Kính gửi Tu sĩ Gerard Francisco Timoner, O.P.,
Tổng quyền Dòng Anh em Giảng thuyết
Praedicator Gratiae: “Nhà Giảng thuyết Ân sủng” là danh hiệu nổi bật hơn cả dành cho thánh Đa Minh, vì đó là danh hiệu thích hợp với đặc sủng và sứ vụ của Dòng do thánh nhân sáng lập. Nhân dịp kỷ niệm 800 năm Thánh Đa Minh qua đời, tôi vui mừng hiệp cùng các tu sĩ Dòng Giảng thuyết mà tạ ơn về những hoa trái thiêng liêng trổ sinh từ đặc sủng và sứ vụ ấy, biểu lộ qua sự phát triển đa dạng phong phú của Gia đình Đa Minh suốt nhiều thế kỷ. Tôi xin gửi lời chào thăm, lời cầu nguyện cùng những lời chúc tốt đẹp đến tất cả các phần tử của đại gia đình Đa Minh, bao gồm cả đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ của các nữ đan sĩ và nữ tu, các huynh đoàn linh mục và giáo dân, các tu hội đời và các phong trào giới trẻ.
Trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, tôi có viết “mỗi vị thánh là một sứ mạng, được Chúa Cha hoạch định để phản ánh và hiện thực hóa một khía cạnh nào đó của Tin Mừng, tại một thời điểm cụ thể trong lịch sử.” (số 19). Thánh Đa Minh đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời bấy giờ không chỉ bằng việc rao giảng Tin Mừng cách mới mẻ và say mê, mà quan trọng không kém, còn bởi chứng tá thuyết phục cho lời mời gọi nên thánh trong sự hiệp thông sống động của Giáo hội. Trong tinh thần canh tân triệt để, thánh nhân đã cố gắng trở về với đời sống thanh bần và đơn sơ của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, tụ họp chung quanh các tông đồ và trung thành với giáo huấn của các ngài (x. Cv 2,42). Đồng thời, lòng nhiệt thành với phần rỗi các linh hồn đã thôi thúc thánh nhân thành lập đoàn ngũ các nhà giảng thuyết dấn thân mà lòng yêu mến Sách thánh và đời sống chính trực của họ có thể soi sáng tâm trí và sưởi ấm các tâm hồn bằng chân lý ban sự sống của Lời Chúa.
Trong thời đại chúng ta, thời đặc trưng của những thay đổi mang tính lịch sử và những thách đố mới đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, Thánh Đa Minh có thể trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả những ai đã chịu phép rửa, những người được kêu gọi là những môn đệ thừa sai, đi đến tận mọi “vùng ngoại biên” của thế giới, mang theo ánh sáng Tin Mừng và tình yêu thương xót của Chúa Kitô. Nói về tính thích thời trường cửu nơi tầm nhìn và đặc sủng của Thánh Đa Minh, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI nhắc nhở chúng ta rằng “ngọn lửa truyền giáo phải luôn bừng cháy trong lòng của Giáo hội” (Buổi tiếp kiến chung ngày 03/02/2010).
Ơn gọi cao cả của Thánh Đa Minh là rao giảng Tin Mừng về tình yêu thương xót của Thiên Chúa với tất cả chân lý cứu độ và sức mạnh cứu chuộc của tình yêu ấy. Khi còn là một sinh viên ở Palencia, thánh nhân đã nhận ra tương quan không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, giữa chân lý và tình yêu, giữa đức chính trực và lòng trắc ẩn. Như Chân phước Giôđanô Saxônia kể với chúng ta, thánh nhân đã xúc động vì nhiều người đang phải đau khổ và phải chết trong nạn đói trầm trọng, nên người đã bán đi những cuốn sách quý giá của mình, và với lòng nhân ái đáng phục, người đã thiết lập một trung tâm từ thiện để dưỡng nuôi người nghèo khổ (Libellus, 10). Chứng tá của thánh nhân về lòng thương xót của Chúa Kitô và mối bận tâm mang phương dược chữa lành của lòng thương xót đến cho những ai đang gặp cảnh thiếu thốn về vật chất và tinh thần đã truyền cảm hứng cho việc thành lập Dòng của anh em, đồng thời định hình đời sống và hoạt động tông đồ của vô số anh chị em Đa Minh ở nhiều nơi và nhiều thời khác nhau. Sự hợp nhất giữa chân lý và bác ái có lẽ được thể hiện rõ nhất nơi trường Salamanca của Dòng Đa Minh, đặc biệt là nơi công trình của tu sĩ Francisco de Vitoria, người đã khởi xướng cho nền móng công pháp quốc tế dựa trên những quyền phổ quát của con người. Điều này đã trở thành nền tảng triết học và thần học cho những nỗ lực quả cảm của các tu sĩ Antonio Montesinos và Bartolomé de Las Casas tại Mỹ châu, và Domingo de Salazar tại Á châu để bảo vệ phẩm giá và quyền của dân bản địa.
Sứ điệp Tin Mừng về phẩm giá bất khả xâm phạm của con người trong tư cách là con cái của Thiên Chúa và là thành viên của chỉ một gia đình nhân loại, đang thách đố Giáo hội trong thời đại chúng ta phải thắt chặt tình bằng hữu xã hội, vượt thắng các cơ cấu kinh tế và chính trị bất công, và hành động cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và dân tộc. Trung thành với ý muốn của Chúa, và được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, những người theo Chúa Kitô được mời gọi nỗ lực cộng tác với nhau “để khai sinh một thế giới mới, nơi tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, nơi có chỗ cho tất cả những ai bị xã hội loại bỏ, nơi công lý và hòa bình rực rỡ ánh huy hoàng (Fratelli Tutti, 278). Ước gì Dòng Anh em Giảng thuyết, ngày nay cũng như trước kia, ở nơi tuyến đầu của việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, có khả năng nói với tâm hồn những người nam cũng như nữ của thời đại chúng ta, và khơi lên trong họ lòng khao khát cho vương quốc của Đức Kitô mau đến, vương quốc của thánh thiện, công lý và bình an!
Lòng nhiệt thành của Thánh Đa Minh đối với Tin Mừng và ước muốn có một nếp sống tông đồ đích thực đã khiến thánh nhân đề cao tầm quan trọng của đời sống chung. Một lần nữa Chân phước Giôđanô Saxônia cho chúng ta biết, khi thành lập Dòng, Thánh Đa Minh đã có một chọn lựa thật ý nghĩa khi “không để mình được gọi là phó bề trên, nhưng là Anh Đa Minh” (Libellus, 21). Lý tưởng về tình huynh đệ này được thể hiện qua cách thức quản trị cộng đoàn, ở đó mọi người cùng tham gia vào quá trình phân định rồi đưa ra quyết định, tùy theo vai trò và quyền hạn tương ứng của họ, thông qua hệ thống các công hội ở tất cả các cấp. Tiến trình “đồng nghị” này cho phép Dòng thích ứng đời sống và sứ mạng của mình với sự thay đổi của bối cảnh lịch sử mà vẫn duy trì được sự hiệp thông huynh đệ. Chứng tá về tình huynh đệ Tin Mừng, như một lời chứng ngôn sứ cho kế hoạch tối hậu của Thiên Chúa trong Đức Kitô nhằm hòa giải và hiệp nhất toàn thể gia đình nhân loại, vẫn là yếu tố nền tảng của đoàn sủng Đa Minh và là cột trụ trong nỗ lực của Dòng nhằm cổ võ việc canh tân đời sống Kitô hữu và loan truyền Tin Mừng trong thời đại của chúng ta.
Cùng với Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Đa Minh hiểu rằng việc loan báo Tin Mừng, bằng lời nói và bằng gương sáng – verbis et exemplo, đòi hỏi phải xây dựng toàn thể cộng đoàn Giáo hội trong sự hiệp nhất huynh đệ và trong tư cách là người môn đệ thừa sai. Đoàn sủng giảng thuyết Đa Minh đã sớm lan toả thành nhiều ngành khác nhau tạo nên một gia đình Đa Minh rộng lớn hơn, bao gồm tất cả các bậc sống trong Giáo hội. Trong những thế kỷ tiếp theo, đoàn sủng này thể hiện cách hùng hồn trong các tác phẩm của Thánh Catarina Siêna, các bức họa của Chân phước Fra Angêlicô, các việc bác ái của Thánh Rôsa Lima, Thánh Gioan Maisan và Thánh Margarita Castellô. Cũng thế, trong thời đại của chúng ta, đoàn sủng Đa Minh tiếp tục gợi hứng cho công trình của các nghệ sĩ, các học giả, thầy dạy và các nhà truyền thông. Trong năm kỷ niệm này, chúng ta không thể không nhớ đến những thành viên của Gia đình Đa Minh mà cuộc tử đạo của các vị chính là một hình thức rao giảng mãnh mẽ. Hoặc là vô số anh chị em đã noi gương đơn sơ và lòng trắc ẩn của Thánh Martin de Porres, mang niềm vui Tin Mừng đến các vùng ngoại vi của các xã hội và thế giới của chúng ta. Đến đây tôi đặc biệt nghĩ đến chứng tá thầm lặng của hàng ngàn đoàn viên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh và các thành viên của Phong trào Giới trẻ Đa Minh, những người phản ánh vai trò quan trọng và thực sự không thể thiếu của người giáo dân trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
Nhân dịp Năm thánh kỷ niệm sinh nhật của Thánh Đa Minh nơi cuộc sống vĩnh cửu, tôi bày tỏ lòng biết ơn cách đặc biệt đến các tu sĩ Dòng Anh em Giảng thuyết về những đóng góp nổi bật trong việc rao giảng Tin Mừng qua các khám phá thần học về mầu nhiệm đức tin. Bằng việc gửi các tu sĩ đầu tiên đến các đại học nổi tiếng ở Âu châu, Thánh Đa Minh đã cho thấy tầm quan trọng sống còn của việc cung cấp cho các nhà giảng thuyết tương lai một nền đào tạo thần học đúng đắn và vững chắc dựa trên Kinh thánh, tôn trọng các vấn nạn do lý trí đặt ra, và sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại nghiêm túc và tôn trọng lẫn nhau để phục vụ nhiệm cuộc mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Hoạt động tông đồ trí thức của Dòng, nhiều trường học và học viện của Dòng ở cấp học cao hơn, việc chuyên tâm nghiên cứu các khoa học thánh và sự hiện diện của Dòng trong giới văn hóa đã khơi dậy cuộc gặp gỡ giữa đức tin và lý trí, dưỡng nuôi sức sống đức tin Kitô giáo và thúc đẩy sứ vụ của Giáo hội trong việc thu hút nhiều tâm trí và tâm hồn đến với Chúa Kitô. Về mặt này, tôi chỉ có thể lặp lại lòng biết ơn của tôi đối với Dòng về lịch sử phục vụ Tông tòa kể từ thời Thánh Đa Minh.
Trong chuyến viếng thăm Bologna cách đây 5 năm, tôi diễm phúc có đôi phút cầu nguyện trước mộ Thánh Đa Minh. Tôi cầu nguyện cách đặc biệt cho Dòng Anh em Giảng thuyết, khẩn xin cho các phần tử của Dòng được ơn bền đỗ trong sự trung thành với đặc sủng nguyên thủy và truyền thống huy hoàng mà họ thừa kế. Để cảm ơn Thánh Đa Minh vì tất cả những thiện hảo mà các con cái nam nữ của thánh nhân thực hiện trong Giáo hội, tôi đã cầu xin một ơn đặc biệt là cho Dòng được tăng thêm nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Ước gì việc cử hành Năm thánh tuôn đổ muôn vàn ân sủng trên các tu sĩ Dòng Giảng thuyết và toàn thể Gia đình Đa Minh, đồng thời mở ra một mùa xuân mới của Tin Mừng. Với lòng trìu mến sâu xa, tôi phó thác tất cả những ai tham dự các cử hành Năm thánh cho sự chuyển cầu đầy yêu thương của Đức Mẹ Mân Côi và Thánh phụ Đa Minh của anh chị em, và tôi ưu ái ban Phép lành Tông toà như một bảo chứng của sự khôn ngoan, niềm vui và bình an trong Chúa.
Rôma, từ đền thờ Thánh Gioan Lateranô, ngày 24 tháng 5 năm 2021
GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Nguồn tin: http://daminhvn.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 119 | Tổng lượt truy cập: 4,165,498