Hiệp hội Thể thao Nghiệp dư Vatican gồm các nhân viên của Vatican, khởi đầu từ năm 1521 với trận bóng đá Florentine đầu tiên, tại Sân Belvedere trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Lêô X. Sau đó vào năm 1972 với giải vô định bóng đá Vatican. Và từng bước những người làm việc trong Vatican yêu thích thể thao đã hình thành Hiệp hội Thể thao Nghiệp dư này.
Lên tiếng trong buổi gặp gỡ các vận động viên thể thao, Đức Thánh Cha nói rằng khi các nhân viên Vatican tham dự các cuộc thi đấu, họ được mời gọi làm chứng cho sự liên kết của họ với Toà Thánh. Vì thế Đức Thánh Cha trích lời của Thánh Phaolô để cho các nhân viên suy tư về việc làm chứng này. Trước hết Thánh Tông đồ nói với các tín hữu Côrintô: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát”. (1Cr 9, 24-25). Và trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”. (Pl 3, 12). Đức Thánh Cha nói: “Hai đoạn thư này cho phép chúng ta hiểu tinh thần cạnh tranh lành mạnh như một hoạt động có thể góp phần vào sự trưởng thành của tinh thần. Đặc biệt, phác thảo ba quy tắc cơ bản cho vận động viên: tập luyện, kỷ luật, động lực”. Và ngài giải thích từng quy tắc.
Tập luyện
Đầu tiên là tập luyện. Khi nói đến tập luyện người ta nghĩ ngay đến công sức, mồ hôi, hy sinh. Cơ sở cho điều này là niềm đam mê thể thao, niềm vui vì một hoạt động. Và nếu có thái độ này, cạnh tranh là lành mạnh; ngược lại, nếu lợi ích chiếm ưu thế, thì cạnh tranh bị hủy hoại.
Kỷ luật
Tiếp đến là kỷ luật, đó là một khía cạnh của giáo dục, rèn luyện. Một vận động viên kỷ luật không chỉ là người tuân theo các quy tắc. Tất nhiên, đây là điều quan trọng phải có. Nhưng kỷ luật gọi là “môn đệ”, tức là người muốn học, người không cảm thấy “mình đã đến đích” và có thể dạy cho mọi người. Một vận động viên thực sự luôn cố gắng học hỏi, trưởng thành và tiến bộ. Điều này đòi hỏi tính kỷ luật, tức là khả năng chế ngự bản thân, sửa chữa tính bốc đồng mà ít nhiều chúng ta đều có. Khi đó, kỷ luật cho phép mọi người thực hiện phần việc của mình và để nhóm thể hiện những gì tốt nhất của toàn thể.
Động lực
Cuối cùng là động lực. Thánh Phaolô viết: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7). Đó là sự xác nhận hoàn hảo để tuân theo lời mời gọi, ngay cả đối với một vận động viên. Trong một cuộc đua, điều tạo ra lực đẩy, dẫn đến kết quả tốt chính là động lực, là sức mạnh bên trong. Việc ghi nhận không được thực hiện dựa trên kết quả bằng số, nhưng dựa trên mức độ trung thực và nhất quán của chúng ta đối với lời kêu gọi.
Ở điểm này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đối với các vận động viên của Vatican: cách tạo thành đội và hợp tác của họ có thể là một ví dụ cho hoạt động trong các Bộ và cơ quan của Giáo triều. (CSR_625_2023)
Ngọc Yến
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 192 | Tổng lượt truy cập: 3,052,367