Tham dự thánh lễ, có khoảng 70.000 tín hữu, đông quá gấp đôi so với Lễ Lá năm ngoái, khi mới ra khỏi dịch bệnh.
Vì còn đau đầu gối không đi lại được dễ dàng, nên Đức Thánh cha phải dùng xe để đến tận khu vực cây tháp bút ở giữa quảng trường, nơi có đoàn rước cầm các ngành lá chờ đợi ngài.
Sau khi thức làm phép, đoàn rước đã tiến lên bàn thờ ở thềm Đền thờ. Dẫn đầu đoàn rước lá là các em giúp lễ, rồi tới các giáo dân và tu sĩ, tiếp đến là các kinh sĩ Đền thờ thánh Phêrô, 30 giám mục và 30 hồng y. Các tín hữu tại buổi lễ cầm các cành lá dừa. Riêng các giám mục và hồng y và một số người khác cầm các cành lá dừa màu vàng, được kết bện nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo trao tặng, theo một truyền thống từ thế kỷ XVI.
Trong bài giảng sau bài Thương khó, Đức Thánh cha đặc biệt diễn giải câu Chúa Giêsu thốt lên trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con?”. Đó là lời khẩn cầu mà phụng vụ hôm nay để cho chúng ta lập lại trong thánh vịnh đáp ca (Xc Tv 22,2) và là lời duy nhất Chúa Giêsu thốt lên trên thập giá, như bài Tin mừng chúng ta đã nghe. Vì thế, đó là những lời đưa chúng ta vào trọng tâm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, đi vào tột đỉnh những đau khổ Chúa đã chịu để cứu độ chúng ta”.
Đức Thánh cha nói: “Những đau khổ của Chúa Giêsu thật là nhiều và mỗi lần chúng ta nghe bài Thương khó, chúng ta đi vào những đau khổ đó. Có những đau khổ thể xác: từ những cái tát cho đến những sự đánh đập, từ những roi đòn cho đến mão gai, đến sự cực hình khổ giá. Có những đau khổ trong tâm hồn: sự phản bội của Giuđa, sự chối bỏ Thầy của Phêrô, những kết án của giới lãnh đạo tôn giáo và chính quyền, sự nhạo cười của lính canh, những lăng mạ dưới chân thập giá, sự phủ nhận của bao nhiêu người, sự thất bại mọi sự, sự bỏ rơi của các môn đệ... Giờ đây, xảy ra một điều không tưởng tượng được; trước khi chết Chúa Giêsu kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?”
Đức Thánh cha cũng nói đến đau khổ xé lòng về tinh thần mà Chúa Giêsu đã chịu: “Chúa cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vì yêu thương chúng ta, Chúa đi tới độ chịu đau khổ tột cùng”. Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Động từ ‘bỏ rơi’ trong Kinh thánh thật là mạnh; đau khổ tinh thần xuất hiện trong những lúc đau đớn tột cùng: trong những thất tình, bị xua đuổi và phản bội; nơi những người con bị phủ nhận và phá thai; trong những tình trạng bi ruồng bỏ, góa bụa và mồ côi; trong những hôn phối kiệt quệ, trong những loại trừ, tước bỏ những quan hệ xã hội, trong những áp bức bất công và trong cô độc vì bệnh tật: tóm lại, trong những tan nát bi thảm nhất của các mối quan hệ. Chúa Kitô đã chịu điều đó trên thập giá, vác lấy tội lỗi của trần thế... Chúa Giêsu đã chịu tất cả những điều đó vì chúng ta, liên đới với chúng ta đến tột cùng, để ở với chúng ta đến cùng. Để không một ai trong chúng ta có thể nghĩ mình cô độc và không thể phục hồi. Chúa đã chịu sự bỏ rơi để không để chúng ta trở thành con tin của sầu khổ, để ở cạnh chúng ta mãi mãi”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Anh chị em thân mến, một tình yêu như thế, tất cả cho chúng ta, và đến độ tột cùng, có thể biến đổi những con tim chai đá của chúng ta thành những con tim bằng thịt, có khả năng thương xót, dịu dàng, cảm thương. Chúa Kitô bị bỏ rơi thúc đẩy chúng ta tìm kiếm và yêu mến Chúa nơi những người bị bỏ rơi. Lý do vì nơi họ, không những chỉ có những người túng quẫn, nhưng có chính Ngài, Chúa Giêsu bị bỏ rơi, Đấng đã cứu vớt chúng ta, khi hạ mình đến cùng trong thân phận phàm nhân của chúng ta. Vì thế, Chúa muốn chúng ta chăm sóc các anh chị em của chúng ta, những người rất giống Ngài, giống Ngài trong tình trạng đau khổ tột cùng và cô đơn. Ngày hôm nay có bao nhiêu “Kitô hữu bị bỏ rơi”. Có cả các dân tộc bị bóc lột và bỏ mặc; có những người nghèo sống ở những ngã tư đường của chúng ta, những người mà chúng ta không dám nhìn thẳng vào họ; những người di dân không còn là những khuôn mặt nhưng chỉ là những con số; các tù nhân bị phủ nhận, những người bị xếp loại như những vấn đề. Nhưng cũng có bao nhiêu Kitô hữu bị bỏ rơi vô hình, giấu kín, bị gạt bỏ bằng những găng tay trắng: đó là những hài nhi chưa sinh ra, người già bị bỏ mặc, bệnh nhân không được thăm viếng, người khuyết tật bị làm ngơ, người trẻ cảm thấy trống rỗng lớn trong tâm hồn mà không có người nào thực sự nghe tiếng kêu đau thương của họ.”
“Chúa Giêsu bị bỏ rơi xin chúng ta hãy có đôi mắt và con tim đối với những người bị bỏ rơi. Đối với chúng ta là môn đệ của Đấng bị bỏ rơi, không ai có thể bị gạt ra ngoài lề, không ai có thể bị bỏ mặc một mình; vì chúng ta hãy nhớ rằng những người bị phủ nhận và loại trừ là hình ảnh sống động của Chúa Kitô. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ơn này, đó là luôn biết yêu mến Chúa Giêsu bị bỏ rơi và biết yêu mến Chúa Giêsu nơi mỗi người bị bỏ rơi.”
Trong phần lời nguyện phổ quát, bằng năm thứ tiếng: Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hindi-Ấn Độ, Pháp và tiếng Hoa, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo hội, sinh ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô bị đâm thấu qua, được ơn thánh và sức mạnh nhờ tham dự các lễ nghi Tuần thánh này, để theo Chúa; cầu cho các chính quyền, để họ luôn kiên trì tìm kiếm công ích, thăng tiến hòa hợp và hòa bình cũng như giúp đỡ những người đau khổ vì bạo lực, oán ghét và chiến tranh; cầu cho những người đang đau khổ vì bệnh tật; cầu cho các dự tòng và sau cùng cầu cho tất cả chúng ta tại bàn tiệc thánh này, được củng cố trong xác tín rằng đau khổ và sự chết không phải tiếng nói cuối cùng, nhưng là con đường để tiến đến cuộc sống sung mãn.
Cuối thánh lễ, lúc quá 11 giờ 30, Đức Thánh cha đã chủ sự kinh Truyền tin ngay tại bàn thờ, thay vì lên lầu ba Dinh Tông tòa để đọc kinh từ cửa sổ phòng làm việc ở căn hộ Giáo hoàng.
Ngỏ lời với các tín hữu trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha chào thăm tất cả mọi tín hữu, đặc biệt các tín hữu hành hương đến từ nhiều nước và nói rằng: “Tôi cám ơn sự tham dự của anh chị em cũng như những lời cầu nguyện của anh chị em trong những ngày qua.
“Tôi đặc biệt chúc lành cho đoàn lữ hành hòa bình trong những ngày này đã khởi hành từ Ý sang Ucraina, do các hiệp hội khác nhau tổ chức: Hội Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, Liên đoàn các Tổ chức thiện nguyện quốc tế Kitô, gọi là FOCSIV, Hội Phò Thành thị Kitô, Phong trào Pax Christi, Hòa bình của Chúa Kitô và một số hội khác nữa. Cùng với những nhu yếu phẩm, họ mang lại sự gần gũi của nhân dân Ý với nhân dân Ucraina đang chịu đau thương, và ngày hôm nay họ tặng những cánh lá ôliu biểu tượng hòa bình của Chúa Kitô. Chúng ta hãy hiệp với cử chỉ này trong kinh nguyện, kinh nguyện càng được tăng cường trong những ngày Tuần thánh này”.
Rồi, Đức Thánh cha kết luận: “Anh chị em, với buổi lễ này, chúng ta bước vào Tuần thánh. Tôi mời gọi anh chị em hãy sống tuần này như truyền thống nơi dân thánh trung thành của Thiên Chúa, nghĩa là đồng hành với Chúa Giêsu trong niềm tin yêu. Chúng ta hãy học nơi Mẹ chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ đã theo Chúa Con với sự gần gũi trong tâm hồn, tâm đầu hiệp ý với Con, và tuy không hiểu, cùng với Chúa Con, Mẹ đã hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa Cha. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta ở cạnh Chúa Giêsu hiện diện nơi những người đau khổ, bị gạt bỏ và bị bỏ rơi.
Tôi cầu chúc tất cả mọi người hành trình tốt đẹp tiến về lễ Phục sinh.”
Sau thánh lễ, Đức Thánh cha còn bắt tay chào thăm các hồng y hiện diện và ngài lên xe mui trần, tiến qua các lối đi ở Quảng trường để chào thăm các tín hữu.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn tin: https://vietnamese.rvasia.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 65 | Tổng lượt truy cập: 4,168,714