Ngày 29 tháng 8
THÁNH GIOAN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT
1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Để dọn đường cho Chúa Giêsu đến cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã cho bà Ysave son sẻ được sinh con. Người con đó là Gioan Tẩy giả. Lớn lên, ngài vào sống khổ hạnh trong sa mạc: Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.(Mt. 3,4).
Năm 29 tuổi, thánh nhân đến sông Giođan, rao giảng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và lãnh phép rửa sám hối của Ngài, để dọn lòng xứng đáng đón rước Chúa Cứu thế. Nhiều người đã đến lãnh nhận phép rửa thống hối, và xin ngài chỉ dạy cách thế để hoán cải đời sống. Chính Chúa Giêsu khi bắt đầu đi rao giảng Nước Trời, cũng đến nhờ Ngài làm phép rửa, để được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Đấng Cứu Thế, và Chúa Cha công khai nhìn nhận là Con Yêu Dấu.
Thời điểm Gioan Tẩy Giả làm phép rửa sám hối bên bờ sông Giođan trùng hợp với lúc Hêrôđê Antipa làm quận vương cai trị xứ Galilêa. Cuộc sống của ông có nhiều lầm lỗi và lầm lỗi lớn nhất mà ai cũng biết đó là ông ngang nhiên lấy vợ của anh làm vợ của mình. Người đàn bà xấu nết đó là bà Hêrôđia. Thấy vậy, Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng công khai cảnh cáo và ngăn cản. Việc đó đã đến tai Hêrôđia làm cho bà hết sức tức giận. Bà đã yêu cầu Hêrôđê bắt giam Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả đã bị bắt giam nhưng bà ta vẫn chưa vừa lòng. Biết Gioan Tẩy Giả là một con người không thể mua chuộc cho nên bà luôn tìm dịp để giết ngài. Và đây là dịp. Chúng ta hãy nghe thánh sử Márcô thuật lại việc làm này của Hêrôđia :
Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrođê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilêa. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái:
- Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.
Vua lại còn thề :
- Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước, cũng được.
Cô gái đi ra hỏi mẹ
- Con nên xin gì đây ?
Mẹ cô nói :
- Đầu Gioan Tẩy giả.
Lập tức cô vội trở vào, đến bên nhà vua và xin rằng :
- Con muôn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy giả, đặt trên mâm.
Nhà vua buồn lắm, nhưng vì lời thề, và khách dự tiệc, nên chẳng muốn thất hứa với cô. Lập tức vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm, trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ “. (Mc. 6,2128).
Thánh Hiêrônimô còn cho chúng ta biết thêm một chi tiết thú vị này: Sau khi nhận được đầu của Gioan Tẩy Giả, Hêrôđia đã lấy giao cạy miệng thánh nhân ra và đâm một nhát thấu qua cái lưỡi đã dám nói lên những lời xúc phạm đến bà.
Thánh Linh mục Bêđa khả kính đã giải thích ý nghĩa cái chết của ngài như sau:
“Đấng thánh loan báo Chúa sinh ra, rao giảng và chịu chết, đã tỏ cho chúng ta thấy một sức mạnh xứng đáng được Chúa nhìn. Như lời Kinh Thánh chép: “Theo nhãn giới người phàm, thì người đã gặp nhiều đau khổ, nhưng hy vọng của người đã tràn đầy bất tử.”
2. Thông điệp và tính thời sự
Các kinh nguyện trong thánh lễ ca tụng “người con vĩ đại nhất trong các con cái loài người (theo Mt 11,14) được gọi là “người công chính và thánh thiện” (Điệp ca II Kinh sáng)
Lời nguyện trong ngày nhấn mạnh Thiên Chúa đã muốn “thánh Gioan Tẩy giả là người đi trước cả trong việc sinh cũng như tử của con Chúa”. Đề tài về việc thọ nạn có tính tiên báo đó của thánh Gioan được bài giảng của thánh Bêđa khả kính triển khai và Giáo hội cho chúng ta đọc trong Giờ kinh Phụng vụ: “Vị thánh Tiền Hô về việc sinh hạ, việc rao giảng và cái chết của Chúa, qua cái chết của mình, đã chứng tỏ một sự can đảm xứng đáng thu hút cái nhìn của Thiên Chúa … yêu chuộng cái chết chắc chắn sẽ tới (những con người giống thánh nhân như thế) đã lựa chọn đón nhận nó bằng cách tuyên xưng danh Đức Kitô và nhờ thế lãnh được cành lá chiến thắng của cuộc sống trường sinh”.
Lời nguyện trong ngày cũng nhắc lại “thánh nhân đã hiến mạng sống vì lẽ công chính và vì chân lý”. Ngài loan báo không chút sợ sệt trước mặt dân chúng cũng như vua quan, mặc dầu có nguy hiểm cho cuộc sống.
Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh ơn gọi thánh Gioan Tẩy giả đi “rao giảng nơi hoang mạc” để loan báo Nước trời sắp tới “Tôi không phải là Mêssia, tôi được sai đi trước báo tin Người đến; Người sẽ lớn lên và tôi sẽ nhỏ đi” (xem Ga 3,28.30). Nhưng ngần ấy đã là niềm vui, vì như điệp khúc ca vịnh Zacharie nhắc lại: “Bạn của Hôn thê nghe tiếng của Hôn thê liền vui mừng” (xem Ga 3,29). Trong kinh tiền tụng, chúng ta gặp lại những biến cố đặc trưng trong sứ vụ của Vị Tiền hô. Trước hết là việc Người sinh ra đã đem lại niềm vui lớn. Thứ đến, việc nhận ra Đấng Mêssias mà ngài công nhận là Chiên Thiên Chúa và được Ngài rửa cho trong sông Giođan. Sau hết là “chứng tá đẹp đẽ nhất” của Ngài đối với Đức Kitô chính là cái chết làm chứng của mình.
Là tiền hô của Đức Kitô trong việc sinh ra cũng như trong cái chết, thánh Gioan Tẩy giả, Đấng rao giảng trong hoang địa sự sám hối, tính ngay thẳng, đã để lại cho chúng ta ý nghĩa đích thực của việc thanh tẩy: đó là dâng hiến mãi mãi cuộc đời mình, trong đức công chính và chân lý Phúc âm, đến độ hy sinh trọn vẹn bản thân mình.
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Nguồn tin: https://tgpsaigon.net/
https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 76 | Tổng lượt truy cập: 4,164,961