1. Bài đọc 1: Cv 18, 9-18
“Trong thành này, Ta có một dân đông đảo“.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
(Khi Phaolô đang ở Côrintô), một đêm kia, Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị kiến rằng: “Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo”. Phaolô ở lại đó một năm sáu tháng mà giảng dạy lời Chúa cho họ.
(Ðến) thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: “Người này xui dân tôn thờ Thiên Chúa trái luật”. Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng: “Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy”. Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế.
Đó là Lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 46, 2-3. 4-5. 6-7
Đáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).
Xướng:
1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối cao, khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian.
2) Người bắt các dân tùng phục chúng tôi, và đặt chư quốc dưới chân chúng tôi. Người đã chọn cho chúng tôi phần gia sản, vinh dự của Giacob mà Người sủng ái.
3) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta.
3. Tin Mừng: Ga 16, 20-23
"Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
21Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.
22Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.
23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.
Đó là Lời Chúa.
4. Suy niệm: Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
Hành trình theo Thầy Giê-su là một hành trình không dễ dàng. Việc phải đối diện với những ưu sầu và đau khổ cuộc sống, là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết đón nhận những trái ý, những nỗi khó khăn bất lợi với niềm xác tín rằng, Chúa luôn hiện diện và đồng hành nâng đỡ mỗi người chúng ta, thì đó lại trở nên nguồn hy vọng và niềm vui cho chúng ta.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cảnh tỉnh các môn đệ rằng các ông sẽ phải khóc lóc và than van. Nhưng ngay sau đó, Đức Giê-su đã nói lời tiên báo như một sự bảo đảm chắc chắn cho các môn đệ và cũng là cho mỗi người chúng ta rằng: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”
Trong cuộc sống, ít nhiều chúng ta cũng có được kinh nghiệm giống như các tông đồ xưa kia đã trải qua: khi Chúa Giê-su bị bắt, các ông chạy tán loạn; khi Chúa bị treo trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê, một số khác thì chán nản quay trở lại làm nghề cũ. Tuy nhiên, khi gặp được Chúa Giê-su phục sinh, các tông đồ đã hân hoan vui mừng, các ông đã can đảm ra đi loan báo Tin mừng Chúa đã phục sinh cho muôn người, bất chấp những khó khăn, đau khổ đang bủa vây phía trước.
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy đối diện những biến cố của cuộc sống này với cái nhìn đức tin. Quả thật, chỉ trong đức tin, chúng ta mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh: chính Chúa Giê-su đã bày tỏ tình yêu của Người ngang qua mầu nhiệm đau khổ. Kitô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ, nhưng dùng sự khổ đau để diễn tả một tình yêu thẳm sâu đối với nhân loại. Nói cách khác, “qua thập giá tới vinh quang” như một chân lý bất biến. Và niềm vui chỉ thật sự trọn vẹn khi mỗi người chúng ta được tôi luyện hay kinh qua những bước đường mà Chúa Giê-su đã đi.
Quả thật, niềm vui cao quý nhất dành cho những ai tin theo Đức Giêsu chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Đức Giêsu và hưởng niềm vui Phục sinh trong Nước trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được, như thánh Phaolô từng nói: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18).
Ước chi nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sự sống của Chúa Ki-tô phục sinh luôn được thể hiện cách cụ thể và chân thành nơi cuộc đời của mỗi người anh em chúng ta. Amen.
Ts. Lữ Khách, OP.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 47 | Tổng lượt truy cập: 4,165,242