Các Thánh Giá trong nghĩa trang Mykolaiv ở miền nam Ucraina (ANSA)
Hai sự kiện
Sáng thứ Tư ngày 24/4/2024, vào cuối buổi tiếp kiến chung hơn 20 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói với mọi người:
"Chúng ta nghĩ đến Ucraina đau thương, đến Palestine, Israel, Myanmar đang chịu chiến tranh, và bao nhiêu nước khác. Chiến tranh luôn luôn là một chiến bại, và những người kiếm lợi nhiều nhất là những người chế tạo võ khí. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, cầu cho Ucraina đau thương: đang chịu đau khổ, đau khổ rất nhiều. Bao nhiêu binh sĩ trẻ ra đi chịu chết. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Trung Đông, cho Gaza đang chịu đau khổ rất nhiều vì chiến tranh. Cầu cho hòa bình giữa Palestine và Israel, họ hãy trở thành hai quốc gia, tự do và giao hảo với nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình”.
Ban chiều cùng ngày 24/4/2024, trong cuộc phỏng vấn tại Nhà trọ Thánh Marta ở Vatican dành cho bà Norah O'Donnell, đặc trách mục tin chiều của đài truyền hình "CBS Evening News” ở Mỹ, Đức Thánh Cha lại kêu gọi hãy ngưng chiến tranh tại Ucraina, Gaza và trên thế giới. Ngài mời gọi các nước lâm chiến rằng: "Hãy tìm cách thương thuyết. Hãy tìm kiếm hòa bình”. Ngài cũng cho biết: "Tôi cầu nguyện rất nhiều” cho cuộc ngưng chiến tại Gaza, và nhắc lại rằng mỗi tối lúc 7 giờ, ngài vẫn gọi điện cho giáo xứ Công Giáo duy nhất ở Gaza để biết tin tức: tình thế rất cam go, cũng vì dân chúng phải chiến đấu để được lương thực”.
Mỹ gia tăng viện trợ quân sự
Cũng trong tuần qua, một tin được dư luận bàn tán nhiều, đó là sau hơn 6 tháng "dậm châm tại chỗ”, quốc hội lưỡng viện Mỹ đã thông qua việc dành 95 tỷ Mỹ kim để viện trợ quân sự cho Ucraina, Israel và Đài Loan, và một ngân khoản nhân đạo cho Palestine. Dự luật này được sự ủng hộ của lưỡng đảng là vì phần lớn trong số 95 tỷ vừa nói ở lại Mỹ, dành cho công nghệ chế tạo võ khí của nước này.
Bình luận và phản ứng
Trong một bài đăng trên trang mạng "Chỉ nam mới hằng ngày” (La nuova bussola quotidiana), truyền đi ngày 25/4/2024, ký giả Gianandrea Gaiani, phân tích tin trên đây và nhận định: Đâu là ảnh hưởng của viện trợ quân sự trên đây do Mỹ và Anh quốc dành cho Ucraina? Đối với bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban hành pháp của Âu Châu, "Ucraina phải chiến thắng”, đó là điều mà bao nhiêu chính trị gia vẫn nói nhưng ít người thực sự tin điều đó.
"Có lợi cho ta”
Thực tiễn hơn, và có lẽ là thái độ "sống chết mặc bây” của ông Jens Stoltenberg, người Na Uy, tổng thư ký của khối Nato. Tại Varsava, thủ đô Ba Lan, hôm thứ Ba 23/4 vừa qua, ông đã trình bày một cách thực tiễn hơn về những mong đợi nơi quân viện mới của Mỹ dành cho Ucraina và nói rằng "Hiện giờ chúng ta chỉ có thể đầu tư vào an ninh của Ucraina. Đó là điều tốt đối với họ và cũng là điều tốt đối với chúng ta (..). Nếu chúng ta để cho Putin thắng, thì phí tổn sẽ gia tăng, chứ không giảm bớt. Tiếp đến, cần nhớ rằng cho dù bây giờ tất cả chúng ta cung cấp một sự hỗ trợ chưa từng có, thì Ucraina cũng chỉ là một phần trong ngân sách quốc phòng của chúng ta, chưa tới 0,2% tổng sản lượng của chúng ta. Khi viện trợ cho Ucraina, chúng ta giúp họ phá hủy khả năng chiến đấu của Nga mà lẽ ra khả năng này có thể được Nga sử dụng để chống chúng ta. Hỗ trợ Ucraina không phải là làm việc bác ái, nhưng đó là một đầu tư cho an ninh của chúng ta và nếu chọn một giải pháp khác, thì càng tốn kém hơn”.
Vì thế mục tiêu đối với Mỹ và Nato, với trục kéo Liên minh Anh-Mỹ dường như vẫn là "làm suy yếu nước Nga”. Cũng vì mục tiêu này, Anh và Mỹ đã tạo sức ép trên Ucraina hồi tháng 3/2022 để làm hỏng hiệp định hòa bình mà Nga và Ucraina đã đồng thuận với nhau qua sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã được chính các cộng sự viên của tổng thống Zelensky nhìn nhận và mới đây tạp chí "Foreign Policy”, Chính sách Đối ngoại, cũng nói đến.
Hữu ích cho các cuộc bầu cử
Có một mục tiêu khác không kém phần thứ yếu, nhưng có tính cách chính trị nhiều hơn, đó là những viện trợ quân sự cho Ucraina phải ngăn cản sự sụp đổ của các lực lượng Ucraina trước cuộc bầu cử nghị viện Âu Châu vào tháng 6 tới đây và cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 ở Mỹ, bởi vì sự thất bại của Ucraina có thể có những ảnh hưởng trên uy tín của các chính phủ và lãnh tụ Tây phương. Không nên quên rằng Tổng thống Biden đã phải rút quân một cách hỗn độn ra khỏi Kabul thủ đô Afganistan hồi tháng 8/2021, trong khi tại Âu Châu, nhiều lãnh tụ chính trị và chính phủ đã tiên báo một cách hoàn toàn chắc chắn rằng Nga sẽ thảm bại về kinh tế và quân sự do những biện pháp trừng phạt của Âu Mỹ.
Tổng thống Biden
Vừa khi được quốc hội thông qua, sau thời gian bị đình trệ từ tháng 10 năm ngoái do sự chống đối của đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện, Tổng thống Joe Biden đã ký ngay gói 95 tỷ mỹ kim viện trợ quân sự cho Ucraina, Israel và Đài Loan.
Đảng Cộng hòa không đồng ý dành 61 tỷ mỹ kim hỗ trợ quân sự cho Ucraina và tố cáo Nhà Trắng đặt an ninh của các nước ngoài trên ưu tiên an ninh quốc gia, bắt đầu là việc chống lại nạn di cư bất hợp pháp vào Mỹ từ biên giới Mexicô.
Sau nhiều tháng chịu áp lực, chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Mike Johnson, thuộc đảng Cộng hòa, đã nhượng bộ với sự hỗ trợ của cựu tổng thống Donald Trump, và đề ra lịch trình bỏ phiếu dự luật để cho Mỹ biến các viện trợ tương lai cho Ucraina thành những ngân khoản vay mượn với sự bảo đảm của các số tiền đã phong tỏa của Nga.
Các ngân khoản viện trợ ở lại Mỹ
Trong thực tế, sự chấp thuận của lưỡng đảng quốc hội Mỹ về biện pháp trợ giúp quân sự cho Ucraina dường như là sự kiện phần lớn số tiền viện trợ cho 3 nước đồng minh ở đây, tức là hơn 70 trên tổng số 95 tỷ sẽ vẫn ở lại Mỹ, về mặt đơn đặt hàng quân sự cho các lực lượng võ trang Mỹ, các sản phẩm quân sự chế tạo tại Mỹ được cung cấp cho các đồng minh và tài trợ các hoạt động quân sự hoặc cơ cấu hạ tầng của Mỹ ở các khu vực khủng hoảng ở Âu Châu, Trung Đông và Châu Á. Đó là một trận mưa dồi dào Mỹ kim trên công nghệ chế tạo võ khí của Mỹ, cũng là những cơ quan tài trợ mạnh mẽ cho các chiến dịch tranh cử của hai đảng. Công nghệ võ khí này ảnh hưởng lớn tới kinh tế và công ăn việc làm ở Mỹ vốn là điều quan trọng đối với lưỡng đảng, giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay đang đến gần. Vì thế, không lạ gì khi phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ, trung tướng Pat Ryder, trong những ngày qua, đã giải thích rằng "Yêu cầu tài trợ sẽ cung cấp những trợ giúp thiết yếu cho những người đối tác của chúng ta tại Ucraina, Israel và Ấn Độ Thái Bình dương, và cấp gần 60 tỷ mỹ kim cho Bộ quốc phòng Mỹ, trong số này khoảng 50 tỷ được chuyển qua công nghệ quốc phòng, tạo nên công ăn việc làm tại hơn 30 bang ở Mỹ”.
Ví dụ, trong số 61 tỷ mỹ kim viện trợ cho Ucraina thì 23 tỷ 200 triệu sẽ dành để chế tạo võ khí và đạn dược quân đội Mỹ dùng để cấp cho Ucraina, 11 tỷ 300 triệu sẽ tài trợ các hoạt động của Bộ tư lệnh Mỹ ở Âu Châu để hỗ trợ Ucraina, 13,8 tỷ là để thủ đắc võ khí, đạn dược và các dịch vụ huấn luyện cho Ucraina: các số tiền khác sẽ hỗ trợ các hoạt động các cơ quan liên bang khác nhau của Mỹ ở Ucraina và chỉ có 7,8 tỷ được chuyển trực tiếp cho chính phủ Ucraina.
Tóm lại, theo biện pháp được quốc hội Mỹ thông qua, có 61 tỷ để giúp Ucraina, 8 tỷ cho Đài Loan và các đồng minh ở Á Châu Thái Bình Dương, 26 tỷ để viện trợ quân sự cho Israel và trợ giúp dân chúng ở Gaza, khoảng 9 tỷ.
Anh quốc
Cả Anh quốc cũng thông báo dành 500 triệu bảng Anh để trợ giúp quân sự cho Ucraina, trong đó có 1.600 tên lửa, kể cả các loại tên lửa Storm Shadow, 4 triệu cho võ khí nhẹ, 400 xe và 60 thuyền. Thủ tướng Rishi Sunak của Anh loan báo rằng ngân sách quốc phòng của Anh sẽ tăng từ 2,32% lên 2,5% tổng sản lượng quốc gia. Ông nói: "Chúng ta đang ở trong thế giới nguy hiểm hơn từ sau chiến tranh lạnh và là một khúc quanh về an ninh ở Âu Châu. Vì thế ngân sách sẽ dần dần gia tăng lên 87 tỷ bảng Anh trong vòng 6 năm, để tăng cường quốc phòng trong một thế hệ. Một trong những bài học chính yếu của chiến tranh Ucraina là chúng ta cần dự trữ đạn dược nhiều hơn và công nghệ phải có thể cung cấp chúng mau lẹ hơn”. Thủ tướng Anh cho biết sẽ dành 10 tỷ bảng Anh trong vòng 10 năm để hỗ trợ phân bộ công nghệ.
Ảnh hưởng viện trợ
Về ảnh hưởng của viện trợ quân sự của Mỹ và Anh trong chiến trận, nhiều nhà phân tích cho rằng cần một thời gian trước khi Ucraina có thể nhận thấy những lợi ích của gói quân viện mới, cho dù Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những trợ giúp đầu tiên khẩn cấp, trị giá 1 tỷ mỹ kim, sẽ được đưa tới Ucraina trong vài ngày. Tờ "Wall Street Journal” ở Mỹ cho rằng những viện trợ mới của Mỹ có thể giúp Ucraina hãm lại đà tiến của Nga nay đang triển khai ở tất cả các mặt trận, nhưng báo này cho rằng những viện trợ của Mỹ khó có thể thay đổi hẳn tình thế của Ucraina vì những tổn thất nặng nề đã chịu và tiếp tục ở trong tình trạng thiếu kinh niên các đoàn quân tinh nhuệ được huấn luyện, thiếu võ khí và đạn dược” (La nuova bussola quotidiana 25/4/2024)
Chi phí quân sự kỷ lục trên thế giới
Cùng với những phân tích trên đây, trong những ngày qua, phúc trình mới nhất của Viện quốc tế nghiên cứu về hòa bình, gọi tắt là SIPRI, ở Stockholm, Thụy Điển, xác quyết chi phí quân sự trên toàn cầu đã đạt tới mức kỷ lục: thế giới ngày càng võ trang thêm: chiến tranh nay được liệt kê vào doanh vụ mang lại nhiều lợi tức nhất trên thế giới, với những chi phí khổng lồ ở các miền trên trái đất. Những chi phí cho võ trang đã leo thang liên tiếp trong 9 năm nay, và nay lên tới đỉnh cao 2.443 tỷ mỹ kim, trong đó 55% do Mỹ và khối Nato, con số này tương đương với 2,3% tổng sản lượng thế giới.
Trước tất cả những điều trên đây, những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha dường như chỉ là tiếng kêu trong sa mạc trước quyền lực của sự chết. Chắc chắn ngài biết rõ điều đó, nhưng ngài cũng biết rõ rằng phải tiếp tục lên tiếng để "máu những người vô tội khỏi đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi”!
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 122 | Tổng lượt truy cập: 4,165,378