Không thể phủ nhận rằng trong Giáo hội, phụ nữ ở các nước thuộc Thế giới Thứ Ba[1] tìm thấy một cơ hội rất quan trọng để được đào tạo và chuẩn bị chuyên môn, điều vốn là duy nhất ở nhiều nơi. Hiển nhiên, cơ hội này cũng dành cho những ai chọn sống đời dâng hiến, một lựa chọn thường đến thông qua các trường mà họ theo học, do các nữ tu quản lý. Việc tiếp cận giáo dục là một cơ hội quan trọng; thậm chí có thể coi đó như một đòi hỏi trong sứ mệnh là phụ nữ.
Việc học sẽ giúp các nữ tu phục vụ tốt hơn. Ảnh: Pinterest.com
Điều này càng đúng hơn đối với các nữ tu được mời gọi để phục vụ trên khắp thế giới, những người có quyền và nghĩa vụ được đào tạo bài bản, được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm nhiệm sứ vụ mà họ được giao phó. Tuy vậy, tiếc thay, việc chuẩn bị về học vấn cho các nữ tu rõ ràng là chưa thỏa đáng. Chỉ với ba năm huấn luyện về đời sống thánh hiến, và đối với nhiều nữ tu, việc học dừng lại ở đó, rõ ràng đích đến của họ sẽ là các công việc nội trợ và lao động vất vả.
Cũng có những nữ tu tìm cách tiếp tục việc học của mình nhờ các quỹ học bổng và có những nữ tu hoàn thiện việc học của họ, thường là ở Rôma. Nhóm nữ tu sau có thể được chia thành hai dạng: Dạng những sơ được nhận học bổng và được các trường cao đẳng liên thông đại học tiếp nhận; và dạng những sơ có Nhà Mẹ ở phương Tây và được gửi đi học ở đó. Nhìn chung, dạng sau (có Nhà Mẹ) thường có trách nhiệm vừa nghiên cứu và tham gia các khóa học mà không được tạm ngưng các phận vụ trong cộng đoàn, đó thường là các công việc tay chân mà Hội dòng vẫn giao cho họ. Tuy nhiên, nhìn chung, các sơ được dành quá ít thời gian để chuẩn bị cho việc học, không kể đến thời gian cần thiết để học ngoại ngữ sẽ được dùng trong việc học và để làm quen với các môn học mới cũng như các phương pháp học tập mới. Thay vào đó, thời gian này thường được dành cho các linh mục và chủng sinh, những người không bao giờ phải làm việc nhà. Về bản chất, chương trình học này thường thua kém hơn so với các chương trình học dành cho nam giới, như thể việc giáo dục cho nữ giới là một vấn đề thứ yếu và không bắt buộc.
Ngày nay, thời thế đã thay đổi, và nữ giới cũng mong muốn nắm giữ các vị trí lãnh đạo như nam giới, vì họ biết rằng họ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Các nữ tu sống trong cộng đoàn cần phải có thời gian để học tập và được tự do lên các chương trình hoặc kế hoạch, vì học tập là thời gian chuẩn bị cho sứ mạng phục vụ Giáo hội. Càng có nhiều nữ tu được chuẩn bị đàng hoàng thì họ càng có thể phục vụ tốt hơn. Tôi thấy rõ ràng ba năm đào tạo cho đời sống thánh hiến là chưa đủ và không thể đủ để hiểu sứ mạng phục vụ của Giáo hội là gì, nó nên được thực hiện như thế nào và tại sao phải làm như vậy.
Ưu tiên của chúng ta không phải là để lấp đầy các vị trí, mà là đào tạo những người có khả năng cống hiến hết năng lực của mình, bởi vì bạn không thể cho người khác những gì bạn không có, như một câu thành ngữ của người Ý nói rằng: “Thùng rượu chỉ cho ra những gì mà nó có”. Những người sống đời thánh hiến phải được dành thời gian và phương tiện để học tập tốt, để họ có thể hiểu biết về bản thân và nâng cao lòng tự trọng của họ, để có thể cảm kích những phẩm chất tốt đẹp nơi người khác, để tự đòi hỏi bản thân trước khi đòi hỏi người khác, để trở nên vừa khách quan vừa thấu hiểu. Người nữ tu không hiểu biết về bản thân đủ hoặc thiếu lòng tự trọng thường sống dưới nỗi ám ảnh của sự sợ hãi: sợ không biết mình, sợ trách nhiệm và sợ tự do của người khác. Nói tóm lại, đó là nỗi sợ hãi về bản thân và sự trống rỗng nội tâm của họ. Sự bất an cá nhân này không giúp ích gì cho người nữ tu trong việc tông đồ mà ngược lại, nó khiến họ nhiều lúc xử sự cách cứng nhắc, cay nghiệt, cố chấp, nghiêm khắc và thiếu linh động với người khác.
Những điều này ai cũng biết, nhưng tôi nhắc lại vì quá nhiều lần việc học của các nữ tu bị coi là lãng phí thời gian, như thể việc học hành nhiều sẽ khiến các sơ sẽ mất đi cảm thức về đức vâng phục và khiêm nhường. Thật đáng tiếc, đây vẫn là quan điểm của nhiều người khi nghĩ về các sơ được đi học; bởi họ cho rằng sau khi học xong, các sơ sẽ bị đau đầu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hạn hẹp của mình, tôi có thể nói rằng việc học đã giúp tôi hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của việc phục vụ, cũng như hiểu được những khó khăn của người khác. Vì thế, tôi rất biết ơn Bề trên của tôi, người đã cho tôi cơ hội được học hành. Người ta không thể đề cao quá mức dung mạo của Chúa Giêsu – người phục vụ, mà quên mất chính Chúa Giêsu cũng là vị Thầy giảng dạy trong đền thờ. Điều này để nói rằng có những sứ vụ được gọi là hoạt động tông đồ trí thức.
Trên hết, chúng ta hãy xin Mẹ Giáo Hội mạnh dạn thực hiện cam kết trong việc đào tạo các nữ tu, để các sơ có khả năng đưa ra những lựa chọn triệt để vì Chúa Kitô và cho phẩm giá của người phụ nữ. Chúng ta cần đào tạo những nữ tu trở thành những người đấu tranh, những người có dũng khí để phản đối và dám nói không với những gì phản giá trị [2], khiến phụ nữ bị coi thường cũng như hạ thấp đi ý nghĩa và giá trị của đời sống thánh hiến. Giáo Hội cần các nữ tu có thể hoạt động trong lĩnh vực tri thức ở mọi cấp độ để tái khám phá giá trị đích thực của việc phục vụ.
MJ. Phạm Huệ, OMSC
Chuyển ngữ từ: osservatoreromano.va
Nguồn tin: dongten.net
[1] ‘Thế giới thứ ba’ là thuật ngữ dùng để chỉ các quốc gia yếu hơn về kinh tế, thường thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, có tỷ lệ nghèo cao và kinh tế không ổn định. Các nước thuộc thế giới thứ ba thường bao gồm các nước đang phát triển ở Châu Á và Châu Phi.
[2] Phản giá trị: những giá trị xấu về bản chất như: sự thống trị, trả thù, bạo dâm, tư tưởng, ý thức hệ, sự khắt khe và độc quyền.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 496 | Tổng lượt truy cập: 4,162,627