Những người được trao giải Nobel Hoà bình nói về tình Huynh đệ Nhân loại

  • 15/06/2023 15:24
  • Vatican News (15.6.2023) - Ông Muhammad Yunus được trao giải Nobel Hoa Bình năm 2006 nói: “Các tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Tất cả các tôn giáo cần phải làm việc để thúc đẩy tình huynh đệ. Chúng tôi mong chờ vai trò lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô theo hướng này”.

    2023.06.10 Il cardinale Gambetti a Not Alone

    Ngày 10/6/2023, lần đầu tiên Hội nghị về tình Huynh đệ Nhân loại với chủ đề “Not alone-Không đơn độc” (#notalone) đã diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô và 8 quảng trường khác trên thế giới.

    Trong dịp này, khoảng 30 người đã được trao giải Nobel Hòa bình và đại diện của một số tổ chức đã cùng với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, làm việc để đưa ra một tuyên bố chung về tình Huynh đệ Nhân loại.

    Dưới đây là một số suy tư và lời kêu gọi của những người đã tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế đầu tiên này.

    Thế giới đang đi sai đường

    Ông Muhammad Yunus tại Hội nghị

    Ông Muhammad Yunus tại Hội nghị

    Ông Muhammad Yunus, doanh nhân xã hội người Bangladesh, người vào năm  2006, cùng với Ngân hàng Grameen đã được trao giải Nobel Hoà bình vì những nỗ lực tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Thế giới, cho rằng thế giới đang đi sai đường.

    Ông nói với Vatican News: “Cần phải có ai đó lên tiếng để chúng ta biết rằng chúng ta đang đi sai đường. Chúng ta cần phải thiết kế lại và thay đổi đích đến, nhằm mang lại hòa bình và tạo ra một thế giới mới thay cho thế giới hiện nay”.

    Lời kêu gọi mọi người lên tiếng của ông đã được lặp lại trong Tuyên bố cuối cùng: “Chúng tôi muốn nhân danh tình huynh đệ để hét lên với thế giới rằng: Đừng bao giờ có chiến tranh nữa! Chính hòa bình, công lý, và bình đẳng sẽ định hướng vận mệnh của toàn thể nhân loại. Không còn sợ hãi, bạo lực gia đình và tình dục! Hãy chấm dứt xung đột vũ trang. Hãy ngừng vũ khí hạt nhân và bom mìn. Không còn những cuộc di cư cưỡng bức, thanh trừng sắc tộc, chế độ độc tài, tham nhũng và nô lệ. Hãy ngừng thao túng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), hãy đặt tình huynh đệ lên trên sự phát triển công nghệ, để công nghệ có thể thấm nhuần tình huynh đệ”.

    Vai trò của tôn giáo

    Khi được hỏi làm thế nào để tìm ra điểm chung trong một thế giới có quá nhiều lợi ích cạnh tranh, ông Yunus cho biết cuộc Gặp gỡ Thế giới là cơ hội để đưa ra các vấn đề để tranh luận. Ông nói cần phải tự hỏi chính mình “Chúng ta có muốn tiếp tục theo đuổi con đường mà chúng ta đang đi không. Đó là một con đường tự sát, trong hành trình này, chúng ta sẽ trở thành một loại khủng long biến mất khỏi hành tinh này”.

    Ông lặp lại: “Đây là một con đường sai lầm. Chúng ta phải thiết kế lại. Chúng ta phải suy nghĩ lại và đi theo một hướng khác. Vatican có một vai trò rất rõ ràng trong vấn đề này. Các tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Tất cả các tôn giáo cần phải làm việc để thúc đẩy tình huynh đệ. Chúng tôi mong chờ vai trò lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô theo hướng này”.

    Gặp gỡ tình Huynh đệ Nhân loại

    Gặp gỡ tình Huynh đệ Nhân loại

    Bổn phận hỗ trợ và làm việc cho tình huynh đệ nhân loại

    Cũng tham gia vào các sự kiện ngày thứ Bảy còn có nhà báo và nhà hoạt động Tawakkol Karman, người vào năm 2011 đã trở thành người Yemen đầu tiên nhận giải Nobel Hoà bình cùng với bà Leymah Gbowee và bà Ellen Johnson Sirleaf “vì cuộc đấu tranh bất bạo động vì sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ vào công việc xây dựng hòa bình”.

    Bà nói với Vatican News: “Bổn phận của chúng tôi là hỗ trợ và làm việc cho tình huynh đệ nhân loại, và đây là lý do tại sao chúng tôi tụ họp ở đây cho Ngày tình Huynh đệ Nhân loại. Tôi thích khẩu hiệu của tình huynh đệ, chúng ta phải mang lại một ý nghĩa khác cho hòa bình, nghĩa là ở bên nhau, làm việc với nhau, hỗ trợ nhau”.

    Nói riêng về vai trò của các nhà báo, bà giải thích: “Với tư cách là những người bảo vệ nhân quyền, với tư cách là một nhà báo, chúng tôi có trách nhiệm phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa cho những người dân đang phải sống dưới chế độ đàn áp, độc tài. Đây cũng là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Đức Thánh Cha Phanxicô, và của tất cả những người tự đặt mình vào một vai trò này, truyền bá ý nghĩa và các giá trị này. Điều đó có nghĩa là không trao bất kỳ tính hợp pháp nào cho các chế độ chuyên chế chia rẽ xã hội, giết chết xã hội. Vì vậy, đây là công việc của chúng tôi”.

    Hỗ trợ những người đấu tranh cho tự do và công lý

    Bà nói tiếp, Ngày Thế giới tình Huynh đệ Nhân loại là một cuộc tụ họp rất ý nghĩa để tập trung vào các vấn đề rất quan trọng đang tấn công gia đình nhân loại. Đó không chỉ là lan truyền sứ điệp, nhưng còn là khuếch đại sứ điệp.

    Theo bà trong một thế giới đang phải chịu đựng những xung đột, phân biệt chủng tộc, chiến tranh, độc tài, điều rất quan trọng là chúng ta phải hỗ trợ những người đang hy sinh, đấu tranh cho tự do, cho công lý, dân chủ, cho hòa bình, chứ không phải những nhà lãnh đạo đang tấn công những giá trị này.

    Tình huynh đệ là cách duy nhất để chia sẻ hạnh phúc

    Bác sĩ Denis Mukwege

    Bác sĩ Denis Mukwege

    Bác sĩ người Congo Denis Mukwege, người được trao giải Nobel Hoà bình năm 2018 nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng tình huynh đệ nhân loại trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn và chung sống hạnh phúc với nhau. Ông tin rằng tình huynh đệ là cách duy nhất để sống mà không có xung đột trên thế giới.

    Đối với bác sĩ Mukwege, chủ đề tình Huynh đệ Nhân loại có tầm quan trọng nền tảng, bởi vì thế giới vẫn phải chịu những chia rẽ, hậu quả của tính ích kỷ, chủ nghĩa vật chất và cá nhân. Do đó, điều quan trọng cần nhớ là chính nhờ tình huynh đệ mà “chúng ta có thể xây dựng một thế giới công bằng, một thế giới nơi cuộc sống tốt đẹp, một thế giới mà tất cả chúng ta đều có vị trí của mình như anh chị em”. Ông nói, vì chúng ta là một nhân loại, nên chúng ta cũng phải cùng nhau chia sẻ không gian, trái đất nơi chúng ta đang sống.

    Thiếu tình huynh đệ khiến người ta trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác

    Nói về đất nước Cộng hòa Dân chủ Congo của mình, cụ thể là số phận ở miền đông đất nước đã phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ, nhà hoạt động nhân quyền ghi nhận sự thiếu vắng tình huynh đệ này. Ông nhắc lại, trong ba thập kỷ qua, người dân Congo đã phải chịu đựng “những cuộc chiến xâm lược nơi phụ nữ, cơ thể phụ nữ bị sử dụng như một chiến trường, hàng triệu người chết và hàng trăm nghìn phụ nữ bị hãm hiếp. Vì thiếu tình huynh đệ, thay vì nhìn thẳng vào sự thật mọi người quay mặt đi”.

    Đối với người nhận giải Nobel người Congo, địa ngục mà đồng bào của ông đang phải tiếp tục trải qua là do việc khai thác khoáng chất bất hợp pháp và chủ nghĩa tiêu thụ một cách không kiềm chế của nước ngoài. Ông nói, trong một thế giới mà mọi người coi nhau như anh chị em, chúng ta không thể bỏ mặc một dân tộc đau khổ trong suốt ba thập niên “chỉ vì phương Tây cần đất hiếm của Cộng hòa Dân chủ Congo để phục vụ cho sự tiện nghi của họ, đó là điện thoại, máy tính, mọi thứ điện tử. Ngày nay chúng ta biết những thứ này được tạo ra nhờ các khoáng chất được tìm thấy ở Congo”. Bác sĩ Mukwege cho rằng có thể khai thác sự giàu có của Congo “mà không làm cho người Congo phải đau khổ”. Ông lấy làm tiếc vì thiếu tình huynh đệ mà người ta trở nên vô cảm trước những gì người khác phải chịu đựng.

    Tiếp tục hy vọng và hành động

    Bác sĩ Mukwege nghĩ rằng vượt lên trên tất cả những xung đột và đau khổ đã gây ra, chúng ta phải tiếp tục hy vọng và hành động. Thái độ tồi tệ nhất là khoanh tay và cam chịu. Mọi người phải chịu trách nhiệm và làm tất cả trong khả năng của mình. Ông nói: “Và chúng tôi, gồm cả người nhận giải Nobel, tại Roma, dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha, sẽ thực hiện phần việc của mình”. Ông mời gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới và tất cả các dân tộc nắm bắt cơ hội này để góp phần của mình để tình huynh đệ này trở thành hiện thực.

    Bác sĩ kết luận: “Cho ngày hôm nay, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ nhận được phản hồi tích cực từ các nhà lãnh đạo trên thế giới, nơi mọi người sẽ nhận trách nhiệm biến tình huynh đệ nhân loại này thành hiện thực trong lĩnh vực quyền lực.”

    Ông Juan Manuel Santos

    Ông Juan Manuel Santos

    Mọi cuộc xung đột đều có thể giải quyết

    Đối với ông Juan Manuel Santos, tổng thống Colombia từ năm 2010 đến năm 2018, và được trao giải Nobel Hòa bình năm 2016 vì những nỗ lực vượt qua cuộc nội chiến ở đất nước, thì việc tìm kiếm hoà bình và khắc phục những xung đột mà nhân loại đang trải qua phải bắt đầu bằng việc thúc đẩy “các cuộc đối thoại mang tính hợp đồng”.

    Trả lời phỏng vấn ông bày tỏ hy vọng cuộc gặp gỡ giữa những người được trao giải Nobel và các đại diện của khoa học, văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo, sẽ thúc đẩy “các nhà lãnh đạo thế giới ở các quốc gia, thay vì tranh giành quyền lực, thì ngồi xuống để nói chuyện và hợp tác vì đó là cách duy nhất để giải quyết những vấn đề tồn tại này”.

    Và ông cho rằng điều quan trọng là đảm nhận lời kêu gọi xây dựng hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông nói: “Các bài viết của Đức Thánh Cha về hòa bình với thiên nhiên, với môi trường, vào thời điểm khi chúng ta đang thấy rằng trên thế giới, biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều hơn và tàn phá hơn nữa, tôi nghĩ lời kêu gọi của ngài đặc biệt quan trọng".

    Đề cập đến thông điệp hoà bình, từ kinh nghiệm trong các tiến trình hòa bình ở Colombia, ông nói: “Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng không có xung đột nào là không thể giải quyết được và tôi tin rằng với tâm thức đó, chúng ta có thể giải quyết nhiều xung đột, trong số rất nhiều xung đột đang tồn tại trên thế giới”.

    Khi được hỏi về Thượng Hội đồng của Giáo hội Công giáo, ông cho rằng đó là một cơ hội khác để Giáo hội thúc đẩy “đối thoại mang tính xây dựng”, và giải thích rằng: “bằng việc đối thoại mang tính xây dựng, tôi có thể ngồi xuống không phải để áp đặt quan điểm nhưng ngược lại để học hỏi từ người khác, đó là những gì thế giới đang cần.”

    Ngọc Yến

    Nguồn tin:  https://www.vaticannews.va/vi/

    Bài viết liên quan