LƯỢC SỬ
Tu xá Thánh Giuse Thái Bình
Nguồn gốc: Nhà Dục Anh (1913)
Tiếp nhận: Đổi thành Nhà Phước Thái Bình (1956)
Thành lập: Tu xá Đa Minh Thái Bình (15/06/1997)
Bổn mạng: Thánh Giuse (19/03)
Điện thoại: 02273.841.030
Địa chỉ: 12 Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình
Tu xá Thánh Giuse Thái Bình hay còn gọi là Tu xá Thái Bình nằm giữa trung tâm thành phố, bên cạnh nhà thờ Chính tòa Thái Bình, thuộc Hội Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình. Tu xá hiện nay có nguồn gốc từ Nhà Phước Đa Minh được Đấng Bản quyền Giáo phận cho tiếp quản khu nhà Dục Anh của Dòng Phaolô thành Chartres[1] nằm ngay sát khu Nhà thờ Chính tòa Thái Bình về phía nam.
1. Sơ lược tiến trình hình thành Tu xá Thái Bình
Từ năm 1954-1956, sau Hiệp định Genève (20/07/1954)
Biến cố di cư năm 1954 làm Giáo phận trở nên tan hoang. Hơn một nửa giáo dân, và hầu hết các linh mục, tu sĩ rời Giáo phận ra đi[2]. Các Xơ dòng Thánh Phaolô thành Chartres coi sóc nhà Dục Anh cũng theo dòng người di cư vào Miền Nam; nhà Dục Anh chỉ còn lại một số người già, tàn tật, câm điếc và trẻ mồ côi.
Vào thời điểm đó, cha Đa Minh Đinh Đức Trụ - nguyên linh hướng Chủng Viện Mỹ Đức đang coi xứ Nguyệt Lãng - tình nguyện ở lại cùng với một số cha khác. Đức cha Ninh đã đặt ngài làm Cha Chính giáo phận (Tổng Đại diện) ngày 30/06/1954. Nhận lời ở lại coi sóc Giáo phận, cha Chính Đa Minh Đinh Đức Trụ rời Nguyệt Lãng trở về Tòa Giám Mục cùng với một số thầy già và mấy ông bõ già (không còn giúp việc được).
Dưới quyền Cha Chính Đa Minh Đinh Đức Trụ, giáo phận chỉ còn 12 linh mục (phần lớn đã có tuổi), 26 dì phước dòng ba Đa Minh, và khoảng 80.000 giáo dân. Khoảng năm 1956, Cha Chính Đa Minh thấy cần phải có các nữ tu chăm sóc những người già tàn tật, cô nhi tại nhà Dục Anh do các Xơ Dòng Phaolô để lại, đồng thời cũng để giữ gìn bảo vệ khu Dục Anh và khu Nhà Chung - Tòa Giám mục, Ngài đã kêu gọi những chị em Nhà Phước Trung Đồng và các thiếu nữ có thiện chí đến ở tại khu vực này để chăm sóc những người còn lại của Nhà Dục Anh và cũng là để có người giữ đất giữ nhà.
Đáp lại lời mời gọi của Cha Chính Đa Minh, chị Du, chị Mến và chị Công từ Nhà phước Trung Đồng đi lên và tình nguyện ở lại. Sau đó các chị từ các Nhà Phước khác tới, đồng thời các chị đón nhận thêm một số ơn gọi trẻ. Ngài chính thức trao nhà và số người còn lại của nhà Dục Anh cho các chị nhà phước Đa Minh, để các chị chăm sóc bảo tồn và giữ gìn.
Từ đó, nhà Dục Anh có tên mới là Nhà Phước Đa Minh (Nhà Phước Thái Bình).
Tính đến năm 1960, số chị em ở Nhà Phước này gồm:
Ngoài các công việc chăm sóc người già tàn tật, các chị còn làm những việc khác như: làm bếp trong Tòa Giám mục; chăm sóc ruộng vườn; trông coi nhà thờ; chuyển thư đến các nơi cho Đức Cha được các chị phân chia theo vùng, quanh khu vực nhà quê của mỗi chị[7].
Khi ấy, khu vực đất Nhà Chung có tất cả năm mẫu ruộng bao gồm từ đường Trần Hưng Đạo đến “đường bờ sông” và từ Tòa Giám mục đến khu nhà bà Biên (tức gần đường Lê Quý Đôn ngày nay). Các chị Nhà Phước cùng với cha chính cày cấy, canh tác quanh năm suốt tháng[8]. Lúa thu được, các chị gánh sang nhà trường Mỹ Đức để nuôi các thầy và các chú ăn học. Vì khu đất quá rộng, lại không có nhiều người ở nên cha chính Đa Minh đã cho giáo dân vào ở xung quanh nhà thờ. Vì thế, đất nhà chung chỉ còn lại khu Tòa Giám mục, Nhà thờ Chính tòa và Nhà Dục Anh
Cộng đoàn tiên khởi của các chị em Nhà Phước Đa Minh Thái Bình đã được Đức Cha Đa Minh[9] cưu mang và hướng dẫn. Phần các chị, các chị cũng nỗ lực góp phần nhỏ bé để cộng tác với Đức Cha và với Giáo phận. Ngoài các công việc bổn phận hằng ngày của một “dì phước”, các chị còn trông coi, bảo vệ tài sản của Giáo phận tại khu vực nhà thờ Chính tòa, Tòa giám mục. Đặc biệt các chị còn hỗ trợ Đức Cha khi phải đối diện với chính quyền đương thời.[10]
Sau năm 1968, do chiến tranh tàn phá, nhà Dục Anh hầu như đổ nát vì bom đạn, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi những người già tàn tật lần lượt ra đi, những người khác còn lại của nhà Dục Anh đến tuổi trưởng thành đi xây dựng gia đình hoặc sống tự lập. Mặt khác, nhà nước không cho chị em tiếp tục nuôi các trẻ mồ côi[11]. Do đó, Đức Cha Đa Minh Đinh Đức Trụ đã cho chị em chuyển lên ở khu nhà trên ngay mặt đường[12] khoảng gần 700m2. Vì khu nhà cũ phía dưới không còn người ở, nên Đức Cha cho những gia đình Công giáo có hoàn cảnh khó khăn đến ở. Vào thời điểm này, theo ý muốn của Đức Cha Đa Minh và cùng là ý muốn của các Đấng kế nhiệm sau này như Đức Cha Giuse Đinh Bỉnh, Đức Hồng y Giuse Trịnh văn Căn Giám quản Giáo phận, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang: ban ngày chị em vào làm việc, canh tác ruộng vườn, sinh hoạt ăn uống trong Tòa Giám mục, ban đêm thì về nghỉ tại khu Nhà Phước.
Năm 1973, ông Trần văn Cừu, Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến gặp bà Nhất Maria Nguyễn Thị Mến và bà Nhì Maria Nguyễn Thị Công, xin cho mượn dãy nhà mặt tiền sát đường (hướng nam) và sân chơi rộng khoảng hơn 200m2 để làm lớp học bổ túc cho cán bộ. Sau một thời gian, trường bổ túc không hoạt động nữa, thay vì phải trả đất lại cho Nhà Phước, họ lại tự động trao cho trường Mẫu giáo Lê Hồng Phong. Do đó, mỗi khi các giáo viên Trường Mẫu giáo dọn đồ vào khu nhà này, chị em Nhà Phước lại khiêng đồ ra khỏi. Vì thế, các chị[13] bị gọi ra đồn công an phường và bị buộc tội là “tranh chấp”.
Năm 1991, Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang về coi sóc Giáo phận Thái Bình. Với ý định và ước muốn thành lập Hội Dòng Đa Minh tại Giáo phận Thái Bình tháng 8 năm 1992, Đức Cha gửi một số chị thuộc các Nhà Phước Đa Minh Thái Bình vào tu luyện và tuyên khấn theo Giáo luật tại Hội dòng Đa Minh Rosa Lima, Xuân Hiệp. Sau khi khấn, những chị lớn tuổi trở về các Nhà Phước phục vụ giáo phận. Còn các chị em trẻ được ở lại miền Nam để tiếp tục học thần học theo chương trình đào tạo các nữ tu Đa Minh Việt Nam. Để thuận lợi cho việc đào tạo và điều hành, Đức Cha đã đặt Bà Maria Nguyễn Thị Thanh làm Bề trên tại vùng Thái Bình, đại diện cho Bề trên Tổng quyền của Dòng. Cũng từ giai đoạn này, các chị em Đa Minh Thái Bình tiếp tục đón nhận các ơn gọi mới cho Hội dòng tương lai và các em được ở ngay trong Tòa Giám mục nhưng vẫn giữ nếp sinh hoạt như các chị trước đây.
Ngày 15/06/1997, Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh Rosa Lima đã xin và được hai Đức Cha liên hệ[14] chấp thuận cho việc thành lập 6 Cộng đoàn tại Thái Bình, trong đó có Tu xá Thái Bình. Kể từ đây, các Cộng đoàn Nhà Phước tại Thái Bình được mang tên mới, Nhà Phước Thái Bình cũng được nâng lên Tu xá Thái Bình.
Ngày 12/12/1997, chị em Tu xá Thái Bình xin Đức Cha cho phép “ăn riêng”, không còn sinh hoạt chung trong Tòa Giám mục như trước đây nữa, chỉ một số chị làm bếp, dọn phòng khách, vv., ở lại phục vụ Tòa Giám mục, còn các chị em khác thì chuyển về ở hẳn bên Tu xá Thái Bình. Được sự chấp thuận của Đức Cha, chị em bắt đầu sửa chữa các nếp nhà và sắp xếp lại chỗ ăn nghỉ cho phù hợp với các sinh hoạt của chị em trong Hội Dòng. Từ đó, Tu xá Thái Bình trở thành nơi đón nhận các chị em đến tìm hiểu và nhập tu. Số chị em được tuyển đi vào Miền Nam đào tạo và tuyên khấn mỗi ngày một đông hơn trong khi cơ sở lại chật hẹp, không có đủ chỗ cho chị em ở cũng như thi hành sứ vụ giáo dục của Hội dòng.
2. Tiến trình làm đơn lấy lại đất và xin cấp phép xây dựng Tu xá Thái Bình
Từ ngày 10/05/1999 đến ngày 25/04/2005, Tu xá Thái Bình đã năm lần làm đơn gửi lên các cấp Chính quyền Tỉnh và Thành phố Thái Bình, để xin lại Khu nhà Mẫu giáo (ông Cừu, Hiệu trưởng Trường Cấp III Bổ túc Văn hóa Thị xã Thái Bình, đại diện cho Trường, đã mượn năm 1973);
Ngày 05/11/2007: Tu xá Thái Bình nhận được QUYẾT ĐỊNH số 2611/QD9-UBND tỉnh Thái Bình về việc THU HỒI ĐẤT TRƯỜNG MẦM NON PHƯỜNG LÊ HỒNG PHONG GIAO CHO TU XÁ ĐA MINH THÁI BÌNH ĐỂ LÀM NHÀ Ở CHO NỮ TU đề ngày 29/10/2007.
Vào cuối tháng 6 năm 2008: Tu xá Thái Bình nhận được GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Số AE 558533 đề ngày 15/06/2008 do UBND Tỉnh Thái Bình cấp.
Ngày 25/03/2004, Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn văn Sang đã ban Sắc Thành lập Hội dòng Nữ Đa Minh Thái Bình, Thánh hiệu Đức Maria Trinh Nữ Vương. Toàn thể Chị em đã đón nhận Sắc lệnh trong niềm hân hoan cảm tạ và tri ân Chúa, Hội Thánh và Đức Cha Giáo phận.
Trong dịp Tổng hội năm 2008, Hội Dòng đã quyết định chọn Tu xá Thái Bình làm Cộng đoàn huấn luyện để đào tạo các em Thỉnh sinh.
Nhận thấy cơ sở vật chất cũng đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phát triển cộng đoàn, ổn định đời sống chị em, như người ta thường nói ‘an cư thì lạc nghiệp’. Đặc biệt, đây lại là nơi được Hội Dòng chọn làm Thỉnh viện, có nhiệm vụ khích lệ, đào tạo Thỉnh sinh cho Hội Dòng. Các chị đã nỗ lực chắt chiu, dành giụm thành quả của công sức lao động và cậy nhờ vào lòng hảo tâm của quý thân ân nhân xa gần để sang sửa, xây mới những nếp nhà như hiện nay (từ năm 2005 đến năm 2019). Tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh hoạt thường ngày của chị em và việc đào tạo Thỉnh sinh.
3. Những chị nhất điều hành cộng đoàn từ 1956 đến nay
4. Sinh hoạt hiện nay của Cộng đoàn
Luôn bám sát vào hướng đi chung của Hội Dòng, các vị hữu trách Cộng đoàn Tu xá đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, trải dài trên nhiều phương diện: đào tạo Thỉnh sinh, mục vụ ơn gọi, mục vụ giáo xứ và sinh viên, giáo dục và tông đồ bác ái.
Việc đào tạo Thỉnh sinh: đây là cộng đoàn rất có lợi thế về mặt địa lý – nằm trong thành phố Thái Bình, sát ngay cạnh Tòa Giám mục, việc nhờ giáo sư dạy học, dâng lễ hàng ngày và giúp tĩnh tâm hàng tháng cho Cộng đoàn rất thuận tiện; bên cạnh đó, các dịch vụ y tế và trường học cũng rất thuận tiện, Thỉnh sinh có thể theo học thêm một chuyên ngành nào đó cách dễ dàng. Điều này giúp cho đời sống tu trì của các em được bồi dưỡng, chuyên môn của các em được nâng cao, tất cả đều nhằm để chị em có thể có những hành trang cần thiết để phục vụ cách hữu hiệu hơn.
Mục vụ ơn gọi: Kể từ khi Hội dòng thành lập, các chị cũng không ngừng quan tâm đến việc cổ võ ơn gọi: hàng năm có Đại hội Ơn gọi, quy tụ các bạn nữ muốn tìm hiểu về đời tu để giúp các em có cơ hội tiếp xúc, học hỏi, trải nghiệm đôi chút về đời sống tu trì trong Dòng. Việc này nhằm ươm ơn gọi cho Giáo hội và cho Dòng. Không chỉ dừng lại đó, các chị còn đang mở thêm một số nhóm sinh hoạt định kỳ tại các giáo xứ, dành cho các em có độ tuổi từ 14 đến 18, thông qua những giờ gặp gỡ chia sẻ theo chủ đề, chia sẻ Lời Chúa, Chầu Thánh Thể, sinh hoạt vui chơi và đôi khi còn có Thánh lễ riêng cho các em. Với mục đích giúp các em: sống tốt trong các mối tương quan ở gia đình, nơi giáo xứ, làng xóm cũng như tại trường học; tạo cho các em có cơ hội tiếp xúc và có thêm sự hiểu biết về đời sống tu trì; giúp các em có cái nhìn quân bình và có sự phân định trong tự do về tương lai của mình.
Mục vụ giáo xứ: Chị em tham gia vào việc dạy giáo lý tại Nhà thờ Chính tòa, dạy giáo lý hôn nhân và dự tòng cho những người có nhu cầu, phục vụ ca đoàn, cắm hoa, dọn lễ, v.v… Nói chung, công việc mục vụ rất phong phú, nhờ đó, các em Thỉnh sinh cũng có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế, giúp cho việc đào tạo các em có đủ lý thuyết và thực hành.
Mục vụ sinh viên: đồng hành cùng sinh viên trong việc dạy hát hàng tuần. Ngoài ra, vì cộng đoàn nằm trong thành phố, nơi có một số trường Đại học và Cao đẳng, có nhiều sinh viên Công giáo từ những tỉnh khác đến học, Hội dòng đã trao cho các chị thử nghiệm mở lưu xá Sinh viên, dành cho các sinh viên nữ, nhằm tạo cho các em có môi trường an toàn và lành mạnh để có thể sống tốt đức tin Công giáo, học hành tốt hơn. Đáp lại sự mong muốn của Hội Dòng, nhưng vì không có điều kiện để mua đất xây nhà, các chị đã thuê nhà cho một số sinh viên ở chung, các chị đồng hành với các em, lắng nghe những tâm tư giúp các em định hướng tốt hơn cho cuộc sống.
Tông đồ - bác ái: Chị đặc trách Tông đồ của Hội Dòng cũng là thành viên của cộng đoàn Tu xá. Chị được dành riêng toàn thời gian để lo việc tông đồ: làm trung gian tìm nguồn tài trợ giúp học sinh, sinh viên nghèo hiếu học có điều kiện đến trường; phát gạo tình thương hàng tháng cho người nghèo, bệnh nhân phong ngoại trú, người già cả neo đơn và người bị bệnh ung thư. Đây là một công việc rất đặc thù, đòi hỏi sự tận tụy, hy sinh trong yêu mến.
Việc giáo dục: Tại cộng đoàn, các chị cũng có một nhóm trẻ mầm non. Trong sứ vụ giáo dục của mình, các chị giúp cho các bé được hưởng sự giáo dục trong yêu thương. Bên cạnh việc theo sát chương trình đào tạo cấp mầm non của Sở Giáo dục tỉnh Thái Bình, các chị còn nhấn mạnh đến việc giáo dục nhân bản và đời sống đức tin cho các bé; lắng nghe và hỗ trợ các gia đình đang gặp khó khăn trong mối tương quan của họ.
Kết
Từ một mảnh đất bị bỏ hoang, Chúa lại dùng những con người nhỏ bé để gầy dựng lại. Trải qua hơn nửa thế kỷ, sự quan phòng của Chúa đã làm cho cộng đoàn tồn tại và phát triển như ngày hôm nay. Thật đáng để chúng ta phải cất lên lời ca tụng hàng ngày ‘tình thương Chúa, đời đời con ca tụng’ (Tv 88, 2).
Toàn thể chị em Tu xá Thái Bình, xin kính tri ân các bậc quý Đấng bậc, quý thân ân nhân xa gần, quý chị tại nhà Phước Thái Bình còn sống cũng như đã qua đời, đã hy sinh rất nhiều trong việc giữ gìn, xây dựng con người và cơ sở vật chất như ngày hôm nay.
Xin tri ân Mẹ Dòng đã ủy thác sứ vụ đặc biệt – ươm mầm ơn gọi cho Dòng. Ước mong từng thành viên luôn biết trân quý những tấm lòng cao cả, đã dày công khôi phục và dựng xây cộng đoàn. Mong sao Chúa sẽ luôn đồng hành và không ngừng chúc phúc, hướng dẫn cho từng thành viên biết sống theo ý Chúa, cảm nhận sâu xa niềm hạnh phúc của đời thánh hiến và giới thiệu Thiên Chúa tình yêu cho mọi người.
Hình ảnh Tu xá Thánh Giuse Thái Bình
Ban truyền thông
[1] Cha Chính Trinh (Fr. Manuel Moreno, OP), Sử ký Địa phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, tr. 173; 243.
[2] Lược sử giáo phận Thái Bình, http://giaophanthaibinh.org/luoc-su-giao-phan-thai-binh.html
[3] Thời điểm này có nhiều gia đình quá nghèo khổ nên họ thường đem con đến đặt ở cổng nhà chung, các chị đón và gánh về Nhà Thương An Lập để nuôi dưỡng.
[4] Dọn cơm xong, các chị cho vào cạp lồng, Đức Cha ở trên lầu thòng dây xuống kéo đồ ăn lên
[5] Vào ngày Chúa Nhật hàng tuần, cha Chính thường ngồi tòa giải tội ở Nhà thờ chính tòa. Chị em Nhà Phước, mỗi người giữ một cửa ra vào để canh coi và chỉ hé mở khi có người đến hỏi xin xưng tội; giúp dọn mình xưng tội; chuẩn bị chỗ cho họ nghỉ qua đêm: mùa rét phải đi xin thêm rơm rạ về trải ổ cho họ nằm…
[6] Đức Cha cũng làm vườn với chị em trong Tòa Giám mục, thoáng nghe tiếng máy bay, tất cả cha - con xuống hầm để tránh bom
[7] Việc chuyển thư cũng gặp nhiều khó khăn, không phải do không có phương tiện nhưng phải thật cẩn trọng để có thể đưa thư tới nơi.
[8] Cha chính cũng làm vườn, thoáng nghe tiếng máy bay, tất cả cha - con xuống hết hầm tránh bom.
[9] Ngày 25/03/1960 Ngài được thụ phong Giám mục
[10] Vì nghi ngờ Đức Cha không cho giáo dân vào hợp tác xã nên quan “giuda” (giáo dân tay sai của chính quyền) liên tục vào hạch hỏi: Tại sao một số giáo dân không vào hợp tác xã và nhất là việc truyền chức linh mục chui, có khi trong thánh lễ họ đề nghị Ngài giảng lại. Vì thế, các chị luôn đi theo Đức Cha để bảo vệ Người, họ hỏi: Tại sao? Các chị bảo “vì Đức Cha yếu”, họ nói: “việc đó của nam giới”, các chị trả lời: “không có nam thì nữ cũng được”, và nhiều cách bảo vệ khác trong Tòa Giám mục và ở khu nhà thờ.
[11] Chính quyền lấy đất của khu Nhà Dục Anh chia cho dân vào ở (khu mặt đường Trần Hưng Đạo trước cửa nhà Tu xá hiện nay)
[12] Dãy nhà mặt đường của Tu xá hiện nay.
[13] Chị Suy, chị Ngắm chị Mến bị giam – tra hỏi đến 12 giờ đêm.
[14] Ngày 21/0601997 Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, Giám quản Tông tòa Tp. HCM ký chấp thuận.
Ngày 17/08/1997 Đức Cha Phanxico X. Nguyễn Văn Sang, Giám mục Gp. Thái Bình cũng ký chấp thuận.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 136 | Tổng lượt truy cập: 4,163,056