LƯỢC SỬ DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
I. LỜI MỞ
Dòng nữ Đa Minh Thái Bình (DNĐMTB) Thánh hiệu Đức Maria Trinh Nữ Vương chính thức được thành lập ngày 25/3/2004.
Cho đến nay, Hội Dòng vừa tròn 20 tuổi. Mặc dù còn non trẻ, nhưng xét về mặt nguồn gốc thì DNĐMTB cùng chung cội nguồn với các Hội dòng khác trong Liên hiệp nữ Đa Minh, bởi cùng được “nảy sinh từ cánh đồng truyền giáo thấm máu đào của các anh hùng tử đạo, trong đó có các phần tử gia đình Đa Minh.
Từ hậu bán thế kỷ XVII, các thừa sai Đa Minh sang Việt Nam truyền giáo tại đàng ngoài (1676), đã quy tụ chị em và thành lập các cộng đoàn chị em Đa Minh trong địa phận Đông Đàng Ngoài, sau trở thành khu vực địa phận Dòng (nay là các giáo phận Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bùi Chu, Thái Bình)”. Do đó, tiền thân của DNĐMTB cũng khởi đi từ những Nhà Phước Đa Minh với luật lệ và phương thức hoạt động giống với tất cả các Nhà Phước Đa Minh khác.
II. GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH
1 - Trước năm 1954
Có thể nói, Ngọc Đồng là nơi có Nhà Phước xuất hiện sớm nhất (1911). Cho đến năm 1954, số Nhà Phước trong cả địa phận (gồm 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình) đã lên tới 13 cộng đoàn và 2 cơ sở nhà thương và 1 cô nhi viện. Thời kì này, công việc chính của các chị em Nhà Phước được gói gọn trong khẩu hiệu: “Bán thuốc, rửa tội, chuộc em”. Ngoài ra, các chị em còn phải giúp các cô nhi viện, các Nhà Thương… và làm ruộng, dệt vải, nuôi tằm… để mưu sinh.
2- Giai đoạn 1954 - 1990
Biến cố di cư năm 1954, phần lớn các chị em Nhà phước đi vào miền Nam, chính vì vậy mà nhiều Nhà Phước không còn tiếp tục hoạt động như trước nữa, cụ thể như: Nhà Phước Vân Am, Cao Xá, Cổ Việt, Tiên Chu, Cao Mộc và Nhà Phước Kẻ Hệ (Ninh cù). Thay vào đó, 2 Nhà Phước mới được thành lập là: Nhà Phước Thái Bình (1956) và Nhà Phước Phục Lễ (1966).
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, nhưng ý Chúa quan phòng, cộng đoàn lại tiếp tục có thêm những chị em quảng đại dấn thân trong đời sống tận hiến. Cho đến năm 1990 các Nhà Phước Thái Bình có khoảng 50 chị em. Đây chính là “nguồn nhân lực nòng cốt”, làm nền tảng cho sự phát triển của DNĐMTB.
3 – Giai đoạn 1990 - 2004
Mặc dù phải trải qua những năm tháng với bao khó khăn vất vả, nhưng các chị em vẫn một niềm cậy trông vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Những nỗ lực của chị em đã được Chúa thấu tỏ, Ngài gửi đến cho Giáo Phận Thái Bình người cha khôn ngoan, tài đức, đó chính là Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Sang. Trong vai trò của một chủ chăn, ngài đã nỗ lực từng bước canh tân giáo phận, trong đó có việc cải tổ các Nhà Phước Đa Minh.
Để chuẩn bị cho việc lập Dòng, ngay từ năm 1992, Đức Cha bắt đầu gửi những chị em lớn tuổi ở các Nhà Phước Thái Bình vào miền Nam để học tập và tuyên khấn tại Dòng Đa Minh Rosa - Miền Mân Côi. Sau khi tuyên khấn, các chị trở về nhiệm sở cũ, nơi đã từng sinh sống để thi hành sứ vụ của Dòng. Từ đây, ơn gọi của các chị mang đặc nét mới, các chị chính thức là những nữ tu Đa Minh Rosa Lima mang trên mình sắc phục màu trắng thay cho tấm áo dài đen ngày xưa, các chị khấn giữ ba Lời Khuyên Phúc Âm theo Giáo Luật và luật Dòng. Cùng thời điểm đó, từng lớp các em trẻ cũng được gửi vào miền Nam để được đào tạo từ đầu qua các giai đoạn: Thỉnh Sinh, Tập Viện và Học Viện.
Khoảng giữa Năm Thánh 2000: Đức Cha làm đơn gửi sang Toà Thánh Rôma, xin Thánh Bộ Truyền Giáo cho phép thành lập Dòng Nữ Đa Minh tại Giáo phận Thái Bình, bằng việc xin “Nâng Cộng Đoàn Nhà Phước Đa Minh Giáo phận Thái Bình vẫn đang có trong Giáo phận lên thành Hội Dòng Tu sĩ có lời khấn”, kèm theo đơn xin thành lập là Bản Hiến Pháp cho Hội Dòng tương lai này.
Được Tòa Thánh chấp thuận trong văn thư đề ngày 31/01/2001, Đức Cha tiếp tục hoàn tất giấy tờ theo thủ tục xã hội để xin được thành lập lại Dòng Nữ Đa Minh tại Giáo phận, vốn đã có gốc là Nhà Phước Đa Minh.
Tháng 7 năm 2003, được sự chấp thuận của Đức Cha Phanxico – Giám mục Giáo phận, cho phép mượn phần đất của Chủng viện Mỹ Đức - chị em đã khởi công xây dựng ngôi nhà ba tầng có diện tích sử dụng 535m2 x 3 tầng = 1.605m2. Dù kinh tế có phần eo hẹp, nhưng với tất cả sự nỗ lực của chị em và sự giúp đỡ của quý đấng bậc, quý Thân Ân nhân xa gần, ngôi nhà đã được đưa vào sử dụng năm 2004.
Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý cả đạo lẫn đời, Đức cha Giáo phận đã trình bày thiện ý của ngài với Bề trên Miền Mân Côi, Bề trên Dòng nữ Đa Minh Rosa Lima xin cho các chị em đã khấn được trở về Giáo phận để làm thành một Hội dòng mới tại Giáo phận Thái Bình.
Ngày 25/3/2004, lễ Truyền Tin Ngôi Lời Nhập Thể, tại Nhà Nguyện Toà Giám mục Thái Bình, Đức Cha đã long trọng công bố “SẮC LỆNH THÀNH LẬP DÒNG NỮ ĐA MINH GIÁO PHẬN thánh hiệu ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG”; đồng thời Ngài đã ký và áp triện Giám mục vào cả 2 bản văn: SẮC LỆNH LẬP DÒNG và HIẾN PHÁP của Hội Dòng mới này. Ngài tạm thời đặt nữ tu Gioanna Phạm Thị Đức làm Bề trên Tổng quyền, nữ Tu Maria Nguyễn Thị Thanh làm Phụ tá Bề trên Tổng quyền.
III. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Để hoàn tất việc lập Dòng theo đúng chỉ dẫn của Tòa Thánh, ngày 26/7/2004, Đức Cha Phanxicô đã cử hành lễ Khấn trọng thể cho các nữ tu đã trở về Giáo phận, được khán gia nhập Dòng mới - Dòng nữ Đa Minh Thái Bình, Bề trên Tổng quyền khấn trọn trong tay Đức Cha, sau đó 52 chị em đã khấn trọn, khấn tạm tại Dòng nữ Đa Minh Rosa sẽ khấn gia nhập Dòng mới trong tay tân Bề trên Tổng quyền Gioanna Martin Phạm Thị Đức.
Ngày 22/8/2004: Hội Dòng tổ chức Thánh lễ Tạ Ơn Thiên Chúa, mừng lễ Bổn Mạng Hội Dòng lần đầu tiên; chính thức ra mắt cách công khai; Hồng ân Vĩnh khấn cho 7 chị và 2 chị Tiên khấn.
Một năm sau, ngày 22/8/2005, Thánh lễ khấn Dòng được tổ chức cho 3 chị Vĩnh khấn, 9 chị đã hoàn tất năm Tập theo Giáo luật và Hiến pháp, được tuyên khấn tạm lần nhất trong tay chị Bề trên Tổng quyền.
Từ đây, mỗi độ tháng tám về; Hội dòng nữ Đa Minh Thái Bình hân hoan đón MÙA HỒNG ÂN. Bởi lẽ, lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Đức Giêsu năm xưa thật ngắn gọn, đơn giản nhưng lại có sức thu hút mạnh mẽ - diệu kỳ, khiến nhiều tâm hồn thiếu nữ quảng đại bước theo Thầy được diễn tả cụ thể qua việc tuyên khấn.
Sau 20 năm thành lập, số các chị em nữ tu Đa Minh Thái Bình tăng lên nhiều.
Về nhân sự: Hiện nay, Hội dòng có trên 200 chị em, trong đó: 123 chị khấn trọn, 31 chị khấn tạm, 16 em tập sinh và trên 30 em Thỉnh sinh.
Số cộng đoàn: Chị em trong Hội dòng đang hiện diện và phục vụ tại 16 Cộng đoàn, thuộc 4 Giáo phận: Thái Bình (13 cộng đoàn), Hà Nội, Sài Gòn và Xuân Lộc. Trong đó: 2 Tu viện, 2 Tu xá, 11 Tu sở, 1 Học xá.
1 - Đào tạo tri thức
Mặc dù còn khó khăn thiếu thốn nhiều mặt, nhưng Hội dòng vẫn luôn quan tâm đến việc đào tạo nhân sự cả về tu đức và tri thức.
Trong những năm qua, con số các chị em theo học tại các trường Cao Đẳng và Đại học mỗi ngày một thêm đông. Cùng với những kiến thức về văn hóa, các chị em còn được học các môn: Tinh thần Dòng, Giáo lý, Giáo luật, Tu đức, Ba lời khấn, luật dòng… Sau khi tuyên khấn tạm, số đông các khấn sinh được gửi đi học Thần học tại học viện liên dòng nữ Đa Minh; hiện tại Hội Dòng có 3 chị đang du học tại Rôma và 4 đang du học tại Mỹ.
Hội Dòng đã cố gắng trang bị cho chị em có những khả năng cần thiết để sống ơn gọi tu sĩ, nhất là được thấm nhuần hơn linh đạo dòng Đa Minh, để có thể phần nào đáp ứng những nhu cầu cần thiết của Giáo Hội trong thế giới hôm nay.
2 - Các hoạt động tông đồ và Bác ái xã hội
2.1 - Hoạt Động Tông Đồ
Theo định hướng của Hội Dòng là : “giáo dục đức tin và văn hóa cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng”, chính vì thế mà tại cộng đoàn, chị em mở các lớp mầm non để hướng dẫn, giáo dục nhân bản và xây dựng niềm tin Kitô giáo cho trẻ, Tại Giáo xứ, chị em cộng tác với các cha xứ dạy các lớp Giáo lý; phụ trách các ca đoàn; đồng hành với sinh viên và giới trẻ; cắm hoa nhà thờ; dạy dâng hoa... Ngoài ra còn tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo về đàn,nhạc, giáo lý viên trong Giáo phận.
2.2 – Bác ái xã hội
Noi gương Thầy Giêsu chí thánh, cùng với việc giáo dục Đức Tin, Hội Dòng luôn dành sự quan tâm tới những người nghèo, những người thiếu may mắn trong xã hội. Hội dòng đã mở các lớp dạy cắt may miễn phí cho các thanh niên thiếu nữ nghèo; làm trung gian cấp học bổng cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phần kinh phí cho những người đến chữa bệnh tại các phòng thuốc của Hội dòng; thăm viếng, giúp đỡ những người bệnh tật, già yếu, neo đơn; phục vụ bệnh nhân tại trại phong Văn Môn.
IV. HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Trong tinh thần phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, dưới sự bảo trợ của Đức Maria Trinh Nữ Vương, Hội dòng luôn hướng về tương lai với niềm lạc quan tin tưởng.
Về Đào Tạo: Cố gắng cho mọi chị em được học Thần học trong khả năng có thể. Chuẩn bị nhân sự để có người giảng dạy trong việc tự đào tạo cho Dòng.
Về Sứ Vụ Tông Đồ: Tiếp tục lưu tâm tới việc huấn giáo tại các giáo xứ, đặc biệt là vấn đề đức tin. Cộng tác với các tu sĩ, Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh và các thành phần khác trong Giáo Hội, để việc loan báo Tin Mừng nước Chúa được hữu hiệu
Tại các cộng đoàn, tiếp tục mở các "Nhóm trẻ gia đình" để khi có điều kiện sẽ tiến tới việc mở trường dạy trẻ, giúp các bé hấp thụ được nền giáo dục theo nhân bản và đức tin Kitô giáo.
Mặc dù có rất nhiều dự phóng cho tương lai, nhưng xét thấy nội lực của Hội Dòng không đủ cả về nhân lực và tài lực, nên rất cần sự chỉ dẫn của Quý Đấng bậc, sự chung tay nâng đỡ của quý ân nhân xa gần để ước vọng của Hội Dòng sớm được thực hiện.
KẾT LUẬN
Trong suốt dòng lịch sử thăng trầm, từ khi miền đất Việt đón nhận niềm tin Công Giáo, các Nhà phước cũng đồng thời được hình thành và đã góp phần rất lớn trong việc truyền giảng Tin Mừng. Các chị đã thể hiện niềm tin yêu và sự hiến dâng phục vụ của mình qua nhiều cách thế thích ứng với từng thời điểm.
Từ Nhà Mụ Đa Minh tới Nhà phước Đa Minh và nay là Hội dòng Nữ Đa Minh Thái Bình, một bước ngoặt lịch sử đã làm thay đổi nếp sống của các chị em, từ “cây cổ thụ” Nhà phước trở thành mầm non ươm những Chị Dòng. Đây là sự phát triển tất yếu nhưng cũng không thiếu những trở ngại khiến chị em phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong cuộc sống của mình. Tất cả chỉ là một con đường duy nhất, một hành trình xuyên suốt thời gian hơn 3 thế kỷ. Lý tưởng vẫn luôn là “phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân”, phương châm vẫn là “nói với Chúa và nói về Chúa” trong khả năng hạn hẹp của chị em. Thiết nghĩ đó chính là đóng góp cụ thể vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội ngay tại nơi chị em được cử đến phục vụ.
Hành trình 20 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ cho mỗi thành viên trong Hội dòng cùng nhìn lại để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và khám phá ân huệ của Người, để từ đó lại tiếp tục bước đi trong niềm phó thác tin yêu.
(Cập nhật ngày 25/01/2024)
Ban truyền thông
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 237 | Tổng lượt truy cập: 4,162,167