TUỔI GIÀ - MỘT HỒNG ÂN VÀ MỘT SỨ VỤ
(Viết tặng những ai đã, đang và sẽ bước vào tuổi già)
Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist.
Trong văn kiện “Phẩm giá của người cao tuổi và sứ vụ của họ trong Giáo hội và thế giới” (ban hành ngày 01-10-1998), Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân viết rằng: “Có những người cao niên hiểu được rằng: tuổi già là một giai đoạn cần thiết trong cuộc đời con người” và vì thế “họ đón nhận tuổi già không chỉ trong sự thanh thản và trong phẩm giá mà còn coi tuổi già là thời gian cung cấp cho họ những cơ may mới để trưởng thành và dấn thân”.
Nhưng cũng có những người khác lại xem tuổi già là một kinh nghiệm đau buồn, và phản ứng với thái độ từ cam chịu thụ động đến nổi loạn, loại bỏ và thất vọng như nữ văn sĩ nổi tiếng người Pháp Simone de Beauvoir đã viết: “Phần đông nhân loại nhìn việc trở nên già nua với nỗi buồn bã và tâm tình nổi loạn. Họ chất chứa trong lòng một mối ác cảm đối với việc trở nên già nua còn lớn hơn cả đối với chính cái chết nữa.” Đây là những người trở nên bế tắc trong bản thân và tự đứng ra bên lề, bởi vì không biết rằng: Lão hóa là một trong những tiến trình cốt yếu của thân phận làm người, chối bỏ nó chỉ đem lại một tai hại lớn lao. Mỗi người cần khám phá, hay tái khám phá trong sự lão hóa của mình có một cơ hội làm phong phú cho phẩm chất của cuộc sống của bản thân cũng như của những người khác.
Vì lý do đó, bài viết này muốn nói lên ý nghĩa và phẩm giá của tuổi già, cũng như giá trị và sứ vụ của người cao niên. Tuổi già là một hồng ân, là tuổi đạt đến sự tròn đầy của cuộc đời làm người và làm con cái của Thiên Chúa. Đồng thời tuổi già cũng có một sứ vụ truyền thông đức tin và kinh nghiệm về Thiên Chúa, dâng những đau khổ và hy sinh của mình để cầu nguyện cho gia đình, Giáo hội và thế giới, nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong ngày sau hết của cuộc đời. Hy vọng rằng những ý tưởng này cung cấp một vài sự trợ giúp tâm linh nho nhỏ cho những ai đã, đang hay sẽ bước vào tuổi già.
1- Ý nghĩa và phẩm giá của tuổi già |
Tất cả chúng ta đều đang già đi và sẽ hoàn tất cuộc đời của mình. Bước vào cõi đời này, chúng ta đã nhận biết bao nhiêu ân huệ, tình yêu và sự chăm sóc mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta qua ông bà, cha mẹ, họ hàng, các linh mục, các tu sĩ, các thầy cô, anh chị em, bạn bè, và những người thân quen. Khi chúng ta có thể tự mình đứng vững được, tự diễn tả chính mình qua lời nói, hành động và yêu thương, nhất là khi đã vươn tới đỉnh cao của cuộc đời, và cảm thấy đầy tự tin, chúng ta lại được mời gọi trở thành ông bà, cha mẹ, linh mục, tu sĩ, thầy cô... để lại yêu thương, trao ban và chăm sóc cho các thế hệ kế tiếp. Cuộc sống yêu thương và trao ban đó vẫn tiếp tục khi chúng ta bước vào tuổi già, vì đó là thời hồng ân, và ngày cứu độ của chúng ta đã gần kề.
Trong Kinh Thánh, tuổi già là một phúc lành của Thiên Chúa dành cho những ai vâng phục Ngài: “Anh em hãy đi đúng con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu” (Đnl 5, 33) và “Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em ; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em” (Đnl 4, 40).
Những người tuân giữ giáo huấn của Chúa sẽ được sống lâu: “Này con, đừng quên lãng giáo huấn của thầy, huấn lệnh của thầy, lòng con lo giữ trọn. Vì nhờ đó, con sẽ được sống lâu trăm tuổi, và đầy tràn phúc lộc bình an” (Cn 3, 1-2). Tuổi già là món quà Thiên Chúa ban cho người công chính: “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính” (Cn 16, 31). Tuổi già cũng là phần thưởng cho người con hiếu thảo như tục ngữ Việt Nam đã nói: “Kính già, già để tuổi cho” và Thiên Chúa cũng hứa như vậy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu” (Đnl 5, 16).
Cuối cùng, có thời gian để chuẩn bị cho giờ ra đi của mình là một hồng ân quí báu như lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì chỉ một số người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Vượt Qua một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội”. Đó chính là đặc sủng của tuổi già, một lứa tuổi có nhân sinh quan tròn đầy.
Cuộc sống của chúng ta thường bị thống trị bởi công việc làm ăn, việc giải trí, bởi tính ích kỷ, ghen ghét, tính ham hưởng thụ, với những náo động và căng thẳng nơi các mối liên hệ trong gia đình, cộng đoàn, Giáo hội và xã hội. Đây là một cuộc sống bị phân tán trong đó những câu hỏi nền tảng về ơn gọi, phẩm giá và số phận của con người bị lãng quên.
Tuy nhiên, sau một chặng đường dài của cuộc đời, người cao niên đã vượt qua bao nghịch cảnh, bao sóng gió, bao thăng trầm của cuộc sống, đã trở nên một con người của đơn sơ, thanh thản và chiêm niệm, đã đạt đến sự tròn đầy của cuộc đời làm người.
“Đời con cay đắng đã nhiều
Hận thù danh lợi đốt thiêu cõi lòng
Hồn con mong mỏi sạch trong
Mái chèo buông nhẹ theo dòng thuyền trôi
Hồn con, thương để xa rời
Những niềm ân oán mưu đời ghét ghen”
(Thánh thi giờ Kinh Đêm ngày Thứ Năm tuần I, trong sách “Các Giờ Kinh Phụng Vụ” của Dòng Xitô)
Các giá trị luân lý và tôn giáo nơi người già là một tài nguyên cần thiết cho việc củng cố sự hòa hợp của xã hội, gia đình và cá nhân như đức Khổng Tử nói: “Lục thập nhi nhĩ thuận”: 60 tuổi thì không còn chướng tai gai mắt; do lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn – nhìn sự việc không còn thấy chướng tai gai mắt (thuận nhĩ); không như tuổi trẻ hiểu biết còn nông cạn, nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu, bực mình. Và “thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”: 70 tuổi sẽ đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử thế ở đời, nói hay làm điều gì cũng thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ.
Người cao niên có nhiều kinh nghiệm phong phú về cuộc sống xã hội cũng như về tâm linh. Người ta có thể đến với họ để tiếp thu các giá trị phong phú của người đã sống lâu năm trên cõi đời này như tục ngữ Việt Nam vẫn nói: “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Những giá trị này bao gồm một cảm thức về trách nhiệm, đức tin vào Thiên Chúa, tình bạn, tính vô vị lợi trong quyền lực, khôn ngoan, kiên nhẫn, cẩn trọng, và một xác tín nội tâm về nhu cầu tôn trọng thế giới tự nhiên và củng cố hòa bình. Người già hiểu sự vượt trội của cái là, hơn hẳn cái có. Xã hội loài người sẽ tốt hơn nếu biết học hỏi từ các đặc sủng của người già.
Và phẩm chất của tuổi già sẽ phụ thuộc vào khả năng chúng ta nắm bắt ý nghĩa của nó và lượng giá nó về phương diện con người và đức tin Kitô giáo. Chúng ta cần chấp nhận tuổi già là một giai đoạn qua đó Chúa Kitô dẫn chúng ta về Nhà Cha (Ga 14, 2). Chỉ trong ánh sáng đức tin, được củng cố bởi niềm hy vọng không bị lừa dối (Rm 5, 5), chúng ta có thể chấp nhận tuổi già với tính cách là một hồng ân và một sứ vụ. Đó là bí quyết của sự tươi trẻ tinh thần, tinh thần vui tươi và trẻ trung mà chúng ta có thể vun trồng bất chấp sự qua đi của năm tháng. Aldous Huxley biết rõ điều này khi ông viết cho Julian là em trai của ông trong ngày kỷ niệm sinh nhật của ông: “Thật khó mà cảm thấy mình già. Anh nghĩ cả hai anh em mình thuộc về nhóm thiểu số trong nhân loại, những người vẫn giữ lại được tinh thần cởi mở và linh động của tuổi trẻ, trong khi sẵn sàng vui hưởng hoa trái của người có cả một chuỗi kinh nghiệm dài từng trải.”
Để nắm bắt một cách đầy đủ về giá trị và sứ vụ của người già, chúng ta cần mở Kinh Thánh ra, đọc, và nghiền ngẫm. Chỉ có ánh sáng của Lời Thiên Chúa mới cho chúng ta nhận ra chiều sâu về thần học, tâm linh, và luân lý của giai đoạn này của cuộc sống.
Thiên Chúa muốn người cao niên cộng tác vào chương trình cứu rỗi loài người của Ngài và trong thực tế, nhiều người lớn tuổi đã có vai trò quan trọng trong lịch sử cứu chuộc.
Đọc Kinh Thánh chúng ta thấy: kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong sự mỏng giòn của những thân xác yếu đuối, bất lực và không còn trẻ trung nữa. Chính từ lòng dạ son sẻ của bà Sara và thân xác già yếu của ông Abraham mà Dân tuyển chọn được sinh ra (Rm 4, 18-20). Và tương tự như thế, từ lòng dạ son sẻ của bà Elisabeth và ông Zacaria mà Gioan Tẩy Giả, đấng tiền hô của Đấng Cứu Thế được sinh ra (Lc 1, 5-25). Những người già, ngay cả khi sự sống của họ dường như rất yếu đuối, rã rời thì họ vẫn là những dụng cụ đắc lực của lịch sử cứu độ vì được Thiên Chúa thương yêu và chăm sóc: “cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy, và hưởng ơn cứu độ Ta ban" (Tv 91, 16). Các cụ ông cụ bà cao niên đã trở nên người loan báo Tin mừng ơn cứu độ, qua việc họ thuật lại cho con cháu những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình:
“Lạy Thiên Chúa, tai chúng con đã từng được nghe
truyện cha ông vẫn thường kể lại
về công trình Chúa đã làm nên,
thời các cụ thuở xa xưa ấy” (Tv 44, 2).
Cuộc sống của các tổ phụ là một minh chứng thật hùng hồn cho quan điểm này. Thật vậy, khi ông Môsê gặp bụi gai bốc cháy, Thiên Chúa đã hiện ra và nói với ông: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3, 6). Thiên Chúa đã nối kết tên của Ngài với các tổ phụ, những người đại diện cho sự hợp pháp và bảo đảm cho đức tin của Israel. Trong Cựu ước, con cháu luôn luôn là những người đón nhận đức tin vào Thiên Chúa từ cha ông họ. Việc lặp đi lặp lại cụm từ “Thiên Chúa của . ..” cho thấy mỗi tổ phụ có kinh nghiệm riêng về Thiên Chúa. Và kinh nghiệm này là di sản của các tổ phụ, là lý do của việc họ luôn tươi trẻ về tinh thần và thanh thản khi đối diện trước cái chết.
Quyền năng của Thiên Chúa có thể được tỏ lộ trong tuổi già, ngay cả khi thân xác của người cao niên đã trở nên suy sụp, yếu kém, bệnh tật: “Song những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1, 27-29). Chính nhờ có kinh nghiệm sâu xa về tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho mình mà người cao niên mới có thể truyền thông cho các thế hệ sau mình một đức tin chân thực và sống động.
Đức Gioan Phaolo II đã khẳng định vai trò tích cực của người già khi nói chuyện với hơn 8000 người cao tuổi trong ngày 23-03-1984: “Anh chị em đừng ngạc nhiên bởi những cám dỗ về sự cô tịch bên trong. Bất kể sự phức tạp của những vấn đề của anh chị em, sức khỏe sa sút, những chậm trễ của luật pháp, những thất bại trong việc thông cảm của một xã hội ích kỷ, anh chị em đừng xem chính mình là ở bên lề của đời sống Giáo hội, là những thành viên thụ động trong một thế giới hoạt động, nhưng anh chị em là những chủ thể hoạt động tích cực trong sự hiện hữu của con người, những người phong phú về nhân bản và tâm linh. Anh chị em có một sứ vụ để thực hiện và có một phần vụ để thi hành”.
Nếu không có sự hiện diện của những người cao tuổi chúng ta có thể quên là mình đang già đi. Những người cao tuổi là các vị ngôn sứ, họ nhắc nhở chúng ta điều chúng ta thấy rõ ràng nơi họ, đó là quá trình già đi mà tất cả mọi người đều đang trải qua. Theo Kinh Thánh, một trong những đặc sủng của người sống lâu là sự khôn ngoan. Nhưng khôn ngoan không tự động mà có đối với tuổi già, khôn ngoan mà người cao niên có được là do trải qua nhiều kinh nghiệm về đường lối hành động của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa, một hồng ân mà người già đón nhận và cũng là mục tiêu của họ. Chỉ khi theo đuổi mục tiêu này, họ mới đạt đến sự khôn ngoan của tâm trí để “đếm tháng ngày mình sống”(Tv 90, 12), để sống thời gian mà Chúa quan phòng ban cho mỗi người chúng ta với một tinh thần trách nhiệm. Yếu tính của sự khôn ngoan này là khám phá ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống con người và số phận siêu việt của con người trong Thiên Chúa. Và nếu đây là điều quan trọng đối với người trẻ, thì nó còn quan trọng hơn đối với người già, những người được mời gọi định hướng cuộc sống của họ với cái nhìn về “điều cần thiết duy nhất” (Lc 10,42).
Một cách nghịch lý, chính người già khẳng định mình qua việc truyền thụ cho những người khác đức tin và kinh nghiệm về Thiên Chúa mà họ đã nhận được. Trong một thế giới ca tụng tuổi trẻ, cắt xén ký ức hay tương lai, sự kiện này làm cho chúng ta dừng lại để suy nghĩ về ảnh hưởng lớn lao của các vị cao niên: “Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 92, 14). Ông Môsê biết điều này nên đã nói với dân Israel: “Hãy nhớ lại những ngày xưa tháng cũ, và ngẫm xem từng thế hệ qua rồi. Cứ hỏi cha ngươi là người sẽ dạy, thỉnh bậc lão thành, họ sẽ nói cho nghe” (Đnl 32, 7). Vì thế, luôn có những vị cao niên ẩn mình, những người mà chúng ta phải mời đến giữa đại hội để họ bảo cho chúng ta biết cách sống từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc, “thỉnh bậc lão thành, họ sẽ nói cho nghe”.
Kinh Thánh cũng nhắc nhở chúng ta: Con đường duy nhất để sống tốt trong tuổi già là sống nó trong Thiên Chúa. “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ” (Tv 71, 1). Thánh vịnh này thật đẹp, nó là một trong những lời cầu nguyện của nhiều người mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh và đó cũng là cảm thức tôn giáo của một tâm hồn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cầu nguyện là phương tiện chủ yếu trong sự hiểu biết về tâm linh và cuộc sống của người già. Cầu nguyện là một sự phục vụ và là sứ vụ mà người già thực hiện cho sự thiện hảo của toàn Giáo hội và thế giới. Ngay cả người già đau yếu bệnh tật cũng có thể cầu nguyện. Cầu nguyện là sức mạnh của họ, là sự sống của họ. Qua cầu nguyện, họ có thể phá đổ bức tường cô đơn, vượt lên số phận đau buồn của họ và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của những người khác.
Tin mừng Luca cho chúng ta một gương mẫu về điểm này: “Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2, 36-37). Cụ bà Anna 84 tuổi đã biết bí quyết làm cho cuộc đời của cụ đem lại nhiều hoa trái nhất cho Thiên Chúa và nhân loại: cầu nguyện và hy sinh. Thay vì uổng phí thời gian với những sự ở thế gian này, bà ở lại trong đền thờ để ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.
Cầu nguyện và tiến trình lớn lên thì không tránh được những khó khăn. Con đường cầu nguyện thì không dễ dàng. Trong cuộc sống, chúng ta gặp phải nhiều đau khổ. Đôi khi, nỗi đau rất buốt, rất cay đắng. Đau khổ là phương thế dẫn chúng ta vào sâu hơn trong sự kết hiệp với Thiên Chúa. Đối với bà Anna, cái chết của chồng bà đưa bà đến việc tìm kiếm đời sống tâm linh trong một cách thức sâu xa hơn.
Cầu nguyện là quan trọng nhất đối với họ. Nhờ cầu nguyện, người già có thể trở nên một người chiêm niệm. Một người già nằm trên giường bệnh nhờ cầu nguyện có thể ôm trọn toàn thể thế giới. Giường bệnh của người già yếu bệnh tật vừa là thập giá vừa là bàn thờ: là thập giá vì người cao niên nằm liệt giường giống như Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, và là một nỗi đau đớn vì không còn di chuyển được nữa, mọi sự phải nhờ người khác. Giường bệnh cũng là bàn thờ trên đó hy lễ là chính thân xác của bệnh nhân già yếu và tư tế cũng là bệnh nhân đó, người chấp nhận dâng những đau khổ do bệnh tật gây ra cho bản thân để cầu nguyện cho gia đình, Giáo hội và thế giới. Giường bệnh như cánh cửa để người già bước vào thiên đàng, nếu họ dùng thời gian nằm trên đó để kết hiệp với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu bằng lòng mến và trong tư thế sẵn sàng cho việc gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện.
Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” nói rằng: “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao tới tột độ” (số 18). Tâm trí con người không thể hiểu cái chết. Chúng ta đối diện nó với nỗi sợ hãi và bấp bênh, hay khiếp sợ tột cùng. Chúng ta xem cái chết như một điều không thể chịu đựng nổi. Chúa Giêsu cũng đã làm người và cũng đã run sợ chảy mồ hôi máu trước khi chịu chết. Nhưng vì yêu thương chúng ta, Chúa đã chấp nhận cái chết để “giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2, 15). Nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của cái chết, thì nó sẽ không còn là tên khủng bố đối với chúng ta nữa như Đức Hồng y Basil Hume đã viết trong cuốn “Mầu nhiệm Thập giá” như sau: “Cái chết là một kẻ thù kinh khủng cho đến khi chúng ta học biết làm cho nó trở thành bạn hữu của mình. Cái chết thật đáng sợ, nếu chúng ta không học đón nhận nó. Cái chết là sự vô lý nhất, nếu chúng ta không nhìn nó như một sự thành toàn. Cái chết ám ảnh chúng ta, khi chúng ta xem nó như một hành trình đi vào hư vô, nhưng thực ra nó là hành trình đi đến nơi có hạnh phúc thực”.
Cái chết không phải là cùng đích của cuộc hành trình trên dương thế của chúng ta, nhưng là cửa ngõ đi đến một nơi tốt đẹp hơn. Chính trong nơi này mà những khát vọng của chúng ta được thực hiện. Chính ở đó mà chúng ta sẽ hiểu những kinh nghiệm của chúng ta về sự tốt lành, tình yêu, vẻ đẹp và niềm vui là những thực tại chỉ hiện hữu một cách hoàn hảo trong Thiên Chúa. Chính trong thiên đàng mà chúng ta sẽ nghỉ ngơi trong Thiên Chúa, vì như lời thánh Augustino đã nói: “Chúa đã dựng nên hồn con cho Chúa, và hồn con sẽ băn khoăn thao thức mãi cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa”.
Mặc dù chỉ có một cuộc đời duy nhất để sống, mặc dù nó chỉ là một phần rất nhỏ của lịch sử nhân loại, chúng ta sẽ sống cuộc đời làm người và làm con cái Thiên Chúa này một cách trân trọng và cẩn thận. Đó là ơn gọi cao cả nhất của chúng ta, trong đó việc yêu thương, trao ban và sống cuộc đời này cách trưởng thành làm nên một cái chết có giá trị.
Trong Kinh Thánh có một vị cao niên đã xin Thiên Chúa cho mình được chết với nụ cười tươi vui mãn nguyện trên gương mặt. Đó là cụ già Simeon: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2, 29-31).
Khi tiến trình chúng ta đang già đi được cảm nghiệm như một sự lớn lên trong việc yêu thương và trao ban, không chỉ là trao ban trí tuệ và tấm lòng, nhưng là trao tặng chính cuộc sống của mình, thì tuổi già có thể trở thành một bước tiến đến gần “giờ” mà thánh Phaolô đã nói trong thư gửi cho Timôthê: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4: 6-7).
Trong ánh sáng của lời Chúa, cái chết không còn là một lời kết án, một cái kết vô nghĩa của cuộc đời, nó được mặc khải là một thời gian của hy vọng: niềm hy vọng chắc chắn và đích thực của việc đến gặp gỡ Chúa diện đối diện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12).
Và Kinh Thánh nhắc chúng ta hãy nhìn lên Thiên Chúa trong suốt cuộc đời, vì Ngài là mục đích của cuộc hành hương trên cõi đời này của chúng ta, và đặc biệt trong lúc sợ hãi khi tuổi già và cái chết đang đến với mình, vì người già vẫn có thể sống trong hạnh phúc tròn đầy: “Ông Abraham sống thọ một trăm bảy mươi lăm tuổi rồi tắt thở. Ông qua đời khi đã cao niên, đã sống tuổi già hạnh phúc và được mãn nguyện; và ông được về sum họp với gia tiên” (St 25, 7-8).
Đoạn Kinh Thánh này rất thời sự trong thời đại chúng ta. Thế giới đương đại mất đi cái nhìn về sự thật liên quan đến ý nghĩa và giá trị của cuộc sống con người, mà Thiên Chúa đã ghi dấu trong lương tâm con người khi tạo dựng họ, và cùng với nó là ý nghĩa trọn vẹn của tuổi già và cái chết. Bị tê cóng bởi những hình ảnh về cái chết được trình bày bởi các phương tiện truyền thông xã hội, con người ngày nay làm mọi sự có thể được để tránh né thực tại này, một thực tại làm cho họ lo âu và sợ hãi. Nhưng cái chết không thể tránh được. Con Thiên Chúa đã trở thành con người, và đảo ngược ý nghĩa của cái chết: Ngài mở ra cánh cửa hy vọng cho những ai tin tưởng vào Ngài: “Đức Giêsu liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" (Ga 11, 25-26).
Niềm tin vào sự phục sinh làm cho người cao niên gắn bó với việc cầu nguyện và hy sinh để hiệp thông với thế giới và hiệp thông với Thiên Chúa, chuẩn bị cho ngày hiệp nhất với Chúa trên thiên quốc. Đồng thời người cao niên cũng cần nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi người nghèo khổ và đối xử tốt với những anh em đó để được nghe Chúa nói trong ngày sau hết của đời mình: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 34-36).
Tiến trình trở nên già đi là con đường đưa đến bóng tối hay là con đường đưa đến ánh sáng? Nó không được giải quyết dứt khoát cho bất cứ ai, bởi vì câu trả lời nằm ở mỗi người chúng ta. Tác giả thư thứ nhất Phêrô nói rằng: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (1 Pr 1,17). Chúng ta được mời gọi nhìn cuộc đời của mình như một cuộc hành hương tiến về với Cha trên trời. Chúng ta sống không phải để chết, nhưng cho sự sống đời đời. Tuổi già là chặng cuối của cuộc hành trình đức tin, là hồng ân cao quí Chúa ban cho chúng ta, vì đó là thời gian chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đấng là Cha luôn yêu thương, chăm sóc cho chúng ta. Không có gì phải sợ hãi quá, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tuy nhiên, trong việc chuẩn bị cho ngày sau hết của đời mình, điều quan trọng là chúng ta phải biết dùng thời giờ hiện tại để chu toàn ý muốn của Chúa Cha, như lời Chúa Giêsu nói: “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7, 21). Nhưng ý muốn của Thiên Chúa được biểu lộ qua các điều răn của Ngài: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39).
Qua lời Chúa, lời của các thánh và lời của Giáo hội, chúng ta đã biết được ý nghĩa và phẩm giá của tuổi già, cũng như giá trị và sứ vụ của người cao niên. Chính Thiên Chúa, các thánh, và Giáo hội cùng mời gọi chúng ta tận dụng mọi thời gian, ân huệ, đặc sủng của tuổi già để thi hành sứ vụ đã được giao phó là truyền thông đức tin, kinh nghiệm về Thiên Chúa cho người trẻ, dâng những đau khổ và hy sinh của mình để cầu nguyện cho gia đình, Giáo hội và thế giới, và nhất là dùng thời giờ hiện tại của tuổi già để chuẩn bị cho mình cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa diện đối diện trong “giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga (13, 1). Amen.
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 602 | Tổng lượt truy cập: 4,068,495