Tuyên khấn để thi hành sứ vụ – Phần 1

  • 05/07/2022 20:13
  • WĐMTH (04.7.2022) - Trong Mùa Thánh Hiến năm nay của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Ban Truyền thông xin trích đăng lại một bức thư rất hay của cha Cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh – Timothy Radcliffe, OP đã được đăng trong tập sách “Hát lên bài ca mới” – Chân Lý 2000. Những ý tưởng của cha sâu sắc và giọng văn dịch thuật nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu giúp cho độc giả có thêm chất liệu để hiểu về đời sống thánh hiến, lời khấn và sứ vụ của một người sống trong Ơn gọi của Dòng Thuyết Giáo.

     

    Trong bài này, xin mời quý độc giả xem phần I của bức thư, đề cập đến lời khấn đầu tiên trong Ba Lời Khấn Dòng: VÂNG PHỤC

    **********************

    DÁM TUYÊN KHẤN

    Ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những miền chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương, người ta mất niềm tin nhiều vào lời hứa. Ta có thể nghiệm thấy điều đó trong những cuộc hôn nhân đổ vỡ, tỷ lệ những vụ ly dị tăng cao, hoặc, thường xuyên có những đơn xin chuẩn miễn lời khấn. Khi ấy, lời khấn “cho đến chết” có ý nghĩa gì?

     Một lý do giải thích tại sao lời người ta nói ra có vẻ như không nghiêm túc, đó là vì có thể chúng ta không ý thức nhiều về tầm quan trọng trong lời chúng ta nói. Trong xã hội chúng ta, lời nói có ý nghĩa gì không? Liệu lời nói có thể tạo nên sự khác biệt không? Liệu người ta có dám hy sinh đời mình cho người khác, cho Thiên Chúa, hoặc trong hôn nhân, bằng cách nói một vài lời không? Là những người giảng thuyết Lời Chúa, chúng ta là chứng nhân cho tầm quan trọng của lời nói. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng nói một lời thì trời đất hiện hữu. Người nói một Lời và Lời ấy đã trở thành xác phàm để cứu chuộc chúng ta. Những lời mà con người nói với nhau có thể đem lại sự sống hoặc sự chết, có thể kiến tạo hoặc hủy diệt cộng đoàn. Nỗi cô đơn ghê gớm trong các đô thị mênh mông của chúng ta chắc chắn là dấu cho thấy một nền văn hóa đôi khi không còn tin vào tầm quan trọng của ngôn ngữ, không còn tin là có thể kiến tạo cộng đoàn bằng thứ ngôn ngữ được chia sẻ. Khi tuyên khấn, chúng ta làm chứng cho ơn gọi căn bản của con người, đó là nói những lời có giá trị và uy tín.

    Tuy nhiên, chúng ta không thể biết những lời khấn của chúng ta có ý nghĩa gì và sẽ đưa dắt chúng ta đến đâu. Tại sao lại dám tuyên khấn? Chắc chắn chỉ vì Thiên Chúa của chúng ta đã làm như thế, và vì chúng ta là con cái của Người. Chúng ta dám làm điều mà Cha chúng ta đã làm trước. Từ ban đầu, lịch sử cứu độ đã là một lịch sử về một vì Thiên Chúa đã hứa, Người đã hứa với ông Nô-e rằng cõi đất sẽ không bao giờ còn bị ngập trong đại hồng thuỷ nữa. Người đã hứa với ông Áp-ra-ham rằng miêu duệ ông sẽ nhiều như sao trời cát biển. Người đã hứa với ông Mô-sê là sẽ đưa dân Người ra khỏi đất nô lệ. Cao điểm và sự thực hiện trọn vẹn mọi lời hứa một cách lạ lùng, là Đức Giêsu Kitô, lời thưa “Vâng” vĩnh cửu của Thiên Chúa. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta dám nói những lời mà không biết rằng lời đó sẽ có ý nghĩa gì. Hành vi này là dấu chỉ cho thấy niềm hy vọng, vì đối với nhiều người, chỉ có lời hứa là hiện hữu. Nếu ai đó bị giam hãm trong tuyệt vọng, bị huỷ diệt vì nghèo đói, hoặc thất nghiệp, hoặc tù tội vì một thất bại cá nhân, hẳn là người đó chẳng còn gì để có thể hy vọng và tin tưởng, trừ nơi Thiên Chúa, Đấng đã tuyên hứa với chúng ta, Đấng hằng dâng hiến một giao ước cho nhân loại, và qua các ngôn sứ, đã dạy bảo chúng ta hy vọng được ơn cứu độ.[1]

    Trong một thế giới đang bị đe dọa bởi sự thất vọng, không thể có một nguồn hy vọng nào khác ngoài sự tin tưởng vào đấng Thiên Chúa đã ban Lời của Người cho chúng ta. Và dấu chỉ nào cho thấy Thiên Chúa dấn thân như thế, nếu không phải là những con người nam nữ dám tuyên những lời hứa, hoặc trong hôn nhân hoặc trong đời tu? Tôi chẳng bao giờ hiểu được rõ ràng ý nghĩa các lời khấn của chúng ta mãi cho tới khi tôi đi thăm một làng nhỏ tại ranh giới Lisbonne, nơi ở của những người nghèo nhất, những người bị quên lãng và những người “vô hình” của thành phố, và tôi đã thấy ở đó một khu phố đang sống trong cảnh vui tươi, vì một nữ tu vốn chia sẻ cuộc sống của họ sắp tuyên khấn trọn đời. Thực là một ngày lễ hội!

    Người ta đã gọi nền văn hóa của chúng ta là “Thế hệ Bây giờ”, một nền văn hóa chỉ coi khoảnh khắc hiện tại là hiện hữu. Nền văn hóa ấy có thể là nguồn mạch của sự ngẫu hứng kỳ diệu, sự tươi mới và sẵn sàng mà chúng ta vui hưởng. Nhưng nếu thời gian hiện tại lại là một thời gian nghèo khó và thất bại, suy sụp hoặc sút kém, thì còn có niềm hy vọng nào không? Các lời khấn tự bản chất đưa tới một tương lai mà ta không biết. Theo thánh Thomas, tuyên khấn là một hành vi chứng tỏ lòng quảng đại triệt để, bởi vì trong một khoảnh khắc, chúng ta dâng hiến cuộc đời mà chúng ta sẽ sống liên tục qua dòng thời gian[2]. Trong nền văn hóa của chúng ta, nhiều người cho rằng dâng hiến một tương lai không thể lường trước được như thế là điều không có ý nghĩa. Làm sao tôi có thể ràng buộc mình cho đến chết khi tôi không biết tôi sẽ trở thành người nào và cái gì? Tôi sẽ là ai trong thời gian mười năm, hai mươi năm nữa? Tôi sẽ gặp ai và cái gì sẽ thu hút trái tim tôi? Đối với chúng ta, đó là dấu chỉ của địa vị làm con cái Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, đấng bất ngờ ban cho chúng ta con cừu vướng trong bụi cây. Tuyên khấn vẫn còn là một hành vi mang ý nghĩa sâu xa nhất, một dấu chỉ cho thấy niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng hứa cho chúng ta một tương lai, cả khi tương lai đó vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta, và Người là Đấng giữ lời đã nói.

    Thực ra, đôi khi có anh chị em thấy rằng mình không thể tiếp tục sống những lời khấn mình đã tuyên đọc. Điều đó có thể là hậu quả của sự thiếu phân định trong giai đoạn đào tạo sơ khởi, hoặc đơn giản – nói cho đúng – vì đó là cuộc sống mà họ không thể chịu đựng được nữa. Bấy giờ, giải pháp khôn ngoan là xin chuẩn miễn lời khấn. Ít là chúng ta hãy cảm tạ vì những gì các anh chị em đó đã đem lại cho chúng ta, và hãy vui mừng vì những gì chúng ta đã chia sẻ! Chúng ta cũng tự vấn xem trong các cộng đoàn của chúng ta, chúng ta có làm tất cả những gì mình có thể làm để nâng đỡ các anh chị em ấy trong lời khấn của họ hay không.

    ĐỨC TUÂN PHỤC: SỰ TỰ DO CỦA CON CÁI THIÊN CHÚA

    Khởi đầu việc giảng thuyết, Đức Giê-su tuyên bố rằng lời hứa của ngôn sứ Isaia nay đã hoàn tất: người tù đày được giải phóng và người áp bức được tự do.[3] Tin mừng mà chúng ta được kêu gọi đi rao giảng là Tin mừng về sự tự do không thể bị đàn áp của những người con cái Thiên Chúa. “Chính là để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Do đó, thật là mâu thuẫn khi chúng ta dâng hiến cuộc sống cho Dòng để rao giảng Tin mừng này, qua lời khấn tuân phục, lời khấn duy nhất mà chúng ta tuyên đọc. Chúng ta có thể nói về tự do thế nào khi chúng ta đã hiến dâng sự sống của chúng ta rồi?

    Lời khấn tuân phục là gương mù trong một thế giới đang khao khát tự do như giá trị cao cả nhất. Nhưng sự tự do chúng ta đang khao khát là thứ tự do nào? Đó là vấn đề vẫn đang được đặt ra một cách ráo riết ở những nước vừa thoát khỏi chế độ Cộng sản. Họ đã bước vào “thế giới tự do”, nhưng phải chăng đó chính là thứ tự do mà họ đã chiến đấu để giành được? Chắc chắn họ đã đạt được một thứ tự do quan trọng nào đó, trong diễn biến chính trị, nhưng thứ tự do chợ búa này thường làm cho họ thất vọng. Nó không đem lại sự giải phóng như đã hứa, mà còn xé rách tấm vải dệt nên xã hội con người một cách sâu xa hơn nữa. Trên hết, thế giới mà chúng ta giả thuyết là tự do lại có đặc điểm là ý thức sâu xa về thuyết định mệnh, một sự bất lực trong việc nắm lấy vận mệnh của mình, trong việc thực sự quyết định về cuộc đời mình, đó là những điều đang chất vấn chúng ta về thứ tự do trong nền văn hóa tiêu thụ. Như vậy, đối với chúng ta, lời khấn tuân phục không phải là để thuận tiện cho việc quản trị, một phưong tiện thiết thực. Lời khấn tuân phục phải giúp chúng ta giáp mặt với vấn đề này: Chúng ta đang khao khát thứ tự do nào trong Chúa Kitô? Lời khấn này có thể diễn tả ý nghiã đó như thế nào, và giúp chúng ta giảng thuyết về Nước Trời như chúng ta sống niềm hân hoan của con cái Thiên Chúa như thế nào?

    Lúc các môn đệ thấy Chúa Giêsu trò chuyện với người phụ nữ Samari bên bờ giếng, Người nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Sự tuân phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha không giới hạn sự tự do của Người, không giảm bớt quyền tự quyết của Người. Đó là lương thực mang lại cho Người sức mạnh và làm cho Người kiên vững. Mối tương quan giữa Người với Chúa Cha, quà tặng của tất cả bản tính Người, đó chính là con người của Người.

    Sự tự do sâu xa của Đức Giêsu, việc Người thuộc về Chúa Cha, hẳn phải là bối cảnh để chúng ta suy nghĩ xem sống là những người tự do và hiến thân cho cuộc đời cho Dòng có ý nghĩa gì không. Đó không phải là thứ tự do của người tiêu thụ, có quyền chọn lựa không giới hạn những món hàng khác nhau hoặc những hoạt động khác nhau; đó là sự tự do để hiện hữu, sự tự do của người yêu mến. Trong truyền thống của Đa Minh, việc lệ thuộc lẫn nhau trong đức tuân phục hỗ tương in đậm nét sự căng thẳng giữa hai đặc điểm này: dâng hiến hoàn toàn cuộc đời chúng ta cho Dòng và tìm kiếm sự đồng tâm nhất trí dựa trên tranh luận bàn bạc, thái độ chú ý lắng nghe và tôn trọng nhau. Hai đặc điểm này cần thiết để có thể là những người giảng thuyết sự tự do của Đức Kitô, sự tự do mà thế giới đang khao khát. Nếu chúng ta không thể thực sự dâng hiến bản thân chúng ta cho Dòng một cách vô điều kiện, thì chúng ta chỉ là những nhóm gồm những cá nhân độc lập, khi này khi khác cộng tác với nhau mà thôi; nếu đức tuân phục được coi như là sự áp đặt ý muốn của bề trên mà không tìm kiếm một tinh thần chung, thì lời khấn làm cho chúng ta trở thành vong thân và phi nhân bản.

    TUÂN PHỤC VÀ LẮNG NGHE

    Trong truyền thống của chúng ta, tuân phục chủ yếu không phải là việc một anh em hoặc một chị em tuân theo ý muốn của bề trên. Bởi vì tuân phục là cách diễn tả tình huynh đệ của chúng ta đối với nhau, diễn tả cuộc sống của chúng ta trong Dòng, nó phải dựa trên nền tảng sự đối thoại và bàn bạc. Người ta hay nhấn mạnh đến điều đó bằng cách phân tích từ obedire, từ này xuất phát bởi ob-audire, nghĩa là nghe. Khởi đầu của sự tuân phục đích thực, đó chính là khi chúng ta dám để cho các anh chị em của chúng ta nói và chúng ta nghe họ. Đó là “nguyên tắc thống nhất” (Hiến pháp 17.1). Đó cũng chính là lúc chúng ta quy tụ lại để lớn lên như những con ngưồi bằng thái độ chú ý lắng nghe người khác. Những người đã lập gia đình không có chọn lựa nào khác ngoài việc để cho những nhu cầu của con cái hoặc của bạn đời lôi kéo mình vượt ra khỏi chính mình. Còn nếp sống của chúng ta, với sự thinh lặng và cô tịch, có thể giúp chúng ta lớn lên trong thái độ chú ý và lòng quảng đại, nhưng chúng ta cũng có nguy cơ khép kín vào chính mình và vào những bận tâm của riêng mình. Đời tu có thể sản sinh ra những con người hết sức vô vị lợi hoặc hết sức ích kỷ, tùy chỗ chúng ta có biết lắng nghe hay không. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết chú ý, biết đón nhận hoàn toàn. Khoảnh khắc phong phú trong ơn cứu chuộc chúng ta, đó là lúc Đức Maria đã dám lắng nghe một sứ thần.

    Đây là thái độ lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải sử dụng lý trí. Trong truyền thống, chúng ta dùng lý trí không phải để chế ngự người khác, nhưng là để đến gần họ. Cha Russelot nói, lý trí là “khả năng của người khác”. Lý trí mở tai chúng ta để chúng ta lắng nghe. Cha Herbert McCabe viết:

    Trước tiên đó là mở rộng tinh thần, như người ta thấy trong bất kỳ việc học hỏi nào. Tuân phục chỉ có thể trở thành hoàn hảo khi người ra lệnh cũng như kẻ tuân theo chia sẻ cùng một tinh thần. Trong truyền thống chúng ta, khái niệm tuân phục mù quáng không có ý nghĩa gì trong truyền thống của chúng ta hơn là một sự học hỏi mù quáng. Một cộng đoàn tuân phục hoàn toàn sẽ là một cộng đoàn trong đó không có ai bị ép buộc phải làm một việc gì bao giờ.[4]

    Do đó, trong truyền thống Đa Minh, công hội cộng đoàn, nơi chúng ta bàn bạc với nhau, là nơi đầu tiên chúng ta thực hành đức tuân phục. Việc bàn bạc trong công hội nhằm tìm kiếm sự hiệp nhất trái tim và tinh thần cũng như tìm kiếm công ích. Chúng ta cùng nhau bàn bạc, như những tu sĩ Đa Minh tốt lành, không phải để chiến thắng, nhưng trong hy vọng học hỏi lẫn nhau. Điều chúng ta tìm không phải là chiến thắng của đa số, nhưng là sự nhất trí trong một mức độ có thể. Sự nhất trí này, dù cho đôi khi không thể đạt được, không chỉ là chuyện muốn sống với nhau một cách yên ổn. Nói cho triệt để hơn, đó là một hình thức quản trịphát xuất từ niềm tin rằng những ngưòi không đồng ý với chúng ta cũng có điều gì đó để nói, và như thế chúng ta không thể một mình mà đạt được chân lý. Chân lý và cộng đoàn là hai điều không thể tách rời. Như cha Malachy O’Dwyer đã viết:

    “Tại sao thánh Đa Minh lại tín nhiệm và tin tưởng nhiều nơi những người bạn đồng hành của người? Câu trả lời đơn giản lắm. Một cách sâu xa, thánh Đa Minh là con người của Thiên Chúa, xác tín rằng bàn tay Thiên Chúa đặt trên mọi sự và trên mọi người… Vì xác tín Thiên Chúa thực sự nói với mình qua những tiếng nói khác tiếng nói của mình, cho nên người đã phải tổ chức gia đình của mình sao cho mỗi người trong gia đình có thể được người khác lắng nghe”.[5]

    Từ đó, trong truyền thống của chúng ta, việc quản trị đòi phải có thì giờ. Đa số chúng ta là những người rất bận bịu, và thời giờ này có vẻ như thời giờ bị uổng phí. Dành thời giờ để tranh luận với nhau làm gì khi ta có thể đi ra ngoài để giảng để dạy? Nhưng chúng ta hội họp nhau bàn bạc vì đời sống được chia sẻ này, tình liên đới được sống này làm cho chúng ta thành những người giảng thuyết. Chúng ta chỉ có thể nói về Chúa Kitô khởi đi từ những gì chúng ta đang sống, và sự vất vả khó nhọc tìm cách sao chỉ có một tâm hồn và một trí khôn sẽ rèn luyện chúng ta chuẩn bị để nói cho có uy tín về Chúa Kitô, trong Người có ơn hoà giải trọn vẹn.

    Đối với chúng ta, tuân phục không phải là trốn tránh trách nhiệm. Tuân phục gầy dựng những cách thế khác nhau để chúng ta chia sẻ. Vai trò của một vị tu viện trưởng thường là khó khăn, vì có những anh em nghĩ rằng chọn vị ấy lãnh trách nhiệm thì một mình vị ấy phải cáng đáng gánh nặng. Điều này cho thấy suy nghĩ ấu trĩ về quyền bính. Đức tuân phục đòi chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm là của chúng ta, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ đáp ứng được những thách đố đang đặt ra cho Dòng. Như tôi đã nói khi gặp gỡ các bề trên giám tỉnh châu Âu ở Prague năm 1993:

    Trách nhiệm, đó chính là khả năng đáp ứng. Chúng ta có đáp ứng không? Với kinh nghiệm của một giám tỉnh, tôi thấy “mầu nhiệm trách nhiệm đã biến mất”. Nó cũng bí ẩn như một cuốn tiểu thuyết của Sherlock Holmes! Tỉnh hội thấy có một vấn đề, liền trao cho giám tỉnh xem xét và giải quyết. Cần phải có một quyết định can đảm. Giám tỉnh xin ý kiến của ban cố vấn. Ban cố vấn chỉ định một uỷ ban nghiên cứu xem phải làm gì. Họ thấy cần hai hoặc ba năm để vấn đề được sáng tỏ, và rồi sự việc được trình lên tỉnh hội kế tiếp, và như vậy cái “tua” vô trách nhiệm cứ tiếp tục.

    Đôi khi yếu tố làm cho Dòng bị tê liệt và khiến chúng ta không dám thực hiện cái mới, đó là sợ trách nhiệm và sợ phải chấp nhận thất bại. Mỗi người chúng ta phải biết lãnh nhận trách nhiệm của mình, thậm chí lắm khi phải đau đớn mà làm điều đó và liều mình đưa ra một quyết định sai lầm. Nếu không, chúng ta sẽ phải chết vì không thức thời.

    Có thể người ta sẽ vặn lại rằng hệ thống quản trị của chúng ta không phải là hệ thống hữu hiệu nhất. Một kiểu quản trị tập trung hơn và có quyền bính hơn có lẽ sẽ giúp chúng ta đáp ứng nhanh hơn trước những khủng hoảng, đưa ra những quyết định khôn ngoan đặt căn bản trên sự hiểu biết rộng rãi về Dòng. Thường người ta vẫn có khuynh hướng muốn đẩy tới việc tập trung quyền bính. Nhưng, 70 năm trước, Bede Jarrett O.P. đã viết:

    Đối với những người sống dưới bóng tự do, tự do trong hệ thống quản trị có bầu cử là một thực tại quá thánh thiêng đến nỗi không bỏ đi được, dù có nguy cơ không hiệu quả. Theo họ, với tất cả sự yếu kém liên hệ, chính sách tự do vẫn phù hợp với sự độc lập của lý trí con người và sự củng cố ý chí con người hơn chính sách chuyên chế, cho dù chính sách này có lợi. Dân chủ có thể làm hỏng kết quả, nhưng dân chủ làm nên những con người.[6]

    Cách quản trị của chúng ta đôi khi có thể kém hiệu quả, nhưng nó làm nên những người giảng thuyết. Hình thức quản trị của chúng ta liên kết sâu xa với ơn gọi làm người giảng thuyết, vì chúng ta có thể nói một cách có uy tín về sự tự do của chúng ta trong Chúa Kitô nếu chúng ta đã sống sự tự do ấy với nhau. Nhưng truyền thống dân chủ và phân quyền của chúng ta không bao giờ có thể được coi là lời bào chữa cho sự án binh bất động và vô trách nhiệm. Đó không phải là một cách để chúng ta thoái thác những thách đố trong sứ vụ của mình.

    TUÂN PHỤC VÀ DÂNG HIẾN BẢN THÂN

    Truyền thống dân chủ của Dòng, sự nhấn mạnh đến việc chia sẻ trách nhiệm, tranh luận và đối thoại có thể khiến cho ta tưởng rằng những đòi hỏi của đức tuân phục đặt ra cho chúng ta không lớn bằng những đòi hỏi trong hệ thống chuyên chế và tập trung quyền hành nhiều hơn. Khi đó, tuân phục lại không luôn luôn là thỏa hiệp giữa cái tôi muốn với cái Dòng đòi hỏi hay sao? Người ta có thể thương lượng một sự tự quyết hạn chế nào đó không? Tôi không nghĩ thế. Tình huynh đệ đòi chúng ta tất cả những gì chúng ta là. Vì cũng như mọi lời khấn khác, đức tuân phục hướng đến Caritas – đức mến – một cách diễn tả tình yêu, do đó cũng phải hết lòng. Sẽ khó tránh khỏi tình trạng căng thẳng giữa tiến trình đối thoại, tức là tìm kiếm sự đồng tâm nhất trí, và lúc đặt mình vào tay anh em, nhưng đó là sự căng thẳng phúc lợi, chứ không phải là một sự thoả hiệp do thương lượng mà có. Mặc dù tôi nói một cách rất đặc biệt căn cứ vào kinh nghiệm quản trị anh em, tôi vẫn hy vọng những điều sau đây có thể hữu ích đối với các chị em.

    Tôi xin bắt đầu bằng cách nêu lên tính chất bao la trong những thách đố mà chúng ta – xét như là Dòng – đang phải đương đầu. Chúng ta chỉ có thể đương đầu với những thách đố ấy với điều kiện duy nhất là làm sao có khả năng hình thành những dự phóng chung mới, và bỏ những việc tông đồ có thể là rất quí báu đối với chúng ta xét trên bình diện cá nhân hoặc trên bình diện tỉnh dòng. Chúng ta phải dám thử những kinh nghiệm mới và dám liều thất bại. Đôi khi chúng ta cần can đảm từ bỏ những cơ chế rất quan trọng trong quá khứ và có lẽ ngày nay vẫn còn có ý nghĩa. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ là những người tù của quá khứ. Chúng ta phải can đảm chết nếu chúng ta muốn sống. Điều đó sẽ đòi hỏi, các tỉnh dòng và các cá nhân, một tinh thần, trái tim và thân thể có khả năng di động. Nếu chúng ta muốn xây dựng những trung tâm đào tạo và học vấn của riêng Dòng ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, muốn tái thiết Dòng ở Đông Âu, muốn giáp mặt những thách đố của Trung Quốc, của việc giảng thuyết trong thế giới người trẻ, đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo khác, thì tất nhiên chúng ta sẽ phải bỏ một số việc tông đồ. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ làm được cái gì mới mẻ cả.

    Đối với tôi, sự dâng hiến trọn vẹn đời sống của mình cho anh em còn có ý nghĩa hơn cả sự linh động cần thiết, điều mà một tổ chức phức tạp phải có để đáp ứng những thách đố mới. Sự dâng hiến đó nói lên sự tự do trong Chúa Kitô mà chúng ta rao giảng. Nó cho thấy Lex libertatis – luật tự do của Tân ước. Trong đêm bị trao nộp, lúc cuộc đời sẽ phải thất bại, Đức Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ của Người và nói: “Đây là Mình Thầy, và Thầy trao cho anh em”. Đối đầu với định mệnh của mình, vì “cần Con Người phải bị trao nộp”, Người đưa ra hành vi tối cao của tự do khi hiến mạng sống. Việc tuyên khấn của chúng ta, khi chúng ta đặt để cuộc đời mình vào tay vị giám tỉnh, là hành vi tạ ơn của một sự tự do điên rồ. Đây là cuộc đơì của tôi, và tôi trao cho anh em. Chính như thế, chúng ta dâng hiến bản thân để phục vụ sứ mạng của Dòng, “hoàn toàn được cử đi loan báo Tin mừng trọn vẹn Lời của Thiên Chúa” (Hiến pháp III).

    Khi một anh em đặt cuộc đời mình vào tay chúng ta, điều đó hàm nghĩa là chúng ta cũng bị ràng buộc một cách tương ứng. Chúng ta phải dám đòi hỏi người anh em đó nhiều. Một vị giám Tỉnh phải có can đảm để tin rằng anh em trong gỉnh dòng mình có khả năng làm được những chuyện kỳ diệu vượt cả sức tưởng tượng của họ. Hệ thống quản trị của chúng ta phải bộc lộ sự tín nhiệm lạ lùng đối với mỗi người, y như cách thánh Đa Minh đã làm cho người đồng thời phải khó chịu khi Người phái các tập sinh đi giảng thuyết: “Anh em hãy tin tưởng ra đi, bởi vì Chúa sẽ ở với anh em, và Người sẽ đặt vào môi miệng anh em những lời lẽ để giảng thuyết”. Nếu một phần tử của Dòng đã tự do dâng hiến đời mình, thì chúng ta phải trân trọng sự dâng hiến đó bằng cách tự do đòi hỏi nhau, dù cho điều đó có nghĩa là phải bỏ một dự tính mà người đó rất yêu thích và đang tiến triển. Nếu không như vậy, Dòng sẽ tê liệt. Chúng ta phải kêu gọi nhau hiến dâng đời mình cho những dự phóng mới, dám nắm lấy những thách đố của thời đại, hơn là chỉ sử dụng những thách đố ấy để duy trì những cơ chế hoặc những cộng đoàn không còn sức sống đối với việc giảng thuyết nữa.

    Ngày nay, có những thách đố đang đưọc đặt ra cho chúng ta và toàn Dòng cần phải đưa ra câu trả lời. Việc loan báo Tin mừng ở Trung quốc có thể là một trong những thách đố đó. Trong những trường hợp như thế, Tổng quyền sẽ phải kêu gọi các tỉnh dòng quảng đại gởi anh em đi đến những vùng truyền giáo mới, ngay cả khi điều đó gây ra những hậu quả khó có thể chịu đựng. Tôi đã gặp một vị giám tỉnh để bàn về việc cho một an em đến phục vụ tại phụ tỉnh mới của chúng ta ở Nga và Ucraina. Tôi rất do dự vì tôi biết rằng đó là một người anh em mà tỉnh dòng khó có thể để mất. Vị giám tỉnh nói với tôi: “Nếu như Thiên Chúa quan phòng đã chuẩn bị để người anh em thi hành công việc ấy, thì chúng tôi cũng phải tin rằng Thiên Chúa sẽ đáp ứng những nhu cầu của chúng tôi”.

    Cái mới sẽ không bao giờ sinh ra nếu chúng ta không dám bỏ những gì đã tỏ ra là có giá trị để thực hiện một việc gì đó có thể đi đến thất bại. Không ai biết được ở đàng trước là cái gì. Áp lực của xã hội muốn người ta phải có một sự nghiệp, cuộc đời phải đi đến một chỗ nào đó. Dâng hiến cuộc đời cho việc rao giảng Tin mừng, đó là từ chối sự bảo đảm kia. Chúng ta là những người không có sự nghiệp, không có những dự kiến. Đó là tự do của chúng ta. Tôi nghĩ đến sự can đảm của những anh em thiết lập Dòng ở Hàn quốc, phải vật lộn với một ngôn ngữ mới và một nền văn hóa mới, mà phía trước chẳng có gì bảo đảm rằng việc anh em dâng hiến đời mình sẽ mang lại hoa trái. Duy chỉ có sự hiến dâng của Đức Chúa, phục sinh sau khi thất bại của thập giá, tự bản chất, đó là một quà tặng đích thực, một sự ngạc nhiên.

    Một cách để chúng ta có thể sống sự quảng đại ấy, đó là chấp nhận việc được bầu làm tu viện trưởng, làm giám tỉnh hoặc làm thành viên của ban cố vấn tu viện hoăc tỉnh dòng. Trong nhiều tỉnh dòng, khó kiếm những anh em sẵn sàng lãnh nhận trách vụ. Việc tìm một anh em làm bề trên trở thành việc tìm một người sẵn lòng để tên của mình được đề nghị với công hội. Chúng ta đang tìm những “ứng viên”. Thế mà hình như tôi thấy chỉ có một lý do để chấp nhận vị trí ấy, đó là vì người ta vâng theo ước muốn của anh em, chứ không phải người ta ao ước làm “ứng viên”. Có thể có những lý do tốt lành, khách quan để từ chối một trách vụ. Những lý do đó cần được xem xét nghiêm chỉnh và có thể chấp nhận được, sau khi thẩm quyền cao hơn đã phê chuẩn. Nhưng đó phải là những lý do quan trọng chứ không đơn thuần là vì người ta không cảm thấy thích thú với việc lãnh trách vụ.

    Trên núi Biến hình, ông Phêrô đã bị mê hoặc bởi thị kiến vinh quang. Ông muốn dựng lều và ở lại đó. Ông chống lại lời Đức Giêsu mời gọi tiến đi trên con đường lên Giêrusalem, nơi Người phải chịu thương khó và phải chết. Ông không thấy rằng vinh quang sẽ được mạc khải ra chính trong cái chết trên thập giá ấy. Đôi lúc chúng ta vẫn còn bị vinh quang của quá khứ thu hút, vinh quang của những cơ chế mà trước đó các anh em chúng ta đã xây lên. Chúng ta phải bày tỏ lòng tri ân các anh em đó trong việc tìm kiếm những con đường để gặp gỡ những vấn đề thời nay. Như ông Phêrô, chúng ta có thể bị ngạt thở, bị tê liệt và chống lại lời mời gọi đứng dậy và lên đường tham dự vào cái chết trong mỗi thế hệ. Nhưng có cái chết chẳng sinh hoa trái gì, cái chết của những người muốn chôn mình trên núi Biến hình khi Chúa đã bỏ đó mà đi xuống, và cũng có cái chết sinh nhiều phúc lợi, cái chết của những người dám lên đường, đi với Chúa đến núi Canvê, ngọn núi dẫn tới phục sinh.

    Fr. Timothy Radcliffe, OP

    Cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh

    Nguồn tin:  https://daminhtamhiep.net/

    ________________________________________

    [1] Kinh Tạ ơn IV.

    [2] Xc. Summa Theologiae, IIa IIae, q. 186,  a 6, ad 2.

    [3] Xc. Lc 4:18-21

    [4] God Matters, London, 1987.

    [5] “Pursuing Communion in Government: The Role of Community Chapter”, Dominican Monastic Search, Vol. 2, Fall-Winter 1992, p. 41.

    [6] The Life of St. Dominic, London 1924, p.128

    Bài viết liên quan