Suy niệm Tin mừng thứ Sáu - Sau lễ Chúa Hiển Linh (Lc 5,12-16)

  • 15/01/2023 18:39
  • “Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: Tôi muốn, anh hãy được sạch”. (Lc 5,13)

    Tin Mừng : Lc 5, 12-16

    Khi ấy, Ðức Giêsu đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 
    Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

     

    Suy niệm: Chúa Giêsu tỏ mình ra là một Thiên Chúa quyền năng

    Phụng vụ lời Chúa hôm nay, đặc biệt là Bài Tin Mừng, vẫn tiếp tục khai triển đề tài Chúa tỏ mình ra. Thực vậy, qua đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã tỏ ra rằng, Ngài là một Thiên Chúa quyền năng.

    Thánh Sử Luca đã ghi lại việc tỏ mình ra này của Chúa Giêsu qua câu truyện một người phong cùi đến xin Chúa chữa cho anh được lành sạch.

    Thánh Sử ghi : “Người giơ tay chạm đến người ấy và nói : Ta muốn hãy nên sạch trơn. Lập tức người ấy khỏi phong cùi.”

    Rõ ràng là ở đây, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho thấy quyền năng của Ngài, Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu và sai đến với nhân loại. Bởi chỉ bằng một ý muốn, một lời nói, Ngài đã có thể chữa lành người phong cùi.

    Nhưng Đấng quyền năng ấy, lại là một Thiên Chúa của tình thương. Bản chất yêu thương của Ngài, đã khiến Ngài muốn nhận lấy thân phận của người mà Ngài yêu, vì thế mà Ngài đã giơ tay chạm đến người phong cùi. 

    Như chúng ta biết, theo luật Do Thái, những người phong cùi phải sống xa các thành phố, và khi đi đâu, trên đường đi, những người này luôn phải lớn tiếng kêu lên rằng : "Nhơ uế, nhơ uế” để cho những người khác biết mà tránh xa. Người nào mà tiếp xúc với những người này, xét theo luật, đã trở thành những người đồng số phận với họ rồi.

    Hẳn là Chúa Giêsu đã thừa biết những luật lệ này. Thế nhưng Ngài cũng đã vẫn giơ tay chạm đến người phong cùi. Việc làm ấy muốn nói lên ý định của Ngài là Ngài muốn gánh lấy số phận của con người tội lỗi, hầu lấy lại địa cị cho con người trước mặt Thiên Chúa.

    Bởi đó có thể nói, việc làm trên đây của Chúa Giêsu, là một thể hiện cho việc nhập thể của Ngài. Việc nhập thể đó không chỉ dừng lại ở những việc như thế mà thôi, mà còn đi xa hơn nữa và đã đi tới cùng, đó là Thập Giá.

    Như thế, ngoài việc tỏ mình ra là một Thiên Chúa quyền năng, qua việc chưa lành người phong cùi ở đây, Chúa Giêsu còn tỏ ra cho thấy, Ngài là một Thiên Chúa giầu lòng thương xót. Lòng thương xót đã khiến Ngài lấy máu của Ngài để minh chứng tình yêu của Ngài đối với những ai tin vào Ngài.

    Là những nguời được hưởng lòng thương xót của Chúa cách nhưng không, đến lần chúng ta, chúng ta phải đem ban phát tình thương cho những anh chị em chung quanh chúng ta, bằng xách chia sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau.

    Thập Giá mà mỗi người chúng ta phải vác, sẽ nhẹ đi biết bao, khi mà chúng ta biết bắt chước Chúa Giêsu, giơ tay ra chạm đến người phong cùi.

    Và để được như thế, điều mà chúng ta  cần luôn ý thức là, chúng ta phải là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu. Nói khác đi, chúng ta phải là dấu chỉ của Ngài.

    Nguồn tin: http://giaophanthaibinh.org

    Bài viết liên quan