1. Bài đọc năm 1: Is 7, 10-14
“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa phán bảo cùng vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao”. Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”.
Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít: Làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Đó là Lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh
Xướng:
1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.
3. Tin Mừng: Lc 1, 26-38
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
26 Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”
35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Đó là Lời Chúa.
4. Suy niệm:
Thiên Chúa luôn dành cho con người những điều tốt đẹp nhất, nhưng Ngài tôn trọng sự tự do của mỗi người, đón nhận hoặc từ chối. Và ngài thật nhân từ khi mở ra những cơ hội để chúng ta có thể gặp gỡ, thân thưa với Chúa những nỗi lòng của mình.
Hôm nay, chúng ta cùng suy gẫm về thái độ của Đức Maria khi đứng trước mầu nhiệm nhập thể.
Khi nghe sứ thần Gabriel báo tin rằng, Mẹ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, Maria đã hỏi lại“Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Câu hỏi này cho thấy Maria không vội vàng chấp nhận điều sứ thần nói mà không suy xét, nhưng trái lại, Mẹ muốn tìm kiếm sự hiểu biết sâu xa hơn. Quả thật, đây không phải là sự nghi ngờ nhưng là sự khôn ngoan mong muốn hiểu rõ ý định của Thiên Chúa, là câu hỏi phát xuất từ trái tim của một con người vừa đơn sơ, vừa khiêm nhường, vừa chân thành và đầy lòng tín thác.
Đức Maria đã thể hiện một thái độ mà chúng ta có thể học hỏi: Mẹ không ngần ngại đặt câu hỏi với Thiên Chúa khi đứng trước một điều khó hiểu, Mẹ không đón nhận điều “xảy ra thế nào được” cách thụ động nhưng với tâm tình kính trọng và tin tưởng của người nữ thấp hèn, Mẹ đi tìm thánh ý Thiên Chúa.
Sau khi nghe lời giải thích của sứ thần rằng mọi sự sẽ xảy ra nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Maria liền thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Lời “Xin Vâng” này không chỉ là một hành động vâng phục, nhưng đó còn là sự trao phó trọn vẹn cuộc đời của Mẹ vào tay Thiên Chúa, bất chấp mọi khó khăn, hiểu lầm hay đau khổ mà Mẹ có thể phải đối mặt. Đây quả là đỉnh cao của đức tin, là mẫu gương cho tất cả chúng ta khi đối diện với ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người.
Hai chi tiết trên bổ sung cho nhau: từ sự chất vấn đến hiểu rõ ý Chúa, Đức Maria đã dẫn đến một hành động tự do và ý thức khi thưa “Xin Vâng”. Điều này nhắc nhớ chúng ta rằng, đức tin không mâu thuẫn với lý trí; thay vào đó, nó là sự kết hợp hài hòa giữa sự phân định và tâm tình phó thác.
Trái ngược với thái độ của Đức Maria trước biến cố truyền tin, trong bài đọc 1, khi ngôn sứ Isaia nói với vua Akhap rằng, hãy xin một dấu lạ từ Đức Chúa, vua đã trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa”. Thoạt nhìn, lời nói này có vẻ như xuất phát từ thái dộ khiêm nhường, không muốn làm phiền Thiên Chúa, nhưng thực tế, đây đích thực là một cách trốn tránh trách nhiệm vì thiếu lòng tin. Nói cách khác, vua Akhap không xin dấu lạ, không phải vì ông tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình, nhưng là vì ông không thực sự muốn đặt cuộc đời và vương quốc của mình vào tay Thiên Chúa. Ông muốn cậy dựa vào liên minh chính trị với các cường quốc thời bấy giờ hơn là sự trợ giúp từ Thiên Chúa.
Thái độ của Đức Maria và vua Akhap nhắc nhở chúng ta về cách chúng ta đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc sống. Có khi nào chúng ta giống như vua Akhap, từ chối làm theo ý Chúa vì thiếu niềm tin hoặc sợ hãi phải thay đổi điều này điều kia không? Hay chúng ta đã học đòi nơi Đức Maria, biết đặt câu hỏi nhưng cuối cùng vẫn tin tưởng và phó thác đời mình cho Thiên Chúa?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con trung thành thực thi ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.
Ts. Lữ Khách, OP.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 452 | Tổng lượt truy cập: 5,972,193