Đức Tổng Giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina
Từ một tháng rưỡi nay, khi cuộc xung đột Israel-Hamas bùng nổ, thế giới gần như quên đi cuộc chiến giữa Nga và Ucraina. Nhưng cuộc chiến bảo vệ đất nước của người dân Ucraina chống lại cuộc xâm lược của Nga kéo dài từ gần 21 tháng vẫn đang diễn ra rất căng thẳng và dữ dội.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây của trang thông tin ACI Stampa, Đức Tổng Giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina đã nói về cuộc chiến này. Ngài cũng khẳng định rằng chiến tranh không ngăn cản được đức tin của các tín hữu nhưng còn khiến nó tăng lên gấp bội, bất chấp nỗi sợ hãi. Người dân sẵn sàng đón nhận cái chết mỗi ngày. Và vì lý do này họ đi xưng tội nhiều hơn, họ cảm thấy cần có một linh mục để chuẩn bị tâm hồn họ. Đó là việc chăm sóc mục vụ trong thời chiến mà Thánh Hội đồng cuối cùng của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, được tổ chức tại Roma, đã nói đến. Đó là hoạt động chăm sóc mục vụ đi kèm với việc giảng dạy học thuyết xã hội được áp dụng cho cuộc chiến mới này.
Trong hai tháng qua, Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã tham gia nhiều hoạt động. Ngoài Thánh Hội đồng của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, ngài còn tham dự Thượng hội đồng về “Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”. Ngài đã mang tiếng nói của Ucraina tới Brussels, theo lời mời của Ủy ban các Hội đồng Giám mục Châu Âu. Ngài đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Nhưng trên hết, ngài đã có thể nói chuyện với Đức Thánh Cha, làm sáng tỏ các câu và khái niệm và trở về với nhận thức rằng “Đức Thánh Cha ở bên Ucraina”.
** Thưa Đức Tổng Giám mục, vào tháng 9, Thánh Hội đồng Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina đã diễn ra tại Roma, và Giáo hội này đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Các kết luận chính rút ra từ cuộc gặp gỡ này là gì?
- Đối với Thánh Hội đồng thường niên, chúng tôi có 45 giám mục người Ucraina từ khắp nơi trên thế giới. Đây là Thánh Hội đồng có nhiều người tham dự nhất trong những năm gần đây. Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina hiện có 56 giám mục, và trong lịch sử gần đây chưa bao giờ có nhiều đến thế. Hai Giám mục mới đã được tấn phong ngay trước Thánh Hội đồng. Chủ đề chính của Thánh Hội đồng là cuộc chiến ở Ucraina và những tổn thương mà cuộc chiến này gây ra cho xã hội Ucraina và người dân Ucraina.
** Chấn thương lớn nhất là gì?
- Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu xã hội học về làn sóng di cư mới, bởi vì tổn thương không chỉ ảnh hưởng đến những người ở lại mà còn ảnh hưởng đến những người ra đi và những người tham gia cộng đồng hải ngoại. Những con số thật đáng sợ. Ít nhất 14 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa. Phần lớn trong số này là những người di tản trong nước, vẫn ở Ucraina, nhưng đã mất hết mọi sự, những người cần được Giáo hội chúng ta tiếp nhận, tiếp đón, hội nhập và giúp đỡ. Ngược lại, có 6 triệu người trong số họ đã rời Ucraina và được tiếp nhận ở các quốc gia Trung và Tây Âu. Đó là 6 triệu phụ nữ và trẻ em, bởi vì nam giới không thể rời khỏi đất nước. Đặc biệt, phụ nữ có độ tuổi trung bình từ 42 đến 43, 62% trong số họ đã tốt nghiệp đại học. Một nửa số trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là thành phần khá nhất của xã hội Ucraina đang ra đi, nhưng cũng là bộ phận dễ bị tổn thương nhất.
** Giáo Hội nên làm gì trong hoàn cảnh này?
- Chúng tôi phải tổ chức lại việc chăm sóc mục vụ của mình, cả ở Ucraina và Tây Âu. Chúng ta phải học cách giúp đối phó với tổn thương chiến tranh, bởi vì 80% dân số hiện đang trong tình trạng đau thương. Chúng ta, với tư cách là Giáo hội, bây giờ phải sống nỗi đau của những người đau khổ và đầy vết thương. Trong Thánh Hội đồng của chúng tôi, chúng tôi đã nhận ra rằng những gì người dân chúng tôi trải qua là những vết thương của Chúa Giêsu.
** Ở Roma các ngài cũng đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô. Nó diễn ra thế nào?
- Cuộc gặp gỡ xảy ra ở Roma vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng truyền thông gây nên bởi một số lời của Đức Thánh Cha nói với giới trẻ Nga. Đức Thánh Cha Phanxicô không muốn ủng hộ sự xâm lược của Nga, nhưng đã nói những điều tốt đẹp về Peter Đại đế và nữ hoàng Catarina, những người muốn tiêu diệt người dân Ucraina; đây là một chủ đề nhạy cảm đối với chúng tôi, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga trên quy mô lớn. Tôi có thể nói rằng việc được gặp Đức Thánh Cha trong hoàn cảnh đó là một điều may mắn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cư xử như một người Cha đích thực. Ngài đã xúc tiến cuộc gặp với các Giám mục của chúng tôi trước một giờ, muốn lắng nghe từng ấn tượng của họ - chúng tôi nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Ý đến tiếng Ucraina, qua tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha - và do đó có thể có một cái nhìn tổng quan về Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina từ góc độ toàn cầu. Chúng tôi đã nhận được sự nâng đỡ rất lớn từ ngài.
** Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói gì với quý vị?
- Ngài giải thích ý nghĩa những lời phát biểu của ngài, nói rõ ý định của ngài. Sau đó, ngài nói một câu rất hay mà theo ý của tôi nên được ghi vào sách ngoại giao: “Tôi biết rằng đôi khi anh chị em tự hỏi Giáo hoàng đứng về phía nào. Nhưng tôi đảm bảo với anh em rằng tôi ở bên anh chị em”. Chúng tôi đã nói chuyện với ngài về hiện tượng văn hóa Nga, điều sau đó được hòa nhập vào hệ tư tưởng của Russkiy Mir, của thế giới Nga. Đức Thánh Cha trả lời rằng đây là một thảm kịch thực sự, và nó gây ra nỗi đau buồn sâu sắc khi nền văn hóa vĩ đại của một quốc gia bị chắt lọc qua sự thao túng của các chính trị gia thành một hệ tư tưởng giết người. Ngài nói thêm rằng thật là một thảm kịch nếu một Giáo hội tán thành loại hệ tư tưởng này và thay thế cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Và ngài kêu gọi chúng tôi đừng rơi vào bất kỳ loại ý thức hệ nào, và hãy lắng nghe người dân. Ngài sử dụng một giai thoại đầy màu sắc từ Công đồng Êphêsô: trong khi các giám mục đang thảo luận về Đức Maria Mẹ Thiên Chúa thì những người bên ngoài đã hét lên “Theotokos, Theotokos” (Mẹ của Thiên Chúa). Tôi đã nhìn thấy lại hình ảnh người dân Ucraina đã gửi chúng tôi đến Roma để dự Thượng Hội đồng”.
** Và người dân Ucraina đã nói gì?
- Họ đã hỏi: Đức Thánh Cha ở bên ai? Sau Thánh Hội đồng đó, sau cuộc gặp với Đức Thánh Cha, các giám mục của chúng tôi cuối cùng đã có thể trả lời những người đang đặt câu hỏi này. Và họ đã có thể trả lời: “Đúng, Đức Thánh Cha ở bên chúng ta. Ngài hiểu rằng Ucraina đang bị giày xéo và người dân Ucraina đang phải chịu đựng một cuộc chiến tranh vô nghĩa, bất công cần phải chấm dứt”.
** Chúng ta đang đi đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới?
- Mùa đông đang đến gần và sẽ còn khó khăn hơn năm ngoái. 60% cơ sở hạ tầng điện năng tại các thành phố của chúng tôi đã bị phá hủy, người Nga cũng đang chuẩn bị phá hủy 40% còn lại, và điều này không chỉ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực mà còn cả một cuộc khủng hoảng năng lượng. Hàng triệu người không biết sống như thế nào. Đó là một thách thức nhân đạo ở quy mô chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai.
** Trong hoàn cảnh này, những người có thể rời bỏ đất nước, và trên hết là tầng lớp điều hành, những người có học thức, là những người cần phải tái thiết đất nước. Giáo hội làm gì để giúp mọi người ở lại?
- Chúng tôi đã học được nhiều điều kể từ mùa đông năm ngoái, bao gồm cả việc hỗ trợ người dân ở các vùng lãnh thổ mới được quân đội Ucraina giải phóng. Chúng tôi đã đạt được một kết quả tuyệt vời vì cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa biến thành một thảm kịch nhân đạo. Không ai ở Ucraina chết vì đói khát hay lạnh giá. Năm ngoái, chúng tôi đã có thể quan sát hiện tượng được gọi là những người di tản nội địa vì khí hậu, những người rời bỏ thành phố vì không có điện, không nước, và họ không thể tự sưởi ấm hoặc chuẩn bị thức ăn. Chúng tôi thấy rằng nhiều người đã chuẩn bị trải qua mùa đông ở phía bên kia của Ucraina. Nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng cũng có thể ảnh hưởng tới miền Tây Ucraina, bởi không có nơi nào mà tên lửa Nga không vươn tới. Toàn bộ lãnh thổ Ucraina nằm dưới tầm nguy hiểm. Nhiều người đã mua máy phát điện nhưng điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu và tăng giá trên thị trường. Chúng tôi sẽ xem tình hình sẽ được xử lý như thế nào.
** Giáo hội giúp đỡ mọi người. Nhưng tình trạng đức tin thế nào? Người dân Ucraina có còn cần đến Chúa nữa không?
- Thảm họa này đã khiến mọi người đặt ra những câu hỏi mang tính hiện sinh. Chúng tôi tự hỏi tại sao điều này lại xảy ra, liệu nó có đáng để chịu đựng hay không, liệu có hy vọng hay không. Không có câu trả lời của con người cho những câu hỏi này. Giờ đây mọi người đang hoán cải. Có một sự hoán cải rất lớn. Một mặt, sự căm ghét, giận dữ và hoài nghi ngày càng gia tăng. Mặt khác, người ta tìm kiếm sự chào đón và an ủi chỉ có thể tìm thấy trong Giáo hội. Tại một số giáo xứ ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh, đã có sự thay thế hoàn toàn của các giáo dân: không có những giáo dân ra đi, không có cộng đoàn trước chiến tranh, nhưng có cộng đoàn mới của những người trở về hoặc ở lại. Các nhà thờ của chúng tôi rất đông đúc, cũng bởi vì mỗi nhà thờ là một trung tâm đón tiếp.
** Họ không sợ bị thả bom sao?
- Có, nhưng nỗi sợ hãi liên tục về việc bị đánh bom và giết chết đã tạo ra một nền linh đạo mới. Chúng tôi đã học cách sống thường xuyên trong nguy cơ tử vong - dân chúng, cũng như các giáo sĩ, các giám mục - và do đó chúng tôi thường xuyên xưng tội. Có ý muốn thoát khỏi tội lỗi để sẵn sàng bất cứ lúc nào đi đến cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Người dân đi xưng tội, cần Thánh Thể hàng ngày. Tuyên úy trong quân đội, bệnh viện cũng như ở các trường đại học rất được chào đón. Ngày nay chúng tôi thực sự là một Giáo hội đi ra. Chúng tôi phải mang Chúa Giêsu Thánh Thể đến nơi người dân đang hiện diện và đang cần giúp đỡ. Việc xưng tội thường trở thành công cụ mục vụ hiệu quả nhất, ngay cả trong các cộng đồng di cư. Đó thực sự là khoảnh khắc mà vết thương của con người thực sự được chữa lành.
** Đó là một sự dấn thân khó khăn đối với các linh mục của quý vị…
- Chúng tôi đã cung cấp cho các linh mục một khóa học đặc biệt về việc chăm sóc mục vụ chữa lành vết thương, để các linh mục có thể trở thành người cha tinh thần tốt lành của những người đau khổ, nhận ra nhu cầu của những người này, thậm chí - nếu cần - khuyên họ nên đến gặp một nhà trị liệu tâm lý. Trên thực tế, chúng tôi biết rằng chứng rối loạn hậu chấn thương có thể giết chết nhiều người hơn đạn hoặc tên lửa của Nga. Theo nghĩa này, bí tích hòa giải cũng là bí tích xức dầu các vết thương, một sự đồng hành cá nhân của mỗi người, một khoảnh khắc đích thực của lòng thương xót Chúa. Những gì chúng ta không thể làm được thì Chúa, Đấng hiện diện trong các Bí tích trong Giáo hội, có thể hoàn thành. (ACI Stampa 20/11/2023).
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 88 | Tổng lượt truy cập: 4,167,537