Ý nghĩa của khổ chế trong truyền thống Kitô giáo

  • 03/03/2024 20:49
  • Khởi đầu Mùa Chay thánh, chúng ta xin Chúa “giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần” (Lời tổng nguyện Thứ tư Lễ tro). Sống khắc khổ, thực hành khổ chế là gì?  Và đâu là ý nghĩa của khổ chế trong đời sống nên thánh của Kitô giáo.

     Qua bài viết này, tác giả sẽ giúp chúng ta “tìm lại ý nghĩa nguyên thuỷ của khổ chế cũng như cách thực hành khổ chế trải dài trong lịch sử của Giáo hội, để từ đó hy vọng tìm lại chút hứng khởi trong việc thực hành khổ chế theo cách rất đặc thù của người tu sĩ Đa Minh”.

    Nội dung bài viết gồm 4 phần:

    1. Tìm hiểu khái niệm

    2. Nền tảng Kinh thánh và thần học

    3. Các hình thức thực hành khổ chế trong truyền thống Giáo hội

    4. Thay cho lời kết: kỷ luật tu trì như một hình thức khổ chế trong dòng Đa Minh

     

    Khổ chế xem ra là một khái niệm mà ngày nay người ta ngại nói đến vì sợ gây “sốc” hoặc sẽ bị dán nhãn là cổ hủ, lạc điệu. Việc thực hành khổ chế lại càng trở thành hiếm hoi xa lạ giữa một xã hội vốn đề cao tiện ích, đề cao chủ nghĩa tiêu thụ, hay một thứ chủ nghĩa tự nhiên. Câu khẩu hiệu: sống theo sở thích thì sống lâu có thể coi là thứ kim chỉ nam thời thượng của lối sống hiện đại. Thêm vào đó, về mặt thần học, lối nhìn mới về ý nghĩa của thân xác, về giá trị của những thực tại trần thế như sự đối trọng với niềm hy vọng cánh chung, xem ra cũng góp phần làm cho việc thực hành khổ chế trở thành phai nhạt trong chính những con cái của Giáo hội. Trong bài chia sẻ này, tôi muốn cùng anh em tìm lại ý nghĩa nguyên thuỷ của khổ chế cũng như cách thực hành khổ chế trải dài trong lịch sử của Giáo hội, để từ đó hy vọng tìm lại chút hứng khởi trong việc thực hành khổ chế theo cách rất đặc thù của người tu sĩ Đa Minh.

    1. Tìm hiểu khái niệm[1]

    Khổ chế trong tiếng Việt thường được dùng để chuyển dịch các từ tương đương trong tiếng Anh/Pháp, asceticism/ascèse. Các từ này lại có gốc từ tiếng Hy-lạp (asketismos), với nghĩa nguyên thuỷ khá chuyên biệt. Ban đầu ý nghĩa thông dụng của hạn từ này chỉ về tất cả những sự thao luyện về thể chất, trí tuệ hay luân lý, được thực hiện theo một phương pháp nào đó nhằm đạt tới sự tiến bộ. Chẳng hạn, lực sĩ rèn luyện thân thể để thi đấu; người lính tập luyện các kỹ năng thuộc binh nghiệp; triết gia rèn luyện khả năng suy tư. Như vậy, trong ý nghĩa ban đầu của sự khổ chế, người ta thấy nổi bật lên hai khía cạnh: sự khổ luyện và phương pháp. Mặc dù trong thực tế, hai khía cạnh này không phải lúc nào cũng buộc phải đi đôi với nhau; tuy nhiên, sự gắng công hay khổ luyện vẫn luôn là khía cạnh nổi bật, nhất là khi hạn từ này được áp dụng trong lãnh vực tôn giáo hoặc tu đức.

    Trong vốn từ vựng về đời sống tâm linh hiện nay, hạn từ khổ chế biểu thị nỗ lực cá nhân và có tính chất khổ công mà người Kitô hữu, với sự trợ giúp của ân sủng, phải thực hiện nhằm đạt đến sự hoàn thiện siêu nhiên. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, hạn từ này nhằm biểu thị bất cứ hình thức cộng tác nào của con người với Thiên Chúa trong công cuộc thánh hoá bản thân. Như vậy, khổ chế chỉ về phần việc của cá nhân, được thực hiện cách tự nguyện và có ý thức, trong sự tự do và với lòng mến, trong hành trình hướng đến sự trọn lành của đời sống thiêng liêng. Nó bao gồm toàn bộ những sự khổ nhọc, những việc hãm mình ép xác, sự thống hối đền tội, việc cầu nguyện, lao động, thái độ hy sinh quên mình, đoạn tuyệt với thế gian.

    2. Nền tảng Kinh thánh và thần học

    + Hạn từ khổ chế không có trong từ vựng Kinh thánh. Tuy nhiên, trong Kinh thánh người ta lại gặp thấy những lối diễn tả tương tương với khổ chế, nhất là những hình thức thực hành khổ chế thông dụng. Trong Cựu ước, dân Israel đã có những cách thực hành tiêu biểu để tỏ lòng thống hối tội lỗi nhằm xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa và cầu xin ơn tha thứ, chẳng hạn ăn chay, rắc tro trên đầu hoặc ngồi trên đống tro, mặc áo vải bao bố, cầu nguyện khẩn thiết… Những hình thức thể hiện bên ngoài này thường đi đôi với tâm tình thống hối trong tâm hồn, cùng với quyết tâm quay về với Thiên Chúa. Các hình thức khổ chế trên cũng được thực hành để nài xin Thiên Chúa sớm chấm dứt một tai ương nào đó, như hạn hán, dịch bệnh…

    Bên cạnh đó, các hình thức khổ chế trên còn được những người đạo đức dùng như những phương thế nhằm tôi luyện bản thân và hướng tới sự thánh thiện, đồng thời họ có thể thực hành để đền thay cho tội lỗi của dân chúng. Ta có thể gặp thấy những gương tiêu biểu như ông Môisê, bà Giuđitha, ngôn sứ Daniel, nữ ngôn sứ Anna và còn nhiều gương công chính khác nữa trong Cựu ước.

    Trong Tân ước, ý tưởng cốt lõi của khổ chế có thể được cô đọng trong lời kêu gọi của Đức Giêsu: Nếu ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình và theo tôi” (Mt 16, 24; Mc 8, 34; Lc 9, 23). Điều quan trọng là Đức Giêsu không chỉ đưa ra lệnh truyền, nhưng chính Ngài đã nêu gương trước trong việc thực hành khổ chế. Trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, Ngài đã trải qua 40 đêm ngày trong sa mạc, trầm mình trong chay tịnh và cầu nguyện. Trong thời gian thi hành sứ vụ, Ngài thường có thói quen dậy sớm để cầu nguyện với Chúa Cha; Ngài miệt mài với việc thi hành sứ vụ đến độ hy sinh cả những nhu cầu thiết yếu của bản thân; và nhất là hành động từ bỏ chính mình vì tình yêu đã lên đến cao điểm trong hy tế thập giá.

    Trong tư tưởng của thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy những lối diễn tả rất gần với khái niệm khổ chế cả trong ý nghĩa nguyên thuỷ của nó vốn diễn tả một sự khổ luyện để giành chiến thắng. Trong đoạn thư 1Cr 9, 24-26, ngài viết như sau: “Anh em không biết rằng, trong cuộc chạy đua trên sân vận động, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải sao? Anh em phải chạy thế nào để đoạt cho được. Phàm là tay thi đấu thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt giải thưởng chóng hư; trái lại, chúng ta nhằm giải thưởng không bao giờ hư nát. Vậy, tôi đây cũng chạy như thế, chứ không phải chạy mà không có mục đích; tôi đấu quyền như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại”.

    + Về phương diện thần học, việc thực hành khổ chế đặt nền trên hai điểm giáo lý chính.

    a) Trước hết là giáo lý về tội nguyên tổ cùng các hậu quả của nó. Ngay từ buổi đầu nguyên tổ đã được tạo dựng trong sự thánh thiện và công chính, nghĩa là được Thiên Chúa ban cho ân sủng cùng các ơn ngoại nhiên giúp con người duy trì được sự hài hoà trật tự nơi bản thân mình cũng như trong các mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, tha nhân và thế giới. Sau khi nguyên tổ phạm tội chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa, họ đã rơi vào tình trạng sa đoạ: bị mất đi ân sủng và các ơn ngoại nhiên của buổi đầu; không còn tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa; dục vọng hỗn loạn nổi lên phá vỡ trật tự hoà điệu nguyên thuỷ: thân xác cùng các quan năng cấp thấp không còn tuân phục sự điều hành của lý trí. Bản tính con người rơi vào tình trạng suy yếu; và tình trạng đó được lưu truyền lại cho con cháu qua các thế hệ.

    Cả khi con người đã được chịu phép thánh tẩy do công trình cứu độ của Đức Giêsu thì lòng tham dục, tức thứ dục vọng hỗn loạn vẫn còn đó và vẫn tiếp tục chi phối con người, tạo nên như một thứ chiến trường trong chính nội tâm của mỗi người giữa thiện và ác, giữa bản năng và tinh thần. Kinh nghiệm về sự phân rẽ trong nội tâm đã được thánh Phaolô mô tả trong thư Rôma 7, 19. Trong chiều hướng đó, một trong những công năng của việc khổ chế Kitô giáo, đó là nhằm kềm chế sự lộng hành của cái phần hạ đẳng nơi con người (xung năng thuộc địa hạt cảm giác), đưa nó vào khuôn khổ, uốn nắn làm sao để nó không lấn lướt được tinh thần. Nhờ vậy, Kitô hữu có thể sống sự tự do của con cái Chúa mà không gặp nhiều trở ngại.

    b) Tiếp đến là giáo lý về con đường thăng tiến thiêng liêng cho những người đã được tái sinh thành con cái Thiên Chúa trong phép thanh tẩy. Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành (Mt 5,48). Nhờ phép thánh tẩy, người tín hữu đã được ơn công chính hoá và trở nên thụ tạo mới. Ân sủng nhận được trong phép rửa làm cho họ được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4). Hệ quả là người tín hữu phải làm cho lối sống của mình càng ngày càng trở nên phù hợp với vị thế mới này. Người tín hữu khó lòng thực hiện được mục tiêu đó mà không dùng đến việc khổ chế một cách thường xuyên và nghiêm ngặt. Do vậy, cuộc chiến đấu thiêng liêng của người tín hữu trở thành một tình trạng bình thường và kéo dài trong suốt cuộc đời. Ngang qua cuộc chiến đấu này, người tín hữu từng bước xây dựng bản thân mình như một ngôi vị và như một người con cái của Chúa.

    3. Các hình thức thực hành khổ chế trong truyền thống Giáo hội

    Ngay trong các trình thuật Tin mừng, lời công bố Tin mừng về Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu thường đi đôi với lời kêu gọi hoán cải. Đức Giêsu đã thiết lập bí tích hoà giải (Ga 22, 22) để tha thứ tội lỗi cho những ai có lòng thống hối và muốn trở về giao hoà với Thiên Chúa. Trong những thế kỷ đầu của Giáo hội, hình thức khổ chế thường gắn với bí tích hoà giải và việc đền tội. Đối với một số tội nặng công khai, hối nhân phải chịu kỷ luật sám hối rất nghiêm ngặt. Họ phải công khai thú nhận tội lỗi của mình, và tiếp theo đó phải thực hiện những hình thức đền tội nặng nề, nghiêm khắc và có thể kéo dài trong một thời gian, trước khi được chính thức hội nhập lại với cộng đoàn.

    Tiếp theo đó trong thời kỳ Giáo hội bị bách hại ở vào thế kỷ II và III, các chứng nhân tử đạo đã hoạ lại khuôn mẫu hoàn hảo của một Đức Kitô hiền hoà, nhẫn nại và hy sinh chính mình trong cuộc thương khó. Đây được coi là sự khổ chế triệt để nhất. Trong chiều hướng đó, toàn bộ cuộc đời người Kitô hữu, xét như một cuộc chiến đấu trường kỳ chống lại các dục vọng xấu để ngày càng nên kiên vững trong đức tin, cũng được coi như một sự ước mong phúc tử đạo, và vì vậy cũng được kể là tương đương với chính sự tử đạo và có thể được coi là sự tử đạo thiêng liêng (mortification).

    Trong chiều hướng của sự tử đạo thiêng liêng này, người ta thấy nổi bật lên bậc sống của các trinh nữ và của những người tiết dục tự nguyện. Ngay từ thế kỷ II, các nhà hộ giáo đã ra sức bênh vực cho giá trị của bậc sống trinh khiết. Đến thế kỷ III và IV, người ta lại thấy nở rộ một trào lưu sáng tác nhằm đề cao những giá trị của bậc sống trinh khiết và cổ võ cho việc thực hành bậc sống này, vốn được liên kết với chính hoạt động tông đồ.

    Tiếp đến, đời sống đan tu với hai hình thức, ẩn tu nơi cô tịch và nếp sống trong các đan viện, đã thâu kết toàn bộ trào lưu thực hành khổ chế được chuẩn hoá từ chính kinh nghiệm sống của các vị thánh, và được đúc kết thành các bộ tu luật áp dụng trong các dòng tu. Tất cả các phương thức khổ chế được phối kết nhằm đạt đến sự thánh hoá về phương diện luân lý: từ việc lao động chân tay cho đến việc giữ thinh lặng và các hình thức hãm mình ép xác, từ việc cầu nguyện phụng vụ và chiêm niệm cho đến những hoạt động tông đồ lao nhọc. Nền tảng chung của các hình thức đan tu, đó là các lời khuyên phúc âm được tuân giữ dựa trên ba lời khấn (vâng phục, thanh bần, khiết tịnh); thêm vào đó, là đời sống cộng đoàn, cùng nhau cầu nguyện và thực hành khổ chế.

    Về phần đại đa số các tín hữu còn lại, họ cũng được Giáo hội hướng dẫn việc thực hành khổ chế theo các hình thức thông thường: việc tiết chế đối với một số đồ ăn thức uống và các vui thú xác thịt, việc chay tịnh và cầu nguyện. Cha giải tội hoặc vị linh hướng sẽ đưa ra những hướng dẫn riêng cho từng tín hữu trong việc thực hành khổ chế. Cách thức áp dụng cũng như mức độ đòi hỏi sẽ được thích ứng tuỳ điều kiện sức khoẻ cũng như lòng quảng đại của mỗi người.

    Ngoài khuôn khổ bí tích hoà giải, các tín hữu còn thực hành các hình thức khổ chế cá nhân cách tự nguyện nhằm thể hiện tinh thần sám hối liên lỉ. Chẳng hạn, việc ăn chay thường xuyên thứ Sáu hằng tuần; việc hãm mình phạt xác bằng các dụng cụ như mặc áo nhặm, dùng roi tự đánh tội, và các hình thức khác... Riêng các dân vùng “celtic” (Đức, Slave) còn có lối thực hành rất ấn tượng, đó là ngâm mình trong hồ nước lạnh vào giữa mùa đông giá buốt, vừa ngâm mình vừa cầu nguyện, than khóc.

    Cần ghi nhận rằng trong việc áp dụng những cách thực hành khổ chế, hãm mình ép xác trên đây, người tín hữu ở vào những thời kỳ quá khứ luôn có nguy cơ không giữ được sự quân bình và dễ rơi vào thái cực. Chính những cách thực hành thái quá ấy đã gây nên những ấn tượng ghê sợ và thậm chí thái độ phê phán gay gắt trong tâm thức của những con người hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng những hình thức khổ chế cụ thể nào đó luôn gắn với những thời kỳ nhất định, với những nét đặc thù trong quan niệm nhân học, tâm thức và mặt bằng văn hoá chung của xã hội, cũng như lòng đạo và niềm xác tín tôn giáo của những con người sống trong thời đó. Bởi vậy, không nên lấy quan điểm của ngày nay để soi xét và phê phán những hình thức khổ chế của ngày xưa và cho đó là phi nhân bản, bệnh hoạn. Cần nhớ rằng chính những hình thức khổ chế ấy, một khi được áp dụng cách đúng đắn và chừng mực, đã góp phần tạo nên biết bao vị thánh trong Giáo hội. Con người ngày nay rất có thể sẽ không còn dùng đến một số cách thức khổ chế của người xưa, tuy nhiên, tinh thần khổ chế vốn đã nuôi dưỡng lòng đạo của người xưa vẫn là điều không thể thiếu trong hành trình thăng tiến thiêng liêng của người Kitô hữu ngày nay, dù rằng hình thức thể hiện có thể khác đi.

    4. Thay cho lời kết: kỷ luật tu trì như một hình thức khổ chế trong dòng Đa Minh

    Như chúng ta đã thấy trên đây, nếp sống đan tu với cấu trúc của nó xoay quanh một bản tu luật và việc tuân giữ các lời khuyên phúc âm, tự thân đã là một nếp sống mang đặc tính khổ chế. Dòng Đa minh, như được thánh Đa Minh quan niệm, ngay từ đầu vừa mang đặc tính đan tu, vừa mang tính tông đồ. Chính nếp sống tu trì và kỷ luật tu trì của Dòng là biểu hiện của đặc tính đan tu này.

    Trong Sách Hiến pháp và Chỉ thị của Dòng, phần nói về đời sống thánh hiến, có dành riêng Mục V để nói về nếp sống tu trì và bao hàm trong đó là kỷ luật tu trì. Mục này bao gồm các số từ 39 – 55. Chúng ta có thể trích ra đây 2 số tiêu biểu cho thấy rõ đặc tính khổ chế của nếp sống tu trì Đa Minh.

    40. Tất cả những yếu tố làm nên đời sống Đa Minh và tổ chức đời sống này nhờ kỷ luật chung đều thuộc về nếp sống tu trì. Trong những yếu tố đó, nổi bật là đời sống chung, việc cử hành phụng vụ và cầu nguyện âm thầm, việc chu toàn các lời khấn, chuyên cần học hỏi chân lý và tác vụ tông đồ, còn nội vi, thinh lặng, tu phục và những việc hãm mình thì giúp chúng ta trung thành giữ trọn những yếu tố trên.

    52. § I. Do việc thánh hiến tu trì và ơn gọi tông đồ, anh em được thúc bách hơn các tín hữu khác để từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và mang lấy những đau khổ của Đức Giêsu trong thân xác và tâm hồn, như thế mới đem lại cho mình và những người khác vinh quang phục sinh.

    § II. Theo gương thánh Đa Minh, "đang khi sống trong xác nhưng đã bước đi nhờ Thần Khí, chẳng những không làm theo, mà còn dập tắt những ước muốn của xác thịt", anh em hãy thực thi đức sám hối, đặc biệt bằng cách trung tín chu toàn tất cả mọi điều thuộc đời sống chúng ta.

    Như vậy theo SHC, nếp sống tu trì được đan kết từ những thành tố chính làm nên đời sống Đa Minh : đời sống chung, việc cử hành phụng vụ và cầu nguyện riêng, việc chu toàn các lời khấn, chuyên cần học hỏi chân lý, và tác vụ tông đồ. Một đằng, nó là mặt biểu hiện ra bên ngoài theo một dạng thức có tính đồng bộ và có trật tự nề nếp, của những thành tố chính làm nên đời sống Đa Minh, được phối trí theo một kỷ luật chung. Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất đó là thời khóa biểu chung của cộng đoàn, trong đó quy định những giờ khắc khác nhau tương ứng với những phần việc khác nhau trong một ngày sống: giờ thì dành cho việc cầu nguyện, giờ thì dành cho việc học hành, giờ thì dành cho việc nghỉ ngơi, hay giải trí chung, giờ tiếp khách, giờ đóng cổng nhà dòng... Nhưng một mặt khác, nếp sống tu trì còn là khung cảnh hay bầu khí đặc trưng phù hợp cho việc thể hiện và sống các thành tố cơ bản của đời sống Đa Minh. Ở đây chúng ta có thể nói đến nội vi, sự thinh lặng...

    Cũng theo số 52, tu sĩ Đa Minh theo gương thánh Tổ phụ, được mời gọi để thực hiện các việc hãm mình tự nguyện để tỏ lòng sám hối. Tuy nhiên, SHC lại xác định ngay rằng một trong những việc hãm mình đặc biệt và cơ bản mà người tu sĩ cần phải thực hiện, đó chính là trung thành tuân giữ những thành tố chính làm nên đời sống tu trì Đa Minh. Thế mà trong số 40 chúng ta lại thấy rằng các thành tố này cần phải được phối trí theo một kỷ luật chung của cộng đoàn, chứ không phải tuỳ tiện theo ý riêng. Như vậy, có thể nói chính sự trung thành tuân giữ luật dòng theo một kỷ luật chung làm nên sự khổ chế của đời tu.

    Tác giả William A. Hinnebusch, trong tác phẩm Linh đạo Đa Minh, đã phân tích về ý nghĩa khổ chế của việc tuân giữ nếp sống tu trì và kỷ luật tu trì như sau: “Việc tuân giữ nếp sống tu trì giúp người tu sĩ từ bỏ những thói hư tật xấu của mình, kìm hãm những cảm xúc và đam mê; làm chủ ý chí, chết cho chính mình. Nó chống lại ý riêng và lòng tự kiêu là nguyên nhân gây nên tội lỗi. Nhờ chế ngự thân xác, nếp sống tu trì chuẩn bị tâm hồn người Đa Minh đi vào đời sống chiêm niệm. Vì các đam mê quyến rũ tâm hồn ra khỏi những điều thuộc về tâm linh và hướng nó chiều theo những điều thuộc về cảm xúc. Nếp sống tu trì tách người tu sĩ ra khỏi những gì là vật chất, thanh lọc giác quan và tránh xa các cám dỗ”.[2]

    Suy cho cùng, việc chuyên cần tuân giữ nếp sống tu trì theo kỷ luật chung không đương nhiên làm cho người ta thành những tu sĩ đạo đức, nó chỉ đóng vai trò như một thứ tiền đề để trên đó người tu sĩ xây dựng và làm triển nở những mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân trong đời sống cộng đoàn cũng như sứ vụ tông đồ. Ngoài ra, đời sống kỷ luật cũng có thể bao hàm những nguy cơ nhất định, ngoài nguy cơ biến cuộc sống trở thành nhàm chán, tẻ nhạt, còn có nguy cơ tệ hại hơn, tạm gọi là nguy cơ “pharisiêu”, tức là dựa vào công khó của việc tuân giữ kỷ luật để tự cho mình cái quyền đứng trên người khác... Dầu vậy, chúng ta cũng có thể nói cách chắc chắn rằng, mặc dù người tu sĩ giữ kỷ luật không đương nhiên là người đạo đức, thế nhưng không có một tu sĩ đạo đức nào, hoặc có trong thực tế hoặc theo định nghĩa, mà lại coi thường đời sống kỷ luật tu trì.

    Tương truyền rằng, ĐGH Gioan XXII trong lễ phong thánh cho cha Tôma Aquinô, đã nói: “Hãy chứng tỏ cho tôi thấy một anh em Dòng Thuyết Giáo đã giữ luật dòng của mình cách trọn vẹn và tôi sẽ phong thánh cho anh em đó ngay tức khắc mà không cần thêm một chứng cớ nào khác về sự thánh thiện”. Theo Hinnebusch, mặc dù chúng ta không dám chắc về tính xác thực của lời phát biểu đó, nhưng ít nhất nó cũng chứa đựng phần sự thật. Có một nền tảng thần học nằm đằng sau câu nói trên. Rõ ràng rằng khi Giáo hội phê chuẩn cho một Dòng tu hay một Hội dòng thì các phần tử của Hội dòng ấy được bảo đảm rằng: Tu luật, Hiến pháp và đường lối thể hiện đời tu của Dòng là con đường tâm linh an toàn dẫn đến sự thánh thiện.[3]

    Giuse Lâm Văn Sỹ, O.P.

    Nguồn tin:  http://daminhvn.net/


    _______
    [1] Các phần từ 1 đến 3 được viết dựa theo mục từ “Ascesi”, trong bộ Từ điển về đời sống thiêng liêng: Dizionario enciclopedico di spiritualità, a cura di Ermanno Ancilli e del Pontificio Istituto di Spiritualità del Teresianum, Città Nuova Editrice, Roma 1990, p. 211-226.
    [2] William A. Hinnebusch, Dominican Spirituality. Principles and Practice, Doninicana Publications, Washington, D.C., 1983. Bản dịch tiếng Việt, Linh đạo Đa Minh, tr. 118.
    [3] Xc. William A. Hinnebusch, sđd, tr. 127.

    Bài viết liên quan