Quý độc giả thân mến,
Cách đây 30 năm, trí tuệ nhân tạo là cụm từ quá mới đối với chúng tôi. Nhớ lúc đó chúng tôi học môn Tiếng Anh, Artificial Intelligence được nhắc đến, nhưng chúng tôi chẳng biết nó là gì. Lớn hơn một chút, sau những năm 2000, máy tính có mặt tại nhiều trường học. Tôi cũng tập tành gõ chữ, sử dụng Microsoft. Khi tốt nghiệp đại học năm 2010, Internet đã lan rộng muôn nhà. Khi tôi tốt nghiệp triết học, mạng xã hội đã xâm nhập đến từng chiếc điện thoại thông minh. Khi tôi chịu chức linh mục 2022, trí tuệ nhân tạo trở nên một hiện tượng thu hút mọi người.
Cần lưu ý rằng AI đang và sẽ thu hút mọi người một cách âm thầm hoặc ồn ào. Âm thầm nếu ai đó dùng điện thoại thông minh mà không quan tâm đến những chức năng của các ứng dụng (app). Ồn ào nếu chúng ta đặc biệt sử dụng những phần mềm trí tuệ nhân tạo. Nói thể để cho thấy mỗi người và sinh viên Công giáo cũng không nằm ngoài sự thu hút này. Do đó, cho phép tôi chia sẻ đôi điều về trí tuệ nhân tạo.
1. Lịch sử hình thành và phát triển của AI
AI là một lĩnh vực nghiên cứu thuộc khoa học máy tính, tập trung vào việc phát triển thuật toán và phần mềm giúp máy móc có thể “biết” gần giống con người. Máy móc có khả năng tự học nhằm đạt được mục tiêu nhất định. Những hệ thống như vậy được gọi chung là AI. Chẳng hạn, các ứng dụng AI nổi bật hiện nay bao gồm: công cụ tìm kiếm thông minh (như Google Search), hệ thống gợi ý đề xuất (trên YouTube, Amazon, Netflix), trợ lý ảo (Google Assistant, Siri, Alexa), xe tự hành, các công cụ sáng tạo nội dung tạo sinh (như ChatGPT hay Gemini), cũng như chương trình chơi cờ vây, cờ vua ở đẳng cấp vượt trội con người. Điều đáng chú ý là nhiều công nghệ AI tiên tiến đã tích hợp sâu vào các ứng dụng thường ngày đến mức người dùng không còn nhận ra đó là AI.
Trong nghiên cứu AI, người ta phân chia thành nhiều phân ngành tập trung vào các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, sử dụng các công cụ chuyên biệt. Các hướng tiếp cận truyền thống bao gồm: học máy (machine learning), suy luận logic và biểu diễn tri thức, lập kế hoạch, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (ví dụ: dịch tự động, hiểu ngôn ngữ), thị giác máy tính (nhận dạng hình ảnh, sinh trắc), và robotics (điều khiển robot). Một mục tiêu dài hạn, đầy tham vọng của lĩnh vực này là phát triển “trí tuệ nhân tạo tổng quát” (AGI – Artificial General Intelligence), một AI có khả năng hiểu biết và thực hiện mọi nhiệm vụ trí óc như con người ở mức độ tương đương hoặc cao hơn.
Mặc dù ý tưởng về máy móc biết “suy nghĩ” đã xuất hiện từ lâu trong triết học[1] và văn học[2], đến thời Ada Lovelace[3] và Charles Babbage[4], thời John von Neumann[5] và Alan Turing[6], các nhà khoa học mới dần xây dựng nền móng cho máy tính hiện đại và hệ thống trí tuệ nhân tạo. Có lẽ mốc đáng nhớ là AI chính thức ra đời năm 1956 tại hội thảo mùa hè ở Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ) do nhà khoa học máy tính John McCarthy chủ trì[7]. Tại sự kiện này, thuật ngữ “Artificial Intelligence” được McCarthy đề xuất và định nghĩa là “khiến cho máy móc thực hiện được những điều mà nếu con người làm thì ta cho là thông minh”[8].
Những thập niên đầu, tuy AI đạt một số thành tựu lạc quan, nhưng chẳng ai tin máy tính sẽ đạt đến trí thông minh như người. Có lẽ vì thế, lĩnh vực này đã trải qua những chu kỳ thăng trầm. Ví dụ, vào thập niên 1970-1980, AI lâm vào bế tắc do hạn chế phần cứng và chưa có thuật toán đột phá, nhiều nhà nghiên cứu chuyển hướng, khiến AI “ngủ đông” cho đến khi có luồng gió mới vào cuối thập niên 1990.
Bước ngoặt lớn đến từ kỹ thuật học máy (machine learning), đặc biệt là học sâu (deep learning) vào đầu thập niên 2010. Năm 2012, các mạng nơ-ron nhân tạo nhiều tầng (deep neural networks) chứng tỏ ưu thế vượt trội so với phương pháp AI truyền thống trong nhận dạng hình ảnh và tiếng nói, khởi đầu một làn sóng quan tâm và đầu tư mạnh mẽ trở lại. Đến năm 2017, sự ra đời của kiến trúc Transformer càng tăng tốc đột phá trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mở đường cho thế hệ AI tạo sinh (generative AI) hiện nay.
Từ đầu thập niên 2020, hàng tỷ đô la đã được rót vào AI, nhiều công ty công nghệ coi AI là trọng tâm chiến lược. Thật vậy, thống kê năm 2025 cho thấy 77% các doanh nghiệp đang ứng dụng hoặc nghiên cứu ứng dụng AI, và 83% xem công nghệ này là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch tương lai[9]. Sự bùng nổ của những hệ thống AI tạo sinh (như ChatGPT vào năm 2022) mang lại những khả năng chưa từng có. Ví dụ, AI có thể sáng tác văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh sống động như thật, nhưng đồng thời cũng làm lộ rõ nhiều hệ quả ngoài ý muốn và rủi ro tiềm tàng. Thế giới bắt đầu lo ngại về khủng hoảng sự thật do tin giả, deepfake tràn lan, cũng như những nguy cơ dài hạn nếu AI vượt tầm kiểm soát. Thực trạng này thúc đẩy các cuộc thảo luận sôi nổi về chính sách và đạo đức để quản lý AI sao cho an toàn, bảo vệ lợi ích chung của xã hội loài người. Là người lèo lái con thuyền Giáo hội trong khi AI đang bùng nổ, Đức Giáo hoàng Phanxicô không ngần ngại gọi hiện tượng này là: một “sự thay đổi mang tính thời đại - epochal change”[10]. Một trong những ý nghĩa của cụm từ này là: chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về các hệ luận nhân học và đạo đức của công nghệ này.
2. Các phân loại và thuật ngữ cơ bản của AI
Xét theo năng lực và phạm vi, AI thường được chia thành AI hẹp (Artificial Narrow Intelligence) và AI tổng quát (Artificial General Intelligence). AI hẹp là những hệ thống chỉ giỏi một lĩnh vực hoặc một nhóm nhiệm vụ cụ thể (ví dụ: chỉ nhận diện khuôn mặt, hay chỉ chơi cờ vua). Hầu hết các ứng dụng AI hiện nay – từ xe tự lái đến trợ lý ảo – đều thuộc loại này. Ngược lại, AI tổng quát (AGI) hàm chỉ một trí tuệ nhân tạo đa năng có thể hiểu, học và vận dụng kiến thức trong bất kỳ lĩnh vực nào như một con người thực thụ. AGI hiện vẫn là mục tiêu dài hạn và chưa đạt được. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu còn đề cập đến giả thuyết AI siêu trí tuệ (Artificial Super Intelligence – ASI) để chỉ AI vượt xa trí tuệ loài người, nhưng khái niệm này còn mang tính suy tưởng về tương lai xa.
Xét theo phương pháp tiếp cận kỹ thuật, AI được phân thành nhiều nhánh:
- AI biểu tượng (symbolic AI) – dựa trên luật lệnh logic và tri thức được lập trình sẵn.
- AI học máy – máy tự rút ra quy luật từ dữ liệu (bao gồm học sâu sử dụng mạng nơ-ron).
- AI tiến hóa – dùng thuật toán di truyền và phương pháp tiến hóa mô phỏng tự nhiên; v.v.
Các hệ thống AI hiện đại thường kết hợp nhiều kỹ thuật. Chẳng hạn, xe tự hành tích hợp thuật toán học sâu để nhận diện vật cản, kết hợp với suy luận biểu tượng để tuân thủ luật giao thông. Một số thuật ngữ thường gặp khác gồm: trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) chỉ các mô hình AI có khả năng tạo ra nội dung mới (văn bản, hình ảnh, nhạc…); học tăng cường (reinforcement learning) là phương pháp cho AI học qua tương tác với môi trường và nhận thưởng/phạt; mùa đông AI đã nói ở trên ám chỉ giai đoạn đình trệ của ngành; và trí tuệ bầy đàn (swarm intelligence) chỉ hành vi thông minh nổi lên từ sự hợp tác của nhiều cá thể đơn giản (lấy cảm hứng từ đàn kiến, đàn ong).
Dù phân loại theo cách nào, một điểm cốt lõi cần nhớ: AI không có ý thức và ý chí tự do như con người. Chúng ta đều công nhận chân lý này! Hệ thống AI, dù “thông minh” đến đâu, vẫn chỉ thực thi các thuật toán do con người tạo ra và tối ưu theo tiêu chí định sẵn. AI không tự hiểu biết ý nghĩa hay mục đích của những gì nó làm – việc gán ý nghĩa và giá trị đạo đức cho kết quả vẫn là do con người đảm nhiệm. Tài liệu “Antiqua et Nova” (2025) nhấn mạnh sự khác biệt mang tính quyết định này: trí tuệ con người do Thiên Chúa ban và được trau dồi qua kinh nghiệm sống, còn trí tuệ nhân tạo chỉ hoạt động theo các nguyên lý chức năng do con người lập trình. Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn cuộc sống (dù là bào thai, người hôn mê hay cụ già đau yếu), trong khi AI không có phẩm giá nhân vị, cũng không thể cảm thụ ý nghĩa luân lý của hành động.
Tuy “máy vẫn chỉ là máy”, nhưng máy móc có thể lưu trữ và tính toán trên lượng dữ liệu khổng lồ nhanh hơn con người. Điều này khiến nhiều người choáng ngợp đến tin tưởng vào AI một cách tuyệt đối. Là người có linh hồn, chỉ chúng ta mới có thể “giải mã ý nghĩa” của dữ liệu đó, định hướng mục đích cho nó và trao cho nó giá trị luân lý. Do đó, AI không thể thay thế được vai trò quyết định của con người, kể cả trong những công việc có vẻ hoàn toàn kỹ thuật. Hình ảnh ẩn dụ rất hay được một chuyên gia gợi lên: Trong “bản giao hưởng” tương lai giữa người và máy, AI chỉ như những nhạc công điêu luyện, còn nhạc trưởng đích thực vẫn phải là tư duy và lương tâm con người[11].
3. Giáo huấn Công giáo về AI
Trong những năm gần đây, Giáo hội Công giáo đã tích cực tham gia vào cuộc thảo luận toàn cầu về trí tuệ nhân tạo, đóng góp tiếng nói đạo đức dựa trên truyền thống nhân học Kitô giáo. Giáo huấn của Giáo hội nhấn mạnh rằng AI – một sản phẩm rực rỡ của trí tuệ loài người – cần được định hướng phục vụ con người và thiện ích chung, tôn trọng phẩm giá con người và luật luân lý. Có thể nhiều người khó chịu về những chỉ dẫn này của Giáo hội. Lý do là họ cảm thấy mất đi tự do trong việc phát triển và sư dụng AI. Ngược lại, những ai muốn hiểu rõ vấn đề và sử dụng một cách khôn ngoan, những tài liệu này lại cho chúng ta một hướng đi lạc quan.
a. Rome Call for AI Ethics (Lời kêu gọi từ Roma vì đạo đức AI)
Đây là một tuyên bố chung được công bố tại Tòa Thánh Vatican ngày 28/02/2020, do Viện Hàn lâm Tòa Thánh về Sự sống (Pontificia Academia pro Vita) khởi xướng. Không chỉ Tòa Thánh mà văn kiện này con có sự tham gia ký kết của các hãng công nghệ lớn (như IBM, Microsoft), Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) và đại diện chính phủ Ý. Như chúng ta đã biết, “Rome Call” xác định 6 nguyên tắc đạo đức cốt lõi để định hướng phát triển AI một cách nhân bản:
(1) Minh bạch (Transparency) – các hệ thống AI, về nguyên tắc, phải có thể giải thích được;
(2) Hòa nhập (Inclusion) – phải tính đến nhu cầu của mọi người, không loại trừ ai, để mọi cá nhân đều được hưởng lợi và có điều kiện phát triển tốt nhất;
(3) Trách nhiệm (Responsibility) – những người thiết kế và triển khai AI phải hành động một cách có trách nhiệm và minh bạch;
(4) Vô tư (Impartiality) – tránh tạo ra hoặc vận hành AI theo thành kiến thiên lệch, phải bảo đảm sự công bằng và tôn trọng nhân phẩm;
(5) Đáng tin cậy (Reliability) – các hệ thống AI phải hoạt động một cách ổn định, đáng tin cậy;
và (6) An ninh & Riêng tư (Security and privacy) – AI phải vận hành an toàn và tôn trọng quyền riêng tư của người dùng.
Những nguyên tắc trên phản ánh giáo huấn xã hội Công giáo về phẩm giá con người, công bằng và thiện ích chung, đồng thời cụ thể hóa các giá trị đó trong bối cảnh kỹ thuật số. Đức Thánh cha Phanxicô đã bày tỏ sự tán thành với “Lời kêu gọi” này, coi đây là “một bước tiến quan trọng” với ba trục nền tảng là đạo đức, giáo dục và luật pháp[12]. Tại buổi công bố văn kiện, đại diện Tòa Thánh nhấn mạnh khái niệm “algor-ethics” – nghĩa là cần đưa các nguyên tắc đạo đức thấm vào thuật toán và thiết kế hệ thống AI ngay từ đầu, thông qua đối thoại liên ngành hiệu quả. Rome Call đồng thời nhắc nhở rằng việc phát triển AI phải đặt con người ở trung tâm, “phục vụ mọi cá nhân trong sự toàn vẹn của họ, không phân biệt hay loại trừ”, hướng tới một nền công nghệ nhân đạo[13].
“Rome Call for AI Ethics” đã tạo tiếng vang quốc tế, được nhiều tổ chức hưởng ứng và tiếp tục được ký kết bổ sung trong các năm sau đó (chẳng hạn, Cisco tham gia năm 2022, Qualcomm năm 2023…). Đối với Giáo hội, tài liệu này thể hiện tinh thần cùng đồng hành với thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đưa ra kim chỉ nam đạo đức để AI phát triển trong khuôn khổ tôn trọng con người. Những nguyên tắc như minh bạch, hòa đồng, công bằng… không chỉ là khẩu hiệu, mà đòi hỏi sự cam kết thực thi từ phía các lập trình viên, doanh nghiệp và nhà làm luật. Ví dụ, nguyên tắc minh bạch đặt ra bài toán nghiên cứu về AI có khả giải thích (explainable AI), nguyên tắc vô tư thì yêu cầu tích cực khắc phục định kiến dữ liệu (data bias) để AI không phân biệt đối xử. Qua “Rome Call”, Giáo hội chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ: đạo đức phải đồng hành với thuật toán, sao cho mỗi tiến bộ AI đều hướng đến việc thăng tiến con người toàn diện.
b. Tài liệu “Antiqua et Nova”
Nếu “Rome Call” là lời mời gọi tổng quát, thì “Antiqua et Nova” là bản chỉ dẫn tương đối chi tiết. Ngày 28/01/2025, Tòa Thánh đã công bố một văn kiện quan trọng có tựa đề :“Antiqua et Nova (Sự khôn ngoan vừa cổ xưa vừa mới mẻ): Những lưu ý về mối tương quan giữa Trí tuệ nhân tạo và Trí tuệ con người”[14], do hai cơ quan cao cấp là Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa và Giáo dục đồng soạn thảo. Cụm từ Latin “antiqua et nova” có nghĩa là “Sự khôn ngoan vừa cổ xưa vừa mới mẻ”, lấy cảm hứng từ câu Phúc Âm Mt 13,52 – ngụ ý rằng văn kiện muốn kết hợp sự khôn ngoan truyền thống của Giáo hội với những hiểu biết mới về công nghệ AI.
Đây là lần đầu tiên Tòa Thánh ban hành một tài liệu chuyên đề chính thức về AI, nhằm hướng dẫn các tổ chức Công giáo và toàn thể nhân loại về phát triển và sử dụng AI một cách có đạo đức. Văn Kiện dài 117 đoạn này được gửi đến các bậc phụ huynh, nhà giáo dục, linh mục, giám mục – tức những người làm công tác giáo dục và hướng dẫn đức tin – cũng như mọi ai “mong muốn phát triển khoa học và công nghệ để phục vụ con người và công ích”. Có thể nói, Antiqua et Nova là sự tổng hợp có hệ thống những suy tư của Giáo hội về AI trong những năm qua, đặt nền tảng cho việc phân định luân lý về AI trong hiện tại và tương lai.
Tài liệu “Antiqua et Nova” mở đầu với nhận định này: Trí tuệ nhân tạo đang tạo nên những “sự thay đổi mang tính thời đại” trong đời sống con người, đe dọa và đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới[15]. Phải thừa nhận rằng trí thông minh của con người là đặc điểm thể hiện phẩm giá mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta[16]. Từ xưa Thiên Chúa ban Thần Khí cho con người “để cho họ có kỹ năng và sự hiểu biết về mọi nghề thủ công” (x. Xh 35,31), và “khoa học, kỹ thuật là hoa trái của khả năng sáng tạo mà Chúa ban tặng”. Trên nền tảng này, Giáo hội khuyến khích tiến bộ khoa học và công nghệ như một phần của “sự hợp tác của con người với Thiên Chúa trong việc hoàn thiện công trình sáng tạo hữu hình”[17]. Một cách nào đó, AI không thể tách khỏi con người: đây là hệ quả của khả năng trí tuệ mà con người được ủy thác để “cày cấy và canh giữ” đất (St 2,15).
“Antiqua et Nova” gọi AI là một thách thức nhân văn và luân lý đặc biệt, bởi AI chính là cố gắng nhân bản hóa khả năng trí tuệ của con người[18]. AI có thể tạo ra văn bản hay hình ảnh gần như không phân biệt được với sản phẩm của con người, đặt ra nguy cơ làm bùng phát “khủng hoảng sự thật” trong xã hội. Trong nhiều lãnh vực, AI có thể làm tốt hơn con người. Chính vì vậy, Giáo hội xem AI là một công cụ “vừa hứa hẹn vừa đáng sợ”, vừa có khả năng phục vụ nhân loại, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Chẳng hạn, Đức Giáo hoàng Phanxicô tại G7 (2024) so sánh: “AI như một cuộc cách mạng công nghiệp trí tuệ, có thể mở ra dân chủ hóa tri thức, đẩy nhanh nghiên cứu khoa học, giao việc lao nhọc cho máy móc. Nhưng đồng thời, AI cũng có thể làm gia tăng bất công giữa các quốc gia và giai cấp, thậm chí “khiến văn hóa vứt bỏ” được ưa chuộng hơn văn hóa gặp gỡ”[19].
Trong hầu hết các tài liệu, Giáo hội luôn nhìn nhận thực tại này: Con người là hợp nhất thể xác và linh hồn, được Chúa tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng nhận thức, tự do và có giá trị cao quý vốn có (phẩm giá). Từ đó, Giáo hội nhấn mạnh việc dùng lý trí và khôn ngoan theo tinh thần Tin Mừng để làm chủ công nghệ (AI). Đây là một thách đố, và đang là vấn đề gây tranh cãi. Văn kiện Antiqua et Nova khẳng định trí tuệ nhân tạo là “sản phẩm thuộc về khả năng thông minh của con người” chứ không phải trí tuệ nhân tạo tương đương với trí tuệ con người (x. Antiqua et Nova số 35). Nói cách khác, AI chỉ là công cụ do con người tạo ra; nó không có linh hồn, không có con tim như con người. Điều này ai cũng công nhận. Vấn đề nằm ở chỗ nhiều người lấy khôn ngoan từ máy móc thay cho “khôn ngoan của con tim” (wisdom of the heart)[20]. Đức Giáo hoàng Phanxicô cho rằng chỉ có con người, với tầm nhìn thiêng liêng và trái tim hướng thiện, mới “đối mặt và diễn giải những điều mới lạ của thời đại” một cách đúng đắn[21].
Nhân bản Kitô giáo dạy rằng mọi công nghệ, kể cả AI ngày nay, phải phục vụ con người và các giá trị nhân bản. Bộ Giáo lý nhắc lại rằng Thiên Chúa trao ban cho con người khả năng sáng tạo để làm vinh danh Ngài (Tv 8,3). Khi con người dùng trí tuệ hợp tác với Thiên Chúa “để làm cho mặt đất trở nên tổ ấm xứng đáng cho cả gia đình nhân loại”, chính là thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa trên trần gian[22]. Tiến bộ khoa học kỹ thuật, khi đưa xã hội đến trật tự tốt đẹp và tình liên đới huynh đệ, sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại. Thực tế, kể cả trong lẫn ngoài Giáo hội, nhiều người đang cảnh báo AI có thể đi lệch quỹ đạo này, chẳng hạn: bất công, chiến tranh, thao túng, chia rẽ.
Trong mọi quyết định về AI, Giáo hội luôn đặt phẩm giá con người và lợi ích chung làm thước đo căn bản. Antiqua et Nova nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô rằng: "Phẩm giá vốn có của mỗi người nam và người nữ phải là tiêu chí then chốt khi đánh giá các công nghệ mới”[23]. Theo đó, các ứng dụng AI chỉ được xem là “đạo đức” khi chúng giúp tôn trọng và nâng cao giá trị con người trên mọi phương diện. Thực tế AI không tự mình sống đạo đức, hướng thiện hay ác, nó tùy thuộc vào cách con người sử dụng. AI được dùng “theo cách tôn trọng nhân phẩm và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cá nhân và cộng đồng?” Chúng ta hy vọng vào điều này. Ngược lại, nếu ai đó vì tham vọng quyền lực, lợi nhuận mà lạm dụng AI, thì hậu quả sẽ rất tai hại.
Tài liệu cũng nhắc đến AI trong một số lĩnh vực cụ thể:
- AI và đời sống xã hội: Văn kiện kêu gọi nhìn AI qua lăng kính “phát triển con người toàn diện”.
- AI và các mối quan hệ con người: Văn kiện nhắc lại chân lý nhân học: “Tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không tương quan với tha nhân, con người không thể sống cũng như không thể phát triển các phẩm chất của mình được.” (Gaudium et Spes số 12).
- AI trong kinh tế và lao động: AI có hai mặt tích cực và tiêu cực với lĩnh vực kinh tế. Về tích cực, AI có thể nâng cao năng suất, nhưng đồng thời, Antiqua et Nova cũng cảnh báo AI có thể “hạ thấp phẩm giá người lao động” nếu bị lạm dụng.
- AI trong y tế: Văn kiện đánh giá AI có thể đem lại tiến bộ lớn cho ngành y – như hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh hơn, chính xác hơn (nhờ phân tích dữ liệu và hình ảnh), đề xuất phác đồ điều trị cá nhân hóa, hỗ trợ phẫu thuật từ xa, v.v. Tuy nhiên, không được để AI thay thế hoàn toàn mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân.
- AI và vấn đề sự thật – thông tin: Một mối lo khác được Antiqua et Nova nhấn mạnh là AI tạo ra tin giả (fake news) và nội dung giả mạo (deepfake), đe dọa sự thật trong diễn đàn công cộng.
- AI, tôn giáo và tương quan với Thiên Chúa: Cuối cùng, từ góc độ thần học, Antiqua et Nova nhắc nhở về nguy cơ con người tôn thờ AI như một thần tượng mới.
Tựu trung, tài liệu “Antiqua et Nova” cung cấp một nền tảng nhân học và luân lý vững chắc cho việc nhận định về AI. Nó hòa quyện truyền thống khôn ngoan cổ truyền (antiqua) của Giáo hội với cái nhìn mới mẻ (nova) về công nghệ hiện đại, nhằm hướng dẫn lương tâm các tín hữu Công giáo cũng như đóng góp cho đối thoại xã hội rộng rãi. Đức ông Paul Tighe (Thư ký Bộ Văn hóa – Giáo dục) cho biết văn kiện này không phải “lời cuối cùng” của Giáo hội về AI, nhưng hy vọng gợi lên những điểm để suy xét cho mọi người thiện chí trong cuộc tranh luận chung. Quả thật, Giáo hội ý thức AI là chủ đề mới mẻ, sẽ còn tiếp tục phát triển, nên rất cần sự đối thoại liên tục. Dầu vậy, Antiqua et Nova đã nêu bật nguyên tắc căn bản: mọi cân nhắc về AI phải đặt trên nền tảng phẩm giá con người và sự phát triển toàn diện của nhân vị trong cộng đồng. Đây sẽ là kim chỉ nam để Giáo hội đánh giá các tiến bộ AI trong tương lai.
c. Quan điểm của Đức Giáo hoàng Phanxicô
Cần lưu ý rằng đằng sau những lời phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô (Giáo hoàng từ 2013 đến 2024) là cả một nhóm cố vấn về AI! Do đó, khi chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của AI, với những tư vấn quan trọng, ngài đã nhiều lần lên tiếng. Quan điểm của Đức Phanxicô về AI thường nhấn mạnh tính hai mặt (vừa hứa hẹn vừa nguy hiểm) của công nghệ, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận thận trọng, đặt con người và đạo đức làm trung tâm.
AI là “một công cụ đầy hấp dẫn nhưng cũng đáng sợ”: Trong bài phát biểu tại phiên họp G7 về trí tuệ nhân tạo (Puglia, Ý, 14/6/2024), Đức Phanxicô mô tả AI là thành quả xuất sắc của khả năng sáng tạo mà Thiên Chúa ban cho con người. Ngài trích sách Xuất Hành 35,31: Thiên Chúa ban cho con người thần khí khôn ngoan, trí thông minh và tri thức để thực hiện mọi công việc. Do đó khoa học kỹ thuật, bao gồm AI, chính là hoa trái tuyệt vời của tiềm năng sáng tạo đó. Tuy nhiên, ngài lưu ý AI khơi dậy hai cảm xúc trái ngược: một đằng, chúng ta hào hứng trước những khả năng phi thường mà AI mang lại; nhưng đằng khác, ta cũng lo sợ trước những hệ quả khó lường của nó. Sự tiến bộ công nghệ vượt bậc làm cho AI trở thành một thứ công cụ vừa hấp dẫn vừa đáng sợ, đòi hỏi một phản tỉnh đạo đức tương xứng tầm vóc thách đố. Ngài cảnh báo: nếu chúng ta chỉ mải mê đón nhận AI như đã từng vồ vập mạng xã hội mà không lường trước hệ lụy, thì rất có thể sẽ lặp lại những “mặt trái” như đã thấy – chẳng hạn tình trạng phân cực, tin giả, thao túng… trong xã hội kỹ thuật số.
AI không được tước mất quyền tự do quyết định của con người. Đây là điều rất quan trọng. Trong diễn văn tại G7, Đức Phanxicô nói: “Nhân loại sẽ bị kết án trong một tương lai vô vọng nếu khả năng quyết định về bản thân và cuộc sống của họ bị tước đi khỏi con người, buộc họ phải phụ thuộc vào sự lựa chọn của máy móc”[24]. Trong dịp này ngài lập lại lời kêu gọi khẩn thiết ngăn chặn việc phát triển và sử dụng vũ khí tự động, nhấn mạnh “không một cỗ máy nào được phép quyết định về mạng sống của một con người”. Đây là lời khẳng định dứt khoát về quyền tối thượng của sự sống con người: Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới là chủ sự sống, và con người cũng chỉ có quyền giới hạn trong khuôn khổ đạo đức; một cỗ máy vô tri không thể được trao quyền sinh sát.
Định hướng AI theo “ơn gọi phục vụ nhân loại”: Đức Phanxicô thường dùng từ “ơn gọi” để nói về mục đích đúng đắn của công nghệ. Ngài trích lại Sáng thế 2,15 – Thiên Chúa giao cho con người sứ mạng “canh tác và trông coi” trái đất – để khẳng định các công cụ kỹ thuật chỉ bộc lộ sự cao cả và phẩm giá độc đáo của con người khi và chỉ khi chúng được sử dụng đúng ơn gọi phục vụ nhân loại. Đức Phanxicô cảnh báo: Nếu thiếu đạo đức học định hướng, nhân loại đã “đi sai mục đích tồn tại” của mình. Ngài gọi AI là “công cụ tốt lành” chỉ khi nào nó trở thành thành trì chống lại sự bành trướng của mô hình kỹ trị, thay vì củng cố thêm não trạng kỹ trị đó. Nói cách khác, AI phải là đồng minh giúp ta bảo vệ tính người và công ích, chứ không phải đẩy ta sâu hơn vào chủ nghĩa duy kỹ thuật.
Kêu gọi hợp tác toàn cầu và “chính trị lành mạnh” trong quản trị AI: Đức Thánh Cha ý thức rằng việc định hướng AI không thể chỉ dừng ở lời kêu gọi đạo đức suông, mà cần có hành động cụ thể ở cấp độ chính sách và luật pháp quốc tế. Ngài đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau để ban hành một hiệp ước quốc tế ràng buộc về quản lý phát triển và sử dụng AI. Lời kêu gọi này xuất hiện trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2024 của ngài, chủ đề “AI và Hòa bình”, cũng như được lặp lại tại G7. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Chính trị là điều hữu ích nhưng chúng ta cần một ‘chính trị lành mạnh’ có thể khiến chúng ta nhìn về tương lai với hy vọng”. Theo ngài, “đây chính là nơi cần hành động chính trị khẩn cấp”. Chẳng hạn, ngài đề cập việc luật pháp quốc tế phải đặc biệt cấm vũ khí AI sát thương, phải quản lý chặt chẽ các ứng dụng AI ảnh hưởng đến nhân quyền (như hệ thống điểm tín nhiệm xã hội, giám sát hàng loạt), và phải đảm bảo tính minh bạch – trách nhiệm giải trình của các công ty AI với cộng đồng. Đức Phanxicô cũng lưu ý việc cần hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận công nghệ AI một cách công bằng, tránh tạo hố sâu ngăn cách mới.
Sự “khôn ngoan của con tim”, kết hợp Đức tin vào kỷ nguyên AI: Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58 (năm 2024) – văn kiện tập trung vào AI – Đức Phanxicô đề cao một khái niệm thiêng liêng: “Sự khôn ngoan của trái tim”. Ngài giải thích theo truyền thống Kinh Thánh, trái tim không chỉ là nơi cảm xúc mà còn là nơi của tự do, của tiến trình đưa ra quyết định, biểu tượng của tính thống nhất nội tâm. Trái tim con người, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, giúp ta nhìn mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa và khám phá ý nghĩa thực sự của chúng. Điều này đặc biệt quan trọng khi ta đứng trước các công nghệ AI phức tạp: Nếu chỉ dựa trên lý trí thuần túy hoặc dữ liệu khô khan, ta có thể đánh mất tính người của mình.
Bởi vậy, ngài kêu gọi thay vì để nhân tính bị bào mòn, con người hãy tìm kiếm sự Khôn Ngoan vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Chính Khôn Ngoan này sẽ hướng dẫn ta sử dụng AI cho một nền truyền thông và một xã hội “thật sự nhân văn trọn vẹn”. Nói cách khác, đức tin và đời sống tâm linh có vai trò thiết yếu để định hướng đạo đức trong thời đại AI. Những khái niệm như phẩm giá, thân xác, tình yêu, siêu việt, con người là hình ảnh Thiên Chúa. Thật thú vị là Đức Phanxicô đề nghị chúng ta cần đưa những giá trị đối thần này vào cuộc thảo luận về AI. Một học giả Công giáo, GS. Meghan Sullivan thuộc Đại học Notre Dame, cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng sự khôn ngoan của các truyền thống đức tin có thể đóng góp đáng kể cho việc phát triển khung đạo đức cho AI”[25].
Tóm lại, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đặt nền cho một cái nhìn Kitô giáo về AI: trân trọng tiến bộ công nghệ nhưng luôn cảnh giác, kiên quyết đặt con người và Thiên Chúa ở vị trí trung tâm. Các phát biểu của ngài hòa quyện cùng thông điệp của Antiqua et Nova và Rome Call, tạo thành học thuyết chính thức đầu tiên của Giáo hội về AI trong thập niên 2020.
d. Quan điểm của Đức Giáo hoàng Lêô XIV về AI
Tháng 3 năm 2025, một sự kiện đáng chú ý xảy ra: Đức Hồng y Robert Francis Prevost được mật nghị hồng y bầu chọn làm Giáo hoàng, lấy danh hiệu Lêô XIV. Ngài trở thành vị Giáo hoàng thứ 267, kế nhiệm Đức Phanxicô. Việc tân Giáo hoàng chọn tước hiệu “Lêô” được nhiều người nhìn nhận như một sự nối tiếp tinh thần Đức Lêô XIII – vị Giáo hoàng nổi tiếng với tầm nhìn tiên tri về vấn đề xã hội thời công nghiệp hóa cuối thế kỷ 19. Quả thật, ngay trong những phát biểu đầu tiên, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là “một thách đố mang tính xã hội và luân lý trọng tâm của thời đại”, cần Giáo hội quan tâm như Đức Lêô XIII xưa kia quan tâm vấn đề lao động.
Tiếp nối di sản của Đức Phanxicô, Đức Lêô XIV bày tỏ cách tiếp cận dung hòa: nhìn nhận tiềm năng phi thường của AI để phục vụ con người, đồng thời kiên quyết cảnh báo các nguy cơ nếu AI phát triển thiếu đạo đức. Trong Sứ điệp gửi Hội nghị Thường niên lần II về AI, Đạo đức và Quản trị (Rome, 19-20/6/2025), Đức Lêô XIV viết:“Chúng ta đều quan tâm đến trẻ em và người trẻ, cũng như những hậu quả có thể xảy ra từ việc sử dụng AI đối với sự phát triển trí tuệ và thần kinh của các em. Người trẻ cần được nâng đỡ, chứ không bị cản trở, trên hành trình tiến đến sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm đích thực.”[26]. Ngài hoan nghênh thực tế là một phần hội nghị diễn ra ngay tại Điện Tông tòa, coi đó là dấu chỉ rõ ràng của khát vọng Giáo hội được tham gia vào những thảo luận ảnh hưởng trực tiếp đến hiện tại và tương lai đại gia đình nhân loại. Điều này cho thấy Giáo hội dưới triều đại Đức Lêô XIV quyết tâm dấn thân đồng hành cùng thế giới trong việc định hướng AI.
Từ Sứ điệp trên, chúng ta có thể thấy được ba chủ đề nổi bật:
Đạo đức vì con người
Đức Giáo hoàng Lêô XIV nhấn mạnh rằng AI là một công cụ do con người tạo ra, nên giá trị đạo đức của nó phụ thuộc vào ý hướng và cách sử dụng của con người. Việc phát triển AI cần đi kèm với đối thoại đạo đức liên tục, vì nó có thể phục vụ ích chung, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng gây tổn hại và bạo lực.
Phát triển toàn diện
Ngài cảnh báo rằng trong cuộc chạy đua công nghệ, xã hội có nguy cơ đánh mất ý nghĩa đích thực của con người và phẩm giá vốn có. Việc xây dựng khung đạo đức cho AI đòi hỏi phải bảo vệ nhân phẩm, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và đề cao khả năng con người mở lòng trước chân lý và cái đẹp.
Giới trẻ và thế hệ tương lai
AI tạo ra cơ hội tiếp cận thông tin chưa từng có, nhưng điều đó không đồng nghĩa với trí tuệ hay khôn ngoan. Người trẻ cần được hướng dẫn để tích hợp chân lý vào đời sống luân lý và tâm linh, nhờ đó trưởng thành trong trách nhiệm, và góp phần xây dựng một thế giới liên đới và hiệp nhất.
4. Ánh sáng và bóng tối trong bức tranh AI
Từ những nền tảng khái niệm và giáo huấn Công giáo đã trình bày ở trên, phần này sẽ phân tích cụ thể hơn những tiềm năng lẫn rủi ro đạo đức của AI trong ba phương diện quan trọng: (1) lĩnh vực giáo dục, (2) đời sống xã hội, và (3) nhân vị con người dưới ánh sáng giáo huấn Công giáo.
a. Ảnh hưởng của AI đối với giáo dục
Có lẽ phần này được bàn chi tiết trong chương ba. Ở đây, rõ ràng AI mở ra tiềm năng hứa hẹn, tạo ra những đổi mới tích cực cho giáo dục ở mọi cấp độ, nghĩa là từ học sinh cấp ba trở lên. Cho tới nay, tôi vẫn chưa tin AI có thể giúp nhiều cho các em dưới 15 tuổi! Ở đây, AI có thể giúp cá nhân hóa việc học: thông qua các hệ thống gia sư thông minh, mỗi học sinh – sinh viên được hỗ trợ theo nhịp độ và phong cách học riêng, được bổ khuyết những chỗ hổng kiến thức kịp thời. Các nền tảng học tập trực tuyến tích hợp AI có thể phân tích điểm mạnh – yếu của từng người học để đưa ra lộ trình ôn tập, bài tập phù hợp, qua đó nâng cao hiệu quả học tập.
Thứ hai, AI có khả năng mở rộng tiếp cận tri thức cho mọi người ở khắp nơi. Những công cụ như các trợ lý ảo ngôn ngữ, sẽ phá bỏ rào cản ngôn ngữ, giúp học sinh trên thế giới tiếp cận kho tàng kiến thức chung của nhân loại. Không chỉ Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm nhận định, chắc chúng ta cũng biết AI có thể “giúp chúng ta tiếp cận dễ dàng di sản kiến thức khổng lồ của nhân loại và giúp mọi người giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ mà họ chưa biết”. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi học thuật giữa các dân tộc và thế hệ. Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển, AI có thể hỗ trợ đào tạo từ xa, đưa giáo án của những thầy giỏi đến vùng sâu vùng xa, hoặc dùng công nghệ AR/VR (Augmented Reality-Virtual Reality) để minh họa sinh động các khái niệm phức tạp.
Thứ ba, AI giúp giảm tải công việc hành chính cho giáo viên, tự động hóa việc chấm bài trắc nghiệm, quản lý điểm danh…, để thầy cô tập trung hơn vào sáng tạo phương pháp dạy và chăm lo từng học sinh. AI cũng có thể hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giáo án, gợi ý hoạt động giảng dạy dựa trên dữ liệu tâm lý học giáo dục. Tất cả những điều này, nếu được sử dụng đúng mực, sẽ nâng cao chất lượng giáo dục và tính công bằng giáo dục – vốn là mối quan tâm của Giáo hội (mang cơ hội học tập đến cho những người thiệt thòi là một hành động bác ái và công bằng xã hội).
Rủi ro đạo đức trong giáo dục
Trước tiên AI đang có nguy cơ làm mất vai trò của người thầy. Nếu quá lạm dụng AI (ví dụ giao cho chatbot giảng bài hoặc giải đáp thắc mắc toàn bộ), học sinh có thể không còn tương tác đủ với giáo viên bằng xương bằng thịt. Điều này sai lầm vì “thầy dạy không chỉ truyền đạt kiến thức; họ còn là hình mẫu cho những phẩm chất thiết yếu của con người”. Chỉ nơi thầy cô mới có sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn, nhiệt tâm với chân lý. Giáo hội luôn nhìn nhận việc giáo dục là một hành động nhân vị: người dạy và người học gặp gỡ nhau, không chỉ trao đổi thông tin mà còn tác động đến nhân cách nhau. Do đó, nếu AI làm lu mờ mối quan hệ thầy-trò, đó sẽ là tổn thất lớn về mặt nhân bản.
Thứ hai, AI đặt ra thách thức về liêm chính tri thức. Với các công cụ tạo sinh như ChatGPT, học sinh, sinh viên có thể dễ dàng nhờ AI viết luận văn, làm bài tập hộ. Điều này đe dọa tinh thần trung thực và nỗ lực học tập. Trên nguyên tắc luân lý: gian lận là sai trái, và việc sử dụng AI mà không minh bạch nguồn gốc có thể dẫn các bạn trẻ đến thói quen thiếu trung thực. Các cơ sở giáo dục, trong đó có Học viện Công giáo, sẽ phải đề ra quy tắc rõ ràng về việc dùng AI trong học tập (ví dụ: cho phép dùng như công cụ tham khảo nhưng cấm sao chép nguyên văn đầu ra AI). Cụ thể như thế nào thì cho đến nay vẫn còn thiếu chỉ dẫn một cách minh nhiên!
Thứ ba, AI tiềm ẩn nguy cơ giám sát, xâm phạm riêng tư trong môi trường học đường. Nếu lắp đặt quá nhiều camera AI để theo dõi hành vi học sinh, chấm điểm thái độ,… có thể vô tình tạo bầu không khí kiểm soát lạnh lùng, không còn sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Đức Phanxicô từng cảnh báo việc thuật toán thu thập dữ liệu hành vi (như thói quen, sở thích) có thể khiến người dùng bị “săn mồi” bởi các lợi ích tư nhân. Trong trường học, nếu dữ liệu học sinh bị thu thập và phân tích thái quá, các em có nguy cơ trở thành “sản phẩm” cho các công nghệ hơn là chủ thể được phục vụ.
Một rủi ro khác là “ô nhiễm thông tin”: học sinh ngày nay tiếp cận tri thức một phần qua các nền tảng có AI gợi ý (như YouTube, TikTok, mạng xã hội). Thuật toán đề xuất có xu hướng đưa nội dung giải trí cao, hoặc nội dung cực đoan câu view, đến với giới trẻ, thay vì nội dung giáo dục bổ ích. Điều này có thể làm xao nhãng sự học, suy giảm khả năng tập trung và dẫn đến nhận thức lệch lạc (do tin giả, thông tin méo mó tràn lan). Văn kiện Giáo hội đã khuyên mọi người phải thận trọng, biết kiểm chứng thông tin và tránh lan truyền nội dung xúc phạm phẩm giá. Đối với học sinh, kỹ năng biết phân biệt đúng sai trên mạng lại càng quan trọng, cần được rèn luyện như một phần của giáo dục. Các trường Công giáo có thể dạy môn “Giáo dục truyền thông” lồng ghép với giáo lý, giúp người trẻ trang bị “sự khôn ngoan của trái tim” khi đối diện cơn lốc thông tin kỹ thuật số.
Tóm lại, AI có thể là “phương tiện phục vụ yêu thương” trong giáo dục khi nó hỗ trợ việc học, mở rộng tri thức và kết nối con người. Nhưng nó cũng có thể trở thành “công cụ thống trị thù địch” nếu làm tha hóa quan hệ thầy trò, khuyến khích gian lận hay áp đặt kiểm soát vô nhân tính. Giáo huấn Công giáo mời gọi chúng ta đón nhận AI trong giáo dục với tâm thế cởi mở nhưng cảnh giác, đảm bảo công nghệ nằm trong tầm kiểm soát của những nhà giáo dục có lương tâm và trí khôn ngoan. Các giá trị cốt lõi như trung thực, tôn trọng nhân vị, tình liên đới… phải tiếp tục được đặt làm nền tảng cho mọi hoạt động giáo dục, kể cả khi có sự tham gia của AI.
b. AI đối với đời sống xã hội
Cha Robert Ballecer SJ, chuyên gia công nghệ, từng là cố vấn công nghệ cho Đài Phát thanh cho rằng: “Điều khiến tôi lo lắng nhất về AI không phải là tiêu thụ điện năng, hay bị lạm dụng để giám sát. Tôi sợ tác động của AI sẽ làm mất kết nối giữa người với người; điều này thực sự nguy hiểm hơn cả.”[27] Không chỉ tương quan, AI đang và sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế, lao động, giao tiếp, cho tới an ninh, chính trị. Giáo huấn Công giáo, như đã trình bày qua Antiqua et Nova và lời Đức Giáo hoàng, đưa ra một cái nhìn lạc quan có điều kiện: AI sẽ thăng tiến đời sống nếu được dùng cách có đạo đức, nhưng cũng có thể đe dọa đời sống nếu bị lạm dụng.
AI hứa hẹn cải thiện nhiều mặt của cuộc sống hiện đại. Trong kinh tế, AI có thể tối ưu hóa sản xuất, phân phối hàng hóa hiệu quả hơn, giảm lãng phí tài nguyên – qua đó nâng cao mức sống cho các dân tộc. Trong y tế cộng đồng, AI giúp phát hiện dịch bệnh sớm, phân tích dữ liệu sức khỏe quy mô lớn để đề ra chính sách tốt hơn, hỗ trợ bác sĩ chăm sóc người bệnh sát sao (ví dụ ứng dụng nhắc uống thuốc, theo dõi dấu hiệu sinh tồn từ xa). Trong giao thông, AI điều phối luồng xe thông minh, giảm kẹt xe, tai nạn; trong nông nghiệp, AI phân tích thời tiết, đất đai để hướng dẫn nông dân canh tác hiệu quả, tăng năng suất và an ninh lương thực. AI còn mở ra những dịch vụ tiện ích mới trong đời sống thường ngày: nhà, thành phố[28] “thông minh” tự động điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng tiết kiệm điện; trợ lý ảo giúp người già ghi nhớ lịch trình uống thuốc, liên lạc người thân khi cần; xe tự lái chở người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn, v.v. Tất cả đều nhằm thực hiện điều Đức Phanxicô từng nói: “AI phải được dùng để thăng tiến phát triển con người toàn diện” – nghĩa là phục vụ thiện ích chung (bonum commune) sao cho mọi người, đặc biệt những nhóm yếu thế, được hưởng lợi.
Chẳng hạn, AI có thể giúp các tổ chức từ thiện xác định người thực sự cần giúp bằng cách phân tích dữ liệu vùng nghèo đói, từ đó cung cấp hỗ trợ đúng chỗ. AI cũng hỗ trợ chính phủ chống tham nhũng, cải thiện dịch vụ công (ví dụ dùng AI trong chính phủ điện tử để giảm tiếp xúc trực tiếp, loại bỏ “tham nhũng vặt”). Nếu được phát triển trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức, AI có thể góp phần xây dựng một xã hội công bằng, bác ái hơn – đó chính là điều Giáo hội hằng ước mong. Trong an ninh, AI giúp giám sát thiên tai, biến đổi khí hậu để con người có phương án bảo vệ “ngôi nhà chung” tốt hơn. AI cũng có thể hỗ trợ thực thi pháp luật (tất nhiên cần đi kèm nguyên tắc nhân quyền), giúp truy vết tội phạm nhanh chóng, minh oan người vô tội nhờ phân tích chứng cứ chính xác.
Bên cạnh viễn cảnh tươi sáng, Giáo hội cũng thấy rõ AI làm gia tăng bất bình đẳng. Nếu AI chỉ nằm trong tay các nước giàu và tầng lớp giàu, khoảng cách với người nghèo sẽ càng rộng. Đức Phanxicô nhận định “các công nghệ số đến nay đã làm tăng bất bình đẳng… AI có thể tạo ra những hình thức nghèo mới”. Đây là thách đố về công bằng phân phối mà Giáo hội kiên trì lên tiếng: thành quả tiến bộ phải được chia sẻ, không được phép tồn tại cái gọi là “thuật địa chủ” – tức ai sở hữu thuật toán mạnh sẽ thống trị kinh tế và áp đặt luật chơi lên người khác.
Tiếp đến, AI có thể đe dọa đời sống riêng tư và tự do nếu không được kiểm soát. Như đã đề cập, thu thập dữ liệu tràn lan kết hợp với thuật toán phân tích có thể tạo nên “sự bất đối xứng”: vài công ty / cơ quan biết hết về mỗi cá nhân, còn cá nhân không biết họ dùng dữ liệu của mình ra sao. Điều này tạo cơ hội cho chính phủ độc tài hoặc thế lực xấu giám sát đại chúng (mass surveillance), xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp của con người. Hình ảnh “Big Brother” (Anh Cả) trong tiểu thuyết 1984 đang trở thành hiện thực ở một số nơi nhờ AI nhận diện khuôn mặt mọi lúc mọi nơi. Giáo hội chắc chắn phản đối kiểu lạm dụng này, vì nó hủy hoại phẩm giá con người và “làm lu mờ việc thực thi tự do một cách ý thức”.
Văn kiện Giáo hội đề cập chi tiết vấn đề vũ khí tự động và sát thương là những thiết bị AI có thể tự xác định và tiêu diệt mục tiêu mà không cần người ra lệnh trực tiếp. Giáo hội coi đây là “mối quan ngại đạo đức nghiêm trọng”, vì trao quyền sinh sát cho máy móc là vi phạm luật luân lý. Đức Phanxicô và Đức Lêô XIV đều mạnh mẽ kêu gọi cấm hoàn toàn loại vũ khí này. Ngoài ra, AI có thể gây mất ổn định chiến lược: ví dụ, nếu quốc gia dùng AI để tấn công mạng hay điều khiển drone sát thủ, các nước khác sẽ chạy đua chế tạo vũ khí tương tự – dẫn đến “cuộc chạy đua vũ trang mất kiểm soát” với hậu quả thảm khốc cho nhân quyền và hòa bình. Đó chính là điều Antiqua et Nova cảnh báo: AI có thể tăng cường nguồn lực quân sự vượt quá khả năng kiểm soát của con người.
c. AI và vấn đề nhân vị con người
Khía cạnh cuối cùng là tác động của AI đối với chính nhân vị con người – tức là quan niệm về con người, phẩm giá và căn tính của chúng ta. Giáo hội nhìn nhận AI đang thách thức chúng ta: “Làm người nghĩa là gì trong kỷ nguyên AI?”[29] Đây không chỉ là câu hỏi kỹ thuật mà là câu hỏi nhân học – triết học – thần học.
Trước hết, AI buộc con người nhận thức rõ hơn những phẩm tính độc đáo của nhân vị. Khi xây dựng một cỗ máy mô phỏng phần nào trí tuệ con người, ta cũng đồng thời hiểu thêm con người có gì hơn máy. Như Đức Phanxicô phân tích trong diễn văn G7: Con người có khả năng “vươn ra cái ngoại tại - outwardness”, mở đến tha nhân và Thiên Chúa – chính từ đó nảy sinh tiềm năng sáng tạo kỹ thuật và văn hóa[30]. Con người có tự do và trách nhiệm luân lý, có khả năng phân định điều thiện. Vì điều này mà con người khác với con vật và càng khác xa máy móc. Ngoài ra con người còn nhận được món quà từ Thiên Chúa: linh hồn có lý trí, có ý chí tự do, có khả năng yêu thương hy sinh, có lương tâm biết hướng về điều thiện phổ quát. Ta có thể nói nhờ AI, nhân loại đang có cơ hội tái khám phá “mầu nhiệm con người” dưới ánh sáng mới: hiểu sâu hơn thế nào là trí tuệ, ý thức, ngôn ngữ, sáng tạo… qua việc thấy máy bắt chước (và chỗ nào không bắt chước được).
Đừng sợ thách đố đến từ AI, nhưng hãy sợ chúng ta không phát huy được các nhân đức và giá trị nhân bản. Đứng trước nguy cơ AI làm con người lười biếng, vô cảm, cộng đồng Công giáo càng được mời gọi trau dồi đức khôn ngoan, tiết độ và công bằng trong sử dụng công nghệ. Chúng ta tiếp tục thực hành tình liên đới để những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi AI (mất việc, bị phân biệt) được hỗ trợ. Chúng ta củng cố đức tin và hy vọng để không rơi vào chủ nghĩa kỹ trị hoặc hoang mang yếm thế.
Trong hành trình trên, chúng ta thường xuyên ý thức ba mối nguy này:
1) đánh mất ý thức về bản sắc con người.
2) đánh mất đời sống tâm linh và chiều kích siêu việt.
3) sự xói mòn tự do và trách nhiệm cá nhân.
Tạ ơn Chúa vì chính mỗi người chúng ta – đặc biệt trong môi trường Học viện Công giáo – phải tự đào luyện mình để sống xứng đáng trong kỷ nguyên AI. Sử dụng AI với đức tiết độ, không để nó chi phối đời sống thiêng liêng. Quan trọng hơn, chúng ta luôn tìm kiếm Sự Thật tối thượng (Veritas) và Sự Khôn Ngoan vĩnh cửu (Sapientia) nơi Thiên Chúa, nhờ đó đặt mọi tiến bộ trần thế vào phục vụ kế hoạch yêu thương của Người.
Kết luận
Phần này mới là khởi đầu đặt nền tảng lý luận và đạo lý. Các phần tiếp theo của cuốn sách sẽ dựa trên đó để đi sâu vào những ứng dụng cụ thể của AI trong Học viện Công giáo, như: sử dụng AI trong nghiên cứu triết học và thần học, trong quản trị giáo dục, vai trò của giáo sư, v.v., cùng những vấn đề đạo đức, mục vụ phát sinh. Nhờ nền tảng đã xây, chúng ta hy vọng có thể đối thoại cách tự tin với thế giới về AI, “đem những sự cổ xưa và mới mẻ ra khỏi kho tàng” (x. Mt 13,52) – nghĩa là vận dụng cả truyền thống khôn ngoan lâu đời lẫn hiểu biết cập nhật, để hướng dẫn công cuộc phát triển AI theo thánh ý Thiên Chúa và lợi ích đích thực của nhân loại. Như lời Thánh vịnh 8 ngợi khen: “Lạy Chúa, Ngài ban cho con người quyền làm chủ công trình tay Ngài sáng tạo”, nhưng đồng thời “con người là gì mà Chúa cần nhớ đến?”, ta nhận ra rằng chỉ khi khiêm tốn đặt Chúa làm trọng tâm, con người mới sử dụng tốt các tài năng Chúa ban, bao gồm trí tuệ nhân tạo, hầu phục vụ chương trình yêu thương của Người trong lịch sử.
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
___________
[1] Aristotle (384–322 TCN) viết: "Nếu mỗi công cụ - every instrument - có thể thực hiện công việc của nó, bằng lệnh hoặc bằng linh cảm... thì các thợ thủ công sẽ không cần người phụ việc, và các ông chủ không cần nô lệ." (Aristotle, Politics, Book I, 1253b (translated by Benjamin Jowett)
[2] "Frankenstein, or The Modern Prometheus" là một tiểu thuyết kinh dị Gothic của Mary Shelley, xuất bản lần đầu năm 1818. Tác phẩm kể về câu chuyện của Victor Frankenstein, một nhà khoa học trẻ, đã tạo ra một sinh vật từ các bộ phận cơ thể người chết. Sinh vật này, sau khi bị bỏ rơi và đối mặt với sự ghét bỏ, đã trở nên hung dữ và tìm cách trả thù người tạo ra mình.
[3] Ada Lovelace (tên đầy đủ: Augusta Ada King-Noel, Countess of Lovelace, sinh ngày 10 tháng 12 năm 1815 – mất ngày 27 tháng 11 năm 1852) là một nhà toán học và nhà văn người Anh, được coi là lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới.
[4] Charles Babbage (1791–1871) là một nhà toán học, triết gia, nhà phát minh và kỹ sư cơ khí người Anh. Ông được biết đến rộng rãi với danh hiệu “Cha đẻ của máy tính” vì những thiết kế tiên phong của ông đối với máy tính cơ học – nền tảng của máy tính hiện đại ngày nay.
[5] John von Neumann (1903–1957) là một trong những nhà khoa học vĩ đại và toàn diện nhất thế kỷ 20. Ông là một nhà toán học, vật lý học, nhà logic học, kỹ sư, và là một trong những người đặt nền móng cho khoa học máy tính hiện đại. Ông sinh ra ở Hungary và sau đó di cư sang Hoa Kỳ, nơi ông có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ.
[6] Alan Turing (1912–1954) là một nhà toán học, nhà logic học, nhà mật mã học và là cha đẻ của ngành khoa học máy tính hiện đại. Ông là người đã đặt nền móng cho lý thuyết tính toán và lập trình, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc giải mã mật mã Enigma của Đức Quốc xã trong Thế chiến II – một đóng góp được cho là đã rút ngắn chiến tranh ít nhất hai năm và cứu sống hàng triệu người.
[7] J. McCarthy, et al., “A Proposal for the Dartmouth Summer Research Project on Artificial Intelligence” (31 August 1955),
http://www-formal.stanford.edu/jmc/history/dartmouth/dartmouth.html (accessed: 21 October 2024).
[8] “That of making a machine behave in ways that would be called intelligent if a human were so behaving.”
[9] https://www.nu.edu/blog/ai-statistics-trends/
[10] Francis, Address to the Participants in the Plenary Assembly of the Pontifical Academy for Life (28 February 2020): AAS 112 (2020), 307. Cf. Id., Christmas Greetings to the Roman Curia (21 December 2019): AAS 112 (2020), 43.
[11] (Music and meaning: What do AI conductors do to our understanding of human artistry?)
https://www.abc.net.au/religion/music-and-meaning-ai-conductors-orchestras-human-artistry/105420370
[12] (Pope: Church’s social teaching can help AI serve the common good) https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-02/pope-francis-artificial-intelligence-algor-ethics.html
[13] Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý rằng, sự phức tạp của thế giới công nghệ đòi hỏi nơi chúng ta một khuôn khổ đạo đức ngày càng rõ ràng hơn, để việc dấn thân phục vụ mỗi con người trong sự toàn vẹn của họ, cũng như phục vụ toàn thể nhân loại, không phân biệt hay loại trừ, thực sự đạt hiệu quả.(Francis Pope noted that the complexity of the technological world demands of us an increasingly clear ethical framework, so as to make our commitment to serving every individual in his or her integrity and of all people, without discrimination or exclusion, truly effective).
[14] Bản tiếng Việt: Antiqua et nova, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/antiqua-et-nova-su-khon-ngoan-vua-co-xua-vua-moi-me-nhung-luu-y-ve-moi-tuong-quan-giua-tri-tue-nhan-tao-va-tri-tue-con-nguoi
[15] Antiqua et Nova số 4
[16] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57 (của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, 1.1.2024)
[17] Antiqua et Nova số số 2
[18] Antiqua et Nova số 3
[19] Diễn văn của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 về Trí tuệ nhân tạo năm 2024 (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-van-cua-duc-thanh-cha-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-g7-ve-tri-tue-nhan-tao-nam-2024)
[20] Artificial Intelligence and the Wisdom of the Heart: Towards a Fully Human Communication
[21] Như trên
[22] số 1, trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57 (của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, 1.1.2024)
[23] Antiqua et Nova số 42
[24] Diễn văn của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 về Trí tuệ nhân tạo năm 2024 (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-van-cua-duc-thanh-cha-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-g7-ve-tri-tue-nhan-tao-nam-2024)
[25] https://cruxnow.com/church-in-the-usa/2024/10/notre-dame-to-explore-faith-based-ethical-uses-of-ai (Notre Dame to explore faith-based ethical uses of AI)
[26] Sứ điệp Đức Giáo hoàng Lêô XIV gửi tới Hội nghị thường niên lần II về trí tuệ nhân tạo, đạo đức và quản trị doanh nghiệp, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-duc-giao-hoang-leo-xiv-gui-toi-hoi-nghi-thuong-nien-lan-ii-ve-tri-tue-nhan-tao-dao-duc-va-quan-tri-doanh-nghiep
[27] Nguồn tiếng Hungary: https://jezsuita.hu/hirek/tudna-e-gyontatni-a-mesterseges-intelligencia-interju-robert-ballecer-sj-vel
[28] The Line, Ả Rập Xê Út
https://vi.wikipedia.org/wiki/The_Line,_%E1%BA%A2_R%E1%BA%ADp_X%C3%AA_%C3%9At
[29] “we ask ourselves what it means to “be human,” (Antiqua et Nova số 2
[30] Diễn văn của Đức Thánh Cha tại Hội nghị thượng đỉnh G7 về trí tuệ nhân tạo năm 2024
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 71 | Tổng lượt truy cập: 7,889,411