Trong số các tín hữu được rửa tội cũng có một người Việt, một bác sĩ tên là Phi, đến từ thành phố Houston, Texas, bên Mỹ.
Vì tiếp tục bị đau đầu gối, Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ, còn Đức Hồng y Giovanni Battista Re, 89 tuổi, Niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự phần thánh lễ tại bàn thờ. Đồng tế trong thánh lễ, có khoảng 60 hồng y, giám mục và 200 linh mục.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đã diễn giải bài Tin mừng theo thánh Matthêu (28,1-10), thuật lại cuộc viếng mộ của các phụ nữ nơi mộ Chúa, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, gặp thiên thần báo cho các bà Đấng Chịu Đóng Đinh không ở đây, Ngài đã sống lại, và dạy các bà hãy đi báo cho các môn đệ, Ngài sẽ đợi họ ở Galilea.
Đức Thánh cha phân tích tâm trạng của các phụ nữ và áp dụng vào cuộc sống của các tín hữu. Ngài nói: “Các phụ nữ đã nghĩ rằng Chúa Giêsu ở nơi chết chóc và tất cả mãi mãi chấm dứt. Nhiều khi cũng xảy ra cho chúng ta như thế, nghĩ rằng niềm vui gặp gỡ với Chúa Giêsu thuộc về quá khứ, trong khi hiện nay, chúng ta chỉ gặp những ngôi mộ niêm phong: những thất vọng, cay đắng và không còn tín thác nữa, chẳng còn gì để làm nữa, tốt hơn nên sống qua ngày, vì ngày mai chẳng có gì chắc chắn! Nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực và nản chí trước quyền lực của sự ác, những xung đột xé nát các tương quan, những lô-gích tính toán và dửng dưng dường như điều khiển xã hội, bệnh ung thư tham nhũng, sự lan tràn bất công, những luồng gió giá lạnh của chiến tranh...”
“Trái lại, các phụ nữ trong ngày lễ Vượt qua không để mình bị tê liệt trước một ngôi mộ. Họ mau lẹ rời mộ trong kinh sợ và vui mừng rất lớn, chạy đi báo tin cho các môn đệ” (v.8). Họ mang tin sẽ thay đổi mãi mãi cuộc sống và lịch sử: Chúa Kitô đã sống lại! (Xc v.6). Và đồng thời, họ nhớ và thông truyền lời nhắc nhở của Chúa, lời mời gọi các môn đệ: họ hãy đến Galilea vì tại đó, họ sẽ thấy Ngài (Xc v.7).
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Có hai điều ở đây: một là ra khỏi tình trạng đóng kín của Nhà Tiệc Ly, để tới miền có các dân ngoại cư ngụ, cởi mở đối với sứ mạng, tránh sự sợ hãi để tiến về tương lai. Thứ hai là trở về với nguồn gốc, vì chính tại Galilea, mọi sự đã bắt đầu. Tại đó, Chúa đã gặp và kêu gọi lần đầu tiên các môn đệ. Vì thế, đi tới Galilea là trở về với ân thánh nguyên thủy, phục hồi ký ức đã tái sinh hy vọng...”
Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Hãy nhớ Galilea của bạn và tiến bước về Galilea. Đó là nơi, tại đó bạn đã biết Chúa Giêsu đích thân, nơi mà, đối với bạn, Ngài không còn là một nhân vật lịch sử như những người khác, nhưng đã trở thành nhân vật cuộc đời của bạn; không phải là một Thiên Chúa xa xăm, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, Đấng biết bạn hơn mọi người khác, và yêu thương bạn hơn ai hết.”
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu đến Galilea, gặp gỡ và thờ lạy Ngài tại nơi Ngài đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Hãy khơi lại vẻ đẹp lúc chúng ta khám phá thấy Chúa hằng sống, tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy trở về Galilea, mỗi người hãy trở lại Galilea của mình, cuộc gặp gỡ đầu tiên, và tái sinh trong một cuộc sống mới!”
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn tin: https://vietnamese.rvasia.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 91 | Tổng lượt truy cập: 4,168,819