Chúng ta hãy chiêm ngắm khuôn mặt của Mẹ Maria trong Tin Mừng Luca để thấy rằng đó là khuôn mặt của sự hân hoan, vui tươi, cùng với nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc, bởi vì Mẹ tràn đầy niềm hân hoan khi biết rằng Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ.
Biến cố đầu tiên trong Tin Mừng Luca, đó là lời truyền tin của Gabriel: “khi vừa vào nhà thì sứ thần đã chào: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà’. Nghe lời ấy, Mẹ bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Các nhà thần học đã giải thích rằng, lời chào của sứ thần không phải là lời chào thông dụng trong tiếng Hy Lạp, nhưng là dư âm của những lời loan báo ơn cứu độ; vì thế, đây là lời chào nói lên niềm vui của người được đón nhận Tin Mừng. Từ “Thiên Chúa ở cùng Bà” được nói để chỉ một đặc sủng của vua và lòng sủng ái của người yêu. Tiếp đó, chúng ta phải hiểu thái độ bối rối của Mẹ: Mẹ không sợ hãi, nghi ngờ như ông Dacaria, nhưng Mẹ đã băn khoan suy nghĩ để tìm hiểu ý nghĩa mầu nhiệm được mặc khải cho Mẹ một cách bất ngờ. Nhà thần học Ratzinger trong tác phẩm Đức Giêsu thành Nazareth cũng đã giải thích rằng, Mẹ là hình ảnh của Giáo Hội luôn giữ vững nội tâm, giữ vững tâm hồn và lý trí để suy niệm Lời Thiên Chúa và gìn giữ trong ký ức của mình. Câu hỏi được đặt ra, đó là: “Mẹ có bình thản lúc này không?” “Mẹ có nở một nụ cười vì hạnh phúc không?”. Chắc chắn ai cũng sẽ tìm được câu trả lời khi biết rằng, ngay sau lời truyền tin thì Mẹ đã đáp lại “Xin vâng”; đó chính là lời đáp trả trong bình an, niềm vui và hạnh phúc.
Cũng trong Tin Mừng Luca, biến cố Mẹ lên đường đi thăm bà Êlisabet cũng gợi lên sự vui mừng hớn hở và chắc chắn khuôn mặt của Mẹ lúc này rất rạng rỡ khi Mẹ đem một tin vui quá vĩ đại đến cho người chị họ của mình và rồi đứa con trong bụng của bà đã nhảy lên vì vui sướng khi có Thân Mẫu của Chúa đến viếng thăm. Cuộc gặp gỡ này phải tràn đầy niềm vui bởi vì không chỉ là sự gặp gỡ giữa Mẹ Maria và người chị họ mà thôi, nhưng đây đích thực là một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan, giữa Con Thiên Chúa và loài người. Mọi người có nghĩ: lúc này “Mẹ có vui và cười” không?
Và từ Tin Mừng Luca, chúng ta cũng có thể hỏi: “Làm sao Mẹ có thể không mỉm cười hạnh phúc khi nhìn thấy con thơ Giêsu trên cánh tay của Mẹ?” “Làm sao Mẹ có thể không vui khi các thiên binh cùng với các sứ thần cất tiếng ngợi khen ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’?”. “Làm sao Mẹ có thể không nở nụ cười khi nhìn thấy các mục đồng hối hả đến thăm viếng và thờ lạy Đấng Cứu Độ vừa được sinh ra?”
Ngoài Tin Mừng Luca, trong Tin Mừng Gioan, chúng ta cũng thấy được khuôn mặt rạng rỡ của Mẹ trong tiệc cưới Cana. Mẹ vui vì là một khách mời tiệc cưới và vì vui nên Mẹ đã phát hiện được một điều gì không ổn xảy ra khi bữa tiệc hết rượu. Niềm vui của Mẹ lớn hơn, vĩ đại hơn khi Mẹ đã nếm trước được ly rượu Giao ước mới của Chúa Giêsu sẽ mang đến để cho muôn người được sống và sống dồi dào. Chúng ta hãy đặt thử câu hỏi: “Làm sao Mẹ có thể không nở nụ cười lúc ấy được?”
Làm sao Mẹ có thể không vui khi biết tin Chúa đã sống lại rồi? Làm sao Mẹ có thể không mỉm cười hạnh phúc trước giây phút Mẹ được Chúa đưa về Trời?
Chúng ta hãy tự hỏi, Mẹ đã vui vì điều gì nếu không phải là vì đã mang trong mình chính Chúa Giêsu và đã đem cho người khác điều gì nếu không phải là chính Chúa Giêsu?
Điều này cũng nhắc nhở cho những người sống đời thánh hiến, hãy tự hỏi: mỗi người trong chúng ta có được niềm vui như Mẹ hay không? Niềm vui thật sự của chúng ta là gì? Và chúng ta đã chia sẻ loại niềm vui nào cho người khác đây?
Đời thánh hiến, đặc biệt là ơn gọi thánh hiến Tông đồ, sẽ có lúc tràn đầy những công việc, tràn đầy những lo lắng: mong sao mọi chuyện được giải quyết ổn thoả. Chúng ta đã có những trải nghiệm, khi đối diện với những thách đố, khó khăn, thì khó mà giữ được niềm vui trên khuôn mặt, bởi vì những yếu tố ngoại cảnh đã tác động đến chúng ta. Đời sống cộng đoàn đôi lúc cũng làm cho chúng ta trở nên khô cứng, hoặc “quen quá hoá nhàm”. Nếu không có một Tin Mừng vĩ đại là Chúa Giêsu thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại mà thôi. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15, 5). Thánh Don Bosco đã dạy cho các tu sĩ Salêdiêng kín múc niềm vui từ chính Chúa Giêsu: “Hỡi các con, hãy yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể với hết tâm hồn thì các con sẽ có được niềm vui đích thực”[1]. Mẹ Têrêsa Caculta cũng đã dạy rằng: “Chúng ta phải giữ lấy niềm vui nhờ yêu mến Thiên Chúa trong tâm hồn, và chia sẻ niềm vui đó cho những người chung quanh chúng ta, đặc biệt là trong gia đình của chúng ta.”[2] Chỉ có như thế, chúng ta mới có đủ sức để cười trước mặt mọi người với nụ cười đơn sơ, hồn nhiên, chân thành trong đời sống tông đồ phục vụ mà thôi.
Làm sao người thánh hiến chúng ta có thể vui và cười giống Mẹ Maria được khi trái tim mình không có chỗ cho Chúa Giêsu? Người thánh hiến làm sao có thể vui và cười được khi không nhận thấy mình đang được yêu thương? Làm sao người thánh hiến có thể vui và cười được khi trái tim mình bị công việc lôi cuốn đến nỗi quên mất chính điều quan trọng cốt lõi là niềm vui Tin Mừng đó là Chúa Giêsu cần phải được rao giảng và lan toả?
Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Saledieng Don Bosco trong văn kiện Tổng Tu Nghị 28 đã viết cho các tu sĩ Salêdiêng rằng: “Người trẻ xin chúng ta thời gian mà chúng ta lại cho họ không gian; họ xin chúng ta tương quan và chúng ta lại cung cấp việc phục vụ; họ xin ta cuộc sống huynh đệ và chúng ta lại cung cấp những cơ cấu; họ xin chúng ta tình bạn và chúng ta lại cung cấp những sinh hoạt.” Quả thực, đối với người trẻ, hay thậm chí là đối với mỗi một người Salêdiêng, tình gia đình thật quan trọng biết chừng nào; nụ cười của vui tươi, hạnh phúc trong môi trường cộng đoàn, trong đời sống tông đồ có giá trị biết chừng nào. Thánh Don Bosco cho rằng đó là yếu tố khơi dậy nơi thanh thiếu niên ước muốn tìm hiểu và theo đuổi ơn gọi. Thánh Don Bosco đã viết trong Hiến Luật 16 của dòng Salêdiêng: “Tình gia đình không nại đến luật lệ nhiều cho bằng dựa vào đức tin và sự thúc đẩy của cõi lòng.”
Mẹ Maria đã dạy cho chúng ta về bài học của niềm vui Tin Mừng. Mẹ cũng dạy chúng ta hãy biết cười với tâm hồn trẻ thơ khi biết nương tựa vào Chúa Giêsu. Mẹ cũng dạy chúng ta hãy biết cưu mang lấy niềm vui của Chúa Giêsu và loan truyền cho người khác niềm vui ấy. Mẹ cũng đã dạy cho những người thánh hiến thực hành một thứ luật mang lại niềm vui đích thực đó chính là yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Quả thật đây là những điều cốt lõi mà dường như chúng ta được nghe đi nghe lại rất nhiều nhưng cũng có thể là điều dễ bị lãng quên rất nhanh chóng.
Khi bị dồn ép bởi các công việc, hãy bắt chước Mẹ mà mỉm cười vì biết rằng đó là công việc của Chúa Giêsu và Người sẽ cùng ta hoàn thành.
Khi bị người khác coi thường, hãy bắt chước Mẹ mà mỉm cười bởi vì chỉ có Chúa Giêsu mới là Người hiểu được giá trị của mình.
Khi nhận được những cử chỉ vô ơn, hờ hững, hãy bắt chước Mẹ mà mỉm cười vì đến lúc Chúa Giêsu sẽ làm cho hạt giống mà chúng ta gieo trồng có thể lớn lên dù đêm hay ngày.
Khi chúng ta trao cho người khác một loại niềm vui rất khác với niềm vui là Chúa Giêsu, hãy cười vào bản thân mình vì nếu là Mẹ thì Mẹ đã không làm như vậy.
Khi chúng ta chỉ chú ý vào “vết đen” của bức tranh toàn diện, hãy bắt chước Mẹ mà mỉm cười hạnh phúc vì bức tranh toàn diện chính là khuôn mặt của Chúa Giêsu đang rất yêu thương tôi, yêu thương anh và yêu thương tất cả mọi người.
Đaminh Trường Sơn SDB (TGPSG)
Nguồn tin: https://tgpsaigon.net/
[1] Biographical Memoirs of Saint John Bosco, Vol 4, Page 317
[2] https://www.dongnutythanhthe.net/danh-ngon-cua-thanh-teresa-calcutta.html
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 233 | Tổng lượt truy cập: 4,164,342