Khi toàn thế giới kỷ niệm Ngày Trái Đất vào thứ Hai, 22/4/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi khẩn cấp của ngài về hành động táo bạo vì ngôi nhà chung và hòa bình thế giới.
Ngày Quốc tế Trái Đất được thành lập vào năm 1970 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về những thách thức to lớn của môi trường mà hành tinh đang phải đối mặt và huy động các nỗ lực để giải quyết chúng. Ngày này là cơ hội để các cá nhân, cộng đồng, tổ chức và chính phủ cùng nhau tham gia các hoạt động khôi phục hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học nhằm bảo tồn hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Thế giới vẫn chưa làm đủ
Trong một thông điệp được đăng trên nền tảng X, Đức Thánh Cha lưu ý rằng thế hệ đương thời đã để lại rất nhiều của cải tiền tệ cho các thế hệ tiếp theo, nhưng lại làm rất ít để bảo vệ hành tinh. Ngài cũng gợi lên mối liên hệ giữa các vấn đề môi trường hiện nay và nhiều cuộc xung đột đang hoành hành trên thế giới.
« Thế hệ của chúng ta đã để lại nhiều của cải, nhưng chúng ta đã không biết bảo vệ hành tinh này và chúng ta không bảo vệ được hòa bình. Chúng ta được mời gọi trở thành những nghệ nhân và những người bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta là Trái Đất, đang “rơi vào cảnh hoang tàn”. #Ngày Trái Đất ».
Thông điệp của Đức Thánh Cha lặp lại những nhận xét được đưa ra trong thông điệp Laudato Si’ năm 2015 về việc bảo vệ ngôi nhà chung và lời kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và chính phủ quan tâm đến công trình tạo dựng.
Ngày Trái Đất 2024 vì một thế giới không nhựa
Mỗi năm, Ngày Trái Đất có một chủ đề cụ thể nhằm thu hút sự chú ý của thế giới vào các vấn đề môi trường cấp bách. Dưới biểu ngữ “Hành tinh chống lại nhựa”, phiên bản lần thứ 54 này tập trung vào ô nhiễm nhựa và nhu cầu cấp thiết phải giảm việc sử dụng và sản xuất nhựa. Ngoài những tác động đến môi trường, sự gia tăng nhựa còn gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe con người, cũng như những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra.
400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm
Con người sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa mỗi năm, gần bằng trọng lượng của toàn bộ con người trên hành tinh. Chỉ 9% sản lượng được tái chế, và khoảng 22% rác thải nhựa trên thế giới không được thu gom. Chúng bị xử lý không đúng cách hoặc bị đưa vào các bãi chôn lấp bất hợp pháp. Bằng cách phân hủy thành các vi hạt, nhựa giải phóng các hóa chất độc hại cho hệ sinh thái, làm ô nhiễm đại dương (nơi có hơn một triệu tấn thải ra mỗi năm), nguồn thực phẩm và nước, đồng thời gây nguy hiểm cho mọi dạng sống.
Tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người
Do đó, chiến dịch năm 2024 tập trung vào việc nâng cao nhận thức về những tác động có hại này. Nó kêu gọi tăng cường nghiên cứu về hậu quả sức khỏe của việc tiếp xúc với nhựa và ủng hộ sự minh bạch trong việc chia sẻ kết quả với công chúng. Mục tiêu trước mắt của chiến dịch là nhanh chóng loại bỏ nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và đưa cam kết này vào hiệp ước của Liên hợp quốc về ô nhiễm nhựa trước cuối năm nay, nhằm đảm bảo sự hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến đấu chống lại vấn đề cấp bách này.
Mục tiêu dài hạn là giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040 để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Để đạt được mục tiêu này, chiến dịch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến nhằm mở đường cho một thế giới không có nhựa.
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: Vatican News
Nguồn tin: https://xuanbichvietnam.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 30 | Tổng lượt truy cập: 3,046,172