Tái khám phá tình huynh đệ Đa Minh

  • 27/01/2022 15:29
  • WTTHVDM (11.01.2022) - Khi được mời nói chuyện nhân kỷ niệm 800 năm ngày tạ thế của thánh Đa Minh, ý tưởng đầu tiên được gợi lên là kể lại những năm tháng cuối cùng, đặc biệt là ôn lại “Di chúc” của ngài. Nhưng cha thánh ra đi mà không để lại một chúc thư nào hết. Các anh em ghi lại một vài lời trối trăn, mà khoa phê bình sử học đã cho thấy phần lớn là “phịa”, chẳng hạn như: cha thích nói chuyện với các cô trẻ hơn là với các bà già; hoặc lời chúc dữ cho ai du nhập quyền sở hữu tài sản. Sau khi đã thanh lọc các thứ rác rưởi, chỉ còn lại ba câu nói ngắn ngủi đáng tin cậy. Thứ nhất: “Hãy có lòng bác ái, hãy giữ đức khiêm nhường, hãy chiếm hữu sự khó nghèo tình nguyện”. Thứ hai: “Tôi muốn được chôn dưới chân anh em”. Thứ ba: “Tôi sẽ trở nên ích lợi cho anh em sau khi chết hơn là khi còn sống.

    Phan Tấn Thành

    Anh chị em thân mến,

    Xin phép giản lược các lời xưng hô mở đầu, bởi vì một trong những mục tiêu của bài thuyết trình hôm nay nhắm tới mối tương quan trong gia đình Đa Minh.

    Khi được mời nói chuyện nhân kỷ niệm 800 năm ngày tạ thế của thánh Đa Minh, ý tưởng đầu tiên được gợi lên là kể lại những năm tháng cuối cùng, đặc biệt là ôn lại “Di chúc” của ngài. Nhưng, như tôi đã viết trong cuốn sách Tìm hiểu dòng Đa Minh[1], cha thánh ra đi mà không để lại một chúc thư nào hết. Các anh em ghi lại một vài lời trối trăn, mà khoa phê bình sử học đã cho thấy phần lớn là “phịa”, chẳng hạn như: cha thích nói chuyện với các cô trẻ hơn là với các bà già; hoặc lời chúc dữ cho ai du nhập quyền sở hữu tài sản. Sau khi đã thanh lọc các thứ rác rưởi, chỉ còn lại ba câu nói ngắn ngủi đáng tin cậy. Thứ nhất: “Hãy có lòng bác ái, hãy giữ đức khiêm nhường, hãy chiếm hữu sự khó nghèo tình nguyện”. Thứ hai: “Tôi muốn được chôn dưới chân anh em”. Thứ ba: “Tôi sẽ trở nên ích lợi cho anh em sau khi chết hơn là khi còn sống”[2].

    Với số dữ liệu ít ỏi như vậy, làm thế nào soạn một bài thuyết trình? May thay, cha nguyên bề trên tổng quyền Bruno Cadoré đã sử dụng những câu nói ngắn gọn để viết một lá thư cho toàn dòng (ngày 6/8/2018), tuyên bố mở năm tưởng niệm[3]. Tôi sẽ không lặp lại những điều ấy, nhưng muốn khai triển theo một hướng khác, nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô công bố thông điệp Fratelli tutti (ngày 3/10/2020) đề cập đến “tình huynh đệ và tình bạn xã hội”. Điều trớ trêu là một vị giáo hoàng Dòng Tên lấy danh hiệu Phanxicô đã hai lần trưng dẫn thánh Phanxicô Assisi trong hai thông điệp Laudato si và Fratelli tutti, nhưng không hề nhắc đến thánh Đa Minh! Giả như đề cập đến môi sinh mà không đụng tới thánh Đa Minh thì cũng bình thường, nhưng chẳng lẽ thánh Đa Minh không có chi đóng góp cho tình huynh đệ hay sao? Đó là động lực khiến tôi tìm hiểu đề tài “tình huynh đệ Đa Minh”, mà hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em, một cơ hội quý giá để tái khám phá một nét mà tôi nghĩ là diễn tả căn tính của dòng Fratres Praedicatores, đồng thời có thể trả lời một thắc mắc mà nhiều anh chị em chưa hề nghĩ tới: tại sao Dòng ba Đaminh được gọi là “huynh đoàn”? Thưa, bởi vì tiếng Fraternitas vừa có nghĩa là “tình huynh đệ” vừa có nghĩa là “huynh đệ đoàn”.

    Trước khi vào đề, tôi muốn lưu ý anh chị em về vấn đề từ ngữ. Khi vừa nghe thông báo tựa đề của thông điệp Fratelli tutti, một phản ứng tiêu cực đầu tiên đã nổi lên từ phía các phong trào nữ quyền, bởi vì xem ra các phụ nữ đã bị gạt ra bên lề! Nhưng đâu mấy ai nghĩ rằng nếu chuyển dịch sang tiếng Việt, các khó khăn sẽ còn tăng lên gấp bội. Thực vậy, trong các ngôn ngữ châu Âu, một danh từ frater (tiếng Latinh, frère tiếng Pháp, brother tiếng Anh, fratello tiếng Ý, hermano tiếng Tây-ban-nha) có nghĩa là “anh” và “em”: cả hai đều ngang hàng; còn trong tiếng Việt, giữa “anh” và “em” có một hệ trật trên dưới, vì thế được gọi bằng hai danh từ khác nhau.

    Một nhận xét nữa khá thú vị là trong tiếng Việt, “anh em” có thể hiểu về anh em ruột (cùng cha cùng mẹ) hoặc anh em họ (cùng gốc tổ). Trong các ngôn ngữ Âu châu, “anh em” theo nghĩa đen chỉ áp dụng cho anh em ruột; để gọi các anh em họ hàng thì có một danh từ khác (cousin tiếng Pháp và Anh; cugino trong tiếng Ý, primo trong tiếng Tây-ban-nha). Điều này gây khó khăn khi giải thích thuật ngữ “các anh em của Chúa Giêsu” trong các sách Tin mừng. Dĩ nhiên, nếu hiểu theo nghĩa bóng, anh em có thể mở rộng cho những người thuộc một dân tộc (cùng một tổ tiên), hay một tổ chức hay băng đảng (đại huynh, đại ca).

    Trong bài này, những gì được nói về “anh em” cũng có thể áp dụng cho “chị em”, trừ khi nào mạch văn đã quá rõ, chẳng hạn như khi thánh Phaolô tuyên bố Đức Giêsu là “Trưởng nam” của một đàn em đông đúc (Rm 8,29), thì xin đừng ai đổi thành “Chị cả”! (Bên Âu châu, nhiều tổ chức phụ nữ đã sáng chế danh từ sorority để thay thế fraternity).

    Bài thuyết trình mang tính lịch sử, ôn lại những thăng trầm của tình huynh đệ, chứ không phải là một bài huấn đức. Câu hỏi được đặt như sau: “Ai là anh em của tôi? Vì sao gọi là anh em?” (chứ không hỏi: “Làm thế nào sống tình anh em? hay: Làm thế nào xây dựng cộng đoàn huynh đệ?”). Sau những lời dẫn nhập, tôi sẽ rảo qua ba giai đoạn chính: 1/ Tình anh em trong Tân ước; 2/ Tình anh em trong lịch sử đời tu; 3/ Tình anh em trong các văn kiện Giáo hội thời cận đại, cách riêng là các văn kiện của ĐTC Phanxicô. Như vậy chúng ta học hỏi tình huynh đệ Đa Minh trong một bối cảnh rộng lớn của toàn thể Giáo hội.

    Nói đến “thăng trầm” thì hiểu là lúc lên lúc xuống, hoặc mặt trái mặt phải. Tôi xin đưa một thí dụ về mặt trái và mặt phải qua việc giải thích câu nói của thánh Đa Minh: “Tôi muốn được chôn dưới chân của anh em”.

    Xuất xứ của câu nói này là lời khai của anh Radulphus Faenza, quản lý tu viện Bologna, trong vụ điều tra phong thánh (năm 1233). Đương sự kể lại rằng một người anh em (không nhớ tên) đã hỏi cha Đa Minh trên giường hấp hối: “Thưa cha, cha muốn được chôn ở đâu?” Cha đáp không chút ngập ngừng : “Ở dưới chân anh em” (Pater, ubi vultis sepeliri corpus vestrum? Sub pedibus fratrum).

    Câu nói này có thể hiểu theo hai nghĩa, nghĩa xấu và nghĩa tốt (hoặc: tiêu cực và tích cực).

    1/ Xin bắt đầu bằng nghĩa xấu trước. Nghĩa xấu (tức là của kẻ xấu miệng) cũng có hai cách giải thích.

    a) Một là: “Hãy để cho cha nghỉ yên giấc ngàn thu, đừng ai quấy rầy nữa”. Có lẽ đó là lý do mà anh em chẳng lo tiến hành việc phong thánh. Nên biết là thánh Phanxicô qua đời năm 1226, và hai năm sau đã được phong thánh; đến năm 1232, Dòng Anh em Hèn mọn đã có vị thánh thứ hai (Antôn Pađua). Đang khi đó, cho đến mãi tận năm 1233 (12 năm sau khi qua đời), đại học Bologna mới yêu cầu xúc tiến phong thánh cho cha Đaminh, và anh em ta chỉ “hợp thỉnh”. Dòng ta không có não trạng tôn sùng lãnh tụ!

    b) Nghĩa xấu thứ hai còn tệ hơn nữa, đó là: “Xóa sạch đi!” (theo ngôn ngữ máy vi tính: bấm nút Delete). Tôi vừa nhắc đến chuyện ĐTC Phanxicô viết hai thông điệp gợi hứng từ các tác phẩm của thánh Phanxicô Assisi, nhưng không trưng dẫn một bản văn nào của thánh Đa Minh. Tại sao? Câu trả lời rất đơn giản: tại vì không tìm thấy tài liệu! Như anh chị em đã biết, ngày nay, người ta chỉ còn giữ lại một lá thư của cha gửi cho nữ đan viện Madrid. Một nghi vấn được đặt lên: Chẳng lẽ một con người học thức, một con người đã cổ động nâng cao trình độ trí thức của các tu sĩ mà suốt đời lại không viết một bản văn nào hay sao? Chắc hẳn là cha đã viết nhiều thư cho anh em cũng như cho các chức sắc trong Giáo hội[4], nhưng anh em ta không trân trọng lưu giữ bút tích của vị sáng lập. Chỉ cần đưa ra một trường hợp tương tự thì đủ rõ: giữa cha Giorđanô và chị Điana, đã có một cuộc trao đổi thư từ khá thường xuyên; thế mà ngày nay, chỉ còn giữ các thư của cha gửi cho chị (nghĩa là chị chịu khó cất giữ), còn những thư của chị gửi cho cha thì biến đâu hết! Điều này chẳng nói lên sự bạc bẽo của anh em đấy ư?

    2/ (Sed contra). Bây giờ chúng ta bước sang nghĩa tốt. Cũng có hai cách giải thích.

    a) Một là, theo cha Bruno Cadoré, ước nguyện được chôn dưới chân anh em diễn tả đức khiêm tốn theo gương Thầy chí thánh, hạ mình đi rửa chân cho các môn đệ; và đồng thời nó cũng nói lên lòng quý trọng tình huynh đệ. Vào thời ấy, người ta mong ước được mai táng bên cạnh mồ các vị thánh, để chia sẻ công đức của các ngài. Đối với cha Đaminh, “nơi thánh” ấy là cộng đoàn của các anh em.

    b) Lối giải thích tích cực thứ hai: cha Đaminh muốn tự xóa nhòa trước mặt anh em (mầu nhiệm kenosis: tự hủy). Cha không muốn để cho dấu ấn cá nhân đè nặng lên anh em. Ngay từ tổng hội năm 1220, cha đã xin từ chức bề trên (vì cảm thấy mình bất xứng), và trao việc điều hành Dòng cho các giám định viên. Hiến pháp sẽ được soạn thảo bởi tổng hội chứ không do cha viết ra. Câu chuyện xem ra đơn giản, nhưng khi đối chiếu với thánh Phanxicô, ta mới thấy Đaminh cao tay ấn. Thực vậy, theo lời đề nghị của anh em, năm 1221, Phanxicô đã viết một bản luật trình lên Tòa Thánh (quen gọi là bản luật số 1: Regula prima, non bullata); Tòa thánh không chấp thuận và yêu cầu nhờ chuyên viên sửa lại, và thành quả là bản luật chính thức được châu phê năm 1223 (Regula secunda, bullata: bản luật số 2). Vài tháng trước khi qua đời, thánh nhân viết bản Di chúc (Testamentum), ôn lại những quãng đường Chúa đã thương dìu dắt mình. Sau khi cha nhắm mắt rồi, anh em mới nêu lên nghi vấn: đâu là ý muốn đích thực của vị sáng lập: bản luật số một, bản luật số hai, hay là bản di chúc? Cuộc tranh luận đã đưa đến sự phân chia nhiều nhánh trong Dòng. May thay, chuyện này đã không xảy ra đối với anh em Giảng thuyết, bởi vì ý định của đấng sáng lập được biểu thị qua những quyết nghị của tổng hội chứ không qua các bút tích cá nhân. Nói cách khác, thánh Đaminh tôn trọng anh em: Dòng là kết quả do anh em cùng nhau xây dựng, chứ không chỉ là công trình của vị sáng lập. Người muốn tỏ ra là một “huynh trưởng” chứ không phải “gia trưởng”. Đến đây, tôi xin mạo muội so sánh cha Đa Minh với Đức Giêsu. Thánh Phanxicô muốn họa lại Đức Giêsu sinh ra khó nghèo trong hang đá và chết trần trụi trên thập giá. Thánh Đaminh muốn họa lại Đức Giêsu dưới một khía cạnh khác: Người đã sống 30 năm ẩn dật tại Nazareth, chỉ giảng đạo 3 năm, và không viết một tác phẩm nào (Các sách Tin mừng là do các môn đệ viết, chứ không do Người đọc chính tả). Một cách tương tự như vậy, cha Đaminh cũng sống ẩn dật trong suốt 35 năm, bắt đầu hoạt động ở Toulouse từ năm 1205, và nổi bật từ sau công đồng Lateranô IV năm 1215 (nghĩa là vào 6 năm cuối đời), và không để lại bút tích nào hết. Cha quả là một nhà giảng thuyết thầm lặng! Đề tài này dễ đưa chúng ta tới gần thánh Giuse thầm lặng trong năm kính nhớ ngài, nhưng tôi không muốn lạc đề.

    Anh chị em thấy không: chỉ một câu nói mà có thể giải thích theo nghĩa tốt và nghĩa xấu. Đời là thế đấy: thực tại nào cũng có hai mặt. Như sẽ thấy, không những tình huynh đệ trong đời tu có mặt trái và mặt phải của nó, mà thậm chí tình anh em ruột thịt cũng không thiếu những méo mó lệch lạc. Dù biết vậy, nhưng không ai cấm chúng ta mơ ước một lý tưởng tốt đẹp hơn.

    Bây giờ chúng ta đi vào nội dung lịch sử tình huynh đệ, bắt đầu từ Kinh thánh.

    I. Kinh thánh: Tình huynh đệ Kitô giáo

    Chúng ta lướt qua Cựu ước và sẽ dừng lâu hơn ở Tân ước.

    A. Cựu ước

    Hai câu hỏi: Ai là người anh em? Tình huynh đệ dựa trên nền tảng nào?

    1) Cũng tương tự như bên Việt Nam, trong tiếng Do thái, các từ ‘ha  rea ám chỉ người anh em ruột (thí dụ St 4,2), hoặc anh em họ (thí dụ St 13,8; Lv 10,4), hoặc người cùng một bộ tộc (2 Sm 19, 13). Thậm chí, đôi khi bạn hữu (St 29,4), đồng bào (thí dụ: Lv 19,17-18; Đnl 15,2.12) cũng được gọi là anh em.

    2) Dù sao, tình huynh đệ này không thuần túy dựa trên tình cảm tự nhiên (cùng một dòng tộc, cùng tổ tiên) nhưng là trên một nền tảng tôn giáo. Người Do thái ý thức rằng họ thuộc về một dân tộc do Thiên Chúa tuyển chọn kể từ ông Abraham, người được nhận là tổ phụ (x. Ga 8,33-42.53.56). Ý thức của sự “thuộc về” này phát sinh ra sự phân biệt giữa những người “nội” (ở trong) và “ngoại” (ở ngoài). “Anh em” được hiểu về “phía nội”, nghĩa là những người thuộc dân tộc Israel, cần được yêu thương giúp đỡ họ. Còn đối với “ngoại kiều”, nghĩa là những dân khác (Đnl 1,16;15, 2), thì theo những quy định khác.

    3) Trong tiềm thức của nhiều dân tộc, vốn có một khuynh hướng mở rộng tình anh em, vượt lên trên tình nghĩa ruột thịt (tựa như câu tục ngữ ở nước ta: “tứ hải giai huynh đệ”), nhưng ai ai cũng biết là không phải lúc nào các anh em ruột thịt cũng yêu thương nhau. Những trang đầu của Sách Sáng thế đã ghi lại sự hiềm thù giữa hai anh em Cain và Abel, sự thù địch sinh bởi lòng ghen tương và dẫn đến sự tàn sát (St 4,9), rồi các xích mích giữa Esau và Giacob (St 25), hoặc giữa các anh với người em là Giuse, đó là chưa kể những ghen tị giữa các anh chị em của ông Mosê (Ds 12). Rồi còn phải nói gì đến cảnh phân chia dân tộc thành hai nước Israel (Bắc) và Giuđa (Nam), lôi kéo theo biết bao cảnh chiến tranh tương tàn (x.1V 12,24; Is 7,1-9)?

    Thế nhưng có lẽ chính trong bối cảnh ấy mà nảy sinh những lời khuyên răn hãy biết yêu thương người anh em, xóa bỏ sự căm giận: “Ngươi không được ghét người anh em … hãy yêu thương người thân cận” (Lv 19,17t). Không rõ ở đây phải hiểu “người anh em” theo nghĩa chặt hay nghĩa rộng. Khi đọc các ngôn sứ, ta vừa thấy những đoạn văn than van cảnh huynh đệ tương tàn, nhưng cũng có những đoạn văn ca ngợi tình huynh đệ. Thật vậy, lắm lúc ngôn sứ đau buồn vì chẳng còn tình yêu huynh đệ gì nữa (Hs 4, 2), anh em chẳng còn biết xót thương nhau (Is 9, 18 tt). Dù vậy, tuy không có gì đau khổ cho bằng bị anh em bỏ rơi (Cn 19,7; G 19, 13), nhưng người anh em thật tình thì vẫn luôn yêu thương cả khi gặp nghịch cảnh (Cn 17, 17): anh em mà gắn bó với nhau thì còn mạnh hơn thành lũy (Cn 18,19 theo bản LXX). “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1).

    B. Tân ước

    Chúng ta chỉ khảo sát ý nghĩa của danh từ “anh em” (adelphos / frater), chứ không bàn đến các đại danh từ được dịch sang tiếng Việt, bởi vì dễ gây hiểu lầm. Một thí dụ: đoạn văn Mt 23,8. Nhóm Giờ Kinh Phụng vụ: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ráp-bi, nghĩa là thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau”. LM Nguyễn Thế Thuấn: “Các ngươi chớ cho gọi mình là Rabbi, vì Thầy của các ngươi chỉ có một, còn các ngươi hết thảy là anh em”. LM An-sơn Vị: “Riêng các con, đừng muốn xưng hô là Thầy, vì các con chỉ có một Thầy mà thôi, còn các con hết thảy là anh em cả”.

    Mặt khác, cũng cần lưu ý đến sự phân biệt giữa “frater” (anh em) là danh từ cụ thể, và fraternitas (tình anh em) là danh từ trừu tượng.

    1) Trước hết, danh từ “anh em”. Trong các sách Tin mừng, có khi danh từ được hiểu theo nghĩa đen (anh em ruột thịt), chẳng hạn khi nói đến hai anh em Phêrô và Anrê (Mc 1,16; Mt 10,2), Giacobê và Gioan (Mc 1,19; 3,17; 10,35; Mt 17,1) ), hoặc hai chị em Marta và Maria (Lc 10,39; Ga 11,11) cùng với Ladarô. Trong các bài giảng của Chúa, chúng ta thấy nhắc đến nhiều đố kị xảy ra giữa các anh em, chẳng hạn như hai người anh em trong dụ ngôn về người con hoang đàng (Lc 15,11-32), hoặc hai người anh em được gọi đi làm việc vườn nho (Mt 21,28-31), hoặc các anh em sẽ làm khổ cho nhau do việc tuyên xưng Đức Kitô (Mt 10,21; Mc 1,12).

    2) Nhất là Tân ước nhiều lần hiểu danh từ “anh em” theo nghĩa bóng[5], với những nội dung khác nhau:

    [a] Tin mừng Matthêu nhiều lần sử dụng danh từ “anh em” trong các bài giảng của Đức Giêsu: bài giảng trên núi (5,22-­24.47; 7,3-5); bài giảng về cộng đoàn (18,15); bài giảng cánh chung (23,8; 25,40), kèm theo nhiều bổn phận luân lý, chẳng hạn như yêu thương, hòa giải (Mt 5,23-24), tha thứ (Mt 18,15-17).

    [b] Ở cấp thứ hai, “anh em” được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn, ám chỉ các môn đệ của Đức Giêsu, nghĩa là người “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (Mc 3,35), “người lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

    [c] Lên cao hơn nữa, đặc biệt là sau khi Đức Kitô phục sinh, các anh em được hiểu về các tín hữu thuộc về cộng đoàn Hội thánh. Trong các trình thuật về cuộc phục sinh, thánh Gioan nói đến các “anh em” theo nghĩa ấy (20,17; 21,23). Luca (22,32) ghi lại một nhiệm vụ đặc biệt mà Đức Giêsu trao cho ông Phêrô, đó là củng cố các anh em trong đức tin. Như vậy, cộng đoàn anh em được xây dựng trên nền tảng đức tin vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh.

    3) Nền tảng của tình huynh đệ Kitô giáo

    Một câu hỏi căn bản được đặt ra: dựa vào đâu mà các Kitô hữu coi nhau như anh em? Tình anh em chỉ giới hạn vào các tín hữu hay mở rộng đến tất cả mọi người?

    Có nhiều ý kiến khác nhau giữa các học giả:

    – Có ý kiến đồng hóa “anh em” (frater) với “người thân cận” (proximus)[6], cũng như “tình huynh đệ” (fraternitas) với đức ái (caritas), vì thế nó bao gồm tất cả mọi người, kể cả các kẻ thù.

    – Có ý kiến tìm cách phân biệt như sau: các “anh em” chỉ giới hạn vào những người được tái sinh nhở đức tin và phép rửa; còn “tha nhân” bao gồm tất cả mọi nhân sinh; vì thế “tình huynh đệ” giới hạn vào cộng đoàn các Kitô hữu, còn đức ái thì mang tính phổ quát. Thiết nghĩ cả hai ý kiến đều có lý bởi vì căn cứ trên bản văn Kinh thánh. Tuy nhiên, giáo sư Joseph Ratzinger, trong cuốn sách “Tinh huynh đệ Kitô giáo” xuất bản vào năm 1960[7], đã phân biệt như thế này: tình huynh đệ chỉ áp dụng cho các Kitô hữu bởi vì được đặt nền trên niềm tin vào Thiên Chúa do Đức Giêsu mặc khải; tuy vậy, một khi đã chấp nhận lời giảng của Đức Giêsu thì tình yêu của chúng ta buộc phải mở rộng đến toàn thể nhân loại, cách riêng những thành phần khốn khổ, dựa theo Mt 25,31-46. Dù sao, tác giả lưu ý rằng mặc dù người nghèo được Chúa Kitô gọi là anh em của mình, nhưng không vì thế mà họ trở thành phần tử cộng đồng huynh đệ Giáo hội. Tân ước vẫn có sự phân biệt giữa người anh em “bên trong” (1Cr 5,12-13; Cl 4,5; 1Tx 4,10-12), với những người ở “bên ngoài” [8]. Điều này cho thấy rằng có sự phân biệt giữa “anh em” và người “thân cận”, cũng như giữa “tình huynh đệ” và đức “bác ái”: cần phải thực thi bác ái đối với tất cả mọi người, còn tình huynh đệ dành riêng cho các người đồng đạo[9].

    Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta hãy tìm hiểu những nền tảng của tình huynh đệ này: nó đặt nền tảng trên đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, chứ không chỉ thuần túy dựa trên bản tính con người[10].

    [a] Nền tảng thứ nhất của tình huynh đệ là mặc khải của đức Giêsu về Thiên Chúa là cha. Tuyên ngôn này là yếu tố căn bản của tình huynh đệ Kitô giáo. Tân ước rất nhiều lần tuyên bố rằng Thiên Chúa là cha, vì thế ai tin vào Ngài thì cũng phải nhìn nhận những người khác là anh chị em của mình.

    [b] Nền tảng thứ hai là sự hiện diện của Đức Kitô. Người là lời mặc khải kế hoạch của Thiên Chúa muốn quy tụ tất cả mọi người thành một gia đình. Người là chiếc cầu nối kết nhân loại với Thiên Chúa và thực hiện công cuộc hòa giải giữa loài người với nhau (Ep 1,3-14; 2,11-22; Cl 1,12-20). Đặc biệt, thánh Phaolô gọi Đức Kitô là “trưởng tử của một đàn em” (Rm 8,29; x. Hr 2,11). Người là kẻ đi tiên phong: nhờ cuộc phục sinh, Người đã mở ra cho chúng ta con đường sống. Trước đó, Người đã dạy cho chúng ta cách thức đối xử với nhau dựa theo luật yêu thương (Mt 5,21-24.38-48; Lc 10,25-37; Ga 13,34-35…). Người còn làm gương cho chúng ta trong việc hy sinh mạng sống cho nhau (Ga 15,12-13), phục vụ lẫn nhau (Mt 20,26-28). Nhờ bí tích rửa tội, các môn đệ được tham dự vào quyền năng tử nạn và phục sinh của Người, được trở nên đồng hình đồng dạng với Người, nhờ vậy được chia sẻ điều kiện làm con Thiên Chúa và thể hiện cộng đồng huynh đệ (Gl 3,26-28).

    [c] Nền tảng thứ ba là tác động của Thánh Linh. Cũng như Đức Kitô ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28,20), thì Thánh Linh cũng ở với họ (Ga 14,16), để giúp cho họ hiểu thấu lời của Thầy (Ga 14,26; 16,13). Thánh Linh hiện diện trong tâm hồn các tín hữu, trở thành yếu tố liên kết các phần tử tuy thuộc nhiều ngôn ngữ và sắc tộc nhưng cùng tuyên xưng một đức tin, vượt lên trên sự đố kị của tháp Babel. Thánh Linh là nguyên ủy của các ân huệ khác nhau được ban cho các chi thể của Đức Kitô (1Cr 12,12-13). Thánh Linh tạo nên Giáo hội như là cộng đồng huynh đệ, bởi vì Ngài biến họ thành con cái của Chúa Cha.

    4) Hội thánh là một cộng đoàn huynh đệ

    Trên đây chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa của danh từ cụ thể “người anh em” (adelphos / frater). Bây giờ chúng ta bước sang danh từ trừu tượng “tình huynh đệ”: fraternitas. Danh từ này có thể hiểu là “tình anh em” (tình nghĩa huynh đệ) hoặc “cộng đoàn huynh đệ” (quen gọi huynh đoàn, một tổ chức có cơ cấu). Nguyên bản Hy-lạp của Tân ước sử dụng hai danh từ khác nhau, philadelphia và adelphotès. Philadelphia dùng để ám chỉ tình huynh đệ (chẳng hạn 1Tx 4,9; Rm 12,10 ; Hr 13,1; 1Pr 1,22; 2Pr 1,7), còn adelphotes dùng để gọi cộng đoàn Kitô hữu. Từ này xuất hiện hai lần ở thư thứ nhất của thánh Phêrô : 1Pr 2,17 (“Hãy yêu mến fraternitas”) [11] và 5,9 (“Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể fraternitas trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế”). Ý tưởng này còn kéo dài sang thời các giáo phụ[12]. Nói cách khác, Hội thánh là một cộng đồng huynh đệ (huynh đoàn).

    Những gì nói trên đây không chỉ là giấc mơ, nhưng đã trở thành hiện thực trong lịch sử của Kitô giáo, với những bước thăng trầm của nó. Tuy lý tưởng này không thể nào thực hiện trong toàn thể Giáo hội, nhưng vẫn có những cố gắng diễn tả lý tưởng ra thực tại, cũng như những nỗ lực khôi phục lại sau những thất bại.

    Chúng ta có thể lấy một khuôn mẫu của Hội thánh tiên khởi được mô tả trong sách Tông đồ công vụ (2,42-47): các tín hữu ở Giêrusalem họp thành cộng đoàn, được quy tụ bởi lời giảng của các tông đồ, cùng cử hành lễ nghi bẻ bánh, và họ đặt mọi tài sản làm của chung (2,44-45 // 4,32b.34.35). Không rõ cộng đoàn ấy tồn tại được bao lâu. Tác giả đã không giấu diếm những khó khăn trong nội bộ (thí dụ 5,1-11; 6,1), cộng thêm những cuộc bách hại từ bên ngoài (4,1-31; 5,17-42). Tuy vậy, cộng đoàn ấy đã trở thành lý tưởng của nhiều phong trào cách mạng xã hội, dù thuộc Kitô giáo hay không, mong muốn cho mọi người sống tình huynh đệ với nhau, cách riêng không để cho ai phải túng thiếu phương tiện sinh sống. Dù biết rằng mẫu gương ấy khó trở thành thực tại lâu bền nhưng không vì thế mà nó biến khỏi tâm thức tập thể. Một hình thức cụ thể để sống lý tưởng huynh đệ là các cộng đồng tu trì, họ muốn bắt chước nếp sống các thánh tông đồ vita apostolica. Chúng ta chuyển sang phần thứ hai.

    II. Các Dòng tu và tình huynh đệ

    Theo các sử gia, đời tu trì Kitô giáo được khai mạc với các ẩn sĩ bên Ai cập. Thế nhưng đời sống cộng đoàn cũng sớm thành hình giữa các đan sĩ, và các từ ngữ liên quan đến tình huynh đệ đã xuất hiện khá thường xuyên trong các bản luật. Tuy nhiên, có nhiều mô hình khác nhau trong nếp sống huynh đệ.

    1) Trong bản luật của thánh Pacomiô (k. 290-346), người ta đã thấy các phẩn tử được gọi là “anh em”. Bản luật thánh Basiliô (330-379) gọi các đan sĩ là “anh em”, và giải thích lý do, đó là bởi vì “họ có chung nhau cùng một mục tiêu và các lý tưởng”; cộng đồng của họ được gọi là “huynh đoàn” bởi vì họ chia sẻ một nếp sống, đặt tài sản làm của chung, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau cách bền chặt, không ai bị khước từ tình huynh đệ; kể cả người phạm pháp vẫn được đối xử như anh em. Một cách tương tự như vậy, các nữ tu được gọi là “chị em”, một thuật ngữ được phổ biến nhờ thánh Cêsareô de Arles (470-542/43) qua bản luật viết cho một đan viện các nữ tu.

    2) Thánh Augustinô lấy cộng đoàn tiên khởi Giêrusalem làm khuôn mẫu cho đan viện, và mặc dù danh từ “anh em” ít được sử dụng trong bản luật, nhưng thực chất phản ánh tình huynh đệ mà bản luật muốn diễn tả. Sống như anh em có nghĩa là vượt qua những sự phân biệt giữa người giàu với người nghèo; sống tình anh em có nghĩa là chăm sóc lẫn nhau và sửa bảo huynh đệ; sống tình anh em đòi hỏi sự chia sẻ tài sản.

    3) Trong bản luật thánh Biển Đức (k. 480-547), danh từ “anh em” ám chỉ các đan sĩ, được vị sáng lập dùng khi gọi ở ngôi thứ hai. Đan sĩ được nhận là anh em kể từ lúc khởi đầu đời đan tu, nghĩa là tập sinh, và dù phần tử có phạm lỗi thì vẫn được coi là anh em. Một đặc tính của đời đan tu Biển Đức là tên gọi “abbas” (gốc từ Đông phương có nghĩa là cha) dành cho bề trên; lý do là vì ngài thay mặt Đức Kitô, dựa trên lời thánh Phaolô “Anh em đã nhận được tình thần nghĩa tử khiến chúng ta thốt lên: Abba, cha ơi” (Rm 8,15). Quyền bính của viện phụ gồm cả chiều kích pháp lý và kỷ luật, nhưng tiên vàn ngài là người điều hành, hướng dẫn tâm linh. Viện phụ giữ vai trò của người cha; các đan sĩ là anh em với nhau bởi vì tất cả có một người cha chung.

    4) Các dòng hành khất ra đời vào thế kỷ XIII (tiêu biểu nơi thánh Đa Minh và thánh Phan Sinh) có một quan điểm khác về quyền bính cũng như về tương quan chiều ngang. Người đứng đầu cộng đoàn được gọi là “prior”, anh trưởng giữa các anh em (chứ không phải là “cha” như trước); còn các phần tử gọi nhau là “fratres”. Anh trưởng và các anh em cùng thảo luận và quyết định những chuyện quan trọng. Hơn thế nữa, tình huynh đệ này còn muốn mở rộng ra bên ngoài cộng đoàn, hướng đến xã hội. Đề tài về tình huynh đệ trong các bản văn của thánh Phanxicô Assisi đã gợi ý cho Đức Thánh Cha viết hai thông điệp Laudato si và Fratelli tutti. Thánh nhân đi đến với các tín đồ Hồi giáo như là các anh em; hơn thế nữa, ngài coi vạn vật cũng là anh chị em: Anh Mặt trời, Chị Mặt trăng, vv. Riêng đối với dòng Đa Minh, chúng ta nên ghi nhận vài đặc điểm sau đây

    a) Tên chính thức là fratres praedicatores như ta đọc thấy trong sắc lệnh Gratiarum omnium largitori của ĐTC Honorio III (ngày 21/1/1217). Thuật ngữ fratres ordinis praedicatorum xuất hiện trong thư giới thiệu Dòng với hàng giám mục thế giới (ngày 11/2/1218).

    b) Tình huynh đệ không chỉ giới hạn vào tương quan giữa anh em với nhau. Mục tiêu của Dòng là loan báo Tin mừng cho muôn dân. Nhưng đời sống huynh đệ là bài giảng hùng hồn nhất về sự hòa giải thế giới.

    c) Fraternitas không ám chỉ một tâm tình mà thôi nhưng còn bao hàm một cơ chế tổ chức[13], nhờ đó bảo đảm trật tự ổn định cũng như sự tham gia của tất cả các phần tử vào công tác chung. Thánh Đa Minh muốn anh em tuyên khấn sống cộng đoàn và vâng phục[14].

    5) Thời giờ ngắn ngủi cho phép chú giải các đoạn văn về tình huynh đệ[15]. Tuy nhiên, không thể bỏ qua một hiện tượng đáng tiếc đã xảy ra trong các dòng tu, đó là dần dần, từ “fratres” ám chỉ các tu sĩ không linh mục (một tục lệ đã có trước đây trong các dòng đan tu: fratres conversi), đối lại với “patres[16]. Nói cách khác, danh từ fratres đã bị thu hẹp lại, không còn bao gồm tất cả các tu sĩ nữa[17]. Nhân tiện, nên ôn lại tiếng Việt cho khỏi quên: ngày nay các tu sĩ không linh mục được gọi là “tu huynh” (hay “sư huynh”), còn trước đây gọi là “thầy”. Tại sao gọi là “thầy”? Thưa rằng vì đó là ngôn ngữ “nhà chùa” được du nhập vào tổ chức “Nhà Chúa” (hay nhà Đức Chúa Trời): “thầy” tương đương với “các sư”. Vào thời cha Đắc Lộ, các thầy sẽ lên làm “thầy cả” chứ không làm “cha”, bởi vì cha thì ở dưới thầy, dựa theo hệ trật “quân-sư-phụ”.

    Chúng ta chuyển qua phần thứ ba của buổi thuyết trình.

     

    III. Tình huynh đệ đại đồng, dấu chỉ thời đại

    1) Tình huynh đệ đại đồng

    Vào thời cận đại, nảy lên nhiều học thuyết về tình huynh đệ đại đồng tại Âu châu, mặc dù chịu ảnh hưởng rõ rệt của Kitô giáo, nhưng dẫn đến những kết luận trái ngược với quan điểm Kitô giáo. Sự khác biệt quan trọng nhất ở chỗ Thiên Chúa đã bị cắt đứt khỏi thế giới loài người, do đó cần phải tìm những nền tảng mới cho tình huynh đệ. Điều này rõ rệt nơi khẩu hiệu của cách mạng Pháp năm 1789 “Tự do, bình đẳng, huynh đệ” (Liberté, égalité, fraternité). Trước đây, triết học Kitô giáo tìm chìa khóa giải quyết những vấn đề nhân sinh ở nơi Thiên Chúa. Phong trào Khai sáng không muốn ngước mắt nhin lên trời nữa, nhưng tìm chìa khóa ở nơi chính bản tính con người. Lý tưởng của họ là tìm ra một nền luân lý phổ quát, xóa bỏ hết mọi hàng rào phân biệt các chủng tộc, phái tính.

    Làm thế nào thực hiện lý tưởng ấy ? Có người đưa ra nhận xét rằng : nếu ai cảm thấy bị xúc phạm đến tự do và bình đẳng thì có thể kiện ra tòa án, chứ nếu bị xúc phạm đến huynh đệ thì đành bó tay ! Trên thực tế, các phong trào cách mạng vận dụng đến vũ lực nhằm san bằng những phân chia giai cấp, và kết quả là tình huynh đệ chỉ giới hạn vào vòng những người thuộc cùng giai cấp vô sản, và loại trừ các thành phần khác, như ta thấy nơi chủ trương của học thuyết Marx. Chủ trương « huynh đệ đại đồng » vô tình lại tạo nên sự phân chia giữa « bạn » và « thù ». Chúng ta cũng đừng quên một sự khó khăn đã được đặt ra cho lịch sử đảng cộng sản Việt Nam vào giữa thế kỷ XX: liệu cuộc xây dựng một chủ nghĩa vô sản quốc tế có đi ngược lại quyết tâm giành độc lập cho dân tộc, chống lại quân thực dân không ?

    Dù sao, một điều không thể phủ nhận là những học thuyết về huynh đệ đại đồng bắt nguồn từ Kitô giáo, dựa trên nguyên tắc là « mọi người đều là anh em bởi vì tất cả đều có một cha chung », hoặc « bởi vì tất cả đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa ». Mặt khác, lý tưởng của một cộng đồng những người đặt hết mọi tài sản làm của chung được gợi hứng từ sách Tông đồ công vụ, và được khai triển nơi các cộng đoàn dòng tu. Duy có điều là triết học cận đại muốn cắt đứt mọi tương quan với Thiên Chúa : theo họ, bao lâu còn Thiên Chúa thì con người mất tự do, thiếu trưởng thành.

    2) Huấn quyền cận đại : Vaticanô II

    Ra như bắt mạch được khát vọng ấy, tư tưởng về tình huynh đệ đã tái xuất hiện trong các văn kiện của Huấn quyền. Trong các văn kiện của công đồng Vaticanô II, danh từ fraternitas xuất hiện 26 lần, và danh từ frater được dùng 105 lần, bàn đến tình huynh đệ ở trong Giáo hội cũng như tình huynh đệ phổ quát. Trong hiến chế Gaudium et spes, công đồng khẳng định rằng tình huynh đệ giữa mọi người thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo là điều mà Thiên Chúa mong muốn (x. Ep 1,10): quả thực Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người trở thành một gia đình và đối xử với nhau như anh chị em (GS 24; 92) . Tình huynh đệ phổ quát đặt nền tảng trên chân lý về Thiên Chúa là cha của hết mọi người. Chỉ khi con người cư xử với nhau như anh chị em thì họ mới thực hiện ơn gọi của mình (GS số 23). Chúng ta không thể nào kêu cầu Thiên Chúa là cha của hết mọi người, nếu chúng ta không đối xứ với những người khác như là anh em, lý do là vì họ được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài (NA 5).

    Như vậy, tình huynh đệ không còn giới hạn trong khuôn khổ của một cộng đoàn tu sĩ nhưng mở rộng đến toàn thể Giáo hội và toàn thể nhân loại, Giáo hội phải là bí tích (LG 9. 48; GS 45), nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ phục vụ tình huynh đệ phổ quát.

    3) Đức Thánh Cha Phanxicô

    Như đã nói ở đầu, hai thông điệp của đương kim Giáo hoàng được gợi hứng từ thánh Phanxicô Assisi về tình huynh đệ với vạn vật và tình huynh đệ phổ quát. Thực ra, tư tưởng này đã được phát biểu ngay từ những văn kiện đầu tiên của triều đại, cụ thể là trong tông huấn “Evangelii gaudium” (24/11/2013) và Sứ điệp ngày hòa bình thế giới năm 2014 với đề tài “Tình huynh đệ: nền tảng và đường dẫn đến hoà bình” (12/12/2013). Ngài ngỏ lời với tất cả mọi người thiện chí, và thông điệp Fratelli tutti trích dẫn cách riêng văn kiện về tình huynh đệ nhân loại ký chung với Đại Imam Al-Alzahar Ahmad Al-Tayyeb (ở Abu Dhabi ngày 4/2/2019). Hẳn có người cho rằng tư tưởng này là một ảo mộng thuần túy! Có thể là như vậy, nhưng tôi chỉ xin đưa ra một nhận xét nho nhỏ để kết thúc bài nói chuyện hôm nay. Trong tông huấn Evangelii gaudium, ngài đã sử dụng thuật ngữ “huyền bí tình huynh đệ” (mistica della fraternità) hoặc “tình huynh đệ huyền bí” (fratellanza mistica) ở các số 87; 92; 272. Tiếc rằng các bản dịch tiếng Việt không nắm bắt được sự thâm thúy của cụm từ này. Đây là một ngôn ngữ thuộc linh đạo Dòng Tên[18]. Nên biết là trường phái tâm linh Dòng Tên rất dị ứng với khuynh hướng huyền bí (hay thần bí: mystique), nhưng ĐTC Phanxicô lại thuộc về nhóm thiểu số bị nghi ngờ ấy (tiêu biểu nơi các cha Pierre Favre, Louis Lallemant, Jean-Joseph Surin)[19]. Phải hiểu “huyền bí tình huynh đệ” như thế nào? Ở số 87, tác giả viết: “Huyền bí của cuộc sống chung là kết thân và gặp gỡ, là mở rộng vòng tay thân ái đón nhận nhau và nương tựa vào nhau, là bước vào con nước ngập tràn, tuy hỗn loạn, để có thể thực sự trải nghiệm tình huynh đệ, đồng hội đồng thuyền, cuộc hành hương thánh”. Tình huynh đệ nói đây không phải là một cảm xúc tự nhiên, nhưng bắt nguồn từ đức tin chân thật vào Con Thiên Chúa nhập thể, từ đó chúng ta được thúc đẩy gặp gỡ tha nhân với những nỗi đau khổ và những cầu xin của họ, với niềm vui của họ (số 88). Số 91 nói thêm: “Chúng ta cần học tìm gặp Chúa Giêsu ở khuôn mặt của người khác, ở nơi tiếng nói của họ, ở nơi những lời cầu xin của họ. Và học chịu đau khổ trong vòng tay của Đức Giêsu chịu đóng đinh mỗi khi chúng ta bị đả kích một cách bất công hay gặp phải sự vô ơn bội nghĩa, mà không bao giờ chán nãn vì đã lựa chọn sống tình huynh đệ. […] Tông huấn kết luận ở số 92: Đây là một tình huynh đệ huyền bí, một tình huynh đệ chiêm niệm. Chính tình yêu huynh đệ giúp chúng ta thấy sự cao cả linh thánh của người thân cận, gặp thấy Thiên Chúa ở nơi mỗi con người, dung thứ những phiền toái của cuộc sống chung bằng cách bám chặt vào tình yêu Thiên Chúa, mở rộng tấm lòng và tìm kiếm hạnh phúc cho tha nhân như Cha trên trời làm!

    Nói cách khác, tình huynh đệ đại đồng đòi hỏi một cái nhìn của đức tin, nhận ra Đức Kito hiện diện nơi người anh chị em, cách riêng những người bị xã hội bỏ rơi. Như đã nói ở đầu, bài này tập trung vào khía cạnh lịch sử, chứ không đi vào khía cạnh huấn đức (làm thế nào sống tình huynh đệ). Để kết thúc, tôi chỉ xin đưa ra một đề nghị cụ thể vì muốn trung thành với lịch sử. Dòng chúng ta được gọi là Ordo fratrum predicatorum, dịch là “Dòng anh em giảng thuyết” là đúng. Nhưng trong các văn bản chính thức, chúng ta lúng túng không biết phải dịch frater như thế nào. Xin trưng một thí dụ cụ thể: bản dịch Công vụ tổng hội Biên hòa. Ngay từ trang bìa, chúng ta đọc thấy “Tu sĩ Gerard Timoner bề trên tổng quyền”, và đặc biệt ở trang 8, khi nói đến thành phần tham dự, chúng ta thấy vị chủ tọa là Ts Timoner, còn danh tánh các vị khác không dịch thì để là Fr (Nên biết đây là viết tắt của Frater tiếng Latinh, chứ không phải là Father tiếng Anh). Tại sao chúng ta không dám dịch frater là Anh? Khi mở mạng internet của Tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam, chúng ta sẽ thường xuyên gặp thấy các từ: “Anh Tổng phục vụ, Anh Giám tỉnh”; còn công thức khấn dòng là: “Trong tay Anh X, tôi khấn cùng Thiên Chúa toàn năng”.

    Ở cuối số 101 của Tông huấn Evangelii gaudium, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi: “Chúng ta đừng để đánh cắp lý tưởng tình yêu huynh đệ”. Tôi chỉ xin dùng một lời nhỏ nhẹ hơn, nhại lại lời một bài ca của Phạm Duy đã nghe từ hồi còn làm sinh viên: “Trả lại cho em khung trời huynh đệ” . Xin cám ơn anh chị em.

     ———————————-

    [1] Chương 15, “Di chúc thánh Đa Minh”, Học viện Đa Minh 2016, trang 226-239.

    [2] R. Creytens, Le testament de S. Dominique, in: Archivum Fratrum Praedicatorum 43(1973) 29-72.

    [3] B. Cadoré, La sainteté de Dominique, lumière pour l’Ordre des Prêcheurs.- The holiness of Dominic, a light for the Order of Preachers (Prot. 50/18/480).

    [4] Luigi Canetti, “Intorno all’ idolo delle origini’. La storia dei primi frati Predicatori”in: I frati predicatori nel Duecento , a cura di G. G. Merlo, Verona 1996, pp. 9-51.

    [5] Trong các thư của thánh Phaolô, hầu hết các lần xuất hiện (133 lần trong tổng số 343 lần của Tân ước), danh từ “anh em” được hiểu theo nghĩa tinh thần[5], tức là các phần tử của “Hội thánh của Thiên Chúa” (Một vài đoạn ám chỉ anh em theo nghĩa cốt nhục: Gl 1,19; 1Cr 9,5; Rm 16,15).

    [6] U. Falkenroth, “Fratello, prossimo”, in: Dizionario dei concetti biblici del Nuovo Testamento (a cura di L.Coenen) EDB Bologna 1976, p.731-736.

    [7] Joseph Ratzinger, La fraternidad de los cristianos, Sigueme Salamanca 2004 (nguyên tác tiếng Đức : Die christliche Brüder, xuất bản năm 1960), trang 49-56.

    [8] Tác giả cũng lưu ý là thánh Gioan (sách Tin mừng và các thư) nói đến mệnh lệnh yêu thương anh em, nghĩa là giữa các môn đệ với nhau, chứ không đề cập đến các nhân sinh trên thế giới. Cũng nên biết tác giả chỉ dùng từ anh em theo nghĩa bóng 2 lần trong Tin mừng (20,17; 21,23).

    [9] Một thí dụ: “Chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,10).

    [10] Luigi De Candido, “Fraternità” in: Nuovo Dizionario di Spiritualità, Paoline, Roma 1982, 674-688.

    [11] Bản dịch của Nhóm GKPV dịch là: “Hãy yêu thương anh em” (1Pr 2,17); và “toàn thể anh em” (5,19)

    [12] Thí dụ: thánh Clêmentê giáo hoàng ( Ep. Ad Corinthios 2,4), Thánh Irênê (Adv. Haereses II,31,2), nhất là thánh Cyprianô (60 lần). X. Michel Dujarier : L’Eglise-Fraternité. I : “Les origines de l’expression “adelphotès – fraternitas” aux trois premiers siècles du christianisme”, Cerf, Paris, 1991.

    [13] Chúng ta hãy đối chiếu với dòng Phan-sinh thì sẽ rõ. Danh hiệu chính thức là fratres minores. Khi mới thành hình, nhóm mang tên là fraternitas, sau đó mới trở thành religio và cuối cùng là Ordo. X. Julio Micó, OFM Cap. Temas básicos de espiritualidad franciscana (cap. V: La fraternidad franciscana), Valencia 1998. http://www.franciscanos.org/temas/micotemas05.htm

    [14] Primae constitutiones, Dist. I, ca.14. cf. Liber Constitutionum et Ordinationum O.P., n.17 §1.

    [15] Trong lá thư gửi cho Dòng mang tựa đề “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (You are all brothers) (8/8/2009), Anh Carlos A. Aspiroz đã sưu tập các văn kiện của các Tổng hội và các Tổng quyền từ sau 1975 liên quan đến đời sống huynh đệ và cộng đoàn như sau. Quezon City (1977), chương IV – De vita nostra religiosa in mundo hodiernoWalberberg (1980) Caput IV – De vita nostra religiosa in munho hodierno, Caput V – De Vita CommuniRôma (1983) Caput XIII – De gubernio et vita religiosaAvila (1986) Caput VII – De vita religiosaOakland (1989) Caput II – De vita communi; Mexico (1992) Caput III – De vita communiCaleruega (1995) Caput III – De vita fraternal; Bologna (1998) Caput III – De formation et vita communiProvidence (2001) Caput IV – De vita contemplativa-de vita communiKrakow (2004) Caput IV-De vita communiBogota (2007) Caput IV-Lòng cảm thương đối với đời sống Đa Minh – Đời sống Anh EmDamian Byrne, Thư về đời sống chung (25/11/1989); Timothy RadcliffeThư Lời cam kết suốt đời (25/02/1998); Carlos A. Azpiroz CostaThư Tất cả anh em là anh em với nhau (08/08/2009). Ta cũng có thể thêm: Tổng hội Biên Hòa (2019), chương Ba. Bruno Cadoré, Thư về kế hoạch của tu viện (21/9/2015). Trong các văn kiện của Tòa Thánh, cần nhắc tới Huấn thị của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn (02/02/1994).

    [16] Xc. Phan Tấn Thành, Giới thiệu văn kiện Căn tính và Sứ mạng của Tu huynh trong Giáo hội của Bộ Đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ (phát hành ngày 4/10/2015), ở địa chỉ https://catechesis.net/4978-2/ . Nên biết là Bộ Đời sống thánh hiến cũng đã phát hành văn kiện “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” ngày 2/2/1994.

    [17] Đó là lý do mà có sự phân biệt trong tiếng Anh giữa friars và (lay)brother, hoặc tiếng Tây-ban-nha, giữa frailes và hermanos (cũng như tiếng Ý giữa frati và fratelli).

    [18] Christoph Theobald S.J., Mistica della fraternità. Lo stile nuovo della Chiesa e della teologia nei documenti programmatici del pontificato, in: Il Regno – attualità n.9 / 2015 (581-588).

    [19] Michel de Certeau S.J., La fable mystique Gallimard, Paris 1982.

    Nguồn tin: https://catechesis.net

    Bài viết liên quan