Nhân Ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 98: 20/10/2024

  • 20/10/2024 08:04
  • Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 98, được cử hành vào Chúa Nhật ngày 20/10 này với chủ đề là "Anh em hãy đi và mời tất cả mọi người vào dự tiệc” (x. Mt 22,9), sau khi quảng diễn các khía cạnh tinh thần, Đức Thánh Cha còn đặc biệt kêu gọi các tín hữu hỗ trợ các Hội Giáo Hoàng truyền giáo như một phương thức cụ thể đóng góp vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Các Hội này là gì, sứ mạng và hoạt động thế nào?

    ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Ngày Thế giới truyền giáo (20/10/2019)

    ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Ngày Thế giới truyền giáo (20/10/2019)  (ANSA)

    Thực vậy, trong phần cuối của Sứ điệp Ngày thế giới truyền giáo năm nay, Đức Thánh Cha nhắc nhở các giáo phận trên thế giới về sự phục vụ của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, như những phương thế hàng đầu để "truyền bá nơi các tín hữu, ngay từ tuổi nhỏ, một tinh thần thực sự là hoàn vũ và truyền giáo, cũng như để giúp lạc quyên tài trợ, giúp đỡ tất cả các xứ truyền giáo và theo các nhu cầu của các xứ thuộc miền này” (Ad gentes 39). Vì thế các cuộc lạc quyên vào Ngày Thế giới truyền giáo trong tất cả các Giáo Hội địa phương hoàn toàn dành cho Quỹ liên đới chung mà Hội truyền bá Đức tin, nhân danh Đức Giáo Hoàng, phân phát theo nhu cầu của các xứ truyền giáo của Giáo Hội”.

     4 Hội Giáo Hoàng Truyền giáo

     Hội truyền bá đức tin

     Đứng đầu trong 4 Hội Giáo Hoàng truyền giáo là Hội truyền bá đức tin do nữ chân phước Pauline Jaricot, một giáo dân người Pháp, chính thức thành lập ngày 3/5/1822, và chị đã được Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng, đại diện Đức Thánh Cha tôn phong chân phước hồi tháng 5/2022 tại Lyon, bên Pháp.

     Các ngân khoản quyên góp được trong tất cả các giáo phận trên thế giới được dùng để tài trợ thường lệ và ngoại thường cho 1.100 giáo phận tại các xứ truyền giáo, trong đó có Việt Nam, giúp đỡ các thừa sai, các giáo lý viên chuyên nghiệp và các giáo phận về những gì cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng. Một phần ngân khoản cũng được dùng để hỗ trợ Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và cả chi phí của các Tòa Sứ thần và Khâm Sứ Tòa Thánh ở các xứ truyền giáo.

    Hội thánh Phêrô Tông đồ

    Là một hội có mục đích đào tạo và nâng đỡ hàng giáo sĩ bản xứ. Từ thế kỷ XVI đến XIX, Giáo Hội vẫn thường lưu ý về vấn đề hàng giáo sĩ bản xứ. Các thừa sai tại bất kỳ nước nào đều xác tín rằng hoạt động của mình sẽ thiếu sót nếu không đạt tới việc thành lập một hàng giáo sĩ địa phương. Nhưng việc thực hiện này luôn gặp phải nhiều chướng ngại và khó khăn. Nhất là thiếu phương tiện tài chánh và nhân sự để thành lập các chủng viện để huấn luyện các chủng sinh. Để tìm giải pháp, các thừa sai tha thiết kêu gọi các ân nhân ở Âu Châu. Cụ thể là trường hợp Đức Cha Jules-Alphone Cousin, thuộc Hội thừa sai Paris, Đại diện tông tòa ở miền nam Nhật Bản, với trụ sở ở Nagasaki, đã phải đau lòng trả nhiều người trẻ có ơn gọi Linh Mục rõ ràng trở về gia đình. Ngài liên lạc với ân nhân ở Pháp qua một lá thư ngày 1/6/1889 gửi bà Jeanne Bigard (1859-1934) cùng với thân mẫu của bà. Điểm khởi hành của Hội Thánh Phêrô bắt đầu từ đó. Hai bà bắt đầu quyên góp để giúp đỡ các chủng sinh. Chẳng bao lâu sau, Hội do hai bà thành lập lan rộng sang các nơi ở Pháp và các nước Âu Châu. Năm 1922, Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng hội này lên hàng Hội Giáo Hoàng truyền giáo.

     Tài trợ

     Hiện nay, với các ngân khoản quyên góp được, đặc biệt vào dịp lễ Thánh Phêrô và Phaolô, Hội Giáo Hoàng Thánh Phêrô tông đồ tài trợ thường xuyên cho hơn 750 đại chủng viện và tiểu chủng viện tại các xứ truyền giáo, trong đó có cả Việt Nam. Ngoài ra, các tập viện của các dòng giáo phận cũng được trợ giúp.

     Riêng tại Roma, Bộ Loan báo Tin Mừng, qua hội Thánh Phêrô Tông Đồ, cấp học bổng cho khoảng 500 Linh Mục và chủng sinh: tại Trường truyền giáo, tức là Học viện Giáo Hoàng Urbano, khoảng 160 thầy; tại trường thánh Phêrô, 180 Linh Mục; trường Thánh Phaolô tông đồ, 190 Linh Mục; và Học viện Mẹ Giáo Hội, Mater Ecclesiae, dành cho các nữ tu ở Castel Gandolfo có 120 chỗ. Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng, cũng nhận được tài trợ của Hội Thánh Phêrô Tông Đồ.

    Hội Nhi đồng truyền giáo

    Cũng gọi là Hội Thánh Nhi, có mục đích giúp các trẻ em nhạy cảm đối với những nhu cầu của các trẻ em nghèo tại các nước. Hội này do Đức Cha Charles de Forbin-Janson, Giám Mục giáo phận Nancy bên Pháp, thành lập năm 1843. Hồi đó ngài tìm cách giúp đỡ các thừa sai ở Trung Hoa khi họ viết thư cho ngài xin giúp đỡ vật chất và tinh thần. Theo lời khuyên của Pauline Jaricot, người sáng lập Hội truyền bá đức tin 20 năm trước đó, Đức Cha thành lập một tổ chức từ thiện gồm các trẻ em giúp đỡ các trẻ đồng lứa ở các nước thuộc các xứ truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã phê chuẩn Hội này năm 1856 và Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng hội lên hàng Hội Giáo Hoàng truyền giáo vào năm 1922. Ngày nay Hội lan rộng sang 130 nước và hằng năm vẫn tổ chức các cuộc lạc quyên vào lễ Chúa Hiển Linh, ngày 6/1.

     Hội Liên hiệp truyền giáo

     Được thành lập ngày 31/10/1915 do sự gợi ý của Chân phước Linh Mục Paolo Manna, thuộc Hội Giáo Hoàng truyềm giáo hải ngoại Milano, gọi tắt là PIME, với mục đích linh hoạt và huấn luyện các tín hữu về tinh thần trách nhiệm truyền giáo, qua việc mục vụ của các Giám Mục và linh mục, theo khẩu hiệu "Toàn thể Giáo Hội cho toàn thế giới”.

     Hội này cũng đảm trách Trung Tâm Linh Hoạt truyền giáo, gọi tắt là Ciam, và mang tên chân phước Paolo Manna, vị sáng lập. Trung tâm được thành lập ngày 31/5/1974, theo vết Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 1984 với Tông huấn "Evangelii Nuntiandi” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

     Trung tâm Ciam tọa lạc trên đồi Giannicolo cạnh Trường Truyền Giáo. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục giáo phận Xuân Lộc từng làm Phó giám đốc lâu năm, rồi làm Giám đốc trung tâm này. Trung tâm tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho các Linh Mục, tu sĩ và giáo dân cũng như cho các thành viên ban lãnh đạo toàn quốc và giáo dân của các Hội giáo hoàng Truyền Giáo.

     Khác với 3 Hội Giáo Hoàng trên đây, Liên hiệp Truyền giáo không liên hệ gì đến vấn đề lạc quyên tài chánh, nhưng qui trọng tâm vào việc huấn luyện tinh thần truyền giáo.

     Vị phụ trách Hội Giáo Hoàng linh hoạt truyền giáo hiện nay là Cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, dòng Phanxicô Viện Tu.

     4 Hội giáo hoàng truyền giáo được đặt dưới quyền chủ tịch của một vị Tổng Giám Mục đồng Tổng Thư ký Bộ loan báo Tin Mừng, hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Emilio Nappa, và mỗi hội đều có một vị phụ trách riêng, trong tư cách là Tổng thư ký của Hội.

     Phân phối các khoản tài trợ

     Mỗi nước trên thế giới thường có các Hội Giáo Hoàng truyền giáo và có một vị Giám đốc toàn quốc được Bộ Loan báo Tin Mừng bổ nhiệm theo sự đề cử của Hội Đồng Giám Mục địa phương. Cha Giêrônimô Nguyễn Đình Công, giáo phận Xuân Lộc, hiện nay là Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ở Việt Nam.

     Hàng năm, các vị Giám đốc toàn quốc, đến từ 120 quốc gia, về Roma nhóm họp trong khoảng 6 ngày: những ngày đầu dành để đào sâu tinh thần và những vấn đề trong việc loan báo Tin Mừng. Những ngày còn lại là để phân phối và quyết định về các ngân khoản đã lạc quyên được ở mỗi nước. Các vị nhận được hồ sơ các đơn xin tài trợ từ các nơi gởi về Bộ Loan báo Tin Mừng, để cứu xét và cùng quyết định.

     Năm nay, khóa họp này đã diễn ra từ ngày 24/5 đến 31/5 tại "Nhà Huynh Đệ”, Fraterna Domus, ở Sacrofano, cách Roma 25 cây số. Trong số các tham dự viên cũng có Cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, Tổng Thư ký Liên hiệp Truyền giáo, một trong 4 Hội Giáo Hoàng truyền giáo, tiếp đến là Cha Giêrônimô Nguyễn Đình Công, giáo phận Xuân Lộc, Giám đốc toàn quốc Việt Nam của các hội này.

     Trong những ngày họp, các Linh Mục giám đốc trao đổi về những vấn đề quan trọng hiện tại và tương lai của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, tìm kiếm những phương thế mới để lạc quyên giúp các xứ truyền giáo, duyệt lại các qui chế, trao đổi khẩn trương hơn giữa các vị Giám đốc toàn quốc về những dự án cần được tài trợ ở các nơi trên thế giới, cụ thể là phân phối các ngân khoản quyên góp được trong năm qua.

     Gặp Đức Thánh Cha

     Sáng ngày 25/5, các tham dự viên đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Trong dịp này, ngài nhắc nhở mọi người rằng "Sứ mạng truyền giáo của các tín hữu Kitô không phải là thông truyền vài chân lý trừu tượng hoặc vài xác tín tôn giáo, nhưng trước tiên là giúp những người chúng ta gặp gỡ có thể cảm nghiệm cơ bản về tình thương của Thiên Chúa và họ có thể tìm thấy điều đó trong đời sống chúng ta và đời sống của Giáo Hội, nếu chúng ta là những nhân sáng ngời về tình thương ấy, phản ánh một tia sáng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi”.

     "Vì thế", Đức Thánh Cha nói, "tôi nhắn nhủ tất cả anh em hãy tiến triển trong linh đạo hiệp thông truyền giáo, là căn bản của hành trình đồng hành của Giáo Hội ngày nay... Thực vậy, sứ mạng của Giáo Hội nhắm mục đích loan báo và giúp mọi người sống tình "hiệp thông” mới mà nơi Con Thiên Chúa làm người đã đi vào trong lịch sử thế giới” (Praedicate Evangelium 1,4). Và chúng ta đừng quên rằng ơn gọi hiệp thông bao hàm một lối sống hiệp hành, hay đồng hành, nghĩa là: cùng đi, lắng nghe nhau và đối thoại. Điều này mở rộng con tim chúng ta và tạo nên nơi chúng ta một cái nhìn ngày càng bao quát...”.

     Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tinh thần sáng tạo cần có trong các hoạt động truyền giáo, nghĩ ra những cách thức luôn mới mẻ để loan báo Tin Mừng và phục vụ anh chị em, nhất là những người nghèo nhất. Ngài cũng kêu gọi các vị đặc trách việc loan báo Tin Mừng hãy kiên trì trong các dự tính và hành động. Ngài nói: "Anh em là những người điều hành các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, anh em tiếp xúc với bao nhiêu thực tại khác nhau, những hoàn cảnh và biến cố thuộc làn sóng lớn của đời sống Giáo Hội tại tất cả các đại lục. Vì thế, anh em có thể gặp phải nhiều thách đố, những hoàn cảnh phức tạp, nặng nề, và mệt mỏi xảy ra trong đời sống Giáo Hội: anh em đừng để mình bị nản chí! Hãy có cái nhìn, con tim và sự nhạy cảm nhận ra hoạt động của Thiên Chúa, kể cả giữa nhiều khó khăn, những ơn an ủi và chữa lành mà nhiều khi Chúa không để bị thiếu, hạt giống nhiều khi ta không nhận thấy nhưng có thể sinh ra sự thánh thiện âm thầm. Chúng ta hãy chú ý nhiều hơn tới những khía cạnh, và biết kiên nhẫn đương đầu với những tình trạng khó khăn, không trở thành tù nhân của sự ù lỳ bất động và thái độ buông xuôi từ bỏ”.

    G. Trần Đức Anh, O.P.

    Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/

    Bài viết liên quan