HƯỚNG DẪN CỦA TÒA THÁNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP TU HỘI ĐSTH, TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ
JB. Lê Ngọc Dũng
Bộ Các Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ đã có những văn bản hướng dẫn việc thành lập một Hội Dòng, Tu Hội đời và Tu Đoàn Tông Đồ. Một linh mục hiện nay (năm 2016) đang muốn lập một Tu Đoàn Tông đồ được Tông Tòa gởi đến hai văn bản hướng dẫn, ban hành năm 2007 tại Vatican. Xin chuyển dịch hai bản văn Pháp ngữ của Bộ sang Việt ngữ; đồng thời giải thích thêm về một số quy định giáo luật trong việc thành lập Tu Hội hay Tu Đoàn Tông Đồ.
A- VĂN BẢN CỦA BỘ CÁC TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ
TIẾN TRÌNH PHẢI THEO ĐỂ THÀNH LẬP
MỘT TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ LUẬT GIÁO PHẬN
1. Theo thực hành của Bộ, trước khi tiến hành thành lập một Tu đoàn tông đồ theo thể thức giáo luật, các Đấng Bản Quyền liên quan được kêu mời bắt đầu bằng việc thiết lập một Hiệp Hội công các tín hữu (d'une Association publique de fidèles), theo Giáo Luật điều 312§1,3°.
2. Trong Sắc lệnh thành lập Hiệp Hội, quan trọng là phải thêm vào câu sau: «với ý nhắm trở thành Tu Đoàn tông đồ luật giáo phận» ( en vue de devenir Société de vie apostolique de droit diocésain ).
3. Theo như mục đích đã được nêu lên, những thành viên phải sống như là những thành viên của một Tu Đoàn tông đồ.
4. Cơ cấu pháp lý của Hiệp Hội, ngay từ đầu, phải nhắm đến Tu Đoàn tông đồ, theo những nguyên tắc của Bộ Luật liên quan đến Tu Đoàn tông đồ (đ. 731-746), luôn lưu ý đến con số các thành viên hiện tại và sự phát triển tương lai của Hiệp Hội.
5. Điều quan trọng nhất là xác định rõ đặc sủng, linh đạo và những công việc tông đồ riêng biệt của Hiệp Hội.
6. Nếu hội đủ các dự kiến trên, các thành viên có thể tuyên khấn những lời khấn tư (nghĩa là, không là công, và cũng không là dòng), được tuyên đọc theo như công thức tuyên khấn được ghi trong Hiến Pháp. Họ có thể mang tu phục tương thích, có một tập viện và một ban lãnh đạo riêng, được chấp nhận trong những Giáo phận khác.
7. Cách sống này giúp dọn đường để từ một đời sống tông đồ trải nghiệm trong một Hiệp Hội công được tiến đến một Tu Đoàn tông đồ.
8. Giáo Mục, vị thành lập Hiệp Hội, có quyền phê chuẩn Hiến Pháp. Để soạn thảo Hiến Pháp, nên nhờ đến một chuyên viên giáo luật thành thạo trong vấn đề này.
9. Khi nào Hiệp Hội đã chứng tỏ được một cách cụ thể khả năng phát triển thánh thiện và bền vững, sau một giai đoạn lâu dài trải nghiệm, Giám Mục giáo phận nơi có trụ sở chính có thể tiến hành thành lập Tu Đoàn tông đồ, sau khi đã tham khảo Tông Tòa (đ. 579). Để thực hiện điều này, đòi hỏi rằng Hiệp Hội phải đạt được ít nhất 40 thành viên, mà phần lớn họ đã gia nhập vĩnh viễn (và, trong trường hợp một Hội dòng giáo sĩ, phải có đủ số linh mục).
Vatican, 2007
------------------------------------
NHỮNG TÀI LIỆU CẦN THIẾT CHO VIỆC THAM KHẢO
ĐỂ THÀNH LẬP MỘT HỘI DÒNG LUẬT GIÁO PHẬN (đ. 579)
1. Tường trình lịch sử - pháp lý của Hiệp Hội (l'Association) từ khởi đầu
Bản tường trình phải bao gồm những yếu tố đặc biệt sau đây:
a) Họ tên của vị sáng lập (fondateur ou de la fondatrice); mục đích sáng lập; ngày và nơi khởi đầu; tên của Giám Mục giáo phận cho phép sáng lập;
b) Con số và tên của những thành viên đầu tiên;
c) Sự thiết lập, ngày và nơi của nhà tập đầu tiên (la première maison de noviciat); tên của Giám mục đã thiết lập nhà tập; số và tên những tập sinh và ngày được nhận vào nhà tập; con số khấn sinh và ngày tuyên khấn lần đầu (première profession); tên của vị Trưởng Giáo tập, ghi rõ chức danh, tên những người có trách nhiệm góp phần đào tạo ban đầu cho các thành viên đầu tiên.
d) Kê khai thời điểm các Tổng tu nghị đã nhóm họp (des Chapitres généraux célébrés);
e) Tên của vị đã phê chuẩn Hiến pháp đầu tiên; ngày phê chuẩn; hoạt động tông đồ của Hiệp Hội từ khi khởi đầu và hiện nay;
f) Sự phát triển của Hiệp Hội trong những Giáo Phận khác;
g) Linh đạo riêng biệt (spiritualité propre) của Hiệp Hội.
Nêu rõ nơi đào tạo những người chuẩn bị để lãnh nhận chức thánh.
2. Lý lịch của vị sáng lập (fondateur) Hiệp Hội: Họ Tên; ngày và nơi sinh và nơi Rửa tội; họ tên cha mẹ; nơi học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp (lieux des études primaires et secondaires); những sự kiện quan trọng trong đời sống.
3. Lý lịch của vị Bề Trên tổng quyền (Supérieur général) đầu tiên của Hiệp Hội: ngoài những điểm trên, cho biết thêm: ngày gia nhập Hiệp Hội, ngày khấn tạm và khấn vĩnh viễn; ngày được bổ nhiệm hoặc được bầu là Bề Trên tổng quyền; nêu rõ đấng bổ nhiệm hay tuyển chọn vị này, cho thời gian bao lâu; tình trạng hiện nay của vị này.
4. Thống kê các thành viên và các nhà: họ tên các thành viên khấn tạm và khấn trọn, các linh mục, các tập sinh (novices) và những thỉnh sinh; tuổi của các thành viên đã tuyên khấn và các linh mục; con số các khấn sinh và ngày tuyên khấn vĩnh viễn cũng như tạm thời sắp tới; con số các nhà nơi các thành viên đang sinh sống, và tên của những Giáo phận nơi Hiệp Hội hiện diện. Để thiết lập một Hội dòng luật giáo phận Hiệp hội phải gồm ít nhất là 40 thành viên, mà phần lớn phải đã tuyên khấn vĩnh viễn (vœux perpétuels).
5. Tường trình về hiên trạng gia sản (l'état patrimonial): ngoài những món nợ, cho biết: số tiền (usd hoặc euro, nếu có thể được) gởi nhà băng; số nhà mà Hiệp hội là chủ sở hữu.
6. Khai báo những điểm sau:
a) Nếu có những sự kiện ngoại thường (des faits extraordinaires), những dự tính …
b) Nếu hiện hữu, trong Giáo Phận có trụ sở chính, có một Hội dòng khác có cùng tên và đặc sủng.
7. Mô tả tu phục.
8. Ba bản sao của Hiến pháp cập nhật hiện hành, và của Bản Hướng Dẫn (Directoire), nếu có.
9. Các chứng thư (lettres testimoniales) của các Giám mục giáo phận liên quan, bao gồm cả của Giám Mục nơi đặt trụ sở chính của Hiệp Hội, phải được gởi trực tiếp tới Bộ, trong đó cho biết ý kiến về những điểm sau:
a) Sự hữu ích và vững bền của Hiệp Hội;
b) Nề nếp kỷ luật (discipline régulière) của các thành viên;
c) Đời sống phụng vụ và bí tích;
d) Tinh thần Giáo Hội và sự cộng tác với hàng giáo phẩm giáo hội;
e) Đào tạo ban đầu và thường xuyên;
f) Việc điều hành quản lý tài sản;
g) Khả năng đảm nhận trách nhiệm của ban lãnh đạo Hiệp Hội hiện diện trong nhiều giáo phận.
Trong mức độ có thể được, ứng trước cho Văn phòng của Bộ Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ khoản tiền tương đương 500 euro, về những chi phí lo liệu giấy tờ, sẽ quyết toán chi phí khi hoàn tất thủ tục hồ sơ xin thiết lập.
Vatican, 2007
B- GIẢI THÍCH
1. CÁC THỂ LOẠI DÒNG TU
Trong Việt ngữ, "dòng tu" là từ thông thường để chỉ các cộng đoàn tu trì. Tuy nhiên, các cộng đoàn tu trì được bộ Giáo Luật 1983 phân định thành hai loại là các Tu hội Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông đồ. Trong các Tu Hội lại có Hội dòng (religiosa) và Tu Hội đời (saecularia).
1.1. Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến (Istituta Vitae Consecratae)
A- Hội dòng, còn gọi là Dòng tu, hay Tu hội dòng (Istituta religiosa) (đ. 607-709)
Những đặc điểm:
- Có lời khấn dòng công (public) giữ ba lời khuyên Phúc Âm;
- Có đời sống chung cộng đoàn;
- Có tu phục.
Ví dụ: Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa.
Đan viện cũng được Giáo Luật đặt trong mục Hội dòng; ví dụ: Đan viện Châu Sơn Đơn Dương, Đan viện/Dòng Kín Carmen Nha Trang.
B- Tu hội đời (Istituta saecularia) (đ. 710-730)
Những đặc điểm:
- Không có lời khấn công, chỉ khấn tư hay cam kết giữ ba lời khuyên Phúc Âm;
- Không có đời sống chung, sống giữa đời;
- Không có tu phục (để có thể hòa nhập với đời sống trần thế)
Ví dụ: Tu hội Chúa Giêsu, Tu Hội Nô Tì Thiên Chúa
1.2. Tu Đoàn Đời Sống Tông Đồ (Societas Vitae Apostolicae) (731-755)
Tu Đoàn Đời Sống Tông Đồ cũng thường được gọi tắt là Tu Đoàn Tông Đồ, có những đặc điểm:
- Không có lời khấn công; có thể có hay không có lời khấn tư hay cam kết giữ ba lời khuyên Phúc Âm,
- Có đời sống chung cộng đoàn,
- Có tu phục
Ví dụ: Tu đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Tu đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội.
Trong tiếng Việt, chưa có sự thống nhất về các từ ngữ được dùng để chỉ các tu hội, tu đoàn nên dễ gây lẫn lộn và đôi khi khó xác định được một dòng tu có bản chất pháp lý là gì. Ví dụ như cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, thường được gọi là dòng Vinh Sơn hay Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn, nhưng thực chất cộng đoàn này lại là một Tu đoàn Tông Đồ.
Ngay cả trong ngôn ngữ ngoại quốc cũng dễ gây sự lẫn lộn. Dòng Ngôi Lời: Societas Verbi Divini, Society of the Divine Word; Dòng Tên: Sociestas Iesu, society of Jesus. Tuy được gọi là societas, society nhưng thực chất không là một Tu Đoàn Đời Sống Tông Đồ (Societas Vitae Apostolicae) mà là một Hội dòng (Istituta religiosa).
Vì vậy, cần phải lưu ý để xác định rõ bản chất pháp lý của một cộng đoàn tu trì, là: Hội dòng, Tu hội đời hay Tu đoàn Tông đồ, mỗi khi soạn thảo Hiến Pháp hay khi giới thiệu về cộng đoàn dòng tu.
2. MỘT SỐ PHÂN BIỆT
2.1. Dòng Giáo Hoàng, dòng Giáo Phận
Bản Hướng dẫn của Tòa Thánh nói đến việc thành lập Hội dòng “luật giáo phận” (de droit diocésain) chứ không là Hội dòng “luật giáo hoàng” (de droit pontifical).
Giáo luật phân biệt một Tu hội thuộc luật Giáo hoàng hay luật Giáo phận, chứ không phân biệt dòng quốc tế hay dòng địa phương như một số người thường nghĩ.
Sự phân biệt này được dựa theo thẩm quyền (Tông Tòa hay Giám Mục giáo phận) thiết lập Tu hội hay thẩm quyền phê chuẩn hiến pháp của Tu hội đó.
Điều 589 quy định:
Một tu hội thánh hiến được coi là thuộc luật Giáo Hoàng, nếu đã được Tông Toà thành lập hay phê chuẩn bằng một sắc lệnh chính thức; nhưng một tu hội thánh hiến được coi là thuộc luật Giáo Phận, nếu đã được Giám Mục Giáo Phận thành lập mà không có sắc lệnh phê chuẩn của Tông Toà.
Institutum vitae consecratae dicitur iuris pontificii, si a Sede Apostolica erectum aut per eiusdem formale decretum approbatum est; iuris vero dioecesani, si ab Episcopo dioecesano erectum, approbationis decretum a Sede Apostolica non est consecutum.
Nếu Giám Mục Giáo phận lập thì phải tham khảo ý kiến Tông Tòa, điều 579 quy định:
Trong địa hạt của mình, các Giám Mục Giáo Phận có thể ban hành sắc lệnh chính thức để thành lập các tu hội thánh hiến, miễn là đã tham khảo ý kiến của Tông Toà.
Episcopi dioecesani, in suo quisque territorio, instituta vitae consecrate formali decreto erigere possunt, dummodo Sedes Apostolica consulta fuerit.
Theo điều 579 nêu trên, chính Đức Giám Mục Giáo phận có thẩm quyền "thành lập" (erigere) một Tu hội thánh hiến luật giáo phận. Giáo luật không ban thẩm quyền thành lập đó cho một Giám Mục giáo phận mà không đang tại chức, hoặc cho một linh mục, tu sĩ hay bề trên nào khác.
Những giám mục, linh mục, tu sĩ có sáng kiến, đặt nền tảng, góp công sức hình thành được một Tu hội mà không có thẩm quyền thành lập, có thể được gọi là người "sáng lập" (founder, fondateur), không được gọi là người "thành lập".
3. PHẢI THÀNH LẬP HIỆP HỘI CÁC TÍN HỮU ĐỂ CHUẨN BỊ TRƯỚC
Thông thường trước khi lập tu hội thì cần có một giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên Giáo luật hiện hành lại không đưa ra một quy định nào về giai đoạn thử nghiệm này. Tòa Thánh dựa theo Giáo luật ra hướng dẫn thành lập một Hiệp Hội công có tính vững bền, thay vì lập một giai đoạn thử nghiệm 5 năm, 10 năm có tính tạm thời. Nếu có thành lập nhóm tu trì thử nghiệm thì cần xin phép Đức Giám Mục Giáo phận như một nhóm tư hay được chấp nhận như một hiệp hội tư mà thôi. Thẩm quyền thành lập hiệp hội công trong giáo phận thuộc quyền của Giám Mục Giáo phận, bằng một sắc lệnh thành lập một Hiệp hội công các tín hữu (Association publique de fidèles) với ý nhắm đến thành lập một dòng tu. Hướng dẫn của Tòa Thánh về thành lập một Tu Đoàn tông đồ luật giáo phận, định rõ như sau:
1. Theo thực hành của Bộ, trước khi tiến hành thành lập một Tu đoàn tông đồ theo thể thức giáo luật, các Đấng Bản Quyền liên quan được kêu mời bắt đầu bằng việc thiết lập một Hiệp Hội công các tín hữu (d'une Association publique de fidèles), theo Giáo Luật điều 312§1, 3°.
2. Trong Sắc lệnh thành lập Hiệp Hội, quan trọng là phải thêm vào câu sau: «với ý nhắm trở thành Tu Đoàn tông đồ luật giáo phận».
3.1. Hiệp hội các tín hữu (Association de fidèles) là gì?
Có thể kể vài hiệp hội các tín hữu như: Legio Mariae, Dòng Ba Phan Sinh, Khôi Bình... Giáo Luật điều 298§1 đưa ra khái niệm của Hiệp hội các tín hữu như sau:
Trong Giáo Hội có những hiệp hội khác với các tu hội thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, trong đó, các Kitô hữu, hoặc giáo sĩ hoặc giáo dân, hoặc cả giáo sĩ lẫn giáo dân cùng chung sức hoạt động nhằm phát triển một đời sống hoàn thiện hơn, hoặc cổ vũ việc phụng tự công hay học thuyết Kitô giáo, hoặc thực hiện các việc tông đồ khác, như truyền bá Phúc âm, thi hành các việc đạo đức hoặc bác ái, và đem tinh thần Kitô giáo vào lĩnh vực trần thế.
Hiệp hội lại bao gồm Hiệp hội công (publique) (đ. 312) và Hiệp hội tư (đ. 321).
Bản Hướng dẫn có viết: “các Đấng Bản Quyền liên quan được kêu mời bắt đầu bằng việc thiết lập một Hiệp Hội công”. Thực ra, các Đấng Bản Quyền như cha Tổng Đại Diện, cha Đại Diện Giám Mục tuy cũng có địa vị là Đấng Bản quyền nhưng chưa đủ thẩm quyền để lập một Hiệp hội công. Giáo Luật quy định thẩm quyền lập Hiệp Hội công là:
- Tòa Thánh, đối với các hiệp hội toàn cầu và quốc tế;
- Hội Đồng Giám Mục trong địa hạt mình;
- Giám Mục giáo phận trong địa hạt mình (đ. 312).
Như vậy, Hiệp Hội nhắm tiến đến Tu hội phải là Hiệp hội công (Association publique) do Đức Giám Mục giáo phận ra sắc lệnh chính thức thành lập, chứ không phải là giám mục, linh mục hay tu sĩ nào khác thành lập. Ngoài ra, Đức Giám Mục giáo phận cũng không có quyền lập Hiệp hội mà có trụ sở chính lại ở trên địa sở của một giáo phận khác.
Một số quy định pháp lý cần lưu ý trong Hiệp hội công được kể như sau:
- Hiệp hội công đương nhiên trở thành pháp nhân công do chính sắc lệnh thành lập (đ. 313). Một pháp nhân công như vậy, trong giới hạn được ấn định, nhân danh Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ được trao vì lợi ích chung (đ. 116).
- Những quy chế của bất cứ hiệp hội công nào, cũng như việc tu chính hay thay đổi, đều phải có sự phê chuẩn của nhà chức trách Giáo Hội có quyền lập hiệp hội ấy (đ. 314). Như vậy, khi áp dụng cho Hiệp Hội công trong trường hợp lập dòng thì Hiến pháp của Hiệp Hội, cũng như việc tu chính hay thay đổi, đều phải có sự phê chuẩn của Đức Giám Mục giáo phận.
- Hiệp hội công có thể tự mình hoạt động theo và điều hành chiếu theo quy tắc của những quy chế nhưng dưới sự hướng dẫn tối cao của nhà chức trách có quyền thiết lập hiệp hội, tức là Giám Mục giáo phận (đ. 312).
- Vị Điều hành hiệp hội công trong giáo phận có thể được bầu lên và được chuẩn y bởi Giám Mục giáo phận, hoặc được bổ nhiệm do được đề cử, hoặc được chỉ định do Giám Mục giáo phận. Giám Mục cũng bổ nhiệm các vị tuyên úy hay trợ úy sau khi đã tham khảo ý kiến các thành viên cấp cao của Hiệp Hội (đ. 317§2).
- Vị Điều hành hiệp hội công trong giáo phận có thể bị giải nhiệm bởi Giám Mục vì một lý do chính đáng, nhưng sau khi đã tham khảo chính vị điều hành cũng như những viên chức cấp cao trong hiệp hội (đ. 318§1).
3.2. Việc áp dụng lập Hiệp Hội công
Việc thành lập Hiệp Hội công trước áp dụng không chỉ cho việc nhắm tới thành lập Tu đoàn Tông Đồ mà còn cho cả các Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến.
Trước khi lập Hiệp Hội công để nhắm tới lập Tu hội, Giám Mục có thể công nhận một nhóm thành viên như một Hội Đạo Đức hay một Hiệp hội tư:
Một Tu hội thánh hiến thường bắt đầu cuộc sống của mình như một nhóm nhỏ, được qui tụ bởi Đấng sáng lập (hoặc Nữ sáng lập) và bởi những thành viên tiên khởi cùng chia sẻ một đặc sủng và một quan điểm chung. Với sự phân định khôn ngoan và thích hợp, và qua những sắc lệnh chính thức thiết lập, Giám mục có thể công nhận nhóm ấy như một Hội Đạo Đức trong Giáo Hội địa phương, và sau đó như một Hiệp Hội Công các Tín hữu" (Thư Bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc gởi các Giám Mục giáo phận, ngày 1-6-2016, Prot. N. 2301/16, về việc thiết lập các Tu Hội đời sống thánh hiến theo luật giáo phận).
4. ĐỜI SỐNG VÀ CƠ CẤU CỦA HIỆP HỘI CÔNG
Cơ cấu pháp lý của Hiệp Hội công, ngay từ đầu, phải nhắm đến trở thành Tu hội, vì vậy những quy chế hay hiến pháp, luật dòng, nội quy… phải có và phải nhắm đến trở thànhTu hội.
3. Theo như mục đích đã được nêu lên, những thành viên phải sống như là những thành viên của một Tu Đoàn tông đồ.
4. Cơ cấu pháp lý của Hiệp Hội, ngay từ đầu, phải nhắm đến Tu Đoàn tông đồ, theo những nguyên tắc của Bộ Luật liên quan đến Tu Đoàn tông đồ (đ. 731-746), luôn lưu ý đến con số các thành viên hiện tại và sự phát triển tương lai của Hiệp Hội.
Cơ cấu pháp lý phải dựa theo những điều luật trong bộ Giáo Luật dành riêng cho từng loại dòng tu. Điều này có nghĩa là, các thành viên, tuy đang giai đoạn hiệp hội, phải có nếp sống như một thành viên của tu hội được nhắm đến: sống cộng đoàn, mang tu phục, được huấn luyện, tuyên khấn… Các quy định về Bề trên, ban lãnh đạo, công nghị, giai đoạn thỉnh sinh, nhà tập, khấn hứa tạm thời vĩnh viễn… đều phải có.
Cơ cấu pháp lý của mỗi loại dòng tu thì khác nhau và cần có sự hiểu biết đúng đắn về luật và các thuật ngữ pháp lý. Vì vậy khi soạn thảo hiến pháp cần phải nhờ đến các chuyên viên Giáo Luật giúp đở.
5. QUAN TRỌNG NHẤT LÀ CÓ ĐẶC SỦNG MỚI
Tòa Thánh nhấn mạnh: "5. Điều quan trọng nhất là xác định rõ đặc sủng, linh đạo và những công việc tông đồ riêng biệt của Hiệp Hội."
Thư của Bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc ngày 1-6-2016 nhấn mạnh hơn về "đặc sủng mới":
Việc thiết lập Tu hội thánh hiến theo luật giáo phận chỉ được thực hiện khi hiệp hội ấy có một đặc sủng mới và rõ ràng để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội, và đã đạt đến một sự phát triển và trưởng thành đầy đủ. Điều quan trọng là không thể có một Tu hội thánh hiến nào được thiết lập nếu không có một đặc sủng mới, rõ ràng và hiển nhiên, cũng như không có một sự bảo đảm chắc chắn về sự phát triển trong tương lai.
Tòa Thánh đòi Giám Mục phải cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ phê chuẩn thành lập Tu Hội khi có thấy rõ và chắc chắn là có một đặc sủng mới:
Đặc sủng dòng tu là một hồng ân thực sự của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội, và các Giám mục được mời gọi công nhận đặc sủng đó sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Vì thế, không một Tu hội nào sẽ được phê chuẩn nếu không có sự chắc chắn hợp lý về yếu tố thánh thiêng này.
Theo sự chỉ dẫn này, nếu như một nhóm tu trì không có một đặc sủng mới rõ ràng mà chỉ tương tự như đặc sủng của một Tu hội hay Tu đoàn đang có trong địa phương hoặc đang có trong hoàn cảnh thuận lợi, thì nên kêu gọi họ đổi hướng, để nhập vào Tu hội đó.
6. TUYÊN KHẤN TRONG HIỆP HỘI
Nếu một Hiệp Hội Công có được cơ cấu tổ chức pháp lý tương đối giống như Tu hội thì các thành viên có thể được tuyên khấn và mặc tu phục:
6. Nếu hội đủ các dự kiến trên, các thành viên có thể tuyên khấn những lời khấn tư (nghĩa là, không là công, và cũng không là dòng), được tuyên đọc theo như công thức tuyên khấn được ghi trong Hiến Pháp. Họ có thể mang tu phục tương thích, có một tập viện và một ban lãnh đạo riêng, được chấp nhận trong những Giáo phận khác.
7. Cách sống này giúp dọn đường để từ một đời sống tông đồ trải nghiệm trong một Hiệp Hội công được tiến đến một Tu Đoàn tông đồ.
Tuy nhiên các thành viên chỉ "khấn tư", nghĩa là không "khấn công" và cũng là không "khấn dòng".
6.1. Khấn công, khấn tư, khấn dòng
Giáo luật quy định trong Tu hội dòng (Istituta religiosa) hay còn gọi là Hội dòng (đ. 607) và các đan viện mới có những lời khấn công (vota publica) và lời khấn đó là lời khấn dòng (religiosa), tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.
Tu Hội đời (Istituta saecularia) và Tu Đoàn tông đồ (Societas Vitae Apostolicae) không tuyên giữ những lời khấn công, mà chỉ cam kết giữ những mối ràng buộc thánh của lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Những tuyên giữ đó không là giữ những lời khấn công, mà là tư.
Tu Đoàn Tông Đồ, được Giáo Luật đặt “bên cạnh” (accedunt) hay “tương tự” các Tu Hội đời sống thánh hiến, và được định là: “dù không có lời khấn dòng, và sống chung như anh chị em theo một lối sống riêng, để vươn tới sự hoàn hảo của đức ái qua việc tuân giữ hiến pháp” (đ. 731§1). “Trong số các tu đoàn ấy, có những tu đoàn mà các thành viên đảm nhận các lời khuyên Phúc Âm bằng một mối ràng buộc nào đó do hiến pháp quy định’ (đ. 731§2).
Theo điều 731§1 nói trên thì Tu Đoàn Tông Đồ có thể không có ngay cả lời khấn tư hay cam kết giữ một mối ràng buộc nào đó của ba lời khuyên Phúc Âm, mà chỉ theo đuổi một nếp sống riêng qua việc tuân giữ hiến pháp. Thành viên tu đoàn có thể chỉ có sự cam kết nào đó để tuân giữ hiến pháp mà không tuyên khấn gì cả. Điều này giải thích tại sao Tu Đoàn Tông Đồ lại được Giáo Luật xếp riêng ra bên cạnh các Tu hội đời sống thánh hiến, cho dù Tu đoàn có vẻ giống như Hội dòng vì có đời sống chung và có tu phục.
Có nhiều thành viên trong Tu Hội đời hay Tu đoàn Tông đồ muốn mình được coi là những tu sĩ có lời khấn công, và có cảm nghĩ “khấn tư” của mình như là một điều thấp kém. Thật ra, không muốn tuân giữ các lời khấn công là do ý định của các đấng sáng lập. Các ngài đã muốn tu hội của mình được giảm thiểu những ràng buộc của lời khấn để dễ dàng theo đuổi những đặc sủng riêng như truyền giáo, bác ái xã hội… Thánh Vinh-sơn Phaolô ngày xưa muốn các “Nữ tử Bác ái” của mình khỏi lời khấn "vĩnh cư" trong đan viện. Ngài muốn họ đi giúp đỡ người nghèo. Giáo Hội đã không nhìn nhận họ là nữ tu theo nghĩa chính thức; họ chỉ có thể có lời khấn tư mà thôi. Một lý do nữa là sự nghiêm ngặt pháp lý của một lời khấn đối với Chúa. Theo Giáo Luật, lời khấn công trong Hội dòng về đức khó nghèo đòi hỏi: ngoài tinh thần còn phải thực tế là từ bỏ quyền căn bản của con người về quyền sở hữu để chịu lệ thuộc vào bề trên nhà dòng trong việc sử dụng và định đoạt tài sản (đ. 600). Trong khi đó, lời khấn về đức khó nghèo trong một tu hội đời chỉ được cam kết tuân giữ về mặt tinh thần chứ không nghiêm ngặt trong thực tế. Tuy rằng một thành viên trong tu hội đời được đòi hỏi phải hạn chế hay chi tiêu trong mức độ nào đó do luật riêng quy định nhưng rõ ràng là họ vẫn có quyền sử dụng và định đoạt tài sản riêng.
Việc tuyên khấn giữ lời khuyên Phúc Âm của Tu hội đời về đức khó nghèo, như vậy, rõ ràng là không được hiểu theo nghĩa hẹp của việc tuyên khấn một tu sĩ trong truyền thống Giáo Hội. Nó giúp hiểu tại sao, Giáo Luật không công nhận trong Tu hội đời hay Tu Đoàn Tông đồ là có lời khấn công.
Khấn công còn có điều đáng chú ý là hệ quả pháp lý của nó. Một hệ quả pháp lý của lời khấn công trong một hội dòng, về việc tuân giữ đức khiết tịnh trọn đời, là tạo nên một ngăn trở tiêu hôn (đ. 1088). Những lời khấn của trong Tu hội đời, Tu Đoàn Tông đồ không được Giáo Luật nhận là lời khấn công, không tạo nên hệ quả pháp lý đó, tức là không tạo nên ngăn trở tiêu hôn. Vì vậy, thành viên đã khấn trọn đời trong một Tu Hội đời hay một Tu Đoàn Tông Đồ khi xuất ra, cho dù chưa được giải lời khấn, kết hôn có thể là bất hợp pháp (illicit) nhưng vẫn thành sự (valid).
7. THAM KHẢO Ý KIẾN TÔNG TÒA KHI THÀNH LẬP TU HỘI
Thường được nghĩ là Đức Giám Mục Giáo phận phải xin phép Tòa Thánh khi muốn thành lập một dòng tu. Điều này không đúng. Giáo Luật ban cho Giám Mục Giáo phận đương nhiệm quyền thiết lập một Tu hội hay Tu Đoàn Tông đồ luật giáo phận. Ngài có thể ra một sắc lệnh chính thức để thành lập. Tuy nhiên, Giám Mục phải tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước (đ. 579) khi thấy hội đủ những điều cần thiết cho việc thành lập:
9. Khi nào Hiệp Hội đã chứng tỏ được một cách cụ thể khả năng phát triển thánh thiện và bền vững, sau một giai đoạn lâu dài trải nghiệm, Giám Mục giáo phận nơi có trụ sở chính có thể tiến hành thành lập Tu Đoàn tông đồ, sau khi đã tham khảo Tông Tòa (đ. 579). Để thực hiện điều này, đòi hỏi rằng Hiệp Hội phải đạt được ít nhất 40 thành viên, mà phần lớn họ đã gia nhập vĩnh viễn (và, trong trường hợp một Hội dòng giáo sĩ, phải có đủ số linh mục).
Thư của bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc, ngày 1-6-2016 (Prot. N. 2301/16) nhắc lại đòi hỏi về sự phát triển: "Việc thiết lập Tu hội thánh hiến theo luật giáo phận chỉ được thực hiện khi hiệp hội ấy có một đặc sủng mới và rõ ràng để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội, và đã đạt đến một sự phát triển và trưởng thành đầy đủ".
Việc tham khảo ý kiến Tông Tòa của Giám Mục theo điều 579 cũng được thư trên nhắc lại: “Trong địa hạt của mình, các Giám mục Giáo phận có thể ban hành sắc lệnh chính thức để thành lập các tu hội thánh hiến, miễn là đã tham khảo ý kiến của Tông Toà”.
Có điều đáng lưu ý là, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thêm vào khoản luật 579 nói trên một yếu tố pháp lý mới. Đó là kể từ ngày 1-6-2016 "Sắc lệnh thiết lập một Tu hội thánh hiến mới được ban hành mà không tuân thủ những chỉ dẫn của điều khoản 579 sẽ bị coi là vô hiệu" (Thư của bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc, ngày 1-6-2016, Prot. N. 2301/16).
Trước đây, nếu Giám Mục giáo phận thành lập một Tu hội mà không tham khảo ý kiến Tông Tòa thì sắc lệnh thành lập của ngài bị bất hợp luật (illicit) nhưng không bị vô hiệu (invalid), nhưng từ nay, kể từ ngày 1-6-2016, sẽ bị vô hiệu.
Tuy nhiên, thông tin nói trên là dựa vào thư của bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc, ngày 1-6-2016 (Prot. N. 2301/16). Gần đây, Đức Phanxicô mới được chích thức công bố với Tông thư "Authenticum Charismatis" dưới dạng Tự Sắc, ban hành ngày 4-11-2020 và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 11 năm 2020. Tông thư sửa đổi điều 579 của bộ Giáo luật 1983, cụm từ "formali decreto erigere" được thêm chữ "valide", viết thành "formali decreto valide erigere". Theo luật mới này, thì việc thành lập một tu hội đời sống thánh hiến sẽ không hữu hiệu nếu Giám mục đã không có phép trước của Tông Tòa.
8. MỘT SỐ BÌNH GIẢI KHÁC
8.1. Giai đoạn Hiệp Hội công là bao lâu?
Tòa Thánh không đặt ra thời hạn cho giai đoạn Hiệp Hội (giai đoạn chuẩn bị hay thử nghiệm) để tiến tới việc thành lập một Tu hội. Thử hỏi, nếu có đặt ra một thời hạn thử nghiệm như 5 năm, 10 năm, hay 20 năm thì khi đến thời hạn đó, phải xử lý làm sao khi sự phát triển của nhóm không đạt yêu cầu? Không lẽ, khi đó phải giải tán để kết thúc. Rõ ràng là trong trường hợp giải tán như vậy, gây tổn thương, vì quyền lợi của thành viên đã không được tôn trọng.
Điều khôn ngoan của Tòa Thánh là đưa giai đoạn chuẩn bị hay thử nghiệm vào một tình trạng pháp lý. Đó là tình trạng của một Hiệp Hội công các tín hữu. Hiệp Hội công này, do Đấng Bản quyền địa phương thiết lập, do luật, có tính pháp nhân. Một hiệp hội công như vậy có những bổn phận và quyền lợi được Giáo hội công nhận. Do đó, trong trường hợp Hiệp hội này không phát triển được tới mức Tòa Thánh đòi hỏi để thành lập một Tu hội hay Tu Đoàn Tông Đồ, thì cho dù đã kéo dài rất lâu năm, nó vẫn tồn tại với tư cách một Hiệp Hội công, một pháp nhân công. Nhóm thành viên đang có, cho dù ít, nhưng họ vẫn có thể giữ nếp sống tu với những lời khấn hứa, có tu phục, có đời sống cộng đoàn như một tu sĩ của một Tu hội. Trên danh nghĩa pháp lý thì họ chưa là một thành viên của bậc đời sống thánh hiến nhưng trên thực tế họ đã là.
8.2. Tập viện
Tập viện là nơi khởi đầu đời sống trong Tu hội, được tổ chức để các tập sinh nhận thức tốt về ơn gọi, để thử nghiệm nếp sống Tu hội, để được thấm nhuần tinh thần hội dòng, cũng như để chứng minh ý định và khả năng của mình (đ. 646).
Bản hướng dẫn của Tòa Thánh cho thấy rõ là sự thành lập một Tập viện có một vị Giám Tập là cần thiết. Đối với Hội dòng, thời gian nhà tập phải đủ 12 tháng trong một nhà dành cho cộng đoàn tập viện (đ. 647-648). Đối với Tu hội đời hay Tu Đoàn Tông đồ, tuy có thể không có tập viện như Hội dòng nhưng hiến pháp phải quy định về sự thâu nhận, về thời gian và cách thức thử luyện để có thể tuyên khấn hay cam kết tạm thời và vĩnh viễn (đ. 720, 734, 735).
Quyền thâu nhận, cho phép người này người kia được thâu nhận vào tập viện, được khấn tạm hay khấn trọn thì thuộc về bề trên và ban cố vấn theo quy định hiến pháp. Vị sáng lập, nếu không là bề trên, phải tôn trọng quyền tự trị theo luật, nhất là việc lãnh đạo của Tu hội (đ. 586§1).
8.3 Vị Sáng lập, Bề trên, Vị Điều hành
Trong ngôn ngữ thường dùng, từ "bề trên" được dùng lẫn lộn, nhưng Giáo Luật dùng những chữ khác nhau, cần phân biệt.
Trong Hội dòng (Istituta religiosa), chữ Superior: Bề trên (đ. 617, 622) được dùng để chỉ các vị lãnh đạo có quyền trong giới hạn nhiệm vụ mình. Chữ Supremus Moderator: Vị Điều hành tổng quyền, để chỉ vị có quyền trên mọi tỉnh dòng, các nhà và các thành viên của tu hội (đ. 622).
Đối với Tu Hội đời, Tu Đoàn Tông đồ, Hiệp hội, Giáo Luật không dùng chữ Superior: Bề trên để chỉ các vị lãnh đạo mà dùng chữ Moderator: Vị điều hành và chữ Supremus Moderator: Vị Điều hành tổng quyền (đ. 717, 738#1, 743, 744, 745, 317#2).
Còn vị sáng lập, trong văn bản hướng dẫn, Tòa Thánh dùng chữ fondateur. Khi trình các tài liệu để tham khảo ý kiến, Tòa Thánh đòi phải có lý lịch của hai vị phân biệt: vị sáng lập (fondateur) Hiệp Hội và vị Bề Trên tổng quyền hay vị Điều hành tổng quyền đầu tiên của Hiệp Hội.
Nếu vị sáng lập là thành viên của Hiệp Hội thì vị này mới có thể là Vị điều hành hay bề trên của Hiệp hội. Vì một khi Hiệp hội có cơ cấu pháp lý như Tu hội hay Tu đoàn Tông đồ thì phải tuân theo những nguyên tắc của Giáo luật tương ứng. Nguyên tắc về Bề trên và vị Điều hành Tổng quyền được luật quy định là người này phải là thành viên của cộng đoàn. Ngay cả đối với Tu hội đời, điều 717 cũng có quy định: "Không ai có thể được chỉ định làm vị Điều hành Tổng quyền, nếu không được gia nhập vào tu hội một cách dứt khoát."
Ví dụ linh mục A, hay Giám Mục B, sáng lập ra Hiệp Hội công nhắm đến thành Tu Đoàn TĐ nữ thì ngài không thể là vị Điều Hành tổng quyền hay bề trên của Hiệp Hội hay của Tu Đoàn TĐ nữ đó. Ngài có vai trò vận động, giúp đở tinh thần vật chất, hướng dẫn tổ chức, linh hướng … nhưng ngài không thể là Bề trên hay vị Điều hành tổng quyền.
Ngoài ra, mỗi tu hội được Giáo luật thừa nhận quyền tự trị trong sinh hoạt nhất là trong việc lãnh đạo, như điều 586§1 quy định:
Mỗi tu hội được thừa nhận có quyền tự trị chính đáng trong sinh hoạt, nhất là trong việc lãnh đạo, nhờ đó, tu hội có một kỷ luật riêng trong Giáo Hội và có thể bảo toàn nguyên vẹn gia sản của mình được nói đến ở điều 587.
Sự đứng bên cạnh giúp đở của vị sáng lập (không là thành viên và bề trên) sẽ giúp cho sự trưởng thành và tự trị của Hiệp Hội. Điều này còn giúp tránh được sự suy sụp của Hiệp Hội nếu như vị sáng lập qua đời hoặc không thể hoạt động được. Ngược lại sự can thiệp quá lớn của vị sáng lập vào Hiệp Hội cũng sẽ dễ gây bất ổn và thiếu trưởng thành. Tòa Thánh nhấn mạnh rằng chỉ khi thấy chắc chắn Hiệp Hội có đặc sủng mới rõ ràng và phát triển bền vững thánh thiện thì mới có thể tiến tới thành lập Tu Hội.
8.4. Quyền được hiểu biết của thành viên
Nếu một bạn trẻ nam hay nữ viên khi đã hiến thân trong một cộng đoàn mà cứ tưởng đó là một dòng tu được chính thức thành lập, đã tiến đến khấn tạm hay khấn vĩnh viễn, rồi sau đó mới khám phá ra dòng của mình chưa được chính thức thiết lập bởi giáo quyền, và hơn nữa nếu cộng đoàn đó có nguy cơ bị giải tán (có thể không phát triển được hay do Giám Mục thấy bất ổn) thì lúc đó vị sáng lập, thiết thưởng, mang một lỗi rất nghiêm trọng đối với các thành viên.
Những người nam hay nữ muốn hiến thân đều cần và có quyền lợi được biết về những điểm căn bản: bản chất, tinh thần, đặc sủng, linh đạo … của một dòng tu mà mình muốn gia nhập vào. Ở đây, trong vấn đề sáng lập dòng, xin lưu ý những vị sáng lập, cần phải cho các thành viên biết rõ tình trạng pháp lý và hướng đi của dòng; nghĩa là, cho biết dòng đang được hình thành là đang ở giai đoạn Hiệp Hội hay đã được chính thức thiết lập.
==================
PHỤ LỤC
Giai đoạn khởi đầu lập tu hội
Việc thành lập tu hội ở giai đoạn khởi đầu, lập hiệp hội tư, được phỏng theo hướng dẫn của Tổng Giáo Phận Saint Paul và Minneapolis ở Hoa Kỳ, như sau:
Cấp độ 1: Hiệp hội do tình nguyện của các cá nhân
1- Một nhóm nhỏ ít nhất 3 thành viên tình nguyện sống chung với nhau, xin sự chuẩn nhận của Đức Giám Mục Giáo phận, với mục đích để thiết lập một tu hội đời sống thánh hiến. Thời gian sống chung nên ít là 2 năm.
2- Trong giai đoạn khởi đầu này, nhóm phải chủ động phát triển đời sống, soạn thảo quy chế, nhờ sự giúp đở của một cha chuyên về giáo luật.
3- Mỗi thành viên nên tìm cách để được giáo dục hơn nữa trong tinh thần và bản chất của nhóm mà họ lựa chọn. Họ nên liên kết hay nhờ giúp bởi một nhóm khác để có thể chia sẽ việc cầu nguyện, đời sống cộng đoàn và kiến thức. Một chương trình đào tạo liên tục về thần học và tu đức cần được xúc tiến và phát triển.
4- Hiệp hội tình nguyện này có thể có một vị linh hướng riêng và cha giải tội.
5- Nhóm phải thường xuyên, ít nhất một năm một lần, liên hệ với cha phụ trách về dòng tu của giáo phận, cho ngài biết những thông tin về mỗi thành viên, bao gồm cả lý lịch, chứng chỉ bí tích, văn bằng, những tài liệu về những lời khấn, về y tế…
6- Cũng cần thông tin cho cha phụ trách về thể lý, về phẩm chất đời sống cộng đoàn về điều kiện kinh tế của các thành viên.
7- Những thông tin được cung cấp nên dựa trên sự đánh giá, được thảo luận, hằng năm của nhóm. Những đánh giá với những mục tiêu cho năm tới nên được viết trên văn bản và trao cho cha phụ trách và xin Giám Mục Giáo phận chuẩn nhận.
8- Trong mọi trường hợp, trước khi tiến trình xin công nhận là hiệp hội tư, nhóm phải trãi qua một thời kỳ tập sinh với một tu hội tương tự.
9- Sau khi đã chứng tỏ được một sự bền vững nào đó (thường là 5 năm liên tục trong đời sống chung cộng đoàn), với những dấu hiệu tích cực, nhóm có thể xin chuẩn nhận là một hiệp hội tư bởi Giám Mục Giáo Phận.
Cấp độ 2: Hiệp Hội tư các tín hữu
1- Sau ít là hai năm được đánh gía tích cực, nhóm có thể xin Giám Mục giaó phận chuẩn nhận là một hiệp hội tư. Trong tiến trình này, quy chế cần được duyệt xét lại để điều chỉnh tốt hơn.
2- Trước khi xin được chuẩn nhận, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng những điều sau:
- Hoàn thành những văn bản, gồm cả quy chế, hướng dẫn…
- Đặc sủng hoặc mục đích được thấy rõ ràng
- Sự phát triển đạo đức của các thành viên
- Sự phát triển hiểu biết về sự chọn tuyên khấn hoặc cam kết
- Sự phát triển số các thành viên
- Sự vững chắc của việc quản lý và tài chính
- Sức khỏe thông thường
- Hiệu quả phục vụ hay sứ vụ
- Sự cởi mở và cộng tác với giáo quyền giáo phận được biểu hiện rõ ràng
3- Sau khi nghiên cứu, xem xét, Đức Giám Mục hoặc sẽ chấp nhận nhóm được lập thành hiệp tội tư các tín hữu hoặc đòi nhóm rút lại thỉnh nguyện. Những quyết định này phải được thông tri cho nhóm bằng văn bản.
4- Nếu Đức Giám Mục chuẩn nhận lập hiệp hội tư, ngài nên chỉ định một hạn kỳ, sau đó sẽ tái chuẩn nhận tùy theo sự phân định của ngài. Trong mọi trường hợp, sự chuẩn nhận bao gồm sự thiết lập một pháp nhân.
5- Nếu Đức Giám Mục chuẩn nhận lập hiệp hội, nhóm sẽ phải tuân theo những quy tắc giáo luật về hiệp hội, gồm cả điều 300 về danh hiệu “Công Giáo”, điều 301 về những hiệp hội dưới thẩm quyền giáo hội, điều 305 về sự giám sát của thẩm quyền giáo hội.
6- Sự duyệt xét lại hằng năm đã hoạch định ở cấp độ thứ nhất vẫn được tiếp tục tiến hành sau khi đã được trở thành một hiệp hội tư. Nếu đã có những đánh giá tích cực và tăng triển thành viên, sau 5 năm có thể xin Giám Mục Giáo phận thành lập một hiệp hội công các tín hữu.
(Phần tiếp theo, lập hiệp hội công và tiến đến lập tu hội, đã được trình bày ở đề tài chính ở trên)
==========================================
CONGREGATIO PRO INSTITUTIS VITAE CONSECRATAE
ET SOCIETATIBUS VITAE APOSTOLICAE
PROCESSUS A SUIVRE POUR L'ERECTION D'UNE SOCIETE DE VIE APOSTOLIQUE DE DROIT DIOCESAIN
1. Selon la pratique de ce Dicastère, avant de procéder à l'érection canonique d'une Société de vie apostolique, les Ordinaires diocésains concernés sont invités à commencer par la constitution d'une Association publique de fidèles, selon le canon 312 §1, 3°.
2. Dans le Décret d'érection de l'Association, il est important d'insérer l'expression suivante : « en vue de devenir Société de vie apostolique de droit diocésain ».
3. Étant donné la finalité ainsi exprimée, les membres peuvent vivre comme s'ils étaient membres d'une Société de vie apostolique.
4. La structure juridique de l'Association doit être, dès le début, celle qui est souhaitée pour la Société de vie apostolique, selon les normes du Code relatives aux Sociétés de vie apostolique (c. 731-746), tenant compte toutefois du nombre actuel des membres et de l'expansion de l'Association.
5. Il est très important de bien définir le charisme, la spiritualité et les œuvres d'apostolat propres à l'Association.
6. Si cela est prévu, les membres peuvent émettre des vœux privés (càd non publics, et donc non « religieux »), prononcés selon la formule insérée dans les Constitutions. Ils pourront porter un habit religieux adéquat, avoir un noviciat et un gouvernement propres, être acceptés dans d'autres diocèses, etc.
7. Cette façon de vivre facilitera le passage d'une vie apostolique vécue dans une Association publique à une Société de vie apostolique.
8. L'Évêque qui érige l'Association a le droit d'en approuver les Constitutions. Pour la rédaction de celles-ci, il serait opportun de se faire aider par un canoniste expert en la matière.
9. Lorsque l'Association aura démontré concrètement la possibilité d'un développement sain et durable, après une période prolongée d'expérimentation, l'Évêque diocésain du siège principal pourra procéder à son érection en Société de vie apostolique, après avoir consulté le Siège apostolique (c. 5791). Il est requis, pour ce faire, que l'Association ait atteint le nombre d'au moins 40 membres, dont la majeure partie soit incorporée définitivement (et, dans le cas d'un Institut clérical, un nombre suffisant de prêtres).
Vatican, 2007
==========================
CONGREGATIO PRO INSTITUTIS VITAE CONSECRATAE
ET SOCIETAT1BUS VITAE APOSTOLICAE
DOCUMENTS REQUIS POUR LA CONSULTATION
EN VUE DE L'ERECTION D'UN INSTITUT RELIGIEUX DE DROIT DIOCESAIN (C. 579)
1. Relation historico-juridique de l'Association depuis ses origines.
La relation devra inclure en particulier les éléments suivants :
a) nom et prénom du fondateur (ou de la fondatrice) ; but de la fondation ; date et lieu du commencement ; nom de l'Évêque diocésain qui a autorisé la nouvelle fondation ;
b) nombre et noms des premiers membres ;
c) érection, date et lieu de la première maison de noviciat; nom de l'Évêque qui a érigé la maison du noviciat ; nombre des premiers novices et date de leur admission au noviciat ; nombre des candidats et date de leur première profession ; nom du premier Maître des novices et, à part lui, noms des responsables de la formation initiale des premiers membres ;
d) dates des Chapitres généraux célébrés ;
e) nom de celui qui a approuvé les premières Constitutions ; date de cette approbation ; activité apostolique de l'Association à ses débuts et actuellement ;
f) expansion de l'Association dans d'autres Diocèses ;
g) spiritualité propre de l'Association.
Indiquer où sont formés ceux qui se préparent à recevoir les Ordres Sacrés.
2. Curriculum vitae du fondateur de l'Association: nom et prénom ; dates et lieux de naissance et de baptême ; noms et prénoms des parents ; lieux des études primaires et secondaires ; autres événements importants de sa vie.
3. Curriculum vitae du premier Supérieur général de l'Association: outre les points ci-dessus, ajouter : date d'entrée dans l'Association, de la profession temporaire et perpétuelle ; date de la nomination ou de l'élection en tant que Supérieur général ; indiquer qui l'a nommé ou élu, et pour combien de temps ; sa situation actuelle.
4. Statistiques des membres et des maisons: noms et prénoms des profès temporaires et perpétuels, des prêtres, des novices et des postulants ; âge des profès et des prêtres ; nombre des candidats et date de la prochaine profession perpétuelle et temporaire ; nombre des maisons où habitent les membres et nom des Diocèses où l'Association est présente. Pour l'érection d'un Institut religieux de droit diocésain, l'Association doit compter un minimum de 40 membres profès, dont la plus grande partie doit être de vœux perpétuels.
5. Relation sur l'état patrimonial : outre les éventuelles dettes, indiquer : la somme d'argent (en dollars USA ou en euros, si possible) déposée en banque ; le nombre de maisons dont l'Association est propriétaire.
6. Déclaration sur les points suivants :
a- s'il y a eu des faits extraordinaires, tels que visions, etc ;
b- s'il existe, dans le Diocèse du siège principal, un autre Institut religieux ayant le même nom et charisme.
7. Description de l'habit religieux.
8. Trois copies des Constitutions mises à jour et du Directoire, s'il existe.
9. Lettres testimoniales de la part de tous les Évêques diocésains intéressés, y compris de celui du siège principal de l'Association, à envoyer directement au Dicastère, et contenant un avis sur les points suivants :
Vatican, 2007
Nguồn tin: http://giaoluatconggiao.com
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 104 | Tổng lượt truy cập: 3,060,812