ẢNH THÁNH TRONG NHÀ THỜ
Steven J. Schloeder
Sách “Architecture in Communion”, chương VII
Phêrô Nguyễn Đình Diễn chuyển ngữ
WHĐ (23.7.2020) – Chúng ta đã xem xét những đòi hỏi về chức năng của kiến trúc nhà thờ, với những đề nghị hay yêu cầu để kiến trúc ấy phù hợp với phụng vụ và phù hợp với các khía cạnh khác trong đời sống của giáo xứ. Nhưng còn một điều khác nữa mà kiến trúc nhà thờ cần đáp ứng ngoài các khía cạnh chức năng: nhà thờ cũng có giá trị quan trọng về mặt biểu tượng. Nghĩa là, hình thức của nhà thờ tự nó nói lên được ý tưởng về “nhà thờ” vừa cho cộng đoàn giáo xứ vừa là một thành phần trong cơ cấu kiến trúc đô thị. Một cách nào đó nhà thờ cần nói lên được mình là cái gì: không phải là một toà nhà thế tục có Thánh giá đứng trên, nhưng là một toà nhà thánh: một nơi dành riêng cho Thiên Chúa và dân của Ngài. Hơn nữa, kiến trúc nhà thờ cần nói cho chúng ta về Nhiệm Thể Chúa Kitô, về Vương Quốc của Thiên Chúa, hay về Đền Thánh Giêrusalem trên Trời. Ở một chừng mực nào đó, một nhà thờ có thể bắt đầu có được đặc tính này nếu thật sự được sắp đặt hợp lý cho việc cử hành phụng vụ và cho đời sống của giáo xứ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn xa hơn việc bài trí theo chức năng để ngay cả ngôn ngữ và văn phạm của kiến trúc cũng có thể góp phần làm cho con người hiểu được những điều thuộc về Thiên Chúa. Để đưa ra một hướng dẫn cho vấn đề về các khía cạnh biểu tượng trong kiến trúc toà nhà, có thể sẽ hữu ích khi chúng ta nhìn trước hết vào ảnh tượng thánh, còn được gọi là icon, trên quy mô nhỏ, xem xét giá trị thần học, cách thực hiện trong lịch sử, và vị trí của ảnh tượng trong nhà thờ ngày nay. Rồi chúng ta sẽ chú ý đến toàn bộ kiến trúc nhà thờ và xem xét ý tưởng nhà thờ là một linh ảnh, nhà thờ đã có ý nghĩa nào trong lịch sử và trong thời đại ngày nay.
I. THẦN HỌC VÀ LỊCH SỬ VỀ LINH ẢNH
Trong suốt dòng lịch sử Kitô giáo, ảnh tượng thánh luôn là một phần quan trọng trong việc bài trí nhà thờ. Qua các bức bích hoạ, tranh khảm, tượng tạc trên đá và gỗ, hoạ ảnh và kính màu, các nghệ nhân đã đóng góp lớn lao vào chất lượng của khung cảnh nhà thờ bằng cách đặt vào nhà thờ (và trong tâm trí chúng ta) những ảnh tượng mô tả Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh, kể lại những câu chuyện trong Kinh Thánh và hạnh các thánh. Các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai đã minh hoạ những nơi tụ họp và những nơi chôn cất bằng những dấu hiệu diễn tả đức tin của họ: các hình ảnh và biểu tượng về Chúa Kitô, chân dung các thánh Tử đạo và các bức bích hoạ về những biến cố trong Kinh Thánh hoặc về Thiên đàng. Họ đã thực hiện điều này vì nhiều lý do: để tưởng nhớ về những con người và những biến cố đã qua, để giúp cầm trí cầu nguyện và suy niệm, và để dạy đức Tin cho trẻ em và người dự tòng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là nhằm diễn tả những chân lý Phúc Âm bằng phương tiện vật liệu. Từ những ngày đầu tiên, Giáo Hội đã nhận ra sự thống nhất và hoà hợp trong những cách thế mà Thiên Chúa mạc khải chính Ngài: nơi con người Chúa Kitô, trong các Lời của Phúc Âm, và trong việc dùng biểu tượng để mô tả bằng ngôn ngữ tượng trưng và đồ hoạ trong các linh ảnh.
Thật khó khăn cho các tư tưởng gia Tây phương ngày nay thấm nhuần ý tưởng về linh ảnh. Con người hiện đại hiểu về biểu tượng như thế này: biểu tượng gán cho thực tại tự nhiên một ý nghĩa thơ ca. Nhưng đối với những người tôn sùng ảnh tượng, và con người thời trung cổ nói chung, chính tự nhiên đã là một biểu tượng của thực tại. Điều “chân thực” trong văn hoá ngày hôm nay là sự kiện, dữ liệu, thông tin có thể định lượng - tiên vàn, đó là điều mang tính vật chất và vì thế có thể chứng minh bằng khoa học và toán học. Não trạng này thường đưa chúng ta rơi vào cái bẫy là trở thành người quan sát tách biệt với thực tại. Thế nhưng, đối với những người trước thời triết gia Descartes và những người phi bác phong trào Khai sáng, thì điều chân thực mang tính thiêng liêng và thuộc về Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ và do đó, cũng là Đấng xác định thực tại vật chất. Truyền thống thánh Augustine và Kinh viện nhận ra rằng tất cả các loài thụ tạo phản ảnh Đấng Tạo hóa, nghĩa là giống với Đấng Tạo hóa theo “vết tích”, nghĩa là theo dấu vết để lại. Những thụ tạo có lý trí giống như Đấng tạo thành theo “hình ảnh”, chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được tạo thành theo hình ảnh Ngài. Vì thế, những gì được nhận biết qua biểu tượng, linh ảnh, không phải là tri thức có được nhờ suy tư trừu xuất (abstraction) hay phân tích khách quan (detached analysis). Đúng hơn, đó là sự nhận biết sâu xa và sống động nhờ sự tương thông, giống như những người yêu nhau nhận biết nhau. Nhờ sự tương thông hoàn toàn nhân bản này trong thế giới được tạo thành, chúng ta có thể tiến đến việc nhận biết Thiên Chúa trong một mối tương quan sâu sắc và mang tính toàn diện vốn dĩ là mục đích của việc Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta. Tất cả mọi sự đều dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi sự đều là dấu chỉ tượng trưng cho thực tại đằng sau biểu tượng. Đó là lý do tại sao đối với người trung cổ, biểu tượng là “định nghĩa có giá trị khách quan duy nhất về thực tại”.
Trong Kitô giáo ở cả Đông phương và Tây phương, việc xác định giá trị và giải thích ảnh tượng thánh đều được phát xuất từ một nguồn: Dinonysio Areopagite. Nhà thần học bí nhiệm của thế kỷ 16 này đã viết rằng toàn bộ công trình sáng tạo là một cuộc “thần hiện” (theophany), nghĩa là Thiên Chúa tự tỏ mình ra. Bởi vì lý trí hữu hạn của con người không có khả năng thấu hiểu sự vô biên của Thiên Chúa, cho nên Thiên Chúa tự mạc khải chính mình Ngài cho con người qua Kinh Thánh, qua công trình sáng tạo và qua các hình ảnh. Dĩ nhiên ý tưởng này chỉ khai triển điều mà Thánh Phaolô đã viết: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người.” (Rm. 1,19-20). Điều chúng ta biết về Thiên Chúa và công trình sáng tạo của Ngài được mạc khải qua hình ảnh, hoặc eikon trong tiếng Hy lạp. Quan trọng hơn hết, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mạc khải vĩ đại là Con của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Có rất nhiều đoạn Kinh Thánh khác nói đến nền tảng Kitô học của hình ảnh (x. Ga. 1,18; 12,45; 14,9; 2Cor. 4,4). Điều quan trọng là các nhà thần học nói đến Ngôi thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa - Ngôi Lời làm Người - là “Hình ảnh Nguyên thủy”. Chính nhờ mầu nhiệm Nhập thể mà bây giờ giữa lãnh vực thiêng liêng và lãnh vực vật chất có mối liên hệ đã được phục hồi. Vì thế ảnh tượng vật chất được phép biểu hiện thực tại thiêng liêng đích thực. Đó là mối liên hệ do chính Thiên Chúa ấn định. Đây không phải là sự “cách tân” do Kitô giáo đem lại. Dù nghệ thuật Do Thái nói chung là bài trừ ảnh tượng, các Giáo Phụ đã nhận ra điều đáng ngạc nhiên là do lệnh truyền của Thiên Chúa mà con người được phép diễn đạt các thực tại thiêng liêng qua nghệ thuật vật chất; Ngài đã truyền cho Môisen xây dựng Nhà Tạm có tượng Kêrubim mạ vàng. (x. Xh. 25,18; 26,1 và 31).
Nhận thức này quan trọng vì nó bảo vệ những hiểu biết của chúng ta về Mầu nhiệm Nhập thể cũng như về ảnh tượng. Một mặt, nhận thức ấy cho thấy rằng nhờ có mối tương quan giữa thế giới thánh thiêng và thế giới vật chất do chính Đấng Tạo hóa ấn định mà chúng ta có được biến cố Nhập thể trọng đại. Mặt khác, nhận thức ấy cũng chỉ ra nền tảng Kitô học cho các ảnh tượng. Mọi quan điểm chính thống trong Thánh Mẫu học, Giáo Hội học, Bí tích học hay Cánh chung học đều có nền tảng từ Kitô học. Các quan điểm ấy, hoặc là bảo vệ và giải thích rõ về Kitô học chính thống, hoặc là phát triển từ Kitô học một cách hợp lý. Vì thế ảnh tượng, cũng giống như giáo lý về Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội hay linh mục thừa tác là Chúa Kitô khác, có được sự chính danh nhờ Con Người của Chúa Kitô.
Truyền thống ảnh tượng cổ xưa nhất có chuyện kể về ông vua xứ Edessa tên là Abgar bị bệnh phong cùi trong thời gian Chúa Kitô thực hiện sứ vụ dương thế. Nghe nói về những phép lạ của Chúa Giêsu, vua Abgar sai sứ thần Hannan (hay Anania) trảy đi Giêrusalem mời Chúa Giêsu đến chữa bệnh cho ông. Hannan không thể đến gần Chúa Giêsu vì dân chúng quá đông, nhưng vốn là viên quan trông coi văn khố và là hoạ sĩ trong triều đình Abgar, ông Hannan cố gắng hoạ lại chân dung Chúa Giêsu. Ông thấy mình không vẽ nổi chân dung ấy bởi vì “vinh quang không thể mô tả được trên gương mặt Chúa Giêsu đang biến đổi nhờ ân sủng.” Biết việc Hannan đang cố làm, Chúa Giêsu bảo người ta đem nước và khăn để Người rửa mặt. Hình ảnh gương mặt Người lập tức in lên chiếc khăn một cách kỳ diệu. Người đưa chiếc khăn cho Hannan để đem về chữa bệnh cho vua Abgar kèm theo lời nhắn gửi là Người không thể đi được vì còn đang thi hành sứ mạng cho dân Israel, nhưng Người sẽ sai môn đệ đi thay. Sau khi Chúa lên Trời, thánh Tađêô đến thăm xứ sở Edessa, rao giảng Tin Mừng cho vua Abgar và thần dân của ông. Bức chân dung kỳ diệu này, được gọi là “linh ảnh do Chúa thực hiện”, là nguồn gốc của bức linh ảnh Mandylion hay linh ảnh Thánh Nhan [hình 1].
Hình 1
Bức linh ảnh này nổi tiếng trong toàn Giáo Hội, và đã có nhiều văn bản đề cập đến bức linh ảnh ấy, bao gồm tường thuật của những người tận mắt chứng kiến. Người ta biết đến linh ảnh lần cuối cùng vào thời Thập Tự Chinh, khi đó bức linh ảnh hoặc là bị Giáo Hội Đông phương cất giấu đi, bị người Hồi giáo phá huỷ, hoặc bị thất lạc khi được quân lính Thập Tự Chinh đưa về châu Âu. Chắc chắn linh ảnh Mandylion đã được biết đến, và có lẽ đã được tôn kính, ở Winchester vào cuối thời Trung Cổ, vì có chứng cứ là chủ nhân các hầm mộ các tay đỡ trong kiến trúc trưng bày linh ảnh Thánh Nhan.
Những linh ảnh quan trọng khác trong thời kỳ đầu về Chúa Kitô gồm có Tấm Khăn Liệm thành Turin [hình 2], Khăn của bà Veronica, các bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Giêsu thơ ấu được cho là do thánh Luca vẽ ở nhiều nơi khác nhau quanh vùng Địa Trung Hải. Những bức linh ảnh “không do tay người phàm thực hiện”, tức linh ảnh Mandylion, Tấm Khăn Liệm, Khăn của bà Veronica, có tầm quan trọng đặc biệt đối với các Kitô hữu, vì những bức linh ảnh ấy xác nhận “những bằng chứng không thể phủ nhận của Mầu nhiệm Nhập thể”.
Hình 2
Dĩ nhiên, ngày nay chúng ta không chỉ đánh mất ý tưởng về ảnh tượng thánh, mà ngay cả từ biểu tượng cũng đã mang những ý nghĩa mới mẻ đầy tính vật chất trong cách nói thông thường. Trong thuật ngữ tin học, biểu tượng (icon) mang ý nghĩa là một hình ảnh trên màn hình. Tuy nhiên, cách sử dụng hiện tại có điểm tương đồng với ý nghĩa ban đầu. Biểu tượng trên màn hình máy tính là một loại cửa sổ mở ra một cấp độ thông tin khác. Thật đáng ngạc nhiên, cách sử dụng này lại trung thành với ý nghĩa nguyên thuỷ, vì trong thần học thần nghiệm, biểu tượng là một ảnh thánh, một loại cửa sổ mở ra một cấp độ thấu hiểu thiêng liêng, qua đó con người chiêm ngắm thực tại thiêng liêng. Điều quan trọng không ở nơi vật thể nhưng trong chủ thể, cũng như biểu tượng máy tính có giá trị chỉ ở chỗ nó mở đường tiếp cận một điều gì khác. Ảnh tượng thánh trình bày một thực tại vô hình, chẳng hạn nói đến một vị thánh đang ở trên Thiên Đàng, hay gợi lại một biến cố trong Kinh Thánh, và ảnh tượng thánh được sử dụng như phương tiện để chiêm ngắm về biến cố ấy.
II. CHỦ TRƯƠNG BÀI TRỮ ẢNH TƯỢNG
Một thời, Giáo Hội đã phải bênh vực địa vị của ảnh tượng thánh chống lại lạc giáo “bài trừ ảnh tượng”, tức nhóm người cho rằng tôn kính ảnh tượng thánh là thờ ngẫu tượng. Tông thư Duodecimum Saeculum (Kỷ niệm 1200 năm Công đồng Nicea II) của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II chỉ là tiếng nói mới mẻ nhất nhắc lại giáo huấn lâu đời của Giáo Hội. Có lẽ cuộc tấn công trực tiếp và tàn khốc nhất xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 8 với Cuộc Tranh Luận Bài Trừ Ảnh Tượng. Bằng giọng văn súc tích, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích quan điểm của những người bài trừ ảnh tượng như sau:
Khi tách ra khỏi truyền thống chính thức của Giáo Hội, phong trào bài trừ ảnh tượng cho rằng tôn kính ảnh tượng là quay về với việc thờ ngẫu tượng. Đầy mâu thuẫn và mơ hồ, họ cấm những tác phẩm thể hiện Chúa Kitô và các ảnh tượng tôn giáo nói chung, nhưng lại tiếp tục cho phép sử dụng những hình ảnh có tính báng bổ, nhất là những hình ảnh về hoàng đế kèm theo những dấu hiệu sùng kính. Luận cứ bài trừ ảnh tượng dựa trên nền tảng Kitô học. Làm sao có thể mô tả Chúa Kitô, Đấng duy nhất trong Ngôi vị, mà không tách biệt hoặc lẫn lộn thiên tính nhân tính của Người? Không ai có đủ khả năng diễn đạt thiên tính bất khả thấu đạt của Người. Thể hiện nhân tính Chúa Kitô tức là tách rời thiên tính ra khỏi nhân tính nơi Người. Chọn nhân tính hay thiên tính đều là ngả theo hai lạc thuyết trái ngược nhau về Chúa Kitô: lạc thuyết Nhất tính và lạc thuyết Nestôriô. Bởi lẽ, khi cố gắng diễn đạt Chúa Kitô trong thiên tính của Người, người ta nhất thiết phải giảm thiểu nhân tính của Người. Còn khi chỉ trình bày hình ảnh nhân tính, thì người ta sẽ giấu đi sự thật Người cũng là Thiên Chúa.
Để trả lời cho các luận cứ này, Công đồng Nicea II đã tái xác định giáo lý về ngôi hiệp, và dưới ánh sáng của tín điều ấy, Công đồng đã bênh vực và giải thích tính cách chính đáng của việc chế tác và tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô cùng các thánh. Công đồng đã viện dẫn các Giáo phụ, nhất là những lời của thánh Basiliô: “Tôn kính ảnh tượng là tôn kính nguyên mẫu của ảnh tượng; và ai tôn kính ảnh tượng là tôn kính vị được thể hiện bằng ảnh tượng.” Khi viết: “Biểu trưng thì khác với điều được biểu trưng”, thánh Gioan Đamascenô nhằm bênh vực tính chính đáng của việc biểu trưng bằng ảnh tượng, đồng thời phân biệt việc biểu trưng này với hành vi tôn thờ ngẫu tượng. Các giáo huấn này liên tiếp nhận được sự ủng hộ: ngay sau Công đồng Nicea II, các giáo huấn này được sử dụng để chống lại hoàng đế Charlemagne của Tây phương cũng như chống lại hoàng đế Leo Armenian bên Đông phương; sau này tại Công đồng Trent, các giáo huấn này một lần nữa được vận dụng để chống lại phái Calvin và những người bài trừ ảnh tượng thuộc phái Zwingli trong phong trào Cải cách.
Cho đến ngày nay, Giáo Hội vẫn tiếp tục đề cao việc chế tác và tôn kính ảnh tượng thánh. Công đồng Vatican II dạy: “Phải nhiệt thành tuân giữ những sắc lệnh được ban hành vào thời kỳ đầu liên quan đến các ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng khẳng định chỗ đứng của ảnh tượng trong Phụng tự Công giáo: “Cũng như việc đọc những cuốn sách vật chất cho phép chúng ta nghe Lời hằng sống của Thiên Chúa, thì việc trưng bày ảnh thánh cho phép những ai chiêm ngắm ảnh ấy nhờ thị giác mà được tham dự vào mầu nhiệm Cứu độ.” Việc sách Giáo lý Hội thánh Công giáo rất chú ý bàn về ảnh tượng thánh cho thấy đó vẫn là mối quan tâm đặc biệt của Huấn quyền, nhất là trong thời đại bài trừ ảnh tượng kiểu mới ngày nay:
Ngôi Lời đã làm người bằng cách nhận lấy một nhân tính thực sự, nên thân xác của Đức Kitô cũng bị giới hạn (x. Cđ. Latran 649. DS. 504). Do đó, gương mặt nhân loại của Đức Giêsu có thể được “họa lại” (Gl 3, 2). Trong Công đồng chung thứ VII (Nicea II năm 787), Hội Thánh nhìn nhận việc họa lại hình ảnh của Người là chính đáng.
Mệnh lệnh của Thiên Chúa cấm mọi hình thức tạc tượng vẽ hình Thiên Chúa bằng bàn tay con người. Sách Đệ Nhị Luật giải thích:”Anh em đã không thấy hình thể nào, ngày Đức Chúa phán với anh em tại núi Hô-rép từ trong đám lửa, vì thế đừng có ra hư hỏng mà làm cho mình một tượng mang hình ảnh bất cứ cái gì...”. Chính Thiên Chúa siêu việt tuyệt đối đã tự mạc khải cho Israrel. “Người là mọi sự” nhưng đồng thời, “vượt trên tất cả các công trình Người làm”. Người là “tác giả của mọi vẻ đẹp”.
Tuy nhiên, ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh hay cho phép làm những hình tượng biểu trưng ơn cứu độ nhờ Ngôi Lời Nhập thể: ví dụ con rắn đồng, khảm giao ước và các Kêrubim.
Dựa vào mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể mà Công đồng chung thứ bảy, ở Nicea (năm 787), đã biện minh cho việc tôn kính ảnh tượng thánh, như ảnh tượng Đức Kitô, Mẹ Thiên Chúa, các thiên thần và tất cả các thánh, để chống lại phái bài ảnh tượng. Khi Nhập thể, Con Thiên Chúa đã mở ra một “nhiệm cuộc” mới cho ảnh tượng.
Khi tôn kính ảnh tượng, các Kitô hữu không nghịch lại điều răn thứ nhất cấm thờ ngẫu tượng. Thực vậy, “khi tôn kính một ảnh tượng, chúng ta hướng tâm hồn lên nguyên mẫu của ảnh tượng” và “ai tôn kính ảnh tượng là tôn kính vị được thể hiện bằng ảnh tượng”. Đối với ảnh tượng thánh, chúng ta chỉ “tôn kính” chứ không thờ phượng, vì chỉ được thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi: “Phụng tự không hướng đến tự thân các ảnh tượng như là thực thể, nhưng theo khía cạnh riêng của chúng xét như những hình ảnh dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa Nhập thể. Việc tôn kính không dừng lại ở ảnh tượng, nhưng vươn tới chính thực tại được hình ảnh biểu thị”.
Vì thế, Giáo Hội luôn tiếp tục xác định nền tảng nghệ thuật Kitô giáo là Mầu nhiệm Nhập thể. Phẩm giá con người đòi hỏi điều ấy. Con người chúng ta có thân xác và linh hồn. Chúng ta có các giác quan cũng như có ý chí, trí tuệ và trí tưởng tượng. Chúng ta được tạo dựng với khả năng đáp ứng nghệ thuật tôn giáo, với tâm hồn có thể rung cảm trước tác phẩm khắc họa chân dung cái đẹp và sự thật. Qua hình ảnh hữu hình, tâm hồn chúng ta được nâng cao lên đến thực tại vô hình. Việc tôn kính ảnh tượng bắt nguồn từ các chân lý được Thiên Chúa mạc khải, trong các tín điều về Mầu nhiệm Sáng Tạo, Mầu nhiệm Nhập thể và Mầu nhiệm Cứu Chuộc. Đức Thánh Cha tóm tắt như sau: “Nghệ thuật có thể trình bày hình dáng gương mặt nhân loại của Thiên Chúa, và dẫn dắt những người chiêm ngắm đi vào mầu nhiệm khôn tả là Thiên Chúa đã làm người để cứu độ chúng ta.”
III. THÁNH GIÁ LÀ ẢNH TƯỢNG THÁNH
Chúng ta đã xem xét các khía cạnh lịch sử và phụng vụ của Thánh giá trong chương 4. Ở đây nên nêu ra vài ghi nhận về ý nghĩa thần học của Thánh giá xét như là ảnh tượng, vì điều này có thể giúp chúng ta có được kiến thức tổng quát hữu ích hơn về biểu tượng.
Ở nhiều khía cạnh, Thánh giá là biểu tượng trung tâm của Đức Tin. Người ta nói rằng Thánh giá “là hình ảnh cụ thể diễn tả thần học về ảnh tượng, tức thần học về Mầu nhiệm Nhập thể và Hiển dung”. Thánh giá lên tiếng hùng hồn nhất về Mầu nhiệm Nhập thể, vì Chúa Con đã trở thành con người, và khi làm người, Người đã chịu đóng đinh vào Thánh giá để cứu độ chúng ta. Người đã mặc lấy xác phàm, và điều này chúng ta có thể hiểu được nhờ các giác quan của mình: Ngôi Lời đã làm người, vì thế chúng ta có thể khắc hoạ Ngôi Lời.
Nếu không có mạc khải mới mẻ này nơi Chúa Kitô, chúng ta buộc phải chấp nhận luật của Môisen và của Hồi giáo cấm dùng ảnh tượng mô tả Thiên Chúa vô hình. Nhưng dưới ánh sáng của Mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta có thể tự hào vì Thiên Chúa đã làm người và Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15). Hình ảnh Đấng chịu đóng đinh cũng nói lên Mầu nhiệm Nhập thể: Chúa Giêsu đến đem ơn cứu chuộc bằng những đau khổ của Người khi dâng mình làm Lễ vật tinh tuyền để cứu độ thế gian. Đó là sứ điệp trung tâm của Thánh giá và là lý do tại sao Thánh giá là trung tâm của phụng vụ thánh. Do đó, Thánh giá không có tượng Chúa Giêsu làm cho Phụng vụ bàn thờ nghèo nàn đi vì không đưa chúng ta vào trọn vẹn hành vi cứu chuộc chúng ta.
Thánh giá cũng nói lên thần học về Chúa hiển dung: trong Chúa Kitô có một mối tương quan mới (hay có lẽ mối tương quan được phục hồi) giữa vật chất và tinh thần. Chúa Kitô liên kết mọi sự “trên Trời, dưới đất và cả trong nơi âm phủ” (x. Pl 2,10). Mầu nhiệm Chúa hiển dung, tức mầu nhiệm mạc khải cho chúng ta sự cao trọng của mầu nhiệm Nhập thể, cho chúng ta thấy rằng vật chất có thể được thánh hoá để trở thành khí cụ thánh hoá. Giờ đây, chúng ta có thể tham dự vào mầu nhiệm của Thiên Chúa với các giác quan, trí tưởng tượng, tình cảm, ý chí và trí tuệ của chúng ta. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là biến cố hiển dung ám chỉ mức viên mãn của quá trình con người nên giống Thiên Chúa trong vinh quang Phục sinh. Trong Chúa Kitô, con người được mời gọi “biến hình”, được “biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cor 3,18), khi “chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2), và “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).
Tiến trình này, chuyển hóa thông qua vật chất, tức trung tâm của khoa ảnh tượng học, là chìa khoá mở cho chúng ta đi vào những hiểu biết của thời Trung cổ về ý nghĩa tượng trưng của thánh đường kiểu Gô-tích, một tiến trình được coi là “chiêm ngắm thần nghiệm” mà chúng ta sẽ xem xét trong chương sau. Bây giờ, để kết thúc phần bàn về biểu tượng Thánh giá, xin dẫn lời đúc kết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II như sau: “Việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô bao hàm toàn bộ niềm tin vào thực tại Nhập thể và ý nghĩa vô biên của mầu nhiệm ấy đối với Giáo Hội và thế giới. Nếu Giáo Hội thực hành việc tôn kính ấy, đó là vì Giáo Hội tin tưởng rằng Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô đã thật sự cứu chuộc và thánh hoá xác phàm cùng toàn bộ thế giới cảm giác, tức con người ngũ quan, và cho phép họ ngày càng đổi mới theo hình ảnh Đấng tạo hóa (x. Cl 3,10).”
IV. VAI TRÒ VÀ ĐỊA VỊ CỦA CÁC ẢNH TƯỢNG
“Phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đường để các tín hữu tôn kính; tuy thế số các ảnh tượng ấy chỉ vừa phải thôi và phải được sắp xếp sao cho thích hợp” (Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 125)
Cần xét xem lời Công đồng Vatican II kêu gọi tôn kính ảnh tượng có ý nghĩa như thế nào đối với giáo xứ hiện đại. Quan trọng nhất, lời Công đồng không cho phép tùy ý thi hành. Theo ghi nhận của J. Saward, tại Công đồng Nicea II “việc đặt ảnh tượng trong nhà thờ... không phải chỉ là được phép, mà đó là sắc lệnh... Đối với Công giáo và Chính thống giáo, ảnh tượng Kitô giáo không phải là điều tùy nghi dùng để trang trí, nhưng là mệnh lệnh thuộc tín lý.” Như Đức giáo hoàng Piô XII đã viết trong Thông điệp Mediator Dei (Đấng Trung gian của Thiên Chúa): “Chẳng hạn, ý muốn đưa ảnh tượng ra khỏi nhà thờ là điều sai lầm”. Trái lại, ngài cũng khiển trách “việc đưa vào quá nhiều ảnh tượng một cách vô lý”. Vì thế, trong khi ảnh tượng thánh là một phần của môi trường thờ phượng Công giáo, số lượng ảnh tượng nên ở mức vừa phải, kẻo ý nghĩa của ảnh tượng bị giảm sút do sự trùng lặp. Phải liệu sao cho những ảnh tượng này, dù là tác phẩm hội hoạ, điêu khắc hay kính ghép, đều là sự diễn đạt bằng ngôn ngữ kiến trúc cho câu trích trong thư Do Thái: “Chúng ta được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt. 12,1). Chớ để lòng sùng kính các thánh bị đánh mất đi vì não trạng bài trừ ảnh tượng thời hiện đại; có thể thấy rõ điều này qua việc Tòa Thánh nêu gương nuôi dưỡng lòng sùng kính ấy. Về mặt này, đáng lưu ý rằng Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho nhiều vị thánh hơn bất cứ vị giáo hoàng nào trước kia, và có lẽ vào cuối triều đại giáo hoàng của ngài, ngài đã phong thánh cho nhiều vị hơn tất cả các vị giáo hoàng tiền nhiệm cộng chung lại! Những trường hợp này, cũng như công cuộc đang thực hiện của Uỷ ban Toà Thánh về các thánh Tử đạo, cung cấp thêm cho chúng ta những mẫu mực về sự thánh thiện và sự hy sinh trong một thời đại mà lối sống vị kỷ ngày càng gia tăng.
Trong khi lưu ý việc Đức giáo hoàng nhấn mạnh đến communio sanctorum (sự hiệp thông các thánh), cũng nên xem lại vai trò của ecclesia triumphans (Giáo Hội khải hoàn). Theo dòng lịch sử Giáo Hội, các thánh luôn hiện diện trong các tác phẩm bích hoạ, kính ghép, kính màu và điêu khắc. Ngay từ thời kỳ đầu tiên, Giáo Hội luôn tôn kính các thánh Tử đạo không chỉ bằng việc lưu giữ thánh tích của các ngài, mà còn bằng những bức tranh sinh động trong các hang toại đạo, martyria (các thánh đường có mộ thánh Tử đạo) và trong các nhà thờ. Những bức tranh cổ trong các hang toại đạo ở Rôma cho thấy đông đảo các vị thánh tiến vào Thiên Đàng, có các thánh khác và các thiên thần đi cùng. Nền điêu khắc Công giáo thời kỳ sơ khai không thường xuyên mô tả các thánh, nhưng hiển nhiên các bức bích hoạ và tranh khảm Byzantine để trang trí các nhà thờ và giếng rửa tội thời sơ khai đã nói lên sự cho phép thể hiện chư thánh bằng ảnh tượng [hình 3].
Hình 3
Trong lịch sử xây dựng nhà thờ, việc trưng bày ảnh tượng các thánh đã được duy trì như lời nhắc nhớ về thực tại linh thiêng vượt lên trên thế giới vật chất, thế giới mà Kinh Tin Kính của Công đồng Nicea tuyên xưng là công trình của Thiên Chúa, “Đấng tạo thành trời và đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Theo truyền thống, các ảnh tượng này có nhiều chức năng: huấn luyện đức tin cho những người không biết chữ, nhắc nhở người tín hữu về ơn gọi của họ, làm đối tượng giúp người ta chiêm niệm, và trang hoàng cho nhà của Thiên Chúa trở thành biểu hiện của thành thánh Giêrusalem trên Trời với “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ, đứng chầu trước ngai” (Kh.7,9). Ngày nay, các lý do “truyền thống” vẫn còn phù hợp để giải thích việc trưng bày ảnh tượng trong nhà thờ: các ảnh tượng nhắc nhở về Đức Tin, giúp chúng ta dạy dỗ trẻ em, và - có lẽ cũng quan trọng không kém - ảnh tượng tiếp tục đem đến một đối tượng sùng kính để người chia trí mông lung có thể cầm lòng mà chiêm niệm.
Trong cả hai Hiến chế Sacrosanctum Concilium (về Phụng Vụ Thánh) và Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), Công đồng Vatican II nhấn mạnh lại một cách đặc biệt về vai trò của các thánh và việc cổ vũ lòng tôn kính các ngài. Dưới ánh sáng của các văn kiện này, hành vi loại bỏ ảnh tượng ở những năm tháng sau Công đồng và sự say mê kính màu trừu tượng trong thời gian gần đây dường như sai lầm về căn bản và thậm chí mang tính bài trừ ảnh tượng. Trong khi hình ảnh đồ hoạ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội hiện đại, như chúng ta thấy trong phim ảnh, phim nhạc rock, truyền hình, các tạp chí hào nhoáng và các phương tiện quảng cáo, thì dường như trong Giáo Hội vẫn còn có sự miễn cưỡng thâm căn cố đế đối với ảnh tượng thánh. Đó là một dạng tâm lý thù ghét ảnh tượng. Trong cuốn sách Moments of Vision (Những Khoảnh Khắc Nhìn Xa), Kenneth Clerk trình bày diễn tiến lịch sử của sự thù ghét ảnh tượng, đồng thời đưa ra những phân tích thú vị về tâm lý này. Tác giả đề cập đến những nguyên nhân triết lý, tôn giáo, xã hội và phong cách của hiện tượng này qua nhiều thời đại. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ luận điểm của ông không giải đáp được các vấn đề do sự thù ghét ảnh tượng trong Giáo Hội Công giáo (mặc dầu dĩ nhiên đó không phải là ý định của ông). Tôi muốn nêu lên rằng vấn đề của Công giáo thời hiện đại có hai mặt. Thứ nhất, đó là phản ứng đối với “nghệ thuật phế thải” kém cỏi. Hơn năm mươi năm trước, Maritain đã than thở về “tính ủy mị đáng hổ thẹn của nhiều sản phẩm thương mại” chỉ dành cho “số đông những người Kitô hữu có thị hiếu thấp kém.” Đành rằng qua một bức tượng Đức Mẹ bằng thạch cao sơn màu, “Thiên Chúa có thể đánh động tâm hồn con người nên sốt sắng... chẳng khác nào trước một kiệt tác tuyệt vời”, nhưng rất nên loại bỏ những bức tượng có nghệ thuật kém cỏi. Tuy nhiên, vấn đề ngày nay là những bức tượng Đức Mẹ bằng thạch cao ấy và những chặng Đàng Thánh giá thô thiển đã được thay thế bằng những bức tranh trừu tượng không giúp con người tiếp xúc với những thực tại thiêng liêng thuộc đề tài của tranh. Thứ hai, đa phần các phản ứng tiêu cực đối với ảnh tượng có lẽ do ước muốn “được coi trọng” và “được chấp nhận” bởi xã hội buông thả cho rằng trưng bày ảnh tượng tôn giáo là thờ ngẫu tượng, là đa cảm và dị đoan. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng các Kitô hữu được mời gọi để trở nên “dấu hiệu cho người ta chống đối” khi bắt chước Thiên Chúa. Từ Công đồng Vatican II, Giáo Hội đã đi đến chỗ có sự chấp nhận dễ dãi nào đó, một kiểu “đi theo số đông” (mainstreaming) mà chẳng mấy người muốn từ bỏ. Đối với tôi, dường như chỉ khi nào chúng ta vượt qua những kềm hãm này thì ảnh tượng các thánh mới có thể tìm được chỗ đứng thích hợp trong nhà của Thiên Chúa.
Nhưng thế thì “chỗ đứng thích hợp” là gì? Mặc dù hiện nay đã không còn vấn đề ảnh tượng được trưng bày đầy trên các bàn thờ phụ (khiến thông điệp Mediator Dei khiển trách), nhưng rõ ràng vẫn cần có sự hiểu biết về thứ bậc của các tượng ảnh. Tất nhiên, ảnh tượng duy nhất phải có trong thánh lễ là Thánh giá, nhưng trong bất cứ nhà thờ nào cũng có những ảnh tượng khác rất phù hợp như ảnh tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, Thánh bổn mạng nhà thờ và các chặng Đàng Thánh giá. Và may mắn, đã có những chỉ dẫn tổng quát để sắp đặt các tượng ảnh trong nhà thờ sao cho phù hợp. Khi hoạch định số ảnh tượng đưa vào nhà thờ, có nhiều điều phải xem xét. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma chỉ nói rằng ảnh tượng cần được đặt “cách nào để không làm giáo dân chia trí trong lúc cử hành phụng vụ.” Trong khi ý tưởng “làm chia trí” có vẻ hơi chủ quan, thì cũng có những giải pháp khách quan. Điều quan trọng nhất là không bao giờ đặt ảnh tượng trên bàn thờ, còn ảnh tượng thánh bổn mạng nhà thờ hoặc của bàn thờ thì nên đặt ở một vị trí thích hợp và thứ yếu trong cung thánh. Cũng nên xem xét cẩn thận kích cỡ của ảnh tượng so với diện tích cung thánh và quy mô nhà thờ: ảnh tượng không quá to đến nỗi lấn át và không quá nhỏ để khỏi mất đi ý nghĩa. Một số tác giả khuyên không nên đặt các ảnh tượng khác trong cung thánh mặc dù điều ấy không bị cấm.
Quy chế tổng quát sách lễ Rôma cũng viết: “Cần... giới hạn số lượng ảnh tượng... Chỉ trưng bày một ảnh tượng của vị thánh nào đó.” “Giới hạn số lượng” cũng là một hướng dẫn có tính chủ quan, mà Giáo Hội công nhận bằng cách xác định: “Nói chung, lòng đạo đức của toàn thể cộng đồng (NV nhấn mạnh) phải là tiêu chí xem xét số ảnh tượng trong việc bài trí và sắp xếp nhà thờ.” Tôi nghĩ rằng khi Giáo Hội ra lệnh chỉ được trưng bày một ảnh tượng duy nhất của một vị thánh đặc biệt, thì lệnh ấy nhắm đến khu vực dành tôn kính vị thánh ấy hơn là cấm tiệt việc trưng ảnh tượng trùng lặp. Nghĩa là, xem ra không phải là phạm luật nếu đã có ảnh ghép kính màu thánh bổn mạng Gioan Tẩy giả trên vòm mái, lại có ảnh họa Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại giếng Rửa tội, và thêm tượng thánh Gioan Tẩy giả ở khu vực dành tôn kính Thánh bổn mạng. Điểm chính của lệnh này là chỉ được phép có một nơi tôn kính, với nến đặc trưng là những cây nến khấn, cho bất cứ vị thánh đặc biệt nào. Lệnh không áp dụng cho Thánh giá và nhiều ảnh tượng của Chúa, và Đức Mẹ khi Mẹ xuất hiện với nhiều tước hiệu khác nhau. Nếu lệnh này áp dụng cho tất cả, thì cả Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma và Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington, D.C sẽ phải cất bớt vô số ảnh tượng.
Thật thú vị, trong khi việc sáng tác và sắp đặt các tượng ảnh có nhiều khác biệt muôn màu muôn vẻ qua các thời đại trên khắp thế giới, thì điểm chung cho tất cả các kiểu mẫu cổ điển là tính quy hướng Chúa Kitô. Điều này nhắc cho chúng ta rằng các thánh trong Giáo Hội luôn giữ vai trò dẫn đến Chúa Kitô: các thánh phản chiếu và chuyển thông vinh quang Chúa, đồng thời các ngài được thông phần vinh quang của Người (x. Pl 3,21; 2Tx 1,10). Chính với sự hiểu biết này mà con người thời Trung cổ đặt đầy trong nhà Chúa ảnh tượng các thánh và các thiên thần: không chỉ tranh khảm hay tượng bằng đá, nhưng còn cả hình ảnh trên kính màu. Ánh nắng chiếu qua hình ảnh trông giống như ánh sáng Chúa Kitô chiếu dọi qua các thánh và làm cho các ngài sáng rực rỡ. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) viết: “Thực vậy, mọi chứng từ đích thực nói lên lòng mộ mến của chúng ta đối với các Thánh trên trời luôn quy hướng đến Chúa Kitô và kết thúc nơi Chúa Kitô là “triều thiên của toàn thể các Thánh”. Và nhờ Chúa Kitô, lòng mộ mến của chúng ta quy hướng đến Thiên Chúa và kết thúc nơi Thiên Chúa, Đấng đáng ca tụng và tôn vinh nơi các Thánh”
Một cách nào đó, việc sử dụng ảnh tượng các thánh phải dẫn chúng ta về với Chúa Kitô. Trong lịch sử Giáo Hội, đã có nhiều phương cách hữu hiệu trình bày ảnh tượng các thánh để trợ giúp phụng vụ mà không gây chia trí. Ảnh khảm trên mái vòm theo phong cách Byzantine, bình phong ảnh tượng, kính màu, đầu cột chạm khắc trong kiến trúc Rôma [hình 4], bức ngăn trong nhà thờ theo kiến trúc Gô-tích, và cả đến hốc tường đặt tượng ở Vương cung thánh đường Gioan Lateranô, tất cả đều trình bày cho người tín hữu một khía cạnh của các thánh trong tương quan với phụng vụ và Giáo Hội nói chung, nhưng với vai trò rõ ràng là thứ yếu và phục vụ cho địa vị của Chúa Kitô trong phụng vụ.
Hình 4
Các thánh dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô là ý tưởng rất phổ biến trong khoa ảnh tượng thời Trung cổ. Trong nhà thờ San Apollinare Nuovo ở Ravenna, trên những hàng cột là tranh khảm mô tả hai cuộc rước kiệu nổi tiếng của các thánh. Trụ ngạch phía bên phải trình bày hai mươi sáu thánh Tử đạo đang tiến đến Chúa Kitô [hình 5, 6], còn bên trái là hai mươi hai thánh nữ Đồng trinh đang tiến về phía Đức Trinh Nữ Maria ẵm Chúa Hài Đồng [hình 7, 8].
Hình 5
Hình 6
Hình 7
Hình 8
Ví dụ này nói lên sự hiểu biết hoàn toàn chính thống về vai trò của các thánh: các ngài là gương mẫu hằng nhắc nhở để dẫn đưa các tín hữu đến với Chúa Kitô. Các thánh Tử đạo bắt chước Chúa Kitô bằng cách thông phần đau khổ với Người, các Thánh Đồng Trinh thì thông phần sự sống của Chúa bằng cách theo gương Đức Mẹ Đồng Trinh, Đấng đón nhận ân sủng và vinh quang từ Con của mình theo cách thức tương tự. Phần trung tâm mái vòm của hai giếng rửa tội Neon và Arian ở Ravenna trình bày hình ảnh Chúa Giêsu chịu phép Rửa bởi tay thánh Gioan, còn hình ảnh mười hai Tông Đồ thì toả ra các hướng chung quanh Chúa Giêsu, bố cục này cho thấy hình ảnh các thánh vừa hỗ trợ vừa phụ thuộc vào hình ảnh Chúa Kitô [hình 9].
Hình 9
Những ví dụ khác như vòm nhà nguyện Thánh Zenon [hình 10], mặt hồi ở nhà thờ Thánh Denis, cửa sổ kiểu hoa hồng ở nhà thờ Orvieto, mặt tiền phía tây rực rỡ của nhà thờ Chính toà Wells hay mặt tiền nhỏ hơn nhưng có liên hệ ở tu viện Bath, đều diễn tả địa vị trung tâm và trên hết của Chúa Kitô.
Hình 10
Những ví dụ từ thời Trung cổ này nhằm làm nổi rõ nguyên tắc then chốt để sắp đặt ảnh tượng cho thời nay: vị trí của Đấng Cứu Chuộc, dù là Đấng Chịu Đóng Đinh hay Đấng Toàn Năng, có tầm quan trọng tối thượng trong nhà thờ, và tất cả các ảnh tượng khác phải phụ thuộc vào ảnh tượng của Người.
Đức Mẹ Đồng Trinh có vai trò quan trọng trong nghệ thuật ảnh tượng của Giáo Hội. Giáo Hội “khuyến khích mọi tín hữu lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Đức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Kitô đặt làm Mẹ của cả loài người”. Ảnh tượng Mẹ nằm trong số những ảnh tượng lâu đời và phổ biến nhất, có từ cuối thế kỷ thứ nhất hoặc đầu thế kỷ thứ hai, dựa vào chứng tích trong hang toại đạo Priscilla ở Rôma. Ngày nay, phải tránh sự thiếu sót khi nhấn mạnh địa vị của Đức Trinh Nữ Maria hồng phúc, như đã được các nghị phụ Công đồng nói rõ trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) (nguyên cả chương 8) và trong Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Mater). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II viết:
Các ảnh tượng về Đức Trinh Nữ Maria có một vị trí danh dự trong các nhà thờ và tư gia. Trong các ảnh tượng ấy, Đức Maria được trình bày theo nhiều phương diện: Mẹ là ngai toà Thiên Chúa, mang lấy Chúa Giêsu và trao Người cho nhân loại (Theotókos), Mẹ là con đường đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và giới thiệu Người cho chúng ta (Hodegetria), Mẹ là người cầu nguyện với tâm thế chuyển cầu cho chúng ta và là dấu hiệu nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc hành trình của người tín hữu cho đến ngày Chúa đến (Deẽsis); Mẹ là Đấng che chở luôn giang rộng áo choàng phù hộ muôn dân (Pokrov); Mẹ là Đức Nữ Đồng Trinh dịu hiền khoan nhân (Eleousa). Mẹ thường được nghệ thuật thể hiện đang ẵm Con của Mẹ là Chúa Hài Nhi: chính mối tương quan với Chúa Con làm cho Mẹ được vinh quang. Có khi Mẹ dịu dàng ôm lấy Chúa Giêsu (Glykophilousa); lại có khi Mẹ là người thánh đầy vẻ say mê chiêm ngắm Đấng là Chúa của lịch sử”
Thêm nữa, Đức giáo hoàng tiếp tục giải thích mối tương quan giữa Đức Trinh Nữ Maria với phụng vụ; đây là điều cần thiết để biết cách sắp đặt ảnh tượng Mẹ:
Địa vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria được người Kitô hữu đặc biệt chú ý và cảm nghiệm trong Bữa Tiệc Thánh - tức việc cử hành phụng vụ về mầu nhiệm Cứu Chuộc - trong đó Chúa Kitô hiện diện với Thân mình thật sự đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria.
Với lòng đạo đức, người Kitô hữu luôn cảm nhận đúng đắn mối liên kết sâu xa giữa việc tôn sùng Đức Trinh Nữ và phụng vụ Thánh thể: có thể thấy được điều này trong phụng vụ của cả Tây phương và Đông phương.
Tương tự, theo Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ giữ địa vị “cao nhất sau Chúa Kitô và cũng gần gũi chúng ta nhất”. Từ những trích dẫn ấy, có thể suy ra rằng ảnh tượng của Mẹ Thiên Chúa cần phải được đặt ở vị trí nổi bật trong cung thánh hay gần cung thánh. Vị trí này cũng thuận tiện cho các đôi tân hôn dâng bó hoa lên Đức Mẹ trong hôn lễ. Ảnh tượng thánh bổn mạng nhà thờ đôi khi có thể được đặt đối xứng với tượng Đức Mẹ trong nhà thờ.
Trong truyền thống ảnh tượng thánh, có một ngôn ngữ tế nhị và phức tạp về biểu tượng, hình thức và màu sắc. Các Tông đồ và các Thánh sử có ngôn ngữ mô tả riêng, và các ngài có lý do để sử dụng ngôn ngữ ấy. Một khi đã có được ngôn ngữ hình thể ổn định, dù ở ảnh tượng hay kính màu, người tín hữu mù chữ cũng có thể dễ dàng nhận ra các hình ảnh. Vì thế, người ta thường thấy thánh Phêrô có nước da ngăm, thân người tráng kiện với râu tóc quăn và đen; thánh Batôlômêô với mái tóc hoa râm, nước da trắng, đôi mắt to, mũi cao và chòm râu dài; thánh Phaolô dáng cao niên, đầu hói, râu trắng dài, lưa thưa; thánh Gioan còn trẻ, không có râu; thánh Máccô tuổi trung niên, trán có nếp nhăn, mũi to, tóc vàng hoe, râu dài và có vài sợi tóc hoa râm; thánh Gioan Tẩy giả có hình dáng một ẩn sĩ với làn da lạc đà; vân vân… Mỗi vị thánh tông đồ được trình bày cùng với dụng cụ tử đạo hay dấu hiệu riêng của các ngài, như ở các bức tượng của Rusconi trong lòng nhà thờ Thánh Gioan Latêranô [hình 11]: thánh Phêrô tay cầm chìa khoá; thánh Batôlômêô bị lột da sống; thánh Phaolô giữ thanh gươm đã chém đầu ngài; thánh Giacôbê với những vỏ sò gợi lại việc thân thể ngài trôi dạt vào bờ biển ở Compostela một cách kỳ lạ; và thánh Philipphê, “giống như Thầy của mình là Đấng ngài rao giảng, ngài cũng chịu đóng đinh vào thập giá”.
Hình 11
Các thánh Tử đạo khác cũng có những dụng cụ hành hình (chẳng hạn thánh Laurensô bên vỉ nướng bằng sắt [hình 12], thánh Sebastian với những mũi tên và thánh Stephanô với một đống đá dưới chân ngài).
Hình 12
Ảnh tượng thường trình bày các thánh Tử đạo cầm nhành cây hương bá, ý nhắc đến đoạn Kinh Thánh “người công chính lớn mạnh như cây hương bá Li băng, được trồng nơi nhà Chúa” (Tv. 92,12-13).
Bốn thánh sử Tin Mừng được diễn tả bằng bốn sinh vật trong sách Khải huyền: bò, sư tử, con người và chim phượng hoàng (Kh.4,7) [hình 13].
Hình 13
Thánh sử Matthêu được thể hiện với hình dáng con người, vì ngài mở đầu sách Tin Mừng bằng bản gia phả, và ngài viết về nhân tính của Chúa Giêsu, việc Chúa giáng sinh và những năm đầu đời của Chúa [hình 14].
Thánh Marcô được biểu trưng bằng con sư tử của chi tộc Giuđa vì nhiều lý do [hình 15].
Trước hết, Tin Mừng thánh Marcô trình bày Chúa Giêsu là Vua. Thứ hai, Tin Mừng thánh Marcô bắt đầu với “tiếng kêu trong sa mạc”, được các giáo phụ sánh ví với sư tử rống lên trong sa mạc. Thứ ba, vì thánh Marcô mô tả việc Chúa Phục sinh, mà sư tử là biểu tượng, có liên quan đến giai thoại về một con sư tử mẹ làm hồi sinh những đứa con của mình bằng cách thở hơi trên chúng. Tương tự như thế, thánh Luca được thể hiện bằng hình ảnh con bò [hình 16], biểu tượng cho hy lễ của thầy thượng tế, vì ngài mở đầu Tin Mừng với thầy thượng tế Giacaria, ngài khai triển gia phả Chúa Giêsu qua hàng tư tế Lêvi, và ngài tường thuật rất hùng hồn về cuộc Khổ nạn và Hy tế của Đức Kitô.
Cuối cùng, chim phượng hoàng tượng trưng cho thánh Gioan [hình 17], bởi vì Tin Mừng của ngài vút bay lên đến Thiên tính của Chúa Kitô, bắt đầu bằng câu “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời...”
Trong ngôn ngữ biểu tượng phức tạp này, đôi khi hình ảnh cuốn sách được đưa vào ảnh tượng các tác giả Tân Ước (gồm các thánh sử Phúc Âm, thánh Phaolô, thánh Giuđa, thánh Giacôbê và thánh Phêrô). Cuốn sách đang mở biểu trưng cho tri thức hoàn hảo mà các tông đồ thánh sử được chính Chúa dạy bảo cách trọn vẹn. Ngôn ngữ phổ biến này, tuy chưa đạt tới mức toàn cầu hoặc tuyệt đối, nhưng vẫn được sử dụng bởi các nghệ sĩ có tinh thần trách nhiệm trong việc chế tác ảnh tượng thánh, bởi lẽ ngôn ngữ ấy giúp cho nghệ sĩ tránh được những vấn đề do cảm quan cá nhân và luôn hoạt động trong phạm vi truyền thống của nghệ thuật ảnh tượng thánh.
Tôi muốn đưa ra một luật trừ trong các quy luật liên quan đến ảnh tượng trên cung thánh, đó là vị trí ảnh tượng các thiên thần. Các thiên thần có một vị trí quan trọng đặc biệt trong Kinh Thánh, trong lịch sử cứu độ và trong phụng vụ. Một điều thật thú vị là các hình ảnh mà Thiên Chúa truyền lệnh thực hiện đầu tiên chính là hình ảnh thể hiện các hữu thể vô hình, tức các Kêrubim trên nắp Hòm Bia Giao Ước. Hai vị Kêrubim đứng hai đầu và hộ giá Nắp Xá tội (Xh 25,18), tựa như việc các ngài canh giữ lối vào Vườn Địa đàng (x. St 3,24). Chủ đề này được tiếp tục thực hiện trong chương trình trang hoàng đền thờ do vua Salomon xây dựng. Trong Nơi Cực Thánh dài mười thước, rộng mười thước, và cao mười thước vua cho khắc ảnh các thiên thần nơi khung ghép trên tường và các cánh cửa, và quan trọng nhất là khắc hoạ các thiên thần canh giữ lối vào Nơi Cực Thánh (1V 6,23). Ở đây có hai tượng Kêrubim, với đôi cánh dài hơn năm thước, bảo vệ lối vào, rõ ràng có liên hệ đến các Kêrubim với “lưỡi gươm sáng loé” canh giữ lối vào Vườn Địa đàng.
Trong Kinh Thánh, các thiên thần không chỉ là dấu hiệu nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa (chẳng hạn 1Sm 4,4, Tv. 80,2 và 99,1, Lc. 1,35), mà còn được nhắc đến cách đặc biệt khi Thánh sử nói về phụng vụ Kitô giáo: “Nhưng anh em đã tới núi Xion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben” (Dt. 12,22-24). Chính vì hiểu như thế mà sách Giáo lý Công giáo dạy: “Cho tới ngày Chúa quang lâm, tất cả đời sống Hội Thánh hưởng nhờ sự trợ giúp huyền nhiệm và hữu hiệu của các thiên thần. Trong phụng vụ, Hội Thánh liên kết với các thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa ngàn trùng Chí Thánh. Hội Thánh khẩn cầu các thiên thần trợ giúp”, cầu xin trong Kinh nguyện Thánh thể thứ nhất: “Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang trước tôn nhan uy linh Chúa”, và trong phụng vụ cầu cho tín hữu qua đời “Xin các thiên thần Chúa dẫn đưa bạn về thiên đàng.”
Cha Jean Daniélou viết một cách đầy thuyết phục về sự trợ giúp của các thiên thần trong Hy tế thánh lễ. Để minh chứng, cha đã trích dẫn rất nhiều giáo phụ:
“Nhưng các thiên thần hiện diện đặc biệt trong Hy tế Thánh thể. Quả thật, thánh lễ là sự tham dự bằng bí tích vào phụng vụ trên Trời, là việc tôn thờ được toàn thể cơ binh các thụ tạo thiêng liêng trân trọng chuyển dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ có các thiên thần mà bí tích Thánh thể được đưa vào Nước Trời. Các thiên thần giúp hy tế được bao phủ bằng mầu nhiệm thánh. Thánh Gioan Kim khẩu viết: “Các thiên thần vây quanh linh mục. Cả cung thánh và không gian trước bàn thờ tràn ngập các thiên thần từ Trời đến để tôn vinh Người là Đấng hiện diện trên bàn thờ”. Ở nơi khác ngài viết: “Bây giờ bạn hãy nghĩ đến cơ binh thiên thần mà bạn sắp gia nhập. Mặc dù bạn đang sống trong thân xác, nhưng bạn đã được đánh giá là xứng đáng gia nhập vào đoàn ngũ các thiên thần trên trời để ca hát chúc tụng Người là Chúa của muôn loài.” “Này là bàn tiệc vương giả, có các thiên thần phục vụ. Chính Chúa hiện diện nơi đó.”
Cha Daniélou kết thúc phần bàn về các thiên thần trong phụng vụ bằng một đoạn văn nổi tiếng của thánh Gioan Kim khẩu: “Các thiên thần hiện diện nơi đây. Hôm nay các thiên thần và chư thánh tử đạo hội ngộ. Nếu muốn nhìn thấy các thiên thần và các thánh Tử đạo, bạn hãy mở mắt đức tin mà chiêm ngắm quang cảnh này. Nếu trong không trung có đầy các thiên thần, thì trong Giáo Hội các thiên thần còn hiện diện nhiều hơn. Và nếu trong Giáo Hội có đầy các thiên thần, thì ngày nay quả còn có nhiều thiên thần hiện diện hơn nữa khi Chúa của các ngài đã lên Trời! Trọn vẹn không gian quanh chúng ta tràn đầy các thiên thần.” Lời văn phong phú này đã được diễn đạt bằng ngôn ngữ kiến trúc qua dòng lịch sử kiến trúc nhà thờ. Một trong những công trình nên thơ nhất được tìm thấy trên tấm đỡ rầm nhà thờ Thánh Wendreda [hình 18] ở March, Cambridgeshire.
Hình 18
Ở đó có hơn một trăm thiên thần bay trên không gian lòng nhà thờ thành một cơ binh thiên thần vinh hiển. Chủ đề này cũng có trong cách trang trí trần nhà thờ chính toà Ely ở gần đó [hình 19].
Hình 19
Thuộc phong cách Barốc, đông đảo các thiên thần do Bernini thiết kế ở nhà thờ San Andrea al Quyrinale và các thiên thần do Borromini đưa vào nhà thờ San Ivo della Sapienza đã diễn tả lời Kinh Thánh rằng chúng ta “được vây quanh bởi vô số các nhân chứng” [hình 20].
Hình 20
Nhận thức này đưa tôi đến kết luận rằng, một khi đã biết rõ vị trí đặc biệt của các thiên thần trong đời sống Giáo Hội, thì việc dùng ảnh tượng diễn tả các ngài trên cung thánh không những là thích hợp, mà còn nên được khuyến khích, vì các ảnh tượng thiên thần nói lên việc chúng ta tham dự vào bữa tiệc Chiên Con trong Nước Trời. Trong nhà thờ, cung thánh, lòng nhà thờ và giếng rửa tội nên có nhiều ảnh tượng các thiên thần để mô tả sống động thực tại thần thiêng vô hình này! Ảnh tượng các thiên thần cũng như ảnh tượng các thánh nói lên các chân lý thiêng liêng, và đây là lý do đủ cho phép việc trưng bày ảnh tượng các ngài. Ngoài ra, ảnh tượng các thiên thần và các thánh giúp chúng ta nhớ rằng cộng đoàn giáo xứ không cô độc hay bị tách rời, nhưng liên kết với việc thờ phượng của toàn thể Thân Mình Mầu nhiệm Chúa Kitô. Ở đây và ngay lúc này, trong thánh lễ tại giáo xứ này, chúng ta được hòa chung vào phụng vụ trên thiên quốc của Giáo Hội khải hoàn cùng với toàn thể các thiên thần và các thánh qua Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm của chúng ta, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và đến với vinh quang của Đức Chúa Cha toàn năng. Đó là lý do tại sao qua nhiều thời đại, các nhà thờ luôn có đầy hình ảnh các thiên thần dưới dạng bích hoạ, tranh khảm, tượng đồng và đá: những ảnh tượng đó là chứng từ cho ta thấy chỗ ở của chúng ta trong vương quốc của Thiên Chúa, đồng thời nhắc cho chúng ta nhớ rằng các thiên thần hằng chuyển cầu, bảo vệ và trợ giúp chúng ta.
Một chuỗi những ảnh tượng khác cần được khảo sát là các Chặng đàng Thánh giá [hình 21], tức các hình ảnh trình bày điều mà truyền thống cho là những chặng đường trong cuộc Khổ nạn của Chúa chúng ta.
Các Chặng đàng Thánh giá thường được sắp xếp chung quanh chu vi khu vực lòng nhà thờ, để các tín hữu đi Đàng Thánh giá tưởng niệm via dolorosa, nghĩa là con đường Chúa vác thập giá qua các phố xá Giêrusalem [hình 22].
Hình 22
Việc đạo đức này chỉ mới phổ biến trong Giáo Hội từ thế kỷ thứ 17, và không bắt buộc phải có trong nhà thờ. Nếu các Chặng đàng Thánh giá được đặt trong lòng nhà thờ, chứ không phải ở khu hành lang nhà thờ hay trong khu vườn ngoài trời, thì tượng ảnh của các Chặng đàng Thánh giá cần phải hoà hợp với kích thước cũng như kiểu dáng của nhà thờ và luôn phải tuân theo các yêu cầu của phụng vụ. Vì thế, các Chặng đàng Thánh giá ở ngoài nhà thờ có thể dành cho nghệ sĩ phạm vi thiết kế rộng rãi hơn. Cha O'Connel, chắc chắn quá quen với vấn đề về những Chặng đàng Thánh giá thô thiển, đã đề nghị rằng “nếu không thể sắm những ảnh tượng có giá trị, thì tốt hơn là nên hài lòng với một cây Thánh giá mà thôi (kèm với tên gọi mỗi Chặng)”. Không nên vội vã quyết định loại bỏ các tượng ảnh các Chặng đàng Thánh giá như thế, nhưng hãy nỗ lực để tìm cho được những ảnh tượng xứng đáng và có giá trị thẩm mỹ cao để diễn tả các Chặng đàng Thánh giá.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, số 77 (tháng 7 & 8 năm 2013)
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 125 | Tổng lượt truy cập: 4,163,013