Thân xác: Giữa tôn vinh và khinh thị

  • 20/04/2022 20:25
  • WHĐ (19.4.2022) - Thân xác là khí cụ để cho tôi hiện diện với thế giới, nhưng sự hiện diện ấy không chỉ là của một đồ vật, mà đã thuộc trật tự tâm linh.

     

    THÂN XÁC

    GIỮA TÔN VINH VÀ KHINH THỊ

    Lữ Y Nguyễn

    I. Suy tư nhân học

    - Nhiều người vẫn còn nghĩ lầm rằng Giáo hội trong quá khứ đã không hiểu hay xem thường thân xác con người, đặc biệt thường trấn áp những gì liên quan đến một chiều kích quan trọng của con người: tính dục. Họ kết án Giáo hội đã khinh chê “xác thịt” coi đó là dịp tội: đưa ra quá nhiều cấm kỵ về chủ đề ấy, và không biết đến giá trị tích cực của khoái cảm và vai trò quan trọng hình thành nhân vị của nó.

    - Đối với xã hội hôm nay thì sao? - Thân xác đã lên ngôi. Có lẽ để phản ứng ngược lại và cũng vì luân lý kitô giáo không còn thống trị ở phương tây nữa, xã hội hôm nay lại tôn vinh đến phát ngán hình ảnh thân xác, đặc biệt qua các phương tiện truyền thông đại chúng những hình ảnh thân xác đẹp, trẻ trung, hừng hực, gợi thèm muốn được triển lãm, ca tụng, quảng cáo. Một xác thân thèm muốn và gợi thèm muốn! Tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều lý thuyết và kỹ thuật nhằm đến đối tượng là thân xác nhưng tìm cách phát huy hay khôi phục lại sự thống nhất hài hòa thân xác và tinh thần. Có thể thấy điều đó nơi các nghệ thuật múa hiện đại, yoga, võ thuật… Tất cả mọi nguồn mạch còn ẩn dấu trong thân xác con người đang được chính con người tìm kiếm, khảo sát nhằm đi tìm hay tìm lại một cảm giác hài hòa, an lạc. Có người nói:

    Các bạn hãy ý thức về thân xác của mình: nó thay đổi, trở nên hữu hiệu, đẹp đẽ, và thế là cả cách suy nghĩ của các bạn cũng thay đổi theo.

    Dù các bạn là ai, nếu muốn thay đổi chính mình, hãy bắt đầu từ thân xác của các bạn.

    Điều quan trọng là biết “kiểm soát mọi cảm xúc tiêu cực: ghen tương, giận dữ, tỵ hiềm, v.v… Và như thế nhờ những kỹ thuật thích hợp sẽ chẳng còn tội lệ gì nữa (sic!).

    - Thân xác, để làm gì, cho ai?

    Thế nhưng trong tất cả những kỹ thuật hay nghệ thuật về thân xác này, trung tâm của mọi sự chú ý là bản thân (the self) và cảm giác (hài hòa, an lạc) của nó. Chúng tiếp nối chủ nghĩa cá nhân. Thế nhưng vẫn còn bị che dấu đi một thực tế: đó là thân xác già nua lọm khọm hay đau đớn bệnh tật và tiến dần đến cái chết, một thực tế chung không thể chối bỏ ứng nghiệm cho mọi sinh vật. Vậy nên thân xác phải mang hai thái cực: vui thú và đau khổ. Một câu hỏi nảy sinh: vậy giữa hai cực tôn vinh và khinh chê ta nên đặt thân xác ở giá trị nào? Ta nên thiết lập quan hệ như thế nào cho thích hợp giữa thân xác của ta với thân xác của người khác? Đâu là nền tảng cho một quan hệ đúng, thích hợp?

     

    II. Thân xác là gì?

    Là một vật giữa muôn sự vật.

    Thoạt trông thân xác là một vật giữa muôn vật, và như thế nó bị giới hạn, ảm đạm; nó có thể được mô tả, phân tích theo lý-hóa-sinh học.

    Thân xác tôi đặt ra giới hạn cho tôi. Nhất là bởi nó là lý do khiến tôi không thể có mặt đồng thời ở đây và ở kia.

    Hơn nữa nó vạch ra một biên giới giữa bên trong và bên ngoài tôi. Biên giới ấy là da thịt tôi. Cái “túi” da thịt ấy chứa đựng tôi, nhốt kín tôi, cô lập tôi, tách biệt tôi ra với thế giới bên ngoài. Thế nhưng nó cũng đồng thời là cái bề mặt của tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, với người khác, với những gì khác với cái tôi, và với cả Thiên Chúa là Đấng Khác, Hoàn Toàn Khác. Thế đó chúng ta đã chạm tới giá trị lưỡng diện căn bản của thân xác, vừa tiêu cực vừa tích cực. Mặt trái, nó đóng kín tôi lại, và mặt phải, đồng thời nó mở ra cho tôi cái khả năng quan hệ với người khác. Theo một nghĩa nào đó, thịt da tôi là bộ mặt xã hội của tôi.[1]

    Bị giới hạn trong không gian, nhưng thân xác tôi còn được đặt ở trong thời gian, như thế thân xác con người thành ra có một lịch sử. Có thể nói rằng trong thân xác chúng ta lịch sử cá nhân của chúng ta được thầu về một mối, khi ta sống cũng đồng thời là ta đang tạo ra lịch sử của ta. Những nếp nhăn nheo ngày càng ghi dấu nhiều trên da thịt ta chính là những dấu chỉ rành rành của lịch sử này.

    Như thế đó, thân xác là khí cụ cho tôi hiện diện trong thế giới, đúng hơn phải nói rằng không có nó tôi không thể hiện hữu như là một người. Nó là một khí cụ đặc biệt, kỳ diệu giúp tôi hiện diện với thế giới, như tâm tình của thánh vịnh gia:

    “Công trình của Người xiết bao kỳ diệu
    Và hồn tôi biết rõ mười mươi.” (Tv 139, 14)

    Làm sao định nghĩa thân xác đây? Có thể tạm nói thế này: thân xác là cái mà trong đó và nhờ đó con người sống một cuộc sống như nhân vị, nghĩa là thực thi và bộc lộ sự tự do của mình trong tương quan với chính mình, với người khác, với thế giới và với Thiên Chúa. Thân xác là cái làm cho mỗi người trở nên một hữu thể có tương quan, và có lẽ không thể nói gì quan yếu hơn nữa. Chính trong thân xác của tôi và với thân xác của tôi mà tôi yêu, hưởng, đau đớn, lao động, cầu nguyện. Nói vắn tắt, tất cả phải đi qua thân xác này.

    Nhưng là một vật không giống như mọi sự vật khác.

    Thoạt trông thân xác là một vật giữa muôn sự vật, thế nhưng, thân xác là một sự vật không như những sự vật khác mà là một thực tại đặc biệt. Nó đặc biệt vì hai lý do. Trước hết, khi nói về thân xác tôi, tôi không thể nói: “Tôi  thân xác tôi”, và cũng không thể nói “Tôi  thân xác tôi”. Bởi lẽ rõ ràng là tôi còn là cái gì hơn nữa chứ không chỉ là thân xác tôi cho dù tôi không thể tồn tại mà không có nó. Và cũng không thể nói: “tôi có thân xác tôi” bởi vì thân xác tôi không ở ngoài tôi, tôi thực sự không thể biết ai sẽ là chủ thể của động từ “có” này.

    Kế đến, thân xác con người đặc biệt hơn mọi sự vật khác và duy nhất ở chỗ trong quan hệ với xác chết, xác của người đã chết và điều này được quan sát thấy trong hết mọi nền văn hóa trên thế giới. Có thể nói, con người là con vật biết mai táng đồng loại quá cố của mình. Hoặc, con người là con vật biết nhớ đến những kẻ nó đã từng sống với và đối xử với họ như đối với những người mà một cách nào đó vẫn còn tồn tại. Nghi thức an táng, nói chung ở đâu cũng vậy, dường như nói lên hai điều sau đây: hiện hữu là một bi kịch và niềm hy vọng còn mờ mịt của những kẻ còn sống. Bi kịch là vì cái chết, dù có êm ái và tự nhiên đến đâu, cũng luôn là một sự cắt đứt, chia lìa vĩnh viễn với người thân yêu: nó bắt đầu một “từ nay mãi mãi không còn nữa”. Nó “chiếu tướng” mọi con người và thực sự đem đến nỗi tan hoang, buồn phiền. Và vì thế nó hiện lên ở đáy sâu của mọi nỗi sợ hãi của ta. Thế nhưng, sự kiện con người ta an táng thi hài kẻ quá cố cũng nói lên một niềm hy vọng nào đó rằng không phải tất cả đã chấm dứt. Trong tâm tư những người còn sống, dường như kẻ quá cố kia còn sống cách nào đó nhưng hiện hữu của họ không còn giống như ta. Đủ hiểu nếu cứ nhìn vào sự kiện ở một số nền văn hóa người ta ướp xác chết như để giữ tối đa nó khỏi bị phân rã. Hoặc mỗi khi nghe thấy một mộ phần ai đó bị quật phá tàn nhẫn, hay một hố chôn tập thể được phát hiện, những hình ảnh ấy để lại tình cảm gì trong mỗi ngươi chúng ta? Thế nên, thân xác con người, kể cả một thi hài tức là xác thân của một người đã chết, không phải là một vật như mọi sự vật khác.

    Thân xác, như đã nói, là khí cụ để cho tôi hiện diện với thế giới, nhưng, sự hiện diện ấy không chỉ là của một đồ vật, mà đã thuộc trật tự tâm linh (hay thiêng liêng). Ở ta người xưa đã nói:

    “Nhân linh ư vạn vật”.

    Thân xác của tôi là cái mà nhờ đó tinh thần (hay tâm linh) của tôi được biểu lộ ra trong thế giới, tạo hình thế giới và cũng để mình tự chuyển hóa bởi thế giới.

    Thân xác như là khí cụ của tinh thần hay tâm linh.

    Có lẽ hơn thế nữa, phải nói rằng: thân xác thân xác có là để cho tinh thần được biểu lộ ra.

    Bàn tay con người – con vật đứng thẳng – được giải phóng khỏi nhiệm vụ di chuyển của con vật có tứ chi để có thể làm được rất nhiều nhiệm vụ khác. Thánh Thomas Aquino có một câu nói thú vị: “Cái làm nên con người là tinh thần (khối óc) và bàn tay”. Bàn tay quả thật là một trong những dấu chỉ ấn tượng nhất của trí thông minh. Với chính bàn tay con người thống trị và thực thi uy quyền của mình trên thế giới. Đúng hơn, con người là “tạo hóa” của thế giới nhờ phát kiến ra các dụng cụ, như là những bàn tay nối dài của nó. Bàn tay con người như là người thợ thủ công của khối óc. Chính nhờ bàn tay mà mọi sản phẩm của lao động, khoa học, nghệ thuật, văn hóa, theo một nghĩa nào đó, đã nối dài thân xác con người ra trong thế giới. Thế giới mang đậm nhân tính, thế giới của văn hóa quả thật là thân xác con người nối dài. Không phải chỉ vì ta bén rễ trong thế giới này qua những gì là thuộc sinh học và bản năng ở trong ta, tức thuộc phần con vật, nhưng hơn nữa còn là vì đây là ơn gọi của ta: tạo thành được giao phó cho con người để làm cho thế giới tự nhiên (nature) này trở thành một thế giới văn hóa (culture) tức là được vun trồng nhờ bàn tay con người, bàn tay mà nhờ đó con người biểu lộ ra như là tinh thần và là tạo hóa.

    Khuôn mặt là dung mạo con người. Các nhà nhân chủng học cho ta biết rằng chính bàn tay giúp dung mạo con người xuất hiện. Với bàn tay con người có thể tóm lấy được thực phẩm và khuôn mặt được giải phóng khỏi những chức năng tấn công con mồi như các động vật khác để chiếm hữu cái ăn. Mặt người không còn giống mặt con vật mà tiến hóa dần trở nên diện mạo người với đặc trưng riêng của nụ cười và ngôn ngữ. Chính qua ngôn từ đứa bé dần trở nên người. Qua ngôn từ con người mở ra với thế giới, và từ đó có những gặp gỡ, quan hệ người với người và đối thoại. Mà ngay cả thế giới tư duy cũng vậy: con người không thể tư duy mà không có ngôn ngữ.

    - Cũng thế, tính dục con người, dù giống con vật nhưng có gì hơn thế nữa, vì đó là một thứ ngôn ngữ của thân xác để nói một điều gì hơn là thân xác. Thân xác được phân giới tính, là nam là nữ, có như thế là để cho tinh thần bộc lộ ra ở đó. Sự khác biệt và hấp dẫn giới tính tự nhiên giữa nam-nữ nói lên một điều gì đó của tinh thần. Hướng đến hiệp nhất từ khác biệt và trong khác biệt, mãi mãi là một tiến trình không dứt.

    Một con người thống nhất.

    Từ suy tư về thân xác con người, nổi lên ý tưởng rằng con người ta là “một” thể thống nhất không thể tách biệt xác và hồn (thân xác và tinh thần).

    Thân xác, theo tư tưởng Do thái – kitô giáo, không là một yếu tố ngoại tại, mà tinh thần có thể huỷ diệt đi hoặc xuất hành khỏi tù ngục đó như kiểu suy nghĩ nhị nguyên, nhưng là phần cốt yếu của hữu thể người. Thân xác và tinh thần hợp nhất làm một khi hiện hữu giống như thể âm thanh phát ra của lời và ý nghĩa của nó là một khi nói. Tinh thần không bao giờ có được nếu thiếu thân xác: tinh thần bao giờ cũng là một tinh thần nhập thể trong một thân xác (bodily or embodied spirit). Và thân xác thiếu tinh thần sẽ trở nên là một xác chết: thân xác bao giờ cũng là thân xác có tâm linh (spiritual body). Trong cuộc sống con người thuộc thế giới này, tất cả đi qua thân xác, tất cả diễn tả bởi thân xác. Cả trong những hành vi tâm linh cao nhất như cầu nguyện, luôn luôn có thân xác ở đấy với những yêu sách của nó, giới hạn ràng buộc của nó, và cũng nhờ nó ta mới thực hiện được hành vi ấy. Không phải chỉ có tinh thần cầu nguyện mà toàn thể con người cầu nguyện.

    Thế nhưng sự thống nhất ấy nơi con người ta luôn mỏng manh, thường có vấn đề, và phải liên tục tiến hành lại luôn, và không được chối bỏ nhiệm vụ này nếu muốn vẫn là người và là người hơn mỗi ngày. Vì trên nẻo đường ấy, nẻo đường đi tìm về sự thống nhất hài hòa, tinh thần chính là yếu tố cầm trịch, dẫn dắt điệu nhảy. Đích điểm của cuộc chơi đó là làm sao thực hiện viên mãn ngã vị (person) của ta. Đó là một nhiệm vụ mà cũng là một lựa chọn: nếu ta không kiên nhẫn làm việc để tinh thần làm chủ trong ta, thì ta sẽ bị cống nạp cho những xung năng tự nhiên hỗn loạn. Thánh Agostino: “Nếu anh em không trở nên tinh thần hơn ngay trong thân xác anh em, anh em sẽ trở thành nhục thể cả trong tinh thần anh em”.

     

    III. Suy tư theo mặc khải Thánh kinh

    - Theo Cựu ước. Con người theo Thánh Kinh không bao giờ đối kháng xác với hồn. Theo thánh vịnh gia:

    “Hồn tôi mong ước đến hao mòn, hướng về tiền đường Yavê,
    Lòng tôi, xác tôi reo lên, tới Thiên Chúa hằng sống” (Tv 84, 3).

    Nỗi khát khao mong được “nhìn ngắm” Thiên Chúa bằng chính xác thịt mình hay trong thân xác mình tỏ bày xuyên suốt cuốn Thánh Kinh.

    Ông Gióp khi xác nhận niềm tin phục sinh của mình diễn tả sự phục sinh của một con người toàn diện:

    “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống,
    Và ngày tận cùng, tôi sẽ đứng dậy từ  bụi đất…
    Và trong thịt xương này, tôi sẽ được chiêm ngắm Thiên Chúa” (G 19, 25-26).

    Môsê cầu khẩn Yavê: “Xin cho tôi thấy vinh quang Ngài” (Xh 33, 18).

    Philiphê nói với Đức Giêsu: “Xin tỏ cho chúng con thấy Cha”. Đức Giêsu trả lời ông dùng cùng những từ ngữ đó: “Ai thấy ta là đã thấy Cha” (Ga 14, 8-9).

    Điều đó cho thấy không có cách nào khác nhìn thấy Thiên Chúa ngoài cách mà chúng ta nhìn ngắm Đức Giêsu. Thế nhưng, đối với chúng ta là con người thời đại hôm nay, Đức Giêsu cũng không còn hữu hình đối với con mắt xác thịt của chúng ta. Không ai còn thấy người trên các nẻo đường. Vì thế chúng ta phải xác lập một cái nhìn mới để nhận ra Người những nơi mà xem ra Người không có, nhưng, theo lời Người đã nói, Người thực sự có đó: nơi mọi con người nhất là những người nghèo khốn khổ mạt hạng. Đó là một cái nhìn huyền nghiệm trong Thân Thể mầu nhiệm, đặc biệt nơi các chi thể đang chịu đau khổ, của Người.

    Người tây phương thường có xu hướng hình dung việc suy tư và cầu nguyện diễn ra trong đầu óc, nhưng con người trong thánh kinh lại nói: “Thiên Chúa dò thấu lòng dạ can trường” (Tv 7,10).

    Thân xác con người thường được dùng bằng nhiều cách để nói về Thiên Chúa. Như khi người ta nói cánh tay Thiên Chúa, là nói kỳ công của lòng dũng cảm của sức mạnh Người; hay tiếng nói của Thiên Chúa để chỉ Người kêu gọi và an ủi; nói về trái tim hay là lòng dạ Người là muốn nói tình yêu, sự âu yếm, đại lượng tha thứ của Người; hay nói về ruột lòng của Người “đảo lộn bên trong” (cf. Hs 11,8) diễn tả mối chạnh thương. Làm thế dĩ nhiên có nguy cơ rơi vào thuyết nhân hình nghĩa là tạo ra một Thiên Chúa theo sự hình dung của con người. Nhưng làm sao nói về Thiên Chúa đây mà không dùng lời lẽ của con người và bắt đầu từ kinh nghiệm con người?

    Nói cho ngay tác giả thánh kinh không hề là nạn nhân của những tưởng tượng ấy; ông không lẫn lộn chúng với thực tại. Có hai lý do: trước hết, để tránh nguy cơ thuyết nhân hình người do thái cấm tuyệt đối mọi cách tạc hình khắc tượng có ý gán cho Thiên Chúa những diện mạo bề ngoài như thân xác con người. “Ngươi chớ khắc hình tạc tượng” là một giới răn muôn đời. Có ý muốn bảo vệ siêu việt tính của Thiên Chúa, Thiên Chúa hoàn toàn khác chúng ta. Kế đến, là cách thức mà tác giả thánh kinh dùng để mô tả Thiên Chúa Tạo Hóa. Trong khi nơi các tôn giáo khác qua các huyền thoại ta thấy các vị thần nam, thần nữ sinh sản trong trò chơi ái tình, đó là do kinh nghiệm tình dục và óc tưởng tượng con người đã chuyển vị qua thần thánh; ngược lại hoàn toàn, Thiên Chúa của Thánh Kinh không sinh sản nhưng tạo dựng vượt trên biên giới của giới tính, không bị khống chế bởi dục tình. Không sản sinh con người: dân của Người là dân được chọn, được nhận, là con nuôi.

    Tạo dựng con người, trong sách Sáng thế ký, còn nói một điều nữa, đó là: thân xác con người vốn “từ bùn đất” – một điều giải thích rõ cội rễ chúng ta từ đất từ thế giới này – một thân xác hay hư nát giống như mọi sinh vật khác, lại có điểm đặc biệt này: là thọ tạo duy nhất được nói là được tạo thành theo hình ảnh, theo họa ảnh của Thiên Chúa. Điều đó chỉ đến một ơn gọi, một sứ mạng. Con người mà Thiên Chúa tạo dựng không phải là một sản phẩm đã hoàn tất nhưng còn phải tiếp tục được thành tựu, và được giao phó việc định hình chính bản thân mình trong tay mình. Đó là con người sáng tạo, như Thiên Chúa, mà trước hết là tự sáng tạo chính mình. Một con người mà đỉnh cao cần phải đạt tới là chính Đức Giêsu. Bởi lẽ Ađam không phải là con người hoàn hảo, mà chỉ là hình bóng của những gì sẽ tới. Con người hoàn hảo thành tựu là Đấng mà Phaolô gọi là Ađam mới, Đức Kitô. Khi nghĩ về mối tương quan giữa hai Ađam, con người và Đức Kitô, các giáo phụ hy lạp đã bình giải rất hay: khi tạo dựng con người, Thiên Chúa nghĩ đến Đức Kitô, như là thành tựu phải hướng tới cho Ađam thuở ban đầu, mới chỉ là bản phác thảo.

    - Theo Tân ước. Ở trung tâm của đức tin và nguồn mạch kitô giáo người ta thấy không những Thiên Chúa tạo dựng thân xác con người, mà hơn nữa, chính Người đã không khinh chê mà đảm nhận lấy thân xác ấy với thân phận giới hạn, yếu đuối, mỏng manh, dễ hư nát nghĩa là phải chết. Người đảm nhận, không phải để rồi để mặc nó, mà để thần hóa nó, tức là làm cho nó nên sáng láng rực rỡ bằng sự hiện diện của Người.

    “Đức Kitô là Thiên Chúa làm người, để con người được làm Thiên Chúa” (Irênê, giám mục Lyon thế kỷ II).

    Như thế, Đức Kitô mặc khải trọn vẹn cho ta không những về Thiên Chúa mà còn về con người. Ngài cho ta thấy thế nào là con người hoàn hảo, có tương quan đúng đắn với chính mình với người khác với thế giới và với Đấng mà Ngài gọi là Cha.

    Thư gửi tín hữu Do thái nói với ta về Đức Kitô như sau: Ngài “giống chúng ta trong mọi sự chỉ trừ tội lỗi” (Dt 4,15) và thường chúng ta nghĩ khoảng cách biệt ấy phải lớn lắm. Nhưng thực ra chính tội lỗi là cái ngăn cản ta làm người trọn vẹn, nghĩa là một thân xác được tác động hoàn toàn bởi thần khí.

    Do đó Đức Kitô phục sinh là mặc khải viên mãn về con người. Và Ngài chỉ cho con người biết ơn gọi của mình. Dạy cho ta biết ta từ đâu đến và đi đâu, đặc biệt nói với ta thân xác con người được mời gọi trở nên cái gì. Chúng ta chỉ có thể nói về ơn gọi này khởi đi từ suy tư về một trọng tâm của đức tin, đó là sự phục sinh của Đức Kitô.

    “Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của chúng ta là trống rỗng, vô ích, không có nội dung” (1 Cr 15,16).

    Chúng ta chỉ có thể nói về tương lai thân xác của mình bắt đầu từ duy một con người sống lại, kẻ duy nhất đã chạm đã biết tới cái chết, và ngang qua đó đã sống lại và sống một cuộc sống mới không còn biết đến cái chết nữa. Thật ra chúng ta không thể nói gì về sự sống lại của Đức Kitô vì không ai làm chứng nhân cho sự ấy cả, mà chỉ cho những lần Đức Kitô phục sinh ấy hiện ra.

    - Thân xác có thần khí.

    Thân xác của Đấng Phục Sinh vượt thoát những giới hạn của không-thời gian. Hay ta có thể nói đó là một thân xác có những thuộc tính của thần khí, và vì là thần khí, thân xác ấy vượt thoát mọi nắm bắt. Thánh Phaolô nói về thân xác có thần khí (sôma pneumatikón: 1Cr 15,44) một cách rất bạo dạn. Nhưng ngài không thể diễn tả tốt hơn sự thống nhất xác-thần: sự thống nhất xác-thần của Đức Kitô Phục Sinh là chính cái đích ta được mời gọi tới.

    Có thể nói hay chăng: có một thân xác con người – đã chuyển hóa, thần khí hóa, nhưng vẫn là thân xác – trong Ba Ngôi thần linh chí thánh? Bởi vì sự nhập thể của Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Đức Kitô, nghĩa là, cuộc xuống thế trong một thể xác con người của Ngài, là vĩnh viễn không thể đảo ngược. Thế nên, khẳng định rằng Đức Kitô vẫn đang sống trong thân xác Ngài, cũng là xác định một nền tảng chắc chắn cho phẩm giá – vô điều kiện – của mỗi con người, mỗi thân xác con người, do đó phải được tuyệt đối kính trọng. Nói thế nghĩa là, thân xác chúng ta vốn từ nay, dù một cách âm thầm ẩn dấu và còn chưa hoàn hảo, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, được mời gọi sống trong viên mãn Thần Khí đó. Như thế nói “xác sống lại” là chưa đủ bởi lẽ đó là sự sống lại của con người toàn thể, xác-hồn. 

    Như thế cần phải nói rằng ở bên kia cái chết, khi ta được phục sinh cùng với Đức Kitô, thân xác chúng ta sẽ được đưa tới thành tựu cuối cùng của nó, và sẽ hoàn tất viên mãn chức năng làm khí cụ hiện diện của nó: hiện diện với Thiên Chúa, với nhau người này người kia trong một quan hệ trong sáng, hiệp thông trọn vẹn. Những quan hệ tình yêu tình bạn hạnh phúc nhất bây giờ mới chỉ là phác thảo của sự viên mãn kia.

    - Thân xác chịu đau khổ, mặc khải sự tự do

    Khởi đi từ Đức Giêsu đứng trước sự đau khổ, của chính Ngài và của con người. Đức Giêsu không phải là một siêu nhân, mà là một con người như ta, với một xác thân như ta biết đến mệt nhọc, thương tích, và phải chết. Thân xác Ngài cũng từng là một thân xác chịu đau khổ, dù biết rằng khổ đau tự nó chẳng có chút giá trị gì. Điều làm nên giá trị của cái chết của Đức Kitô không phải tất cả những nỗi đớn đau Ngài phải chịu. Nhưng giá trị làm nên ở chỗ Ngài đã biến cái chết ấy, cái chết mà Ngài biết không thể tránh khỏi và đang đến do định tâm của một vài người và là hệ quả mà Ngài không tìm cách trốn chạy của việc Ngài đã nói và đã làm, trở thành một ân ban tự do. Chính lúc người ta sắp xử tử Ngài nói:

    “Bởi điều này mà Cha yêu mến ta: vì ta hiến ban mạng sống mình… Không ai có thể tước đi mạng sống ta… ta có quyền hiến ban và có quyền lấy lại” (Ga 10, 17-18).

    Ngài đã làm cho sự sống hiến ban cách tự do ấy trở nên là dấu chỉ của tình yêu lớn nhất. Nếu đau khổ tự nó chẳng có giá trị gì, thì Đức Giêsu chỉ cho chúng ta biết phải làm gì với đau khổ khi nó đến. Nên hiểu cho rõ điều này: cũng như những gì đã xảy ra với Đức Kitô, nơi thân xác đau đớn, bệnh tật, thương tích của chúng ta cũng thế, nó mặc khải cho ta biết rằng con người là tự do. Vậy khi gặp đau đớn bệnh tật hay yếu liệt của tuổi cao, tôi phải làm gì? Phản kháng hay nổi loạn ư? Hay tôi phải chiến đấu, nhưng tôi phải đón nhận thực tế ấy với thái độ nào? Tôi sẽ cam chịu định mệnh cầm chắc, hay tôi sẽ cho nó một ý nghĩa mà thoạt trông nó không có? Dường như trong hoàn cảnh giới hạn của một thân xác đau khổ tầm vóc lớn lao vô định của sự tự do mới được bộc lộ ra. Chính đây thực sự sự vĩ đại của con người được phác họa ra, nghĩa là, ý nghĩa không nằm nơi sự vật mà chính do ta ban cho nó một ý nghĩa.

     

    Kết luận

    Trước câu hỏi phải tôn vinh thân xác hay khinh thị nó, chúng ta quay sang nhìn ngắm Ngôi Lời làm người đã đảm nhận một thân xác người không phải để mà phô bày ra những giàu sang đài các của nó, nhưng để gặp gỡ con người, để hiện diện, để mình được những người nghèo hèn mọn nhìn ngắm, lắng nghe và chạm tới. Như thánh Gioan đã nói:

    “Điều chúng tôi đã nghe, mắt chúng tôi đã thấy và chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm tới, đó là Ngôi Lời sự sống… chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa” (1Ga 1,1-3).

    Vậy nên chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi thân xác để làm gì, để cho ai? Rõ ràng là thân xác của Đức Giêsu là một thân xác cho người khác, một khí cụ để hiện diện huynh đệ với con người, một thân xác bị phơi bày, trao nộp, không chỉ là dụng cụ để hiện diện nhưng là bí tích của sự kiện Ngài hiện diện như một hy lễ. Chúng ta cũng có thể và phải như thế. Kitô hữu, kẻ đã được nhúng thân thể mình trong giếng rửa tội một cách biểu trưng như nhúng vào cái chết của Đức Kitô, thân xác mang ý nghĩa bí tích của gặp gỡ: trong tình yêu, tình bạn, trong phục vụ huynh đệ.

    Dĩ nhiên, ta không hờ hững với sự kiện một thân xác đẹp, tinh tế, hài hòa. Thế nhưng điều đáng quan tâm hơn, đó là nơi tỏ lộ một vẻ đẹp lớn nhất, không phải cái đẹp của một đồ vật mà của một thực tại sống nhờ đó một tinh thần bộc lộ điều gì đó của một cái gì hiện hữu, cho dù là một cái đẹp chóng qua, mong manh yếu đuối nhưng quý giá. Tuy nhiên một xác thân già nua, thương tích, bệnh hoạn, tật nguyền cũng có thể là một khí cụ của sự hiện diện, và như thế bộc lộ ra vẻ đẹp thực sự của nó là chính vẻ đẹp của bí tích gặp gỡ huynh đệ; và thân xác cho dù tàn tật là nơi để tinh thần có thể biểu lộ, trong cái yếu nhược của xác thịt.

    Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 66 (Tháng 7 & 8 năm 2011)

     


    [1] Các bác sĩ da liễu biết rõ tương quan hiện có giữa một số căn bệnh da liễu và những khó khăn của quan hệ.

    Nguồn tin:  https://hdgmvietnam.com/

    Bài viết liên quan