I. Ý NGHĨA MÙA VỌNG - Phêrô Nguyễn Văn Trung, chuyển ngữ
1. Khi nào bắt đầu Mùa Vọng?
Mùa Vọng bắt đầu vào Chúa Nhật trước Lễ Giáng Sinh bốn tuần hoặc Chúa Nhật gần nhất với ngày 30 tháng 11 và kết thúc vào Đêm Giáng Sinh tức là 24 tháng 12. Nếu đêm Giáng sinh rơi vào Chủ nhật thì được coi là Chủ nhật thứ tư của Mùa Vọng và thời điểm sau khi mặt trời lặn được coi là Đêm Giáng sinh.
Để chuẩn bị cho những buổi cử hành tuyệt vời của Mùa Vọng, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của Mùa Vọng và suy ngẫm về tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là Kitô hữu.
2. Ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng
Từ ngữ Mùa Vọng bắt nguồn từ một từ tiếng Latinh “Adventus” có nghĩa là “đang đến” hoặc “đến nơi”. Mùa Vọng tập trung vào việc chuẩn bị bằng mọi cách cho Chúa Giêsu Kitô đến, từ sự giáng sinh của Ngài trong quá khứ cho đến khi Ngài đến trong tương lai với tư cách là Đấng Mêsia – Vị Cứu Tinh.
Đối với người Công giáo chúng ta, Mùa Vọng là một mùa đầy ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về sự thật của Chúa Giêsu Kitô và việc Ngài đã đến và hiện diện trong trần thế và cuộc sống của chúng ta. Sự giáng sinh của Chúa Giêsu đáng được cử hành vì sự giáng sinh đó tiết lộ khía cạnh con người của Ngài và do đó là một ví dụ về cách thế chúng ta cần phải sống cuộc sống của chính mình với tư cách là những môn đồ của Ngài ở ngay đây trên trần thế này.
Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài bỏ rơi chúng ta. Trong khi chờ đợi Ngài lại đến, chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài qua Chúa Thánh Thần, qua gia đình thiêng liêng của chúng ta là Hội Thánh, qua các bí tích và Lời của Ngài.
Khi lại đến, Chúa Giêsu sẽ xuất hiện trong vinh quang trọn vẹn của Ngài và điều đó sẽ hoàn thành và hoàn thiện cộng đoàn và căn tính của chúng ta với tư cách là dân của Ngài. Chính vào thời gian này rồi ra chúng ta có thể được hiệp nhất với Ngài và ở vĩnh viễn với Ngài trên thiên đàng.
Mùa Vọng thừa nhận hai sự kiện quan trọng này trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là Kitô hữu. Đây là lúc để chúng ta nhìn lại sự giáng sinh của Chúa Kitô và kỷ niệm lần đến thứ hai của Ngài. Trong khoảng thời gian giữa hai sự kiện quan trọng này, chúng ta phải khám phá và hoàn thành mục đích mà Thiên Chúa ban cho.
3. Tinh Thần Mùa Vọng theo Kinh Thánh
Mùa Vọng là một mùa được đánh dấu bởi sự mong đợi, cử hành và khao khát lớn lao không chỉ Lễ Giáng sinh hay sự giáng sinh của Chúa Kitô mà còn là mong chờ lần đến cuối cùng của Ngài. Tinh thần của Mùa Vọng được minh họa rõ nhất trong Dụ ngôn về Mười Trinh nữ được tìm thấy trong Mátthêu 25:1-14:
“Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi! " Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! " Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn ." Đang lúc các cô đi mua, thì chú rểtới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! " Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! " Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
Năm cô trinh nữ khôn ngoan trong câu chuyện đã quá háo hức mong chờ chàng rể đến nên họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và mang theo dầu cùng với đèn của họ. Đang khi đó, năm cô khờ dại đã chuẩn bị không tốt và bỏ bê nhiệm vụ của mình. Vì sự hờ hững của họ, họ đã không thể tham gia cùng chàng rể khi chàng đến.
Mùa Vọng là lời nhắc nhở đầy đủ để chúng ta tập trung vào Chúa Giêsu và nhớ rằng hành trình trần thế của chúng ta chỉ là tạm thời.
Tấm lòng và linh hồn của chúng ta phải sẵn sàng khi Chúa lại đến. Giống như những trinh nữ khôn ngoan trong câu chuyện, chúng ta phải trung thành, cẩn trọng và hoàn toàn tận tụy với Ngài.
4. Suy Niệm Mùa Vọng
Giống như tất cả các lễ kỷ niệm và sự kiện đặc biệt trong Đức tin Công giáo của chúng ta, Mùa Vọng mang đến cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để nhìn lại hành trình tâm linh của mình và suy nghĩ về những điều chúng ta có thể làm để củng cố mối tương giao của mình với Chúa. Chúng ta hãy tự đặt ra cho mình một số câu hỏi liên quan đến tinh thần của Mùa Vọng này:
a. Tôi có hân hoan trông đợi Chúa đến không?
Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cần củng cố mối tương quan cá nhân của mình với Ngài. Chính nhờ mối dây liên kết này mà chúng ta có thể sống trong niềm hân hoan chờ đợi ngày Ngài đến. Chúng ta sẽ không bao giờ mong được gặp ai đó nếu chúng ta không yêu thương và quan tâm đến họ. Vì lý do này, chúng ta cần phải cam kết vun trồng mối tương quan tâm linh của mình với Cha Trên Trời.
Điều chúng ta có thể làm: Dành thời gian để cầu nguyện mỗi ngày, đọc và suy ngẫm Lời Chúa và tìm một cộng đoàn những người cùng đức tin có thể giúp chúng ta phát triển về tâm linh.
b. Chúa Kitô có phải là trung tâm của việc cử hành Mùa Vọng của tôi không?
Ngày nay, Mùa Vọng đã trở nên bị thương mại hóa quá đáng khi người ta tập trung vào việc mua quà và tổ chức những bữa tiệc Giáng sinh xa hoa. Chúng ta rất dễ đánh mất chính mình trong những theo đuổi hời hợt này! Chúng ta không được đánh mất mục đích ban đầu của thời điểm đặc biệt này: đó là Chúa Kitô.
Điều chúng ta có thể làm: Lập một danh sách các hoạt động mà chúng ta có thể thực hiện trong Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh phù hợp với những lời dạy của Chúa Kitô. Những điều này có thể bao gồm tham dự Thánh Lễ, làm việc từ thiện và cầu nguyện với gia đình.
c. Tôi có đang sống cuộc sống của mình với sự vĩnh cửu trong tâm trí không?
Cuộc sống của chúng ta trên trần thế này chỉ là một chuỗi những nốt nhạc ngắn ngủi trong toàn bộ bản giao hưởng tạo nên sự vĩnh cửu. Do đó, chúng ta cần cẩn thận với các lựa chọn của mình và xem xét những lựa chọn đó dưới góc độ của một bức tranh toàn cảnh hơn. Mọi suy nghĩ, lời nói và hành động đều tạo thành những tác động vĩnh cửu và tạo ra một di sản mà nhờ đó chúng ta sẽ còn được nhớ tới.
Điều chúng ta có thể làm: Sử dụng Lời Chúa làm hệ thống hướng dẫn cho các kế hoạch của mình và dành thời gian cầu nguyện cho bất cứ quyết định nào chúng ta sắp thực hiện.
Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị mạnh mẽ khi chúng ta dự liệu cho Đấng Cứu Độ của chúng ta đến, là khi Đấng Tạo Hóa trở thành một trong những thụ tạo của Ngài để đỡ nâng chúng ta dậy!
II. Ý NGHĨA VÒNG HOA MÙA VỌNG - Đức Thiện, SJ
Vòng hoa Mùa Vọng có bốn ngọn nến. Mỗi ngọn nến sẽ được thắp sáng vào mỗi Chúa Nhật như một dấu hiệu của sự chời đợi, canh thức và cầu nguyện. Sau đây là năm ý nghĩa đặc biệt của Vòng hoa Mùa Vọng.
Trước hết, Vòng hoa Mùa Vọng có nguồn gốc ngoại giáo. Người ta thường thắp nến trong suốt mùa Đông để cầu xin thần mặt trời mau quay trở lại mang lại ánh sáng và sự ấm áp. Các nhà truyền giáo đã tận dụng truyền thống này để hướng dẫn mọi người dung Vòng hoa Mùa Vọng như một cách thức để chờ đợi Chúa Giêsu Hài đồng, kỷ niệm ngày Chúa Giáng sinh và cầu xin Ngài truyền ánh sáng và sự ấm áp cho tâm hồn.
Thứ hai là hình dạng vòng tròn của Vòng Hoa. Hình tròn là dấu hiệu của tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa. Vòng tròn không có điểm đầu và điểm cuối, nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Vì thế, Vòng hoa phản ánh sự hiệp nhất và vĩnh cửu của Ngài.
Thứ ba là liên quan đến màu xanh lá cây. Những cành cây màu xanh tượng trưng cho Đức Giêsu hằng sống. Màu xanh lá cây tượng trưng cho hy vọng và sự sống. Trong Vòng hoa Mùa Vọng, màu xanh lá cây nhắc nhớ Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta. Ước muốn quan trọng nhất là kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, như sự kết hợp giữa cây và cành.
Thứ tư là bốn ngọn nến trượng trưng cho mỗi Chúa nhật của Mùa Vọng. Bốn ngọn nến của Vòng hoa Mùa Vọng được thắp sáng hàng tuần vào bốn Chúa nhật của Mùa Vọng với lời nguyện thật đặc biệt. Những ngọn nến gợi cho chúng ta suy gẫn về bóng tối do tội lỗi gây ra đã che khuất con người và khiến con người xa cách Thiên Chúa.
Cuối cùng, Vòng hoa Mùa Vọng có bốn ngọn nến gồm ba cây nến tím và một cây nến hồng. Cây nến hồng sẽ được thắp vào Chúa nhật thứ bà Mùa Vọng. Màu tím đại diện cho tinh thần tỉnh thức, sám hối và hy sinh để tâm hồn thật xứng đáng với sự xuất hiện của Hài Nhi Giêsu. Màu hồng tượng trưng cho niềm vui khi cần kề ngày sinh của Chúa Hài đồng.
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Nguồn tin: http://gplongxuyen.org/
https://www.giaoxutanvinh.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 400 | Tổng lượt truy cập: 4,042,155