Trong bài giảng Chúa Nhật Lời Chúa, hôm 21/1/2024, Đức Phanxicô đề cập đến tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng bản thân bằng Lời Chúa, vốn khơi dậy tiếng gọi và sứ mạng từ Chúa Giêsu. “Chúa Nhật Lời Chúa giúp chúng ta hân hoan trở về với những nguồn mạch của đức tin, vốn nảy sinh từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa hằng sống”, ngài nhắc lại và đồng thời cảnh báo về sự cám dỗ để cho Lời Chúa lướt qua chúng ta, nhưng thay vào đó mở ra cho “sự năng động của Lời Chúa”, vốn “không để chúng ta bị nhốt kín nơi chính mình, nhưng mở rộng tâm hồn, đảo ngược xu hướng, lật đổ thói quen, mở ra những kịch bản mới, vén mở những chân trời không ngờ tới”, và “để cho bản thân được chinh phục bởi vẻ đẹp mà Lời Chúa mang lại cho cuộc sống”, thay vì những lời nói mang tính bạo lực trên mạng xã hội.
Trong thánh lễ này, khi kết thúc Thánh lễ, các sách Tin Mừng theo thánh Marcô được phân phát cho các tín hữu, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc lành và sai 2 người đọc sách và 9 giáo lý viên từ khắp nơi trên thế giới đi truyền giáo.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Chúng ta đã nghe rằng “Chúa Giêsu nói với họ: “Hãy theo Ta” […]. Họ liền bỏ lưới mà đi theo Người” (Mc 1, 17-18). Sức mạnh của Lời Chúa thật lớn lao, như chúng ta đã nghe trong Bài đọc thứ nhất: “Có lời Đức Chúa phán với ông Giôna: “Hãy chỗi dậy, đi đến Ninivê […] và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo” [ …]. Giô-na đứng dậy và đi […] như lời Đức Chúa phán” (Gn 3, 1-3). Lời Chúa giải phóng sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đó là một sức mạnh thu hút đến với Thiên Chúa, như đã xảy ra với những ngư dân trẻ này, bị những lời của Chúa Giêsu chinh phục. Và đó là một sức mạnh hướng tới người khác, như đối với ông Giôna, người đã hướng tới những người ở xa Chúa. Lời Chúa thu hút đến với Thiên Chúa và hướng đến người khác. Lời Chúa thu hút đến với Thiên Chúa và hướng đến người khác, đây là sự năng động của Lời Chúa! Lời Chúa không để chúng ta bị nhốt kín nơi chính mình, nhưng mở rộng tâm hồn, đảo ngược xu hướng, lật đổ thói quen, mở ra những kịch bản mới, vén mở những chân trời không ngờ tới.
Thưa anh chị em, Lời Chúa muốn thực hiện điều này nơi mỗi người chúng ta. Cũng như đối với các môn đệ đầu tiên, những người một khi chấp nhận lời của Chúa Giêsu, đã bỏ lại lưới và bắt đầu một cuộc phiêu lưu kỳ diệu, cũng vậy, trên bờ cuộc đời chúng ta, gần những con thuyền của gia đình chúng ta và mạng lưới công việc, Lời Chúa khơi dậy tiếng gọi của Chúa Giêsu. Người kêu gọi chúng ta ra khơi cùng Người, vì người khác. Vâng, Lời Chúa khơi dậy sứ mạng, làm cho chúng ta trở thành sứ giả và chứng nhân của Thiên Chúa cho một thế giới đầy lời nói, nhưng khao khát Lời này mà nó thường phớt lờ. Giáo hội sống nhờ sự năng động này: Giáo hội được Chúa Kitô kêu gọi, được Người thu hút, và Giáo hội được sai đi vào thế giới để làm chứng cho Người. Đây là sự năng động trong Giáo hội.
Chúng ta không thể không cần Lời Chúa, sức mạnh dịu dàng của Lời Chúa mà, như trong một cuộc đối thoại, chạm đến trái tim, in sâu vào tâm hồn, đổi mới nó bằng sự bình an của Chúa Giêsu, khiến chúng ta quan tâm đến người khác. Nếu chúng ta nhìn vào những người bạn của Chúa, những chứng nhân của Tin Mừng trong lịch sử, các vị thánh, thì chúng ta thấy rằng, đối với mỗi người, Lời Chúa có tính quyết định. Chúng ta hãy nghĩ đến vị đan sĩ đầu tiên, thánh Antôn, người bị đánh động bởi một đoạn Tin Mừng khi tham dự Thánh lễ, đã bỏ mọi sự cho Chúa; chúng ta hãy nghĩ đến thánh Augustinô, người đã thay đổi cuộc đời khi một lời của Chúa chữa lành tâm hồn ngài; chúng ta hãy nghĩ đến thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã khám phá ra ơn gọi của mình qua việc đọc các bức thư của thánh Phaolô. Và tôi nghĩ đến vị thánh mà tôi mang tên, Phanxicô Assidi, người mà, sau khi cầu nguyện, đã đọc thấy trong Tin Mừng việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng và đã thốt lên: “Tôi muốn điều đó, tôi cầu xin điều đó, tôi mong muốn thực hiện điều đó với tất cả tâm hồn tôi” (Tommaso da Celano, Vita prima IX, 22). Đây là những cuộc sống được thay đổi bởi Lời hằng sống, bởi Lời Chúa.
Nhưng tôi tự hỏi: tại sao điều tương tự không xảy ra với nhiều người trong chúng ta? Rất thường xuyên, chúng ta lắng nghe Lời Chúa, Lời Chúa vào tai này và ra tai kia. Tại sao ? Có lẽ bởi vì, như những chứng nhân này cho chúng ta thấy, không được “điếc” trước Lời Chúa. Đây là nguy cơ của chúng ta: bị choáng ngợp bởi hàng ngàn lời nói, chúng ta để cho Lời Chúa lướt qua mình. Chúng ta nghe Lời Chúa nhưng chúng ta không lắng nghe Lời Chúa; chúng ta lắng nghe Lời Chúa, nhưng chúng ta không giữ Lời Chúa; chúng ta giữ Lời Chúa, nhưng chúng ta không để cho mình được thách thức để thay đổi. Nhất là, chúng ta đọc nhưng không cầu nguyện với Lời Chúa, trong khi “cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Sách Thánh, để có thể thiết lập một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người” (Dei Verbum, số 25). Chúng ta đừng quên hai chiều kích nền tảng của việc cầu nguyện Kitô giáo: lắng nghe Lời Chúa và thờ phượng Chúa. Chúng ta hãy nhường chỗ cho Lời của Chúa Giêsu, cho Lời của Chúa Giêsu được cầu nguyện và những gì đã xảy ra với các môn đệ đầu tiên cũng sẽ xảy ra cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, vốn tường thuật cho chúng ta về hai cử chỉ bắt nguồn từ Lời Chúa Giêsu: “Các ông bỏ lại lưới mà đi theo Người” (Mc 1, 18). Các ông bỏ lại và đi theo Người. Chúng ta hãy dừng lại một chút về điều này.
Các ông bỏ lại. Các ông đã bỏ lại gì? Thuyền và lưới, nghĩa là cuộc sống mà các ông đã trải qua cho đến thời điểm đó. Rất thường xuyên, chúng ta khó nhọc để bỏ lại sự an toàn, thói quen của mình, bởi vì chúng ta vẫn bị mắc vào chúng như cá mắc lưới. Nhưng ai tiếp xúc với Lời Chúa sẽ chữa lành những mối ràng buộc của quá khứ, bởi vì Lời hằng sống diễn giải lại cuộc sống, Lời Chúa cũng chữa lành ký ức bị tổn thương bằng cách ghép vào đó ký ức về Thiên Chúa và những việc Ngài làm cho chúng ta. Thánh Kinh thiết lập chúng ta trong sự tốt lành, nhắc nhở chúng ta là ai: con cái được Thiên Chúa cứu chuộc và được yêu thương. “Những lời tỏa hương thơm của Chúa” (thánh Phanxicô Assisi, Thư gửi các tín hữu) giống như mật ong, chúng làm cho cuộc sống trở nên lý thú: chúng khơi dậy sự dịu dàng của Thiên Chúa, chúng nuôi dưỡng tâm hồn, chúng xua tan nỗi sợ hãi, chúng chiến thắng sự cô độc. Và cũng như chúng đã khiến những môn đệ này từ bỏ sự lặp đi lặp lại của cuộc sống được tạo nên bằng thuyền và lưới, thì cũng thế, chúng đổi mới niềm tin nơi chúng ta, thanh lọc và giải phóng nó khỏi những cặn bã, đưa nó trở về nguồn cội, về với nguồn suối thuần khiết của Tin Mừng. Với câu chuyện về những công trình của Thiên Chúa đối với chúng ta, Thánh Kinh tháo gỡ những ràng buộc của một đức tin tê liệt và làm cho chúng ta thưởng thức lại đời sống Kitô hữu như nó thực sự là: một câu chuyện tình yêu với Chúa.
Do đó, các môn đệ bỏ lại; rồi các ông đi theo – các ông bỏ lại và các ông đi theo: đằng sau Thầy, các ông bước những bước về phía trước. Thật vậy, Lời của Người, trong khi giải thoát khỏi những ràng buộc của quá khứ và hiện tại, khiến con người trưởng thành trong sự thật và trong bác ái: Lời Chúa làm sống lại tâm hồn, lay động nó, thanh lọc nó khỏi những thói đạo đức giả và đổ đầy niềm hy vọng vào nó. Chính Thánh Kinh chứng thực rằng Lời Chúa là cụ thể và hữu hiệu “như mưa và tuyết” đối với trái đất (x. Is 55, 10-11); “như lửa”, “như búa đập vỡ đá” (Gr 23, 29); như một thanh gươm sắc bén “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12); như “một hạt giống bất diệt” (1P 1, 23), hạt giống nhỏ bé và ẩn giấu, nảy mầm và sinh hoa trái (x. Mt 13). “Sức mạnh và quyền năng được chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến nỗi chúng tạo thành […] lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và vĩnh viễn của đời sống thiêng liêng” (Vatican II, Hiến chế Dei Verbum , số 21).
Thưa anh chị em, ước gì Chúa Nhật Lời Chúa giúp chúng ta hân hoan trở về với những nguồn mạch của đức tin, vốn nảy sinh từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa hằng sống. Khi chúng ta liên tục nói và đọc những lời về Giáo hội, ước gì những lời này giúp chúng ta khám phá lại Lời sự sống vốn vang vọng trong Giáo hội! Nếu không thì rốt cuộc chúng ta sẽ nói nhiều về mình hơn là về Người; và thông thường những suy nghĩ và vấn đề của chúng ta vẫn ở trung tâm, thay vì Chúa Kitô với Lời của Người. Chúng ta hãy trở về nguồn để mang lại cho thế giới nước hằng sống mà thế giới không thể tìm thấy; và, trong khi xã hội và các mạng lưới xã hội nhấn mạnh tính bạo lực của lời nói, chúng ta hãy đến gần hơn với sự dịu dàng của Lời Chúa, Lời cứu độ, dịu dàng, không ồn ào, Lời đi vào tâm hồn.
Và cuối cùng, chúng ta hãy đặt ra cho mình một số câu hỏi. Tôi dành chỗ nào cho Lời Chúa nơi tôi sống? Có sách, báo, tivi, điện thoại, nhưng Thánh Kinh ở đâu? Trong phòng của tôi, tôi có Tin Mừng trong tầm tay không? Tôi có đọc Tin Mừng mỗi ngày để tìm ra hướng đi cho cuộc sống không? Tôi có một cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi xách để đọc không? Tôi đã thường khuyên hãy luôn mang theo Tin Mừng trong túi, trong túi xách, trong điện thoại di động của bạn: nếu Chúa Kitô thân yêu với tôi hơn bất cứ thứ gì, làm sao tôi có thể để Người ở nhà mà không mang theo Lời Người bên mình ? Và một câu hỏi cuối cùng: tôi đã đọc toàn bộ ít nhất một trong bốn Tin Mừng chưa? Tin Mừng là cuốn sách sự sống, đơn giản và ngắn gọn, thế nhưng nhiều tín hữu chưa bao giờ đọc Tin Mừng từ đầu đến cuối.
Thưa anh chị em, Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa là “Đấng sáng tạo và là tác giả của vẻ đẹp” (Kn 13, 3): chúng ta hãy để cho bản thân được chinh phục bởi vẻ đẹp mà Lời Chúa mang lại cho cuộc sống.
Tý Linh, chuyển ngữ
Nguồn tin: https://xuanbichvietnam.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 61 | Tổng lượt truy cập: 4,164,912