữ tu Đức Bà Pradelles vì lý do sức khỏe, Marie Rivier trở về nhà và 1 năm sau, mở một trường Công giáo ở thị trấn gần biên giới Thụy Sĩ nhằm giúp đào tạo những phụ nữ thất nghiệp trong giáo xứ, chăm sóc bệnh nhân và người nghèo.
Khi Cách mạng Pháp buộc các dòng tu và cơ sở giáo dục công giáo trên khắp đất nước phải đóng cửa, Marie Rivier được quyền sở hữu một trường học của tu viện đã đóng cửa. Vào ngày 21. 11. 1796, chính tại gác mái của ngôi trường này, Mẹ Marie Rivier đã dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa cùng với 5 phụ nữ khác, khai sinh một hội dòng mới với tên gọi Nữ tu Mẹ Maria Dâng mình (Sisters of the Presentation of Mary), đảm nhận việc tông đồ giáo dục, đặc biệt là trẻ mồ côi, và chăm sóc mục vụ cho các bệnh nhân và người nghèo.
Năm 1801, dòng được Đức Giám Mục giáo phận Vienne phê chuẩn và mau chóng phát triển trên khắp nước Pháp.
Trong vòng vài thập niên sau khi Mẹ Marie Rivier qua đời vào năm 1838, Hội dòng đã mở rộng sang Canada và Hoa Kỳ, và hiện nay có mặt khắp năm châu.
Trong bài giảng thánh lễ phong chân phước cho Mẹ Marie Rivier vào năm 1982, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề cao sự nhiệt thành trong việc tông đồ của Mẹ Marie Rivier trong và sau cuộc Cách mạng Pháp, cũng như đức tin mạnh mẽ của Mẹ bất chấp tình trạng ốm yếu về thể chất.
Phép lạ được công nhận do chân phước Marie Rivier thực hiện xảy ra vào năm 2015 liên quan đến việc chữa lành một bào thai chỉ hơn 12 tuần tại Tagbilaran, Philippines, bị tích tụ chất lỏng xung quanh phổi và tim trong tình trạng đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, bé gái đã chào đời hoàn toàn khỏe mạnh vào ngày 6. 9. 2015.
4. Thánh Luigi Maria Palazzolo (1827-1886)
Thánh Luigi Maria Palazzolo
Sinh năm 1827 tại Bergamo, bắc Italia, Thánh Luigi Maria Palazzolo là con út trong gia đình khá giả có 8 người trai. Cuộc sống thời niên thiếu của Luigi gặp nhiều khó khăn, khi hầu hết trong số 8 anh em đều chết sớm, và khi Luigi lên 10 tuổi thì người cha cũng qua đời. Luigi được mẹ giáo dục cách chu đáo, đặc biệt về lòng bác ái đối với người nghèo và các bệnh nhân. Trải nghiệm này đã là nguồn động lực thúc đẩy việc ngài dành tâm huyết cho các trẻ em mồ côi sau này.
Đáp lại tiếng Chúa gọi, thày Luigi Palazzolo thụ phong linh mục tại giáo phận Bergamo, năm 1850 khi 23 tuổi, và được trao nhiệm vụ giáo dục các trẻ em bị bỏ rơi. Sau đó, cha thành lập một số trại trẻ mồ côi, và Hội của thánh nữ Dorothy, ở khu đông dân và nghèo nàn để chăm sóc các trẻ nữ bị bỏ rơi.
Kinh nghiệm sau thời gian làm việc, cha Luigi thấy rằng cần phải có sự hợp tác của các nữ giáo chức có chuyên môn để chăm sóc các trẻ nữ, nên vào năm 1869, cùng với Đấng đáng kính Maria Teresa Gabrieli, cha Luigi thành lập Dòng Nữ tu người nghèo (Sisters of the Poor).
Cha qua đời năm 1886, khi 59 tuổi tại nhà mẹ của dòng ở Bergamo, khi đang gọi tên cực trọng “Lạy Chúa Giêsu Kitô”, Đấng mà cha đã phục vụ cách tận tuỵ giữa những người nghèo và bị lãng quên. Cuộc đời của cha Luigi được xác định bằng cam kết cống hiến bản thân trong bất kỳ khả năng nào cần thiết để giúp người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thật là sự ngẫu nhiên huyền nhiệm, Cha Luigi được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vốn là một linh mục cùng giáo phận với ngài, phong chân phước năm 1963.
Phép lạ được ghi nhận trong tiến trình phong thánh của chân phước Luigi Palazzolo là việc một nữ tu người Ý thuộc Dòng Nữ tu người nghèo, bị thủng ruột, nhiễm trùng huyết, suy đa nội tạng và sốc nhiễm trùng. Vào đầu năm 2016, khi các bác sĩ thông báo rằng bệnh nhân không thể qua khỏi và đã ngừng chữa trị, nhưng ngay sau đó, nữ tu đã được bình phục hoàn toàn một cách không thể giải thích theo lẽ tự nhiên.
5. Thánh Maria Francesca Rubatto (1844-1904)
Thánh Maria Francesca Rubatto
Sinh ra ở Carmagnola, Ý, năm 1844, Rubatto mồ côi mẹ khi mới 4 tuổi và tiếp tục mồ côi cha khi 19 tuổi. Nhận được lời cầu hôn khi còn là một cô bé, nhưng Rubatto đã từ chối lời cầu hôn vì có ước nguyện sống trinh khiết trọn đời.
Tại Turin, tuy rất nhiệt tình trong việc giảng dạy về đức tin, chăm sóc người nghèo, kẻ ốm liệt nhưng Maria Francesca chỉ khám phá ra ơn gọi của mình khi đã gần 40 tuổi.
Một ngày nọ, khi đang trên đường từ nhà thờ về lại nhà, Rubatto nghe thấy tiếng kêu cứu của một công nhân xây dựng bị thương do một hòn đá từ giàn giáo rớt xuống đầu. Rubatto vội vàng giúp lau rửa và băng bó vết thương cho anh ta, và đó cũng là lúc cô phát hiện ra rằng tòa nhà là một tu viện. Ngay lúc ấy, một tu sĩ dòng Capuchin đang giám sát việc xây dựng đã thuyết phục Rubatto gia nhập cộng đoàn tu trì này, như một món quà đặc biệt Thiên Chúa ban tặng cho Hội dòng còn non trẻ đang tìm kiếm vị bề trên.
Sau khi tuyên khấn vào năm 1885, nữ tu Maria Francesca Rubatto được Đức giám mục giáo phận bổ nhiệm làm Bề trên của Hội dòng, góp phần đem lại nhiều sức sống cho các tu viện. Sau đó, cùng với một số Nữ tu, Mẹ Maria Rubatto đã vượt Đại Tây Dương 7 lần bằng thuyền để thi hành sứ mạng truyền giáo tại Uruguay, Argentina và Brazil. Chính tại Uruguay, Mẹ Maria Rubatto giúp củng cố nền tảng của Hội dòng mà ngày nay được gọi là dòng Nữ tu Capuchin của Mẹ Rubatto (Capuchin Sisters of Mother Rubatto). Hiện tại, dòng có nhiều tu viện ở Eritrea, Ethiopia, Kenya, và các nước khác trên khắp Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Phi.
Vào năm 1904, Mẹ Maria Francesca Rubatto qua đời vì bệnh ung thư tại Montevideo, thủ đô của Uruguay, nơi Mẹ đã miệt mài truyền giáo hơn một thập niên.
Phép lạ do lời cầu nguyện của chân phước Maria Francesca Rubatto là việc chữa lành cho một thanh niên bị chấn thương sọ não, xuất huyết não gây hôn mê sâu vào tháng 3. 2000 tại Colonia, Uruguay.
6. Thánh Charles de Foucauld (1858-1916)
Thánh Charles de Foucauld
Sinh ra trong một gia đình quý tộc tại Strasbourg, Pháp, vào năm 1858, Charles de Foucauld mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi. Dù thế cậu bé Charles đã có một tuổi thơ tràn ngập bầu khí yêu thương khi nhận được sự chăm sóc chu đáo và “dịu dàng vô bờ bến” của ông ngoại. Cũng nhờ sự giàu có của gia đình, Charles đã được hưởng một nền giáo dục cao, giúp cậu khắc phục tính nóng nảy nhưng cũng chính việc học đã khiến Charles ngày càng xa rời đức tin và đi theo hướng của thuyết bất khả tri. Cảm thấy gò bó vì những thực hành tôn giáo nghiêm ngặt tại trường nội trú Paris, Charles quyết định bỏ tất cả các thực hành tôn giáo và tập trung vào học viện quân sự. Sau đó, dù có một màn trình diễn khá tệ tại học viện quân sự, nhưng nhờ thân thế, Charles vẫn được nhận vào đội kỵ binh Pháp.
Năm 23 tuổi, Charles rời quân đội và bắt đầu chuyến thám hiểm Maroc đầy nguy hiểm, nhưng chính việc tiếp xúc với những tín đồ Hồi giáo có niềm tin mạnh mẽ tại đây đã khơi lên trong tâm hồn cậu nhiều cật vấn. Một lần, Charles đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu Ngài tồn tại, xin hãy cho con biết Ngài”. Trở lại Pháp, với sự hướng dẫn của một linh mục, Charles đã trở lại với đức tin Công giáo của mình vào năm 1886, ở tuổi 28.
Sau đó, thày Charles bắt đầu ơn gọi đan tu vào năm 1890, điều này đã dẫn ngài đi theo nhiều nẻo đường bấp bênh nhưng đã tạo cho ngài cơ hội từ bỏ mình để theo ý muốn của Thiên Chúa. Trong một cuộc hành hương đến Đất Thánh, thày Charles đã nhận ra ơn gọi “đi theo Chúa Giêsu trong cuộc đời của Người tại Nazareth”. Ngài sống như một đan sĩ dòng Trappist ở Pháp và Syria trong 7 năm. Sau đó, ngài cũng sống như một ẩn sĩ và giúp việc tại đan viện của các nữ đan sĩ thánh Clara ở Nazareth.
Thày Charles được thụ phong linh mục vào năm 1901 ở tuổi 43, ngay trước khi lên đường đến miền bắc Phi, với mong muốn “tất cả mọi người đều được lên thiên đàng!”. Tại sa mạc Sahara, cha Charles đã tiếp đón rất nhiều du khách, dù là người theo Kitô giáo, theo Hồi giáo, theo Do Thái giáo hay người không tôn giáo. Hết sức tôn trọng các tín ngưỡng và nền văn hóa nơi mình đang sống, cha nhắm mục tiêu là làm sao để “mang Tin Mừng đến cho những người bị bỏ rơi nhất…”. Trong 13 năm ở Sahara, cha đã dấn thân vào việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Tuareg, biên soạn từ điển Tuareg-Pháp, và hy vọng có thể thành lập một dòng tu mới ở đó: “Một gia đình nhỏ noi gương các nhân đức của Chúa Giêsu một cách hoàn hảo đến nỗi tất cả những người sống trong khu vực xung quanh đều bắt đầu yêu mến Chúa Giêsu!”
Cha đã sống một đời cầu nguyện, và chiêm niệm, với ước muốn không ngừng trở thành một “người anh em phổ quát”, một hình ảnh sống động của tình yêu của Chúa Giêsu đối với mọi người.
Nhưng nguyện ước không thành, cha Charles de Foucauld ra đi ở tuổi 58, khi vào tối ngày 1. 12. 1916, cha bị một nhóm cướp xông vào lều bắt đi, và sau đó bị bắn chết.
Tháng 5. 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ xảy ra vào ngày 30. 11. 2016, chiều hôm trước dịp kỷ niệm 100 năm Chân phước Charles qua đời. Một thợ mộc học việc khi đang sửa lại nhà nguyện ở Saumur, Pháp, đã bị ngã từ độ cao hơn 15m, bị gãy xương sườn và chấn thương nặng, nhưng đã đứng dậy để tìm kiếm sự giúp đỡ y tế, và sau khi phẫu thuật, anh được xuất viện sau một tuần. Kết quả cho thấy người thợ mộc đã trở lại làm việc 2 tháng sau vụ tai nạn mà không bị bất kỳ ảnh hưởng nào về thể chất hoặc tâm lý.
7. Thánh Carolina Santocanale (1852-1923)
Thánh Carolina Santocanale
Sinh tại Palermo, Ý vào năm 1852, Carolina Santocanale có ước muốn dâng mình cho Chúa ngay từ thiếu thời. Sau đó, với sự hướng dẫn của Cha Mauro Venuti, Carolina quyết tâm dành cuộc đời để làm các việc từ thiện cho người nghèo thay vì sống trong tu viện.
Ở tuổi 32, sau một đợt ốm nặng kéo dài, Carolina quyết định kết hợp mối quan tâm của mình trong việc chiêm niệm và hoạt động tông đồ bằng cách gia nhập Dòng Phanxicô tại thế. Tuyên khấn vào năm 1887, và theo thói quen của Dòng, Carolina đã nhận tên mới là “Maria của Chúa Giêsu” (Maria of Jesus).
Bất chấp sự phản đối của gia đình, nữ tu Maria Carolina, ngày ngày với chiếc ba lô chất đầy vật dụng, đã đi hết nhà này đến nhà khác ở Palermo để chăm sóc người nghèo và bệnh tật. Ngoài ra, ngài đã giám sát việc thành lập một cô nhi viện và một trường mẫu giáo, đồng thời nuôi dưỡng nhiều ơn gọi linh mục và ơn gọi tu trì.
Khi có thêm nhiều người tham gia vào sứ mệnh của mình, nữ tu Maria Carolina đã thành lập Dòng Nữ tu Capuchin Vô nhiễm Nguyên tội Lộ Đức (Capuchin Sisters of the Immaculate of Lourdes) vào năm 1909. Hội dòng đã nhận được sự chấp thuận chính thức của Giáo hội chỉ một tuần trước khi Mẹ Maria Carolina qua đời vào năm 1923.
Phép lạ xảy ra nhờ lời cầu bầu của chân phước Maria Carolina Santocanale liên quan đến một cô dâu trẻ được ghi nhận là mắc chứng rối loạn miễn dịch, bệnh viêm tuyến giáp, và chứng vô sinh. Tuy nhiên, sau những lời cầu nguyện với Chân phước Carolina, vào tháng 12. 2016, cô phát hiện ra mình có thai. Và, 6 tháng sau, cô đã hạ sinh đứa con đầu lòng khỏe mạnh; sau đó, cô còn mang thai và sinh thêm một em bé khỏe mạnh khác.
8. Thánh Maria Domenica Mantovani (1862-1934)
Thánh Maria Domenica Mantovani
Được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh vào năm 1862 tại Castelletto di Brenzone, Ý, thánh Maria Domenica luôn được cha mẹ khuyến khích đi theo ơn gọi sống đời thánh hiến tu trì.
Dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ, Chân phước Giuseppe Nascimbeni, Maria Domenica đã tận tụy trong việc dạy giáo lý và chăm sóc bệnh nhân. Năm 24 tuổi, Maria Domenica đã khấn lời khấn tư sống khiết tịnh trong ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm trước tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức ở giáo xứ.
Năm 1892, nữ tu Maria Domenica tuyên khấn với 4 người khác, và cùng với Chân phước Giuseppe, trở thành đồng sáng lập của Dòng tiểu muội Thánh Gia (Little Sisters of the Holy Family). Mặc dù chỉ có 3 năm học chính thức, nhưng với đời sống nội tâm sâu sắc, Mẹ Maria Domenica đã đóng vai trò nền tảng trong việc soạn thảo các Hiến chương, lấy cảm hứng từ bản Luật của Dòng Ba Tại thế của thánh Phanxicô Assisi cho dòng mới khai sinh.
Trước khi qua đời năm 1934, sau 40 năm phục vụ với tư cách là Bề trên tiên khởi của Hội dòng, Mẹ Maria Domenica được hạnh phúc chứng kiến hoa trái của sự tận tụy và khiêm hạ phục vụ khi Dòng tiểu muội Thánh Gia có 1.200 nữ tu với 150 tu viện tại Ý và nước ngoài.
Được phong chân phước năm 2003, phép lạ được ghi nhận cho tiến trình phong thánh của Mẹ Maria Domenica Mantovani là việc chữa lành vào năm 2011 cho một cô bé 12 tuổi ở Argentina mắc bệnh thần kinh nghiêm trọng. Trong quá trình làm thủ thuật y tế, cô bé đã bị co giật, ngừng tim và suy hô hấp. Được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của gia đình với thánh tích của Chân phước Domenica Mantovani, 2 ngày sau đó cô bé được rút ống nội khí quản và tiếp tục hồi phục hoàn toàn.
9. Thánh Titus Brandsma (1881-1942)
Thánh Titus Brandsma
Thánh Titus Brandsma sinh năm 1881 và lớn lên trong một trang trại chăn nuôi bò sữa tại Oegeklooster, Hà Lan.
Được thôi thúc bởi ơn gọi tu trì, vào năm 1898, Brandsma đã gia nhập đan viện Cát Minh ở Boxmeer, đông nam Hà Lan, và lấy tên dòng là chính tên cha của mình: Titus.
Sau khi được thụ phong linh mục trong Dòng vào năm 1905, cha Titus được gửi đi học tại Rôma, trở thành giáo sư triết học và chuyên môn về thần bí. Đồng thời, cha cũng làm việc trong lĩnh vực báo chí và làm phóng viên cho một số tờ báo và tạp chí Hà Lan. Khi về nước, cha thành lập tạp chí Karmelrozen, sau đó, vào năm 1935, cha được bổ nhiệm làm tuyên úy cho Hiệp hội các nhà báo Công giáo Hà Lan.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tại quê hương Hà Lan, cha chịu sự giám sát của Đệ tam Đế chế vì đã thẳng thắn bảo vệ quyền tự do báo chí. Năm 1942, cha thay mặt các giám mục Hà Lan đảm nhận vai trò sứ giả, chia sẻ yêu cầu các tờ báo Công giáo không được cộng tác với Đức Quốc xã dưới bất kỳ hình thức nào. Vì những hoạt động chống phát xít này, cha bị bắt và bị đưa đến trại tập trung Dachau. Cha bị ghép tội phản quốc vì khi bênh vực người Do Thái và khuyến khích các tờ báo Công giáo không in nội dung tuyên truyền của Đức Quốc xã. Vào ngày 26. 7. 1942, một nữ y tá đã tiêm cho cha mũi thuốc độc chết người, và cha được hỏa táng tại trại.
Hoàn tất cuộc đời ở tuổi 61, dù trong hoàn cảnh bị bắt bớ, hành hạ, cha Titus luôn là người có phong thái lạc quan. Chính nữ y tá, người đã tiêm chất độc cho cha Titus, sau này cũng làm chứng rằng cô luôn ghi nhớ sâu sắc trong ký ức khuôn mặt của vị linh mục “đã tỏ lòng trắc ẩn với mình”.
Ngày 03. 11. 1985, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Cha Titus lên bậc chân phước như là một vị tử đạo vì đức tin.
Nhờ lời chuyển cầu của chân phước Titus Brandsma, cha Michael Driscoll, thuộc dòng Camêlô, và là nguyên chánh xứ Thánh Jude ở Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ, được khỏi bệnh ung thư một cách lạ lùng. Vào năm 2004, khi được chẩn đoán mắc bệnh u ác tính di căn giai đoạn 4, cha Michael bắt đầu cầu nguyện với chân phước Titus và hằng ngày đặt một di vật là một mảnh nhỏ từ bộ đồ đen của vị tử đạo Titus lên đầu và cổ. Sau đó, các bác sĩ nói rằng việc Cha Driscoll đã được chữa khỏi bệnh là điều không thể giải thích được về mặt khoa học. Vào ngày 25. 5. 2021, Bộ phong thánh cũng nhìn nhận phép lạ khi thấy căn bệnh ác tính nguy hiểm nơi cha Michael Driscoll hoàn toàn biến mất, không để lại bất cứ dấu vết nào.
10. Thánh Justin Russolillo (1891-1955)
Thánh Justin Russolillo
Là vị thánh đương đại nhất trong số 10 vị tân Hiển thánh, thánh Justin Russolillo sinh năm 1891, là người con thứ ba trong số 10 người con của một gia đình nghèo, sống tại tỉnh Napoli, miền nam Ý.
Vào ngày lãnh chức linh mục năm 1913, cha Justin cam kết thực hiện việc thành lập một dòng tu chuyên khuyến khích các ơn gọi linh mục và đời sống tu trì. Tuy nhiên, những nỗ lực đầu tiên của cha gặp phải nhiều khó khăn, thử thách và đau khổ khi bị giám mục giáo phận ngăn cản. Với sự khiêm tốn và kiên trì, trong vai trò là một linh mục quản xứ, cha nổi tiếng về các hoạt động linh hướng, giảng thuyết và đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ ơn gọi của những người nghèo và kém may mắn.
Do đó, chỉ trong vòng vài năm, cha đã thiết lập được tu đoàn Ơn Thiên triệu và Dòng nữ Ơn Thiên triệu (Vocationists) nhằm cầu nguyện, đón nhận, huấn luyện và đồng hành các ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời cổ võ ơn gọi nên thánh phổ quát nơi giáo dân nhờ sự kết hiệp với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Với chí hướng này, cha trở thành người đi bước trước cho sự quan tâm và nhấn mạnh về việc khuyến khích sống ơn gọi nên thánh trong Giáo hội của Công đồng Vatican II.
Cha Justin qua đời vì bệnh bạch cầu vào năm 1955, thọ 64 tuổi. Hiện nay Hiệp hội Ơn Thiên triệu lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Phép lạ được Bộ Phong thánh nhìn nhận, nhờ sự chuyển cầu của chân phước Justin Russolillo là sự khỏi bệnh lạ lùng vào ngày 21. 4. 2016 tại thành phố Pozzuoli của một tu huynh thuộc tu đoàn Ơn Thiên triệu, người Madagascar.
Sự việc xảy ra khi vào một hôm, người ta tìm thấy tu huynh bị hôn mê, nằm ngã trong phòng do suy hô hấp cấp tính và chết cơ sau một cơn động kinh và thày được đưa vào nhà thương cứu cấp.
Cha giám tỉnh tu đoàn Ơn Thiên triệu mời gọi tất cả anh em cầu nguyện với chân phước Justin Russolillo, xin ơn chữa lành cho tu huynh bị bệnh. Ngày 18. 4, một tu huynh mang ảnh có gắn thánh tích của chân phước Justin và đặt trên mình tu huynh đang trong tình trạng bệnh rất nặng. Ba ngày sau đó, ngày 21. 4, bệnh tình của tu huynh được cải thiện cách bất ngờ, dần tỉnh lại, ra khỏi trạng thái hôn mê, đến ngày 3. 5 thì thày được xuất viện và hồi phục hoàn toàn.
* * *
Chỉ với đôi nét về 10 vị Tân Hiển thánh, cũng phần nào giúp chúng ta nhận ra rằng:
Các Thánh cũng chia sẻ phận người, với tất cả những bấp bênh, trắc trở, yếu đuối, bất toàn… như bất kỳ ai trong chúng ta,
- Thánh César de Bus, Thánh Maria Francesca Rubatto cũng phải vất vả, gian truân lắm mới tìm thấy ơn gọi đích thực của đời mình;
- Thánh Charles de Foucauld cũng phải kênh qua sự lạc lối, trải nghiệm những thất bại lặp đi lặp lại trên hành trình cuộc đời để có thể thực thi điều Thiên Chúa muốn;
- Thánh Lazzaro Devasahayam Pillai, Thánh Titus Brandsma cũng phải chấp nhận để cho đức tin xáo trộn cuộc đời, với một cái giá quá đắt là chính mạng sống của mình;
- Thánh Anne-Marie Rivier, Thánh Carolina Santocanale cũng phải trải qua sự nghiệt ngã của bệnh tật và hứng chịu những thiếu hụt về sức khoẻ thể lý;
- Thánh Luigi Maria Palazzolo, Thánh Maria Francesca Rubatto cũng trải qua sự đớn đau khi mất đi những người thân yêu trong gia đình ngay thuở thiếu thời;
- Thánh Justin Russolillo cũng đối diện nhiều khó khăn, thử thách, kể cả chống đối để biến giấc mơ thánh thiện của mình thành sự thật…
Nhưng, phải chăng, nếu có khác, đó là mỗi vị Thánh, trong từng cảnh huống cuộc đời mình,
- đã luôn đặt Chúa lên vị trí ưu tiên và là trung tâm của cuộc đời mình;
- đã luôn vét rỗng chính mình để được lấp đầy bằng ân sủng của Chúa;
- đã luôn mở rộng con tim để yêu thương anh chị em của mình, nhất là những người bé mọn, yếu đuối, khổ đau bằng tình yêu của chính Chúa;
Và nhất là, các ngài đã luôn kiên trì trong cầu nguyện: để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận ra ý Chúa, và để thi hành ý Chúa qua từng dấu chỉ của cuộc sống;
Nếu đúng như vậy, thì dù chúng ta chẳng thể nên giống các ngài như là những vị thánh lập dòng và tử đạo, thì chúng ta vẫn có thể noi gương các ngài trong việc:
Khiêm tốn chấp nhận mình, sống như mình là, trong mối tương quan với Thiên Chúa, với Giáo hội, với người khác cách hiện sinh, ý nghĩa, và trọn vẹn nhất?
Xin Các vị Tân Hiển thánh cầu bầu cùng Chúa, cho chúng con!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: catholicnewsagency.com;
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 30 | Tổng lượt truy cập: 3,071,568