UKRAINE: CÂU CHUYỆN CỦA MỘT ỨNG SINH LINH MỤC DÒNG ĐA MINH
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP., chuyển ngữ
Mặc dù đang phải ôn bài cho những kỳ thi cuối cùng vào tuần tới, và tham dự tuần tĩnh tâm chuẩn bị cho việc thụ phong linh mục, nhưng đối với Thầy Mońka, những việc ấy, lúc này, không phải là điều chính yếu, mà thay vào đó, việc giúp những người tị nạn đang cần đến phải là điều ưu tiên hơn.
Trong hơn 2 tuần qua, Thầy Mońka đã điều phối công việc khi tu viện mở cửa để tiếp đón 108 người tị nạn Ukraine đến tạm trú. Hiện nay có gần 50 người đang ở trong nội vi tu viện.
Thầy Andrzej Mońka, OP
Thầy Mońka kể lại: “Tôi đã đề nghị với cha giáo học viện là chúng tôi nên làm một việc gì đó. Một cách cụ thể, tôi rất muốn giúp sắp xếp để có chỗ tiếp đón những người tị nạn ngay trong Tu viện.” Và rồi, với sự chấp thuận của cha bề trên và ban cố vấn tu viện, Thầy Mońka bắt đầu công việc bằng việc tận dụng những phòng hiện không sử dụng tới để làm chỗ đón khách.
Tu viện Đa Minh ở Krakow là một khu phức hợp lớn. Các tu sĩ Đa Minh đã sống và cầu nguyện ở đây từ 800 năm trước, kể từ khi Thánh Đa Minh cử Thánh Hyacinth đến thiết lập dòng tại Ba Lan. Chính Thánh Hyacinth cũng đã được an táng tại vương cung thánh đường Chúa Ba ngôi, một nhà thờ cổ, nằm ngay trong quần thể của tu viện.
Vốn là một Dòng tu nổi tiếng ở Krakow, các tu sĩ Đa Minh tại tu viện có nhiều hoạt động nên có mạng lưới bạn bè sâu rộng, và chính mạng lưới bạn bè này đã rất tích cực góp phần trong việc phụ giúp tu viện tiếp nhận những người tị nạn.
Thầy Mońka chia sẻ kinh nghiệm của công việc: “Chúng tôi đã kêu gọi nhiều người góp phần, và việc chuẩn bị những căn phòng đã được tiến hành một cách nhanh chóng. Trước hết, chúng tôi phải dọn dẹp và di chuyển rất nhiều đồ đạc trong những căn phòng này để có thêm chỗ cho những vị khách của mình. Nhiều sinh viên và giáo dân vẫn thường tham dự Thánh lễ tại tu viện đã chung tay để lau rửa cửa sổ, cọ rửa sàn nhà, dọn giường và điền vào danh sách những thứ cần mua”.
Khi những người tị nạn đến nơi, “Chúng tôi vô cùng xúc động trước những câu chuyện của họ. Mỗi người một hoàn cảnh, và hoàn cảnh nào cũng đều đáng thương”. Đây là vài trường hợp điển hình:
- Một người đàn ông với đôi chân bị gãy. Mặc dù đang bị xích, nhưng ông thấy mình cần phải trốn thoát, nên người ta phải đánh gãy hông của ông ấy. Khi đến nơi, ông ấy cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Một gia đình Hồi giáo, khi đến nơi, họ cầu nguyện bên trong tu viện, thậm chí, họ sử dụng một tấm thảm như phong tục riêng của họ. Đối với các anh em trong tu viện, đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.
- Một em bé hôm nay được 18 ngày tuổi, đang được chúng tôi chăm sóc. Bình thường, đã rất khó khăn đối một người mẹ khi sinh con, nên thật khó để có thể hình dung những gì người mẹ của bé đang trải qua. Chị bị mất ngủ, vì di chuyển hết nơi này đến nơi khác, chị chẳng thể ở yên một chỗ, và phải làm mọi thứ để chăm sóc con mà không có người chồng bên cạnh. May mắn thay, một trong những vị khách hiện đang ở đây là bác sĩ, và chị cũng được những gia đình Ukraine khác giúp đỡ.
Thầy Mońka chia sẻ thêm rằng, thực sự là một cú sốc đối với anh em trong cộng đoàn khi chiến tranh ập đến. Ngay cả những anh em tu sĩ của chúng tôi ở Ukraine cũng như ở Nga đều không hề mong đợi điều đó. “Thật khó để nhìn hình ảnh của những gì xảy ra. Không giống như trong Thế chiến thứ II, khi bạn chỉ nghe trên đài phát thanh rằng ở đâu đó đang xảy ra cảnh chết chóc. Nhưng bây giờ, ở đây bạn nhìn thấy người dân, khuôn mặt của họ, các tòa nhà… bạn có thể theo dõi mọi thứ đang diễn ra. Nó thật kinh hoàng”.
Sau khi Thầy Mońka phụ trách khởi xướng công việc, giờ đây toàn bộ cộng đoàn cùng tham gia. Khi các gia đình tị nạn đến tu viện, Thầy Mońka nhờ một Thầy học viện trong nhà lo việc tiếp đón và phục vụ họ. Trong thời gian đầu, nhu cầu về phòng ở rất cấp thiết, “Ngay đêm đầu tiên, trước khi chúng tôi thiết lập thành hệ thống, tôi đã có 5 cuộc gọi. Vì vậy, tôi chỉ ngủ được 3 tiếng đồng hồ”. Nhưng bây giờ, có một nhóm trực cho đường dây nóng để trả lời các cuộc gọi đến vào ban đêm.
Khi tạm gác những việc riêng của mình cho việc thi cử và chuẩn bị cho việc thụ phong linh mục trong vài tuần nữa, Thầy Mońka chỉ đơn giản xem đó là những gì Tin Mừng đòi hỏi. “Lúc đầu, tôi sợ rằng các anh em trong tu viện sẽ chỉ trích công việc này, vì nó không thực sự là đoàn sủng của chúng tôi”. Nhưng vấn đề là, đây không phải là lúc bình thường mà là đang trong một cuộc chiến. Thực ra, trong truyền thống của Dòng Đa Minh, cũng đã có những anh em đã làm rất nhiều việc để giúp người khác đến trú ngụ tại tu viện, ví dụ như thánh Martin de Porres chẳng hạn.
Tuy thế, Thầy Mońka cũng thừa nhận: “Đây là công việc đòi hỏi rất khắt khe. Tôi nói đùa rằng, ít nhất là tôi đã có cơ hội trở thành một phó tế thực thụ trong 2 tuần”. Thầy tin rằng việc chăm sóc cho những người cần được giúp đỡ trong thời điểm như thế này là một công việc tuyệt hảo của một phó tế. “Tôi thực sự có thể phục vụ như một phó tế trong 2 tuần, và đối với tôi, đây là một sự chuẩn bị tuyệt vời cho chức linh mục của tôi. Bây giờ là lúc để sống điểm cốt lõi của Tin Mừng”.
***
Kể từ khi cuộc chiến tranh khốc liệt xảy ra tại Ukraine, cả thế giới như cũng chung chia sự phập phồng, bất an; và ở nhiều góc độ, quốc gia nào cũng thấy mình như là người trong cuộc.
Người trong cuộc, không phải chỉ vì bị ảnh hưởng về mặt kinh tế khi sự lạm pháp gia tăng, và vật giá leo thang;
Người trong cuộc, không phải chỉ vì cảm thức sự bấp bênh của hoà bình, và một cuộc chiến lớn hơn có nguy cơ xảy ra, bất cứ lúc nào;
Nhưng người trong cuộc, chính là vì thấy phẩm giá của con người bị xúc phạm, khi mà:
- hàng triệu người phải bỏ lại nhà cửa, quê hương để ra đi, mà không biết tương lai mình sẽ đi về đâu;
- biết bao trẻ em, thay vì được đến trường học, lại phải ngơ ngác bước lên những chuyến tàu, hoặc phải rảo bước trong sương giá… để đi đến những vùng đất hoàn toàn xa lạ;
- những trẻ em sơ sinh, chẳng thể nghe được tiếng mẹ ru, mà thay vào đó là những tiếng gầm thét của bom đạn;
- những người già cả, bệnh tật phải gạt nước mắt chia lìa con cháu khi chẳng thể chạy trốn, chẳng thể tìm được nơi ẩn trú an toàn, …
Tất cả, sự tàn phá, mất mát, chết chóc của chiến tranh tựa như bức màn đen sẫm không chỉ phủ lên người dân Ukraine, người dân Nga, mà còn phủ lên cả thế giới, hoặc ít là lên tất cả những con người còn có lương tri…
Và, cũng vì thế, câu chuyện về những việc làm của Thầy Andrzej Mońka xem ra như rất đơn giản, nhưng lại bao hàm một ý nghĩa rất lớn. Vì thực, câu chuyện ấy giống như một tia sáng, một ánh sao băng giữa màn đêm, để cho thấy rằng, đây là bầu trời, chứ không phải vực thẳm không còn hy vọng, không phải đường hầm không có lối thoát…
Vì thực,
Chỉ khi có tình yêu, người ta mới dám can đảm bước ra khỏi sự an toàn, vốn được bao bọc bởi những truyền thống, ngay cả rất tốt đẹp của mình;
Chỉ khi có tình yêu, người ta mới đặt nhu cầu người khác lên trên những bổn phận dù là rất chính đáng của mình;
Chỉ khi có tình yêu, người ta mới có được những sáng kiến, cũng như đi bước trước trong việc tìm cách giúp đỡ người khác, và biến những điều không tưởng thành hiện thực;
Và, nhất là, chỉ khi có tình yêu, người ta mới hiểu được lời của thánh Augustine: “Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm!”
Theo: Lm. Patrick Mary Briscoe, OP
aleteia.org (20. 3. 2022
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 253 | Tổng lượt truy cập: 3,272,269