1. Ngày lễ Giáng Sinh
Lịch sử
Chúa Giê-su – Con Thiên Chúa nhập thể làm Người, là nhân vật lịch sử, nhưng ngày sinh nhật của Chúa không được sử sách ghi lại cách chính xác. Khoảng ba thế kỷ đầu tiên, thời Giáo Hội sơ khai, các Ki-tô hữu chưa đề cao việc mừng ngày sinh nhật của Chúa. Ngày lễ Giáng sinh hay còn gọi là ngày lễ Noel thường được mừng trùng với lễ Hiển Linh – Lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho muôn dân.
Đến thế kỷ thứ IV, các Ki-tô hữu đã chọn ngày 25 tháng 12 để mừng lễ sinh nhật của Chúa Giê-su, gọi là lễ Chúa Giáng sinh. Trước đó, ngày 25 tháng 12 là ngày người Rô-ma mừng lễ thần Mặt Trời. Các Ki-tô hữu đầu tiên đã chọn ngày thờ thần Mặt Trời làm ngày lễ mừng Chúa Giáng sinh, vì họ xác tín và muốn loan báo rằng Chúa Giê-su chính là “Mặt Trời Công Chính – Mặt Trời vĩnh cửu”, Đấng nhập thể làm người để đem ánh sáng, sự sống và bình an đến cho nhân loại. (x. Ga 8,12). Đến năm 354, Đức Giáo Hoàng Li-bê-ri-ô công bố và ấn định ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Chúa Giê-su.
Tên gọi lễ Giáng sinh
Lễ Thiên Chúa Giáng sinh, hay còn gọi là lễ Sinh nhật Chúa Giê-su, hoặc gọi tắt là lễ Giáng sinh. Lễ Giáng sinh cũng gọi là lễ Noel. Chữ Noel bắt nguồn từ chữ Emmanuel – nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Mt 1, 23)
2. Hang đá Giáng sinh
Biến cố Chúa Giê-su Giáng sinh, được hai sách Tin Mừng theo thánh Lu-ca (x. Lc 2, 1-21) và Mát-thêu (x. Mt 2, 1-18) trình thuật. Theo đó, Chúa Giê-su sinh ra vào thời hoàng đế Au-gút-tô. Do vị hoàng đế này ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ, nên thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a phải trở về quê quán là Bê-lem, thành của vua Đa-vít, để khai tên vào sổ sách. Do hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ ở Bê-lem, nên phải nghỉ tạm ở một chuồng chiên bò ngoài đồng. Chính trong thời gian đó, Đức Ma-ri-a đã sinh Chúa Giê-su. Mẹ đã bọc con trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2, 1-7). Các mục đồng – những người chăn chiên, được sứ thần loan báo, đã tìm đến bái thờ Hài Nhi Giê-su (x. Lc 2, 8-20). Ba nhà đạo sĩ từ phương Đông, cũng lần tìm theo ánh sao lạ trên bầu trời, tìm đến Bê-lem để bái thờ Chúa Hài Nhi (x. Mt 2, 1-12).
Đến năm 1223, thánh Phan-xi-cô thành Át-si-si đã làm ra hang đá Chúa Giáng sinh đầu tiên, nhằm tái hiện lại những gì đã được trình thuật trong sách Tin Mừng về đêm Chúa sinh ra năm xưa. Từ đó, phong trào làm hang đá Giáng sinh dần dần lan rộng ra khắp nơi. Ngày nay, cứ đến mùa Giáng sinh, các nhà thờ, các xứ đạo, các gia đình Công giáo đều cùng nhau làm hang đá Giáng sinh, tiếp tục tái hiện lại biến cố lịch sử, dấu chỉ tuyệt vời, mầu nhiệm Giáng sinh, Thiên Chúa đã nhập thể làm người và ở với con người.
Trong hang đá, tại vị trí trung tâm, Hài Nhi Giê-su được đặt trong máng cỏ như là chiếc nôi cho em bé nằm, có Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đứng bên cạnh. Xung quanh là các thú vật như bò, lừa, chiên cừu; có các mục đồng đến viếng thăm và ba nhà đạo sĩ từ phương xa đến thờ lạy; trên cao chỗ vách tường có thiên thần bay lượn ca hát tôn vinh Thiên Chúa nhập thể làm người.
Ngắm nhìn hang đá Giáng Sinh tuy nghèo hèn đơn sơ, nhưng lại là hình ảnh đầm ấm và bình an trong một mái nhà. Tâm hồn mỗi người được mời gọi làm máng cỏ cho Chúa Giê-su Giáng sinh, để cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, được yêu thương, tôn trọng và kết hiệp với Thiên Chúa. Đồng thời, mọi người cũng được sống trong bình an và hiệp nhất với nhau.
3. Cây thông Giáng sinh
Ngày nay, trên khắp thế giới, khi mừng lễ Giáng Sinh, cùng với hang đá Giáng sinh, người ta luôn trưng cây thông Noel. Truyền thống này phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng được biết đến cách chắc chắn và phổ biến là vào thế kỷ thứ XVI tại Đức, rồi dần dần được lan rộng ra khắp cả Châu Âu và đến toàn thế giới.
Người ta nhận thấy cây thông có sức sống mãnh liệt, luôn xanh tươi và vươn lên mạnh mẽ cho dù là giữa trời đông băng giá. Cây thông đã trở nên hình ảnh phản ánh Chúa Giê-su được sinh ra giữa mùa đông lạnh giá và trong hoàn cảnh băng giá của lòng người, những đã trổ sinh và vươn lên với sức sống mãnh liệt, là món quà vĩnh cửu cho con người.
Việc trưng cây thông Noel có ý nghĩa gì? Dưới đây là lời giải thích của Đức Thánh Giáo Hoàng Gio–an Phao–lô II và Đức cố Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI.
”Ta thường trưng bày bên cạnh máng cỏ một cây thông Giáng sinh, vốn là truyền thống tốt đẹp lâu đời nhằm ngợi ca cuộc sống. Vào mùa đông rét mướt, cây thông vẫn xanh tươi để nói rằng cuộc sống không bao giờ bị hủy diệt. Các quà tặng Giáng sinh được bày dưới gốc cây. Biểu tượng này muốn nói rằng cây Giáng sinh là cây nhân sinh mang hình ảnh Đức Ki-tô. Đây chính là món quà Thiên Chúa ban cho nhân trần. Thông điệp về cây thông Giáng sinh còn mang ý nghĩa cuộc sống xanh tươi như tặng vật của tình bạn và lòng yêu thương, là sự tương trợ huynh đệ và sự tha thứ, là sự chia sẻ và lắng nghe tha nhân”. (19/12/2004 – Gio-an Phao-lô II)
“Cây Giáng sinh làm phong phú ý nghĩa biểu tượng của lễ Giáng sinh, là một thông điệp về tình huynh đệ và bằng hữu, là lời mời gọi hiệp nhất và bình an, cũng là lời mời trong cuộc sống của mình và trong xã hội, hãy nhận lấy Thiên Chúa, Đấng trao cho chúng ta tình yêu toàn năng trong một Hài Nhi mới sinh. Qua đó Ngài mong tình yêu của Ngài đến với chúng ta một cách dễ dàng. Máng cỏ và cây Noel mang đến sứ điệp hy vọng và yêu thương, giúp chúng ta có được một bầu khí thích hợp để sống mầu nhiệm Chúa Cứu Thế sinh ra một cách linh thiêng, đạo đức”. (17/12/2010 – Bê-nê-đíc-tô XVI)
4. Chủ đề lễ Chúa Giáng sinh năm 2024
Emmanuel – Niềm hy vọng của chúng ta – 2024
Bước đến quảng trường nhà thờ mùa Giáng sinh, khách hành hương luôn nhìn thấy dòng chữ Emmanuel – Niềm hy vọng của chúng ta – 2024. Đây chính là chủ đề của ngày lễ Giáng sinh năm 2024 của giáo xứ Chính Toà. Vậy chủ đề này có ý nghĩa gì?
Nghĩa từ:
Emmanuel – Nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23)
Niềm hy vọng của chúng ta – Lời của Thánh Phao-lô khẳng định Chúa Giê-su Ki-tô là niềm hy vọng của chúng ta. (x. 1Tm 1,1)
2024: Dấu mốc thời gian – năm Chúa Giáng sinh 2024.
Chủ đề:
Lễ Chúa Giáng sinh năm 2024 với chủ đề “Emmanuel – Niềm hy vọng của chúng ta” vừa là lời khẳng định Chúa Giê-su chính là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta, vừa giúp cộng đoàn tín hữu chuẩn bị tâm hồn bước vào Năm Thánh 2025 với chủ đề “Những người hành hương của Hy vọng”.
Mừng lễ Chúa Giê-su Giáng sinh, chính là dịp để mỗi người sống lại niềm hy vọng nơi Chúa Giê-su, như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khẳng định: “Đức Giê-su chính là niềm Hy vọng, một tác nhân đổi mới mọi sự. Bản thân Đức Giê-su là một phép lạ liên tục”. Đức Ki-tô hiện thực hóa “phép lạ đổi mới” này nơi Giáo hội, nơi cuộc sống của tôi, của bạn, của chúng ta. “Chúa Ki-tô là lý do để chúng ta hy vọng và niềm hy vọng này không lừa dối chúng ta.” (Bài giảng ngày 09/9/2013)
Niềm hy vọng Ki-tô giáo là “Niềm hy vọng không làm thất vọng”. Niềm hy vọng ấy được trổ sinh nơi tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ cách sống động qua tình yêu Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su nhập thể làm người là để nên giống con người, đồng hành với con người và để cứu chuộc con người. Ngài mang đến cho con người niềm hy vọng mới, hy vọng được yêu thương, được đón nhận, được tha thứ, được giao hòa và được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa bây giờ và trong vinh quang vĩnh cửu. Đức Giê-su đích thực là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta.
Để sống niềm hy vọng này, mỗi người được mời sống mối tương quan cá vị, sống động và thân tình với Chúa Giê-su. Mừng lễ Chúa Giê-su Giáng sinh, mời gọi mỗi chúng ta cùng gặp gỡ, đón nhận Hài Nhi Giê-su vào trong cung lòng và cuộc sống mình. Để niềm hy vọng Chúa mang đến cho nhân loại được khơi lên và toả sáng trong cuộc sống thường ngày của mỗi người chúng ta.
Lm. Giu-se Tạ Minh Quý
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 188 | Tổng lượt truy cập: 3,638,008