Cơn thịnh nộ không kiểm soát chôn vùi đàn ông và phụ nữ dưới đống đổ nát của ngôi nhà của họ, tấn công những người già ngơ ngác bị bỏ rơi mà không có sự trợ giúp, và vùi lấp trẻ em trong sự ngây thơ nơi cuộc sống hàng ngày của chúng.
Ngoài ra, nhưng liên quan đến tình cảm, chúng ta cảm thấy những nguy hiểm đang gõ cửa. Hậu quả của cuộc xung đột đang đến với chúng ta và sẽ đè nặng lên tất cả chúng ta, đặc biệt là những bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất. Đây là những thực tế nhắc nhở chúng ta về một quá khứ xa xôi mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã bỏ lại đằng sau mãi mãi mấy hàng chục năm trước.
Thế mà Chúa Giêsu lại một lần nữa sinh ra vì chúng ta, trong một hoàn cảnh mời gọi chúng ta nghiêm khắc tự vấn và mở lòng đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh. Làm thế nào mà Đấng Tạo Hóa của vũ trụ lại có thể nhập thể theo một cách thiếu phẩm giá và thiếu phù hợp như vậy? Tại sao Ngài lại làm cho xác thịt hư nát của chúng ta, những mâu thuẫn của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, trở nên của riêng Ngài, và thậm chí Ngài chịu đựng sự ô nhục của thập giá? Không có câu trả lời nào khác hơn là chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu của một vị Thiên Chúa vì yêu thương mà trở nên con trẻ.
Đối với ý thức đức tin, Chúa Giêsu lịch sử là Con Thiên Chúa; Ngài là mạc khải dung nhan của Chúa Cha. Vào Lễ Giáng Sinh, chính Thiên Chúa trở thành con người, Đấng Toàn Năng trở thành một hài nhi, Đấng Tối Cao hạ mình xuống và thậm chí trở thành một hài nhi cần được chăm sóc. Việc Chúa Giêsu chọn con đường này để đi vào lịch sử và trở thành một con người như chúng ta mặc khải đầy đủ bản chất tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại, một tình yêu bao hàm sự chia sẻ, tham gia, hiệp thông, ân ban và phục vụ. Như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, Thiên Chúa nhập thể “vì chúng ta và để cứu độ chúng ta” (propter nos et propter nostram salutem). Vì vậy, Ngài đến để giải thoát chúng ta; Ngài trở thành con người để ban cho chúng ta sự bình an mà chúng ta khao khát, để mặc khải cho chúng ta sự dịu dàng thánh thiêng và đổ tràn trên chúng ta phúc lành của Ngài.
Đấng vốn được mong chờ từ lâu đã đi vào lịch sử
Tin mừng Luca kể về việc Maria và Giuse phải đến Bêlem để được kiểm tra dân số, tuân theo sắc lệnh của hoàng đế. Nhưng trong thị trấn không có chỗ cho họ, thậm chí ở ngoài rìa của trị trấn cũng không có. Chúa Giêsu được sinh ra như mọi trẻ thơ, nhưng trong hang đá, nghèo khó và cô quạnh; Đấng mà mọi người đã mong đợi trong nhiều thế kỷ đi vào lịch sử và không tìm thấy chỗ ở. Hai người xa lạ đáng thương phải xoay xở với một nơi trú ẩn tạm thời, một tình huống thực sự nghịch lý đối với một Thiên Chúa nhập thể.
Trong khi đó, đối với Maria “đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” ( Lc 2, 6-7). Giống như tất cả trẻ em, Chúa Giêsu khi sinh ra được quấn trong tã và chiếc nôi tạm bợ của Ngài ở trong máng cỏ, nơi chứa thức ăn cho gia súc.
Bọc trong tã và máng cỏ là dấu hiệu dành cho những người chăn cừu ở vùng lân cận. Sự kiện phi thường này được một thiên thần thông báo cho họ: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Ngài là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Ngài: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” ( Lc 2,10-12). Chúa Giêsu, Đấng Mêsia được mong chờ, là Đấng cứu độ; Ngài là Đức Kitô, Đấng được xức dầu, Đấng được thánh hiến cho Thiên Chúa; Ngài là Chúa, Kyrios, tước hiệu của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Thiên thần cũng tiết lộ sứ mạng của trẻ thơ đó. Chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại một cách hữu hình để ở gần chúng ta; chính Chúa là Đấng trước hết tỏ mình ra cho những mục đồng trông coi đàn chiên, cho những ai đang lao động và những người không quan trọng lắm.
Nếu đời sống Kitô hữu là một hành trình và một sự đồng hóa dần dần vào sự sống của Chúa Kitô, thì kinh nghiệm nghèo khó và cô đơn vốn ghi dấu việc Chúa Giêsu đi vào lịch sử chỉ ra điều gì cho lương tâm của chúng ta? Kinh nghiệm đó tra vấn chúng ta thế nào về tất cả những gì liên quan đến sự gần gũi, tình liên đới với người khác, sự tiếp đón anh chị em của chúng ta, sự đơn sơ, tiết độ, những yếu tố thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta? Việc Ngài tỏ mình ra cho những người không đáng kể, cho những người bị gạt ra bên lề, cho những người làm những công việc khiêm tốn nhất cho thấy điều gì?
Sự toàn năng của Thiên Chúa được tỏ lộ trong sự yếu đuối
Ngôi Lời đã thành xác thịt và dựng lều giữa chúng ta (Ga 1,14). Thánh Gioan loan báo việc Nhập Thể bằng những lời này. Chúa Giêsu đã mặc lấy xác thịt của chúng ta; Ngài trở thành một trẻ nhỏ, tức là một “trẻ sơ sinh”, một trẻ thơ không thể nói được. Ngôi Lời, Ngôi Lời của Thiên Chúa, không có tiếng nói nào ngoại trừ tiếng khóc của một trẻ sơ sinh. Đó là thực tại của việc Thiên Chúa đi vào lịch sử: trở thành con người như mọi người khác, mang lấy thân xác hư nát, sự bấp bênh của cuộc sống, sự mong manh và yếu đuối của một trẻ thơ.
Tuy nhiên, nghịch lý thay, điều này lại mặc khải sự toàn năng của Thiên Chúa: “Sự việc dù là một quyền năng nhưng lại lên tiếng qua sự yếu đuối muốn nói rằng đó là một quyền năng thánh thiêng, vô hạn; chỉ có Thiên Chúa Toàn năng mới có thể nói qua ngôn ngữ của sự yếu đuối. Một thứ ngôn ngữ như vậy […] không chỉ là biểu hiện của quyền năng, không phải là một phần của trò chơi tương phản, mà là điều kiện để tiếp cận con người từ bên dưới, từ gốc rễ. Sự cứu rỗi không đến với bạn từ một người có tất cả mọi thứ và cho đi một thứ gì đó, hoặc cho đi phần lớn những thứ này, khiến bạn bị tràn ngập trong sự dư dật. Thay vào đó, đó là sức mạnh của một người đặt mình ngang hàng với bạn, và bắt đầu từ mức độ thấp nhất của bạn để nâng bạn lên, khiến bạn trở nên khác biệt; một người làm cho bạn chia sẻ sự sung mãn của người ấy sau khi người ấy đã tham gia vào sự nghèo khó của bạn, và là người đau khổ từng ngày, đảm bảo thực tại trọn vẹn của người ấy, mà người ấy muốn chia sẻ thực tại trọn vẹn đó với bạn, trong sự thông hiệp yêu thương với sự bất lực và nghèo khó mà bạn biết rõ, chứ không phải do tưởng tượng.” (S. Corradino, Il potere nella Bibbia - Quyền năng trong Kinh thánh, Roma, Acli, 1977, 4).
Do đó, Giáng sinh là lễ của sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Điều này được Thánh Tông đồ Phaolô diễn tả rõ ràng trong Thư gửi tín hữu Philipphê, khi ngài nói về kenosis ( Pl 2:7): “trở thành hư không”, “làm cho mình ra trống không”, trút bỏ vinh quang Thiên Chúa. Chúa Giêsu, đến giữa chúng ta như một người trong chúng ta, đã chấp nhận cả sự nghèo khó và sỉ nhục của lịch sử chúng ta, ngay cả ở cấp độ thấp nhất thực sự là cấp độ của những người bị loại bỏ: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự!” ( Philíp 2:8). Chúa Giêsu chết vô tội trên thập giá, như một người bị từ chối, một người bị kết án, chịu hình phạt của giai cấp thấp nhất của tội phạm. Chính mầu nhiệm Giáng Sinh khai mở vào cuộc đời.
Ánh sáng tỏa sáng trong bóng tối
Sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối (Gioan1:4-5). Sự sống Chúa ban là ánh sáng cho muôn dân; soi sáng mọi cuộc đời, mang lại niềm vui, hy vọng và một tương lai. Đối với nhân tính được Chúa Giêsu đảm nhận, phải có một ngày mai. Nếu Chúa trở thành một người lữ hành như chúng ta, mong manh như bao người khác, mệt mỏi và đau khổ trên một hành trình giống như chúng ta, thì cuộc sống, đau khổ và sự lang thang của chúng ta có một ý nghĩa mới. Có ánh sáng và niềm vui trong cuộc sống của chúng ta. Đối với Kitô hữu, niềm vui sống không chỉ là một cảm xúc trong số nhiều cảm xúc, nhưng có nguồn gốc thần học sâu xa của riêng nó. Trong tâm hồn chúng ta có niềm vui, có điều tốt lành trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, có vẻ đẹp đến từ Thiên Chúa, có chính sự sống của Thiên Chúa, có sự soi sáng từ trên cao. Mở lòng đón nhận ánh sáng đối với mọi Kitô hữu là một cam kết, một trách nhiệm, một bổn phận đến từ sự kết hợp và hiệp thông với Chúa và với anh chị em của mình.
Tuy nhiên, Thánh Gioan nói: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối”, vì thế gian có bóng tối. Ngài nói tiếp: “bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Gioan 1:5). Mặc dù thực tế là lịch sử nhân loại và chính cuộc sống của mọi người đều bị hủy hoại bởi bóng tối – bóng tối của ích kỷ và buông thả, của hư hỏng và đạo đức giả – Lời Chúa đối với chúng ta là nguồn hy vọng lớn lao mà thời đại của chúng ta không được làm lu mờ. Những sự khủng khiếp, sự tàn phá, những cái chết trong các cuộc xung đột chạm tới chúng ta gần gũi và liên tục ảnh hưởng đến chúng ta, và thậm chí nhiều cuộc xung đột ở phần còn lại của thế giới dường như bị lãng quên, chúng không phải là lời cuối cùng trong lịch sử nhân loại. Ngôi Lời, Đấng đã cắm trại giữa chúng ta, là một Sự Hiện Diện được trao ban mãi mãi, vì Ngài đến từ Chúa Cha, và Ngài sẽ ở với chúng ta “cho đến tận thế” (Mátthêu 28:20).
Nhưng một lần nữa, “người nhà chẳng chịu đón nhận.” Ngài không được chào đón vì con mắt của con người đang hướng về nơi khác. Tuy nhiên, Giáng sinh trở lại để tra vấn chúng ta về sự sẵn sàng chào đón Ngài ở đây và bây giờ. Chúng ta định hướng cuộc sống của chúng ta như thế nào, chúng ta bước ra ngoài để gặp gỡ anh chị em mình như thế nào? Nếu chúng ta mở lòng đón nhận họ, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, là anh chị em của Chúa Giêsu, và trong Ngài, là anh chị em của toàn thể nhân loại. Giáng sinh là lễ kỷ niệm của tình huynh đệ.
Ai đón mừng Chúa sinh ra?
Mẹ Maria và thánh Giuse là những người đầu tiên chào đón Chúa Giêsu: mầu nhiệm về hoàn cảnh của cuộc hạ sinh đó hẳn đã làm các ngài bối rối. Trên hành trình của mình, các ngài không mang theo bất cứ thứ gì cần thiết cho một đứa trẻ sơ sinh. Các ngài bằng lòng sống mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa trong một hoàn cảnh không giảm bớt cho các ngài bất cứ dấn thân và trách nhiệm nào trong đời sống thường ngày. Các ngài là những bậc cha mẹ nghèo khó, giống như nhiều bậc cha mẹ khác, đang vật lộn với những vấn đề khiến các ngài trở nên giống với nhiều bậc cha mẹ trên thế giới. Nhưng các ngài là những người biết lắng nghe, chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa đi vào trong cuộc sống của mình và đảo lộn cuộc sống đó. Chính mầu nhiệm của Thiên Chúa đã làm cho cuộc sống của các ngài khác với cuộc sống mà các ngài đã ấp ủ trong lòng.
Rồi có những mục đồng chào đón Chúa Giêsu: đơn sơ, nghèo khó, khiêm nhường. Họ là những người dân không thuộc loại con dòng cháu giống và không có quyền lợi, không có danh tính ngoại trừ được ghi dấu bằng sự cực nhọc, những người chỉ biết về thế giới màu sắc của bầu trời, ngọn cỏ trên cánh đồng, sữa cừu của họ, thời gian xén lông cừu, và làm thế nào để vác một con cừu non mới sinh trên vai. Tuy nhiên, chính những người này đang canh giữ đàn chiên. Các mục đồng là những người đầu tiên khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Con của Mẹ Maria.
Sau đó là Ba Vua, những người trí thức nhưng lại không có bất cứ hình thức tự phụ nào, họ đang tìm kiếm. Họ biết Kinh thánh của người Do Thái và họ biết cách nhận biết các dấu hiệu của thiên đàng. Trên hết, họ biết cách lên đường khi họ khám phá ra một ngôi sao dẫn đường cho họ và sau một cuộc hành trình dài, vượt ra ngoài kinh nghiệm và kiến thức của họ, họ cũng gặp được hài nhi đã sinh ra.
Hãy để mình được biến đổi bởi mầu nhiệm Giáng Sinh
Giáng sinh sắp tới của chúng ta sẽ như thế nào? Dietrich Bonhœffer, mục sư Tin lành Luther, tử đạo bởi chủ nghĩa Quốc xã, soi sáng cho chúng ta: “Thiên Chúa không xấu hổ về sự thấp hèn của con người, Ngài bước vào đó. […] Thiên Chúa yêu thương những gì hư mất, không được coi trọng, tầm thường, bị gạt ra bên lề, yếu đuối và đau khổ; nơi nào con người nói “hư mất”, ở đó Ngài nói “được cứu độ”. […] Nơi nào con người nhìn đi chỗ khác một cách thờ ơ hoặc kiêu kỳ, ở đó Ngài đưa ra ánh nhìn của mình đầy tình yêu nồng nàn không gì so sánh được. Ở đâu con người nói “đáng khinh”, ở đó Thiên Chúa kêu lên “phúc thay”. Nơi nào trong cuộc đời chúng ta, chúng ta rơi vào hoàn cảnh mà chúng ta chỉ có thể xấu hổ trước chính mình và trước Chúa, […] ở đó Chúa gần gũi với chúng ta hơn bao giờ hết, ở đó Ngài muốn nhập vào cuộc đời chúng ta, ở đó Ngài làm cho chúng ta cảm thấy Ngài đang đến gần, để chúng ta hiểu được điều mầu nhiệm tình yêu của Ngài, sự gần gũi của Ngài và ân sủng của Ngài”. (“Bài giảng Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng”, in id, Nhận ra Thiên Chúa ở trung tâm cuộc sống, Brescia, Queriniana, 2004, 12f).
Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu, Đấng được sinh ra cho chúng ta, ơn đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh và để cho chúng ta được biến đổi khi Ngài đến. “Bạn có thể sống không cần cơm bánh, không nhà cửa, không tình yêu, không hạnh phúc: nhưng bạn không thể sống mà không có mầu nhiệm. Bản chất con người được tạo ra như thế. Bạn không thể thoát khỏi mầu nhiệm này một khi bạn đã được tạo dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa” (L. Bloy, “Introduzione”, trong P. Van der Meer, Diario di un convertito , Alba, Paoline, 1969, 9).
Xin gửi đến bạn những lời chúc tốt lành nhất cho một Giáng sinh Thánh thiện.
ngày 8 tháng 12 năm 2022
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com (08.12.2022)
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 80 | Tổng lượt truy cập: 4,170,902