Tông huấn này có 5 chương với chương mở đầu là lời mời gọi nên thánh dành cho tất cả mọi bậc sống, trong đó Đức Thánh Cha cảnh báo về một vài sự hiểu lầm liên quan đến con đường nên thánh. Ngay sau đó, trong chương hai Đức Thánh Cha đã "chỉ mặt đặt tên" "hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện" (two subtle enemies of holiness): đó là lạc thuyết ngộ đạo (gnosticismo) và lạc thuyết Pelagiô (pelagianismo) thời hiện đại.[1] Hai lạc thuyết này trước đó đã được Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh đối với hàng Giám mục thế giới qua một bức thư, Placuit Deo, đề ngày 22.2.2018.[2]
Như chúng ta biết mục tiêu khiêm tốn của tông huấn là tái đề nghị lời mời gọi nên thánh một cách thực tế cho thời đại của chúng ta chứ không chủ ý bàn luận về sự thánh thiện với những ý niệm mang tính học thuật hay luận lý về những phương thế khác nhau để nên thánh.[3] Theo đó, trong giới hạn của bài này chúng ta cũng chỉ nêu lên một số điểm cốt lõi của hai lạc thuyết nói trên, nhất là những điểm nhấn được đề cập trong tông huấn và sẽ chú ý hơn tới một số biểu hiện tinh vi của nó trong cuộc sống người Kitô hữu hiện nay. Nhờ vậy có thể sẽ phần nào giúp người tín hữu loại bỏ những cản trở trên bước đường nên thánh.
2. Một số điểm nhấn về thuyết ngộ đạo ngày nay 4. Vài điểm nhấn của lạc thuyết Pelagiô ngày nay 5. Nguyên tắc căn bản chống lại hai lạc thuyết |
Ngộ đạo xuất phát từ tiếng Hy lạp là gnosis, biết, tri thức. Thuyết ngộ đạo (gnosticismo) là một lạc giáo xưa chủ trương rằng điều quan trọng nhất là điều con người "biết" (ngộ) chứ không phải là các việc lành bác ái. Trong tất cả mọi sự, thì điều con người cần hơn hết chính là cách tiếp cận tri thức đúng.[4] Điểm căn bản của thuyết ngộ đạo có thể hiểu được nhiều khía cạnh:[5]
- Về mặt nhận thức trong tôn giáo: theo thuyết này sự cứu độ con người là nhờ “ngộ” ra chân lý, chứ không cần đến giáo huấn đến từ bên ngoài.
- Hiểu theo thuyết nhị nguyên: lạc thuyết ngộ đạo không chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, bởi vì điều thánh thiêng không thể nào hòa hợp với vật chất tội lỗi.
Do đó người theo thuyết ngộ đạo bi quan về thân xác vì cho rằng thân xác yếu đuối và không có khả năng, không có sức mạnh để muốn và làm điều tốt. Từ đó thuyết này cho rằng Đức Kitô cứu độ con người nhờ “những sự thật thiêng liêng” mà Ngài dạy, chứ không bởi sự Nhập Thể, cuộc khổ nạn và sự Phục sinh của Ngài, vì Ngài chỉ “xuất hiện” dưới hình thức của xác thịt, và do đó thuyết này không tin vào sự phục sinh của thân xác.[6]
Trong văn kiện Placuit Deo và sau đó là tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh những biểu hiện trong thời hiện đại của thuyết ngộ đạo. Theo đó, thuyết ngộ đạo mới (neo-gnosticismo) là một kiểu khác của chủ thuyết cá nhân «trình bày một khuôn mẫu về ơn cứu độ thuần túy nội tâm, đóng kín trong thuyết duy chủ thể của riêng mình. Theo khuôn mẫu này, ơn cứu độ hệ tại việc tự hoàn thiện bản thân, nhờ tri thức, có khả năng vượt lên trên thân xác Chúa Giêsu, đạt tới những mầu nhiệm thần tính vô danh.»[7]
Theo thuyết ngộ đạo mới, cần phải «giải thoát con người khỏi thân xác và vũ trụ vật chất, trong đó những dấu vết bàn tay quan phòng của Đấng Tạo Hóa không còn tìm thấy, nhưng chỉ có một thực tại mất hết ý nghĩa, xa lạ với căn tính nền tảng của con người, và dễ bị thao túng bởi những lợi lộc của con người.»[8]
Chống lại xu hướng lạc thuyết ngộ đạo, trong văn kiện Placuit Deo của Bộ Giáo lý Đức tin đã nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đến với chúng ta trong xác thịt, chứ không chỉ “trong tính cách nội tại”. Nhờ “việc mặc lấy xác phàm” (x. Rm 8,3; Dt 2,14; 1Ga 4,2), và được sinh ra bởi một phụ nữ (x. Gl 4,4)”, mà “Con Thiên Chúa” mới có thể hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa. Nhờ việc mặc lấy bản tính con người của chúng ta qua mầu nhiệm nhập thể mà Đức Kitô mới có thể thanh luyện chúng ta để chúng ta có thể dự phần vào hạnh phúc đời đời.[9]
Trong tông huấn Gaudete et Exsultate Đức Thánh Cha đề cập đến thuyết ngộ đạo hiện đại khá nhiều (từ số 36 đến 46). Ngài đã vạch ra những sai lạc của thuyết này và khẳng định rằng sự thánh thiện không phải hệ tại ở sự hiểu biết cao siêu. Đức Thánh Cha chỉ rõ những điểm sai lạc chính của thuyết ngộ đạo mới là: đó là một lạc thuyết quan niệm một trí năng không có Thiên Chúa và xác thịt (số 37-39); một học thuyết không có mầu nhiệm (số 40-42) và phải ý thức rằng lý trí luôn có những giới hạn, con người đạt tới sự hoàn thiện không thuần túy nhờ lý trí (số 43-46).
Nhắc lại ý tưởng trong tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013) Đức Thánh Cha chỉ ra rằng thuyết ngộ đạo cho thấy «một đức tin thuần túy chủ quan, chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm cụ thể nào đó hoặc một loạt các ý tưởng và một ít kiến thức có ý để an ủi và soi sáng, nhưng vẫn giam kín một người trong những tư tưởng hay cảm xúc riêng của họ.»[10]
Trước hết, tông huấn nhấn mạnh, sự hoàn thiện không được đo lường bằng kiến thức, hay tin tức người đó có được nhưng là ở chiều sâu đức ái. Thật sai lạc khi coi trí năng như tách rời khỏi xác thịt, bởi vì «như thế trở nên không có khả năng chạm đến xác thịt đau khổ của Đức Kitô nơi tha nhân, bị nhốt chặt như thể chúng nằm trong một tự điển bách khoa của các tư tưởng trừu tượng».[11] Đức Thánh Cha lưu ý phải cẩn thận với thuyết ngộ đạo bởi vì nó thuyết phục người ta nghĩ rằng «các giải thích của họ có thể làm cho toàn bộ đức tin và Tin Mừng hoàn toàn dễ hiểu»[12] và đây thực sự là một sự thu hút vì bị lầm lẫn bởi do cách tiếp cận của ngộ đạo thì chặt chẽ và được coi là trong sáng, cũng như nó có vẻ hài hòa hoặc trật tự nào đó.[13] Như vậy, thay vì dùng lý trí một cách lành mạnh và khiêm tốn để suy tư về giáo huấn thần học và luân lý của Tin Mừng, thì thuyết ngộ đạo lại tìm cách giản lược giáo huấn của Chúa Giêsu thành loại luận lý lạnh lùng và khắc nghiệt nhằm chi phối mọi sự.[14]
Tiếp đến, thuyết ngộ đạo tự bản chất luôn đề cao và cho rằng nhờ kiến thức thủ đắc, con người sẽ làm cho mọi sự được trong sáng và rõ ràng, nói cách khác là muốn "làm chủ" kể cả các mầu nhiệm về Thiên Chúa, về ân sủng và về các bí ẩn của con người.[15] Đức Thánh Cha chỉ ra rằng đó là một loại «học thuyết không có mầu nhiệm», và cảnh báo rằng «ai có câu trả lời cho mọi vấn đề, người ấy không ở trên con đường đúng đắn… và có thể đó là các ngôn sứ giả».[16]
Sau nữa, lưu ý rằng lý trí của con người có những khả năng nhận thức rất đặc biệt nhưng không phải là vô hạn, nhất là đối với những chân lý mạc khải. Thế nhưng người theo thuyết ngộ đạo quan niệm rằng việc có khả năng giải thích chân lý mầu nhiệm nào đó cũng có nghĩa là họ tự cho phép đặt mình ở một cấp độ cao hơn, hoàn hảo hơn, đạo đức hơn người khác và rồi từ đó tự cho mình có quyền giám sát nghiêm ngặt trên đời sống người khác[17]. Đức Thánh Cha Phanxicô thẳng thắn phê bình rằng đó là «một sự nhầm lẫn nguy hiểm».[18]
Lạc thuyết Pelagiô gốc xuất hiện tại Rôma và đã bị thánh Augustinô đánh bại. Lạc thuyết Pelagiô, được đặt theo tên Pelagius, nhà thần học ở thế kỷ thứ 5, cho rằng con người có thể tự đạt tới ơn cứu độ nhờ nỗ lực riêng và hành động trên người khác nhờ tuân giữ những qui định nhất định.[19]
Pelagius không tin vào tội nguyên tổ, nên ông đã cho rằng ân sủng là giống như “những khả năng tự nhiên” mà Thiên Chúa ban và sẽ tiếp tục duy trì nếu chúng ta sống đời sống luân lý theo gương Chúa Giêsu và nhờ đó con người tự mình đạt tới ơn cứu độ nhờ nỗ lực cá nhân mà không tùy thuộc vào sự trợ giúp của Thiên Chúa hay ai khác. Thánh Augustinô đã nhìn thấy rõ sai lạc nói trên của Pelagius nên ngài nhấn mạnh rằng ân sủng siêu nhiên không thuộc bản năng, nhưng nhờ ân sủng làm mở rộng khả năng của con người đến một cùng đích lớn lao hơn, làm thay đổi và làm tươi mới lại ý muốn nội tại của con người; ân sủng, qua ơn đức tin và đức ái, có thể trợ giúp cho nỗ lực riêng nơi con người để có thể chu toàn các giới răn của Thiên Chúa.[20]
Theo văn kiện Placuit Deo, có «một hình thái mới của thuyết Pelagiô đang được truyền bá trong thời đại chúng ta, theo đó cá nhân được hiểu là tự quản triệt để, có tham vọng tự cứu lấy chính mình mà không nhận thức rằng, ở tận thẳm sâu nhất của chính mình, cá nhân ấy tùy thuộc vào Thiên Chúa và tha nhân. Theo lối suy tư này, ơn cứu độ tùy thuộc vào sức riêng của cá nhân, hoặc vào những cơ cấu thuần túy nhân loại, không có khả năng tiếp nhận tính mới mẻ của Thần Khí Thiên Chúa.»[21]
Thuyết Pelagiô mới cho rằng «Chúa Giêsu chỉ là một gương mẫu lý tưởng là người có thể gợi hứng cho chúng ta, nhưng không bao giờ là Đấng mà chúng ta phải tháp nhập vào, hay qua Ngài mà “những khao khát bản năng” của chúng ta phải được biến đổi. Thuyết tân Pelagiô muốn Giáo Hội rập theo những khao khát “đã được chúc phúc” của riêng nó. Thuyết tân Pelagiô, về nền tảng, là một sự chối bỏ ân sủng rất mang tính chữa lành vốn đang cần thiết trong cánh đồng bệnh viện của thế giới.»[22]
Văn kiện Placuit Deo nhận định rằng khuynh hướng phổ biến của thuyết Pêlagiô hiện đại là «nhìn về ơn cứu độ thuần túy nội tâm. Điều này được biểu hiện bằng một xác tín hoặc sự cảm nhận cá nhân mãnh liệt được hợp nhất với Thiên Chúa, lối nhìn này không thấy cần thiết phải đảm nhận, chữa lành và làm mới lại các mối tương quan của chúng ta với tha nhân và với thế giới thụ tạo.»[23]
Trong tông huấn Gaudete et Exsultate Đức Thánh Cha đã chỉ ra những sai lạc của thuyết Pelagiô hiện đại với những biểu hiện tinh vi làm nguy hại đến đức tin về Chúa Giêsu Kitô là ơn cứu độ duy nhất cho con người và làm cản trở sự nên thánh của người tín hữu.
Trước tiên, trong tông huấn Gaudete et Exsultate Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ rõ rằng những người theo khuynh hướng Pelagiô hiện nay có một ý chí thiếu khiêm nhường, không nhìn nhận giới hạn của mình, sống thiếu ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình (số 49-51). Cái tinh vi và nguy hiểm của sự thiếu khiêm nhường ở chỗ người ta sốt sắng nói về ân sủng, khẳng định mọi sự có thể đạt được nhờ ân sủng, nhưng tự thâm tâm những người đó «chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình… và mọi sự đều có thể nhờ ý chí con người, cơ hồ như ý chí con người là tinh tuyền, hoàn hảo, toàn năng, mà ân sủng chỉ là cái được bổ sung vào».[24] Đức Thánh Cha khẳng định «việc thiếu sự nhìn nhận trong tinh thần chân thành và cầu nguyện về những giới hạn của mình sẽ không cho phép ân sủng hoạt động hữu hiệu trong chúng ta, vì không còn chỗ cho tiềm năng thiện hảo vốn gắn liền với hành trình trưởng thành chân thực».[25] Để sống hoàn hảo như Thiên Chúa mời gọi, con người cần sống khiêm nhường trước sự hiện diện của Thiên Chúa hay nói đúng hơn chúng ta cần ở trong Thiên Chúa, ở trong ánh sáng và tình yêu của Ngài.[26]
Điểm thứ hai, Đức Thánh Cha nhận định rằng những người sống theo thuyết Pelagiô lại thường hay bỏ qua giáo huấn xưa nay của Giáo Hội về ơn công chính hóa và mối liên hệ với nỗ lực cá nhân (số 52-56). Nên biết rằng «Giáo Hội không ngừng dạy rằng chúng ta được công chính hóa không phải bởi những việc làm hay những cố gắng của riêng mình, nhưng là bởi ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước.»[27]
Để làm rõ điều này, tông huấn đã trưng dẫn những lời dạy của nhiều giáo phụ, của một số công đồng xưa nay cũng như Giáo lý Hội Thánh Công Giáo và đặc biệt là Lời Chúa về vấn đề này: Gioakim khẩu, thánh Basiliô Cả và sau nữa là thánh Augustinô[28]; công đồng Orange II xác nhận rằng khát vọng được thanh tẩy là ân sủng của Thánh Thần, còn công đồng Trentô đã xác quyết: nếu do ân sủng, thì không còn dựa vào việc làm nữa, nếu chẳng vậy, thì ân sủng đâu còn là ân sủng nữa.[29] Một điều cơ bản mà Giáo Hội xác tín dựa trên Lời Chúa đó là con người chẳng có quyền đòi hỏi Thiên Chúa bất cứ gì, tất cả là ơn Chúa. Khi con người nhận ân sủng thì không phải do họ xứng đáng, đặc biệt sự sống và sự tự do của con người cũng là một quà tặng của Thiên Chúa[30]. Bởi đó để đáp trả ơn Chúa trước hết con người phải ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, phải dâng hiến chính mình cho Ngài, ký thác các khả năng và các nỗ lực của mình… để ân huệ nhưng không của Thiên Chúa có thể lớn lên trong mỗi người.[31]
Điểm thứ ba, Đức Thánh Cha chỉ ra một số biểu hiện đầy tinh vi của khuynh hướng Pelagiô hiện đại nơi một số tín hữu mà có khi bản thân họ không ý thức (số 57-59). Một số tín hữu quá tin vào khả năng và nỗ lực cá nhân trong đời sống đạo đến mức không còn để mình cho Chúa Thánh thần hướng dẫn và đánh mất tình yêu thật sự. mà biểu hiện cụ thể là:[32] nỗi ám ảnh về lề luật, giữ luật chi li, sự mãi mê bận tâm về những thuận lợi chính trị và xã hội, mối bận tâm quá chi li về phụng vụ, giáo lý và uy tín của Giáo Hội, thái độ kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, mối bận tâm quá đáng về những chương trình tự lực và các việc thành tựu cá nhân.
Đức Thánh Cha mời gọi người tín hữu thay vì bỏ thời giờ và sức lực cho những điều nói trên thì hãy để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để đi trên con đường yêu thương, hãy khao khát chuyển đạt vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng và tìm kiếm những người lạc mất trong những đám đông đang khát vọng Đức Kitô.[33]
Tông huấn cảnh báo rằng khi quá coi trọng một số luật lệ, thói quen hoặc cách hành động nào đó thì người tín hữu có thể làm cho Tin Mừng bị giảm thiểu và thu hẹp, bị mất tính đơn giản, sức quyến rũ và hương vị của nó.[34] Nếu người tín hữu tin rằng mọi sự đều nhờ nỗ lực của con người được thể hiện qua lề luật và cơ cấu của Giáo Hội thì vô tình làm cho Tin Mừng trở nên quá phức tạp và người tín hữu có thể trở thành nô lệ cho một kế hoạch chi tiết trong đó dành chỗ rất nhỏ bé cho tác động của ân sủng.[35]
Bằng những lời lẽ cứng rắn, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng chủ nghĩa “tân pelagiô” này có thể khiến cho Giáo Hội trở thành một bảo tàng viện hoặc là sở hữu của một số ít người ưu tuyển.[36] Quả thật «đó là một mối nguy cho sự thánh thiện vì nó lấy đi khỏi chúng ta sự khiêm nhường, đặt chúng ta trên người khác và chỉ để lại chút không gian cho ân sủng.»[37]
Không chỉ vạch ra những sai lạc của hai lạc thuyết ngộ đạo và Pêlagiô thời hiện đại, tông huấn cũng đưa ra một vài nguyên tắc để chống lại hai "kẻ thù" này.
Trước hết, «để trả lời cho cả chủ thuyết giản lược mang tính cá nhân chủ nghĩa theo khuynh hướng Pelagiô, lẫn lời hứa về ơn cứu độ thuần tuý nội tại theo khuynh hướng tân ngộ đạo, chúng ta cần nhận biết cách thức nhờ đó Chúa Giêsu trở thành Ðấng Cứu Ðộ… Chúa Kitô là Ðấng Cứu Ðộ vì Người đã mặc lấy toàn vẹn nhân tính của chúng ta và đã sống một cuộc sống nhân loại trọn vẹn trong sự hiệp thông với Cha của Người và với tha nhân. Vì thế, ơn cứu độ hệ tại việc tháp nhập chúng ta vào trong sự sống của Người, nhờ lãnh nhận Thần Khí của Người (x. 1 Ga 4,13). Người đã trở thành, "theo cách thế đặc biệt, nguồn cội của mọi ân sủng theo nhân tính của Người." Người vừa là Ðấng Cứu Ðộ vừa là Ơn Cứu Ðộ»[38]. Để thấu đáo hơn về vấn đề này chúng ta có thể học hỏi văn kiện Placuit Deo của Bộ Giáo lý Đức Tin như đã nói trên.
Tiếp đến, theo tông huấn Gaudete et Exsultate, để tránh hai hình thức mới của ngộ đạo và thuyết pelagiô là những thứ đè nén Giáo Hội và ngăn chặn Giáo Hội tiến lên trên đường thánh thiện, thì «tốt nhất là chúng ta hãy tự nhắc nhở mình rằng có một nấc thang nhân đức là điều mời gọi chúng ta tìm kiếm điều gì là thiết yếu. Tính ưu việt thuộc về các nhân đức đối thần, là các nhân đức có Thiên Chúa là đối tượng và động lực của chúng. Ở trung tâm là đức ái. Thánh Phaolô nói rằng điều thật sự đáng kể là ‘đức tin hoạt động qua đức ái’ (Gl 5, 6).»
Lưu ý rằng «thực ra, điều chúng ta nghĩ rằng mình biết phải luôn luôn thúc đẩy chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn …. Quả thật, học là để sống: thần học và sự thánh thiện không thể tách rời nhau được».[39] Theo Thánh Bônaventura, khôn ngoan Kitô giáo đích thực không bao giờ tách rời khỏi lòng thương xót đối với người thân cận.[40]
Cuối cùng, như một hệ luận tất yếu đòi buộc của đức ái kitô giáo, đó là phải phục vụ vô điều kiện "thân thể của Đức Kitô", đặc biệt đó chính là những người nghèo đói cùng khổ. Nên nhớ rằng «giữa một đám giới luật và mệnh lệnh, Chúa Giêsu đã dọn sạch một con đường để nhìn thấy hai khuôn mặt, là khuôn mặt của Chúa Cha và của anh chị em chúng ta. Người không cho chúng ta thêm hai công thức hoặc hai giới luật nữa. Người cho chúng ta hai khuôn mặt, hoặc tốt hơn nữa, một khuôn mặt duy nhất: khuôn mặt của Thiên Chúa được phản chiếu trong rất nhiều khuôn mặt khác. Vì trong mỗi anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người bé nhỏ nhất, những người dễ bị tổn thương nhất, những người không có khả năng tự vệ và những người túng thiếu, người ta tìm thấy chính hình ảnh của Thiên Chúa.»[41]
Trong tông huấn Đức Thánh Cha đã dành cả chương hai (từ số 35 đến 62, tức là 28 số trong tổng 177 số của toàn tông huấn) bàn về "hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện" mà cụ thể là hai lạc giáo: “tân ngộ giáo” (neo-gnosticismo) và “tân Pelagiô” (neo-pelagianismo). Điều này cho ta thấy tầm quan trọng của vấn đề hai kẻ thù này đối với việc nên thánh của người kitô hữu vì nó quá tinh vi và đây cũng là một trong những chủ đề gây ra nhiều ý kiến trái chiều.[42]
Tựa đề. Chương hai của tông huấn có tựa đề: «Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện» (two subtle enemies of holiness). Tuy nhiên trong suốt chương hai và cả tông huấn không nhắc đến hạn từ "kẻ thù" nữa. Ngay trong số đầu của chương hai (số 35), tông huấn đã trực tiếp xác định ngay hai kẻ thù này đó là thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô, đó là hai lạc giáo, đồng thời nói rõ đó là hai dạng "lầm lẫn" hoặc là sự sai lạc của sự thánh thiện (two false forms of holiness).[43] Khi sử dụng hạn từ "kẻ thù", phải chăng Đức Thánh Cha muốn ám chỉ «ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán» (Lc 11,23). Theo Đức Thánh Cha những hình thức ngộ đạo và Pelagiô mới này thực sự là "kẻ thù" bởi vì đó là «những điều đang đè nặng và ngăn chặn sự tiến bộ của Hội Thánh trên con đường nên thánh».[44] Hơn nữa, cách đặt tựa đề của chương hai như vậy phần nào đánh động người kitô hữu là cần phải lưu tâm nhiều hơn hầu có thể nhận ra và can đảm loại trừ những điều đang cản trở con đường nên thánh của mình.
Còn về hạn từ "tinh vi" trong tông huấn có lẽ để chỉ một điều gì đó xảo quyệt, dễ bị dụ dỗ, lôi cuốn vì lầm lạc hoặc «có hình thức hay nội dung hết sức phức tạp, kín đáo, khó mà nhận ra».[45] Không chỉ sử dụng cụm từ "kẻ thù tinh vi" trong tựa đề, nhưng nhiều nơi trong tông huấn đã tiếp tục làm rõ qua nhiều cách diễn tả khác nhau về sự "tinh vi" của "hai kẻ thù" này như thế nào. Tông huấn nhận định rằng dù nguồn gốc hai lạc thuyết này đã bắt đầu xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội sơ khai và đã bị lên án, tuy nhiên hiện tại chúng vẫn còn gây hại theo những cách tinh vi khác nhau, đôi khi nhiều tín hữu không ý thức điều đó và dễ bị dụ dỗ[46].
Phương pháp trình bày. Chương hai của tông huấn đã trích dẫn nhiều văn kiện khác nhau của công đồng Trentô, công đồng Orange II, Giáo lý của Hội Thánh Công giáo; của thánh Augustinô thánh Tôma Aquinô, thánh Bonaventura, thánh Têrêsa Lisieux, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II…, và hàng chục trích dẫn từ Kinh Thánh. Đây là điều thường thấy trong một văn kiện giáo hoàng, nhưng ở đây lại không theo đúng như phần mở đầu tông huấn đã nêu lên rằng tông huấn này không là một loại tiểu luận mang tính học thuật, luận lý, và do đó dẫn đến nhận xét rằng các trích dẫn này có lẽ nói được đôi điều gì đó về loại độc giả mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn tìm cách thuyết phục, hay nói khác đi là muốn nhằm đến đến số người đặc biệt nào đó.[47]
Thật vậy, về cách trình bày của chương hai như thế khiến có người nghĩ rằng «tông huấn này như trực tiếp nhắm tới những người gắn bó với “giáo lý và các điều răn chính thống” – tức là một cuộc "phản công" chống lại những vị hồng y đã đề ra the dubia (yêu cầu làm rõ vài điểm trong tông huấn Amoris Laetitia) và chống lại những người đặt vấn đề xin điều chỉnh tông huấn trong tâm tình con thảo.»[48]
Nội dung. Giáo sư Claudio Pierantoni và Roberto De Mattei nhận xét rằng những đặc tính thuyết ngộ đạo thuyết và thuyết Pelagio hiện đại mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả không liên quan gì tới thuyết ngộ đạo và thuyết Pelagiô trước đây, nhưng (theo De Mattei) xuyên tạc “những nền tảng của linh đạo Kitô giáo đích thực”.[49]
Nên biết trong văn kiện Placuit Deo của Bộ Giáo lý Đức tin đã thừa nhận rằng không thể tìm mối liên hệ trực tiếp giữa hai lạc thuyết này (cũ) với những lạc giáo đó xét trong thời đại hôm nay. Do vậy, ở đây tông huấn nói đến “tân ngộ giáo” và “tân Pelagiô” phải hiểu theo nghĩa rộng chứ không theo nghĩa chặt của lịch sử[50] xét vì «có một sự khác biệt lớn lao giữa xã hội tục hóa hiện đại và bối cảnh xã hội của Kitô giáo buổi ban đầu, trong đó hai lạc thuyết này phát sinh»[51] Tuy nhiên vẫn có những điểm tương đồng giữa những hai lạc thuyết cổ xưa này và những khuynh hướng hiện đại của chúng trong Giáo Hội (tức là “tân ngộ giáo” và “tân pêlagiô”).[52]
Một ý kiến khác do vị viết tiểu sử cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Austen Ivereigh nêu lên: “không ai chính thống về giáo lý đức tin hơn Đức Phanxicô”; và khi ngài nói về sự cứng nhắc, phản ứng mạnh mẽ (chống lại) “có thể là dấu hiệu” của việc biến “lề luật, hoặc một số định thức giáo lý hay phụng vụ nhất định” thành ngẫu tượng. Đức Giáo Hoàng đang mời gọi mọi người nên thánh có nghĩa là “thách thức chúng ta từ bỏ ngẫu tượng của chúng mình”.[53]
Dù có những ý kiến trái chiều, nhưng nội dung và cách trình bày trong chương hai của tông huấn khiến chúng ta càng phải lưu tâm để có thể nhận diện "hai kẻ thù" của sự thánh thiện và tìm cách loại trừ vì chúng vẫn đang hoàng hoành một cách nào đó rất tinh vi trong Giáo Hội, nơi cộng đoàn và từng cá nhân người tín hữu, đặc biệt nơi những người "được ưu tuyển" như Đức Thánh Cha lưu ý.
Có thể nói khuynh hướng thuyết ngộ đạo ngày nay trở nên tinh vi hơn vì những vấn đề của nó đặt ra trông có vẻ nghiêm túc và trong sáng, hoặc có trật tự, hợp lý và hài hòa, dễ đánh động bề ngoài, phù hợp với lối suy nghĩ và lối sống hiện đại.[54] Có thể nói thuyết ngộ đạo hiện đại là một trong những thuyết nham hiểm nhất vì nó đề cao tri thức và kinh nghiệm đến mức cho rằng nhãn quan về thực tại của thuyết ngộ đạo là hoàn hảo.[55]
Một trong những điểm tinh vi của thuyết Pêlagiô là dựa vào kinh nghiệm thực tế và dựa vào cơ chế của con người để làm con người chỉ biết tin vào sức mình, tin vào thành công nhờ tài năng cá nhân, và luôn khẳng định con người có thể đạt tới mọi sự nhờ ý chí và nỗ lực cá nhân còn ơn Chúa chỉ là tùy phụ[56]; đôi khi nó làm cho người ta tự nhận mình trên người khác, tốt hơn người khác vì đã nghiêm túc tuân giữ luật lệ hoặc vẫn tuyệt đối trung thành với một kiểu Công Giáo đặc thù.[57]
Rõ ràng «trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm tới Đức Kitô hay người khác. Đây là những biểu hiện của một thái độ tự tại lấy con người làm trung tâm».[58]
Những điều nói trên của tân thuyết ngộ đạo và tân thuyết Pelagio lại có "đất sống" vì rất thích hợp với não trạng con người ngày nay, trong đó «chủ nghĩa cá nhân tập trung vào chủ thể tự quản muốn nhìn con người như một hữu thể mà sự thành toàn duy nhất của bản thân chỉ tuỳ thuộc vào sức riêng mình».[59]
Làm sao có thể nhận diện "kẻ thù tinh vi" vì sự tinh vi của nó? Chính sự tinh vi cùng với sự chủ quan của mình có thể làm một số người kitô hữu ngộ nhận về "tân ngộ đạo" và "tân Pelagiô" hoặc không nhận ra sự nguy hiểm của chúng.
Có lẽ đối với đa số người tín hữu tại Việt Nam, hai lạc thuyết trên xem ra rất xa lạ, nhiều người không biết mà cũng có thể chẳng quan tâm. Có thể nói rằng không ai trong chúng ta thừa nhận mình thuộc về phái "tân ngộ đạo" hay "tân Pelagiô". Tuy vậy khi đọc kỹ chương hai này giúp chúng ta có thể "ngộ" ra nhiều điều rất thiết thực và có khi không ngờ nữa. Nội dung chương hai dù bị phê là quá tri thức, không phù hợp với đa số người tín hữu mà chỉ liên quan giới học thức, nghiên cứu ("nhóm ưu tuyển"), tuy nhiên trong đó cũng có nhiều chỉ dẫn cụ thể để có thể giúp mọi thành phần Dân Chúa nhận diện và loại trừ được kẻ thù của sự thánh thiện.
Dựa vào tông huấn, đặc biệt là trong chương hai, chúng ta có thể rút ra một số biểu hiện, một số điều xem ra tiêu cực nhưng có lẽ hữu ích và thực tế để giúp mỗi người suy nghĩ và phân định trước mặt Chúa xem mình có đang bị dụ dỗ "rơi vào tay hai kẻ thù" nói trên hay không:[60]
1- Chỉ quan tâm đến sự hiểu biết, thường muốn nắm bắt nhiều thông tin kể cả thông tin riêng tư của người khác, nhưng lại dững dưng trước trước nỗi đau khổ của họ hay chỉ để điều khiển họ, tức là «không có khả năng chạm đến xác thịt đau khổ của Đức Kitô nơi tha nhân».[61]
2- Đề cao sự hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân, có khi coi thường người khác (dù họ không được học, được huấn luyện như mình), rồi cho rằng mình ở giai tầng cao hơn vì được "gọi, chọn và sai đi", tức là thuộc về "tầng lớp ưu tuyển". Cụ thể, cho rằng «bởi vì mình biết một điều gì đó, hoặc có thể giải thích nó một cách nào đó, nên mình đã là những vị thánh, hoàn hảo và tốt hơn “đa số người thiếu hiểu biết”. Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo về cám dỗ của những người có học thức cao trong Hội Thánh “cảm thấy một cách nào đó ở trên các thành phần tín hữu khác.”[62]
3- Nghĩ rằng bản thân luôn có thể đưa ra những giải pháp hoàn hảo cho những vấn đề tương ứng mọi khía cạnh kể cả về tôn giáo, về bí mật lương tâm của con người.
4- Để giải quyết một vấn đề như về tôn giáo, về lĩnh vực tinh thần, về vật chất, về lương tâm, thì giải pháp được ưu tiên tìm kiếm là luôn cậy dựa vào trí năng, kinh nghiệm, cơ cấu tổ chức, chứ không phải ưu tiên cho các giải pháp mang tính thiêng liêng đạo đức và bác ái kitô giáo.
5- Áp dụng Lời Chúa hay sự hiểu biết của mình về chân lý mạc khải một cách máy móc, lạnh lùng và khắc khe nhằm để răn đe và hăm dọa, để chế ngự và điều khiển người khác theo ý mình hoặc muốn giám sát chặt chẽ cuộc sống của người khác. Đối với hàng giáo sĩ «khi thiếu chiều kích hiến lễ tình yêu người ta rất dễ rơi vào cám dỗ của "chủ nghĩa giáo sĩ trị" với mong muốn thống trị giáo dân, điều này luôn gây ra sự đối kháng giữa người có chức thánh với dân chúng.»[63]
6- Nhìn nhận và đánh giá về một thực tại hay về một người nào đó hoàn toàn chỉ dựa trên dư luận, trên kinh nghiệm hay sự hiểu biết về thực tại hay về người đó mà thôi.
7- Bị ám ảnh về lề luật, giữ luật chi li, quá coi trọng luật lệ đến mức nô lệ cho luật, xét nét và áp dụng luật một cách khắc khe, cứng nhắc đối với người khác.
8- Quá bận tâm về những thuận lợi chính trị và xã hội; chẳng hạn ưu tiên tìm kiếm những sự ưu đãi hay hậu thuẫn từ chính quyền, từ các tổ chức xã hội, hoặc săn lùng và sẵn sàng nhận những tài trợ nào đó dù kèm theo các điều kiện không phù hợp với tinh thần công bằng và bác ái của người kitô hữu.
9- Lưu ý quá chi li về phụng vụ, có thể biến các cuộc cử hành phụng vụ thường trở thành buổi "trình diễn hoàn hảo" mà thiếu sự thánh thiêng và năng động nơi cộng đoàn tham dự phụng vụ.
10- Xét nét hoặc chú trọng quá đáng về giáo lý và uy tín của Giáo Hội, điều này có thể khiến người khác khó hiểu, khó tiếp cận, hoặc trở nên xa vời với một số người, nhất là những người chưa biết Chúa.
11- Kiêu hãnh về năng lực xử lý những vấn đề thực tiễn. Chẳng hạn khi quá tin tưởng vào khả năng của mình, người ta không thấy nhu cầu cầu nguyện, nói rộng hơn là không thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc đời mình, nơi tha nhân…
12- Bận tâm quá đáng về những chương trình tự lực, cậy dựa vào những chương trình đã được lên chi tiết, rồi áp dụng chúng một cách máy móc, thiếu tính uyển chuyển và thiếu niềm tin vào hoạt động của Chúa Thánh Thần.
13- Chú ý quá nhiều đối với các thành tựu cá nhân, tìm kiếm những thành công mục vụ. Tuy nhiên, nên nhớ rằng «bất cứ điều gì được thực hiện từ sự lo âu, tự hào hoặc nhu cầu gây ấn tượng với những người khác sẽ không dẫn đến sự thánh thiện».[64]
14- Trong thực tế «chúng ta có thể không tương ứng với lời nói của mình về nhu cầu ân sủng, và trong những hoàn cảnh cụ thể chúng ta có thể sẽ không mấy đặt niềm tin vào đó».[65]
15- «Sự hiện diện liên tục của các vật dụng mới, sự kích động của việc du lịch và hàng loạt các hàng hoá tiêu thụ đôi khi không để cho tiếng nói của Thiên Chúa được lắng nghe. Cuộc sống bị tràn ngập bởi những lời nói, bởi những thú vui phiến diện và bởi tiếng ồn ào càng ngày càng gia tăng, không được đổ đầy bằng niềm vui, mà bằng sự bất mãn của những người mà cuộc sống đã mất đi ý nghĩa»[66]; hoặc do «bị ám ảnh bởi niềm vui của chính mình, chúng ta sẽ trở nên quá quan tâm đến bản thân và các quyền lợi của mình, và chúng ta cảm thấy tuyệt vọng là cần phải có thời giờ rảnh rỗi để hưởng lạc thú».[67]
Trên đây chỉ là một những biểu hiện được gợi ý từ tông huấn về hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện mà thôi. Còn trong thực tế có rất nhiều biểu hiện khác nữa vì nó tùy thuộc nhiều yếu tố kể cả tính tình hay cá tính của một người. Chính vì vậy Đức Thánh Cha tha thiết mời gọi đích thân mỗi người phải suy nghĩ và phân định cẩn trọng, không phải để trách mình trách người, nhưng để quyết tâm loại trừ những kẻ thù tinh vì đó đang cản trở hành trình nên thánh của mình.
Nội dung và cách trình bày chương hai của tông huấn Gaudete et Exsultate thoạt nhìn có vẻ xa lạ với nhiều tín hữu, nó có tính khoa bảng và dường như chỉ nhằm giải thích cho một nhóm người nào đó mà thôi. Tuy nhiên đọc kỹ chương hai và đặt nó trong toàn bộ tông huấn có thể giúp chúng ta "ngộ" nhiều điều.
Nội dung của chương này rất thực tế, áp dụng cho mọi thành phần Dân Chúa và đặt biệt là có những điều làm cho nhiều người có thể bị bất ngờ vì không ngờ mình đang sống, đang suy nghĩ và ứng xử theo não trạng của thuyết tân ngộ giáo và thuyết tân Pelagiô, hay nói cách khác họ đang ở trong tay kẻ thù của sự thánh thiện mà không biết vì kẻ thù quá tinh vi.
Tông huấn chỉ đề cập "hai kẻ thù" nhưng nên biết chúng lại có "muôn mặt" và biểu hiện rất tinh vi. Sự biểu hiện này lại tùy thuộc hoàn cảnh, môi trường sống, tính tình và cá tính mỗi người. Chính vì vậy, tông huấn không thể đưa ra tất cả tình huống, mọi khía cạnh hay trao "một chìa khóa để mở mọi cánh cửa". Tông huấn để ngỏ cho mỗi người được tự do suy xét và áp dụng hầu có thể nhận diện và tìm cách loại trừ một cách hữu hiệu những kẻ thù của sự thánh thiện. Dĩ nhiên đừng quên rằng phải làm điều đó "trước mặt Thiên Chúa", như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở: «những lầm lạc này có nhiều hình thức khác nhau, theo tính tình và cá tính của mỗi người. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người hãy suy nghĩ và phân định trước mặt Thiên Chúa xem chúng có thể hiện diện trong cuộc sống của mình hay không.»[68]
Sau cùng, như một sự đối lại với những thể hiện tiêu cực của hai kẻ thù thuyết ngộ đạo và thuyết Pelagiô ngày nay, tông huấn Gaudete et Exsultate dành cả chương số 4 giới thiệu cho chúng ta năm đặc tính tích cực của sự thánh thiện ngày nay. Đó là: sống kiên trì, kiên nhẫn và hiền lành (số 112 - 121); sống vui tươi và có óc hài hước (số 122- 128); sống dũng cảm và nhiệt thành (số 129-139); sống hiệp thông cộng đoàn (số 141- 146) và cuối cùng là sống đời cầu nguyện không ngừng (số 147- 157). Có thể nói đây là những hướng tích cực (đối lại những hướng tiêu cực của hai kẻ thù nói trên) phần nào giúp người kitô nhận diện những biểu hiện của sự thánh thiện đích thực và quyết tâm sống thánh thiện.
(Khóa Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Qui Nhơn 2018)
Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
[1] Giáo luật điều 751 phân biệt: lạc giáo (có khi gọi là dị giáo hoặc lạc thuyết) với bội giáo và ly giáo. Lạc giáo là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin với đức tin thần khởi và công giáo hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận bí tích rửa tội; bội giáo là chối bỏ toàn bộ đức tin kitô giáo; ly giáo là từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Giáo Hội thuộc quyền ngài. Xem thêm GLHTCG số 2089.
[2] Xem Bộ Giáo lý Đức tin, Placuit Deo, Thư gởi các Giám mục của Hội Thánh Công giáo, về vài khía cạnh ơn cứu độ Kitô giáo, 22.2.2018. [= Placuit Deo]
[3] Xem Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate, về lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, 19.3.2018, số 2. [=Gaudete et Exsultate].
[4] Xem James Martin (S.J), Top Five Takeaways from Gaudete et Exsultate, tại https://www.americamagazine.org/faith/2018/04/09/top-five-takeaways-gaudete-et-exsultate (Joseph C. Pham đã dịch ra tiếng việt). Cha James Martin (S.J) là chủ bút của America Magazine.
[5] Xem Phan Tấn Thành, Giới thiệu tông huấn Gaudete et Exsultate, tại http://catechesis.net/index.php/thong-tin/hv-tthv-daminh/4527-gioi-thieu-tong-huan-gaudete-et-exsultate. Xét về phương diện lịch sử, thuyết ngộ đạo đưa ra hai điểm căn bản: thứ nhất là phủ nhận thiện ích của thế giới vật chất mà đặc biệt là thể xác con người, thứ hai cho rằng nhờ hiểu biết các bí ẩn hay chân lý mà con người có thể đạt tới ơnn cưu độ. Xem Brian Reedy (SJ), Identifying the Enemy, tại https://thejesuitpost.org/2018/07/identifying-the-enemy/
[6] Chad C. Pecknold, Placuit Deo against new paradigms, tại https://www.catholicnewsagency.com/news/commentary-placuit-deo-against-new-paradigms-18800. (Joseph C. Pham đã dịch ra tếng việt bài này). C. C. Pecknold là giáo sư liên kết về thần học hệ thống tại đại học công giáo Mỹ hiện nay.
[7] Placuit Deo, số 3.
[8] Placuit Deo, số 3.
[9] Xem Placuit Deo, số 14
[10] Gaudete et Exsultate, số 36, và xem thêm Phanxicô, tông huấn Niềm vui Tin mừng, Evangelii Gaudium (24.11, 2013), số 94.
[11] Gaudete et Exsultate, số 37.
[12] Gaudete et Exsultate, số 39.
[13] Xem Gaudete et Exsultate, số 38.
[14] Xem Gaudete et Exsultate, số 39.
[15] Xem Gaudete et Exsultate, số 40.
[16] Xem Gaudete et Exsultate, số 41.
[17] Xem Gaudete et Exsultate, số 43 & 45.
[18] Gaudete et Exsultate, số 45.
[19] James Martin (S.J), Top Five Takeaways from Gaudete et Exsultate.
[20] Chad C. Pecknold, Placuit Deo against new paradigms.
[21] Placuit Deo, số 3.
[22] Chad C. Pecknold, Placuit Deo against new paradigms.
[23] Placuit Deo, số 2.
[24] Gaudete et Exsultate, số 49.
[25] Gaudete et Exsultate, số 50.
[26] Xem Gaudete et Exsultate, số 51.
[27] Gaudete et Exsultate, số 52.
[28] Xem Gaudete et Exsultate, số 52.
[29] Xem Gaudete et Exsultate, số 53.
[30] Xem Gaudete et Exsultate, số 54-55.
[31] Xem Gaudete et Exsultate, số 56.
[32] Xem Gaudete et Exsultate, số 57.
[33] Xem Gaudete et Exsultate, số 57.
[34] Xem Gaudete et Exsultate, số 58.
[35] Xem Gaudete et Exsultate, số 59.
[36] Xem Gaudete et Exsultate, số 58.
[37] James Martin (S.J), Top Five Takeaways from Gaudete et Exsultate.
[38] Placuit Deo, số 11.
[39] Gaudete et Exsultate, số 45.
[40] Xem Gaudete et Exsultate, số 46.
[41] Gaudete et Exsultate, số 62.
[42] Xem Edward Pentin, ‘Gaudete et Exsultate’: An Assessment, tại http://www.ncregister.com/daily-news/gaudete-et-exsultate-an-assessment, Tác giả đã tổng hợp một số ý kiến trái chiều về hai vấn đề chính gây tranh luận: sự thánh thiêng của sự sống và hai lạc thuyết ngộ đạo và Pelagiô. (Xem Một cách nhìn về tông huấn Gaudete et Exsultate, bản dịch tiếng việt của F.x Nguyễn Văn Thượng).
[43] Xem Gaudete et Exsultate, số 35.
[44] Gaudete et Exsultate, số 62.
[45] Hạn từ "tinh vi" trong Từ Điển Tiếng Việt của Minh Tâm - Thanh Nghị - Xuân Lãm, NXB Thanh Hóa, 1998.
[46] Xem Gaudete et Exsultate, số 35.
[47] Xem Bill McCormick, Gaudete et Exsultate: An Overview tại
https://thejesuitpost.org/2018/04/gaudete-et-exsultate-an-overview/
[48] Xem Edward Pentin, ‘Gaudete et Exsultate’: An Assessment. Ý kiến trích dẫn trên là của giáo sư Claudio Pierantoni, hiện giờ một học giả về Giáo phụ và Triết học trung cổ thuộc Học viện Universidad, Chile. Ngoài ra ông xem phần nói về thuyết Ngộ đạo và thuyết Pelagio vừa là “trọng tâm” và vừa là điểm “yếu nhất và nguy hiểm nhất” của Tông huấn.
[49] Xem Edward Pentin, ‘Gaudete et Exsultate’: An Assessment. Giáo sư Roberto De Mattei, hiện nay một chuyên viên giáo sử và là chủ tịch của Tổ chức Lepanto có trụ sở tại Rome.
[50] Xem Phan Tấn Thành, Giới thiệu tông huấn Gaudete et Exsultate.
[51] Placuit Deo, số 3.
[52] Xem Placuit Deo, số 3 và Gaudete et Exsultate, số 35.
[53] Xem Edward Pentin, ‘Gaudete et Exsultate’: An Assessment.
[54] Xem Gaudete et Exsultate, số 37, 38 và 39; xem Placuit Deo, số 2,3 và 4; cũng như xem thêm Evangelii Gaudium, số 94.
[55] Gaudete et Exsultate, số 40.
[56] Xem Gaudete et Exsultate, số 58.
[57] Gaudete et Exsultate, số 49.
[58] Evangelii Gaudium, số 94.
[59] Placuit Deo, số 2.
[60] Đặt biệt xem Gaudete et Exsultate, số 37, 38, 57, 58, 59, 108…
[61] Gaudete et Exsultate, số 37.
[62] Gaudete et Exsultate, số 45.
[63] Bộ GiÁo SĨ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục 2013, số 25.
[64] Gaudete et Exsultate, số 28.
[65] Gaudete et Exsultate, số 50.
[66] Gaudete et Exsultate, số 29.
[67] Gaudete et Exsultate, số 108.
[68] Gaudete et Exsultate, số 62.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 205 | Tổng lượt truy cập: 4,164,399