PHẦN MỞ ĐẦU
Như chúng ta biết, từ hiệp hành được bắt nguồn từ chữ synod. Và chữ synod được kết hợp bởi 2 từ trong tiếng Hy Lạp, đó là chữ syn – nghĩa là “cùng” và chữ hodos – có nghĩa là con đường. Syn-hodos có nghĩa là “cùng con đường” hoặc “cùng một lối”. Như vậy, hiệp hành có nghĩa là cùng đi trên một con đường. Hình ảnh của việc cùng đi trên một con đường diễn tả một nhóm người cùng đi trên một con đường hoặc cùng đồng hành, gắn bó mật thiết với nhau.
Như tài liệu của Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) trình bày một Giáo hội hiệp hành như là “modus vivendi et operandi” dạng thức Giáo hội sống và làm việc cùng nhau, nhằm mô tả bản chất của Giáo hội là hiệp thông, mọi thành phần trong Giáo hội cùng đồng hành, quy tụ với nhau và chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội” (ITC, hiệp thông trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, 2018, số 6).
Tóm lại, hiệp hành là cách thức dân Chúa đồng hành, sống và chia sẻ với nhau trong sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Theo nghĩa này thì rõ ràng hiệp hành không phải là một điều hoàn toàn mới trong Giáo hội. Trong tinh thần của công đồng Vaticanô II, chúng ta, những thành phần của Giáo hội, ở một mức độ nào đó, chúng ta đã sống sự hiệp hành này rồi. Chúng ta cũng luôn được thúc đẩy sống và thực hành sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ khi chúng ta đồng hành với nhau trên những nẻo đường lịch sử tiến về Thiên Quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực cho sự hiệp hành của chúng ta trong thời điểm hiện tại thì còn rất nhiều giới hạn. Vì thế, Thượng hội đồng về hiệp hành được triệu tập để cùng nhau nhìn lại và đẩy mạnh hơn nữa về sự hiệp hành trong Giáo hội ở mọi cấp độ. Thượng Hội đồng về hiệp hành mời gọi Giáo hội trở nên một Giáo hội thực sự hiệp thông. Thượng hội đồng cũng mời gọi mọi thành phần trong Giáo hội thay đổi cách sống và làm việc với nhau trong sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Thượng Hội đồng cũng mời gọi tất cả mọi thành phần của Giáo hội đẩy mạnh sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ khi họ cùng sống, làm việc và song hành với nhau. Đó cũng là lời mời gọi dành cho Gia đình Đa Minh vùng Châu Á Thái Bình Dương của chúng ta.
Vì thế, đó cũng là Chủ đề của Hội nghị: Gia đình Đa Minh Châu Á Thái Bình Dương: Củng cố và thúc đẩy sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ theo tinh thần Hiệp Hành. Với ánh sáng của chủ đề Hội nghị, trong bài chia sẻ hôm nay, tôi muốn suy gẫm và cùng trao đổi với anh chị em về việc làm thế nào, chúng ta, Gia đình Đa Minh Châu Á Thái Bình Dương, bằng những việc làm cụ thể, có thể đẩy mạnh sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Bài chia sẻ được chia làm hai phần. Trong phần I, tôi muốn dừng lại ở việc củng cố và thúc đẩy sự hiệp thông của chúng ta. Phần II, tôi sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của chúng ta trong sứ vụ.
PHẦN I – CỦNG CỐ VÀ THÚC ĐẨY SỰ HIỆP THÔNG
Xin nhắc lại rằng, Thượng Hội đồng mời gọi chúng ta thực hành sự hiệp thông. Để làm được điều đó, chúng ta phải ý thức trong việc đẩy mạnh hơn nữa những khía cạnh sau đây của sự hiệp thông huynh đệ trong Gia đình Đa Minh.
1. Tương quan huynh đệ
Sống và cùng nhau làm việc dựa trên cách chúng ta liên đới với nhau trong tình Gia đình Đa Minh. Tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong Đức Kitô (x. Rm 8, 14-17), được chia sẻ sự sống và tình yêu của Đức Kitô (x. Ga 1,12). Như thế, qua Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta được hiệp thông huynh đệ với nhau.
Là những người nam, người nữ Đa Minh, chúng ta hướng nhìn lên Cha Thánh Đa Minh – vị cha chung của chúng ta. Tất cả chúng ta đều chia sẻ cùng một đặc sủng Giảng thuyết Tin Mừng: contemplate aliis tradere, chia sẻ cho tha nhân những điều mình chiêm niệm. Vì thế, chúng ta cũng được liên đới với nhau như anh chị em trong cùng một đặc sủng. Mặc dù chúng ta có nhiều Đấng Sáng Lập khác nhau và theo những phương thế hoạt động khác nhau hoặc cách sống khác khau: người thì được chọn làm Linh mục, Tu huynh, Đan sĩ, Tu sĩ Dòng hoạt động hoặc anh chị em Huynh đoàn Đa Minh. Nhưng chúng ta đều là những thành viên của một Gia đình Thuyết giáo theo tinh thần của Cha thánh Đa Minh. Vì thế, chúng ta nhìn nhận và gọi nhau là “anh/em” hoặc “chị/em”.
Chúng ta nhắm đến chất lượng của mối tương quan huynh đệ nhằm thúc đẩy sự hiệp thông. Hãy cùng nhau nhìn lại xem tương quan của chúng ta ở cấp độ cá nhân, cộng đoàn và Hội dòng như thế nào? Nếu chúng ta muốn cùng bước với nhau như anh chị em, chúng ta phải dứt khoát nói “KHÔNG” với bất kỳ mọi hình thức hơn thua hoặc tỵ hiềm, cạnh tranh, khích bác nhau.
Chúng ta phải chú tâm xây dựng một mối tương quan dung nạp giữa các thành viên của Gia đình Đa Minh. Kinh nghiệm cho thấy rằng, chúng ta thường có xu hướng loại trừ những ai không thuộc về nhóm hoặc cộng đoàn mình. Chúng ta tỏ ra thờ ơ và vô cảm đối với những ai khác với chúng ta. Dụ ngôn người Samari nhân hậu diễn tả cách rất sinh động và đầy đủ hình ảnh về xu hướng trên (Lc 10, 25-37). Thầy Tư tế và Lêvi thấy một người nằm nửa sống nửa chết trên đường. Họ quyết định không làm gì để giúp cho nạn nhân ấy và bước sang một bên mà đi. Đó quả là một chọn lựa rất tệ để liên hệ với nạn nhân! Nhưng ngược lại, người Samari trông thấy nạn nhân và động lòng thương. Anh bước tới và băng bó vết thương cho người gặp nạn. Người Samari hết lòng quan tâm và coi người bị nạn như một người đang cần tất cả sự quan tâm chăm sóc mà anh ấy có thể làm. Cách mà người Samari chăm sóc nạn nhân được cha Albert Nolan, OP gọi là “sự thương cảm quá mức.”
Hơn thế nữa, để đẩy mạnh sự hiệp thông huynh đệ, chúng ta phải chú tâm đến việc liên đới và quan tâm tới những phần tử nhỏ bé và yếu đuối trong Gia đình Đa Minh. Như Thánh Tông đồ Phaolô đã nói: “Những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết” (1Cr 12,22 – 23).
2. Sự hiệp thông linh thánh
Các Kitô hữu tiên khởi đã “đồng tâm nhất trí với nhau”, có cùng một tâm tình và một cảm nghĩ (Cv 4,32). Họ là khuôn mẫu của “sự hiệp thông linh thánh,” nghĩa là sự hiệp thông của những con người được trở nên thánh thiện nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Communio Sanctorum (Sanctorum, bắt nguồn từ chữ Sancti có nghĩa là những người thánh thiện).
Để nuôi dưỡng sự hiệp nhất trong Thần Khí, các tín hữu phải “trung thành với giáo huấn của các Tông đồ, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” Điều này có nghĩa là các tín hữu hiệp thông với nhau qua sự hiệp thông trong những cử hành thánh, Communio Sanctorum (sanctorum, được bắt nguồn từ chữ sancta, những việc thánh).
Chúng ta cũng vậy, chúng ta được xức dầu, được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta cũng được chung hưởng ơn huệ của sự hiệp thông của các thánh giữa chúng ta. Chúng ta phải củng cố sự hiệp thông của chúng ta trong những điều thánh thiêng để được phát triển mạnh mẽ trong sự hiệp thông linh thánh. Ngoài những cuộc hội họp cấp miền, Vùng hay quốc gia, chúng ta nên tụ họp với nhau thường xuyên hơn, để cùng nhau cầu nguyện và cử thánh Thánh Thể.
Chúng ta chẳng bao giờ có thể đánh giá đúng mức sức mạnh của lời cầu nguyện và cử hành Thánh Thể chung trong việc thúc đẩy sự hiệp thông trong Gia đình Đa Minh.
Gia đình Đa Minh họp nhau cầu nguyện là một mô hình thu nhỏ của nhiệm thể Chúa Kitô trong cầu nguyện. Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 19-20). Thật vậy, lời cầu nguyện chung không chỉ diễn tả và xây dựng sự hiệp thông huynh đệ của chúng ta mà còn biểu lộ và xây dựng chúng ta thành một Giáo hội hiệp thông. Khi chúng ta cầu nguyện cùng nhau, chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Vì vậy, để được lớn lên trong sự hiệp thông, chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc họp nhau để cầu nguyện chung.
Cách diễn tả sâu sắc nhất về sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau được thể hiện nơi Bí tích Thánh Thể. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta thể hiện rõ nhất mình là Giáo hội, Nhiệm thể của Chúa Kitô. Là những phần tử trong Nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta được hiệp nhất với Ngài, Đấng là đầu của chúng ta. Thuộc về nhau như những chi thể trong cùng một Thân Mình Chúa Kitô, chúng ta cũng được hiệp nhất với nhau. Thật vậy, sự kết hợp của chúng ta với Chúa Kitô và với nhau được hiện thực rõ nhất trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể.
Nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa! Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng được đón nhận nguồn dinh dưỡng tuyệt hảo và bổ ích nuôi dưỡng sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô và với nhau. Như cành nho được gắn liền với Cây Nho, chúng ta được nuôi dưỡng từ Cây Nho. Chúa Kitô nuôi sống chúng ta bằng chính Mình và Máu của Người. Được nuôi dưỡng bằng nhựa chảy ra từ cây nho, chúng ta thực sự là những cành tràn đầy nhựa sống của Cây Nho, những bộ phận sống động của Thân Thể Đức Kitô. Chúa Kitô sống cùng và sống trong chúng ta; mỗi người sống trong Chúa Kitô và tất cả chúng ta sống trong Ngài.
Hơn nữa, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô hy sinh mạng sống và hiến dâng Mình và Máu của Người cho chúng ta, anh chị em của Người. Trong việc hiến thân này, Chúa Kitô đã quy tụ chúng ta lại với Người trong gia đình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cũng hãy làm như vậy. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Đây là đòi hỏi tối thượng của sự hiệp thông của chúng ta: Chúa Kitô “đã hiến mạng vì chúng ta, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống vì anh em mình” (1 Ga 3,16). Cuối cùng, nhiệm vụ của chúng ta trong việc xây dựng sự hiệp thông cách bền chặt hơn hệ tại ở việc mỗi người sẵn sàng trở thành quà tặng cho nhau. Đó chính là lời rao giảng về sự hiệp thông cách hùng hồn và thuyết phục nhất.
3. Hiệp thông trong sự chia sẻ của cải vật chất
Để củng cố sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, chúng ta phải tăng cường sự hiệp thông trong việc quảng đại chia sẻ của cải vật chất, communio bonorum – nghĩa là chia sẻ của cải. Các Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem đã nêu gương về sự hiệp thông trong việc chia sẻ của cải vật chất giữa họ. Trở nên một với Thiên Chúa và với nhau, “họ bán của cải và tài sản của mình”, “đặt mọi sự làm của chung” và chia sẻ với nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người. Thêm vào đó, “họ chia sẻ đồ ăn cách vui vẻ và quảng đại” (x. Cv 2,42-46; 4,32-35).
Điều đáng chú ý là sự hiệp thông triệt để về tài sản giữa các Kitô hữu tiên khởi đã tỏa sáng như một bằng chứng cảm động nhất cho sự hiệp thông trong tình yêu với Thiên Chúa và với nhau. Điều đó đã khiến những người không tin Chúa phải thốt lên rằng: “Hãy xem các Kitô hữu họ yêu thương nhau biết là chừng nào!” “Hãy xem các Kitô hữu yêu thương nhau cách dễ dàng và mau mắn biết bao!”
Được thúc đẩy từ sự hiệp thông và sẵn sàng quảng đại chia sẻ của cải vật chất của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, các nhánh của Gia đình Đa Minh cần tìm ra những cách thế đầy sáng tạo và cụ thể hơn để chia sẻ các nguồn lực và nhân lực, ở cấp địa phương, quốc gia hoặc khu vực. Tôi xin mạo muội gợi lên một số đề nghị như sau: thành lập các đoàn thể và tạo các mối liên kết, trao đổi nhân lực hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống trí thức và tông đồ, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu, công nghệ, lập quỹ liên đới; …. Chúng ta cần phải làm việc với nhau và có nhiều sáng kiến hơn nữa trong việc trao đổi và chia sẻ nguồn lợi ở cấp địa phương, quốc gia và khu vực.
4. Phong cách truyền thông đối thoại
Cuối cùng, chúng ta phải tìm ra những phương thế truyền thông với nhau tốt hơn để củng cố sự hiệp thông trong Gia đình Đa Minh. Các mối tương quan được nuôi dưỡng và củng cố nhờ truyền thông. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc truyền thông với chúng ta vì Ngài muốn xây dựng một tương quan gần gũi với chúng ta. Truyền thông có thể kiến tạo hoặc phá đổ một mối quan hệ. Chất lượng của một mối quan hệ phụ thuộc vào chất lượng truyền thông và ngược lại. Để phát triển sâu sắc hơn trong sự hiệp thông, chúng ta phải hướng tới việc truyền thông hiệu quả hơn.
Điều này đòi hỏi các cấp địa phương, quốc gia hoặc khu vực một sự trao đổi và chia sẻ với nhau những thông tin, kinh nghiệm, những câu chuyện, dự định, kế hoạch, ước mơ và hy vọng cũng như những điều chúng ta đang quan tâm. Vậy xin hỏi, chúng ta đã có những sáng kiến và thực hành cụ thể nào để giúp chúng ta đạt được mục đích này? Chúng ta có chia sẻ chung một bản tin, trang Web hay một nhóm trò chuyện (group chat) … không?
Trong các mối tương quan huynh đệ, sự chia sẻ đối thoại là điều không thể thiếu. Vì thế, để có sự hiệp thông huynh đệ sâu sắc hơn, chúng ta cần xây dựng một phong cách truyền thông đối thoại giữa các thành viên với nhau. Một phong cách truyền thông đối thoại là cần thiết giữa một thế giới đầy những khác biệt hôm nay.
Để xây dựng tương quan huynh đệ bền vững đòi phải đối thoại và lắng nghe ở mọi cấp độ khác nhau, trong tương quan cá nhân, cộng đoàn, tỉnh dòng, hoặc hội dòng. Điều này thôi thúc chúng ta xây dựng một nền văn hóa của Gia đình Đa Minh trong đó sự đối thoại và chia sẻ giữa anh chị em, giữa các nhóm và trong các cuộc hội họp luôn được quan tâm và cổ võ không ngừng. Khi chúng ta quy tụ với nhau tại bàn làm việc hoặc phòng họp trong cùng một mục đích, chúng ta cần tôn trọng và yêu thương nhau như anh chị em. Trong truyền thống Đa Minh của chúng ta, trở thành anh chị em có nghĩa là mỗi người đều có quyền được nói và phát biểu ý kiến. Đó vừa là quyền lợi và cũng là một nghĩa vụ. Mỗi người đều được tự do lên tiếng khi cần thiết.
Chúng ta cần trân trọng và nuôi dưỡng sự chân thành, tình bác ái trong lời nói. Chúng ta phải cân nhắc cẩn thận dùng từ ngữ và cung giọng của chúng ta khi nói chuyện với nhau. Ngôn từ và âm giọng của chúng ta tạo nên sự khác biệt rất lớn trong các cuộc đối thoai. Cha Timothy Radcliffe, OP, cựu Bề trên Tổng quyền, nhắc nhở chúng ta: “Là những người phục vụ Lời, chúng ta cần phải ý thức sâu xa về những lời mình nói, lời đó đem lại sự chữa lành hay lời phá hủy, lời gây tổn thương. Chúa phán một Lời, và thế giới được tạo thành. Và giờ đây, Chúa nói Lời là chính Con Một và chúng ta được cứu độ.” Thật vậy, khi nói với nhau, lời của chúng ta phải mang đến sự chữa lành chứ không phá hủy.
Mặc dù cần đối thoại với nhau trong tinh thần cởi mở, chân thành và bác ái. Tuy nhiên, trọng tâm của phong cách truyền thông đối thoại chính là kiên nhẫn lắng nghe. Điều này cần hội đủ hai điều.
Điều thứ nhất, kiên nhẫn lắng nghe đòi chúng ta lắng nghe một cách chủ động chứ không phải thụ động hay nghe cho qua lần chiếu lệ. Kiên nhẫn lắng nghe yêu cầu chúng ta phải lắng nghe bằng “trọn đôi tai” “bằng cả đôi mắt’ và “với tâm trí luôn cởi mở”. Nghe bằng cả đôi tai giúp chúng ta vừa nghe được lời, đồng thời nghe được cả âm thanh của người nói. Nghe bằng cả đôi mắt giúp chúng ta giải mã được những cử chỉ của cơ thể hoặc ngôn ngữ của người nói; nghe với tâm trí cởi mở giúp chúng ta hiểu đúng điều người khác muốn nói. Chúa Giêsu là mẫu mực tuyệt vời trong việc lắng nghe tích cực. Ngài lắng nghe với cả đôi tai khi Ngài chữa lành anh mù (Lc 18, 35-43); Ngài lắng nghe với cả đôi mắt khi hồi sinh người con trai của bà góa (Lc 7, 11-17); Và Ngài lắng nghe với một tâm trí cởi mở khi chữa lành con gái người đàn bà Phênixi thuộc xứ Xy-ri.
Điều thứ hai, lắng nghe tích cực đòi hỏi một thái độ lắng nghe với tâm hồn rộng mở sẵn sàng tiếp nhận. Điều này có nghĩa là trân trọng và suy đi nghĩ lại trong lòng những gì người đối diện muốn diễn đạt, nhất là những lời phát xuất từ trái tim của người đó. Khi các mục đồng kể lại những điều thiên thần báo tin về hài nhi Giêsu vừa mới sinh, “tất cả mọi người nghe đều ngạc nhiên về những điều các mục đồng thuật lại” (Lc 2,18). “Còn Đức Maria thì ghi nhớ tất cả những điều đó và suy ngẫm trong lòng” (Lc 2,19). Khi tìm thấy Chúa Giêsu tại đền thờ Giêrusalem, Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu rằng Mẹ và Thánh Giuse đã lo lắng tìm kiếm Người như thế nào. Chúa Giêsu nói với hai ông bà: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết con phải ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Họ không hiểu Chúa Giêsu nói gì. Nhưng Mẹ Maria “giữ tất cả những điều đó trong lòng” (Lc 2,51). Chúng ta có thể nói thêm rằng Đức Maria đã đặt mình vào góc nhìn của Đức Giêsu để suy đi nghĩ lại những điều Chúa Giêsu nói.
Cách tốt nhất để kiểm tra về khả năng lắng nghe lĩnh hội của mình là sẵn sàng học hỏi từ người khác. Nếu một người không mở ra để học hỏi và đón nhận từ người khác thì người đó chưa đủ kiên nhẫn để lắng nghe. Sẵn sàng đón nhận sự thật từ người khác là điều rất khó. Điều đó đòi chúng ta phải khiêm tốn để sẵn sàng mở lòng mở trí học hỏi từ người khác, cho dù họ là ai đi nữa.
Chúng ta phải nói “không” với mọi hình thức của chủ nghĩa háo thắng hay thái độ kiêu căng độc đoán về chân lý và sự khôn ngoan. Không một tu sĩ Đa Minh hay một thành phần nào trong Gia đình Đa Minh dám khẳng định rằng sự thật chỉ được mặc khải cho riêng họ, thuộc về họ, còn những người khác chẳng có gì để đóng góp cả. Một lần nọ, tôi gặp một tu sĩ Đa Minh đã lớn tuổi, vị này đã đi truyền giáo trong vùng của chúng tôi suốt hơn bốn mươi năm. Tôi hỏi anh ấy rằng, nếu phải đưa ra một lời khuyên ý nghĩa nhất cho một người đi truyền giáo thì lời khuyên đó là gì. Ngài trả lời: “Nếu anh muốn đi truyền giáo, trước tiên anh phải ước muốn được học chứ không phải được dạy.”
Học hỏi từ người khác cần một sự can đảm để chấp nhận sự thật. Chúng ta thường hay sợ và ngần ngại đón nhận sự thật từ người khác, vì điều đó sẽ làm lộ rõ sự nông cạn hoặc thiếu hiểu biết của chúng ta. Sự thật có thể làm tổn thương chúng ta, nhưng sự tổn thương đó chỉ ở giai đoạn đầu. Cuối cùng, sự thật sẽ giải phóng chúng ta! (x. Ga 8,32). Thật vậy, tất cả chúng ta đều là những học trò trong Giáo hội hay trong Gia đình Đa Minh. Chúng ta chỉ có một vị Thầy duy nhất là Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Tất cả chúng ta đã nhận được dầu Thần Khí sự thật và để chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau (x. 1Ga 2, 20-21).
Lắng nghe cách kiên nhẫn đạt hiệu quả tốt nhất khi sự lắng nghe đó tạo nên sự hiệp thông và thấu hiểu. Điều này được minh họa cách tuyệt vời qua cách Chúa Giêsu và Mẹ Maria lắng nghe nhau. Mẹ Maria đã lắng nghe người con trai mười hai tuổi của mình (Lc 2,51). Mẹ lắng nghe Ngài tại tiệc cưới Cana (Ga 2,3-4). Mẹ đi theo Chúa trong sứ vụ giảng dạy của Ngài và lắng nghe Ngài. Mẹ đã lắng nghe Chúa Giêsu ở dưới chân thập giá (Ga 19,25-27). Chúa Giêsu cũng đã lắng nghe lời Mẹ. Cậu bé Giêsu đi xuống cùng với Đức Maria và Thánh Giuse và hằng vâng phục các ngài. Tin mừng Thánh Gioan cho thấy, Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên theo lời thỉnh cầu phát xuất từ tấm lòng nhân hậu đầy xót thương của Mẹ Maria (x. Ga 2, 2-8). Khi trút hơi thở trên thập giá, Chúa Giêsu đã lắng nghe và hiểu thấu trái tim của Mẹ. Người đã trao Mẹ cho người môn đệ Chúa yêu, và người môn đệ đã rước Mẹ về nhà mình (x. Ga 19, 25-27).
Cuối cùng, một phong cách truyền thông đối thoại qua việc trao đổi và lắng nghe lẫn nhau, như được minh họa trong kinh nghiệm lắng nghe của Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu Con Mẹ, sẽ dẫn đến sự hiệp thông trong tình thương, sự thật và sứ vụ. Những chia rẽ dần dần biến mất, thay vào đó là sự hợp nhất của con tim và sự gặp gỡ của khối óc. Cả hai trở thành “một lòng một ý.”
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta trong Gia đình Đa Minh. Chúng ta có thể củng cố sự hiệp thông giữa chúng ta thông qua phong cách truyền thông đối thoại!
Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Hà, OP chuyển ngữ
Nguồn tin: https://daminhtamhiep.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 553 | Tổng lượt truy cập: 3,244,346