Các biểu tượng và việc huấn giáo

  • 02/12/2021 21:18
  • Người xưa không thể khắc họa hình ảnh Thiên Chúa, Đấng không có hình thể hoặc thân xác. Nhưng ngày nay, khi con người nhìn thấy Thiên Chúa bằng xương bằng thịt trò chuyện với nhân loại, thì tôi họa tạc hình ảnh của Thiên Chúa mà tôi nhìn thấy. Tôi không thờ phượng vật chất. Tôi thờ phượng Đấng tạo nên vật chất và trở thành vật chất vì tôi. Chính Ngài dùng vật chất mà làm nên phần rỗi cho tôi.

    CÁC BIỂU TƯỢNG VÀ VIỆC HUẤN GIÁO

    Phanxicô

    I. BIỂU TƯỢNG CHỈ THỰC TẠI VƯỢT LÊN TRÊN BIỂU TƯỢNG

    “Trong đời sống con người, các dấu chỉ và các biểu tượng chiếm một vị trí quan trọng. Con người, một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần, diễn tả và cảm nhận các thực tại tinh thần nhờ các dấu chỉ và các biểu tượng vật chất. Với tính cách là hữu thể có tính xã hội, con người cần các dấu chỉ và các biểu tượng để giao tiếp với tha nhân qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Tương quan giữa con người với Thiên Chúa cũng thế. Thiên Chúa nói với con người qua thụ tạo hữu hình. Vũ trụ vật chất phô diễn trước trí tuệ con người để con người đọc được nơi vũ trụ những dấu vết về Đấng Sáng Tạo. Ánh sáng và bóng tối, gió và lửa, nước và đất, cây cối và hoa trái đều nói về Thiên Chúa, và là biểu tượng thể hiện sự cao cả và gần gũi của Thiên Chúa. Vì được Thiên Chúa tạo dựng, các thực tại khả giác này có thể trở thành phương tiện diễn tả hoạt động của Thiên Chúa thánh hóa con người và hoạt động của con người thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vậy, các dấu chỉ và các biểu tượng trích xuất từ đời sống xã hội - như tẩy uế, xức dầu, bẻ bánh và uống chung ly rượu - có thể diễn tả sự hiện diện thánh hóa của Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với Đấng Sáng Tạo” (GLHTCG 1145-1148).

    Như con người vừa là thể xác vừa là tinh thần, biểu tượng nào cũng có hai mặt: vật chất và tinh thần - thực tại cụ thể chuyển tải chân lý vô hình. Động từ sym-ballo trong tiếng Hy lạp nghĩa là “ráp lại với nhau”. Ban đầu, symbolon nghĩa là tín vật nhằm giúp nhận ra nhau. Chính xác hơn, symbolon là hai tín vật có thể ráp khớp với nhau thành một để chỉ mối liên hệ huyết thống hoặc tình nghĩa giữa hai người giữ hai tín vật này. Như thế, biểu tượng giúp chúng ta qua lại giữa hai thực tại vật chất và tinh thần. Nối kết vật chất với tinh thần, các biểu tượng làm cho nhân vị chúng ta nên một toàn thể, nhờ vậy chúng ta có thể giao tiếp với nhau và với Thiên Chúa.

    Kitô giáo là tôn giáo có nền tảng là mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Đấng làm trung gian cho chúng ta được ơn cứu độ. Đức Kitô mặc lấy thân phận con người để chúng ta có thể tiến vào sự sống của Thiên Chúa. Mọi biểu tượng Kitô giáo đều quy hướng về ý tưởng thần học then chốt này và có đỉnh cao là các bí tích. Các bí tích đều có phương diện khả giác. Ngoài lời đọc nghe thấy được và cử chỉ nhìn thấy được, phụng vụ còn cho ta ngửi mùi trầm hương và nếm rượu, ăn bánh. Xúc giác cũng có mặt ở việc đặt tay và việc xức dầu. Thiên Chúa tự tỏ lộ cho ta ở những thời điểm quan trọng của cuộc đời ta, và tôn giáo mà Thiên Chúa cho ta sống luôn là một tôn giáo rất nhân bản. Thánh Gioan Đamát Sênô, người bảo vệ ảnh tượng thánh ở thế kỷ 8, đã tóm tắt nền tảng mầu nhiệm nhập thể của ảnh tượng và khía cạnh nhân bản của bí tích như sau: “Người xưa không thể khắc họa hình ảnh Thiên Chúa, Đấng không có hình thể hoặc thân xác. Nhưng ngày nay, khi con người nhìn thấy Thiên Chúa bằng xương bằng thịt trò chuyện với nhân loại, thì tôi họa tạc hình ảnh của Thiên Chúa mà tôi nhìn thấy. Tôi không thờ phượng vật chất. Tôi thờ phượng Đấng tạo nên vật chất và trở thành vật chất vì tôi. Chính Ngài dùng vật chất mà làm nên phần rỗi cho tôi” (Về các ảnh tượng, 17).

    Một trong những mục đích quan trọng của huấn giáo dự tòng và huấn giáo nói chung là giúp người ta thờ phượng với sự hiểu biết đầy đủ về phụng vụ, nghĩa là không thể thiếu sự hiểu biết về các biểu tượng. Các biểu tượng không luôn luôn tự nói lên hết các ý nghĩa. Ngôn ngữ biểu tượng cũng có “từ vựng” và “ngữ pháp” để con người trau dồi và nắm vững nhờ công khó.

    Ví dụ, nhờ biểu tượng nước, chúng ta nhận biết được nhiều điều về Thiên Chúa và công cuộc cứu độ của Ngài: nước là nguồn mạch và tiềm năng của sự sống do Thiên Chúa ban tặng (Lv 26.4; Am 4.7; Đn 11.14; Jn 19-34); nước chỉ phúc lành, phần thưởng (St 27.28; Tv 133.3) và cũng chỉ tai họa, hình phạt, sự chết (Tb 12.15; Tv 124; 2P 2.5); nước thanh tẩy (Ez 16.4-9; St 18.4; Tv 26.6; Lv 16.4,24; Mt 27.24; 3.11; Lc 11.40; 1Cr 6.11); nước nói lên sức sống do Chúa Thánh Thần trao ban (Jn 7.39; Tt 3.5). Thừa lệnh Đức Kitô, Giáo Hội Công giáo luôn dùng nước làm chất thể trong bí tích Rửa tội (Jn 3.5). Và noi gương Đức Kitô, Giáo Hội duy trì thói quen lấy nước rửa chân vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Máu và nước từ thương tích ở cạnh sườn Chúa Giêsu đổ ra đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Đó là biểu tượng chỉ các bí tích, nhất là bí tích Rửa tội và bí tích Thánh Thể: chúng ta được tái sinh trong nước Rửa tội, và rượu được thánh hiến trong bí tích Thánh Thể trở thành Máu Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta. Người ta cũng thấy máu và nước này là dấu hiệu chỉ ơn Chúa Thánh Thần và là dấu hiệu chỉ sự khai sinh ra Giáo Hội từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giêsu.

    Tài liệu huấn giáo nên có khía cạnh trau dồi “từ vựng” biểu tượng theo ba bước:

          1) Giáo lý viên suy tư về những trải nghiệm cá nhân liên quan đến một biểu tượng nào đó (như nước, lửa hoặc dầu);

          2) Học viên được trợ giúp suy tư về những trải nghiệm của chính họ liên quan đến biểu tượng ấy;

          3) Trải nghiệm của chúng ta được liên kết với trải nghiệm của Hội Thánh (Thánh kinh và Thánh truyền).

    II. BIỂU TƯỢNG VÀ NGHỆ THUẬT THÁNH CŨNG LÀ SÁCH GIÁO LÝ

    Năm 2005, Đức giáo hoàng Biển Đức XVI ban hành sách Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Sách giáo lý thu nhỏ này có mười bốn tác phẩm nghệ thuật thánh. Trong phần giới thiệu, Đức thánh cha cắt nghĩa: “Các tranh ảnh này được rút từ gia sản phong phú của nghệ thuật tranh ảnh thánh của Kitô giáo. Từ truyền thống cả nghìn năm của các Công đồng, chúng ta học biết rằng tranh ảnh cũng là một cách rao giảng Tin Mừng. Các nghệ nhân của mọi thời đại trình bày cho các tín hữu chiêm ngắm và kinh ngạc trước những sự kiện nổi bật của mầu nhiệm cứu độ với sự huy hoàng của màu sắc và vẻ đẹp tuyệt vời. Đó là một dấu chỉ cho thấy tranh ảnh thánh, trong văn hóa hình ảnh ngày nay, có thể diễn tả nhiều hơn là ngôn từ, vì trong sự sinh động của nó, sứ điệp Tin Mừng sẽ có nhiều hiệu quả hơn khi được diễn tả bằng ngôn từ và được tiếp tục truyền đạt”.

    Trong mấy thập niên gần đây, đã có sự giảm bớt đáng kể về ảnh tượng thánh và biểu tượng thánh trong các thánh đường, nghĩa là giá trị huấn giáo của nghệ thuật và kiến trúc thánh đã bị coi thường. Sách Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo sử dụng các ảnh nghệ thuật thánh như một lời mời gọi các kiến trúc sư, họa sĩ, điêu khắc gia, giáo lý viên, giám mục, linh mục và phụ huynh nhìn lại mối tương quan giữa nghệ thuật và việc huấn giáo.

    Mục đích của huấn giáo là “để làm phát triển một đức tin còn non mới và để làm cho đời sống đức tin Kitô giáo của các tín hữu, trẻ cũng như già, được tiến triển đến mức trọn vẹn cũng như được bồi bổ hàng ngày” (Catechesi tradendae, 20). Cũng thế, “nghệ thuật thánh đích thật đưa con người đến việc tôn thờ, cầu xin và yêu mến Thiên Chúa là Đấng tạo tác và cứu độ, Đấng thánh thiện và thánh hóa” (GLHTCG, 2502). Vậy, chức năng huấn giáo của nghệ thuật và biểu tượng thánh là đưa các tín hữu từ nhìn ngắm đến chiêm ngắm. Biểu tượng thập giá Đức Kitô, ảnh Đức Mẹ Maria hay tượng của một thánh nhân giúp cho những con mắt trần gian thoáng nhìn thấy phần nào những thực tại vĩnh cửu. Ngôi thánh đường nào “gợi lên và tôn vinh sự siêu Việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và tình yêu đã xuất hiện nơi Đức Kitô” (GLHTCG, 2502), thì đó chính là một cuốn sách giáo lý bằng đá mà đầy tính thuyết phục. Trong “Thư gửi các nghệ sĩ” (1999), Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Thuở chỉ có ít người biết đọc biết viết, việc dùng tranh ảnh thể hiện Thánh kinh là một phương thế huấn giáo cụ thể”.

    Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo mô tả mục đích của “huấn giáo bằng phụng vụ” là “nhằm đưa con người vào mầu nhiệm Chúa Kitô (đây chính là nhiệm huấn) bằng cách tiến đi từ cái hữu hình tới cái vô hình, từ dấu chỉ tới thực tại, từ ‘các bí tích' tới ‘các mầu nhiệm'” (GLHTCG, 1075). Được Chúa Kitô thiết lập, các bí tích là phương tiện giúp các tín hữu dự phần vào mầu nhiệm cứu độ của Người nhờ thừa tác vụ của Hội Thánh. Vì nói lên sự hiện diện cách bí tích của Thiên Chúa, nên các biểu tượng, ảnh tượng và kiến trúc thánh là các thực tại “tiền bí tích” (pre-sacrament), theo cách nói của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài nhận định về nghệ thuật thánh và kiến trúc của nguyện đường Sistine.

    Không ít người cho rằng các biểu tượng thánh và ảnh tượng thánh cốt chỉ để trang trí mỹ thuật mà thôi. Quan niệm như thế là bỏ quên một nốt nhạc quan trọng trong bản giao hưởng phụng vụ gồm tranh tượng, kiến trúc, âm nhạc và nghi lễ. Đúng ra, ngoài giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật thánh còn là phương tiện huấn giáo không thể thiếu để các tín hữu thấm nhuần nội dung mạc khải của Thiên Chúa và được tài bồi đức tin. Không chỉ nghi thức phụng vụ, lời Thánh kinh, tiếng thánh ca, mà cả những biểu tượng trên phẩm phục linh mục hay tranh tượng trên những bức tường lặng lẽ của thánh đường cũng góp phần tạo nên trạng thái huấn giáo trong phụng vụ.

    Tính huấn giáo của các hình ảnh Kitô giáo càng nên được nhấn mạnh trong thế giới ngày nay vốn tràn ngập các phương tiện truyền thông và xu hướng sử dụng nội dung truyền thông để hạ thấp phẩm giá con người, đề cao nhu cầu hưởng thụ và đẩy chúng ta xa dần các thực tại thiêng liêng.

    III. CÓ RẤT NHIỀU BIỂU TƯỢNG KITÔ GIÁO

    Nổi bật là những biểu tượng chỉ những chân lý quan trọng nhất trong đạo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Kitô, thập giá, Thánh thể, Thánh kinh, Mẹ Maria, Giáo Hội, các bí tích, các thiên thần, các thánh. Biểu tượng Công giáo bao gồm mọi thứ có liên quan đến Công giáo chứ không chỉ là những gì thuộc phụng vụ. Qua nhiều thế kỷ, các biểu tượng không những giúp các tín hữu nâng tâm hồn lên và thấm nhuần đức tin mà còn tô điểm mỹ thuật cho các nơi thánh, các ảnh tượng thánh và các vật dụng thánh. Ngoài ra, các cử chỉ và tư thế trong phụng vụ cũng được kể là các biểu tượng.

    Xin giới thiệu dưới đây danh sách chưa đầy đủ các biểu tượng Công giáo như một gợi ý nhỏ, mong rằng sẽ hữu ích phần nào cho các giáo lý viên.

         1. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ THIÊN CHÚA BA NGÔI

    Ba thiên thần, cỏ ba lá, cụm sồi Mam-rê, hoa bách hợp, nến ba ngọn, tam giác đều.

         2. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ CHÚA CHA

    Bàn tay ban phép lành, bàn tay từ đám mây hướng xuống dưới, lão trượng nhiều râu tóc, lão trượng ngồi và tay ôm thập giá, tên của Thiên Chúa bằng tiếng Hípri đặt chính giữa hình tam giác đều.

         3. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ CHÚA KITÔ

    An-pha và Ô-mê-ga, bồ nông, cây nho, Chiên, cờ chiến thắng, con cá, cửa chuồng chiên, đại bàng, IHS (Giêsu), ICXC (Giêsu Kitô), XP (Khi-rô / Kitô), mão gai, mục tử, ngôi sao, Tân Lang, thập giá, trái tim có thập giá, trái tim quấn vòng gai.

         4. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ CHÚA THÁNH THẦN:

    Ấn tín, bàn tay, bồ câu, chân đèn bảy ngọn, đám mây, gió, hơi thở, lửa, lưỡi lửa, ngón tay, ngón tay hữu Chúa Cha, ngón tay Thiên Chúa.

         5. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ ĐỨC MẸ MARIA:

    Cây hương bá vùng Li-băng, chuỗi hạt, chữ M, đền vàng, gương, hoa diên vỹ, hoa đồng thảo, hoa hồng, hoa hồng không gai, hoa huệ, hoa huệ giữa bụi gai, hoa hường mầu nhiệm, hoa lay-ơn, hòm bia Thiên Chúa, khóm hồng ở Giêricô, màu xanh dương, ngôi sao Giacóp, Sao biển, lầu đài Đavít, mặt trời và mặt trăng, Sao Mai, suối niêm phong, tháp ngà báu, trái tim có bảy lưỡi gươm đâm thâu, triều thiên mười hai ngôi sao, vườn kín.

         6. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ GIÁO HỘI

    Bánh lái tàu, cánh đồng, cây ô-liu, con thuyền, chuồng chiên, Đền thờ Thiên Chúa, đoàn chiên, Giêrusalem, Hiền Thê, lưới cá, nhà Thiên Chúa, nhà thờ, tàu Nôe, thuyền của thánh Phêrô, tổ ong, vườn nho.

         7. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ BÍ TÍCH RỬA TỘI:

    Áo trắng, cây hương thảo, dầu, ngôi sao tám cánh, nến, nước, tàu Nôe trên mặt nước, vỏ sò.

         8. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

    Bàn thờ, bàn tiệc, bánh, bánh các thiên thần, bánh lễ, bánh từ trời, bánh và cá, bánh và rượu, bồ nông, chén lễ, chùm nho, con cá, nhánh lúa mì, nhánh lúa mì và chùm nho.

         9. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ CÁC THÁNH

    Thánh tử đạo: gươm, rìu, lưỡi đòng, chày vồ, nhành thiên tuế, nhành ô-liu.

    Thánh giáo hoàng: triều thiên ba tầng.

    Thánh giám mục: mũ gầu và gậy

    Thánh thông thái: sách, bút.

    Thánh hoàng tộc: triều thiên.

    Thánh truyền giáo: thánh giá, sách Tin Mừng, vỏ sò.

    Thánh đồng trinh tử đạo: hoa huệ và hoa hồng.

    Thánh ẩn tu: sư tử.

    Thánh cải hóa dân mandi: sói, gấu hoặc các dã thú khác.

    Thánh Agata: gọng kềm, bộ ngực đặt trên đĩa, nhành thiên tuế.

    Thánh Alêxù: áo hành khất, đĩa xin ăn, thánh giá.

    Thánh Ambrôsiô: phẩm phục giám mục, tổ ong, chim bồ câu, sách, roi có ba tua dây thừng.

    Thánh Anbéctô Cả: phẩm phục giám mục, quả địa cầu, tòa giảng.

    Thánh Angiêla Mêrixi: cái thang, áo choàng.

    Thánh Annê: con chiên, thanh gươm ở cổ họng, bồ câu, hoa huệ, nhành thiên tuế.

    Thánh Anphongsô Liguôri: phẩm phục giám mục, sách, bút.

    Thánh Anrê: thập giá chữ X, con cá.

    Thánh Ansenmô: phẩm phục giám mục, con tàu.

    Thánh Antôn Pađua: tu phục dòng Phanxicô, sách, hoa huệ, bánh mì, Chúa Hài Đồng.

    Thánh Antôn Ai Cập: chuông, thánh giá chữ T.

    Thánh Apôlônia: cái răng.

    Thánh Atanasio: phẩm phục giám mục, cuốn sách mở trước đám đông.

    Thánh Augúttinô: phẩm phục giám mục, sách, trái tim, chim bồ câu, vỏ sò, em bé trên bãi biển.

    Thánh Bácbara: chén thánh và Mình Thánh Chúa, tháp canh có ba cửa sổ, sách, thanh gươm.

    Thánh Banaba: rìu, lưỡi đòng, đá.

    Thánh Báttôlômêô: dao đồ tể, bộ da bị lột.

    Thánh Bênađô Clevô: áo dòng trắng, cây bút, tổ ong, các dụng cụ khổ hình của Chúa Giêsu.

    Thánh Biển Đức: chuông, chén bể, gậy giám mục, con quạ.

    Thánh Blasiô: phẩm phục giám mục, lược sắt, hai cây nến bắt chéo nhau.

    Thánh Bônaventura: tu phục dòng Phanxicô, mũ hồng y để dưới chân hoặc treo trên cây, chén thánh.

    Thánh Bônifaxiô: phẩm phục giám mục hoặc tu phục dòng Biển Đức, rìu, sách, cây sồi, con quạ, cây roi, thanh gươm.

    Thánh Bôrômêô: phẩm phục hồng y, dây thừng ở cổ, chân không giày.

    Thánh Brigítta Thụy Điển: sách, gậy hành hương.

    Thánh Brunô: chén thánh.

    Thánh Catarina Alếchxăngđria: bánh xe, nhành thiên tuế, sách, thanh gươm.

    Thánh Catarina Siena: áo nữ tu dòng Đa Minh, thánh giá, hoa huệ, nhẫn, dấu đinh.

    Thánh Clara: tu phục dòng Phanxicô, mặt nhật, bình thánh, hoa huệ.

    Thánh Clêmentê: phẩm phục giáo hoàng, phẩm phục giám mục, mỏ neo.

    Thánh Clôtinđi: khiên có hình ba bông hoa bách hợp.

    Thánh Cốtma và thánh Đamianô: bình dầu.

    Thánh Cristôphơ: Chúa Hài Đồng, con sông, cây.

    Thánh Đa Minh: tu phục dòng Đa Minh, tràng hạt, ngôi sao, con chó, ngọn đuốc, sách, hoa huệ.

    Thánh Đôrôtêa: hoa, trái cây, nhành thiên tuế.

    Thánh Étmun: hoàng bào, vương miện, mũi tên hoặc thanh gươm trên tay.

    Thánh Êlêna: y phục hoàng hậu, thánh giá lớn.

    Thánh Êlizabét Hunggary: y phục hoàng hậu hoặc tu phục dòng Phanxicô, lúp góa phụ, nhiều người nghèo, nhiều hoa hồng.

    Thánh Êlizabét Bồ Đào Nha: y phục công chúa hoặc tu phục dòng Phanxicô, bánh mì, vò nước, nhiều hoa hồng.

    Thánh Ghêtrút: áo nữ tu dòng Biển Đức, hình Thánh Tâm Chúa Giêsu, triều thiên, hoa huệ, nến.

    Thánh Giacôbê Hậu: rìu cán dài, chày vồ, cái cưa.

    Thánh Giacôbê Tiền: gậy hành hương, vỏ sò, thanh gươm.

    Thánh Giăngđăc: giáp trụ, quân kỳ, hoa bách hợp.

    Thánh Gilê: tu phục dòng Biển Đức, mũi tên găm vào tay hoặc chân, con hươu.

    Thánh Gioakim: lồng nhốt cặp chim gáy.

    Thánh Gioan Climacô: thang.

    Thánh Gioan Kim khẩu: tổ ong, chim bồ câu, cây bút.

    Thánh Gioan Tẩy giả: thủ cấp đặt trên đĩa, chiên con, áo da thú.

    Thánh Gioan Thánh giá: tu phục dòng Cát Minh, thánh giá.

    Thánh Gioan Tông Đồ: đại bàng, chén và con rắn, sách, bút.

    Thánh Gioan Thiên Chúa: của từ thiện, bệnh nhân, mão gai, trái tim.

    Thánh Giogiô: áo giáp, ngọn giáo, con rồng.

    Thánh Giơnơvie: bánh mì, nến, chìa khóa.

    Thánh Giôsaphát: chén thánh, triều thiên.

    Thánh Giuđa: thanh gươm, chày vồ.

    Thánh Giuse: gậy nở hoa, hoa huệ, dụng cụ thợ mộc.

    Thánh Giúttinô tử đạo: rìu, thanh gươm.

    Thánh Gôrétti: áo trắng, hoa huệ.

    Thánh Grêgôriô Cả: phẩm phục giáo hoàng, triều thiên ba tầng, hai chìa khóa, gậy giám mục, bồ câu, sách.

    Thánh Hiêrônimô: râu dài, mũ hồng y, sách, sư tử, sọ người, con quạ.

    Thánh Hilariô: em bé, cây bút, cây gậy.

    Thánh Inhaxiô Antiôkia: mũ giám mục, xiềng xích, bầy sư tử.

    Thánh Inhaxiô Lôiôla: áo lễ casula, chữ kết HIS, sách có chữ AMDG.

    Thánh Isiđôrô: tổ ong, cây bút.

    Thánh Lôrensô: sách Tin Mừng, thánh giá, giường vỉ nướng, áo phó tế, đồng tiền.

    Thánh Luca: con bò, sách, bút, chân dung Đức Mẹ Maria.

    Thánh Luxia: đèn lồng, con mắt đặt trên đĩa, nhành thiên tuế.

    Thánh Luy Gônzaga: thánh giá, hoa huệ.

    Thánh Luy: hoàng bào hoặc tu phục dòng Phanxicô, mão gai trên tay, đinh, thánh giá thập tự quân.

    Thánh Máctinô giám mục: phẩm phục giám mục hoặc quân phục, áo khoác chia sẻ cho người hành khất, con ngỗng.

    Thánh Máctinô Porét: nước da nâu, tu phục dòng Đa Minh, cây chổi, bệnh nhân, người nghèo.

    Thánh Mắcximilianô Maria Kônbê: áo tù nhân trại tập trung của Đức quốc xã.

    Thánh Magarita Maria Alacốc: tu phục Dòng Thăm viếng, trái tim lửa cháy.

    Thánh Magarita: con rồng bị xiềng, viên ngọc, nhành thiên tuế.

    Thánh Maria Mađalêna: bình dầu, gương soi, thánh giá, sọ người, quả trứng màu trắng chuyển sang màu hồng.

    Thánh Matinđa: của từ thiện, túi tiền.

    Thánh Mátcô: sư tử, phẩm phục giám mục, sách, bút.

    Thánh Mátta: vò nước, cây chổi.

    Thánh Mátthêu: thiên thần hoặc hình người, túi tiền, sách, ba ổ bánh.

    Thánh Micae Tổng lãnh thiên thần: quân kỳ, áo giáp, con rồng, cái cân, thanh gươm.

    Thánh Mônica: tạp dề, nước mắt.

    Thánh Môrô: nạng chống, cái xẻng, cái cân.

    Thánh Nicôla: mỏ neo, ba thiếu niên trên con thuyền, ba túi tiền.

    Thánh Nôbetô: phẩm phục giám mục, mặt nhật hoặc hộp đựng Thánh Thể, con nhện trên miệng chén thánh.

    Thánh Patrixiô: phẩm phục giám mục, cỏ ba lá, giếng rửa tội, thánh giá, thụ cầm, con rắn, màu xanh lá cây.

    Thánh Pepêtua: con bò.

    Thánh Phanxica Rôma: tu phục dòng Biển Đức, sách.

    Thánh Phanxicô Átsidi: tu phục dòng Phanxicô, chim chóc, thú vật, cá, dấu đinh, thánh giá, sách, sọ người.

    Thánh Phanxicô Xaviê: thánh giá, áo súpli, chuông, con tàu, hoa huệ, ngọn lửa.

    Thánh Phaolô: thanh gươm, hai thanh gươm, cuộn sách.

    Thánh Phêrô: hai chìa khóa, thánh giá ngược, gà trống, cá.

    Thánh Philípphê: gậy thánh giá, con cá, thước thợ.

    Thánh Rita: gai, thánh giá, hoa hồng.

    Thánh Rôcô: y phục lữ hành, thiên thần, bánh mì, vỏ sò, con chó, vết thương ở chân.

    Thánh Rômuanđô: râu trắng dài, gậy chống.

    Thánh Rôsa Lima: áo nữ tu dòng Đa Minh, mỏ neo, triều thiên hoa hồng, Chúa Hài Đồng.

    Thánh Rôsalia: triều thiên hoa hồng, thánh giá.

    Thánh Scôláttica: áo nữ tu dòng Biển Đức, hoa huệ, thánh giá, chim bồ câu bay ra từ miệng.

    Thánh Sêbátxianô: nhiều mũi tên găm vào người, triều thiên, nhành thiên tuế.

    Thánh Simon Stock: áo Đức Bà.

    Thánh Simon Nhiệt tâm: lưỡi cưa, sách, con cá.

    Thánh Stêphanô: áo phó tế, nhiều hòn đá, sách, con ngựa.

    Thánh Têrêsa Avila: áo nữ tu dòng Cát Minh, trái tim, mũi tên, sách, chim bồ câu.

    Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: áo nữ tu dòng Cát Minh, nhiều hoa hồng, thánh giá.

    Thánh Tôma Aquinô: tu phục dòng Đa Minh, mặt nhật, chén thánh, con bò, bồ câu.

    Thánh Tôma Béckét: phẩm phục giám mục hoặc tu phục dòng Biển Đức, bàn thờ và nhiều thanh gươm.

    Thánh Tôma Tông đồ: cạnh sườn Chúa, lưỡi đòng, rìu, thước thợ, ba hòn đá.

    Thánh Usula: mũi tên, đồng hồ, triều thiên, con tàu, cờ chữ thập đỏ, áo choàng che các thiếu nữ.

    Thánh Venxétlaô: cờ có hình đại bàng đen.

    Thánh Vêronica: khăn in hình mặt Chúa Giêsu.

    Thánh Vinh Sơn Phaolô: các trẻ em.

    Thánh Vinh Sơn Phêriô: tu phục dòng Đa Minh, đôi cánh, mũ hồng y, tòa giảng, kèn loa.

    Thánh Vinh Sơn phó tế: áo phó tế, thánh giá, giường vỉ nướng, móc sắt, con quạ.

    Thánh Xêxilia: quản cầm, thiên thần, nhành thiên tuế, dòng nhạc.

    Thánh Xyrilô Alếchxăngđria: Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng.

    Thánh Xyrilô Giêrusalem: sách, túi tiền.

         10. CÁC BIỂU TƯỢNG CHỈ ĐỨC GIÁO HOÀNG

    Hai chìa khóa, mũ ba tầng, nhẫn ngư phủ.

         11. CÁC BIỂU TƯỢNG KHÁC

    Ách, ánh sáng, áo lễ, bàn tay, ấn tín, bệ đặt chân, binh giáp, bình hương, bọt biển, bốn sinh vật, bóng tối, búa, bụi đất, bụi gai bốc lửa, bướm, cá sấu, cánh, cân, cầu vồng, cây vả, chén, chim, chó sói, chuỗi hạt, chuông, con bê, con bò, con chiên, con chó, con công, con cừu, con cừu đực, con dê, con lừa, con nai, con ngựa, con ong, con quạ, con rắn, con rồng, cối và chày, cột trụ, cửa, cuộn sách, dao và sách, dây dọi, dây lưng, dép, đá, đèn, đinh, đồng tiền, đồng xu, gà mẹ và đàn gà con, gà trống, gai, gậy giám mục, gậy nở hoa, gươm, gươm lửa, hạc cầm, hai bia đá, hoa diên vĩ, hoa đồng thảo, hoa giáng sinh, hoa hồng, hoa huệ, hoa hướng dương, hoa lay-ơn, hơi thở, hương, kèn, kên kên, khiên thuẫn, khói, lều, liềm, loa, lừa con, lưỡi cày, mãng xà, mão gai, máu, máu và nước, màu áo lễ, màu lục, màu trắng, màu xanh dương, mắt, mặt trời, mây, men, mỏ neo, một dược, mũ gầu, mục tử, mũi tên, muối, nạng, nến, ngai, ngai tòa, ngôi sao Đavít, ngư phủ, nguồn mạch, nhà, nhà tạm, nhẫn, nhẫn và gậy, nhành lá thiên tuế, nhành ô-liu, nhũ hương, núi Si-on, nước, phượng hoàng, quả táo, rắn bằng đồng, rượu nho, sách, sao Mai, sáp ong, sọ người, sư tử, sữa và mật, sừng, sương, than hồng, thang, thành, thỏ Phục sinh, thụ cầm, thuyền, tòa giảng, trái tim, tràng hạt, trăng lưỡi liềm, triều thiên, tro, trứng, tù và, tuyết, vàng, vạt buông, viên ngọc, vò nước, vò rượu, vòng hào quang, vòng hoa mùa Vọng, vương trượng, xác thịt, y phục lễ cưới.

    Nhiều biểu tượng trong danh sách này (như đàn chiên, mục tử, vườn nho, viên ngọc, gà mẹ và đàn gà con) gợi lại những bài giảng của Chúa Giêsu, Đấng “đã dùng nhiều ví dụ giống như thế mà giảng Lời cho họ, tùy theo họ có thể nghe được” (Mc 4.33); và chính nhờ Người “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1.15) mà chúng ta nhận biết được chân lý. Vì thế, các hình ảnh và nghệ thuật thánh, qua đó mầu nhiệm vô hình của Thiên Chúa trở nên hữu hình, là một phần không thể thiếu trong đời sống phượng tự Kitô giáo, và cũng là công cụ sư phạm quan trọng trong hoạt động huấn giáo, như Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã nhận định trong tác phẩm Tinh thần phụng vụ: “Sự thiếu vắng hoàn toàn các ảnh tượng là điều không thể song hành với niềm tin Thiên Chúa nhập thể”.

    WHĐ (4.7.2020)
    Trích 
    Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 77 (tháng 7 & 8 năm 2013)

    Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com

    Bài viết liên quan