Sự dữ theo thánh Augustine

  • 15/03/2022 16:24
  • WĐMVN (12.3.2022) - Thánh Augustine kết luận rằng nguồn gốc của sự dữ nằm ở tự do của con người khi họ lựa chọn điều kém hơn sự thiện vì sự dữ tự nó không tồn tại như một thụ tạo. Vì thế con người không chọn sự dữ như một đối tượng vì không có thực để con người chọn, nhưng khi con người từ chối và quay mặt lại với sự thiện, hay khi chọn lựa cái kém hơn sự thiện, con người đến với sự dữ.

     

    SỰ DỮ THEO THÁNH AUGUSTINE

    Dom. Tạ Văn Tịnh, OP.

    Trong những năm gần đây, thế giới đã và đang phải đối mặt với nạn dịch do chủng loại Corona (Covid-19). Loại virus này đã lây lan toàn cầu, cướp đi nhiều sinh mạng, làm cho nền kinh tế của một số quốc gia phải đối mặt với bến bờ của vực thẳm. Theo thống kê của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh Covid-19, đã có hơn 451 triệu người nhiễm bệnh, hơn 6 triệu người đã tử vong, dịch bệnh đã lan rộng hơn 215 quốc gia, vùng lãnh thổ[1].

    Bên cạnh đó, thế giới đang chứng kiến cuộc chiến tranh tương tàn và khốc liệt giữa hai quốc gia có cùng chung đường biên lãnh thổ là Nga và Ukraine. Người ta chưa thể thống kê chính xác con số thương vong nhưng sự tàn phá của cuộc chiến là khủng khiếp! Liệu cuộc chiến này có khai mào cho cuộc chiến tranh hạt nhân để kết thúc nền văn minh của nhân loại? Chúng ta chưa có câu trả lời.

    Nếu giả định rằng có một vị Thiên Chúa hoàn toàn tốt lành, chỉ luôn muốn những điều thiện hảo và Người cũng có quyền năng vô hạn để làm được mọi điều, nếu thế chắc chắn sự dữ và sự chết sẽ không bao giờ tồn tại. Thế mà thực tế nó tồn tại. Vì thế có thể kết luận rằng hoặc Thiên Chúa không thể làm được mọi điều thiện hảo Người muốn, nói khác đi Thiên Chúa không phải là Đấng toàn năng; hoặc Người phải muốn sự dữ tồn tại dù Thiên Chúa có khả năng không để nó hiện hữu, vậy hóa ra Người không thiện hảo?

    Để có thể trả lời cho vấn nạn này, triết học chỉ còn cách hoặc phải chối bỏ một trong hai đặc tính của Thiên Chúa, toàn năng và toàn thiện, thậm chí là chối bỏ luôn sự hiện hữu của Người, hoặc chối bỏ sự tồn tại của sự dữ. Nói như vậy để thấy được rằng xét dưới góc độ luận lý của lý trí, việc hòa hợp sự dữ với quan niệm Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện dường như là điều bất khả!

    Đứng trước thách đố này, chúng ta tìm về với thánh Augustin (354-430), một đại diện của truyền thống Kitô giáo, đã nỗ lực tìm kiếm và đưa ra cách giải quyết cho vấn nạn sự dữ.


    1.  Bản chất của sự dữ

    Vấn nạn là: nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, thiện hảo, Đấng sáng tạo nên vũ trụ có trật tự và tốt lành, quan phòng hết mọi loài thụ tạo, thì tại sao lại có sự dữ?

    Theo thánh Augustin, mọi sự do Thiên Chúa sáng tạo ban đầu, tự bản chất là tốt đẹp (x. St 1,31), vì chính Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng (Người làm được mọi sự) và Toàn Thiện (Người luôn yêu điều thiện, không làm điều ác)[2].

    Trước hết, Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự từ hư không (creatio ex nihilo)[3], và mọi sự đều tốt đẹp, có thiện tính và đều hướng về sự Thiện toàn hảo. Vì thế, sự dữ không thể là một sản phẩm (thụ tạo) của Thiên Chúa toàn thiện được, vì Người không dựng nên sự dữ[4].

    Tuy nhiên, thiện tính nơi thụ tạo không có nghĩa là chúng đã hoàn hảo, mà Thiên Chúa đã sáng tạo chúng và đặt chúng vào tiến trình đi đến sự hoàn hảo. Như vậy, do tính chất bất toàn và giới hạn của thụ tạo mà có sự dữ trong tự nhiên và trong thế giới con người.

    Thánh Augustin cho rằng vũ trụ do Thiên Chúa tạo dựng là tốt lành. Tuy nhiên, sự tốt lành là đa dạng và ở mức độ khác nhau, thể hiện tính toàn năng của Thiên Chúa. Mỗi sự vật đều tốt lành theo cách thức và mức độ riêng của nó, thế giới càng đa dạng thì tính toàn năng Thiên Chúa càng được thể hiện rõ nét. Sự ác không phải là một thế lực riêng biệt, độc lập và chống lại sự thiện như thuyết nhị nguyên đưa ra, mà sự ác theo thánh Augustin chỉ như là sự thiếu hụt của cái thiện. Nghĩa là sự vật được sáng tạo với cấu trúc đầy đủ là tốt lành, sự ác chỉ là cái thiếu hụt về chức năng hoạt động nào đó bị rối loạn khi nó tương tác hoặc sinh ra. Thánh nhân viết: “Tốt lành là có hữu thể, vì sự dữ không được Thiên Chúa tạo ra nên không có hữu thể, tự nó không có hữu thể hay nói cách khác sự dữ là sự vắng mặt hay khiếm khuyết của  hữu thể, nó chỉ là ký sinh trùng ăn bám vào những thứ khác của hữu thể.”[5]

    Thánh Augustine giải thích thêm sự dữ tự nó không hiện hữu được, vì Thiên Chúa không dựng nên nó, nhưng sự dữ là do vắng bóng sự thiện mà thôi[6].

     

    2.  Nguồn gốc của sự dữ

    Sự dữ xuất hiện là do con người lạm dụng sự tự do vốn là sự tốt lành. Chính Thiên Chúa ban cho con người sự tự do, nhưng con người đã lạm dụng tự do để đi ngược với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Sự dữ là do con người tự do lựa chọn sai. Thánh Augustine cũng giải thích thêm rằng vì sự dữ tự nó không tồn tại như một thụ tạo, vì thế con người không chọn sự dữ như một đối tượng (vì không có thực để con người chọn). Nhưng khi con người từ chối và quay mặt lại với sự thiện, hay khi chọn lựa cái kém hơn sự thiện, con người đến với sự dữ. Và thánh Augustine kết luận rằng nguồn gốc của sự dữ nằm ở tự do của con người khi họ lựa chọn điều kém hơn sự thiện[7].

    Thánh Augustin cho rằng, vũ trụ phát sinh từ nguyên thủy vốn tốt lành, hoàn hảo. Người giải thích sự dữ lan tràn là có nguyên nhân tác động, mà nguyên nhân chính là do thiên thần tự do lựa chọn điều dữ nên bị phạt và trở thành ác quỷ cám dỗ khiến con người cũng sử dụng tự do sai mục đích và dẫn đến sự dữ, gồm cả sự dữ tự nhiên và sự dữ luân lý đạo đức. Người kết luận rằng mọi sự ác đều là tội hay hình phạt của tội.

    Như vậy, nguyên nhân sự ác ban đầu là do sự sa ngã của thiên thần vốn tốt lành. Thánh Augustin lý giải tại sao thiên thần được tạo ra tốt đẹp lại phản nghịch chống lại Thiên Chúa. Người đã cho rằng sự dữ không phải là một thực thể có khả năng riêng, nhưng đúng hơn đó là một sự thiếu vắng điều thiện hảo. Theo thánh Augustin, đây là bản chất của sự dữ. Ngài ví một người làm sự dữ như là ánh mắt đẹp nhưng bị mù quáng vì thiếu ánh sáng. Điều này có nghĩa rằng, sự dữ như là sự thể hiện không trọn vẹn hay sai lệch chức năng vốn dĩ tốt đẹp của chủ thể. Ví dụ, dao cắt vào tay là do con người sử dụng sai, còn bản chất của con dao là tốt đẹp. Các thiên thần phạm tội vì thiếu sự thiện hảo và các thiên thần thiện hảo ở mức độ khác nhau, nên có những thiên thần phạm tội, có những thiên thần không phạm tội. Các thiên thần đã rời bỏ sự thiện tuyệt đối, để đi tìm các sự thiện kém hơn, và do đó sự dữ xuất hiện[8]. Nếu thế, tại sao sự thiện hảo lại có mức độ khác nhau giữa các thiên thần, hay câu hỏi phổ quát hơn, tại sao thế giới tốt đẹp lại được tạo ra gồm những hữu thể ở nhiều mức độ cao thấp, lớn nhỏ bất toàn và hoàn hảo khác nhau? Phải chăng từ ngữ “thiện hảo” dành cho thụ tạo và Đấng Tạo Thành có một khoảng cách nhất định?

    Thánh Augustin cho rằng cần thiết để có nhiều loại hữu thể trong thế giới và con người cần nhìn thế giới với một khối thống nhất hòa hợp mà không phải là những bộ phận đơn lẻ như khi nhìn một bức tranh vậy. Do đó, Ngài có cái nhìn khác về sự dữ. “Sự dữ theo thánh Augustin không phải là một thực thể tích cực (positive entity), nhưng chỉ là một tình trạng thiếu vắng sự thiện. Xa hơn, thánh Augustin còn tổng quát hóa lên rằng “sự dữ luôn luôn hệ tại một sự thiếu hụt, thiếu vắng, hay một sự rối loạn trong hoạt động của một đối tượng nào đó, vốn tự bản chất là tốt.”[9] Dù trong thế giới có tồn tại cả mức độ xấu - tốt, cao - thấp và bất toàn - hoàn hảo khác nhau thì chúng đều đóng vai trò làm nổi bật vẻ đẹp tổng quát của toàn bộ bức tranh vũ trụ. Vì được tạo ra từ bàn tay Thiên Chúa, vũ trụ là một sự hài hòa trọn hảo. Có nghĩa rằng mức độ thiếu thiện hảo nơi các thụ tạo (sự dữ) cũng có vai trò trong việc làm nổi bật tình yêu của Thiên Chúa như gam màu tối đã làm nổi bật cho vẻ đẹp của toàn bức tranh dù khi nhìn từng nét đơn lẻ nó gây cảm giác khó chịu cho người xem. Đây có thể là góc nhìn tích cực mà thánh Augustin nhìn về sự dữ. Tuy nhiên, thật khó thuyết phục khi lấy sản phẩm bất toàn do mình làm ra để làm nổi bật sự hoàn hảo của mình. Hơn nữa khi nhìn sự thiện hảo theo một khối thống nhất, dường như thánh Augustin vô tình cho rằng Thiên Chúa không quan tâm sự thiện hảo nơi từng cá nhân riêng lẻ mà chỉ nhấn mạnh đến một khối thống nhất.

     

    3.  Sự dữ diễn ra hoặc bày tỏ như thế nào?

    Trật tự vũ trụ mà thánh Augustin đưa ra:

    Thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng trên hết và là Đấng tạo thành mọi sự. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng trọn hảo, nên Người chẳng thể thiếu sự gì và không có ai khác tốt hơn ngoại trừ chính Người.

    Thứ hai, địa hạt các thiên thần gồm các thiên thần và có thiên thần sa ngã quay lưng với Thiên Chúa, đã mang sự dữ xuống thế gian.

    Thứ ba, thế giới con người đã được Thiên Chúa tạo dựng hoàn hảo, nhưng con người vì tội nguyên tổ đã phải chịu hình phạt bằng những thiên tai và đau khổ.

    Cuối cùng, thế giới tự nhiên đã được Thiên Chúa tạo dựng hoàn hảo, nhưng như một hình phạt, các thảm họa tự nhiên và những hậu quả khác là kết quả của sự dữ.

    Theo thánh Augustin, sự dữ diễn ra theo hai cách:

    + Tội lỗi (do con người sinh ra): đó là tội luân lý. Do con người lạm dụng tự do.

    + Sự dữ tự nhiên (do tự nhiên hay thiên nhiên). Xuất phát do mức độ hoàn hảo khác nhau trong vũ trụ:

     
     


     
    Sơ đồ quá trình mà sự dữ đi vào thế gian dựa theo thánh Augustin được miêu tả như sau: Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, toàn năng và toàn thiện là khởi đầu công trình tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp.

    Từ đó, phẩm trật tạo dựng được sắp xếp: Thiên Chúa, thiên thần, con người, thiên nhiên. Do thiếu sự thiện hảo, cho nên con người sa ngã phạm tội. Đây là nguyên nhân của sự dữ về mặt tự nhiên, sau đó tự do làm con người xuất hiện sự dữ luân lý. Theo thánh Augustin, sự tồn tại của sự dữ nhấn mạnh tính thiện hảo của sự sáng tạo. Cho nên kết quả sinh ra mâu thuẫn giữa thiện và ác.

     

    4.  Sự vô can của Thiên Chúa đối với vấn đề sự dữ?

    Thánh Augustin đã chứng minh Thiên Chúa vô can đối với vấn đề tồn tại của sự dữ, và sự dữ là do các thụ tạo lạm dụng ý chí tự do. Ngài lập luận rằng, mặc dù ban đầu mọi sự được tạo ra tốt lành, nhưng vì thế giới đã được tạo ra từ hư vô, nên nó cũng có khả năng trở nên suy đồi, hoặc bị hư hỏng. Do đó, ngài cho rằng sự dữ đã đi vào thế gian qua tội lỗi nguyên tổ, nơi thiên thần sa ngã cám dỗ khiến cho con người bất tuân Thiên Chúa trong vườn Ê-đen. Thiên thần và con người sa ngã gây ra sự dữ của luân lý và tội lỗi vì sử dụng tự do sai lệch, như tội giết người (Cain và Abel). Hậu quả của tội là sự dữ. Thánh Augustin viết: “Mọi sự dữ đều do tội lỗi hay hình phạt của tội gây ra”. Hay nói cách khác, thế giới với tất cả sự dữ không phải là dự định ban đầu của Thiên Chúa, nhưng đúng hơn, bởi sự sa ngã của loài người do lạm dụng ý chí tự do, làm cho thiên đàng nguyên thủy bị đánh mất. Ở điểm này, thánh Augustin nhìn sự dữ như là một điều tiêu cực đối với con người. Ngài đưa ra nguyên tắc công bằng đạo đức. Điều này cần thiết vì sự công bằng giữa người công chính và kẻ tội lỗi. Nếu giả định rằng có một thế giới mà người lành cũng như kẻ dữ được đối xử như nhau thì cuộc sống thật bất công và không còn ý nghĩa nữa.

    Theo thánh Augustin, thế giới là tốt đẹp song chưa phải là hoàn hảo. Con người và vạn vật chỉ hướng đến sự hoàn hảo mà thôi. Cái ác tự thân nó không phải là một sự vật hay một thực thể nào đó mà là sự thiếu hụt sự hoàn hảo.
    Như vậy, sự ác không bao giờ phát sinh từ hư vô, mà chỉ phát sinh do những nguyên nhân đó là: hoặc là do chính con người lựa chọn sai do lạm dụng ý chí tự do, hoặc là do sự thiếu hụt chức năng hoạt động nào đó của tạo vật. Có thể rút ra một số điểm của thánh Augustin về Thiên Chúa như sau:

    • Augustin đã giải thích cho ta hiểu sự dữ là gì và nguyên nhân của sự dữ là từ đâu. Đồng thời cách giải thích này cho ta thấy sự dữ có tính hệ thống với tính siêu hình, tính biểu thị và nguồn gốc rõ ràng.
    • Augustin đã đưa vào triết học khái niệm về thực tại tối cao, đó là Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật từ hư vô.
    • Augustin đã đưa ra trật tự của tình yêu và Thiên Chúa là đối tượng cao nhất của tình yêu.
    • Augustin đã để lại cho Giáo hội cũng như tất cả các Kitô hữu những kinh nghiệm nội tâm và những cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa.
    • Đưa vào triết học khái niệm về thực tại tối cao là Thiên Chúa. Lý trí có thể nhận biết thực tại vĩnh cửu nhờ soi sáng như một ân sủng từ Thiên Chúa.
    • Với thánh Augustin, tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha – Con - Thánh Linh đồng bản thể với nhau đã đạt được chung cuộc.
    • Thánh nhân đã mở ra một khía cạnh mới để suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa, đó là dựa trên những hành vi tâm lý (thay vì khởi đi từ các hiện tượng vũ trụ: ánh sáng, nước…)

    Tuy vậy, triết thuyết của Augustin chưa giải thích được hoàn toàn sự ác thiên nhiên. Tri thức luận dựa trên sự đam mê, khao khát mà xem nhẹ lý trí. Đạo đức học nhấn mạnh về hậu quả mà bỏ rơi bổn phận. Việc nhấn mạnh tới sự duy nhất và bình đẳng giữa các Ngôi vị làm giảm nhẹ vai trò của mỗi ngôi vị trong lịch sử cứu độ, khi quy gán các hoạt động hướng ngoại cho cả ba Ngôi vị dẫn đến nguy cơ là làm lệch lạc đặc trưng của mỗi ngôi vị. Ví dụ tác giả nói đến công trình tạo dựng như là việc chung của Tam vị; như vậy làm mất ý tưởng “sự tạo dựng trong Đức Kitô” của Tân Ước. việc tạo dựng con người “theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,26) được Tertullien và Origène giải thích như là “theo hình ảnh Đức Kitô” là Đấng sẽ nhập thể, còn thánh Augustin dùng câu Kinh Thánh này để nói về mầu nhiệm Ba Ngôi. Mầu nhiệm Tam vị nghiêng về chiều kích nội tại hơn chiều kích cứu độ, và vì thế có thể là rất trừu tượng.

     


    [1] Cập nhật: 19:41 09/03/2022, Nguồn: worldometers.info, ourworldindata.org

    [2] Khi còn trẻ, Augustin theo nhóm Manichean chủ trương Nhị Nguyên Thuyết, cho là vũ trụ có Tốt-Xấu cùng tồn tại. Sau khi đã trở nên Kitô hữu, Augustine chống lại lạc thuyết này trong những bài viết của Ngài.

    [3] X. Augustin, De Civitate Dei XIV, 13, 309

    [4] X. Augustin, De Civitate Dei, ch. xII.

    [5] J. Hirberger, Geschichte der Philosophie, Komet, 1948, tr. 368.

    [6] X. Augustin, De Civitate Dei, XI, CHAP. 9, và Confessiones, VII: [XII] 18. Thánh Augustine sửa đổi một phần tư tưởng của Hậu Plato (Neo-Platonism) khi trường phái này nhấn mạnh rằng sự dữ không là hữu thể tự hữu nhưng là vắng bóng của Sự Thiện.

    [7] X. Augustin, De Civitate Dei, XII, CHAP. 6, và Confessiones, VII: [III] 5.

    [8] X. Augustin, De Civitate Dei, XII, 6, 250-251

    [9] J. Hirberger, Geschichte der Philosophie, Komet, 1948, tr. 361.

    Nguồn tin: http://daminhvn.net

    Bài viết liên quan