ĐTC Phanxicô gặp các Giám mục và tín hữu của Giáo hội Công giáo nghi lễ Siro-Malaba (VATICAN MEDIA Divisione Foto)
Giáo Hội nghi lễ Siro-Malaba có từ thời thánh Tôma Tông đồ, là 1 trong số 23 Giáo Hội nghi lễ Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh, và là Giáo Hội lớn thứ hai sau Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ucraina. Giáo Hội nghi lễ Siro-Malaba hiện có khoảng 4 triệu 250 ngàn tín hữu trên thế giới, trong đó có 2 triệu 350 ngàn người ở bang Kerala, với khoảng 65 Giám mục và hơn 9 ngàn linh mục.
Từ lâu, tại Tổng giáo phận Ernakulam - Angamaly, giáo phận lớn nhất của Giáo Hội Siro Malaba, với khoảng nửa triệu tín hữu, có những tranh chấp và chia rẽ về phụng vụ. Tại đây, Hội đồng của Giáo Hội đã phê chuẩn nghi thức cử hành Thánh lễ trong tinh thần dung hòa, bắt đầu có hiệu lực từ mùa hè năm 2021. Mặc dù Đức Thánh Cha đã nhiều lần kêu gọi và nhắn nhủ, khoảng 400 Linh Mục cùng với nhiều giáo dân trong Tổng giáo phận này vẫn từ chối áp dụng nghi thức mới.
Vâng phục
Trong cuộc gặp gỡ, trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại nguồn gốc tông đồ của Giáo hội Siro-Malaba và ca ngợi lòng trung thành của họ đối với Người kế vị Thánh Phêrô. Ngài nói: “Ở đâu có sự vâng phục ở đó có Giáo hội; ở đâu có sự bất tuân ở đó có sự ly giáo. Và anh em vâng phục, và đây là vinh quang của anh em: sự vâng phục, ngay cả khi phải chịu đau khổ, nhưng vẫn tiến về phía trước. Và ngài khuyến khích các tín hữu Syro-Malabar, dù ở bất cứ nơi nào, hãy vun trồng ý thức thuộc về Giáo hội của mình, để di sản phụng vụ, thần học, thiêng liêng và văn hóa vĩ đại của họ có thể còn tỏa sáng hơn nữa.
Cám dỗ tự quy chiếu
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng cảnh giác họ về cám dỗ nguy hiểm muốn tập trung vào một chi tiết mà họ không muốn bỏ qua, gây phương hại đến lợi ích chung của Giáo hội. Ngài nói rằng điều này xuất phát từ sự tự quy chiếu, dẫn đến việc không nghe thấy bất kỳ lý do nào khác ngoài lý do của mình. Ngài cảnh giác: “Và chính ở đây, ma quỷ, kẻ chia rẽ, cản trở ước muốn chân thành nhất mà Chúa bày tỏ trước khi hy sinh vì chúng ta: đó là chúng ta, những môn đệ của Người, trở nên ‘một’ (Ga 17,21)”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Do đó, bảo vệ sự hiệp nhất không phải là một lời hô hào đạo đức, mà là một nghĩa vụ, và đặc biệt là khi nói đến các linh mục đã hứa tuân phục và là những vị mà các tín hữu mong đợi gương bác ái và hiền lành”.
Bảo vệ sự hiệp thông
Đức Thánh Cha nói với Đức Thượng phụ đứng đầu Giáo hội Công giáo nghi lễ Siro-Malaba: “Chúng ta hãy quyết tâm làm việc để bảo vệ sự hiệp thông và cầu nguyện không mệt mỏi để anh em của chúng ta, bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục dẫn đến cứng nhắc và chia rẽ, có thể nhận ra rằng họ là thành viên của một gia đình lớn hơn, yêu thương họ và chờ đợi họ. Ngài mời gọi thảo luận mà không sợ hãi, nhưng trên hết chúng ta hãy cầu nguyện, để dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng hòa hợp sự khác biệt và đưa những căng thẳng trở lại hiệp nhất, những xung đột được giải quyết.
Tiêu chuẩn thực sự thiêng liêng, xuất phát từ Chúa Thánh Thần, là sự hiệp thông
Ngài nhấn mạnh: “Việc thiếu tôn trọng Bí tích Thánh Thể, - Bí tích bác ái và hiệp nhất -, khi thảo luận về các chi tiết cử hành Bí tích Thánh Thể, điểm cao nhất trong sự hiện diện của Người được tôn thờ giữa chúng ta, là không phù hợp với đức tin Kitô giáo. Tiêu chuẩn hướng dẫn, tiêu chuẩn thực sự thiêng liêng, xuất phát từ Chúa Thánh Thần, là sự hiệp thông: nó có nghĩa là tuân theo sự hiệp nhất, trung thành và khiêm tốn, tôn trọng và vâng phục gìn giữ những hồng ân đã nhận được”.
Chạm vào vết thương của Chúa nơi người đau khổ
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc họ nhìn vào các vết thương của Chúa ngày nay vẫn còn hiện rõ trên thân xác của nhiều người đói khát và bị bỏ rơi, trong nhà tù, bệnh viện và dọc các đường phố; bằng cách chạm vào những anh em này một cách dịu dàng, chúng ta chào đón Thiên Chúa hằng sống ở giữa chúng ta. Như Thánh Tôma, việc nhận ra lòng thương xót và tha thứ của Chúa sẽ vun trồng đức tin và giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại. (CSR_2059_2024)
Hồng Thủy
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 94 | Tổng lượt truy cập: 4,165,047