Suy niệm Tin mừng thứ Sáu - Tuần 1 - Thường niên (Mc 2, 1-12)

  • 15/01/2023 18:39
  • "Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội dưới đất" (Mc 2, 10)

    LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN I THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN (12/01/2018) – (Mc 2, 1-12)

     

    1.  Tin Mừng: Mc 2, 1-12

    Vài ngày sau, Đức Giêsu trở lại thành Caphácnaum. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giêsu bảo người bại liệt,- Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

     

    2.  Suy niệm:  Con Người có quyền tha tội

    Chúa Giêsu âm thầm – có lẽ đi ban đêm – vào thành Capharnaum là thành nằm sát ven biển Galilê. Chúa không thể  đi vào công khai nữa (Mc 1,45). Mặc dù âm thầm. Nhưng dân chúng cũng biết được và họ kéo đến đông đặc chật ních một ngôi nhà – có lẽ là của thánh Phêrô. Dân chúng đông đảo đến chật nhà và ngoài sân đến nỗi vào gần cửa chính cũng không được (c.2).

    Ít ra ở đây chúng ta thấy dân chúng khao khát nghe lời Chúa giảng dạy vì dù ngày đó không phải là ngày Sabat, không phải là ngày buộc phải nghe giảng dạy Kinh thánh. Dĩ nhiên cũng có những người đến đó vì tò mò hay vì bệnh tật. Trong những bệnh nhân người ta khiêng đến một người bất toại. Họ tìm đủ cách để gặp được Chúa. Nhưng làm sao được, dân chúng bu quanh chật ních, người khỏe còn chưa chen vào nổi cửa chính huống chi là bệnh nhân bất toại. Họ tìm đủ cách để gặp được Chúa. Nhưng làm sao được. Dân chúng bu quanh chật ních, người khỏe còn chưa chen vào nổi cửa chính huống chi là bệnh nhân bất toại. Cho nên thân nhân họ nghĩ ra cách là đem bệnh nhân lên mái nhà để rồi thòng dây thả xuống cho mau kẻo Chúa lại ra đi vội vã như những lần trước thì mất dịp may hiếm có.

    Người Do thái ở Palestin cho tới nay vẫn làm mái nhà bằng phần nào như kiểu đúc bêtông của chúng ta bây giờ. Họ thường đem phơi đồ ăn trên đó và có thể lên chơi được vì họ làm bằng một loại đất sét đặc biệt chịu đựng mưa nắng và dĩ nhiên cũng có đà gỗ để giữ mái đó. Dù sao thì việc rỡ mái trên sân thượng đây cũng nói lên lòng tin mạnh mẽ của chính bệnh nhân và gia tộc, vì chắc chắn họ sẽ phải đền. Nhưng họ tin chắc họ sẽ được gặp Chúa là được khỏi bệnh, còn chuyện đền thì dễ dàng. Nhưng khi gặp Chúa, thì Ngài có chữa bệnh ngay đâu. Chúa nói trước “này con tội lỗi con được tha” (c.5)

    Chúng ta nên biết quan niệm của người Do thái cho rằng ai mang bệnh tật đều là người có nhiều tội, cho nên mới bị phạt ra bên ngoài bằng bệnh tật như thế. Chính ngay các môn đệ cũng nặng một óc “đổ thừa” như vậy. Một hôm, các môn đệ hỏi xem tội người mù lúc bẩm sinh là do tội của ai, của “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” (Ez 18), hay là của riêng tội hắn. Chúa Giêsu đã xác định rõ ràng bệnh tật như thế là để làm vinh danh Thiên Chúa (Gio 9,12). Tiên tri Gionathan xưa cũng cho rằng bệnh tật là do 7 thứ này: vu oan, vu khống, đổ máu kiêu ngạo, ghen tỵ, cướp giật, gian dâm. Quan niệm này đúng với người xưa “có tội mới chết”, “có lỗi mới khổ”.

    Hôm nay đây, Chúa muốn chúng ta thấy tội lỗi và bệnh tật là hai vấn đề riêng biệt không có tương quan với nhau. Dĩ nhiên có người có bệnh mà có tội và có những người có bệnh mà không có tội. Cho nên khi Chúa nói “tội lỗi con được tha” (c.5) là Chúa muốn nhắm tới tâm hồn trước. Chúa muốn nhấn mạnh đến sức khỏe của linh hồn trước đã.

    Còn một chi tiết nữa là Chúa muốn minh chứng Ngài là Thiên Chúa. Đấng có quyền tha tội. Ở đây chúng ta thấy Chúa đã tha tội mà không nhân danh ai cả. Chúng ta còn nhớ hồi xưa, tiên tri Nathan đã phải nhân danh Giavê để tha tội cho David (Sm 12,13). Còn ở đây, Chúa nhân danh chính Chúa. Giữa lúc ấy có những luật sĩ ngồi bên, họ đến đây không phải để nghe Kinh thánh, cũng không phải để hiểu lời Chúa, nhưng là để bắt bẻ Chúa những chỗ sơ hở lỗi lầm. Cho nên khi nghe thấy Chúa tha tội thì họ nổi sùng trong bụng, vì họ biết rằng: chỉ có Thiên Chúa mới tha tội được. Dù tư tưởng họ mới nhem nhúm trong lòng mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã biết được họ nghĩ gì. Chúa đi guốc trong bụng là thế. Đó cũng là cách minh chứng Chúa là Thiên Chúa, Đấng thấu suốt nơi kín nhiệm (Mt 6)

    Biết như thế Chúa liền đặt ra hai vấn nạn, nói rằng: “Tội lỗi con được tha hay vác chõng mà về (c.9) đàng nào dễ hơn. Tội lỗi được tha là do lòng tốt của Thiên Chúa. Vác chõng mà đi là do quyền năng cùng Thiên Chúa. Cả hai cách đó đối với con người nhân loại đều bất lực. Bất lực hoàn toàn. Tuy nhiên, tha tội mà không được khỏi bệnh thì người Do thái chưa tin mà khỏi bệnh không thôi thì phàm tục quá. Cho nên để giải quyết vấn đề, Chúa làm cả hai: tha tội, và bảo “Hãy vác chõng mà về” (c.11)

    Đây là một hành vi của Thiên Chúa toàn năng đầy thương xót cả hồn lẫn xác

    Nguồn tin: http://giaophanthaibinh.org

     

    Bài viết liên quan