Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức.
1. Hạt Giống Tin Mừng Và Dấu Ấn Các Thừa Sai Dòng Tên
Có thể nói, hạt giống Tin Mừng được gieo vào miền đất Thái Bình từ rất sớm.
Theo sử sách để lại, năm 1638 đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Dương Hòa thứ tư, cha Felice Morelli - một vị thừa sai dòng Tên, người Ý, sau khi được cử đến rao giảng tại vùng Kẻ Chợ, đã xuôi dòng sông Hồng rồi rẽ vào sông Luộc đến giảng đạo tại làng Bồ Trang (thuộc xứ Bồ Ngọc, Giáo phận Thái Bình ngày nay). Cuộc gặp gỡ với người dân nơi đây đã trở thành cộc gặp gỡ lịch sử, mang đến Hồng Ân cứu độ cho người dân đất Chèo. Từ đây Tin Mừng dần dần được lan rộng ra các làng khác trong phủ Thái Bình như Lai Ổn, Ninh Cù.
Hai năm sau khi rao giảng tại làng Bồ Trang, cha Felice Morelli thay thế cha bề trên Gaspar d'Amaral, lãnh đạo Giáo phận Đàng Ngoài. Thời gian này vua Lê, chúa Trịnh rất có cảm tình với các thừa sai, nên chúa Trịnh Tạc đã nhận cha Felice Morelli làm dưỡng tử và gọi ngài là Phúc Ông (dịch từ chữ Felice). Trong hoàn cảnh thuận lợi này, năm 1645, cha Felice Morelli đã lập xứ đầu tiên trên đất Thái Bình, đó là xứ Kẻ Bái (xứ Bồ Ngọc ngày nay). Kẻ Bái đã trở thành cái nôi Đức Tin của Giáo phận. Đây là thành quả đầu tiên của của các thừa sai nói chung, đặc biệt là cha Felice Morelli, sau những năm miệt mài với công cuộc rao giảng. Biến cố đặc biệt này, được dân gian ghi lại qua bài vè:
“Bảy năm đi hết cả miền,
Thì thầy ở lại hẳn miền Bồ Trang,
Lập nên xứ Bái rõ ràng,
Nam xuống Lai Ổn, Đông sang Ninh Cù.
Chuông treo trống sắm cờ mua,
Bấy giờ là lúc hết mùa Giêgiung”
(Tiếng Latin Jejunium có nghĩa: Mùa chay)
Năm 1649, cha Felice Morelli trao quyền lãnh đạo Giáo Hội Đàng Ngoài cho cha Girolamo Magori và trở về Macao năm 1650.
Như vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng, thừa sai Felice Morelli được coi là “tổ phụ” truyền giáo của Giáo phận Thái Bình. Ngài trực tiếp gieo rắc hạt giống Tin Mừng trên phần đất Giáo phận từ năm 1638 đến năm 1649.
Năm 1659, Đức Thánh Cha Alexandro VII công bố sắc lệnh thành lập hai Giáo phận tại Việt Nam: Giáo phận Đàng Trong (gồm khu vực chúa Nguyễn, Cao Miên và Thái Lan) dưới sự cai quản của Đức cha Lambert de la Motte, và Giáo phận Đàng Ngoài (khu vực Bắc Hà) dưới sự cai quản của Đức cha Francois Pallu. Khi ấy mảnh đất Thái Bình thuộc Giáo phận Đàng Ngoài.
Năm 1665, Đức cha Francois Pallu về Roma xin Tòa Thánh cử thêm các thừa sai, Đức cha Lambert de la Motte kiêm nhiệm Giám quản Đàng Ngoài.
Giữa năm 1666, thừa sai Deydier - Tổng đại diện của Đức cha Francois Pallu - đã đến Đàng Ngoài, ngài cùng các thừa sai nhà MEP (Hội thừa sai Paris) đã di thăm viếng các giáo xứ do các thừa sai dòng Tên thiết lập trước đó như Kẻ Diền (xứ Duyên Lãng) và Kẻ Hệ (xứ Ninh Cù).
Tháng 6/1669, Đức cha Lambert cũng với hai thừa sai là De Bourges và Bouchard đặt chân tới Phố Hiến bằng tàu buôn nước ngoài, đóng vai các thương gia. Sau 6 tháng hoạt động tại Đàng Ngoài, các ngài đã ban bí tích Rửa tội và Thêm sức cho nhiều người. Ngài đã tiến hành nhiều chương trình mục vụ tại Đàng Ngoài.
Ngày 19/02/1670, ngài chính thức thiết lập Dòng Mến Thánh Giá và nhận lời khấn dòng đầu tiên của 2 nữ tu Annê và Paola, người xứ Kiên Lao (Bùi Chu) như nền tảng của hội dòng này trên toàn nước Việt Nam.
CÔNG ĐỒNG PHỐ HIẾN (DINH HIẾN) 1670
Đặc biệt trong hoàn cảnh cấm đạo, thiếu nhân sự. Đức cha Lambert de la Motte đã triệu tập Công đồng Giáo phận Đàng Ngoài lần đầu tiên (cũng là công đồng đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam) tại Phố Hiến. Thực tế là cuộc họp trên một tàu buôn đang neo đậu trên sông cạnh Phố Hiến.
Ngày 14/02/1670, nhân dịp Mùa Chay thánh, Công đồng chính thức khai mạc dưới quyền chủ tọa của Đức cha Lambert. Các thành viên tham dự gồm cha Chính Giáo phận Deydier, hai thừa sai là Bourges và Bouchard cùng 7 linh mục đầu tiên được truyền chức tại Việt Nam (Mattheu Mát, Simon Kiên, Antôn Quế, Philipphê Nhân, Giacôbê Chiêu, Leô Trung và Benedictô Trí).
Công đồng nhằm phổ biến các nghị quyết của Tòa Thánh về trách nhiệm và quyền hành của các vị Đại diện Tông tòa, tổ chức mọi sinh hoạt trong địa phận. Đồng thời, các ngài ra Huấn thị gồm 33 điều khoản, phần lớn giống như Huấn thị của Công đồng Juthia (Thái Lan) năm 1664, chỉ sửa đổi những gì cần thiết cho phù hợp với hoàn cảnh và phong tục của Giáo Hội địa phương. Huấn thị này sau đó đã được Đức Thánh cha Clemente X châu phê ngày 23/12/1673.
Nội dung chính của Công đồng Phố Hiến bàn về các vấn đề sau đây:
+ Chính thức nhận thánh Giuse làm bổn mạng cho Giáo Hội Việt Nam.
+ Chia Địa phận Đàng Ngoài thành 9 giáo hạt và các giáo xứ.
+ Ấn định việc đào tạo chủng sinh qua tổ chức Nhà Đức Chúa Trời.
+ Các nhà thờ phải công bố sắc chỉ của Tông tòa về quyền đại diện. Các linh mục phải
nhận quyền từ vị Giám mục Đại diện Tông tòa mới được giảng đạo.
Năm 1679, thừa sai Emmanuel Ferreira dòng Tên đã lập danh sách các sở điểm của dòng này ở Đàng Ngoài, trong đó có sở Cao Mại.
Như vậy trong khoảng 40 năm từ khi cha Felice Morelli gieo hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất Thái Bình, nơi đây đã có nhiều xứ đạo được thành lập: Kẻ Bái (Bồ Ngọc), Lai Ổn, Kẻ Hệ (Ninh Cù), Kẻ Diền (Duyên Lãng), và sở dòng Tên tại Cao Mại.
2. Giáo phận Thái Bình từ 1679 đến 1848
Theo dòng thời gian, số các thừa sai ngày một gia tăng, số các xứ họ được thành lập ngày càng nhiều. Nhu cầu mục vụ cũng vì lẽ ấy mà trở nên cấp thiết hơn. Năm 1679, theo lời thỉnh cầu của Đức cha Francois Pallu, Tòa Thánh đã tách Giáo phận Đàng Ngoài thành hai: Giáo phận Đông Đàng Ngoài, đặt thừa sai Deydier làm Giám mục Đại diện Tông tòa, và Giáo phận Tây Đàng Ngoài do thừa sai Jacques de Bourges làm Giám mục Đại diện Tông tòa. Phần đất thuộc Giáo phận Thái Bình ngày nay nằm trong Giáo phận Đông Đàng Ngoài (1679 - 1848).
Trong thời gian đó, Phố Hiến trở thành Tòa Giám Mục và là nơi cư ngụ của các thừa sai – dưới danh nghĩa các thương nhân; còn vùng đất Thái Bình rộng lớn bây giờ khi đó thuộc về hạt Lai Ổn.
Cũng trong giai đoạn này, nhiều giáo xứ đã được thành lập như: Ngọc Đồng (1698), Cao Xá (1699), Cao Mại (1706), Sa Cát (1722), Tiên Chu (1730), Cổ Việt (1793), ... Nói chung, công cuộc truyền giáo ở khu vực thuộc Giáo phận Thái Bình ngày nay tiến triển tương đối thuận lợi vì số thừa sai ngày một nhiều.
Trong thời gian Tòa Thánh trao quyền điều hành Giáo phận Đông Đàng Ngoài cho các cha dòng Đaminh Tây Ban Nha, có hai vị tử đạo tiên khởi của dòng Đaminh hoạt động và bị bắt tại Thái Bình: Thánh linh mục Castaneda Gia (Tây Ban Nha) phục vụ tại Lai Ổn và Kẻ Diền (Duyên Lãng); thánh linh mục Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm (Bùi Chu) phục vụ tại Lai Ổn và Lương Đống. Hai vị bị điệu về Thăng Long, và tại đây Hội đồng Tứ giáo đã diễn ra. Bằng những lời lẽ khôn ngoan, hai vị đã biện hộ cho đức tin Công Giáo và sau đó hai vị đã dùng chính mạng sống mình để minh chứng cho niềm tin đó.
Dấu ấn đậm nét của cuộc tử đạo tiên khởi như báo hiệu một giai đoạn khó khăn mà Giáo Hội Việt Nam sắp phải gánh chịu.
3. Giáo phận Thái Bình từ 1848 - 1936
Sở dĩ có việc phân chia giai đoạn từ 1848 đến 1936, là vì năm 1848 Tòa Thánh đã chia Giáo phận Đông Đàng Ngoài thành Giáo phận Đông và Giáo phận Trung. Giáo phận Trung bao gồm phần đất Giáo phận Bùi Chu và Thái Bình ngày nay.
Trong khoảng thời gian này, Giáo phận Trung (năm 1924 đổi tên thành Bùi Chu) trải qua hai thời kỳ rõ rệt:
3.1. Thời kỳ bách hại : 1848 - 1862
Từ năm 1848 tới hòa ước Nhâm Tuất (05/6/1862) là thời kỳ Công Giáo bị bách hại dữ dội. Trong những năm đầu triều vua Tự Đức (1847 - 1883) chỉ dụ chống Công Giáo không được áp dụng triệt để tại vùng Nam Định - Hưng Yên, vì tổng đốc Nguyễn Đình Tân ít nhiều có thiện cảm với đạo Công Giáo. Nhưng từ khi tàu Pháp đánh phá Đà Nẵng, tình hình trở nên căng thẳng. Tổng đốc Nguyễn Đình Tân muốn lập công với nhà vua nên các cuộc truy nã diễn ra thường xuyên, đặc biệt ở vùng Bùi Chu, mà đối tượng trước tiên là các đạo trưởng và các ông trùm. Trên phần đất thuộc Giáo phận Thái Bình ngày nay, ngoài những cuộc bắt bớ nhỏ lẻ, chỉ một lần diễn ra với quy mô lớn ở Ngọc Đường (Ngọc Đồng). Năm ngàn lính triều đình Huế bao vây xứ đạo, bắt linh mục quản xứ Đaminh Đặng Văn Huấn và nhiều giáo hữu khác đi hành quyết. Dưới triều vua Tự Đức, vùng Thái Bình - Hưng Yên có nhiều người đã đổ máu đào vì Đức tin, trong đó có 10 vị tử đạo đã được tôn phong lên hàng hiển thánh.
3.2. Thời kỳ tự do: 1862-1936
Hòa ước Nhâm Tuất (1862) giữa vua Tự Đức và Pháp đã mở đường cho Công Giáo được hoạt động công khai. Tuy nhiên một số nơi do tin tức thời bấy giờ còn hạn chế nên vẫn còn những khó khăn nhất định. Công Giáo chỉ thực sự được tự do từ sau hòa ước Giáp Thân (1884).
Nhìn chung, dưới thời bảo hộ của Pháp (từ hòa ước 1884 tới 1945), chúng ta có thể nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ và đầy sức sống của đạo Công Giáo ở vùng Thái Bình - Hưng Yên.
Trong giai đoạn này rất nhiều giáo xứ nằm trong Giáo phận Thái Bình ngày nay được thành lập: Thân Thượng (1888), Lương Điền (1893), Thượng Phúc (1900), Quỳnh Lang (1901), Đông Thành (1903), Đồng Quan (1911), Xuân Hòa (1914),...
Ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình được thành lập, lấy phủ Lỵ của phủ Thái Bình làm tỉnh Lỵ, trụ sở cơ quan hành chính. Khi đó phủ Thái Bình có Giáo họ Kỳ Bá, thuộc xứ Sa Cát. Gọi là giáo họ nhưng thật ra số tín hữu quá ít ỏi. Kỳ Bá hay Kỳ Bố - cũng gọi là Bố Hải Khẩu - có tên gọi là Bo (như bến đò Bo, cầu Bo). Cha Phêrô Munagorri Trung - cha xứ Sa Cát - đã thấy được viễn tượng họ đạo Kỳ Bá sẽ là nơi phù hợp cho việc xây dựng Toà Giám mục. Vì thế năm 1906, cha Trung - với sự trợ giúp đắc lực của cha Andre Kiên (kiến trúc sư Tây Ban Nha), đã xây cất nhà thờ tỉnh lị Thái Bình theo kiến trúc Gothic. Sau khi làm Giám mục Giáo phận Trung, Đức cha Phêrô Munagorri Trung đã thành lập Giáo xứ Thái Bình (17/8/1908), gồm 11 họ lẻ cắttừxứCổViệtvàxứSaCát,vớihơn 2.000 tín hữu và nhận Thánh Tâm Chúa Giêsu làm quan thầy. Cha Tràng An (Marcos Gispert) được bổ nhiệm làm cha chính xứ đầu tiên.
Sau mấy chục năm coi sóc, Đức cha Phêrô Munagorri Trung đã đưa Giáo phận đến thời cực thịnh. Năm 1934, Giáo phận Trung trở thành quá lớn đối với một chủ chăn, Đức Thánh Cha Piô XI và Bề trên Giáo phận có ý định chia Giáo phận Bùi Chu làm hai, đồng thời chuyển dần quyền lãnh đạo Giáo phận cho hàng giáo sĩ bản quốc. Ngày 12/03/1935, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn làm Giám mục phó Bùi Chu với quyền kế vị. Như vậy, Giáo phận Bùi Chu là Giáo phận thứ hai chuyển giao cho hàng giáo sĩ Việt Nam (sau Giáo phận Phát Diệm).
4. Thành lập Giáo phận Thái Bình
Ngày 09 tháng 3 năm 1936 với Sắc chỉ Praecipuas inter Apostolicas của Đức Giáo hoàng Piô XI, Giáo phận Thái Bình chính thức được thành lập (tách khỏi Giáo phận Bùi Chu) bao gồm phần đất của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, với diện tích 2.220km2. Đây là một vùng đồng bằng trải rộng, đất đai màu mỡ, nuôi sống trên 3 triệu dân, chạy dài từ bãi biển Đồng Châu (phía Đông) tới nương khoai An Vỹ (phía Tây).
Như vậy, Giáo phận Thái Bình được thành lập muộn nhất trong Giáo tỉnh Hà Nội. Tuy nhỏ bé về địa lý, non trẻ về lịch sử nhưng Giáo phận có chung bề dày lịch sử và sẻ chia những biến cố thăng trầm của Giáo phận mẹ Bùi Chu, Giáo phận Đông Đàng Ngoài và Giáo phận Đàng Ngoài.
Sau khi thành lập, Giáo phận Thái Bình ngày một thăng tiến về mọi mặt. Tính đến năm 1939, ngoài Đức cha Gioan Casado Thuận, Giáo phận còn có: 25 linh mục Dòng Đaminh (người Tây Ban Nha), 57 linh mục người Việt Nam, 333 thầy giảng, 12 sư huynh Lasan, 10 nữ tu Dòng Thánh Phaolô, 280 nữ tu Dòng ba Đaminh, 140.000 tín hữu trong 50 giáo xứ và 552 họ lẻ (Theo thống kê năm 1939 của Les Missions Catholiques en Indochine). Trung bình có khoảng 3000 người gia nhập đạo mỗi năm, số linh mục, tu sỹ cũng ngày thêm đông số.
5. Giáo phận Thái Bình từ 1936 - 1954
Giáo phận Thái Bình đã được thành lập, nhưng chưa có Giám mục cai quản. Ngày 17/5/1936, linh mục thừa sai Gioan Casado Thuận, bấy giờ đang giữ chức vụ quản lý Giáo phận Bùi Chu từ năm 1926 và kiêm nhiệm chức vụ cha quản hạt Khoái Đồng, Nam Định, được đặt làm cha bề trên cai quản Giáo phận Thái Bình.
5.1 - Giáo phận Thái Bình dưới thời Đức cha Gioan Casado Thuận (1936-1941)
Đức cha Gioan Casado Thuận (Jean Casado Obispo) sinh ngày 27/12/1886 tại Fuentecen, tỉnh Burgos, phía Bắc nước Tây Ban Nha. Ngày 07/12/1906, ngài gia nhập dòng Đaminh tại tu viện Ocana. Lúc còn là thầy sáu, ngày 20/01/1911, thầy Casado tình nguyện sang Việt Nam để truyền giáo và tới Giáo phận Trung. Ngày 28/01/1911, thầy Casado được thụ phong linh mục tại Phú Nhai.
Từ 1924 đến 1926: Thư ký Tòa Giám mục Bùi Chu. Từ 1926 đến 1936: Tổng quản lý Giáo phận Bùi Chu.
Ngày 15/6/1936, cha Gioan Casado Thuận được Tòa Thánh ban sắc phong Giám mục hiệu tòa Barata, Giám mục tông tòa đầu tiên Giáo phận Thái Bình. Ngày 02/8/1936 tại nhà thờ Chính Tòa Thái Bình, lễ tấn phong Giám mục được tổ chức long trọng, chủ phong là Đức cha Gómez Lễ, OP (Giám mục Giáo phận Hải Phòng, bạn học cùng lớp với ngài). Câu khẩu hiệu cho đời giám mục của ngài là: Hòa bình là thành quả của sự công chính (Opus justitiae pax).
Vì Giáo phận chưa có Toà Giám Mục, Chủng viện và các cơ sở cần thiết, nên sau khi được tấn phong Giám mục, ngài bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở cho Giáo phận. Đức cha là một nhà truyền giáo nhiệt thành, là một chủ chăn tài ba có nhiều kinh nghiệm về xây dựng (trong các nhà thờ ngài chủ trì xây dựng có các nhà thờ Thức Hóa, Nam Định). Chỉ sau một năm (9/1937), ngài đã khánh thành cơ sở đầu tiên là trường Tiểu Chủng viện Mỹ Đức. Tiểu Chủng viện gồm một tòa nhà ba tầng cao 14 mét, rộng 13 mét, dài 90 mét - nằm bên tả ngạn sông Trà Lý, thuộc xã Cát Đàm, kề cận là nhà ăn, khu nhà hậu cần, chăn nuôi. Đây là nơi đào tạo nhân sự cho Giáo phận, có năm lên đến 140 tiểu chủng sinh.
Đức cha cũng để ý đến việc bác ái, quan tâm đến các trẻ em bị bỏ rơi, nên ngài đã xây dựng một nhà Dục Anh cấp Giáo phận, tại Giáo xứ An Lập, trao cho các chị em “nhà phước” chăm sóc.
Cùng thời gian ấy, Ngài xây dựng Tòa Giám Mục - một tòa nhà ba tầng ngay cạnh nhà thờ Chính tòa - trên một vị trí nhìn bao quát cả thị xã Thái Bình. Năm 1940, ngài cho tu sửa nối dài phần đầu nhà thờ Chính Tòa. Đồng thời nối dài phần đầu Nhà Chủng viện để làm Nhà Nguyện (1941)
Trên phần đất Giáo phận thuộc tỉnh Hưng Yên, Đức cha cho xây dựng một trường thầy giảng, tòa nhà kiến trúc theo lối Tây phương với ba tầng lầu, ngay tại tỉnh lị, làm nơi đào tạo các thầy giảng, những trợ tá cho các cha xứ trong Giáo phận. Ngôi nhà này nằm trong quần thể Phố Hiến xưa (hiện do Nhà nước quản lý).
Những cơ sở này, Đức cha đã hoàn thành trong một thời gian ngắn kỷ lục, nội trong có ba năm, ngài đã xây dựng cơ sở vật chất hầu như đầy đủ cho Giáo phận. Ngoài ra, Đức cha còn khuyến khích tu sửa, xây dựng nhiều thánh đường, các nhà xứ, nhà phước, trường học nơi các giáo xứ.
Về phương diện tinh thần, Đức cha chú ý đến việc đào tạo nhân tài cho Giáo phận bằng việc gửi đại chủng sinh đi học xa, thành lập nhiều hội đoàn và một số giáo xứ mới. Số tín hữu tăng nhanh, trung bình mỗi năm có thêm khoảng ba nghìn giáo hữu mới. Số linh mục mỗi năm cũng tăng thêm từ 3 đến 5 vị. Tu sĩ nam nữ cũng ngày càng thêm đông số.
Có thể nói, Giáo phận Thái Bình phát triển mạnh ngay từ ngày thành lập là nhờ sự lãnh đạo tài đức, khôn ngoan, nhiệt thành của Đức cha Gioan Thuận và những cộng sự viên của ngài. Ngày 26/4/1939, Đức cha Gioan Casado Thuận lên đường đi Rôma để triều yết Đức Thánh Cha Piô XII mới đăng quang. Ngài trình bày về hiện tình Giáo phận mà ngài đang đảm nhiệm, xin Đức Thánh Cha chúc lành và nâng đỡ cho Giáo phận còn non trẻ. Tiện đường, Đức cha ghé Tây Ban Nha để thăm lại quê hương cũ, đồng thời quyên tiền để kiến thiết xứ sở truyền giáo, nơi ngài đang trách nhiệm.
Thế chiến thứ II bùng nổ, Đức cha Gioan không có phương tiện trở về Giáo phận, ngài phải lưu lại thủ đô Madrid. Ngày 22/01/1941, một cơn bạo bệnh bất ngờ đã đưa Đức cha Gioan Casado về với Chúa, bỏ lại Giáo phận Thái Bình thân yêu mà ngài mới kiến tạo vững chắc cả về tinh thần cũng như vật chất.
Trước khi qua đời, bằng một chúc thư, Đức cha Gioan Casado Thuận đã trao quyền điều hành Giáo phận cho thừa sai Jose Sedano Thái - lúc đó đang là cha xứ Cao Mộc. Cha Jose Sedano Thái quê ở tỉnh Burgos, Tây Ban Nha, là linh mục dòng Đaminh. Ngài sang Việt Nam năm 1909. Sau hai chín năm coi sóc xứ Cao Mộc, ngài được Đức cha Gioan Casado Thuận chọn làm Giám quản Giáo phận Thái Bình (từ ngày 25/01/1941 cho đến khi có vị Giám mục mới).
Là một vị chủ chăn nhân từ, phúc hậu, hăng hái trong việc truyền giáo, cha chính Thái đã tận tâm điều hành mọi sinh hoạt trong Giáo phận một cách xuôi chảy trong thời gian một năm giữ chức vụ nhiếp chính. Tháng 2 năm 1941, ngài bị một toán đặc công của tổ chức kia bí mật tống tiền và bắt đi mất tích. Mấy ngày sau giáo dân đi tìm kiếm, thấy thi thể ngài trên sông Trà Lý gần bến Hộ. Giáo dân đưa thi hài ngài về an táng trong khu vực nhà thờ Cát Đàm.
5.2 - Giáo phận Thái Bình dưới thời Đức cha Santos Ubierna Ninh (1942-1954)
Ngày 24/02/1942, cha Santos Ubierna Ninh (thừa sai Tây Ban Nha, phó giám đốc kiêm giáo sư và quản lý Giáo hoàng chủng viện Thánh Alberto Nam Định), được Tòa Thánh ban Sắc phong Giám mục kế vị Đức cha Gioan Casado Thuận. Đức tân Giám mục sinh ngày 01/11/1907 tại làng Huermeces, tỉnh Burgensis, nước Tây Ban Nha. Ngài gia nhập dòng Đaminh ngày 29/6/1923, thụ phong linh mục ngày 20/12/1930. Năm 1932, ngài sang truyền giáo tại Việt Nam và được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Thánh Alberto Nam Định. Ngày 29/9/1942 tại Thái Bình, ngài được tấn phong Giám mục hiệu tòa Lamdia. Khẩu hiệu giám mục được ngài chọn là: Đổ máu hòa dâng với hy sinh lễ tế (Immolor supra sacrificium).
Trong suốt thời gian Đức cha Ubierna Ninh lãnh đạo Giáo phận, đất nước luôn ở trong tình trạng chiến tranh, Giáo phận Thái Bình cũng lâm cảnh đau thương của kháng chiến chống Nhật, chống Pháp và cả chống đói. Vì thế, Đức cha chỉ có thể duy trì các cơ sở và giữ vững tinh thần đức tin cho cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận qua các hội đoàn đã có sẵn. Về văn hóa, ngài đã lập Nhà In Đaminh Thái Bình để in ấn những tài liệu, sách báo Công giáo cho Giáo phận. Tuy ngài lãnh đạo Giáo phận trong thời khó khăn, nhưng cũng mang lại nhiều thành quả tốt đẹp.
Theo thống kê đầu năm 1954, Giáo phận Thái Bình có: 21 linh mục Dòng Đaminh, 64 linh mục triều, 35 đại chủng sinh, 160 ngàn giáo dân. Tổng số dân cư trên phần đất Giáo phận là 1,5 triệu (chiếm tỉ lệ 10,75%). Ngài còn lập thêm nhiều xứ mới, nâng tổng số giáo xứ trong Giáo phận lên con số 63.
Sau hiệp định Genève, Đức cha di cư vào miền Nam. Thời gian này, ngài đã về Tây Ban Nha thăm lại cố hương. Khi trở lại Sài Gòn, Đức cha luôn thao thức về lại Giáo phận trước ngày 29 hoặc 30 tháng 5 năm 1955 (là thời hạn chót cho việc tập kết, theo Hiệp định đình chiến Genève). Ngày 15/4/1955, Đức cha đã an nghỉ trong Chúa, khi ngài mới có 48 tuổi và 13 năm chăn dắt đoàn chiên Giáo phận Thái Bình.
6. Giáo phận Thái Bình từ 1954 - 1990
Có thể nói rằng quãng thời gian từ 1954 -1990 là giai đoạn cầu nối và khó khăn nhất của lịch sử Giáo phận: Cầu nối vì là giai đoạn chuyển mình từ chế độ xã hội “đóng” sang “mở”; khó khăn vì là giai đoạn khủng hoảng nhân sự và bắt đầu xây dựng lại. Biến cố di cư năm 1954 làm Giáo phận trở nên tan hoang. Hơn một nửa giáo dân, và hầu hết các linh mục, tu sĩ cũng rời Giáo phận ra đi. Các giáo xứ trở nên hoang vắng, nửa số nhà thờ phải đóng cửa; nhiều cơ sở nhà đất, ruộng vườn bỏ hoang và dần bị mất, bị chiếm hay trưng dụng cho các mục đích xã hội.
Trong khi đó, cha Đaminh Đinh Đức Trụ - nguyên linh hướng Chủng viện Mỹ Đức, đang coi xứ Nguyệt Lãng - tình nguyện ở lại cùng với một số cha khác. Cha đã được Đức cha Ninh đặt làm bề trên Tổng quản Giáo phận, từ ngày 30/6/1954.
Dưới quyền cha Tổng quản Đaminh, Giáo phận chỉ còn 13 linh mục (phần lớn đã cao tuổi), 23 chủng sinh, 26 dì phước dòng ba Đaminh, và khoảng 80.000 giáo dân.
6.1 - Giáo phận Thái Bình dưới thời Đức cha Đaminh Maria Đinh Đức Trụ (1954-1982)
Sau gần 6 năm làm giám quản Giáo phận, ngày 05/3/1960, Tòa Thánh ban sắc phong cha Đaminh Đinh Đức Trụ lên chức Giám mục hiệu tòa Catapas, làm Giám mục tông tòa Giáo phận Thái Bình. Đức cha Đaminh Maria Đinh Đức Trụ chào đời ngày 15/10/1909 tại Phú Nhai. Năm 16 tuổi ngài theo học Latinh tại Tiểu chủng viện Ninh Cường. Mùa thu năm 1931, ngài theo học khóa Triết tại Đại chủng viện thánh Alberto Nam Định. Mùa hè năm 1933, ngài thực tập tại Đông Chú và Đồng Lạc thuộc xứ Đồng Quan. Mùa thu 1934, cha trở lại Đại chủng viện tiếp tục học Thần học bốn năm. Mãn khóa Thần học, ngài được thụ phong linh mục ngày 23/5/1938.
Khi nhận được sắc phong Giám mục, ngài đã tìm cách để lên Hà Nội. Và vào ngày lễ Truyền Tin (25/3/1960), cha Đaminh Đinh Đức Trụ đã được Đức Cha Giuse Trịnh Như Khuê tấn phong Giám mục tại Hà Nội với khẩu hiệu Giám mục là “Lính tốt của Chúa Kitô – Bonus Miles Christi”.
Ngày 24/11/1960, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ trở thành Giám mục Chính tòa đầu tiên của Giáo phận Thái Bình.
Khi còn làm giám quản Giáo phận, một trong những ưu tư hàng đầu của ngài là làm thế nào để bổ sung thêm nhân sự cho Giáo phận còn thiếu nhiều do hậu quả cuộc di cư 1954 để lại. Do vậy, đầu năm 1956, cha Đaminh Đinh Đức Trụ khai giảng trường Mỹ Đức, tiếp nhận tất cả các con em trong Giáo phận về học. Niên khoá đầu tiên 1956-1957, con số học sinh đã lên tới 350.
Ngày 16/7/1960 ngài đã truyền chức linh mục cho bốn thầy đã được hàm thụ từ trước: Giuse Đinh Bỉnh (1922), Giuse Bùi Văn Cẩm (1931), Gioakim Trần Đức Uyên (1901), Giuse Vũ Văn Vân (1897). Sau đó, ngài tiếp tục đào tạo và truyền chức cho nhiều thầy nữa.
Khi không thể mở trường công khai, ngài âm thầm dạy hàm thụ các tiến chức linh mục. Thành quả ấy đã đến, năm 1965, bốn thầy trong số các tiểu chung sinh năm nào đã được tiến chức linh mục: Thầy Giuse Nguyễn Thành Hiến, Đaminh Trịnh Đức Tính; thầy Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh và Đaminh Phạm Quang Trung. Ba năm sau (ngày 29/01/1968) có thêm hai tân linh mục nữa là Thomas Trần Trung Hà và Phêrô Nguyễn Kiêm Toàn. Đặc biệt, chủng viện Mỹ Đức được mở cửa trở lại và đào tạo khóa 1972 – 1977, làm số linh mục trong Giáo phận được thêm đông số. Như vậy vấn đề nhân sự đã phần nào được cải thiện sau biến cố di cư năm 1954.
Tuy nhiên, do bối cảnh xã hội khó khăn nên việc mục vụ và điều hành Giáo phận còn gặp nhiều trở ngại. Năm 1967, một nhóm người đã đột nhập Văn Khố Tòa Giám Mục và lấy đi hoặc đốt hết các giấy tờ - ngay cả Sắc lệnh thành lập Giáo phận cũng không còn; một số linh mục phải chịu tù đày như cha Giuse Nguyễn Thành Hiến, Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh,... hay chịu quản thúc như cha Đaminh Phạm Quang Trung. Các cha được coi xứ cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong hoàn cảnh đó, Đức cha không thể có những chuyến viếng thăm mục vụ công khai, ngài đã tìm mọi cách để tới thăm đoàn chiên. Người đời còn lưu truyền nhiều giai thoại cảm động về ngài.
Sau một thời gian dài phục vụ Giáo phận, ngày 07/6/1982 Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ đã an nghỉ trong Chúa sau 73 năm trên trần thế, với 44 năm linh mục và 22 năm Giám mục chính tòa.
Ngài là vị chủ chăn đã dẫn dắt giáo đoàn Thái Bình qua những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử Giáo phận. Tất cả những ai đã từng sống, gặp gỡ với ngài đều nhận thấy những đức tính cao đẹp của một vị chủ chăn nơi ngài: đạo đức, hy sinh trong cuộc sống; khôn ngoan, sáng suốt trong lãnh đạo; hiền từ, bình dân trong giao tiếp; hăng say, quên mình trong phục vụ; can đảm, cương quyết trong trách nhiệm.
6.2 - Giáo phận Thái Bình dưới thời Đức cha Giuse Maria Đinh Bỉnh (1982-1989)
Vị Giám mục kế nhiệm Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ là Đức cha Giuse Đinh Bỉnh. Đức cha Giuse Đinh Bỉnh sinh ngày 02/5/1922 tại Phú Nhai, Giáo phận Trung. Học xong tiểu học, ngài gia nhập Tiểu chủng viện Ninh Cường (Bùi Chu), rồi Mỹ Đức (Thái Bình). Ngài học Thần học và Lý đoán tại Đại chủng viện thánh Alberto Nam Định. Ngày 16/7/1960 (lễ Đức Mẹ núi Camêlô), Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ đã truyền chức linh mục cho ngài. Từ năm 1972- 1977, ngài là giám đốc Chủng viện Mỹ Đức và coi sóc các Giáo xứ Sa Cát, Phương Xá v.v. Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban sắc phong giám mục ngày 30/10/1979.
Ngày 08/12/1979, tại nhà thờ Chính tòa Thái Bình, Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn tấn phong Giám mục cho ngài. Nhận thức rõ nhiệm vụ khó khăn của một chủ chăn, vị tân Giám mục đã muốn phó thác cuộc đời và Giáo phận trong tay Đức Mẹ. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là “Này là Mẹ con” (Ecce Mater tua).
Nối tiếp công việc của vị tiền nhiệm, Đức cha Giuse Đinh Bỉnh luôn ưu tiên cho việc đào tạo linh mục. Đồng thời ngài tận tâm tận lực chăm sóc cho đời sống đức tin của Giáo phận. Là một chủ chăn hiền lành, đơn sơ, lấy đức Ái làm phương châm cuộc sống, nên giáo dân đã gọi ngài bằng biệt danh “Hòa Bình”.
Còn đang mải miết lo cho Giáo phận, thì vào lúc 4 giờ sáng ngày 14/3/1989, ngài đã an nghỉ trong Chúa, sau cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 67 tuổi, với 29 năm linh mục và 10 năm Giám mục.
Ngày 14/3/1989, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm Giám quản Giáo phận Thái Bình.
Hơn một năm làm Giám quản, Đức Hồng y Giuse chú trọng đến đời sống đức tin của Giáo phận; tổ chức những tuần tĩnh tâm cho các linh mục; khôi phục hội Dâng Hoa tháng Năm kính Đức Mẹ. Ngài cũng lưu tâm đến việc trùng tu các nhà thờ trong Giáo phận.
7. Giáo phận Thái Bình từ 1990 tới nay
Quãng thời gian từ 1990 tới nay là giai đoạn chuyển mình với những đổi thay to lớn của Giáo phận, cùng đồng hành với những đổi mới của xã hội Việt Nam nói chung. Ngày 03/12/1990, Giáo phận Thái Bình vui mừng khi được tin Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang - Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội - làm Giám mục chính tòa Thái Bình. Từ đây Giáo phận bước sang một trang sử mới, trang sử của “Thái Bình” đúng nghĩa với tên gọi của mảnh đất này.
7.1 - Giáo phận Thái Bình dưới thời Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1990-2009)
Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang sinh ngày 08/01/1932 tại xứ Lại Yên, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội. Ngài đã theo học nhiều năm tại Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Đại chủng viện Xuân Bích, và trường Trung học Pháp. Ngày 18/4/1958, tại Nhà thờ lớn Hà Nội, ngài lãnh nhận tác vụ linh mục. Ngày 24/3/1981, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục hiệu tòa Sarda, phụ tá Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Lễ tấn phong Giám mục của ngài được long trọng cử hành tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội vào ngày 22/4/1981 với khẩu hiệu: "Chân Lý Trong Tình Thương” (Veritatem in Caritate).
Ngày 01/5/1981, ngài được cử giữ chức Giám đốc Đại chủng viện Hà Nội. Từ năm 1983-1989, ngài được bầu làm Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Ngày 03/12/1990, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã chỉ định ngài làm Giám Mục Giáo phận Thái Bình. Đến ngày 05/2/1991 ngài về nhận Giáo phận Thái Bình. Khi vừa đặt chân lên đất Thái Bình, tại bến phà Tân Đệ, Đức cha đã “quì xuống hôn lên mảnh đất thân yêu” mà ngài được chỉ định gắn bó kết duyên. Hình ảnh đầy cảm động ấy luôn được lưu giữ trong tim người tín hữu Thái Bình.
Như các vị tiền nhiệm, Đức cha Phanxicô cũng ưu tiên lo lắng đến việc đào tạo nhân sự. Việc đầu tiên là lo cho 9 linh mục được công khai làm mục vụ và gửi một số linhmục ra nước ngoài du học.Về cơ sở vật chất, ngài lo tu sửa Toà giám mục, kiến thiết tân tạo Nhà thờ chính tòa theo kiểu mẫu tân kỳ. Chấp thuận và khích lệ việc xây sửa các cơ sở nhà thờ, nhà xứ trong Giáo phận.
Năm 1996, Đức cha xin Tòa Thánh cho tổ chức Năm Thánh Giáo phận Thái Bình kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận và 90 năm xây dựng Nhà thờ Chính tòa. Đặc biệt, Toà Thánh ban ơn Toàn Xá trong ba Năm Thánh liên tiếp (1996, 1997, 1998) cho Giáo phận Thái Bình. Trong những năm này, Đức cha cùng với toàn thể Giáo phận dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Đồng thời ngài cũng nhấn mạnh việc ăn năn sám hối và giao hòa giữa các thành phần trong Giáo Hội và xã hội.
Tính đến tháng 12/1995, Giáo phận có khoảng 120.000 tín hữu, với 64 xứ và 31 linh mục.
Nhờ chính sách “mở cửa” của Nhà nước, Đức cha Phanxicô Xaviê dễ dàng hơn các vị tiền nhiệm trước đây trong việc điều hành và tổ chức Giáo phận. Ngài viếng thăm các giáo xứ, thúc đẩy phong trào học hỏi Thánh Kinh và xóa đói giảm nghèo (1993), kêu gọi UNICEF tài trợ 500 giếng nước sạch cho giáo dân được hưởng dùng (1997), ... Những hoạt động đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống giáo dân về mặt Đức tin cũng như đời sống văn hóa. Nhằm kiện toàn hơn nữa nhân sự cho Giáo phận, Đức cha đã gửi nhiều lớp chủng sinh theo học Đại chủng viện Hà Nội, Chủng viện Sao Biển (Nha Trang), mở lại Chủng viện Mỹ Đức (năm 2008)... Các công trình xây dựng cũng được khích lệ. Ngôi thánh đường nhà thờ Chính tòa Giáo phận là nhờ công sức dưới thời của ngài.
Cho tới năm 2004, các thống kê cho thấy Giáo phận có 119.749 tín hữu, 40 linh mục, 23 chủng sinh, 72 nữ tu.
Là một vị chủ chăn năng động và tài ba, Đức cha Phanxicô đã từng giữ các trọng trách trong HĐGM VN như Tổng Thư ký, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, ... Đặc biệt ngài chính là vị sáng lập Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội, khai mở phong trào giới trẻ sống và phục vụ trong yêu thương tại các Giáo phận.
Ngày 06/7/2009, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Đức cha Phanxicô sau 19 năm phục vụ trên cương vị chủ chăn Giáo phận Thái Bình. Hiện nay Đức cha đang an dưỡng tại Tòa Giám Mục và không ngừng cầu nguyện cho Giáo phận.
7.2 - Giáo phận Thái Bình dưới thời Đức cha Phêrô Maria Nguyễn Văn Đệ SDB (2009 đến nay).
Ngày 25/7/2009, Toà Thánh đã chính thức bổ nhiệm Đức cha Phêrô Maria Nguyễn Văn Đệ, SDB - Giám mục phụ tá Giáo phận Bùi Chu - làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Thái Bình.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ sinh ngày 15/01/1946 tại Trí Bưu, Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị thuộc Tổng Giáo phận Huế. Năm 1958, ngài gia nhập Dòng Salesian Don Bosco và khấn Dòng ngày 15/8/1965. Sau khi học xong trung học, ngài được gửi đi học triết học tại Hồng Kông từ năm 1965- 1968. Năm 1968, về Việt Nam, ngài theo học Thần Học tại Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt từ năm 1970-1974. Ngài được thụ phong linh mục ngày 17/12/1973. Sau đó, ngài đã lần lượt giữ chức vụ: Chánh xứ Xuân Hiệp (Sài Gòn), Bề trên Giám Tỉnh Dòng Salesian Don Bosco (1992-1997); Giám đốc Học viện thần học Salesian Don Bosco (1997- 2000); giáo sư Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội (2000-2005). Ngày 29/11/2005, Tòa Thánh ban Sắc phong ngài làm Giám mục phụ tá Giáo phận Bùi Chu, hiệu tòa Ammaedara. Thánh lễ tấn phong Giám mục được cử hành vào ngày 18/01/2006 tại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu với khẩu hiệu: “Xin cho tôi các linh hồn” (Da Mihi Animas).
Ngày 01/9/2009, ngài chính thức nhận Giáo phận. Kể từ đây, miền đất Thái Bình – Hưng Yên là quê hương thứ hai của ngài. Trong bài giảng ngày về Giáo phận, ngài đã chia sẻ:
“Xin anh chị em hãy quảng đại đón nhận tôi như một thành viên bé nhỏ vào đại gia đình Giáo phận, và xin cầu nguyện nhiều cho tôi, để tôi luôn cố gắng bắt chước sống và thực hành như lý tưởng sống của thánh Phao-lô: từ nay không còn là tôi sống nữa là Giáo phận Thái Bình, là anh chị em giáo dân sống trong tôi. Từ nay sự sống tôi, trái tim tôi, hơi thở tôi, vui buồn sướng khổ, thành công hay thất bại của đời tôi, xin được hoàn toàn gắn liền với cuộc sống của anh chị em, với cộng đoàn Dân Chúa tại Giáo phận Thái Bình”.
Trên đà phát triển của đấng tiền nhiệm, Đức cha Phêrô đã lần lượt đi thăm tất cả các giáo xứ, giáo họ trong Giáo phận. Ngài đã cùng với linh mục đoàn xây dựng bản Chỉ Nam nhằm kiện toàn lại cơ cấu tổ chức hoạt động của Giáo phận. Đức cha Phêrô chú trọng tới việc xây dựng đời sống Đức Tin, đào tạo nhân sự, thường huấn
Hội Đồng Mục Vụ, huấn luyện giáo lý viên, linh hoạt viên, quan tâm giáo dục giới trẻ, thiếu nhi theo tinh thần Salesian Don Bosco.
Vươn xa hơn, ngài còn tổ chức các buổi gặp gỡ đồng hương Thái Bình tại Hà Nội và Sài Gòn để tạo khối thân tình giữa những người con xa quê, đồng thời khích lệ họ giữ vững Đức Tin trong môi trường biến động của xã hội thời nay.
Về cơ sở hạ tầng, ngài đang kiện toàn Đại Chủng Viện Thánh Tâm Mỹ Đức để có thể tự chủ trong việc đào tạo linh mục cho Giáo phận và hoàn thành ngôi Nhà Chung (Toà Giám Mục) - nguy nga, đồ sộ, hiện đại – để đáp ứng tất cả mọi nhu cầu sinh hoạt mục vụ, giáo dục trong hiện tại và tương lai với quy mô đào tạo rộng lớn; mái ấm Don Bosco Cát Đàm nơi nuôi dưỡng và hướng nghiệp cho các em khuyết tật cũng đang hoạt động.
Về các sinh hoạt mục vụ, ngài đã đi thăm mục vụ tất cả 462 giáo xứ, giáo họ, nhất là cuộc kinh lý toàn giáo phận năm 2014. Với phong thái trẻ trung, hoạt bát và làm việc không biết mệt mỏi, ngài thường xuyên tổ chức các cuộc lễ lớn quy tụ mọi thành phần dân Chúa về Nhà Chung Giáo phận để củng cố và hung đúc đới sống đức tin cho anh chị em. Ngày 27-28/11/2013, Giáo phận đã tổ chức Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XIII, gần 25 ngàn bạn trẻ đã quy tụ về Tòa Giám mục Thái Bình để làm sống lại mối dây hiệp thông của giới trẻ Giáo tỉnh, và làm bừng sáng lên vẻ đẹp của Đức Tin.
Trong quãng thời gian 1997 – 2015, Giáo phận đã có thêm 44 giáo xứ được thiết lập. Trước thềm 80 năm hồng phúc, Giáo phận đã có thêm hai đền thánh – nơi kín múc ơn thiêng cho giáo hữu trong và ngoài Giáo phận: Đền thánh kính Lòng Thương Xót Chúa (Bác Trạch) và Đền thánh kính Thánh Tâm Chúa (Cao Mại).
Sau cuộc kinh lý, ngọn lửa của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể - vốn đã âm ỉ cháy từ lâu, nay đang bùng lên mạnh mẽ. 80 xứ đoàn đã được thành lập, với số đoàn sinh lên tới hàng chục ngàn. Cầu nguyện – Rước lễ - Hy sinh – Làm tông đồ đã trở thành tâm niệm sống của thiếu nhi - giới trẻ Giáo phận. Những hạt giống đang được ươm mầm và dần vươn lên, hứa hẹn những mùa gặt bội thu trong tương lai.
Vùng truyền giáo Hưng Yên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bề trên Giáo phận. Với sự bổ sung lớp nhân sự trẻ trung, nhiệt huyết, những xóm đạo như được hồi sinh với các sinh hoạt hội đoàn, những nhà thờ nay lại vang tiếng kinh nguyện, các em thiếu nhi đã quen dần với các lớp giáo lý... Mơ ước về một thời Phố Hiến không chỉ phồn hoa về kinh tế, mà còn sầm uất trong đời sống đạo lại đang ùa về.
Và năm nay, để kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo phận (1936 - 2016), Đức cha Phêrô đã xin Tòa Thánh cho mở Năm Thánh 2015 - 2016 với ơn Toàn xá để mọi thành phần trong Giáo phận được đón nhận hồng ân Chúa cách dồi dào.
80 năm – một chặng đường không dài so với lịch sử Giáo Hội, nhưng là cả một hành trình ân phúc: Có gian lao vất vả gây dựng, có hy sinh âm thầm, có máu đào đức tin, có sự đoàn kết của tình hiệp nhất, có nước mắt chia ly, có nụ cười hạnh ngộ, và có cả ước mơ còn dang dở...
“Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14). Có thể nói, Quá Khứ - Hiện Tại - Tương Lai đang đan xen trong dòng chảy của Giáo phận. Nối tiếp truyền thống đức tin hào hùng của cha ông, mọi thành phần Dân Chúa nơi đây đang chung tay, chung sức, chung lòng để dựng xây “gia đình Giáo phận” và để Nước Chúa được thái bình thịnh trị.
Nguồn tin: http://giaophanthaibinh.org
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 222 | Tổng lượt truy cập: 4,164,437