Ngày 28/8 - Thánh Au-gút-ti-nô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

  • 15/01/2023 18:39
  • Có thể nói, suốt đời Ngài là một cuộc truy tầm Chân lý không ngưng nghỉ. Dù khi thất bại hay lúc hân hoan vì đã tìm ra và cảm được Chân lý, tất cả đều là những bài học rất quý giá giúp Ngài viết nên những gia sản tinh thần, để lại cho các thế hệ tương lai, không chỉ về mặt văn chương, triết lý mà còn cả về thần học, luân lý, tín lý và tu đức, qua những tác phẩm nổi tiếng như Tự thuật, Thành đô Thiên Chúa…cùng với Bộ Tu Luật, mà rất nhiều Dòng chọn làm nền tảng cho đời sống tu trì.

    "Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con"

    Lời cầu nguyện chân thành, đơn sơ và khiêm tốn này có lẽ đã theo suốt cuộc đời của vị Thánh Tiến sĩ mà Giáo hội mừng kính hôm nay, đó là Thánh Giám Mục Augustinô.

    Thánh Augustinô, sinh ngày 13/11/ 354 tại Tagaste, Bắc Phi. Cha là Patricô, nghị viên của thành phố, một người ngoại giáo và đã được Rửa tội vào lúc cuối đời. Mẹ là Thánh Monica, một người mẹ thánh thiện đạo đức, đã âm thầm dõi bước chồng con và đêm ngày hy sinh cầu nguyện cho chồng con được ơn trở lại sống đời đức tin chân chính.

    Sinh thời, Augustinô đã được hấp thụ một nền giáo dục có thể nói là hoàn hảo. Với năng khiếu phú bẩm, Augustinô đã tiến rất nhanh trên đường danh vọng, trở thành giáo sư môn Hùng biện ở Tagaste và Carthago, thủ phủ hành chánh của Bắc Phi, khi tuổi đời còn rất trẻ. Say mê triết học và hăng say tìm kiếm Chân lý, Augustino đã bị lôi cuốn bởi thuyết nhị nguyên Manike, đắm mình trong đời sống trụy lạc với những tư tưởng trái nghịch với Đức tin Công giáo. Dù vậy, tiếng gọi từ trời cao vẫn chưa đến được tâm hồn, chưa chạm vào được cõi lòng, cũng chưa thể lay động cuộc sống của Augustinô. Trái lại đường danh vọng ngày càng mở rộng, mời đón. Năm 383, Giáo sư Augustino sang Italia và dạy học tại Milan. Tại đây, Ngài càng có nhiều cơ hội gặp gỡ những con người tài giỏi cùng tiếp xúc với bao học thuyết mới lạ. 

    Nhưng cũng chính nơi đỉnh cao danh vọng này, Augustinô đã thấy được sự cô đơn trống vắng của tâm hồn cùng những thất bại tràn trề trong việc khát khao tìm kiếm Chân lý. Chính trong cảnh huống đó, Ngài nghe thấy tiếng mời gọi “cầm lấy, đọc đi”, và đó chính là đoạn Kinh Thánh, trong thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Roma “Chúng ta hãy ăn ở sao cho xứng đáng như người đang sống giữa ban ngày, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tương, nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Ánh sáng ở cuối đường hầm đã xuất hiện, dù le lói, nhưng cũng là nguồn lực lớn lao giúp người lữ hành cảm thấy ấm lòng. Ngài bắt đầu nghiên cứu giáo lý Công Giáo, theo sự chỉ dẫn đầy thuyết phục của Đức Giám Mục Ambrosiô, thành Milan, người có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc trở về của Ngài. Đêm Vọng Phục sinh 24/4/ 387, Ngài được Rửa Tội, lúc đó Ngài đã 33 tuổi.

    Với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, qua ánh sáng Đức tin vừa được lãnh nhận, Ngài sẵn sàng từ bỏ tất cả để trở lại Carthago (Phi Châu), cùng một số bạn bè và người thân tín, chuyên tâm cầu nguyện, luyện tập nhân đức, sống đời khổ hạnh và sám hối như trong một dòng tu. Nhưng tiếng lành đồn xa, chẳng bao lâu sau, Giám mục Valerio thành Hippo, khám phá ra Ngài và phong Ngài làm Linh Mục năm 391. Sau khi vị Giám mục qua đời, Ngài lên kế vị. Lòng nhiệt thành, sự khôn ngoan, sáng suốt và thánh thiện của Ngài đã giúp cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều.

    Sau 76 năm khắc khoải tìm Chúa, Thánh nhân đã được an nghỉ trọn vẹn trong Chúa năm 430.

    Có thể nói, suốt đời Ngài là một cuộc truy tầm Chân lý không ngưng nghỉ. Dù khi thất bại hay lúc hân hoan vì đã tìm ra và cảm được Chân lý, tất cả đều là những bài học rất quý giá giúp Ngài viết nên những gia sản tinh thần, để lại cho các thế hệ tương lai, không chỉ về mặt văn chương, triết lý mà còn cả về thần học, luân lý, tín lý và tu đức, qua những tác phẩm nổi tiếng như Tự thuật, Thành đô Thiên Chúa…cùng với Bộ Tu Luật, mà rất nhiều Dòng chọn làm nền tảng cho đời sống tu trì.

    Đọc lại tiểu sử của thánh nhân, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và bỡ ngỡ. Ngạc nhiên vì một con người xem ra đã hư hỏng, đã lầm đường lạc lối, đã hết phương cứu chữa lại trở nên vị đại thánh tài danh; bỡ ngỡ sững sờ vì không ngờ con người ấy biến đổi quá lẹ, làm thánh quá nhanh, trên một lộ trình quá vững chắc. Điều gì làm nên việc kỳ diệu này? Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã có đáp số. Đó chính là tâm hồn rộng mở với khát khao truy tầm và đón nhận Chân lý, nên khi Ánh Sáng Ân Sủng từ trời cao đổ xuống, cùng với bao hy sinh và nước mắt lặng thầm của người mẹ thân yêu, người lỡ lầm đã hiên ngang ngụp lặn trong đại dương của Vẻ đẹp ngàn đời, can đảm để Vẻ đẹp biến đổi, giúp cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới theo Chân Lý sáng soi. Và Ngài đã hối tiếc thốt lên: “Lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa và hằng mới, con đã yêu mến Chúa quá muộn… Chúa ở trong con mà con lại cứ chạy ra ngoài tìm Chúa … Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con chỉ tìm thấy bình an khi được yên nghỉ trong Chúa”.

     Giữa một thế giới đầy biến động và đòi hỏi không ngừng, con người ngày nay dường như quá mệt mỏi, quá vội vã và quá hấp tấp để sống. Sống lấy được, sống nhàn nhạt, sống qua ngày, sống không mục đích… có lẽ đang ngự trị trong một phần không nhỏ những người trẻ hôm nay, vì thế các quán bar, vũ trường, các tụ điểm ăn chơi, cùng các trò ảo – thật đang làm điên đảo cuộc sống của họ… Phải chăng vì họ không có mục đích sống hay vì không có ai chỉ cho họ thấy đâu là hạnh phúc đích thực, nên họ cứ mải mê quay cuồng trong cuộc tìm kiếm vớ vẩn, va vấp và vô vọng…

    Thánh Augustino đã đi từ thất bại này tới thất bại khác trên đường tìm Chân lý, đã nếm cảm bao vị mặn ngọt chua cay của phận người, và cũng đã từng nghẹn ngào kêu lên: “ Lạy Chúa, Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu không có con cộng tác”. Và sự cộng tác rất nhiệt thành của Thánh nhân chính là việc khát khao tìm kiếm Chân lý và mở rộng lòng đón nhận Ơn ban, cùng yêu mến hết tình và sống hết mình cho Chân lý.

    “Sự ao ước Thiên Chúa được viết trong trái tim con người, vì con người được tạo ra bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa không bao giờ ngừng lôi kéo con người lại với chính mình. Chỉ trong Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy chân lý và hạnh phúc mà họ đã không ngừng tìm kiếm” (GLHTCG, số 27).

    Xin cho mỗi chúng ta, nhất là những người trẻ hôm nay, luôn biết khát khao tìm kiếm Chân lý, dù gặp nhiều khó khăn trên hành trình đức tin, cũng không bao giờ thất vọng, chán nản, buông xuôi hay sợ hãi Chân lý, nhưng vẫn kiên trì tín thác, để cùng với Thánh nhân, khẩn khoản nài xin: “Ôi lạy Cha, xin cho con tìm kiếm Ngài và giải thoát con khỏi lầm lạc. Ước gì trong cuộc tìm kiếm, ngoài Ngài ra con không tìm kiếm bất cứ điều gì khác. Nếu con không khao khát gì ngoài Ngài thì, ôi lạy Cha, con nguyện xin Ngài cho con được tìm thấy Ngài. Và nếu trong con còn đọng lại niềm khao khát vô ích nào đó, thì xin chính Ngài hãy gột bỏ khỏi con và làm cho con có thể nhìn thấy Ngài”. Amen.

    Binhsanhdevo,op

    Bài viết liên quan