NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA NGÀY CHÚA NHẬT PHỤC SINH
1. Nguồn gốc
Lễ Phục Sinh có nguồn gốc từ lễ Vượt qua của Do Thái Giáo. Người Kitô hữu nhận ra qua cái chết và sự phục sinh, Đức Giêsu hoàn thành những gì biến cố Xuất Hành đã biểu hiện trước, đó là giải phóng con người khỏi sự dữ và đưa họ vào cuộc sống mới. Lễ mừng Chúa Giêsu sống lại được cử hành vào mỗi ngày Chúa Nhật.
Kinh Thánh Tân Ước không có đoạn nào nói về lễ Phục Sinh của Kitô giáo. Lễ này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ hai công nguyên. Các Giáo hội Đông phương thuộc miền Tiểu Á như Êphêxô, Smyrne… theo sát với truyền thống Do Thái giáo, và họ mừng lễ Phục Sinh vào 14 tháng Nisan, cho dù ngày này rơi vào một ngày trong tuần chứ không bắt buộc phải là ngày Chúa nhật.
Ngược lại Giáo hội Tây phương tại Rôma, bên Palestine, Ai cập, Hy Lạp và xứ Gaule (Pháp) lại mừng lễ Phục Sinh vào ngày Chúa nhật vì Chúa Giêsu sống lại ngày Chúa Nhật. Ngày Chúa nhật này có thể rơi vào ngày 14 Nisan của Do Thái, hay là Chúa Nhật kế tiếp nếu như ngày 14 Nisan không là một ngày Chúa nhật. 1
Cuộc tranh cãi về việc mừng lễ Phục Sinh cũng như việc cử hành phụng vụ đa dạng tại các vùng khác nhau và nêu lên sự hiểu biết khác biệt về lễ Phục Sinh. Khi mừng lễ Phục Sinh vào ngày 14 Nisan, Giáo hội Đông Phương cũng mừng mầu nhiệm Đức Giêsu chết và sống lại, nhưng họ đánh dấu trọng tâm vào cái chết của Người, trong khi đó bên Tây Phương nhấn mạnh vào sự sống lại. Cuộc tranh luận suýt gây ra đổ vỡ giữa hai bên. Vào năm 192, Đức Giáo hoàng Victor quyết định dứt phép thông công các Giáo Hội miền Tiểu Á. Thánh Irênê can thiệp ôn hoà và Đức Giáo hoàng rút lại vạ tuyệt thông. Tại Công đồng Nicêa năm 325, các Giáo hội Kitô giáo đồng ý tách biệt lễ Vượt Qua Do Thái Giáo và lễ Phục Sinh Kitô giáo. Các nghị phụ chấp thuận mừng lễ Phục Sinh vào ngày Chúa nhật tiếp theo tuần trăng tròn (14 Nisan) sau ngày Phân xuân.
Lễ Phục Sinh thường được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Kitô giáo, thường diễn ra vào tháng 3 hoặc 4 mỗi năm để tưởng niệm sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu. Phục Sinh cũng được dùng để chỉ một mùa trong năm phụng vụ Công giáo gọi là Mùa Phục Sinh, kéo dài đúng 50 ngày, từ Chúa Nhật Phục Sinh đến Lễ Hiện Xuống.
Năm mươi ngày hoan lạc Phục Sinh của các tín hữu Kitô giáo dựa trên cách tính lễ Ngũ Tuần của người Do Thái. Nhưng theo cách tính của người Do Thái, thì lễ Ngũ Tuần là ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua, trong khi các tín hữu Kitô lại coi đó như là tuần lễ gồm hết 50 ngày. Mùa Phục Sinh bắt đầu với Chúa Nhật Phục Sinh, cũng là ngày cuối của Tam Nhật Vượt Qua và ngày đầu của bát nhật Phục Sinh hay tuần lễ áo trắng (in albis), để kết thúc vào ngày thứ 50, tức Chúa nhật VIII Phục sinh.
Nguồn tin: https://ngoiloivn.net
2. Ý nghĩa
Lễ Phục sinh là việc tưởng nhớ sự sống lại của Đức Kitô từ cõi chết. Lễ này được cử hành vào ngày Chúa Nhật vốn kết thúc Tuần Thánh và Mùa Chay. Chúa Nhật phục sinh là ngày bắt đầu Mùa Phục sinh của năm phụng vụ.
Như chúng ta biết từ các sách Tin Mừng, ngày thứ ba sau khi Đức Kitô bị đóng đinh vào thập giá, Ngài chỗi dạy từ cõi chết vào ngày Chúa Nhật. Sự phục sinh của Đức Kitô đánh dấu cuộc vinh thắng khải hoàn của Ngài trước sự dữ, tội lỗi và cái chết.
Từ đó Phục sinh diễn tả lời hứa của Thiên Chúa đã thành toàn cho cả nhân loại, đó là ngày lễ quan trọng nhất trong lịch phụng vụ Kitô giáo.
Trong các sách Tin mừng, những chi tiết minh thị về Phục sinh thuật lại rất ít, và có những chi tiết không ăn khớp lại xoay quanh một câu chuyện chính là Đức Giêsu đã phục sinh. Thực vậy, người ta tranh cãi rằng những chi tiết không ăn khớp ấy đơn thuần chỉ là những nguyên do văn chương, chứ không phải là bản chất của vấn đề. Mặc dù có những dữ kiện khác nhau ấy, nhưng khía cạnh chính yếu của câu chuyện phục sinh vẫn mạch lạc. Trên hết, người ta đồng ý với nhau thực sự về ngôi mộ trống của Đức Giêsu vốn là dữ kiện chính yếu nhất.
Dựa trên bằng chứng trực tiếp từ giữa thế kỷ thứ hai, người ta tin rằng Phục sinh thường được cử hành từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội.
Ngày Phục sinh có thể được chuyển dời và luôn rơi vào ngày Chúa Nhật giữa 22 tháng 3 và 25 tháng 4. Ngày Phục sinh của Giáo Hội Công Giáo Rôma luôn là ngày Chúa Nhật thứ nhất sau trăng rằm đầu tiên của mùa Xuân.
Hầu hết Người Công giáo tham dự lễ vọng đêm phục sinh, dù những nghi thức có thể kéo dài vì nhiều bí tích được cử hành trong thánh lễ, chẳng hạn như bí tích rửa tội, nghi thức người trưởng thành gia nhập đạo Công giáo. Nghi thức trong ngày Phục sinh thường ngắn ngọn hơn.
Nghi thức rạng sáng Chúa nhật Phục sinh thường được các anh em Tin Lành cử hành. Họ tề tựu trước bình minh hay rạng sáng Ngày Phục sinh để suy niệm về việc vài phụ nữ đến mộ Đức Giêsu vào tờ mờ sáng. Nghi thức này thường được cử hành trước nhà, trước sân nhà thờ, nơi nghĩa trang hoặc công viên, và họ cử hành cho tới khi mặt trời mọc hẳn.
Những hoạt động truyền thống của gia đình cũng khác nhau tùy vùng miền. Tại Hoa Kỳ, trẻ em thường đi tìm trứng Phục sinh, đó là những quả trứng đã chín với màu sắc rực rỡ, hoặc có thể là trứng nhựa với những thỏi kẹo hoặc đồng tiền nhỏ đính vào. Kẹo là món quà truyền thống trong ngày Phục sinh mà các trẻ nhỏ thường dùng trong những ngày chay tịnh của các em. Người lớn thường tặng cho nhau bó hoa, tấm thiệp và có thể cùng nhau dùng bữa trong gia đình. Tiếc là những dịp kỷ niệm ấy thường bị tục hóa và chỉ chú trọng vào trẻ em và gia đình hơn là chiều kích tôn giáo của ngày thánh này.
Sau Chúa nhật Phục sinh, Mùa Phục sinh bắt đầu và kết thúc sau đó bảy tuần, nhằm ngày Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Phạm Đình Ngọc SJ
Lược dịch: http://www.catholic.org
Nguồn tin: https://dongten.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 587 | Tổng lượt truy cập: 4,068,210